Viết về bạn mới quen, Thượng Tọa Thích Minh Đạo

*Đọc 7 phút*

Bài Linh Mục VŨ QUỐC THỊNH
(Nguồn bài và hình: Vũ Quốc Thịnh / Facebook)

(Viết ngày 27 tháng 5, 2024)

Buổi tối an lành … với cuộc phone với Thượng Tọa Thích Minh Đạo

Trước khi đi ngủ, bỉ nhân liên lạc với thầy Thích Minh Đạo.

Chia sẻ sự việc mới xảy ra với Thầy. Đúng là bậc chân tu. Thầy nói Thầy bình an và dù có ai chửi mắng thì Thầy cũng mỉm cười …

Tạ ơn Chúa vì qua biến cố của Thầy, linh mục lại có thêm một người bạn chân tu. Thêm bạn, mà là bạn tu nữa, là tuyệt vời.

Thầy nhỏ hơn bỉ nhân 1 tuổi.

Ngủ ngon nhé cả nhà ơi!

PS: Trước khi cúp phone, Thầy mời cơm: “Khi nào đi ngang Chùa, con mời Cha ghé dùng bữa cơm đạm bạc.”

Thầy chỉ là Chùa của Thầy trụ trì cũng dễ kiếm. Hướng đi Bà Rịa, qua Nhà Thờ Song Vĩnh tầm 5 km, rẽ trái và hỏi thì đến Chùa Thầy đang trụ trì.

THÁI HẠO. 27/5/2024. Sư Minh Đạo, người vì dùng những lời tốt đẹp dành cho hành giả Minh Tuệ, vừa bị Giáo hội bắt quỳ gối sám hối và đã viết đơn xin thôi mọi chức vụ trong ban trị sự. Tôi nghĩ, đây là một câu chuyện buồn bã, cả cho đạo Phật lẫn văn hóa.
Nhà tu hành Minh Tuệ từ khi nổi tiếng bất đắc dĩ trên truyền thông đã vô tình trở thành một biểu tượng của đoàn kết tôn giáo và là chất keo hàn gắn lòng người. Đã có những cha xứ, những linh mục, những người bên đạo Cao Đài… hết lời ca tụng ông, đã khiến hàng triệu dân thường như được tưới mát cõi lòng và khởi lên thiện tâm…, thế nhưng buồn thay, và đáng xấu hổ thay, chính những người trong nội bộ Phật giáo lại chia rẽ và tự mình gây ra biết bao ồn ào không ngớt trong khoảng 2 tháng qua.
Tôi vẫn cứ nghĩ, người xuất gia là đã đặt trọn tâm mình trên đường giải thoát, xả ly mọi ràng buộc của danh văn lợi dưỡng, buông bỏ hết tất thảy thân tân thế giới. Nhưng lạ thay, dường như nhiều trong số họ còn dính mắc, tranh đoạt, sân si hơn cả người đời, là tại sao nhỉ? Thế thì đi tu vì cái gì? Sư Minh Đạo là người có một cái tâm chân thành, từ ái và đầy lòng thương mến dành cho con người, xin chúc ông dũng mãnh hơn trên đường tu để vượt qua những chướng ngại mà thành tựu nguyện ước trong cuộc đời.

(Viết ngày 28 tháng 5, 2024)

Như một mối duyên cũng như qua chuyện vừa qua xảy ra với Thầy Thích Minh Đạo, bỉ nhân được làm quen với Thầy.

Buổi chiều, người em tinh thần gửi cho xem … Hết sức bất ngờ. Sau đó thấy các bài viết cùng hình ảnh Thầy Minh Đạo phải sám hối vì … Xem chừng ra nó có cái gì đó để rồi bỉ nhân tìm đến Thầy để cùng nhau chung chia nỗi đau của cuộc đời.

Với cung giọng trầm ấm, Thầy nói: “Dạ Cha ! Cái đó, Cha đề cập đến việc đó, con xem bình thường. Như cha mẹ rầy dạy dỗ con. Hổng sao Cha ơi! Cha thương con thì Cha kết bạn làm quen với con. Mình đàm đạo trên con đường tu học.”

Trước khi cúp máy, Thầy mời bỉ nhân ghé Tu Viện dùng bữa cơm đạm bạc khi đi ngang Tu Viện.

Thật dễ thương: “Cha niệm Chúa niệm Mẹ cho nó qua đi! Tốt quá! Thế giới này còn người có tâm. Con vẫn bình an và giữ nụ cười và tâm độ của mình. Ai đó xúc phạm đến con con coi đó như bậc Thầy.”

Hay quá đi chứ! Rõ ràng không cùng niềm tin tôn giáo nhưng Thầy nói “Cha niệm Chúa niệm Mẹ.” Một tấm lòng trân quý nhau dù không cùng tôn giáo bộc bạch tự tấm lòng của Thầy.

Câu chuyện của Thầy phải sám hối xem chừng ra theo quan điểm cá nhân thì nó hết sức… lãng xẹt.

Câu chuyện của Thầy Minh Đạo là tâm tình của Thầy (có lẽ cũng là tâm tình của tôi) về một chàng thanh niên đã buông bỏ cuộc sống vật chất để đi tìm cho mình một con đường tu hạnh. Xét cho bằng cùng thì tâm tình ấy đâu có gì gọi là xúc phạm hay báng bổ tôn giáo của mình đang theo đâu.

Cũng có người trách móc bỉ nhân rằng thì là mà: “Linh mục gì mà quan tâm đến người đó rồi viết về người đó nữa.” Có người nói: “Con thấy sao tần suất viết về người đó nhiều quá!….”

Vâng! Dù là ai đi chăng nữa thì mình cũng có tâm tư của mình trước biến cố hay sự việc nào đó của cuộc đời. Đã là người nên xin đừng vô cảm.

Bỉ nhân không tôn vinh, không ca tụng chàng thanh niên đang thu hút hàng triệu người. Qua chàng thanh niên này, bỉ nhân nhìn lại đời mình rằng thì mình đi tu đó nhưng mình chưa buông bỏ được (bài Tin Mừng mấy ngày nay ngẫu nhiên trùng hợp với sự từ bỏ của cải vật chất địa vị để theo Chúa giống như chuyện đang xảy ra về sự buông bỏ của một người). Bỉ nhân tự đấm ngực mình về chuyện chưa buông bỏ. Đấm ngực để sám hối nhìn lại mình về chuyện chưa buông bỏ phải chăng là cái tội.

Ở đời mà! Ở rộng người cười ở hẹp người chê. Khi thấy một người nào đó sống tốt mình phải nhìn, phải suy và phải theo gương của người đó. Khi nào thầy Minh Đạo cũng như bỉ nhân ca tụng ai đó xấu thì có thể khiển trách, đàng này ghi nhận hành vi của một con người mà cũng bị kết án, nghĩa là sao?

Cuộc đời này nó lạ lắm. Phải đi theo lối đi chung, ai đi lối đi riêng thì cũng có ngày. Cũng như ai đó giữa một cái thế giới mà toàn là người gù lưng thì người đứng thẳng lại là người có tật. Câu nói xem chừng ra mỉa mai chua xót cho một thế giới mà người ta vẫn chạy theo số đông cũng như không đủ sức để bày tỏ chính kiến, tôn trọng sự thật. Và như thế, ta lại thấy người ta chỉ cổ súy cho những gì người ta thích chứ không cổ súy cho sự thật.

Sự xuất hiện của anh chàng không tự nhận mình tu mà sống buông bỏ như một gáo nước lạnh tạt vào mặt giới tăng lữ sống xa hoa với của cải vật chất. Giữa một xã hội phát triển dĩ nhiên vật chất tăng theo nhu cầu. Thế nhưng, dù sao đi chăng nữa, giới tăng lữ phải là những người từ chối với quyến rũ của thế gian, của đam mê vật chất.

Một nữ tu trong tâm tư của mình có ý nói rằng sự buông bỏ của chàng thanh niên này đâu có gì để quan tâm vì lẽ mỗi người tu đều có linh đạo của dòng mình. Mỗi linh đạo của mỗi dòng khác nhau nhưng xin thưa với Sơ rằng bất cứ người nào đi tu đều phải lóe lên trong con người của mình sự buông bỏ. Với người Kitô hữu thì sự buông bỏ ấy xem chừng khá khắc nghiệt đến độ anh chàng kia giữ đủ thứ luật nhưng buồn bã bỏ đi sau khi nghe Chúa Giêsu mời gọi anh ta về bán của cải vật chất để theo Chúa.

Nhiều và rất nhiều người gọi là mang tiếng tu, có cái mác tu trong người đó nhưng liệu rằng có buông bỏ hay không? Chức quyền, danh vọng, địa vị … nó cuốn con người ta đến độ người ta mất chất tu tự hồi nào mà người ta không biết.

Có người tu nhưng không buông bỏ quyền lực. Quyền lực đối với họ là tiêu chí và là cùng đích.

Có người tu nhưng không bỏ được vật chất. Vật chất đối với họ là điều mà họ cả đời tìm kiếm.

Thực tế cho thấy có những nhà tu đó nhưng không buông bỏ (chẳng hạn như bỉ nhân) để rồi thấy được ai đó buông bỏ cũng đánh động lòng mình chứ.

Điều đáng buồn là khi nói lên chính kiến, nói lên tâm thức thật của mình thì bị quở trách. Đời sao nó cay đắng quá! Sao nó nghiệt ngã quá! Người ta cứ mãi chạy theo sự giả dối thôi.

Trong cuộc sống mà người ta chạy theo tiền tài vật chất và danh vọng thì ai nào đó sống thanh bần phải chăng là tấm gương cho mọi người soi chiếu. Ấy vậy mà mới mở miệng ra để khen gương sống tốt lành thì bị ném đá.

Bài học của Thầy Minh Đạo không hề mới. Nó đã và mãi mãi tồn tại trong thế giới mà người ta không biết trân quý gương lành và đạo đức. Người ta mãi mãi bị định hướng để ca tụng gương sáng nào đó theo chỉ đạo và đám đông.

Tạ ơn Chúa, qua những thăng trầm của cuộc đời, vị linh mục Công Giáo trở thành người bạn tu bên Phật Giáo. Tất cả đều đi tìm cho mình một con đường giải thoát theo niềm tin của mình.

Qua Thầy và với Thầy, bỉ nhân học được tâm tình từ bi hỉ xả thêm nữa (dù trước đây đã học hay là lý thuyết). Thầy không giận không hờn không oán những ai đó dù bất cứ lý do gì.

 “Thế giới này còn có người có tâm!” Vâng! Thầy ơi! Thế giới này vẫn còn người có tâm thiện mà Thầy ! Chính vì thế, dù cuộc đời thế nào đi chăng nữa thì vẫn có người có tâm thiện Thầy ạ.

Từ nay, trong mỗi Thánh Lễ và giờ kinh nguyện, sẽ thêm lời cầu cho người bạn tu tên là Thích Minh Đạo. Cầu chúc cho nhau mãi mãi bình an trên con đường tu tập Thầy nhé!

Lm. Anmai, CSsR


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *