Bài TRẦN VĂN MÃNH
(Paris, viết xong ngày thứ Hai, 29 tháng 11, 2021, bổ sung ngày 24 tháng 6, 2022 và ngày 27 tháng 11 năm 2023.)
Thầy cô và các bạn thân mến, trong phần viết về nguồn gốc Chùa Tam Bảo ở Hà Tiên (1), thầy Trương Minh Đạt có nhắc đến giai đoạn Hòa Thượng Hồng Chức Phước Ân đời Lâm Tế thứ 40 đang trụ trì chùa và có khởi công xây dựng lại chùa từ năm 1920 đến năm 1930 thì hoàn thành. Trong thời gian nầy Hòa Thượng có mời một vị bác sĩ người Pháp rất thông hiểu giáo lý nhà Phật, tên là Isnard đến ở trong căn nhà mới xây bên trái chùa, đó là một căn nhà mới, kiểu tân thời, sau nầy dùng làm hậu liêu của quý sư trụ trì chùa. Thuở còn nhỏ khi theo Bà Ngoại đến chùa hàng năm, mình cũng có thấy căn nhà gạch nầy. Vậy bác sĩ Isnard là ai, một người Pháp đang ở Hà Tiên và có làm việc gì ở đây hay không ?
Theo các văn bản còn lưu lại ở Thư Viện Quốc Gia nước Pháp, Bác Sĩ Edmond Isnard chính là một vị bác sĩ làm việc ở tỉnh Hà Tiên với chức vụ giám đốc Sở Y Tế và thời gian làm việc của ông ở Hà Tiên là khoảng vài năm trong thập niên 20 (có thể là 1925 – 1929).
Bác Sĩ Edmond Isnard sinh ngày 9 tháng 2, 1869 tại làng Riez, thuộc Basses-Alpes, nay là vùng Province-Alpes-Côte d’Azur, Pháp. Ông theo học ngành Y khoa tại trường Đại Học Y Dược tỉnh Lyon và đệ trình luận án tiến sĩ Y Khoa của ông tại trường nầy với đề tài “Névroses traumatiques chez l’enfant” (Bệnh đau thần kinh ở trẻ em) vào ngày 28/04/1894. Có rất ít tài liệu nói về tiểu sử cuộc đời ông, ngày nay, nhờ một số trang trong các quyển niên giám tổng quát về Đông Dương trong những năm 1916 đến 1925 ta có thể biết được các hoạt động của Bác Sĩ Isnard tại Đông Dương: Ông tham gia vào bộ máy hành chánh của Pháp ở Đông Dương từ ngày 20 tháng Giêng, 1903 với thứ bậc là bác sĩ hạng 3 tại Sở Y Tế tỉnh Rạch Giá, sau đó một thời gian ngắn cùng năm, ông được thăng bậc bác sĩ hạng 2 và cho đến năm 1920 ông được được thăng bậc bác sĩ hạng nhất và vẫn làm việc tại Rạch Giá. Đến năm 1925 Bác Sĩ Isnard chuyển đến Sở Y Tế tỉnh Hà Tiên và làm giám đốc ở đây. Nhân viên của ông gồm có 6 người y tá và một người trợ tá, 4 nữ hộ sinh được phân phối mỗi người ở một đơn vị: Phú Quốc, sở lỵ Hà Tiên, Hòn Chong và Giang Thành.
Trong thời gian vài năm phục vụ tại Hà Tiên, Bác Sĩ Isnard rất được mọi người quý mến và kính trọng, từ những nhân viên người Pháp làm việc và ngay cả người bản xứ vùng Hà Tiên. Ông rất tận tụy, yêu nghề, và cống hiến sức lực, tinh thần cho việc làm của ông luôn được tốt đẹp và thành công. Bác Sĩ Isnard vẫn là một con người độc thân, sống rất đơn giản, ông giảm thiểu mọi việc tiêu xài trong cuộc sống để có một lối sống rất bình dị. Ông tham khảo sách vở viết về Đông Phương, nghiên cứu Phật Giáo, thông hiểu giáo lý nhà Phật. Chính Hòa Thượng Hồng Chức Phước Ân trụ trì chùa Tam Bảo đã mời bác sĩ Isnard đến ở trong chùa trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1929.
Bác Sĩ Isnard cũng có cất một ngôi nhà xinh đẹp ở đường trên đi Hòn Chong, thuộc xã Dương Hòa, cách Hà Tiên 10 km và nơi đây chính là nơi ông nghỉ mát, suy tư, chiêm nghiệm để viết sách trong những ngày nghỉ việc của ông. Ông đã hoàn thành nhiều quyển sách về triết học Đông Phương và triết lý nhà Phật và có cho xuất bản sách tại Sài Gòn.
Vào buổi trưa ngày 14 tháng Tư, 1929, một thảm kịch đã ụp xuống cuộc đời luôn tận tụy cho tha nhân của bác sĩ Isnard: Sau khi từ Hà Tiên về căn biệt thự trên đường đi Hòn Chong để nghỉ ngơi, buổi ăn trưa xong xuôi, Bác Sĩ Isnard đã bị một người địa phương ám hại trong lúc ông đang nghỉ trưa.
Thế là chấm dứt một cuộc đời rất đơn giản của một bác sĩ người Pháp luôn phục vụ tận tụy nhân viên, quan chức và ngay cả người bản xứ ở tỉnh Hà Tiên…. Thật là đáng tiếc cho một người tốt đẹp như ông lại bị một cái chết rất thảm hại và vô lý như vậy…
Bác Sĩ Isnard còn đang viết một quyển sách chưa hoàn thành về các giá trị tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa, thì ông lại bị ám sát như vậy.
Một trong những quyển sách bằng tiếng Pháp do Bác Sĩ Edmond Isnard viết ra là quyển “La sagesse du Bouddha et la science du bonheur” (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc), xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn. Quyển sách nầy hiện nay khó tìm, thuộc loại sách xưa hiếm, mình vẫn chưa đọc được, tuy nhiên mình đã tìm ra phần do ông viết “Lời Nói Đầu” (préface) của quyển sách và mình tạm dịch ra tiếng Việt để giới thiệu với quý vị ở đây, để cho dễ hiểu, mình cũng có thêm phần chú thích dưới bài nầy.
Lời Nói Đầu
(sách “Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc” của Bác Sĩ Edmond Isnard)
“Những ai đã đọc quyển ‘Phật giáo ở Campuchia’ của Adhémar Leclère (2), có lẽ còn nhớ sự cảm động gợi ứng của vị tu sĩ này (ý nói người tu sĩ Khmer), người mà tác giả (tức Adhémar Leclère) đã nói bóng gió, trong một khoảnh khắc ngắn, một chút nghi ngờ triết học của tu sĩ với tư cách là một người Âu Châu. Một câu cảm thán thoát ra từ ông ấy: “Nhưng mà, chẳng có gì cả! Nếu con người không tái sinh, nếu không có Thiên Đường, Địa Ngục, Niết Bàn thì không có gì cả; khi chúng ta chết mọi thứ đều qua đi, không có gì cả!”
Vị tu sĩ cúi đầu, vầng trán nhăn nheo: ông nhắm mắt lại và giữ nguyên một lúc mà không có một nét nào trên khuôn mặt chuyển động. Ông đang thiền định. Sau đó khuôn mặt ông ấy từ từ sáng lên; ông ngước lên nhìn tôi, mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt tôi, ông nói với tôi: “Ở bên kia cuộc sống, có Thiên Đường cho người tốt, có Địa Ngục cho người xấu; có tái sinh và trên hết là có Niết Bàn. Có tất cả những điều này, bởi vì Đức Phật đã nói có tất cả những điều này”.
Tôi không biết liệu nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ có tin vào những Thiên Đường và Địa Ngục này hay không mà bản năng công lý ngây thơ luôn phát minh ra để bù đắp cho những tội lỗi của thế giới này; trong tư tưởng Ấn Độ giáo, những nơi này không phải là vĩnh cửu mà vẫn thuộc về vòng luân hồi của Dục Vọng và Ảo Tưởng. Chúng không cần thiết đối với nền tảng của Phương Pháp Cứu Rỗi do Đức Phật sáng lập dựa trên khoa học và nghị lực cá nhân.
Các tu sĩ Khmer có thể yên tâm. Nếu học thuyết của người sáng lập vẫn đứng vững trên những biến động tôn giáo, đó là vì được đặt ra một mức tối thiểu về siêu hình học và muốn duy trì trên hết một triết lý kinh nghiệm, một phương pháp cứu rỗi mọi chúng sinh. Đạo đức độc lập, học thuyết chuẩn bị một nền tảng chung tuyệt vời nơi các tín đồ của phương Tây và phương Đông một ngày nào đó có thể được hòa giải về chủ đề vĩnh cửu, cuộc chiến chống lại nỗi đau phổ quát thông qua sự thống trị của những đam mê hỗn loạn được nhân lên, từ thời đại này sang thời đại khác, nỗi đau này: “Hãy làm chủ chính mình… vì thương hại chính mình… vì thương hại người khác”.
Kể từ khi có sự phê phán của Kant (3) và sự ra đời của chủ nghĩa khoa học, các giá trị siêu hình đã bị lu mờ sâu sắc ở phương Tây.
Họ ở rất xa, những nhà tư tưởng của Milet và Élée (4),
Muốn chinh phục tất cả những điều chưa biết ngay lập tức.
Đang cố gắng ôm lấy vũ trụ một cách điên cuồng.
Chúng ta không còn tự hào về mình như những vận động viên già mà nhà thơ nói đến, về việc thâm nhập vào lãnh vực của bóng tối sinh sản trong chớp mắt như những anh hùng của Walhalla (5), để chúng ta luôn có thể tự cho mình niềm vui khi ra những đòn đẫm máu. Kant đã chứng minh một cách dứt khoát rằng các ý tưởng của lý tính đều xuất phát từ kinh nghiệm và quay trở lại kinh nghiệm.
Liệu chúng ta có tìm cách sử dụng những ý tưởng này bên ngoài kinh nghiệm, bên ngoài thế giới quan hệ, bằng cách áp dụng chúng cho toàn bộ Vũ Trụ, cho bản chất và nguyên nhân đầu tiên, theo so sánh của triết gia, tất cả những gì còn lại trong tay chúng ta chỉ là những cái bóng. Có vẻ như, khi bị loại khỏi trò chơi của trải nghiệm, các phạm trù của lý trí thuần túy chỉ đóng vai trò trống rỗng, giống như một cánh quạt rời khỏi mặt nước.
Những phân tích của Hume (6) và Kant, vốn làm kinh ngạc tâm trí phương Tây của chúng ta, vẫn thấm nhuần chủ nghĩa trí thức Do Thái-Kitô giáo, đã quen thuộc với Ấn Độ cổ đại. Không có con người hiện đại nào vượt qua được sự chỉ trích của các vị Tổ vĩ đại của Phật giáo trong những thế kỷ đầu tiên của thời đại chúng ta, Nagarjuna (7) và Cantideva (8). Có vẻ như đôi khi, khi đọc lý thuyết của họ về tính tức thời của các hiện tượng và khoảng trống phổ quát, họ đã đoán trước được những quan niệm tiên tiến nhất của thời đại chúng ta về tính tương đối của thời lượng, độ dài, khối lượng của tất cả những ấn tượng nhạy cảm của chúng ta.
Chính từ sự thái quá của chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa bi quan của mình, kéo dài đến cơn lốc vĩnh cửu của cái chết và sự tái sinh, mà Đấng Giác Ngộ vĩ đại của Ấn Độ đã mang lại sự sáng tỏ sẽ trở thành sự cứu rỗi của thế giới. Lãnh vực của các mối quan hệ được những người theo đạo Hindu gọi là Luân hồi (cơn lốc), chỉ cung cấp cho trí tuệ những chân lý tương đối và đạo đức vĩnh viễn mà những giá trị nầy thiếu tiêu chuẩn về một điểm tham chiếu tuyệt đối. Tuy nhiên, con người khao khát sự thật và hạnh phúc. Điều mà thế giới tri thức nhạy cảm và trí thông minh từ chối đối với con người, con người quay về với chủ nghĩa thần bí. Hoàn toàn được nuôi dưởng bởi sự bất mãn vô địch của con người đối với một thứ siêu lý trí không thể nhận biết được, vượt ra ngoài những điều kiện phù du của giác quan, của kinh nghiệm và lý trí, chủ nghĩa thần bí giả vờ mang lại một sự thật vượt khỏi lý trí, một hạnh phúc vượt quá khoái cảm.
Chống lại sự thiếu hiểu biết, vô minh, mẹ của ảo tưởng và đau khổ, nghiền nát thế giới hiện tượng thành bụi của các sự kiện không có thời gian và không có cá tính, đó là đối tượng của “Lòng Từ Bi Phật Giáo” vĩ đại. Lòng trắc ẩn hướng tới “Nỗi đau của thế giới” này thậm chí còn mang tính lý trí hơn là cảm xúc. Nhưng điều ấy không phải là tất cả. Đối mặt với những thú vui buồn bã mà Kinh Thánh gọi đúng là “mắt xích” dẫn đến hạnh phúc, người Phật tử phải nói được: “Tôi không phải cái đó, cái đó không phải là tôi”. Cầu mong anh ta thăng tiến lên một mức độ, cầu mong anh ta khám phá cho tất cả chúng sinh những quan điểm của Niết bàn thông qua niềm hạnh phúc của những chiêm nghiệm khoa học, thẩm mỹ và tôn giáo, của nghệ thuật, của trực giác, của sự hy sinh, của mọi thứ chuyển động theo thứ tự vô tư, của cái không thể cân nhắc, của tâm linh và được tóm tắt bằng từ “giải thoát”.
Làm chủ các đam mê và tự chủ chuẩn bị cho Phước Lành, và đến lượt Hạnh Phúc bảo đảm làm chủ được các đam mê. Ở đây phương Tây và phương Đông gặp nhau nơi con người của hai vị sáng lập ra khoa học hạnh phúc, Spinoza (9) và Çakya-Mouni (10). Phần cuối cuốn “Đạo Đức Học” của Spinoza mang âm hưởng Phật giáo thực sự: “Hạnh phúc không phải là phần thưởng của đức hạnh, mà chính là đức hạnh, và chúng ta không hưởng được Hạnh Phúc vì chúng ta hạn chế sự rèn luyện của mình, mà ngược lại, chính vì chúng ta tận hưởng Hạnh Phúc mà chúng ta có thể kiềm chế được sự rèn luyện của chúng ta.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, khoa học về hạnh phúc như vậy chỉ có thể tiếp cận được với giới thượng lưu. Hầu hết con người đều cần sự trừng phạt của Thiên Đường và Địa Ngục để “hạn chế việc rèn luyện của họ”. Ngay từ đầu, giáo lý thanh tịnh của Đức Phật đã bị các phần tử ăn bám xâm chiếm, Spinoza bị Giáo Hội Do Thái buộc tội là vô đạo đức. Tuy nhiên, sự sáng tỏ do những bậc tiền bối vĩ đại này nêu ra không phải được giấu kín với con người. Một số ít sẽ hiểu: đây đó sẽ có những vụ thu hoạch mới cho Thành Phố tương lai”.
Đến đây là chấm dứt bài “Lời nói đầu” của quyển sách “Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc” của bác sĩ Edmond Isnard.
Trong tạp chí “La Revue Spirite” (tạp chí Tâm Linh) ra tháng 4 năm 1928, tại Paris, có đăng một bài bình luận về nội dung quyển sách “Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc” của bác sĩ Edmond Isnard trong mục “điểm sách”. Bài viết được tóm tắt như sau:
“Trí tuệ của Đức Phật và Khoa học về Hạnh phúc, của Bác sĩ Edmond Isnard (Ấn bản của Tạp chí Viễn Á).
Một trong những cuốn sách hay nhất về Phật giáo dành cho người phương Tây: bởi vì Bác Sĩ Isnard, một người theo chủ nghĩa duy vật, đã gần như chuyển đổi sang Phật Giáo sau một thời gian dài lưu trú ở Châu Á; bởi vì Bác Sĩ Isnard nhận thức được tất cả những tiến bộ siêu hình trong những năm gần đây, đến mức công việc của ông không còn là “chủ nghĩa kinh viện về Đông phương ” mà là một sự thích ứng của Phật giáo với những khát vọng hiện đại của chúng ta, một sự thích nghi dễ dàng hơn, ông đảm bảo với chúng ta, vì nước Ấn Độ (L’Inde aryenne trong bản gốc) và nước Pháp (La France Celtique trong bản gốc) thường có cảm giác như chị em. Cuối cùng, Bác Sĩ Isnard dường như tin vào sự ưu việt của Phật Giáo so với Cơ Đốc Giáo. Vấn đề quá tế nhị để chúng ta có thể trả lời bằng một từ duy nhất. Còn lại thì có gì quan trọng! Chúng ta chỉ cần biết rằng phương Tây sẽ rất sai lầm nếu đánh giá thấp tôn giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Khi đọc cuốn sách quý giá này, chúng ta nhận ra, qua những quan điểm nguyên thủy và những nhận định sâu sắc của tác giả, Phật Giáo bí truyền như thế nào: Không hề bị lay chuyển, khoa học đã xác nhận một cách đáng kinh ngạc những thông điệp của học thuyết Phật Giáo (Einstein, Curie, Osty… , là những người dẫn dắt của học thuyết Phật giáo), và điều đang sụp đổ là tất cả những định kiến của phương Tây về giáo lý của Đức Phật: chủ nghĩa hư vô; niết bàn là hư vô, v.v., tất cả những sai lầm đều được hầu hết các học giả của chúng ta duy trì một cách lạnh lùng!
Bác sĩ Isnard nói về những gì ông học được ở tại chỗ, chứ không phải ở Thư viện Quốc gia ở Ba Lê! Vừa thú vị vừa giàu thông tin, cuốn sách của ông viết ở Đông Dương, nơi ông đến lần đầu tiên vào năm 25 tuổi, xứng đáng được đánh giá cao.”.
Đến đây thì chấm dứt bài bình luận nói trên.
Chú thích:
• (1) Trang 328, quyển “Nghiên Cứu Hà Tiên, Họ Mạc Với Hà Tiên”, tác giả Trương Minh Đạt, xuất bản năm 2016.
• (2) Adhémard Leclère (1853 – 1917), là một chính trị gia người Pháp, nhà quản lý thuộc địa, nhà kinh tế, nhà văn, nhà thơ, nhà Đông Phương học và người theo chủ nghĩa Ấn Độ. Ông sống và làm việc ở Cambodge trong thời kỳ 1886 – 1910. Ông viết rất nhiều sách về nước Cambodge và về triết học Phật Giáo, đặc biệt có quyển “Le Bouddhisme au Cambodge” (tựa chính thức trong sách gốc ghi là ““Le Buddhisme au Cambodge”), xuất bản tại Paris năm 1899, NXB: Ernest Leroux, Editeur.
• (3) Emmanuel Kant (1724 – 1804), là một triết gia người Đức, theo chủ nghĩa duy tâm siêu việt, ông tin rằng lý trí là nguồn gốc của đạo đức. Ông gây ảnh hưởng rất lớn đến Kỷ Nguyên Khai Sáng vào thế kỷ thứ 18 ở Tây phương.
• (4) Milet: là một thành phố cổ của nước Hy Lạp cổ xưa được thành lập vào thế kỷ thứ 11 trước Công Nguyên, ngày nay vùng nầy thuộc về nước Thổ Nhĩ Kỳ. (Milet cũng là nơi sinh ra của nhà Triết học, Toán học Hy Lạp Thalès). Élée là một thành phố cổ do người Hy Lạp cổ thành lập khoảng năm 535 trước Công Nguyên, ngày nay vùng nầy thuộc về nước Ý. (Élée là quê hương của nhiều nhà triết học như Parmenides, Zeno, cùng trường phái triết học Eléatique, một trường phái triết học cổ đại rất nổi tiếng).
• (5) Walhalla: Theo thần thoại cổ Bắc Âu, Walhalla là cung điện nơi các anh hùng, chiến sĩ chết trận dũng cảm được đưa về đó. Hằng ngày họ tập trận và đến tối thì được dự yến tiệc, trong khi những người khác không được vào cung điện Walhalla thì phải bị đưa về cung âm (giống như âm phủ, địa ngục).
• (6) David Hume (1711 – 1776), là một nhà triết học, kinh tế học, sử học người Tô Cách Lan ( Ecosse) rất quan trọng trong thời kỳ Khai Sáng vào thế kỷ thứ 18. Ông theo nhiều chủ nghĩa trong đó có chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa tự nhiên, duy nghiệm, không tôn giáo.
• (7) Nagarjuna: (còn gọi là Sư Long Thọ) là một nhà văn, nhà hiền triết, nhà sư lớn thuộc Phật giáo Ấn Độ. Ông sinh vào khoảng thế kỷ thứ nhất và mất vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Ông thành lập ra trường phái Trung Quán Tông (La Voie du milieu, Madhyamaka), một trường phái thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Sư được xem như là vị tổ thứ 14 của Thiền Tông Ấn Độ và cũng được xếp trong 84 vị Đại Thành Tựu Giả (Mahasiddha), danh hiệu chỉ những vị sư tu khổ hạnh trong khoảng thế kỷ 8 đến 12 của Phật Giáo Ấn Độ.
• (8) Cantideva: Shantideva (còn gọi là Tịch Thiên) là một nhà thi sĩ và nhà sư lớn thuộc Phật Giáo Ấn Độ. Ông sinh năm 685 và mất năm 763 sau Công Nguyên. Ông là thành viên của trường phái Trung Quán Tông thuộc Đại Thừa Phật Giáo và cũng được xếp trong 84 vị Đại Thành Tựu Giả nói trên.
• (9) Baruch Spinoza (1632 – 1677) là một nhà triết học Hòa Lan – Do Thái, gốc Bồ Đào Nha. Ông được xem như đi tiên phong trong thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ thứ 17, theo chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phê phán Kinh Thánh.
• (10) Çakya-Mouni, còn gọi là Siddhārtha Gautama hay tên quen thuộc là đức Phật Thích ca Mâu Ni, là một nhà sư, nhà thuyết giảng, nhà triết học của Ấn Độ cổ đại, và là vị sáng lập ra Phật Giáo. Nhiều tài liệu cho là năm sinh của ngài khoảng 623 hoặc 563 trước Công Nguyên tại Népal và năm ngài mất khoảng 543 hoặc 483 trước Công Nguyên tại Ấn Độ.
(Nguồn: Trang Blog Trung Học Hà Tiên Xưa)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.