Tiếng chim bên hiên chùa

*Đọc 3 phút*

Bài ĐOÀN NHÃ VĂN

Tôi không phải là một Phật tử thuần thành theo nghĩa: đi chùa thường xuyên mỗi tuần, đọc kinh niệm Phật mỗi ngày. Tuy vậy, với tôi mái chùa có nhiều ý nghĩa cho riêng mình. Chùa là một nơi đi về vào những dịp lễ, Tết. Và …

Cơ thể tôi bị dị ứng với một số điều, trong đó có mùi nước hương và mùi nhang. Đi vào các shopping lớn, lúc nào tôi cũng tránh nơi bán nước hoa, dù là nước hoa đắt tiền. Qua khu vực đó, tôi cảm thấy rất khó thở. Tương tự, nếu vào một ngôi chùa nào đó trong những ngày lễ và Tết, nếu chánh điện đốt nhiều hương, tôi cũng chịu không được. Và tôi thường sẽ ở bên ngoài.

Một lần vì công việc trong hãng, rất nhiều năm trước, tôi đến Hồng Kông lần đầu tiên và ở đó mấy ngày. Một sáng thứ Bảy, tôi đi theo tour. Trong ngày, có ghé đến một ngôi chùa hơn ngàn năm trước. Chùa rất cũ, nhưng tôi rất thích cái cỗ kính rêu phong, nhìn từ bên ngoài. Tuy vậy, khi bước vào gian chánh, tôi bật ra ngay vì những người ghé đến đều đốt nhang. Mùi nhang rất nặng. Tôi không thở được.

Vâng, tôi đến chùa luôn trong trang phục lịch sự nhất có thể, và không phải để ăn chay, cũng không bao giờ đến chỉ để lạy Phật. Tôi đến như một sự tìm về, cho tâm hồn thêm chút thanh thản sau những lớp sóng hưng phế của cuộc đời. Có lúc tôi đến, nếu các Thầy đang giảng, tôi hòa vào số Phật tử đang ngồi nghe. Chiều khi cuối năm tôi đến, Thầy trụ trì nhận ra tôi, Thầy bước ra bắt tay. Tôi nghiêng mình, chúc Thầy nhiều sức khỏe, rồi cũng nhanh bước ra bên ngoài vì biết bao nhiêu người muốn nói chuyện với Thầy. Chợt nhớ lời Thầy Thích Pháp Hòa trong một clip nghe được lâu rồi. Đại khái Thầy bảo:

“Phật không bắt các Phật tử xì xụp lạy Phật. Tuy nhiên, nếu lạy Phật mà Phật tử thấy lòng mình an lạc, tâm mình lành hơn, thì nên làm. Phật không bắt chúng sinh phải ăn chay trường, Tuy nhiên, nếu ăn chay mà sức khỏe mình tốt hơn, bớt bịnh tật, thấy lòng mình an nhiên, tâm mình buông bỏ bớt những tham sân si, thì ăn chay là một điều quá tốt …” Có thể không chính xác từng chữ nhưng ý Thầy là vậy.

Năm nay, gia đình tôi cũng đi chùa và dịp Tết, và tôi cũng không ở trong gian chánh điện lâu.

Tôi về chùa, như tìm về nguồn cội, về cái thiêng liêng nhất tìm thấy trong tâm hồn. Về chùa, chỉ nhìn mái chùa cong vút, thấy cái thân quen của mái ngói, thấy cái không khí an lạc không bon chen, thấy những sợi khói từ lư hương bên ngoài nhè nhẹ bay trong, tự nhiên lòng mình thanh thản hơn.

Khi bị “stress,” về chùa chỉ cần nhìn những trụ cột chống đở mái chùa theo dòng chảy thời gian để thấy cái vững chắc của nền tảng làm bệ phóng cho mọi thứ. Rồi, đi dạo một vòng bên ngoài hiên chùa thấy những lá cây lay nhẹ theo cơn gió thoảng, thấy lòng mình nhẹ bớt những âu lo.

Nói thật, tôi chưa thuộc nằm lòng dù chỉ một bài Kinh. Tuy nhiên, về chùa lần nào cũng mang ý nghĩ mình học buông bỏ bớt những điều xảy ra trong đời thường, để mình “tốt” hơn.

Chông chênh ngụp lặn biển khơi
Nguyên sơ hạt bụi giữa trời bão dông
Một hôm nắng sớm long lanh
Ta về, chim chóc hót bên hiên chùa

Với tôi, chùa là một nơi để về, như thế.

Đoàn Nhã Văn (LT)
2/2024

(Nguồn bài và hình: Nhã-Văn Đoàn / Facebook ngày 12 tháng 2, 2024)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *