Chuyện ông Minh Tuệ, quyền lực cho người này, tiền bạc cho người kia

*Đọc 3 phút*

Bài JACKHAMMER NGUYỄN

Từ góc nhìn của người đời, chúng ta gọi ông Minh Tuệ là tu sĩ Phật giáo là hợp lẽ nhất, vì ông là một người đi tu theo lời dạy của người sáng lập Phật giáo là Thích Ca Mâu Ni. Ông không phải là sư (thầy) vì ông không dạy ai cả. Việc ông nói rằng ông không phải là “tu sĩ” vì không đủ đạo đức (trả lời báo VnExpress) là một thái độ khiêm tốn, hiếm có trong hàng tu sĩ Phật giáo ngày nay.

Quyền lực cho người này (Đảng Cộng sản)

Tuy nhiên tu sĩ Minh Tuệ vẫn đặt ra cho nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam một mối “quan ngại” không hề nhỏ. Nhà cầm quyền biết rõ, tu sĩ Minh Tuệ chả dính dáng gì đến “các thế lực thù địch,” ông sinh ra và lớn lên 100% dưới chế độ cộng sản. Không những thế ông còn từng là quân nhân của quân đội cộng sản nữa.

Có hai lý do: Thứ nhất, người ta đi theo ông Minh Tuệ đông quá. Hễ bất cứ đám đông nào mà đảng cộng sản không kiểm soát được là họ lo ngại. Thứ hai là niềm tin tôn giáo. Tuy rằng Phật giáo có khi được xem như một cách sống, nhưng phần tôn giáo cũng rất mạnh mẽ. Mà tôn giáo thì có sức mạnh vượt qua mọi ý thức hệ chính trị xã hội. Chế độ Hà Nội từng vất vả đàn áp vụ “Quỳnh Lưu khởi nghĩa” trong thập niên 1950 ở miền bắc. Vụ này có nguyên nhân trực tiếp từ chuyển cải cách ruộng đất, nhưng dân chúng Quỳnh Lưu là một cộng đồng Công giáo rất mạnh.

Tiền bạc cho người kia (các nhà sư)

Nhà cầm quyền quan ngại một, các nhà sư (dĩ nhiên không phải tất cả), quan ngại đôi ba lần hơn.

Những người Việt tự cho mình là Phật tử, sau khi tìm hiểu được lý do ông Minh Tuệ đi theo lời giảng của Đức Thích Ca, có lẽ họ sẽ ngộ ra rằng: Ồ tu theo Phật cần gì đến chùa to, Phật lớn, cần gì cúng dường, mua cá phóng sanh? Thế là một số nhà sư phản ứng gay gắt ông Minh Tuệ, chẳng hạn như ông Thích Chân Quang phỉ báng, dùng những từ miệt thị đối với ông Minh Tuệ.

Sau một thời gian dài bối rối, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước quản lý, bèn đưa ông Thích Đức Thiện, Tổng Thư Ký Giáo Hội, ký một cái công văn rất ngộ nghĩnh, rằng ông Minh Tuệ không thuộc giáo hội, không ở chùa nào, cho nên … ông không phải là tu sĩ!

Mà không chỉ các nhà sư trong nước, một số nhà sư người Việt hải ngoại cũng “bức xúc.” Trong thời buổi internet với mạng 5G như hiện nay, khoảng cách địa lý gần như không hiện hữu. Phật tử gốc Việt ở hải ngoại cũng theo dõi câu chuyện ông Minh Tuệ như ở Việt Nam. Mà nếu như họ nghiệm ra rằng, tu Phật cũng không tốn kém, chẳng cần chùa, cũng chẳng cần tượng… thì nguy to cho các chùa chiền đồ sộ của người Việt ở hải ngoại, lấy tiền đâu trả thuế bất động sản, trả mortgage, tiền đâu bảo lãnh tăng ni, tiền đâu chi tiêu cho các thầy?!

Ông Thích Nhuận Hải, trụ trì một ngôi chùa ở tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, liên tục đăng trên Facebook của ông ấy, chỉ trích chuyện đi khất thực của ông Minh Tuệ (ông Nhuận Hải gọi là đi lang thang), bảo rằng tu như vậy không phù hợp nữa…  (Mô Phật! Lời lẽ của ông Nhuận Hải vẫn có phần chấp nhận được, không như ông Chân Quang bên Việt Nam).

Tiền và quyền lẫn lộn

Đảng cộng sản có quyền thì sẽ làm ra rất nhiều tiền, còn các nhà sư thì có nhiều tiền (cúng dường) sẽ dẫn tới có quyền (thần quyền).

Nhưng câu chuyện ông Minh Tuệ có vẻ cũng kết thúc sớm với nhà cầm quyền. Tin mới nhất cho hay, ông nói với đám đông rằng nên giải tán vì không nên làm cản trở giao thông. Nhà cầm quyền chỉ cần có thế.

Nhưng với một số nhà sư thì sự kiện Minh Tuệ sẽ để lại dấu ấn dài lâu. Một số tự nhận mình là tu sĩ sẽ phải chiêm nghiệm câu ông Minh Tuệ nói về mình rằng ông không đủ đạo đức để làm tu sĩ. Số khác, không vui vì ông Minh Tuệ làm cho họ mất đi một số đại chúng, sẽ vẫn còn vất vả dài lâu với tham sân si.

Dù sao mặc lòng, câu chuyện tu sĩ Minh Tuệ có một nét sáng, đó là Phật Giáo Việt Nam vẫn còn đó, vẫn có sức thu hút một cách lành mạnh. Dân tộc Việt Nam qua đó, vẫn chưa đến nỗi nào…

(Nguồn: Báo Tiếng Dân ngày 19/5/24)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *