Chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên

*Đọc 18 phút*

Bài PATRICE TRẦN VĂN MÃNH

Ký ức về chùa Quảng Tế Phật Đường Hà Tiên

Thầy cô và các bạn thân mến, nếu trong Blog về mục “Hà Tiên phố xưa” đã có bài về ngôi chùa xưa “Sắc Tứ Tam Bảo Tự” mà không viết về ngôi chùa “Quảng Tế Phật Đường” là một thiếu sót lớn. Thật vậy ngoài vị trí rất quan trọng và chủ yếu của ngôi chùa Tam Bảo đối với Hà Tiên chúng ta, ngôi chùa Phật Đường cũng không kém phần quan trọng. Nếu tính theo nguồn gốc và thời gian xây cất thì ta có thể xếp ngôi chùa Phật Đường vào thứ bậc một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của Hà Tiên. Theo thứ tự thời gian, ta có thể xem thang bậc xuất hiện những ngôi chùa hay ngôi đình miếu ở Hà Tiên như sau:

Chùa Tam Bảo: khoảng thời gian 1708-1718
Đình Thần Thành Hoàng Mỹ Đức: 1820
Chùa Phù Dung (núi Bình San): 1845
Đền Thờ Mạc Cửu (núi Bình San): 1846
Chùa Quảng Tế Phật Đường: 1863
Chùa Bà Mã Châu: 1869
Chùa Lò Gạch (Tịnh Xá Chí Hòa): 1945

Ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường chiếm một vai trò tinh thần và tôn giáo rất lớn đối với những gia đình theo đạo Phật ở Hà Tiên, nhất là đối với những gia đình người gốc Hoa. Thật vậy, đối với gia đình của mình ở Hà Tiên, chính ngôi chùa Phật Đường là nơi gặp gỡ của ông và bà ngoại của mình ngày xưa. Bà ngoại của mình vốn là một trong những chị em dòng dõi người tu ở Nhà Bàng, Châu Đốc; khi bà ngoại vào Hà Tiên đi hành hương ở chùa Phật Đường thì gặp ông ngoại mình ở nơi đây và sau đó hai người kết hợp với nhau.

Mỗi năm cứ sau ba ngày Tết Nguyên Đán thì bà ngoại bắt đầu một chuyến đi cúng chùa, ngôi chùa đầu tiên chính là chùa Phật Đường. Đó là vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch, đúng là ngày cúng sao mỗi năm cả nhà chuẩn bị đi chùa Phật Đường để cúng sao. Đầu tiên là phải ghi rỏ tên họ tất cả mọi người trong nhà không phân biệt lớn nhỏ gởi cho quý vị trụ trì trong chùa và kèm theo tiền cúng chùa.

Mình còn nhớ thời gian đó có ông Sáu ở chùa thường hay chạy chiếc xe đạp “đòn dong” ra chợ và ghé nhà mình để nhận giấy viết tên họ cúng sao và tiền cúng chùa, ngoài ra ông cũng thường ghé nhà mình thăm ông bà ngoại. Đến ngày cúng sao, bà ngoại dẫn ba anh em mình đi chùa, vào buổi tối. Khi vào chùa, bà ngoại thường kêu ba đứa cháu đến chào một hai bà cụ rất cao tuổi, đều là người quen biết với bà ngoại, cả ba anh em đến ngay tại căn phòng của quý cụ bà nầy, khoanh tay chào rất kính cẩn, quý bà cụ rất vui vẻ, hỏi thăm việc học hành và thường hay xoa đầu anh em mình… mà lúc đó mình lại cũng hay sợ quý bà cụ nầy, có lẽ vì thấy quý cụ bà rất cao tuổi… (lúc đó mình còn nhớ là có cô Tư Thọ, quen rất nhiều với bà ngoại, cô Tư thường hay kêu đem chè khi cúng xong cho mấy anh em ăn.)

Rồi đến lúc vào xếp hàng quỳ ở chánh điện để làm lễ cúng Phật và nghe thầy đọc tên mọi người trong gia đình. Mình vẫn còn nhớ là lần nào cũng nghe rõ tiếng thầy đọc tên ông, bà ngoại, vú và tên các anh em mình. Sau thời gian cúng và đọc tên mọi người, đến lúc bà ngoại thả cho mấy anh em đi quanh quẩn dạo chơi trong và ngoài sân chùa. Bên ngoài sân chùa chung quanh đều có sân trồng cây cảnh, cây xanh rất xinh đẹp, hồi trước người dân thường đi vào chùa bằng lối đi phía bên hông chùa, cạnh đường Mạc Thiên Tích vì gần cổng chánh phía trước thường có bụi cây cỏ rậm rạp nên ít người dùng lối nầy để vào chùa.

Gần cổng chánh phía trước chùa có một miệng giếng tròn to, thành giếng cẩn đá hộc, anh em mình hay đứng đó nhìn vào giếng..Đêm tối trong sân chùa có ánh đèn điện chiếu sáng, ánh sáng xuyên qua các cành lá tạo ra một khung cảnh rất thanh tịnh và cũng không kém phần huyền bí, không gian im lặng và có chen lẫn tiếng dế kêu nho nhỏ. Vì lúc đó mình vẫn còn rất nhỏ tuổi, ở tuổi trẻ thơ, nên nhìn thấy sân chùa có vẻ rất huyền bí và rất rộng. Mấy anh em chạy chậm chậm chung quanh ngôi chùa, mình còn nhớ lần nào cũng gặp một cô bạn tuy không học cùng lớp nhưng cùng trường Trung Học Hà Tiên, đó là bạn Phan Kim Chi, cháu của Ông Ký Phan Kim Tố (có một thời gian ông chính là một nghị sĩ Quốc Hội của nền Đệ Nhất Cộng Hòa nước Việt Nam 1955-1963).

Vì đều là trẻ con nên khi chạy quanh chùa và nhiều lần đụng mặt nhau,  mình và Kim Chi cũng chỉ cười bẻn lẻn, không ai dám nói chuyện với ai cả, rất ngượng ngùng mắc cở, tuy đã quen biết nhau. Kim Chi cũng có một người em trai tên là Phan Kim Quang, sau nầy mình cũng có nhiều dịp đi chơi chung với Quang, vì Quang học cùng lớp với các bạn cùng đi chơi với mình như Lê Phước Dương, Trang Việt Thánh… Nhà của hai chị em Phan Kim Chi và Phan Kim Quang ở phía dưới Cầu Câu, đường Nguyễn Thần Hiến, mình cũng thường đi chơi lúc đạp xe đạp hoặc thả bộ đi trên con đường đó mỗi buổi chiều, lần nào đi ngang cũng ghé mắt nhìn xem có ai trong nhà không!

Mãi sau nầy đến khi quen biết kết bạn bè trên mạng facebook, mình quen được với cô bạn tên Therese Tran (tên Việt là Trần Thị Nhung) mình mới hiểu rỏ nhiều hơn về gia đình và gốc gác của Kim Chi và Kim Quang, rốt cuộc hai bạn đều là cháu ruột của cô Chín Phan Thị Triệu, ngày xưa cô Chín Triệu có thời gian làm việc ở Chi Thông Tin Hà Tiên và cũng có lúc cô làm chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Hà Tiên, Kim Chi và Kim Quang đều là anh chị em vai cô cậu với Therese Tran.

Bên trong chùa Phật Đường, phía sau chánh điện là một căn phòng rộng lớn, mình còn nhớ rất rõ là ngay sau vách tường của chánh điện, mặt trước là bàn thờ Phật, và mặt sau vách tường nầy trong căn phòng giữa phía trên cao có treo một bức tranh vẽ một cảnh xưa của nước Pháp, loại tranh to lớn và hình thức như những bức tranh của Viện Bảo Tàng nước Pháp. Phía bên trái có một cái bàn mà ngày xưa đó là nơi bàn học của một người bạn tên Ong Minh Ngọc, ở Rạch Giá sang theo học ở Trung Học Hà Tiên (Ong Minh Ngọc học cùng lớp với anh Trần Văn Dõng, người rất đẹp trai và rất có dáng thư sinh).

Vì chùa Phật Đường ngày xưa cũng rất hay giúp học sinh nghèo nên chùa có chấp nhận cho một vài học sinh trú ngụ trong thời gian theo học ở Hà Tiên.  Mình còn nhớ, ngoài bạn Ngọc ra, còn có một người bạn khác cũng theo ở trọ trong chùa để theo học ở Trung Học Hà Tiên, người nầy là bạn của Trần Tiên, có lúc Trần Tiên dẫn mình vào chùa Phật Đường để thăm người bạn nầy, rất tiếc là mình không còn nhớ tên của người bạn nầy.

Trở lại buổi tối cúng sao ở chùa Phật Đường, sau khi cúng Phật, đọc tên cầu an, mọi người giúp ban quản trị của chùa dọn các món cúng trên các bàn thờ, cúng sao thì chùa có nấu chè và xôi để dâng cúng Phật, có rất nhiều cô bác quen biết chung quanh chợ Hà Tiên lên chùa trong buổi cúng sao nầy nên mình cũng gặp rất nhiều vị, trong đó có má của người bạn tên Sện (tên chánh là Huỳnh Vạn Tường, con của ông bà chủ tiệm Trồng Răng Phục Hưng ở đường Tham Tướng Sanh, Hà Tiên). Đến lúc nầy thì mấy nhóc trẻ con bắt đầu nhốn nháo phía sau hậu liêu của chùa vì đã đến lúc được ông bà, cha mẹ cho phép ăn chè,… Ba anh em của mình cũng được phân phát cho mỗi đứa một chén chè, có xôi trộn vào, ăn rất ngon,… có lẽ đó là động cơ chánh trong những lý do phải theo bà ngoại đi chùa ngày cúng sao…

Bây giờ mình nói đến vị trí của ngôi chùa Phật Đường. Chùa nằm trong khuôn viên của một tứ giác do bốn con đường thành lập. Phía trước mặt chánh của chùa là đường Chi Lăng, bên phải ngôi chùa (nếu đứng trước mặt chùa ở đường Chi Lăng nhìn vào) là đường Mạc Thiên Tích, sau lưng ngôi chùa cách một khoảng đất rộng là đường Mạc Cửu và bên trái ngôi chùa phía xa ra là một con đường nhỏ không tên… Ngoài cửa chánh để vào chùa trên con đường Chi Lăng, bên đường Mạc Thiên Tích cũng có một cửa phụ để vào ngay phía nhà hậu liêu của ngôi chùa, ngày xưa khi mình có dịp đi chùa Phật Đường, mình thường vào chùa bằng cửa nầy. Trong khu vực tứ giác nói trên, trên đường Mạc Thiên Tích, phía sau chùa Phật Đường là Miếu Quan Thánh (người Hà Tiên thường gọi là chùa Năm Ông).

Ở ngay góc nhọn nơi giao nhau của hai con đường Mạc Thiên Tích và Mạc Cửu ngày xưa là Nhà Đèn, nơi có những máy đèn cung cấp nguồn điện cho toàn khu vực Hà Tiên, ngày nay chính là trụ sở của Công Ty Điện Lực Kiên Giang – Điện Lực Hà Tiên.  Ngay gần phía sau chùa Phật Đường, hơi lùi vào bên trong, có một miếng đất rộng, nơi có một căn nhà ngói rất to lớn, đó là ngôi nhà của gia đình chị Mỹ Dung, chị có người chị bán bánh xôi vị rất ngon  trong nhà lồng chợ cũ Hà Tiên ngày xưa, chị Mỹ Dung học trường Trung Học Hà Tiên trước mình rất nhiều lớp, chị rất hiền, nhu mì, nói năng nhỏ nhẹ và cũng là một cô gái rất đẹp.

Cổng chánh chùa Quảng Tế Phật Đường ở đường Chi Lăng, Hà Tiên. (Hình TVM 2012)

Sơ đồ chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên: 1= Chùa Phật Đường, 2= Quan Thánh Miếu, 3= Công ty Điện Lực Kiên Giang-Điện Lực Hà Tiên, 4= Ngôi nhà ngói lớn của gia đình chị Mỹ Dung.
Ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên, 2018 (Hình: sưu tầm mạng)

Quá trình thành lập và trị sự ngôi chùa Phật Đường

Ngôi chùa Phật Đường ở Hà Tiên được thành lập vào năm Quý Hợi 1863 và thuộc hệ phái Minh Sư Đạo (tên đầy đủ là Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo). Môn phái Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo có nguồn gốc Phật Giáo Thiền Tông bên Trung Quốc từ đời Tổ Sư thứ sáu Huệ Năng (638-713). Sau rất nhiều thế kỷ thăng trầm, lúc bị đàn áp, lúc hưng thịnh, cho đến cuối thế kỷ thứ 19, được sự phân công của vị truyền thừa thứ 16, ngài Trưởng Lão Đông Sơ Trương Đạo Dương (1835-1879) sang Việt Nam truyền đạo vào lúc đời Tự Đức thứ 16.

Đầu tiên ngài lập ra một ngôi chùa lấy tên Chiếu Minh Phật Đường tại địa điểm Cầu Kho (Chợ Lớn). Sau đó khi ngài sang Thái Lan khai đạo, trên đường trở lại Việt Nam, vì có trở ngại thời Pháp chiếm ba tỉnh miền đông, ngài ghé lại Hà Tiên và thành lập một ngôi chùa thứ hai của hệ phái Phật Đường, đặt tên ngôi chùa là Quảng Tế Phật Đường, đó là ngôi chùa Phật Đường hiện nay ở đường Chi Lăng Hà Tiên. Điều nầy đủ chứng tỏ tầm quan trọng và giá trị lịch sử của ngôi chùa Phật Đường ở Hà Tiên, vì đó là ngôi chùa đầu tiên thứ hai (sau chùa Chiếu Minh Phật Đường ở Chợ Lớn) của môn phái Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo trên đất nước Việt Nam.

Lúc nầy ngôi chùa chỉ lợp lá đơn sơ và được sự đóng góp, giúp đở nhân lực, tài chánh của những người Minh Hương và các vị thân hào nhân sĩ kỳ cựu ở Hà Tiên. Từ đó quý nhân sĩ, trí thức Hà Tiên tìm đến quy y cầu đạo, số tín đồ ngày càng phát triển, việc truyền giáo gặp thuận lợi và cảnh chùa ngày càng thêm sung túc.

Đến năm 1937 tu sĩ Trần Văn Tiền, pháp danh Xuân Hòa với chức vụ Giáo phẩm Thiên Ân được cử về trụ trì chùa Quảng Tế Phật Đường. Công lao của ngài là đã chỉnh trang lại ngôi Phật Đường bằng gạch ngói kiên cố, tổ chức ban quản trị trụ trì việc hành chánh trong chùa và lại tạo bộ phận làm kinh tế gây quỹ cho chùa bằng việc làm tương chao, nấu đậu hủ, nuôi dấm, trong công việc kinh tế nầy có rất người người địa phương giúp đỡ và công quả cho chùa. Thời gian nầy còn có tu sĩ Nguyễn Thị Thu (Mỹ Hương), cô Bảy, cô Tám cùng hành đạo ở chùa. Ngài làm việc liên tục 25 năm (1937-1962) thì ngã bệnh qua đời tại chùa, mộ phần được chôn tại ở Hà Tiên.

Tiếp theo đó, Lão Sư Trần Vận Hưng ở chùa Nam Nhã (Cần Thơ) được cử về trụ trì chùa Quảng Tế Phật Đường (dân địa phương Hà Tiên gọi ông là Ông Sáu Thợ Mộc), trong thời gian nầy có Bà Trần Thị Thọ, pháp danh Nghiêm Kỉnh, vốn là con gái của tu sĩ Xuân Hòa, khi ông mất đi, bà ở lại chùa nối tiếp đường tu, hộ đạo công quả. Đến năm 1968 trong lần về thăm chùa Nam Nhã, Lão SưTrần Vận Hưng lâm bệnh đột ngột và qua đời tại chùa Nam Nhã Phật Đường.

Trong thời gian cùng năm nầy Minh Sư Đạo được chánh phủ công nhận và giáo hội trung ương được thành lập, Đức Tổ Vương Đạo Thâm cử hai vị về chùa trụ trì: Cô Thái Trần Ngọc Liêng (thường gọi là Cô Thái Bảy) và thầy Nguyễn Xương Thành (thế danh Nguyễn Văn Chùng). Vì hoàn cảnh có trách nhiệm ở chùa Phước Tế Vĩnh Long nên cô Thái Bảy thỉnh thoảng tới lui hoạt động ở chùa Phật Đường, Hà Tiên, chỉ có thầy Xương Thành thì thường trực tại chùa.

Ban trị sự chùa trong thời gian nầy gồm quý vị: thầy Trần Văn Hương (trưởng ban), cô Phan Thị Triệu (phó ban), quý vị Phạm Đình Khương, Phạm Thị Thìn và Trần Mỹ Hương là ủy viên, cùng trông lo Phật sự còn có cô Tư Thọ. Thầy Xương Thành tổ chức khám bệnh, châm cứu giúp dân địa phương rất nhiều. Từ đó được dân tình tín nhiệm và ủng hộ, thầy mở mang xây dựng thêm nhà kho, tậu mua thêm nhiều vật dụng cho chùa.

Đến năm 1977 hoàn cảnh chiến tranh biên giới gây khó khăn, cô Thái bảy và thầy đều trở về quê, Phật tử cũng ít tới lui chùa, ban quản trị cũng tự giải tán. Đến năm 1979, chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại, được chánh quyền địa phương giúp đở thuận lợi, chùa Quảng Tế Phật Đường hoạt động trở lại, bà Trần Thị Thọ cùng một số Phật Tử hộ đạo trở về chùa khôi phục việc cúng kiến, tu hành. Công việc chùa được ổn định và có nấu nướng thức ăn chay để gây quỹ tự túc. Cô Thái Bảy thỉnh thoảng trở lại Hà Tiên thăm viếng và hành đạo.

Năm 1989 bà Trần Thị Thọ qua đời tại chùa. Cô Thái Trần Ngọc Liêng trở về chùa khởi công tu sửa nhà hậu tổ và xin gia nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đồng thời cô Thái Bảy đề cử ông Nguyễn Văn Tường đạo danh Thiện Phú cư sĩ cấp nhị bộ ở chùa Phước Tế Vĩnh Long về công quả ở chùa Phật Đường, Hà Tiên. Sau đó cô Thái Bảy cũng dặn dò, gởi gắm mọi đạo sự của chùa Phật Đường cho Ban Hộ Trì trong những khi cô vắng mặt. Cô trở về chùa Phước Tế và do tuổi cao, sức yếu nên không đi lại được nữa.

Năm 1997, sau khi công quả tại chùa Quảng Tế Phật Đường được tám năm, tu sĩ Thiện Phú trở về chùa Phước Tế, cô Thái Bảy ủy quyền việc trọng nhậm tạm thời chùa Quảng Tế Phật Đường Hà Tiên cho hai vị thượng nhân: Đại Lão Sư Đặng Đạo Chí, trụ trì chùa Tế Sanh Phật Đường ở Vĩnh Long và Cô Thái Phạm Ngọc Anh, trụ trì chùa Huệ Nam Phật Đường ở Cần Thơ. Hai vị hoan hỉ nhận việc và cùng với công đức bá tánh, các đạo hữu tại Hà Tiên, Vĩnh Long, Cần Thơ, chùa Phật Đường Hà Tiên được hoàn công sau một tháng tu bổ.

Trong ngày diễn ra buổi lễ bàn giao tiếp nhận chùa, hai vị thượng nhân trọng nhậm đã cử hai vị Thiên Ân lãnh trách nhiệm trụ trì chánh thức chùa Phật Đường kể từ thời gian nầy. Đó là hai vị: Cô Lê Thị Kim Anh, pháp danh Ngọc Chi, tu tại chùa Huệ Nam Phật Đường Cần Thơ làm Chánh trụ trì, Thầy Lê Văn Sách, pháp danh Hữu Hạnh, tu tại chùa Nam Nhã Phật Đường, Cần Thơ làm phó trụ trì. Sau lần cũng cố nhân sự nầy, đạo sự ở chùa Quảng Tế Phật Đường đi vào nề nếp, người dân Hà Tiên tới lui đông đảo và ủng hộ chùa về mọi mặt.

Đến ngày mùng một tháng 8 Âm lịch (năm 2006), Đại Lão Sư Đặng Đạo Chí sau nhiều tháng ngã bệnh nặng, đã quy tiên. Ngày mùng 9 tháng 11 Âm lịch (năm 2009) Cô Thái Phạm Ngọc Anh quy tiên tại chùa Huệ Nam Phật Đường, Cần Thơ sau nhiều thời gian lâm trọng bệnh. Đó là sự mất mát to lớn của toàn môn phái Minh Sư Đạo và đặc biệt là đối với chùa Quảng Tế Phật Đường vì hai vị, nhất là Đại Lão Sư đã quan tâm rất nhiều đến việc đạo sự của chùa, cho đến hiện nay chùa vẫn còn lưu lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng khó phai đối với Đại Lão Sư.

Nhân dịp đại hội toàn phái Minh Sư Đạo (năm 2008), ban giáo hội trung ương đã chỉ thị các Phật Đường hoàn chỉnh ban trị sự, trong đó chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên cũng thực hiện bầu cử ban trị sự của nhiệm kỳ 2008-2013, ban trị sự đã được thành lập và ra mắt gồm 7 vị:

Cô Thái Lê Ngọc Chi: trưởng ban
Cô Phan Thị Triệu và Ông Phan Văn Đây: phó ban
Cô Huỳnh Nghiêm Trang: thư ký
Cô Lâm Xuân Mỹ: thủ quỹ
Cô Huỳnh Thị Xuân Phượng và cô Huỳnh Thị Xuân Đào: ủy viên.

Từ năm 1997 đến năm 2007 ngôi chùa Phật Đường Hà Tiên đã được tu sửa như sau: lợp mới khu chánh điện, lót gạch nhà hậu tổ. Xây dựng nhà khói, xây dựng hàng rào kiên cố vành đai chùa. Tu sửa nhà kho, tất cả đều do công lao, vật chất, tiền bạc của chư Phật Tử, đạo hữu xa gần và nhất là có phần đóng góp không nhỏ của Đại Lão Sư Đặng Đạo Chí. Ngoài công việc đạo sự ở chùa, ngôi chùa Phật Đường còn góp phần vào công tác từ thiện xã hội, phân phối lương thực, sách vở, tập viết cho dân và học sinh nghèo, tích cực ủng hộ và tham gia ở địa phương qua các phong trào xóa đói, giảm nghèo, cứu dân trong thiên tai, bảo lụt, bảo trợ bệnh nhân nghèo.

Hình trái: Chân dung Đức Trưởng Lão Đông Sơ Trương Đạo Dương (1835-1879), người sáng lập chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên và truyền Minh Sư Đạo tại Việt Nam. Hình phải: Ông Đốc Lý Văn Nhơn. Hình thờ tại chùa Phật Đường, Hà Tiên. (Hình: Therese Tran)

Tóm lại ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường là một trong những ngôi cổ tự ở Hà Tiên, chùa mang đậm nét lịch sử của thời khai đạo mà chính Đức Đông Sơ Tổ Sư từ bên Trung Hoa sang đặt nền móng “dựng chùa, khai đạo, truyền giáo”. Cho đến ngày nay qua xuyên suốt hơn 150 năm qua, so với các chùa đồng môn đã và đang hành đạo rải rác ở khắp nơi trên ba miền đất nước, chùa Quảng Tế Phật Đường có một vị trí rất quan trọng, tiêu biểu cho toàn phái đạo, xứng đáng được tôn vinh, là con cháu dòng dõi người Hà Tiên, tất cả chúng ta đều có bổn phận gìn giữ tốt đẹp ngôi cổ tự Quảng Tế Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo tại Hà Tiên được vĩnh viễn trường tồn.

Vài nét về hệ phái Giáo Hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo

Thời kỳ bên Trung Hoa: Phật Đường Minh Sư là một hệ phái Phật Giáo mang tính cứu thế, phổ độ, kính thờ Đức Phật, tu tiên và sinh hoạt theo Nho Giáo. Trong số 17 đời Đức Tổ, ngài Hoằng Nhẫn là Đức Tổ thứ 5 có nhiều môn đệ, trong đó có hai ngài là Thần Tú và Huệ Năng (Đời Đường 638-713). Khi Đức Tổ Hoằng Nhẫn liễu đạo, ngài truyền thừa cho ngài Huệ Năng (lục tổ). Phật giáo lúc đó chia thành hai nhánh: một do ngài Thần Tú mở đạo, Bắc Tông, một do ngài Huệ Năng dẫn dắt, Nam Tông.

Sau khi ngài Huệ Năng liễu đạo, 70 năm đạo pháp bị đình đốn, đến năm 783 có thiền sư Mẫu Công Đạo Nhất và cư sĩ Bạch Ngọc (tỉnh Tây Giang) song thừa kế vị Đức Tổ thứ 7 cùng chấn hưng đạo pháp. Sau đó ngài La Công Húy đắc pháp thành đời tổ thứ 8 và được vua nhà Đường kính trọng. Đến đời vua Thế Tôn nhà Hậu Chu (năm 955), Phật giáo bị pháp nạn vì phong trào “phá hủy Phật tự”…

Sau đó hơn 800 năm đến cuối nhà Minh, tông phái Phật Đường mới được phục hưng, năm 1623 ngài Hoàng Công Đức Huy đắc pháp thành Đức Tổ thứ 9, sau đó là ngài Ngô Công Tinh Lâm, Đức Tổ thứ 10 và ngài Hà Lão Huệ Minh, Đức Tổ thứ 11. Ngài Viên Thốn An được truyền trao Pháp đạo thành Đức Tổ thứ 12.  Đến đời Đức Tổ thứ 13 là song hành hai vị: ngài Vương Công Hườn Hư hành đạo về phía bắc và ngài Từ Hườn Vô mở đạo về hướng nam. Đến khi nhà Thanh tiếp nối nhà Minh (năm 1863, cùng thời vua Tự Đức thứ 16 bên nước Việt Nam), ngài Đông Sơ Tổ Sư được cử đi đưa sự nghiệp đạo pháp đến các nước Thái Lan và Việt Nam, từ đó hệ phái Phật Đường Nam Tông được truyền đến nước Việt Nam: thành lập ngôi chùa đầu tiên là Chiếu Minh Phật Đường tại Cầu Kho Chợ Lớn và ngôi chùa thứ hai là Quảng Tế Phật Đường tại Hà Tiên.

Thời kỳ bên Việt Nam: Hệ phái Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo sau khi lập hai chùa Phật Đường ở Chợ Lớn và Hà Tiên, bắt đầu phát triển với số bổn đạo ngày càng đông. Ngài Lão Sư Ngô Cẩm Tuyền xây ngôi chùa Ngọc Hoàng tại Đa Kao, quận 1 Sài Gòn, năm 1900, sau đó chùa được chuyển sang chùa Phật, sau đó ngài cũng xây một ngôi chùa Phật Đường khác cũng tại quận 1, Sài Gòn vào năm 1920, đặt tên là Quang Nam Phật Đường. Lúc nầy với những ngôi chùa Minh Sư Đạo đầu tiên chỉ để thu hút người mộ đạo Minh Hương, dần dần đã có hơn 50 Phật Đường trên toàn nước Việt Nam. Về thờ phượng, chùa Phật Đường Minh Sư Đạo tôn thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Khổng Tử và Đức Thái Thượng Lão Quân. 

Hiện nay Minh Sư Đạo có hơn 50 Phật Đường hoạt động ở khắp 18 tỉnh, thành phố, với 300 chức sắc, hơn 1262 chức việc và trên 11000 tu sĩ, tín đồ. Tổ Đình Minh Sư Đạo đặt tại chùa Quang Nam Phật Đường, quận 1 TP HCM.

Chú thích:

Người dân Hà Tiên rất hâm mộ đạo dù cho theo khuynh hướng nào cũng vậy. Ở Hà Tiên có đủ các tôn giáo cùng hòa đồng sinh hoạt với nhau: Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Cao Đài,… Tất cả các tôn giáo nầy đều có rất nhiều tín đồ,, đa số đều có thực hành các quy lễ như đi chùa, đi nhà thờ cúng  lễ đều đặn. Đối với hệ phái Phật Đường Minh Sư Đạo, ngay từ khi Đức Trưởng Lão Đông Sơ ghé Hà Tiên thành lập ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường vào năm 1863, đã có sự tiếp đón, ủng hộ, góp công sức của người mộ đạo Hà Tiên, nhất là những người Minh Hương sinh sống tại Hà Tiên.

Vào những năm cuối của thập niên đó (cuối thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ thứ 20) sau khi Trưởng Lão liễu đạo thì có nhiều gia đình kỳ cựu ở chung quanh chợ Hà Tiên đã đóng góp rất nhiều trong việc củng cố, trị sự và phát triển ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường. Ta có thể kể ra vài gia đình tiêu biểu như: gia đình ông Huỳnh Đăng Khoa và phu nhân là bà Trần Thanh Tùng (Ông bà Cố của bạn Therese Tran), rồi đến đời ông Phan Kim Tố (Nghị sĩ Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, Ông ngoại của bạn Therese Tran), sau đó đến đời quý vị ái nữ của ông, trong đó có cô Chín Phan Thị Triệu (Dì Chín của bạn Therese Tran), từ đời ông bà cho đến đời sau, gia đình của cô Chín Triệu đã không ngừng tham gia vào việc xây cất, chỉnh tu, và quản trị trong ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường Hà Tiên, đó là một việc làm rất đáng được người dân Hà Tiên chúng ta khâm phục và ghi nhớ.

Ngoài ra còn có gia đình của ông Đốc Hà Văn Điền (thân phụ của cô Ba Hà Thị Bích Thủy và cô giáo Hà Thị Hồng Loan), gia đình của Thầy Trần Văn Hương (Ông từng là Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Hà Tiên), gia đình ông Đốc Lý Văn Nhơn,…Những gia đình kỳ cựu ở Hà Tiên nầy đã có công góp sức và thời giờ rất nhiều trong công việc tạo dựng và quản trị ngôi chùa, mình nêu sự việc lên đây mong người Hà Tiên chúng ta luôn nhắc nhở và ghi nhớ để em cháu về sau còn biết được và theo gương sinh hoạt đó.

Đặc biệt trước khi viết bài về ngôi chùa Quảng Tế Phật Đường nầy, mình đã nhờ đến sự giúp đở của bạn Therese Tran rất nhiều, nhờ bạn đã chuyển giao cho mình nhiều hình ảnh, thông tin tư liệu về nguồn gốc ngôi chùa do cô Chín Phan Thị Triệu còn lưu giữ và thảo ra nên mình mới có được những chi tiết, tên họ chính xác trong bài viết. Xin qua những dòng chữ nầy kính gởi đến cô Chín Phan Thị Triệu và bạn Therese Tran lời cám ơn trân trọng về sự giúp đở quý báu nầy.

Từ trái qua phải: Cô Chín Phan Thị Triệu, cô Lý Ánh Nguyệt và cô Ba Hà Thị Bích Thủy. Hà Tiên, 1950-1960. (Hình Lâm Xuân Mỹ)

Paris, 16/12/2019
(Bài đã được đăng trên blog “Trung Học Hà Tiên Xưa” ngày 16 tháng 12, 2019)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *