Ký ức về Chùa Phước Thiện – Hưng Phương Tự, Hà Tiên

*Đọc 10 phút*

Chùa Phước Thiện – Hưng Phương Tự tại góc đường Bạch Đằng-Chi Lăng, Hà Tiên. (Hình: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, 2008)

Bài TRẦN VĂN MÃNH

Ở Hà Tiên có một ngôi chùa tuy không lớn lắm nhưng là nơi xuất phát rất nhiều kỷ niệm xưa đối với người địa phương, nhất là những người cư ngụ chung quanh chợ Hà Tiên. Ngôi chùa có cái tên quen thuộc là Chùa Phước Thiện. Đúng như tên gọi, Chùa Phước Thiện là nơi quý thầy chuẩn bệnh, phát thuốc cho người dân Hà Tiên, mỗi khi có người đến xin được trị bệnh. Quý thầy ở chùa Phước Thiện thực hành chuẩn trị bệnh theo các phương thuốc Nam, một ngành y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Nhà mình biết nhiều về ngôi chùa tọa lạc ở góc đường Bạch Đằng-Chi Lăng này (đó là vị trí chánh thức, vì tiền thân của ngôi chùa vốn ở một nơi khác cũng trong khu phố Hà Tiên, sẽ nói thêm trong phần sau). Lúc mình còn nhỏ, khoảng 12, 13 tuổi, khi chùa vừa được xây cất xong, mấy anh em nhà mình thường hay lên chùa xem bác Tư Đài (họa sĩ Phụng Đài, ngày xưa nhà ở đường Đống Đa, thân phụ của bạn Hồ Văn Mạnh, học chung bậc Tiểu Học với mình) vẽ hình một chậu hoa sen thật to rất đẹp ngay trước vách tường chánh của ngôi chùa. Hình ảnh chậu hoa sen này là biểu tượng của môn phái Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội mà chùa Phước Thiện thuộc về môn phái này. 

Mỗi dịp được nghỉ hè khoảng ba tháng, mấy anh em mình thường được ông bà ngoại kêu lên Chùa Phước Thiện rất gần nhà để làm công quả, tức là chặt thuốc, phơi thuốc, v.v.. Vì chùa Phước Thiện chính là trụ sở của Hội Quán do quý thầy tu, cư sĩ, y sĩ chuẩn bệnh, phát thuốc cho dân, nên thường ngày nhà chùa phải sản xuất ra các phương vị thuốc Nam. Không biết cây, lá có vị thuốc quý thầy kiếm ở đâu ra, nhưng mỗi ngày mấy anh em mình lên chùa và mỗi đứa ngồi một chỗ, có một miếng thớt bằng cây rắn chắc, dùng một cây dao cũng khá lớn và cứ chặt những nhánh cây có vị thuốc ra thành từng khoanh nhỏ để khi nấu thuốc dễ trích ra các chất thuốc chứa trong nhánh cây đó, mỗi khoanh chỉ mỏng chừng một phân thôi, và phải chặt cho đều, khéo tay theo kiểu thành một khoanh nhỏ và theo chiều xéo chứ không chặt thẳng góc với chiều dài của nhánh cây.

Mỗi ngày cứ lên chùa, ngồi xếp bằng, chặt các nhánh cây thuốc thành từng khoanh nhỏ như vậy, sau đó, giúp quý ni cô và quý thầy trải các khoanh cây thuốc chặt nhỏ như vậy ra trong các sàng, nia, nong (tức là các thứ rổ lớn đan bằng tre) để đem phơi cho thật khô ngoài sân chùa. Khi thuốc được phơi thật khô, đúng ngày, thì giúp quý ni cô, quý thầy, phân chia thuốc vào các hộc tủ nhỏ trong phòng lớn sau chánh điện, nơi quý thầy chuẩn bệnh và phát thuốc. Mỗi hộc tủ nhỏ chứa thuốc đều có giấy nhãn ghi tên thuốc rất rõ ràng, có tên cây thuốc thì rất bình dân như: Cà gai leo, cỏ hôi, chó đẻ, v.v., có tên thì theo chữ Hán Việt như đình lăng, đan sâm, mã đề, địa liền, trần bì, v.v.. Mình cũng muốn học thuộc tên các cây thuốc đó nhưng rất khó nhớ.

Khi chuẩn bệnh và sau đó bốc thuốc thì quý thầy theo một toa thuốc vừa viết ra trên giấy, và trải một tờ giấy rất lớn trên bàn, sau đó thầy cứ theo tên các vị thuốc đó đi đến mỗi hộc tủ và bốc ra các vị thuốc đặt trên tờ giấy. Thầy gói tờ giấy lại rất khéo thành một gói thuốc dạng vuông vức. Thường thì thuốc Nam phải uống nhiều lần mới có công hiệu nên quý thầy cho một lần hai gói thuốc, gọi là hai thang thuốc, dùng dây cột hai thang thuốc lại và người bệnh xách hai gói thuốc đó về nhà, phải mua thêm một cái siêu đất (vì siêu phải bằng đất mới tốt và hợp với thuốc), bỏ thuốc vào siêu và cho nước vào rồi nấu cho sôi để trích ra các vị thuốc chứa trong cây thuốc, sau đó chờ hơi còn ấm thì uống thuốc. Thuốc Nam rất đắng phải chịu khó uống, mình cũng có từng uống qua các thang thuốc Nam rồi, đắng lắm, phải uống từng ngụm nhỏ thôi từ từ mới uống hết chén thuốc.

Nhiều khi rảnh rỗi, có một thầy cư sĩ còn rất trẻ, khoảng trên dưới 25 tuổi thôi, thường hay trò chuyện với mình. Còn nhớ có lúc thầy hỏi mình học lớp Nhất ở trường Tiểu Học với thầy nào, mình trả lời là học với thầy Nguyễn Văn Pho. Sau khi nghe câu trả lời, thầy cư sĩ đó nói, “Còn tui là ông Phò, anh của ông Pho đó!!” Lúc đó vì còn nhỏ tuổi mình cũng bán tín bán nghi, không biết nhận ra đó là câu nói đùa cho vui mà thôi.

Còn một kỷ niệm khác rất vui nữa, mình còn nhớ rất rõ. Thời gian đó trong chùa có một ni cô, tương đối còn trẻ tuổi, chắc khoảng trên 20 dưới 30 thôi. Ni cô có nhờ mấy anh em mình chép lại nguyên một cuốn sách dùm cho ni cô, tức là mình làm vai trò như một cái máy “photocopie” vậy. Thời đó chưa có máy chụp hình giấy tờ như loại “photocopie,” ở Chi Thông Tin Hà Tiên người ta muốn xuất bản tập san tin tức hay văn nghệ cũng chỉ dùng phương pháp quay “ronéo “để có được nhiều bản chứ cũng chưa có máy làm “photocopie “như sau này. Cuốn sách của ni cô viết về các mẫu làm đơn, mẫu viết thư dùng cho mọi người, nhất là học sinh, sinh viên hay người ngoài đời sống xã hội. Sách có khá nhiều trang, mình không nhớ là bao nhiêu trang, nhưng có đủ các chương: mẫu đơn xin việc làm, mẫu viết thư chúc mừng bạn bè, xin vay nợ hay xin hoãn nợ, v.v.. Mình và anh Trần Văn Dõng nhận việc làm này giúp cho ni cô có được một cuốn sách giống như vậy nhưng dưới hình thức chép tay lại. Có lẽ ni cô mượn cuốn sách này của ai đó và muốn có một bản giống y như vậy để dùng trong việc viết thư từ.

Mỗi ngày ở nhà, anh em mình lên gác trên lầu, chỗ có đặt bàn học hằng ngày, cứ chép mỗi ngày vài tờ trong cuốn sách đó; được ba bốn ngày thì phát hiện tới chương “Mẫu viết thư tình” thì mình thấy hơi lạ vì không biết chương đó có hợp với việc dùng sách của ni cô không. Mình đem việc này nói lại trong nhà và hỏi ý kiến. Nhà có người chị bạn dì tên là chế Thìn (tên chữ là Lê Thị Phượng). Chế nói, “Thôi đi, ni cô thì chắc không cần các mẫu thư tình gì đâu, vậy khỏi chép chương này đâu.” Nhờ vậy mình bỏ hết một chương dài có các mẫu thư tình, và cuối cùng cũng hoàn thành việc công quả cho ni cô là chép xong lại cuốn sách cần dùng cho ni cô, (chỉ thiếu chương về mẫu các thư tình; phải chi biết sau này có cần dùng các mẫu thư ấy cho việc riêng thì mình đã chép lại để dành rồi,…!!). Đó là một kỷ niệm vui trong thời gian anh em mình làm công quả trên Chùa Phước Thiện.

Thời gian trôi qua, không còn nhớ anh em mình làm công quả cho đến bao nhiêu lần nghỉ hè, nhưng một thời gian sau thì cũng thôi, không còn lên chùa làm công quả nữa. Tuy vậy, ngôi Chùa Phước Thiện ở Hà Tiên đã để lại cho mình rất nhiều ấn tượng tốt đẹp, ngay lúc còn nhỏ đã được tiếp xúc với quý thầy, cô, cư sĩ, y sĩ trong ngành thuốc Nam, và được thấm nhuần trong cái không khí từ bi, yên tỉnh của nhà chùa. 

Từ đó về sau, mỗi lần đạp xe đạp trên đường Bạch Đằng chạy ngang Chùa Phước Thiện mình thường hay nhìn vào và cảm thấy rất thích thú vì đã làm được nhiều việc có ích lợi cho nhà chùa, giúp mình tránh được việc đi la cà ngoài chợ hay đi phá người ta.

Quá trình thành lập và trị sự ngôi Chùa Phước Thiện

Theo thông tin của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, tiền thân của ngôi chùa Phước Thiện là một ngôi am nhỏ, do cư sĩ Lê Văn Y lập nên vào năm 1951, trên mảnh đất do một Phật tử địa phương cho mượn. Theo trí nhớ của anh Trần Văn Dõng thì cái Am này tọa lạc trên đường Đống Đa, khoảng khúc ngã tư đường Mạc Cửu và Đống Đa trở lên phía trường Tiểu Học Hà Tiên. Cái Am nhỏ này vừa là nơi tu hành, vừa là phòng hốt thuốc Nam từ thiện.

Đến năm 1961, được ông Phán Lịch hiến cúng một khu đất rộng ngay tại góc ngã tư đường Bạch Đằng – Chi Lăng, cư sĩ Lê Văn Y đã cho xây một nhà thuốc Nam từ thiện bằng cây lá lấy tên là “Dân Lập Công Trợ.” Năm 1966, sau khi gia nhập hệ phái Tịnh Độ Cư sĩ, cư sĩ Lê Văn Y đã cho xây dựng lại nhà “Dân Lập Công Trợ” thành Tịnh Độ Hưng Phương tự. Từ đó, Chùa Phước Thiện có tên chánh thức là Hưng Phương Tự và thuộc môn phái Tịnh Độ Cư sĩ chủ trương “Phước Huệ Song Tu” vừa thờ Phật vừa hốt thuốc Nam từ thiện cho dân nghèo địa phương.

Vị trí chùa Phước Thiên – Hưng Phương Tự tại khu phố Hà Tiên. Theo cái nhìn ngày xưa, các vị trí chung quanh chùa là như sau: 1/ Chùa Phước Thiện; 2/ Nhà của Bác Sửu thân phụ của anh Lâm Văn Có, Lâm Mỹ Nhung; 3/ Nhà của ông Ký Tí (ông Ký Cụi), ông ngoại của Phạm Thị Kim Loan; 4/ Nhà của má Hai mình tức nhà của chị Huỳnh Thị Kim, Huỳnh Ngọc Sơn (chị em bạn dì với mình); 5/ Nhà của người đẹp Phan Kiều Dũng; 6/ Nhà của thầy Hứa Văn Vàng; 7/ Nhà của bạn học cùng lớp mình, Hà Mỹ Oanh; 8/ Nhà và quán cafe nhạc Ti La của thầy cô Trương Minh Đạt. Bên góc đường Chi Lăng-Tô Châu, ngày xưa còn có một bên là cái giếng nước và một bên là cây me rất to lớn.

Khi bên ngoài ta đi vào chùa bằng cổng chánh thì có một hành lang rất dài cho đến phía sau chùa, thường dùng để phơi các sàng thuốc. Bên ngoài nhìn vào chùa thì phía trái hành lang là chánh điện, sau chánh điện là phòng khám, chuẩn bệnh và phát thuốc, có một cửa hông để đi vào, bên phải hành lang, đối diện với cửa phòng phát thuốc là một gian nhà rộng lớn, dùng để sản xuất thuốc, tức là nơi các đệ tử, quý thầy cô ngồi chặt thuốc.

Năm 1991, cư sĩ Lê Văn Y qua đời. Kế tục trụ trì chùa là cư sĩ Lê Thị Lình. Trong thời gian trụ trì chùa, với công đức của Phật tử địa phương và nguồn tự lực của chùa, cư sĩ Lê Thị Lình đã cho trùng tu nhiều công trình Phật sự trong chùa như xây hàng rào khuôn viên (1993), chánh điện (1996), phòng thuốc Nam (1997), nhà hậu Tổ (1999) và nhà trù (2001). Năm 2000, cư sĩ Lê Thị Lình tạ thế. Quản lý chùa hiện nay là cư sĩ Phạm Thị Hiền (pháp danh Diệu Hòa).

Toàn diện ngôi chùa Phước Thiện – Hưng Phương Tự Hà Tiên sau nhiều công trình trùng tu. (Hình: Nguyễn Hữu Tâm, 2017)

Vài nét về hệ phái Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam

Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội được thành lập vào năm 1934 do Đức Tông Sư Minh Trí (Nguyễn Văn Bồng (1886 – 1958), người gốc Sa Đéc làm bậc lãnh đạo tối cao và Hội Quán Trung Ương gọi là chùa Tân Hưng Long Tự được xây dựng vào năm 1935 tại Phú Định, Chợ Lớn. Đến năm 1953 thì hệ phái được công nhận với tên gọi đầy đủ tám chữ là: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Tôn chỉ hành đạo của Phật Hội là “Phước Huệ song tu, lấy Pháp môn niệm Phật làm căn bản, dùng y đạo làm phương pháp phát triển hội quán.”

Vì thế mỗi cơ sở thờ tự được gọi là một Hội quán, mỗi Hội quán đều có phòng thuốc Nam phước thiện, đó là nguồn gốc của tên gọi “Chùa Phước Thiện” mà dân chúng thường đặt cho Hội quán. Ngoài ra mỗi Hội quán đều có một tên riêng bắt đầu bằng chữ “Hưng “và kết thúc bằng chữ “Tự.” Chùa Phước Thiện – Hà Tiên tên là Hưng Phương Tự; Tổ Đình ngày nay tại Quận 6, Sài Gòn có tên là Hưng Minh Tự; các Hội quán ở các tỉnh có tên như:  Hưng Phước Tự – Long Xuyên, Hưng An Tự – Rạch Giá, Hưng Giác Tự – Vĩnh Long, v.v..

Hình Đức Tông Sư Minh Trí (Nguyễn Văn Bồng) chụp trước bức tranh chậu hoa sen điển hình thường được vẽ ở trước mặt chùa Phước Thiện. (Hình: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam)

Hiện nay, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 206 hội quán cũng là 206 phòng thuốc Nam phước thiện ở 21 tỉnh, thành phố; gần 1.5 triệu tín đồ, 4,800 chức sắc, chức việc, 350,000 hội viên; gần 900 lương y, huấn viên y khoa, y sĩ, y sinh; trên 3,000 người làm công việc chế biến thuốc.

Viết xong ngày 25/12/2019 tại Paris
(Nguồn: Trung Học Hà Tiên Xưa)

Sau đây là một vài hình ảnh do trang Facebook của “Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam” với tác giả. Hình ảnh ngôi chùa Phước Thiện-Hưng Phương Tự (Hà Tiên) và quý vị cư sĩ, đạo hữu chụp vào năm 2018.

(Hình: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam)
Hình ảnh ngôi chùa Phước Thiện-Hưng Phương Tự (Hà Tiên) và quý vị cư sĩ, đạo hữu chụp vào năm 2018. (Hình: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam)
(Hình: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam)
(Hình: Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

3 thoughts on “Ký ức về Chùa Phước Thiện – Hưng Phương Tự, Hà Tiên

  1. Rất cảm ơn Ông về bài viết.
    Xin ông cho biết, tại Pháp, có chùa nào theo hướng này không: “Hưng….Tự “? Và ở tỉnh nào?
    DM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *