Ký ức về Chùa Lò Gạch, Hà Tiên

*Đọc 21 phút*

Bài TRẦN VĂN MÃNH

Từ thập niên 40, khoảng năm 1945, ở Hà Tiên xuất hiện một ngôi tịnh xá đơn sơ, vách và mái lợp lá, có tên gọi là Tịnh Xá Chí Hòa. Ngôi chùa nhỏ này do thầy Thích Chí Hòa (thế danh Nguyễn Văn Tịnh) dựng lên trên đường du hành tầm Đạo, dừng chân tại mảnh đất Hà Tiên. Tịnh xá tọa lạc tại phía đông bắc chân núi Bình San, kề bên một lò gạch bỏ hoang từ rất lâu. Thầy cho mở ra một lối vào lò gạch, bên trong phía phải của tịnh xá dùng làm chánh điện thờ các tượng Phật. Từ đó tịnh xá Chí Hòa còn có tên bình dân là Chùa Lò Gạch.

Ngôi chùa này rất quen thuộc với mình, vì ngay từ nhỏ mỗi khi qua mấy ngày Tết thì bà ngoại mình làm một chuyến đi cúng chùa quanh phố Hà Tiên, nào là Chùa Bà Cửu Thiên, Chùa Lò Gạch, Chùa Phù Dung, Chùa Phật Đường, Chùa Tam Bảo, v.v.. Lần nào bà ngoại cũng dẫn theo ba anh em mình (còn một cô em gái út nữa nhưng vì cô này còn rất nhỏ nên ít có dịp đi theo ba anh trai cúng chùa với bà ngoại). Phương tiện di chuyển là xe lôi đạp thùng (loại xe này chỉ có ở Hà Tiên, người ta còn gọi là xe “đầu mọt,” không hiểu ý nghĩa ra sao?!). Bà ngoại và ba đứa cháu nhỏ đi một chiếc xe lôi đạp là đủ rồi. Mỗi khi đến chùa nào thì dừng lại để vào cúng kiến, còn chú đạp xe nằm trên xe nghỉ mát ngoài vệ đường, vì không khí và quang cảnh những nơi có chùa chiền ở Hà Tiên đều rất mát mẻ với nhiều cây xanh chung quanh.

Khi tới địa điểm Chùa Lò Gạch thì bà ngoại dẫn ba đứa cháu vào chùa, giới thiệu với Bà Cô và “Huynh Ba” là hai vị trụ trì trong Chùa Lò Gạch mà mình biết ngay từ lúc nhỏ vì lần nào đi Chùa Lò Gạch đều gặp hai vị này. Cho đến ngày nay, mình cũng chưa biết được Bà Cô và Huynh Ba trụ trì là ai, tên họ là gì, có liên hệ họ hàng với nhau không? Chỉ biết là Bà Cô và Huynh rất tử tế, nói chuyện với mấy anh em mình rất vui vẻ, hỏi thăm nhiều điều và thường cho ăn trái cây cúng trong chùa.

Trong khi bà ngoại tiếp chuyện và tiến hành lễ cúng thì mấy anh em được cho lên bộ ván gỗ lớn ngay bên trái trong chùa để ngồi chơi. Từ bên ngoài bước vào chùa thì bên trái có bộ ván gỗ lớn, bên phải là cái cửa thông vào lò gạch là nơi chánh điện, ở giữa chùa cũng có bàn thờ, chắc thờ các vị Tổ và quý vị thần. Phía sau bàn thờ Tổ là hậu liêu, tức nhà sau của chùa, cũng có một cái cửa thông ra núi Bình San sau đó, phía sau chùa có một cái nghĩa địa nhỏ, mình cũng có lần đi dự đám táng chôn cất của bạn quen biết tại đây, hình như là anh Đường Hùng Việt, bây giờ thì không biết cái nghĩa địa này có còn nữa không?

Sở dĩ bà ngoại cho mấy anh em mình ngồi chơi trên bộ ván gỗ lớn là vì ngay bên vách tường có một bức tranh rất to lớn, vẽ đủ hết tất cả các cảnh hình phạt ở dưới âm phủ, địa ngục do các quỷ sứ thực hành các hình phạt đó. Hồi đó mình rất thích xem toàn bộ các cảnh trong bức tranh to lớn này, bức tranh bằng vải trắng dầy, hình vẽ có sơn màu rất tinh vi. Mặc dù thích xem nhưng cũng hơi sợ các quang cảnh hình phạt trong bức tranh, có đủ hết các loại hình phạt: hình hai quỷ sứ đang kéo cưa, cưa làm hai một thân hình một người đàn ông, hình một quỷ sứ đang dùng cây kềm kéo lưỡi một người ra để cắt đứt lưỡi (vì người này trên trần gian phạm tội nói dối…, theo lời giải thích của Bà Cô), hình có một vạc dầu đang sôi nóng bỏng, có hai quỷ sứ đang đưa một người đàn bà vào trong vạc dầu sôi đó (vì trên trần gian người đàn bà này phạm tội … tà dâm!).

Còn rất nhiều cảnh xử phạt khác nữa mà mình cũng hơi quên hết rồi, hồi đó mình hoàn toàn không có ý thức là tự thắc mắc ai đã vẽ ra bức tranh này, các sáng tạo này thật là hay, rất nghệ thuật, từ đâu mà có được bức tranh này? Ngày nay khi nhớ lại mình vẫn còn rất thích bức tranh đó, thật sự bây giờ qua các biến đổi của tạo hóa và thời cuộc, qua các quá trình xây cất chùa tân thời và quy mô, bức tranh bằng vải này không biết đã ra sao, chắc chắn là đã bị hủy hoại, tan mất trong những đám vật dụng xưa cũ mà người ta không còn trân trọng nữa, thật là rất đáng tiếc, đó là một bức tranh tuy có tính chất tượng trưng nhưng đóng một vai trò giáo dục rất tốt, khi mình xem tranh với những cảnh tượng hình phạt người có tội trên trần gian như thế, mình sớm hiểu biết và tự nhủ sẽ không làm điều gì mắc tội như thế nữa!

Nhắc tới bức tranh quang cảnh âm phủ địa ngục như thế, mình và các bạn chắc chắn sẽ nhớ lại thời xưa, ở Hà Tiên có một lúc cũng có một chiếc xe hàng lớn, trong xe cũng có diễn ra quang cảnh âm phủ với đủ các hình phạt do quỷ sứ thực hành như vậy, nhưng bằng các mô hình người máy có cử động thật rất là hay, người ta muốn xem phải mua vé vào bên trong xe thùng này để xem, mình còn nhớ rỏ. Chiếc xe này đậu tại bùng binh trước dãy quán tiệm ở mé sông Hà Tiên, kế bên bót cảnh sát, bên hông chợ cá cũ Hà Tiên. Người ta đi xem rất đông, bên trong xe là cảnh âm phủ rất đẹp có sơn màu và trình bày đủ các quỷ sứ bằng hình nộm cử động được (automates), các hình nộm quỷ sứ này diễn ra các hàng động cũng giống như trong bức tranh bằng vải treo trong Chùa Lò Gạch ngày xưa, người Hà Tiên, nhất là con nít mua vé vào xem rất đông. Chiếc xe hàng này chỉ lưu lại ở Hà Tiên một thời gian ngắn thôi, thường thường có thể là một hoặc hai tuần lễ, sau đó thì người ta chạy đi qua các nơi khác để tiếp tục hoạt động. Thời đó mà người ta làm được các cảnh người máy cử động như vậy thì thật là rất hay, rất kỹ thuật, tất cả đều “chạy” bằng điện do chiếc xe thùng lớn tự phát ra.

Hình ảnh nguyên thủy của Chùa Lò Gạch (Tịnh Xá Chí Hòa, Hà Tiên). Bên trái là một phần chùm rễ của cây bồ đề trước chùa, bên phải (không nhìn thấy trong hình) chính là vị trí của lò gạch xưa. (Hình: Trần Hoàng Trang, thập niên 70)

Trở lại Chùa Lò Gạch. Đến giờ cúng, mình còn nhớ và còn hình dung ra được bà cô trụ trì chùa mặc vào bộ áo lễ Phật rất trang nghiêm và rất đẹp, y hệt như bộ áo mà ta thường thấy trong hình vẽ ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, đầu đội một cái mũ có nhiều miếng hình tam giác dựng đứng lên phía trên. Bà cô cũng có một cây gậy có tên “tích trượng” bằng đồng hay sắt, phía trên đầu có rất nhiều khoen tròn gắn dính vào đầu cây. Còn Huynh Ba thì cũng mặc áo màu lam vào, trông rất đạo mạo và hiền từ. Các bạn Hà Tiên chắc biết và còn nhớ Huynh Ba này, không ai biết gốc tích hay tên tuổi của thầy, chỉ biết là người Hà Tiên thường kêu thầy là “Huynh Ba.” Thầy không già, tuổi khoảng chừng 40 trở lên thôi, không biết là người ở đâu, theo tu ở Chùa Lò Gạch khi nào, nhưng những lúc mình đến thăm chùa đều gặp Huynh Ba và cũng thường trò chuyện với thầy vì thầy biết mấy anh em mình.

Cũng nói thêm về trường hợp của Huynh Ba, hồi đó Huynh bị nhiễm căn bệnh cùi, những ngón tay của Huynh đều mất hết đầu móng và có vẽ bóng nhẵn nhụi, tuy nhiên rất sạch sẽ không có điều gì xấu xa. Huynh lại là người tu hành, ăn chay nên căn bệnh cũng không phát triển thêm nhiều, có lẽ sau này Huynh cũng mất vì căn bệnh như vậy. Khi đi hành đạo hoặc cúng kiến tại các tư gia, Huynh thường có bộ dụng cụ như bình bát, muỗng, ly và đũa riêng để dùng cho mình.

Sở dĩ Huynh Ba biết mấy anh em mình nhiều là vì khoảng vào năm 1963 ông ngoại mình mất, trong lúc làm lễ cúng những tuần “thất” (tức là cúng những lần vào bảy ngày sau khi mất, cho đến lần cuối là 49 ngày), nhà mình thường thỉnh Huynh Ba và thầy Nhật Quang (lúc đó thầy Nhật Quang trụ trì chùa của gia đình là Chùa Ông Yết Ma cũng gần Chùa Lò Gạch và Chùa Phù Dung, rồi sau đó nhiều năm thì thầy Nhật Quang trụ trì chùa Phù Dung).

Huynh và thầy đến nhà mình tụng kinh trong lúc cúng thất. Hai thầy Huynh Ba và Nhật Quang đến nhà trước một ngày để tối đó tụng kinh và ngày hôm sau là ngày chính để cúng “thất” cho ông ngoại, hai thầy ngủ lại trong nhà mình một đêm, cùng độ cơm chay ở nhà luôn, vì mỗi lần cúng cho ông ngoại, bà ngoại mình đều cúng cơm chay.

Chiếu bóng cho thầy giải trí

Để cho hai thầy giải trí trong đêm đó, mình và anh hai Dõng thường tổ chức “chiếu bóng” cho hai thầy xem. Nói chiếu bóng, tức là thời đó mấy anh em mình đã “chế” ra được một cái “máy” chiếu bóng. Đó là một cái hộp bằng carton dầy, bên trong có thiết kế chỗ để một bóng đèn thắp cháy bằng pin đi nhặt ở trại lính thành 18 Hà Tiên. Đối diện với bóng đèn là một cái lỗ trống được khoét thành hình vuông hoặc hình chữ nhật cho ánh sáng thoát ra. Phía trên hộp phải có hai kẽ hở và thiết kế hai cuộn tròn bằng giấy cứng để cuốn “phim” vào giống như hai cuồn phim trong máy thật… Còn phim thì là giấy kiếng trong (loại giấy kiếng bao tập học trò), cắt ra thành từng băng dài và dán nối tiếp lại thành một cuồn phim. Thời đó “sản xuất” một bộ phim là công việc của mình, vì mình có khiếu vẽ hình, ở nhà không ai làm được, anh Hai Dõng thì phụ trách kỹ thuật về máy chiếu…

Sau khi tạo ra một cuộn phim dài bằng giấy kiếng trắng và còn trống chưa có hình ảnh gì trên phim thì phải chạy ra tiệm Hia Nghiếm (Hia Nghiếm bán kẹo bánh ngay đầu chợ xéo xéo đối diện với tiệm Sanh Hoạt), để mua vài tấm hình bằng giấy cứng, trong một tấm hình lớn bằng giấy cứng như vậy có rất nhiều ô nhỏ hình chữ nhật và từ ô hình đầu đến ô hình cuối là một câu chuyện bằng tranh, thường là hình “cao bồi” cởi ngựa bắn súng hay hình về chuyện Zorro…

Kế tiếp phải trang bị bốn cây viết nguyên tử Bic đủ bốn màu: đen, đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Xong xuôi thì mình phải leo lên gác lầu nhà mình (để được yên tĩnh “sản xuất” phim), ở trên gác, mình bắt đầu kê băng giấy kiếng vào mỗi ô hình nhỏ và lấy viết nguyên tử đồ lại theo y nguyên hình vào giấy kiếng, có tô đủ bốn màu (vậy là thời đó đã có “phim màu” rồi đó các bạn).

Cũng nói thêm là khi chiếu thì mình quay một cuộn phía sau để băng giấy kiếng từ từ chuyển động, mỗi khi một khuôn hình trong băng giấy kiếng kê đúng vào lỗ chiếu hình chữ nhật thì ngưng lại một chút để có thời gian cho khán giả xem hình chiếu, vì đây là bộ máy chiếu đầu tiên nên hình chưa có cử động, và phải có người để kéo phim từ từ qua lỗ chiếu…

Hai thầy xem phim rất thích thú và cứ khen hai anh em mình hoài… Ngoài ra trong thời gian đó mình thường vẽ hình ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát và sơn bằng màu nước, lúc đó mình có vẽ một bức hình Địa Tạng Vương để tặng cho Huynh Ba và thầy Nhật Quang dùng hình để tụng kinh mỗi khi có đi cúng ở nhà người dân.

Cây bồ đề ở Chùa Lò Gạch

Ngôi Chùa Lò Gạch nằm ngay tại chân núi Bình San, xéo trước mặt chùa bên vệ đường có một cây bồ đề rất to lớn, không biết cây bồ đề này có từ bao giờ (chỉ được biết là đã có hơn 70 năm nay rồi), nhưng chắc chắn rằng tuổi của nó cao hơn ngôi chùa rồi.

Hình ảnh xưa nhất về chùa Lò Gạch và cây bồ đề. Phía bên phải chính là Tịnh Xá Chí Hòa (Hà Tiên), người trong hình là Trần Hoàng Trang, học sinh Trung Học Hà Tiên. (Hình: Trần Hoàng Trang, thập niên 70)

Đối với học sinh trường Trung Học Công Lập Hà Tiên, cây bồ đề này là nơi có rất nhiều kỷ niệm. Ngày xưa khi vào lớp đệ thất trường Trung Học Hà Tiên, năm 1964, mình bắt đầu theo các bạn lên chơi ở núi Lăng (tức là núi Bình San, nơi có lăng tẩm của nhà họ Mạc). Thường thì trong những buổi đi học ở trường, nếu tình cờ có nghỉ hai giờ đầu hay hai giờ cuối thì nhóm bạn mình, trai có gái có, thường kéo nhau lên núi Lăng chơi để chờ đến giờ học kế tiếp thì kéo về trường. Từ trường đi lên núi Lăng, theo con đường Mạc Tử Hoàng, đi ngang nhà thờ rồi tiếp tục đi thẳng theo con đường mòn lên ngay cây bồ đề và Chùa Lò Gạch. Mình còn nhớ rõ lần đầu tiên theo các bạn lên núi Lăng, lúc đó không biết cây thanh trà là của ai trồng, có người nói đó là vườn thanh trà của ông Từ Ngươn (ông từ này giữ gìn lăng và miếu của họ Mạc thời đó) mà các bạn mình hái rất nhiều, cả một giỏ lớn, dĩ nhiên là hái trộm thôi vì rất sợ ông Từ ra bắt được…Sau đó cả nhóm leo lên gốc cây bồ đề trước Chùa Lò Gạch để bày ra và bắt đầu ăn trái thanh trà. Trái hái chưa chín, vỏ còn xanh lè, ăn rất chua nhưng cả bọn vẫn ăn hết một giỏ lớn.

Cây bồ đề ở trước Chùa Lò Gạch này rất to lớn, rễ của cây phủ bao trùm cả một khoảng đất chung quanh gốc cây, tạo thành một bệ đất rất cao và vuông vức, và đó là chỗ ngồi và tụ tập rất được nhóm học trò trung học Hà Tiên yêu thích. Từ chỗ ngồi trên cái bệ rễ cây của cây bồ đề, ta có thể ngắm nhìn xuống con đường chạy ngang Chùa Lò gạch, là một con đường còn tráng đất, chạy từ trước các ao sen của Miếu Ông Mạc Cửu cho đến ngang cây bồ đề Chùa Lò gạch và tiếp nối qua đến Chùa Phù Dung. Ngày nay con đường này cũng được mang tên là đường Mạc Cửu vì là phần tiếp theo của đường Mạc Cửu từ khúc nhà thương Nguyễn Thần Hiến ngày xưa.

Ngồi trên bệ rễ cây của cây bồ đề, ta cũng ngắm nhìn người dân chạy xe đạp qua lại bên dưới con đường và nói chuyện với nhau rất vui. Từ dưới đường nhìn lên cây bồ đề, phía bên trái phần đất do bệ rễ cây tạo nên, hồi lúc đó có một cái miếu nhỏ, bên trong miếu thấy có một pho tượng nhỏ, trên đầu pho tượng có quấn một chiếc khăn đỏ. Lúc đó, các bạn học cùng lớp đi chơi trên núi Lăng với mình thường dặn dò là đừng có quấy phá cái miếu này, vì đó là ngôi miếu do bà ngoại (hay bà nội) của anh Long lập ra đó, nói anh Long tức là anh “Long bảy búa,” nhà anh ở phía dưới xóm Cầu Câu, anh cũng là bậc đàn anh học cùng trường Trung Học Hà Tiên, anh có nghề võ Thiếu Lâm rất cao cường nên ai cũng nể sợ không dám quấy phá ngôi miếu nhỏ đó.

Con đường nối liền đường Mạc Cửu chạy từ trước đền thờ Mạc Cửu đi ngang cây bồ đề chùa Lò Gạch. Bên trái và dưới hình là đền thờ Mạc Cửu, bên phải và dưới hình là bờ ao sen trên. Đầu con đường phía trên trong hình là đi tới Chùa Lò gạch và thẳng góc với con đường mòn nối liền đường Mạc Tử Hoàng. Con đường trong hình này giờ cũng mang tên là đường Mạc Cửu. (Hình: TVM, năm 1999)

Còn một chuyện này nữa chắc các bạn Hà Tiên mình còn nhớ, mình kể luôn ra đây vì chuyện cũng thuộc về phần ký ức nhớ về ngôi chùa Lò Gạch, nơi ngày xưa nhóm bạn học sinh của mình lui tới rất thường xuyên. Đó là chuyện về “Cậu Biệt”!! Bên phía bên kia đường chạy ngang cây bồ đề Chùa Lò Gạch, đối diện với cây bồ đề là một căn nhà, trong căn nhà này có một người đàn bà cũng không còn trẻ lắm, khoảng trên dưới 60 tuổi, bà là “xác” của Cậu Biệt, còn Cậu Biệt thì mình cũng không biết rõ ngọn nguồn, chỉ biết đó là một người con trai chết khi còn rất trẻ, có lẽ tên là Biệt nên người Hà Tiên gọi một cách kính trọng là “Cậu Biệt.”

Hồn Cậu Biệt về nhập vào xác người đàn bà ở căn nhà đối diện với cây bồ đề Chùa Lò Gạch, người Hà Tiên lúc đó lên nhà của bà xem rất đông, vì Cậu Biệt “về” để nói chuyện tương lai hoặc để trị bệnh cho dân chúng nếu có ai yêu cầu xin hỏi cậu. Lúc đó mình có xem tận mắt, mình cũng nghe cậu “nói chuyện” thông qua người đàn bà đó, đó là chuyện có thật ở Hà Tiên trong những năm 60-70, còn về chuyện hồn người chết này về nhập vào xác người còn sống kia thì mình không thể nói là thật hay giả. Mình tin chắc là nếu các bạn cùng một thời với mình đều có nghe qua và biết chuyện Cậu Biệt này.

Ngay tại khu vườn đất nơi có ngôi chùa Lò Gạch và cây bồ đề mà mình vừa kể ở trên, có cửa ngõ để lên núi Lăng. Thật vậy mỗi khi nhóm bạn học của mình lên núi Lăng chơi thì đi bằng ngõ này, từ Chùa Lò Gạch ra mình quẹo qua bên phải và đi thẳng lên núi, trước hết ta gặp ngay ngôi mộ của ông Mạc Tử Hoàng, đi lên một chút nữa thì gặp ngôi mộ của ông Mạc Thiên Tích và đi thêm nữa sẽ gặp ngôi mộ ông Mạc Cửu. Khi đó bắt đầu đi vòng vòng chung quanh những ngôi mộ này sẽ có những luống khoai mì, có luôn những gốc cây mít rất to lớn.

Tất cả những nguồn cây ăn trái và củ này là của ông Từ Ngươn trồng và thu hoạch, vậy mà thời đó với cái đầu óc thiếu suy nghĩ và “vô tư,” nhóm học trò mình đã không ngần ngại đi hái trộm nào là mít, nào là bứt các dây củ khoai mì của ông Từ Ngươn để ăn chơi… thật là có tội nhiều quá, nhân đây xin chuộc tội bằng cách viết lại những kỷ niệm này để các đàn em sau tụi mình đọc, thông cảm, và hiểu để tránh các trò dù có vui thú nhưng cũng không tốt này nhé,…!!

Thời gian trôi qua, từ từ mình và các bạn lên các lớp học cao hơn, phải học bài, dò bài nhiều hơn, từ từ cũng bớt rũ nhau đi lên núi Lăng vui chơi. Cây bồ đề vẫn còn đứng vững theo năm tháng, ngôi chùa Lò Gạch với cái tên chánh thức “Tịnh Xá Chí Hòa” vẫn còn đó dù cho quý vị trụ trì đã thay đổi. Có một lúc người ta xây bậc đá khối chung quanh dưới bệ gốc cây, che và chôn dấu đi những thân rễ cây ngoằn nghèo quen thuộc của ngày xưa (trước năm 1992). Kế thân cây người ta cho dựng lên một pho tượng Phật Thích Ca màu trắng, ngay chỗ ngày xưa tụi mình thường ngồi chơi và ăn trái cây hái trộm, ngôi miếu nhỏ của bà ngoại hay nội của anh Long không còn nữa, trên cái bệ rễ cây của cây bồ đề thì chắc bây giờ không ai được phép leo lên ngồi chơi như kiểu ngày xưa thời chúng mình rồi.

Phía trước mặt pho tượng Phật Thích Ca, một thời gian sau đó người ta có đặt một cái lư hương lớn, cốt yếu chỉ để trang trí khung cảnh cây bồ đề và Đức Phật. Chùa Lò Gạch bắt đầu thay đổi hình dạng, ngôi chùa gỗ ngày xưa quen thuộc của nhóm học trò Trung Học Hà Tiên không còn nữa, người ta thay thế vào đó một ngôi chùa gạch, xi măng, sang trang, nhưng cũng không kém phần xa lạ với những người xưa như chúng mình,… Ngôi chánh điện là cái lò gạch may mắn thay vẫn còn đó, người ta không nở phá bỏ cái lò gạch này, thay vào đó người ta xây cất lại , mở thêm một cái cửa ra vào phía ngoài, phía trên nóc của cái lò gạch thì người ta cho dựng lên nhiều pho tượng Phật.

Toàn bộ ngôi chùa Phật Đà được xây cất vào ngay khu đất có nhiều cây xanh ngày xưa nơi có Chùa Lò Gạch (tức là tịnh xá Chí Hòa lúc này đã bị phá hủy, vị trí ngày xưa là bên phải, phía sau cây bồ đề). Bên phải hình là cây bồ đề với tượng Phật Thích Ca vừa mới đặt thêm trên bệ rễ cây trong những năm đầu thập niên 90. (Hình: TVM, năm 1999)

Hình như cũng còn chưa đủ tính chất phát triển lớn mạnh của khu này, người ta cho cất thêm một ngôi chùa lớn chắn ngay tại cửa ngõ lên núi Lăng mà mình đã kể ở trên, sau đó lại cho xây tường rào bao quang toàn bộ khu vực chùa chiền này, ngôi chùa Lò Gạch ngày nay đã rất to lớn, quy mô với tường rào, cửa cổng và nhiều pho tường rải rác chung quanh chùa, tất cả tạo thành một khu chùa với tên gọi mới là Chùa Phật Đà, cái bệ gạch với xi măng bao kín khối rễ cây bồ đề thì đã mất đi, nhường chỗ cho các rễ cây hiện rõ ra như ngày xưa, có lẽ người ta sợ bịt quá kín khối rễ cây này bằng xi măng thì cây sẽ chết đi, vậy cũng tốt.

Mình cũng có dịp may mắn viếng ngôi chùa Phật Đà ngay lúc còn đang được phát triển và xây cất, trên chòm lá to rộng phủ cả một vòm trời của cây bồ đề, người ta cho treo đèn, kết hoa để ban đêm chiếu sáng toàn cả chòm cây, trông rất đẹp mắt, nhưng thử hỏi với nhu cầu tu hành ta có cần những dấu hiệu như vậy hay không, thôi mỗi thế hệ có cái cơ duyên của nó, thế hệ vui chơi vô tư lự trong không gian tĩnh lặng và đơn giản của Tịnh Xá Chí Hòa của nhóm học sinh Trung Học Hà Tiên đã qua rồi, hãy nhường lại cho thế hệ hiện tại với cái trang trí mới mẻ và hiện đại của nó…!!

Toàn cảnh khu Chùa Phật Đà, Hà Tiên sau khi xây xong tường gạch và cổng chung quanh. (Hình: TVM, năm 2012)

Quá trình thành lập và trị sự Chùa Lò Gạch

Vào năm 1945 Hòa Thượng Thích Chí Hòa (thế danh Nguyễn Văn Tịnh) cho xây dựng một ngôi tịnh xá bằng cây, lá với tên gọi là Tịnh Xá Chí Hòa. Do chánh điện của tịnh xá tọa lạc trong một lò gạch bỏ hoang nên người dân địa phương còn gọi là Chùa Lò Gạch.

Năm 1949, Hòa Thượng Chí Hòa cùng một số đệ tử sang Campuchia hoằng pháp và năm sau trở về quê hương Việt Nam. Một trong những đệ tử thời đó là sư cô Chí Hảo 8 (thế danh Đường Minh Hòa). Cô trở về chùa cũ, xây dựng một căn nhà gần đó. Đến năm 1954, Hòa Thượng Chí Hòa viên tịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kế thế trụ trì Tịnh Xá Chí Hòa là Hòa Thượng Thích Quảng Tấn – không rõ thế danh, gốc gác. Sau khi Hòa Thượng Quảng Tấn viên tịch, trụ trì chùa là bà Dương Thị Thoàn (pháp danh Diệu Trí). Sau đó nhiều năm, vì thế cuộc thăng trầm, chiến tranh loạn lạc, ngôi tịnh xá cổ kính rêu phong chịu đựng với phong sương tuế nguyệt, tình trạng đã hư hao rất nhiều.

Đến năm 1993, Hội Phật Giáo tỉnh Kiên Giang đổi tên Tịnh Xá Chí Hòa thành Chùa Phật Đà và đồng thời bổ nhiệm Đại Đức Thích Huệ Tâm (thế danh Nguyễn Phước Thành) về trụ trì và vào tháng 9, 1993, thầy trụ trì chùa cho khởi công xây cất mới lại ngôi chùa đạo tràng, đến năm 2009 thì toàn bộ khu Chùa Phật Đà đã hoàn thành với nhiều công trình trang trí gồm nhiều pho tượng, khối đá và tường bao quanh với hai cổng chánh cho đến nay. Thầy Thích Huệ Tâm về vùng đất Hà Tiên này như để phục nghiệp chốn Tổ, tiếp nối truyền thống phổ hệ truyền thừa dòng Lâm Tế Chánh Tông.

 Paris, viết xong ngày 18/01/2020 Trần Văn Mãnh

Cây bồ đề với toàn bộ gốc rễ được bao bọc bằng xi măng và đá bao kín. Bên phải hình là cái lò gạch dùng làm chánh điện của Tịnh Xá Chí Hòa (ngôi tịnh xá lúc này đã bị phá hủy, bên trái hình là một phần của Chùa Phật Đà mới cất), trên nóc lò gạch còn lợp bằng một miếng thiếc lớn của ngày xưa. (Hình: TVM, 1994)

Tái bút:

1/ Đặc biệt tác giả trân trọng cám ơn em Trần Hoàng Trang, một cựu học sinh Trung Học Hà Tiên trong những năm 70, đã chia sẻ tấm hình về ngôi Tịnh Xá Chí Hòa (Chùa Lò Gạch ngày xưa) rất hiếm và quý.

2/ Theo tin các bạn người Hà Tiên cho biết về cái nghĩa địa nhỏ bên phải chùa Lò Gạch xưa: Bên phải lò gạch là phần đất chôn người chết … dài qua tới Chùa Ông Yết Ma, sau này vì nhu cầu cần đất cho người ở nên dần dần người ta cải táng di dời đi nơi khác. Chùa Phật Đà đã mua lại một số đất liền kề về phía Chùa Phù Dung để mở rộng khu chùa. Trong phần đất này ngày xưa có mồ mả của gia đình bạn Trần Phước An, đó là mồ mả của ông bà Yết Ma, nay đã dời đi hết cả. Phần đất này dành cho sự xây dựng Viện Dưỡng Lão, hiện sắp hoàn thành.

(Nguồn: Trung Học Hà Tiên Xưa)

Cây bồ đề và tượng Phật Thích Ca trước Chùa Lò Gạch cũ, bên trái là một phần lò gạch dùng làm chánh điện ngày xưa, trên nóc lò gạch còn lợp bằng một miếng thiếc lớn của ngày xưa. (Hình: DPA Picture Alliance 2AK333D – Alamy Stock photo, khoảng trước năm 2000)
Cây bồ đề với toàn bộ gốc rễ được bao bọc bằng xi măng và đá bao kín. Phía sau là một phần của ngôi chùa Phật Đà mới xây cất. (Hình: TVM, năm 1994)
Cái lò gạch dùng làm chánh điện của Tịnh Xá Chí Hòa kể từ năm 1954 cho đến những năm đầu thập niên 90. Bên trong ta còn thấy có bàn thờ Phật và có một vị sư đang ngồi niệm Phật. Lúc này mái lò gạch còn lợp bằng một tấm thiếc lớn, ngôi tịnh xá Chí Hòa kề sát với lò gạch thì đã bị phá hủy. (Hình: TVM, năm 1999)
Bên trong chánh điện (lò gạch) của Tịnh Xá Chí Hòa ngày xưa, đây là hình ảnh nguyên thủy bên trong chánh điện trước khi đổi mới hoàn toàn theo phong cách trình bày của chùa mới là Chùa Phật Đà (Hà Tiên). (Hình: TVM, năm 1999)
Bên trong chánh điện (lò gạch) của Tịnh Xá Chí Hòa ngày xưa, đây là hình ảnh nguyên thủy bên trong chánh điện trước khi đổi mới hoàn toàn theo phong cách trình bày của chùa mới là Chùa Phật Đà. (Hình: TVM, năm 1999)
Hình phía trên nóc của chánh điện lò gạch, miếng thiếc lợp nóc lò gạch đã bị tháo ra, chuẩn bị xây nóc và mái mới trên lò gạch này để phù hợp với chùa mới là Chùa Phật Đà, Hà Tiên. (Hình: TVM, năm 1999)
Bạn Nguyễn Đình Nguyên (bạn học Trung Học Hà Tiên, ngồi bên phải) đang đàm đạo với thầy trụ trì Thích Huệ Tâm chùa Phật Đà Hà Tiên. (Hình: TVM, năm 1999)
Di ảnh thân mẫu của bạn Nguyễn Đình Nguyên thờ ở Tịnh Xá Chí Hòa (Chùa Lò Gạch xưa) sau đó chuyển qua thờ trong Chùa Phật Đà. (Hình: TVM, năm 1999)
Phần bên trái của toàn khu gồm nhiều ngôi chùa nối liền nhau tạo thành Chùa Phật Đà, Hà Tiên, hậu thân của Chùa Lò Gạch. Lúc này toàn khu Chùa Phật Đà chưa có xây tường gạch với cổng lớn chung quanh. Ngày xưa trong thập niên 60-70, đây là cửa ngõ mà nhóm bạn học Trung Học Hà Tiên của mình theo phía này để lên núi Lăng. (Hình: TVM, năm 1999)
Từ phía dưới con đường chạy ngang cây bồ đề nhìn lên khu chùa mới cất (chùa Phật Đà, Hà Tiên). Lúc này toàn khu chùa chưa có xây tường gạch với cổng lớn chung quanh. (Hình: TVM, năm 1999)
Phía trên cao, trước mặt chùa Phật Đà (Hà Tiên) nhìn xuống dưới con đường chạy ngang qua cây bồ đề. Lúc này toàn khu chùa Phật Đà chưa có xây tường gạch với cổng lớn chung quanh và bệ gốc rễ cây bồ đề đã được tháo bỏ lớp xi măng và gạch xây bít kín trước đó (khoảng 1992). (Hình: TVM, năm 1999)
Cây bồ đề trước mặt Chùa Phật Đà, góc nhìn từ phía chùa ra ngoài đường. (Hình: TVM, năm 1999)
Khu Chùa Lò Gạch xưa (từ năm 1993 đã đổi tên là Chùa Phật Đà, Hà Tiên), trước năm 2010 đã bắt đầy xây tường gạch và cổng lớn bao quanh.
Toàn cảnh khu Chùa Phật Đà, Hà Tiên (tên xưa là Chùa Lò Gạch) sau khi xây xong tường gạch và cổng chung quanh. (Hình: TVM, năm 2012)
Cây bồ đề và pho tượng Phật Thích Ca cùng với lư hương của khu Chùa Phật Đà (Hà Tiên). (Hình: TVM, năm 2012)
Cây bồ đề và pho tượng Phật Thích Ca cùng với lư hương của khu Chùa Phật Đà (Hà Tiên). (Hình: TVM, năm 2012)
Con đường hiên nay mang tên Mạc Cửu chạy từ trước miếu Mạc Cửu ngang qua cây bồ đề chùa Phật Đà hiện nay (Hà Tiên). (Hình: TVM, năm 2012)
Toàn cảnh phía bên trong tường gạch chung quanh chùa Phật Đà (Hà Tiên), ta thấy cái lò gạch chánh điện ngày xưa đã được chỉnh trang lại với một lối vào mới và nóc lò gạch được xây gạch hình chỏm cầu, phía trên có an vị nhiều tượng Phật trên nóc. (Hình: TVM, năm 2012)
Phía trên nóc lò gạch đã được xây lại dưới dạng hình chỏm cầu và có an vị nhiều tượng Phật từ năm 2009.
Toàn cảnh lò gạch đã được xây lại dưới dạng hình chỏm cầu và có an vị nhiều tường Phật từ năm 2009.
Tượng Phật mới và trang trí bên trong lò gạch từ năm 2009, phía trên nóc đã xây gạch hình chỏm cầu.

3 thoughts on “Ký ức về Chùa Lò Gạch, Hà Tiên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *