Bài NGUYÊN GIÁC
Trong nhà Phật, lời nguyện là một phần có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng, và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền Tông, chúng ta thường nghe tới Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận. Trong các chùa Tịnh Độ, các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư đều ghi những lời nguyện lớn của các vị Phật tương ưng. Tới đây, chúng ta có thể gặp một câu hỏi, rằng có lời nguyện nào sẽ thích hợp cho kiếp này thôi. Bởi vì, có những vị tuổi thọ chỉ còn chừng vài năm nữa là sẽ qua kiếp khác. Và Đức Phật đã dạy những gì cho lời nguyện trong một kiếp ngắn hạn này?
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt giữa “tham” (ambition) và “nguyện” (aspiration). Cả hai đều là “muốn” nhưng “muốn cho tôi” hiển nhiên khác với “muốn cho người khác” và cũng khác với “muốn gỡ bỏ cái chấp là tôi” trong thân tâm này. Tham là muốn thêm gánh nặng. Nguyện là muốn gỡ bỏ gánh nặng. Lúc đó, nguyện phải đi với hạnh. Chữ “hạnh nguyện” có ý nghĩa là, khi nhận ra nguyện là ước muốn xa lìa khổ, thì sẽ thấy cần phải tu học lời Phật dạy mới thành tựu lời nguyện được, và suy nghĩ như thế là chính tư duy. Trong khi đó, lòng “tham” sẽ đi ngược với lời Phật dạy, tức là tà tư duy.
Tới đây, bạn thử hình dung rằng, khi bước vào một ngôi làng của những người Bà La Môn (và các tôn giáo khác), chúng ta nên nói gì để hoằng pháp? Chúng ta đang sống trong thời kỳ thánh chiến, bom đạn khắp trời ở Trung Đông, hiển nhiên bản thân không đủ oai lực để vào giữa ngôi làng dị giáo để thuyết pháp. Vậy thì, thời rất xa xưa, Đức Phật đã nói gì? Xin bạn hãy nhớ rằng, thời Đức Phật hoằng pháp, chưa hề có mô hình Đạo Phật như chúng ta thấy bây giờ. Lúc đó, chỉ có các tu sĩ và cư sĩ tu theo Bát Chánh Đạo do Đức Phật tuyên thuyết và ngoài ra là những người ngoại.
Lúc đó, bước vào giữa ngôi làng của những người gia chủ Bà La Môn, Đức Phật chỉ nói đơn giản là hãy phát nguyện, hãy giữ hạnh nguyện xa lìa lậu hoặc và hãy “chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!” Đức Phật đã dạy như thế với các gia chủ Bà La Môn, những người chưa từng quy y và chưa biết gì về Chánh Pháp.
Đó là Kinh Trung Bộ MN 41, ghi theo bản dịch của Thầy Minh Châu, “Một thời Thế Tôn đang du hành trong nước Kosala (Kiều tất la) cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Sāla… các gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên những lời chào đón, thân hữu xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số chấp tay vái Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên tên họ của mình trước mặt Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số giữ im lặng rồi ngồi xuống một bên...”
Sau khi hỏi Đức Phật về nhân nào và duyên nào dẫn người chết sanh về các cõi lành, cõi dữ… các gia chủ Bà La Môn mới thỉnh Phật thuyết pháp, “Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt!”
Lúc đó, Đức Phật thuyết về thân hành, khẩu hành và ý hành, và dạy họ hãy hành đúng pháp (tức là Bát Chánh Đạo) và phải mong ước, phải mong rằng (phải phát nguyện) hãy chứng ngộ, chứng đạt và giải thoát ngay trong hiện tại, chứ đừng chờ tới tuần sau, tháng sau, hay năm sau. Đức Phật dạy trong Kinh MN 41, trích:
“…Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng, với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.” (1)
Như thế, Đức Phật dạy là phải nguyện chứng ngộ ngay trong hiện tiền, nói rõ là phải tinh tấn, là hành trì cộng với nguyện kiên cố. Trong bản dịch, chính Thầy Minh Châu mở ngoặc để ghi rõ là bên cạnh hành trì là phải có nguyện, sức nguyện mạnh tới nổi dù là cạn máu, khô gân thì vẫn tinh tấn. Kinh SN 12.22 trích:
“Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn, thật là đủ cho Thiện nam tử do lòng tin xuất gia có thể bắt đầu tinh tấn (hành trì và nguyện). Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, hiển lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dầu chỉ còn lại da, gân và xương trên thân, dầu thịt, máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.” (2)
Đức Phật bảo đảm rằng các đệ tử (hiểu là tu sĩ và cư sĩ) khi có lòng tin và sống thể nhập giáo pháp, với nguyện kiên cố (bất kể da thịt máu xương khô héo, vẫn giữ tinh tấn lực) thì hoặc là chứng quả A La Hán, hoặc là chứng quả Bất hoàn. Kinh MN 70, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Này các Tỷ-kheo, đối với đệ tử có lòng tin giáo pháp bậc Ðạo Sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời tùy pháp này được khởi lên: “Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng”. Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử có lòng tin giáo pháp bậc Ðạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, vị ấy sẽ chứng được một trong hai quả như sau: Chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.” (3)
Hãy tin rằng, nếu tu đúng lời Phật dạy, sẽ thấy kết quả hiện ra tức thời, không chờ lâu. Đức Phật bảo đảm như thế. Và tâm của người tu có thể làm chói sáng cả khu rừng. Kinh MN 32, Đức Phật dạy: “Và này các Ông hãy nghe Ta nói hạng Tỷ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga? Ở đây, này Sāriputta, Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: “Ta sẽ không bỏ ngồi kiết-già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ”. Này Sāriputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.” (4)
Pháp nào mà có oai lực nhanh như thế? Tất nhiên là giới, định và tuệ. Tức là khung của Bát Chánh Đạo.
Trong Kinh Pháp Cú, có ba bài kệ, trong ba trường hợp, cho thấy, sau khi mỗi lần Đức Phật nói kệ xong, có 500 vị sư đắc quả A La Hán. Nghĩa là, chứng ngộ, chứng quả và an trú tâm giải thoát ngay hiện tại. Trong đó, bài Kệ 170 dạy quán các pháp như bọt nước, như cảnh huyễn. Bài Kệ 277 dạy quán tất cả hiện tượng hữu vi đều vô thường. Và bài Kệ 279 dạy quán tất cả các pháp đều vô ngã. Đó là ba pháp giải thoát ngắn nhất.
Tới đây, chúng ta đề nghị một thiền pháp tổng hợp từ nhiều kinh, nhưng được đơn giản hóa, để quán sát, và cảm nhận cả ba bài kệ trên: quán như huyễn, quán vô thường, và quán vô ngã. Nếu vị nào giữ giới nghiêm túc, sẽ vào định dễ dàng. Có thể tập trong mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Dù vậy, vẫn nên ngồi mỗi ngày, thời lượng tùy, có thể ngồi trên ghế và hai bàn chân áp sát mặt đất, giữ lưng thẳng, mắt lim dim cúi nhìn thấp, hai tay để lên nhau dưới rún, thả lỏng toàn thân.
Bất kể những niệm nào, hay cảm thọ nào khởi lên trong tâm, hãy nhận biết và để mặc, cho trôi qua đi. Bạn hãy tập trung vào cảm giác của hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu tâm trôi lang thang, chỉ cần nhẹ nhàng đưa sự chú tâm trở lại hơi thở để cảm nhận hơi thở.
Hơi thở ngắn hay dài thì tự nhiên, tùy cơ thể bạn. Bạn chỉ cần tỉnh thức, nhận biết, khi thở vô hơi dài thì biết “Tôi thở vô dài.” Khi thở ra hơi dài thì biết “Tôi thở ra dài.”
Khi thở vô hơi ngắn thì biết “Tôi thở vô ngắn.” Khi thở ra hơi ngắn thì biết “Tôi thở ra ngắn.”
Rồi bạn hướng tâm, “Cảm giác cả toàn thân, tôi thở vô. Cảm giác cả toàn thân, tôi thở ra.”
Rồi bạn hướng tâm, “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô. An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra.”
Qua hơi thở, bạn đang biết và đang cảm thọ vô thường trôi chảy trên toàn thân tâm, bạn nhận biết rằng không có chỗ nào gọi là “cái tự ngã” nơi toàn thân, nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý. Bạn biết như thế, và cái biết này không vuông hay tròn, không xanh hay đỏ, không hôm qua hay ngày mai, không vướng vào bất cứ gì. Tất cả chỉ là dòng chảy của cái biết trên cái đang là, và cái đang là đang trôi chảy cũng chính là vô thường, vô ngã, như huyễn. Hãy để tâm tỉnh thức và an nghỉ trên cái biết, cái đang là.
Khi bạn muốn rời thiền thì hãy dịu dàng cử động trở lại, xoa bóp chân cho máu huyết lưu thông bình thường. Rời thiền, hãy giữ tâm trong cái biết, trong pháp quán như huyễn, quán vô thường, quán vô ngã, mà 1.500 vị sư đã chứng quả A La Hán ngay khi nghe xong ba bài kệ.
GHI CHÚ:
(1) Kinh MN 41, bản dịch Thầy Minh Châu: https://suttacentral.net/mn41/vi/minh_chau
(2) Kinh SN 12.22: https://suttacentral.net/sn12.22/vi/minh_chau
(3) Kinh MN 70: https://suttacentral.net/mn70/vi/minh_chau
(4) Kinh MN 32: https://suttacentral.net/mn32/vi/minh_chau
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.