Bài NGUYÊN GIÁC
Thực ra, chúng ta không cần tới “một Phật Giáo” nào khác cho thế gian hay cho xuất thế gian, bởi vì Phật Giáo là Phật Giáo, là con đường Bát Chánh Đạo để giải thoát đã được nói rất minh bạch, không mơ hồ. Bởi vì, nếu biến thể Phật Giáo cho phù hợp với một cộng đồng nào đó, đôi khi sức sống sẽ bị nhạt màu, sẽ mất máu, sẽ trở thành một cái gì khác, rất xa lạ với Phật Giáo.
Tuy nhiên, trong một số môi trường, khi phải hoẳng pháp tại những nơi dễ bị dị ứng, danh xưng Phật Giáo cần được tàng hình, để không gây ra các sân si thánh chiến. Chúng ta đã thấy quá nhiều cuộc thánh chiến trên trần gian này. Không chỉ ở Trung Đông, mà ngay tại nhiều học khu Hoa Kỳ. Trong khi đó, Hiến pháp Mỹ không cho lẫn lộn thế quyền với tôn giáo. Trường hợp như thế, khi tiếp cận một số cộng đồng, khi chúng ta hoằng pháp, chỉ cần những lời chúng ta nói ra phù hợp với các pháp ấn – bất như ý, vô thường, vô ngã – là vẫn giữ được sức mạnh của Phật Giáo.
Chúng ta có thể thấy rằng, khi nói chuyện giữa một cộng đồng nhiều thành phần tôn giáo, có đủ những người Hồi Giáo, Cơ Đốc, vô thần, bất khả tri, tôn giáo dân gian, chủ nghĩa nhân đạo… sẽ thấy có những người nổi giận khi họ nhận ra có vẻ như chúng ta đang thuyết giảng giáo lý nhà Phật. Thời này dễ rơi vào các cộng đồng như thế.
Không chỉ ở hải ngoại, mà ngay cả trong Việt Nam. Theo Báo Giác Ngộ hồi tháng 3/2023, bản tin nhan đề “Sách trắng công bố Việt Nam có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, trong đó Phật giáo hơn 14 triệu người” cho thấy rằng, nhóm đông nhất là “tín ngưỡng dân gian và không tôn giáo” – nghĩa là, nếu bạn đang đứng ngoài phố, nhiều phần chung quanh bạn sẽ không phải là Phật tử. Và nếu có cơ hội nói pháp ngoài phố, bạn sẽ cần một ngôn ngữ thế gian, vì không thể đoán được người nghe có thể nổi sân hay không, khi họ nghe tới tên một vị Phật.
Trong Phật Giáo phương Tây, chủ yếu là phương Tây, có một khuynh hướng gọi là Phật Giáo thế tục (secular Buddhism). Trong nhà Phật, chúng ta thường gọi quan điểm này là tà kiến, vì họ không tin vào các học thuyết như tái sinh, nghiệp báo, hoặc các cõi trời, cõi địa ngục. Như thế, họ cũng không công nhận thẩm quyền của Tăng Đoàn, vì chủ yếu họ xem Phật Giáo như một triết lý sống. Chúng ta dễ gặp các thành phần này trong giới nghiên cứu khoa học.
Nhiều người nhận định rằng nhà khoa học Albert Einstein là một nhà nhân văn thế tục (secular humanist). Có lẽ chủ nghĩa nhân văn thế tục là những người gần với Phật Giáo nhất, hơn là những người độc thần giáo. Einstein là một nhà nhân văn thế tục và là người ủng hộ phong trào Ethical Culture (Văn Hóa Đạo Đức). Bản thân Einstein phục vụ trong ban cố vấn của hội First Humanist Society of New York. Einstein nói rằng, “Không có ‘văn hóa đạo đức’ thì không có sự cứu rỗi cho nhân loại.”
Einstein nhận định, một cách minh bạch bác bỏ các tôn giáo độc thần nhân cách, “Tôi không thể hình dung được một Thiên Chúa có nhân cách có ảnh hưởng trực tiếp đến hành động của các cá nhân, hay là sẽ trực tiếp ngồi phán xét những sinh vật do chính ngài tạo ra. Tôi không thể làm được điều này mặc dù thực tế là ở một mức độ nhất định, thuyết nhân quả cơ học (mechanistic causality) đã bị khoa học hiện đại nghi ngờ. Suy nghĩ tôn giáo của tôi bao gồm sự ngưỡng mộ khiêm tốn đối với tinh thần siêu việt vô cùng hiển lộ trong những gì bé nhỏ mà chúng ta, với sự hiểu biết yếu kém và nhất thời, có thể hiểu được về thực tại. Đạo đức là sự quan trọng tối thượng – nhưng là cho chúng ta, không phải cho Thiên Chúa.” (Sách “Albert Einstein, The Human Side” của tác giả Helen Dukas, NXB Princeton University Press, trang 66)
Có thể khái niệm thuyết nhân quả cơ học là Einstein mượn chữ ‘nhân quả’ của Phật Giáo. Khi Einstein đề cao Đạo Đức, tin luật nhân quả (dù không phải nhân quả hiểu theo Phật Giáo), và không tin chủ nghĩa độc thần… đã là gần với Phật Giáo và khi chết đi, Einstein tất nhiên sẽ sinh lên cõi trời. Như thế, khi phải nói chuyện với các cộng đồng phức tạp, chúng ta chỉ cần nói bằng ngôn ngữ của Einstein là tiếp cận được với thế gian, bất kể họ thuộc tôn giáo nào, hay là vô thần, bất khả tri… Lúc đó, có thể thuyết về giới, về nhân quả, về ba pháp ấn… mà không mang tiếng là chiêu dụ tín đồ đạo khác.
Thêm nữa, chúng ta có thể giúp họ tập Thiền một cách đơn giản. Thí dụ, chúng ta dựa theo Kinh Phật mời họ ngồi Thiền, nhưng không cần nói về chuyện tôn giáo. Bạn có thể nói với họ như sau: “Tôi hướng dẫn bạn một cách ngồi thiền, thích hợp với mọi người, dù là bạn có tôn giáo hay không. Bạn có thể tập 5 hay 10 phút mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe. Bạn không cần ngồi xếp bằng. Hãy ngồi trên ghế. Lưng thẳng, nhưng đừng gồng cứng. Hai tay để lên nhau dưới rún, hay trên đùi. Hãy thả lỏng toàn thân. Hoặc nhắm mắt, hoặc lim dim cúi nhìn thấp.”
Bất kể những niệm nào khởi lên trong tâm, bất kể những cảm giác hay cảm thọ nào, bạn hãy để nhận biết và để mặc, cho nói trôi đi. Bạn hãy tập trung vào cảm giác của hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu tâm lúc nào đi lang thang, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đưa sự chú tâm trở lại hơi thở để cảm nhận hơi thở.
Hơi thở ngắn hay dài thì tự nhiên, tùy cơ thể bạn. Bạn chỉ cần tỉnh thức, nhận biết, khi thở vô hơi dài thì biết “Tôi thở vô dài.” Khi thở ra hơi dài thì biết “Tôi thở ra dài.”
Khi thở vô hơi ngắn thì biết “Tôi thở vô ngắn.” Khi thở ra hơi ngắn thì biết “Tôi thở ra ngắn.”
Vài phút sau, bạn hướng tâm, “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô. Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra.”
Vài phút sau, bạn hướng tâm, “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô. An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra.”
Qua hơi thở, bạn đang nhận biết, cảm thọ vô thường trôi chảy trên toàn thân tâm, bạn nhận biết rằng không có chỗ nào gọi là “cái tự ngã” nơi toàn thân, nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý. Tất cả chỉ là dòng chảy của cái biết về vô thường. Bạn hướng tâm, “Tôi đang nhận biết về cái biết…” Rồi bạn hướng tâm, để tâm an nghỉ trên chính cái biết, nơi trước khi bất kỳ niệm nào khởi lên. Hãy giữ niệm tỉnh thức này, hãy an nghỉ cái biết trên chính cái biết, trên cái đang là của thân tâm, của cái biết. Cái biết này không hình dạng vuông hay tròn, không màu xanh hay đỏ, không hôm qua hay ngày mai, không vướng vào bất cứ gì.
Khi bạn muốn rời thiền thì hãy dịu dàng cử động trở lại, xoa bóp chân cho máu huyết lưu thông bình thường.
Chỉ cần như thế thôi. Bạn có thể dạy kiểu thế gian cho bất kỳ tín đồ đạo nào. Bạn nêu lên hình ảnh nhà khoa học Einstein, nói về niềm tin của Einstein vào Đạo đức, vào luật nhân quả, vào thế giới không có Thiên Chúa Sáng Tạo, và mời nhau ngồi thiền đơn giản như thế. Một thời gian sau, sẽ có nhiều người sau khi nhận ra và sống được các pháp ấn vô ngã, vô thường… sẽ tìm bạn để nói rằng họ muốn quy y, thọ giới, và học về Kinh Phật. Như thế, không phải là tuyệt vời sao.
Photo: Những người thực hành thiền trong một khóa tu tại Empty Cloud Monastery, tiểu bang New Jersey, ngày 28 tháng 2, 2020. (Rikku411 / Wikimedia Commons)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.