Ném sỏi xuống giếng

*Đọc 2 phút*

Phật và đệ tử một ngày
Thong dong tản bộ cạnh ngay cánh đồng
Chợt đâu thấy một đám đông
Quây quần làm lễ vô cùng nghiêm trang
Tiễn đưa một kẻ họ hàng
Mới vừa tạ thế trong làng tuần qua.
Bà con thương tiếc xót xa
Mời nhiều tu sĩ về nhà tụng kinh,
Ra đồng làm lễ linh đình
Mong người quá cố vãng sinh an lành.
Thân nhân cầu khẩn tâm thành
Mong cho siêu thoát vong linh người nhà
Tây phương cực lạc chóng qua,
Tiếng kinh cầu nguyện vang xa trên đồng.
Có người thắc mắc trong lòng
Cúi xin hỏi Phật, cầu mong tỏ tường:
“Thưa Thế Tôn, theo lệ thường
Đọc kinh khi có người thương qua đời
Để mong siêu độ cho người
Đưa phần hồn họ lên nơi Niết Bàn
Mong họ giải thoát dễ dàng
Chẳng hay tác dụng có mang lại gì?”
*
Phật cười, dáng điệu từ bi
Dắt đoàn đệ tử cùng đi băng đồng
Tới ven bờ giếng nước trong
Ngài cầm hòn sỏi ném lòng giếng sâu
Sỏi kia chìm xuống thật mau
Ngài truyền đệ tử cùng nhau quây quần
Đứng quanh miệng giếng thật gần
Phật bèn hỏi: “Nếu thành tâm nguyện cầu
Kinh vãng sinh đọc dài lâu
Sỏi kia có nổi lên mau không nào?”
Cả đoàn đệ tử xôn xao
Ngạc nhiên tự hỏi chuyện sao lạ kỳ
Cùng thưa: “Kính đức Từ Bi
Trên đời đâu có kinh gì giúp ta
Dù tâm thành, dù thiết tha
Dạt dào chú nguyện, chan hòa lòng tin
Đem kinh kệ tụng liên miên
Chẳng làm cho sỏi nổi lên được nào!”
*
Nghiêm trang Phật dạy: “Đúng sao!
Ai khi sống chẳng hướng vào cõi trên
Nơi cực lạc, chốn bình yên
Nơi vùng thanh tịnh, nơi miền sạch trong
Thì khi chết thật khó lòng
Dùng lời kinh kệ mà mong giúp mình
Đưa về ‘tịnh thổ’ an bình,
Phải nên nhắc nhở chúng sinh xa gần
Kệ kinh chỉ giúp một phần
Chính mình phải giúp bản thân của mình
Khi còn sống phải tu hành
Trái tim hướng nẻo đất lành đừng quên,
Bản thân mình chớ nhận chìm
Xuống lòng nước thẳm, xuống miền giếng sâu
Gắng công tu tập đạo mầu
Giữ tâm cho kỹ trước sau nhiệt tình
Mới mong có phước vãng sinh
Vào miền ‘tịnh thổ’ đất lành cực vui!”

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
(Thi hóa, phỏng theo tập truyện văn xuôi ‘Những Hạt Đậu Biết Nhảy’ của Lâm Thanh Huyền, Phạm Huê dịch. Hình: Phương Huy / Wikimedia Commons.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *