Đến chùa với Chánh Niệm

*Đọc 7 phút*

(Photo: Tâm Không Vĩnh Hữu)

Bài TÂM KHÔNG VĨNH HỮU

Đến, vào rồi ra khỏi trên 100 ngôi già lam thánh chúng trong tỉnh, tôi đều gặp thuận duyên.

Thuận, có nhiều kiểu thuận khác nhau. Nếu đến các ngôi chùa mình đã từng thường lui tới, xem là “chùa nhà” (như Hải Ấn Ni Tự, Kỳ Viên Trung Nghĩa, Sắc Tứ Kim Sơn…) thì đương nhiên là quá thuận rồi. Đến các ngôi chùa với tờ giấy giới thiệu của Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội, tờ giấy có con dấu đỏ như giấy thông hành, như “bùa hộ mệnh,” khi trình ra là được đón tiếp cho dù là niềm nở và cởi mở hay thận trọng và nghi ngại, thì rốt cuộc cũng là được thuận lợi, nhiệm vụ hoàn thành. Đến những ngôi chùa được các vị trụ trì có nhã ý mời tham dự lễ lạt thì dĩ nhiên không có gì là chướng ngại, là rào cản. Có nhiều chùa tôi thuận duyên đến mà không được gặp vị trụ trì, phải lần thứ hai, thứ ba mới được yết kiến, nhưng đó cũng là thuận, là chưa đúng thời điểm, chưa hội đủ duyên lành chứ không phải nghịch duyên, chướng duyên.

Đến chùa với từng bước chân Chánh Niệm. Chà, nghe nói đến Chánh Niệm nhiều lắm rồi, nghe thì hiểu đó, biết đó, thuộc làu đó, mở miệng nói ra thì dễ lắm đó, nhưng thực hành Chánh Niệm mới là… quá khó. Học được rồi thì phải tu, tu được rồi phải tập. Tu học và tu tập bất cứ lúc nào và trong suốt thời gian dài, huân tập, chứ không phải học rồi nói như con vẹt thú cưng, lý thuyết suông.

Khi đến trước cổng tam quan của bất cứ ngôi chùa nào, dừng xe, xuống xe, đứng yên lặng ngắm cảnh trước mắt, tôi mới bắt đầu Niệm. Tâm Niệm chứ không phải Khẩu Niệm.

Niệm phải được hiểu là Chánh Niệm, nghĩa là duy trì ý niệm một cách đúng đắn, chân chính. Nếu cũng là “duy trì, nắm giữ” mà ý niệm lại xấu ác, bất thiện, mưu cầu lợi lạc… thì đó là Tà Niệm.

Niệm chính là nắm giữ, duy trì được Tâm Niệm ở ngay trong thời điểm hiện tại, ngay vào lúc này, không phải là quá khứ-hôm qua-hồi nãy, cũng không phải là tương lai-ngày mai-lát nữa.

(Photo: Tâm Không Vĩnh Hữu)

Tôi đi qua cổng tam quan, vào đến sân chùa, bắt đầu “đi êm, bước khẽ, im lặng” và Chánh Niệm theo từng hơi thở. Trước khi đưa máy lên chụp tôn tượng gì, cảnh sắc gì, hay hiện vật gì tôi đều chiêm bái, chiêm ngưỡng, ngắm nghía đo đong ánh sáng trong lúc niệm đức hiệu Phật rồi mới bấm máy.

Thực hành Chánh Niệm tỉnh giác thấy vậy mà khó lắm. Sẽ dễ dàng hơn khi mình tu tập trong một đạo tràng, một khóa lễ, một tập thể đang thực hành Chánh Niệm ở khoá tu.

Còn khi chỉ có mỗi một mình, cô thân độc mã đường xa đường dài, chỉ có mình biết mình và hiểu mình có Chánh Niệm hay Tà Niệm, tưởng là dễ ợt dễ òm, dễ “nắm giữ và duy trì ý tâm chân chính đúng đắn,” nhưng lỡ mà bất thình lình đụng chuyện, bất ngờ va chạm, đột ngột đương đầu, đột xuất tiếp chiêu… liệu mình có giữ gìn và duy trì được của báu nhiệm mầu trong Tâm mình hay không?

Tôi vào đến ngôi chùa đó, cổng ngõ mở toang, nhưng trong ngoài trước sau im ắng không thấy bóng dáng một ai. Cứ từng bước khẽ, từng hơi thở nhẹ nhàng, mật niệm, tôi cứ vậy mà vãng cảnh, một máy đeo cổ thòng trước ngực và một máy cầm trên tay phải để ghi hình lưu ảnh, nắng quá thì tìm bóng mát tàn cây mà bước vào nương nấp vài mươi giây rồi khẽ bước tiếp qua trái, qua phải, vào giữa sân, vào sâu thêm trong vòng tay dang đón của chốn già lam lan nhã thanh tịnh hiền hoà…

Tôi nghe thấy tiếng “lọc cọc lạch cạch” ở phía Tổ Đường, nhìn sang thì thấy một đạo hữu đang loay hoay với cái thùng nhựa xả nước và cây lau nhà. Đạo hữu đã lớn tuổi, mặc bộ đồ màu lam, vóc dáng nhỏ thó và gầy guộc, đang tập trung với công việc lau chùi chốn thiêng liêng. Tôi đứng yên, cách chỗ đạo hữu khoảng mười bước chân, cất tiếng:

“Nam mô Phật!”

Đạo hữu đó chỉ ngước nhìn tôi với một tích tắc, ném ánh mắt bay nhanh như điện xẹt, rồi cúi mặt tiếp tục xả cây lau nhà.

“Cô ơi… quý Thầy đi vắng hết rồi hở Cô?”

“Hỏi cái gì?”

“Dạ, hỏi quý Thầy đó Cô!”

“Thầy, thầy, thầy cái gì?! Hỏi làm gì? Phiền phức quá!”

Tôi ngẩn ngơ chút xíu, mỉm cười, khẽ bước lại phía Tổ Đường. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản lúc đó: “Chắc cô ta đang gặp chuyện phiền não, bực bội chưa giải tỏa được cho nhẹ lòng, và chắc mình đang gây phiền não cho cô ta rồi!”

(Photo: Tâm Không Vĩnh Hữu)

Tôi đứng trước sân dưới thềm Tổ Đường đang mở toang cả ba cánh cửa. Nam mô Phật, con đã đi và đã đến rồi đây ạ!

“Nè nè nè, nhà Tổ tui mới lau chùi sạch sẽ rồi đó nghen, đừng có bước lên thềm đó!”

Giọng cô ta thật gắt gỏng, nghiêm nghị.

“Nam mô Phật! Dạ, cho em vào lạy chư Tổ…”

“Không! Tổ gì mà Tổ. Tui mới vừa lau chùi sạch bong mà đòi bước vô hả?”

Tôi chưa kịp nói gì thì cô ta tiếp với giọng gay gắt chói tai:

“Bước vô mang bụi vô theo hả? Tui nói rồi đó nghen, đừng có bước vô đó đó!”

Tôi lặng im, vẫn đứng nơi sân nắng chói chan trước thềm Tổ Đường. Tâm như mặt hồ nước phẳng lặng. Một cơn gió chướng vừa thổi qua lay động mặt hồ, rồi gió đã đi qua, mặt nước trở về yên tĩnh dưới nắng. Đứng nơi đó, tôi dùng máy gắn ống kính tele để chụp ba bàn thờ chư Tổ, vẫn thấy rõ được các linh ảnh và bài vị trên ban thờ. Chụp xong, tôi xá ba xá rồi tiến ra sân nắng chói chan để đến điện Quán Thế Âm, vì nghĩ rất nhanh rằng “Tổ Đường mà mình còn chưa được mang bụi vô thì đừng có mơ nghĩ đến chuyện lên Chánh Điện lạy Phật!” Các cánh cửa gỗ dầy và đen bóng của ngôi bửu điện đều đã đóng kín mít lặng im như vách tường thành kiên cố.

Bụi ư? Ừ thì đúng rồi. Thân mình là cát bụi hoá kiếp mà. Mình đã luôn nhớ mình không là gì trên cuộc trần huyễn mộng này, mình mong manh và bé xíu lắm. Đã là thân hạt bụi mà còn mang bụi bẩn ô nhiễm từ ngoài đường theo nữa, hỏi sao không bị can ngăn, cấm cản?

Trước khi bước qua cổng tam quan của bất ứ ngôi già lam nào để vào bên trong khuôn viên, mình đã trút bỏ học vị, danh xưng, kiến thức và tài năng xuống hết dưới đất sau lưng rồi, chỉ còn là một hạt bụi vô danh, không còn là gì hết ngoài tín tâm phụng sự của một người con Phật thuần thành.

Mình phải tỉnh giác, quay về tự xét lấy mình, xem mình có mang tâm ô uể, ý ô trược nào theo khi vào đến chốn tôn nghiêm hay không, mà như bị “đuổi” đi nơi khác vậy?

Vừa đến trước Điện Quán Thế Âm, chợt nghe giọng gắt gỏng của cô đạo hữu vọng đến tai:

“Chỗ thềm điện đó tui cũng mới lau chùi xong đó nghen. Đừng có bước lên!”

“Nam mô Phật! Em chỉ đứng ở chỗ này thôi…”

“Chỗ đó cũng mới lau, chỗ nào tui cũng mới lau chùi sạch sẽ hết rồi!”

Tôi cúi nhìn dưới chân mình. Mình đang đứng trên thềm gạch bông thấp nhất trước điện Bồ Tát. Thôi thì bước lui lại, xuống dưới sân, niệm danh hiệu Quán Thế Âm, rồi ghi hình.

Sau đó, tôi khẽ bước qua vườn phía bên kia để lạy Tháp Tổ khai sơn, ghi hình cây hương cổ thụ và bụi tre mạnh tông già. Tôi ngồi xuống ghế đá, hút thuốc, quán xét thân tâm dưới bóng mát cây hương, nghĩ về cuộc gặp gỡ chớp nhoáng vừa rồi mà mỉm cười một mình.

Mình là Phật-tử phát tâm “phụng đạo,” giốc lòng vì Phật pháp. Còn cô ấy là “hộ pháp hộ tự,” giốc lòng giốc sức vì Tam Bảo. Nhiệm vụ có khác nhau chi lắm đâu?

Trường hợp cô ta chỉ là một Phật tử bình thường như mình, do đã lớn tuổi rồi, chắc là trạc bằng tuổi mình hoặc lớn hơn chút ít, vốn là người dân quê ngoại ô chân chất cục mịch, lại gầy gò ốm yếu có thể thân đang mang bệnh tật cũng như mình, mà cứ ráng sức làm lụng, cố gắng vận động nên dễ sinh cau có bực dọc, vậy thì mình càng phải yêu thương và sẵn sàng bao dung tha thứ, không nên bắt bẻ lỗi phải đúng sai, ghim gút để bụng, chấp nhặt làm gì. Đó là chánh niệm về Từ Bi.

Bất chợt, tôi nhớ đến bài Thiền kệ “Quét Dọn Sân Chùa”:

Cần tảo già lam địa
Thời thời phước huệ sanh
Tuy vô tân khách chí
Diệc hữu thánh nhân hành.
(Siêng năng quét dọn chùa
Phước huệ sẽ sinh ra
Tuy khách không thấy đến
Thánh nhân vẫn lại qua)

Ừ nhỉ, biết đâu Cô ta, đạo hữu lau chùi bảo điện, là một ngài Hộ Pháp, A-la-hán, Thánh Nhân… đang thử Tâm mình, muốn thấy biết cái ông khách lạ từ phố thị vào chùa chụp hình là tà hay chánh?! Dám lắm đó, chứ không thì sao mình lại “bị đuổi như đuổi tà”?

Nam mô Phật! Con xin xá ba xá cảm niệm ân đức nhắc nhở chỉ giáo, con xin quay trở về và xin hẹn vào một ngày thuận duyên khác, ngày đó phải là ngày được Phước duyên ạ!

Trên đường về nhà tôi cứ tủm tỉm cười, cười vì mừng và vui cho mình đã giữ gìn và duy trì được Tâm niệm!

(Photo: Tâm Không Vĩnh Hữu)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *