Bài HOÀNG MAI ĐẠT
(Bài đã đăng trên Nhật Báo Viễn Đông ngày 2 tháng 9, 2023, nay được cập nhật thêm thông tin ở cuối bài, ngày 1 tháng 2, 2024.)
Có một khoảng thời gian, anh với tôi gặp nhau mỗi buổi sáng, ít nhất hai lần vào lúc 10 giờ sáng và 12 giờ trưa. Đó là giờ đọc tin tức của đài phát thanh Little Saigon Radio với xướng ngôn viên Phạm Long. Khi vui, anh Phạm Long vừa nhoẻn miệng cười, vừa nói trong lúc ngó vào bàn làm việc của tôi đằng sau khung chắn, “Ông thầy, có bản tin cho tôi chưa? hay còn mơ mộng nhìn trời mây ngoài cửa sổ?”
“Anh cho em ba-mươi giây, sắp in ra rồi đây,” tôi đáp vội, cố đánh thêm mấy chữ để kết thúc bản tin cuối cùng mà chắc tới một phút mới xong. Thời đó, từ năm 1993 của thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ thứ 21 này, các xướng ngôn viên của đài đọc tin từ mấy trang giấy. Tôi giữ nghề viết tin cho đài, in ra tại chỗ những bản tin vào lúc 10 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 6 giờ tối. Giờ đọc tin buổi sáng là của anh Phạm Long.
Có lúc biết tôi rất bận, anh đến bàn để phụ tôi lấy bản tin từ máy in trong lúc đài phát quảng cáo, thay vì đợi tôi mang tin vào phòng phát thanh. Cũng có khi anh rất bận, không thể rời phòng đọc tin, ngồi ngay trong ghế giữa những máy móc với những nút vặn, ánh đèn chớp nháy ở chung quanh, tai đeo headphone, tay vừa bấm máy chạy quảng cáo vừa quơ mấy tài liệu chuẩn bị bài vở để thực hiện một cuộc phỏng vấn quan trọng nào đó sau giờ đọc tin.
Trong ngành phát thanh thì phải nói là anh Phạm Long rất “bảnh,” một phần vì anh có nhiều kinh nghiệm từ trước năm 1975 tại Việt Nam, làm việc ở mấy cơ sở truyền thông lớn của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, một phần quan trọng hơn nữa là anh có giọng nói rất dày, dày với tiếng vang rền từ lồng ngực vạm vỡ của anh, và trầm ấm, đầy cảm xúc từ một trái tim rất nồng nhiệt yêu thương cuộc đời. Anh là một kịch sĩ phát thanh.
Thế nên tin tôi viết, cho dù là tin thời sự khá khô khan hay tin đời sống với nội dung cảm động, đều được anh diễn tả rất sôi nổi, sống động, đầy nhiệt tình, có khi hồi hộp như đang nghe truyện trinh thám của Hitchcock, tim muốn rớt ra ngoài. Có lần đọc bản tin đặc biệt tôi viết về Halloween, anh kèm thêm những âm thanh ma quái, tiếng hú ghê rợn của chính anh. Có bữa đọc bản tin về một câu chuyện đau lòng, anh ngập ngừng, giọng nghẹn như sắp khóc, làm cho thính giả cũng muốn khóc theo. Anh có tài diễn kịch qua giọng nói, sống với câu chuyện như một kịch sĩ trên sân khấu hay trong phim ảnh.
Thời còn viết tin cho đài truyền thanh, tôi hân hạnh được làm việc với các xướng ngôn viên lừng danh một thuở ở phố Little Saigon đây, như Việt Dzũng, Minh Phượng, Anh Dũng, Thúy An, Hương Thơ, Mộng Lan, Vũ Kiểm, Chu Ly, Chí Tâm, Mai Hân, Dương Phục, Ngọc Ân, Thanh Toàn, Phương Thanh, Thanh Thảo, Nhã Lan, Nguyễn Hữu Công, Thúy Anh, Thụy Trinh, Khánh Hoàng, Bảo Trung, Quỳnh Anh, và một số anh chị em khác mà tôi không thể nhớ hết. Riêng anh Phạm Long có lẽ là xướng ngôn viên gần gũi với tôi nhất. Lý do đơn giản là bàn làm việc của anh đặt cạnh bàn tôi, nên có né cũng không được.
Khi đài còn ở đường Harbor thành phố Santa Ana, anh làm việc trong một phòng riêng, nhỏ, kín mít ở tầng trên. Bàn làm việc của tôi cũng ở tầng trên đó, cách phòng anh chừng năm thước. Đến khi đài dọn về đường Brookhurst ở Westminster, cạnh phố Little Saigon, bàn làm việc của tôi và của anh nằm sát nhau ở tận cùng phía sau đài. Tôi được cho vào một góc phòng cạnh cửa sổ để yên tịnh viết tin, anh cũng ngồi một bàn cạnh cửa sổ có tấm phên che để riêng tư soạn bài, nghe trước những ca khúc tiền chiến hay mấy câu phỏng vấn trước khi phát lên làn sóng. Đó là thời gian anh với tôi chia sẻ với nhau nhiều nhất.
Thật ra thì anh hay chọc cho tôi nói chuyện, bớt căng thẳng giữa lúc viết tin, chứ tôi ít dám thò đầu qua bàn anh để… phá. Một lần kia, đang yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ trong một ngày Quận Cam bị những trận cuồng phong – gió Santa Ana – thổi tới tấp, những tàng cây nghiêng ngả qua một bên, cố gắng bám trụ vào miếng đất nhỏ trong bãi đậu xe, tôi giật mình khi nghe anh nói lớn từ đằng sau, “Ông thầy lại mơ mộng rồi, không viết tin giùm ‘em’ đi chứ. Sắp tới 12 giờ trưa rồi đấy.”
Nói xong anh cười he he. Tôi tìm lời đáp lại cho đỡ “quê” vì bị anh bắt quả tang đang bỏ lơ công việc để nhìn bầu trời bên ngoài tòa nhà.
“Thấy gió chợt nhớ mấy cánh diều ở Nha Trang,” tôi quay lại nói với anh, xong nhìn tiếp khung cảnh bên kia cửa sổ, nơi đang có những đám bụi rác quay cuồng.
“Diều?” anh có vẻ ngạc nhiên.
“Dạ, diều,” tôi nói, vẫn nhìn ra ngoài. “Hồi nhỏ em rất thích chơi diều, kéo diều chạy trong xóm, có lúc ra bãi biển thả diều cho nó được lộng gió.”
“Gió thế này thì diều nào chịu cho nổi, đứt dây hết ông thầy ơi!” anh vẫn cười, có lẽ biết tôi nói chỉ cho có nói mà thôi, hồn đang ở nơi nao chứ không phải ở mấy con diều.
Mà anh nói cũng đúng, diều nào chịu nổi mấy trận gió Santa Ana này?
Anh Phạm Long vẫn thường gọi tôi là “ông thầy.” Hỏi tại sao thì anh trả lời “ông thầy là mấy ông đội trưởng trong quân đội.” Thì ra vậy. Tưởng mình hiền lành nên bị anh chọc là “ông thầy” như mấy thầy tu.
Thời ở Việt Nam tôi không dính dáng gì tới lính tráng, chỉ có cha tôi chết trận ở Tuy Hòa, nên tôi không rành những từ ngữ từ cuộc nội chiến ấy, chỉ lãnh hậu quả của nó. Có điều anh Phạm Long và tôi lại là chiến hữu trong một cuộc chiến khác, một cuộc phấn đấu để sống còn của một thế hệ di dân không sanh ra ở Mỹ, sống bám vào một nghề tạm mà cả hai đều biết sẽ có lúc chấm dứt.
Tình chiến hữu của chúng tôi được đậm đà hơn mỗi khi… có rượu vào. Những lần như vậy thì anh thêm chữ “thằng” khi nói chuyện với tôi, như lần kia đài mở tiệc mừng thêm một tuổi, anh tìm đâu ra một chai rượu mang vào phòng rủ tôi uống.
“Hai thằng mình chơi chai rượu vang này đi ông thầy,” anh nói, biết tôi thích uống rượu.
Anh mới “chơi” chừng vài hớp thì mặt đã đỏ hồng, nói năng càng vui ti toe hơn trước, bỏ hết những nét đăm chiêu, căng thẳng thường ngày. Tôi cũng uống cho anh vui, chứ đang viết tin mà uống chừng nửa chai thì tin tức bay loạn xạ hết.
Không hiểu sao, có lẽ nhờ chia sẻ tình đồng đội mà anh lại thích văn tôi, hay ngược lại. Ngoài giờ viết tin, thời đó tôi còn “mơ làm nhà dzăng,” thỉnh thoảng viết những bài “biên tà tà” được đăng trên mấy tạp chí văn học. Thấy bài nào của tôi được đăng báo là anh mang ra đọc trên đài. Những bài viết cũng thường thôi (cỡ bài này đây) mà anh diễn tả nghe rất truyền cảm, đầy kịch tính trên làn sóng. Cũng nhờ tài quảng bá của anh mà tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của tôi đã được đón nhận nồng nhiệt ở phố Việt mình đây năm 2000.
Rồi chuyện gì đến phải đến. Một bữa trưa kia sau giờ đọc tin, anh nghiêm mặt bước qua bàn tôi nói, “Ông thầy! Hai thằng mình phải chia tay thôi.” Hôm đó chưa uống hớp rượu nào mà nghe anh xưng “thằng,” tôi biết có chuyện chẳng lành. Ở cửa vào phòng, một anh an ninh đang đứng đợi “bác Long” mang mấy thứ cá nhân rời bàn vĩnh viễn. Ban giám đốc cho anh nghỉ việc vì một lý do nào đó mà không nghe họ nói lại với các nhân viên. Anh cũng biến mất một thời gian, nên tôi không rõ tại sao. Tính anh rất cứng và bướng, nên tôi đoán sự chia tay với đài có liên hệ đến tính tình ngang ngạnh đó.
Anh cũng rất kín đáo, ít muốn gặp ai ngoài giờ làm việc, không nhắc tới gia đình với người ngoài. Sau ngày anh rời Little Saigon Radio, vợ chồng tôi được thăm anh chị Phạm Long ở một căn nhà condo. Tôi chỉ nhớ chị nói chuyện rất lịch sự, dè dặt; anh nói anh thích nuôi nhiều chó; bảy, tám đôi giày dép được xếp đặt rất ngăn nắp ở cửa ra vào. Có lẽ phải thêm sự ngăn nắp vào tính nết của anh Phạm Long. Bàn làm việc của anh rất gọn ghẽ, mọi thứ đâu ra đó, như ở nhà. Anh làm việc cũng thế, mọi thứ phải theo đúng sự sắp xếp, trật một chi tiết là anh có thể nổi nóng, giận mấy ngày không nói chuyện. Tính anh lại rất quân tử. Mặc dù phải lìa xa một nơi mình đã hết lòng phục vụ trong hơn chục năm, trong sự cay đắng, anh đã không làm việc cho một đài phát thanh nào khác cạnh tranh với Little Saigon Radio.
Vài năm sau khi anh rời đài thì tôi cũng “hết duyên” với đài, xách cà-mèn tìm đến Nhật Báo Người Việt nơi tôi từng khởi nghiệp viết tin ở xứ Bolsa này. Rồi một thời gian sau tôi lại xách cà-mèn đến những nơi khác, nay đài này mai báo kia. Đâu khoảng năm 2010, gặp lại anh Phạm Long ở đài truyền hình Little Saigon TV. Câu đầu tiên anh nói với tôi ở chiếc bàn viết tin đặt trong phòng chứa đầy dụng cụ, “Hai thằng mình lại gặp nhau ở đây hả ông thầy?” Nói xong anh cười hăng hắc.
Rồi “hai thằng” lại chia tay, tan tác như những cánh diều trong cơn lốc Santa Ana, dây đã đứt, số mệnh phó thác cho gió cuốn trôi. Một thời đại truyền thông mới đã đến, không làm cho thế giới khá hơn, nhưng cũng đã đến, phương tiện nói qua làn sóng mà không có hình ảnh đã bị đẩy qua một bên. Anh liên lạc để chúc mừng khi biết tôi về làm ở Nhật Báo Viễn Đông. “Mừng ông thầy có job mới.” Anh viết bằng email. Lần đầu tiên tôi nhận được thư email của anh, một người rất ngại dùng máy điện toán.
Lần cuối cùng gặp anh, ở một quán cà phê xa khu phố Little Saigon, tôi chia sẻ với anh về hướng đi mới trong đời tôi. Đó là tôi không còn thấy vui với những lạc thú của đời thường trong cuộc sống hiện tại, mọi thứ không thật sự quan trọng như mình tưởng. Sống thì cũng sống như mọi người, nhưng có tu hành thì mới thật sự cảm được sự an lạc, đúng như ý nghĩa chân phương của nó.
Anh ngạc nhiên, văng nửa câu tục khi nghe tôi nói bỏ uống rượu. “Mẹ, không uống rượu thì đâu phải là Hoàng Mai Đạt? Ông thầy bỏ uống rượu thật à? Tôi đã từng thấy ông uống, uống mỗi ngày cơ chứ, sao bỏ được?”
“Dạ thật, bỏ rượu rồi anh,” tôi vừa nói vừa nhún vai cười, vẫn nhớ “dạ” lễ phép với một người lớn tuổi hơn mình. “Mình đâu là cái quái gì đâu anh, bỏ luôn cũng đâu có sao? Văn chương cũng từ giã luôn, cho xong chuyện.”
Anh lắc đầu như không tin điều tôi nói. “Không rượu, không viết văn? Rồi ông còn gì vui?”
Tôi lặng thinh. Làm sao giải thích được những trải nghiệm ở cõi tâm linh?
Cũng nhân dịp đó tôi mới tiết lộ một điều tôi biết về anh. Nghe tôi sắp nói ra một chuyện về mình, anh nhìn tôi như có vẻ nghi ngờ, giật mình lo lắng. Phạm Long mà tôi biết cũng có dăm ba chuyện “bí ẩn” trong đời tư. Nhưng chuyện tôi kể hôm đó là chuyện xảy ra ở bàn làm việc của anh.
Tôi nói, “Anh còn nhớ hồi làm ở Little Saigon Radio, em vẫn thường nghe, thấy anh chắp tay và cúi đầu cầu nguyện, có lẽ là với Đức Mẹ. Anh làm vậy trước khi vào phòng đọc tin.”
Anh cười như cảm thấy nhẹ nhỏm vì điều tôi “tiết lộ” không phải là mấy “chuyện ấy.” Anh nói một câu thường để chọc hơn là để khen khi nghe tôi nói điều gì mà anh không hề biết, “Ông thầy hay thật, ngồi ở trong góc mà biết hết mọi thứ.”
Rồi anh nói tiếp, “Tôi rất tin ở Chúa, tin ở tình thương yêu của Ngài, nên tôi cầu nguyện để nhắc nhở rằng mình luôn có Chúa ở bên cạnh, đừng lo sợ gì hết.”
Quán cà phê giờ đó vắng khách, chỉ có hai anh em.
“Ông ấy không liên lạc với ai, kín đáo lắm. Người làm việc trước công chúng mà lại rất riêng tư,” một người bạn thân nói với tôi khi nghe tôi hỏi về tin qua đời của anh Phạm Long.
Đài phát thanh loan tin anh mất hôm Chủ Nhật, ngày 27 tháng Tám, 2023 tại San Diego, hưởng thọ 76 tuổi, để lại vợ, ba con gái, năm cháu ngoại.
“Từ hồi bị bệnh, sức khỏe yếu đi, trí nhớ kém, ông về sống với con gái út ở San Diego,” người bạn nói với tôi hôm thứ Tư sau đó. “Chị cũng không khỏe, nên chuyện hậu sự giao cho các con lo hết. Chắc họ sẽ làm lễ ở nhà thờ ở dưới đó, rồi hỏa thiêu và rải tro cốt ra biển, theo ý ông Phạm Long. Tính ông ấy vậy, kín đáo lắm.”
Tôi còn giữ số điện thoại của anh, tính gọi may ra gặp thân nhân nào đó để hỏi thêm cho chính xác, về những năm tháng cuối đời của anh. Nhưng nghĩ đến anh, tôn trọng sự riêng tư mà anh luôn trân quý trong đời mình, nên tôi cất lại số.
Nguyện xin Chúa phù hộ cho linh hồn Anh Phạm Long sớm về hưởng Nhan Thánh của Ngài. Mong cho gia đình Anh vượt qua nỗi mất mát quá lớn này.
Đây là một trong những bài viết mà tôi không mong được nghe anh Phạm Long đọc với tài diễn kịch của anh, chỉ mong những tâm tình đáng quý giữa hai anh em sẽ được nương theo những cánh diều bay đến những vùng trời bình yên, bình yên trong cõi vô tận.
Viết thêm ngày 1 tháng 2, 2024:
Vài ngày sau khi bài ‘Hai Thằng Mình, Những Cánh Diều Trong Gió Santa Ana’ được đăng trên báo Viễn Đông ở Quận Cam, người con gái lớn của anh Phạm Long ở San Diego đã liên lạc với tôi qua tin nhắn trên điện thoại. Cô đã chăm sóc cha và cho biết “gần cả năm nay Bố cháu chỉ nằm trên giường, không nhận ra ai trong hầu hết thời gian.”
Tôi bồi hồi trong yên lặng vào buổi tối đọc mấy dòng chữ về những ngày cuối đời của người anh trong làng truyền thông, thương nhớ những năm tháng từng là “chiến hữu” với anh, tưởng chừng như đã là những cánh diều tung bay theo gió trên bầu trời không có giới hạn. Nhìn lại mới thấy đó là những ngày đẹp nhất của tình bạn, trong một kiếp người.
Vì phải ở nhà chăm sóc người thân, tôi không thể đến nhà thờ ở San Diego để dự tang lễ, cũng không thể lên thuyền cùng với gia đình để rải tro cốt giữa đại dương tiễn anh Phạm Long một lần cuối về cõi hư không. Xem những bức ảnh con gái anh gởi qua điện thoại, về buổi lễ ở nhà thờ, về những nhánh hoa hồng trôi trên mặt nước có khoanh hình trái tim nơi tro cốt được thả xuống biển, tôi không khỏi ngậm ngùi, nói thầm lời vĩnh biệt anh Phạm Long gởi theo lời cầu nguyện vào cõi xa thẳm.
“Một kết thúc thật tốt đẹp cho Bố cháu,” người con của anh viết câu chót trong tin nhắn được gởi hồi gần cuối tháng Chín.
Vài tháng sau, chính xác là cuối tháng Chạp dương lịch, công việc của tôi ở Nhật Báo Viễn Đông cũng kết thúc, không dám nói là tốt đẹp. Một lần nữa tôi lại “hết duyên” với nghề báo. Và lần này cánh diều đã thực sự đứt dây.
Thôi thì nhẹ nương theo gió giữa trời mây. Thôi vậy.
(Hình hai cánh diều, photo: Aarondoucett/ Wikimedia Commons, được điểm thêm với Photoshop)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.