Ý nghĩa và công đức Bát Quan Trai Giới

*Đọc 6 phút*

Bài SA-MÔN SAKYA MINH-QUANG
(Nguồn: Tu Viện Thiện Tường Facebook)

Cuối tuần này, thứ Bảy và Chủ Nhật ngày 6-7 tháng 1 sẽ có khóa tu hai ngày tại Tổ Đình Thiện Tường, Burbank, Illinois. Một số Phật tử đã hỏi bút giả Bát Quan Trai Giới là gì? Ý nghĩa và lợi ích ra sao? Cho nên, bài viết ý nghĩa và công đức tu Bát Quan Trai Giới này nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tăng trưởng tín tâm cho đại chúng đối với pháp thọ trì Bát Quan Trai Giới.

1. Bát Quan Trai Giới là gì?

Bát Quan Trai Giới là pháp tu tập sự xuất gia trong một ngày một đêm dành cho người Phật tử tại gia. Có thể nói, Bát Quan Trai Giới là pháp tu xuất gia gieo duyên được đức Phật chế định thời Ngài còn tại thế. Cụ thể, trong một ngày một đêm này, Phật tử tại gia được thọ giới xuất gia, tương đương với sa-di giới, và sống đời sống tịnh hạnh, tinh tấn tu tập, gieo nhân giải thoát ở tương lai.

Bát Quan Trai Giới gồm có tám giới. Tám giới này như tám (bát) cửa ải (quan) trọng yếu giúp ngăn giữ giặc phiền não. Nhờ tám giới này tâm hành giả được thanh tịnh (trai), xa lìa phiền não khổ đau. Bát Quan Trai Giới gồm tám giới như sau:

1. Không sát sinh, sống thanh tịnh từ bi như A-la-hán và đức Như Lai.
2. Không trộm cắp, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật.
3. Không hành dâm, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật
4. Không nói vọng ngữ, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật
5. Không uống rượu, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật
6. Không trang điểm son phấn, mang đồ trang sức, ca múa hát xướng, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật.
7. Không nằm trên giường cao lớn, sang đẹp, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật.
8. Không ăn phi thời, tức không ăn sau giờ ngọ, sống thanh tịnh, từ bi như A-la-hán và chư Phật.

Như vậy, nội dung tám giới trên căn cứ vào giới xuất gia sa-di mà thiết lập, có sự điều chỉnh đôi chút để thích hợp người cư sĩ tập sự gieo duyên xuất gia. Ví dụ, giới thứ sáu của Bát Quan Trai Giới bao gồm giới thứ sáu vả giới thứ bảy của sa-di giới. Lại nữa, Bát Quan Trai Giới bỏ giới thứ mười của sa-di giới là không được cất giữ tiền bạc, châu báu làm của riêng. Vì vậy, từ mười giới sa-di rút gọn còn lại tám giới Bát Quan Trai.

2. Bản chất Bát Quan Trai Giới

Giới thể của Bát Quan Trai Giới được khích phát từ tâm xuất ly và tâm Bồ-đề cầu thọ giới của giới tử. Cho nên, người phát tâm thọ giới phải lấy A-la-hán hay chư Phật làm hình mẫu để hướng đến. Cho nên, trong Luật Tạng, văn Truyền Thọ Giới, có câu “Như các bậc Ứng Chân không sát sinh…” v.v., hay có chỗ nói “Như chư Phật không sát sinh…” v.v..

Ứng Chân là A-la-hán, những vị đã ra khỏi sinh tử đau khổ. Chư Thánh A-la-hán cũng nhờ giữ giới này mới được thành tựu đạo quả. Vì vậy, hành giả thọ Bát Quan Trai Giới phải phát khởi tâm xuất ly như A-la-hán, thấy được đời là đau khổ, ân ái là trói buộc sinh tử, nên phát tâm thọ giới để có thể thật sự xuất gia, tu hành giải thoát ở tương lai. Đây là “giải thoát đạo.”

Lại nữa, chư Phật là những vị đã thành tựu trang nghiêm phước tuệ, trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp hành Bồ-tát đạo cứu độ chúng sinh cũng nhờ nơi giới này được thành tựu. Vì vậy, hành giả thọ Bát Quan Trai Giới cần phải phát Bồ-đề tâm, trên cầu thành Phật dưới độ chúng sinh như chư Phật. Đây là “Bồ-tát đạo.”

Nói tóm lại, phát tâm xuất ly và tâm Bồ-đề chính là bản chất của Bát Quan Trai Giới, giúp người thọ giới thành tựu giới thể. Giới thể là khả năng “phòng phi chỉ ác” một cách tự động của người đắc giới. Đây cũng giống như hệ thống miễn dịch của con người (immune system).

3. Thời gian thọ giới

Theo đức Phật dạy, người Phật tử tại gia mỗi tháng nên có sáu ngày tu tập Bát Quan Trai Giới. Những ngày đó là ngày mùng tám (1), mười bốn (2), mười lăm (3), hai mươi ba (4), hai mươi chín (5), ba mươi (6). Đây là quy định khế cơ vào thời đức Phật, nhất là trong xã hội nông nghiệp. Ngày nay, hoàn cảnh xã hội thay đổi, con người bận rộn hơn, người Phật tử tại gia thật khó để có thể thật hành một tháng sáu ngày. Tuy nhiên, giấy rách giữ lấy lề, chúng ta cố gắng tu tập Bát Quan Trai Giới mỗi tháng hai lần, hay một lần cũng tốt.

Lại nữa, giới Bát Quan Trai là giới thọ trì chỉ một ngày một đêm. Đây không phải là giới “tận hình thọ,” hay thọ suốt đời như năm giới của cư sĩ, mười giới của sa-di, hay giới của tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni. Vì vậy, giới tử sau khi thọ giới không cần phải xả giới, sau hai mươi bốn giờ giới Bát Quan Trai sẽ tự động không còn. Điều này cũng giống như mình nấu cơm bằng nồi cơm điện. Vì đã set up sẵn, nên khi cạn nước cơm chín nồi cơm sẽ tự tắt.

Lại nữa, chúng ta cũng không được thọ giới nửa ngày hay một buổi, mà phải trọn một ngày một đêm mới khế hợp luật định và có thể thành tựu giới thể. Điều này giống như nấu cơm, nước chưa cạn, cơm chưa chín mà đã vội tắt lửa! Lại thêm, xét ra cơ hội phạm giới thường vào buổi tối. Cho nên nếu chỉ thọ nửa buổi ban ngày thì Bát Quan Trai Giới sẽ hoàn toàn mất đi ý nghĩa!

4. Công đức thọ Bát Quan Trai Giới

Công đức thọ Bát Quan Trai Giới thật vô cùng tận, được đức Phật tán thán ở nhiều nơi trong kinh luật. Theo “Văn Khuyên Tăng Tục Nam Nữ Đồng Thọ Trì Bát Quan Trai Giới,” Pháp sư Diễn Bồi, Ngài dựa trên kinh luật, tóm lược mười hai công đức và lợi ích của người thọ Bát Quan Trai Giới. Nay lược nêu như sau

1. Thoát ly bệnh khổ
2. Diệt trừ tội chướng
3. Tránh khỏi tai họa bất ngờ
4. Xa lìa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh
5. Phước báo dồi dào
6. Mau chóng thành tựu ước nguyện
7. Ðời sau được sinh làm người tôn quý
8. Ðược sanh lên cõi trời
9. Trợ duyên vãng sanh về Tịnh Độ
10. Lâm chung hoan hỷ an vui
11. Ðược thân đầy đủ tướng hảo
12. Là nhân duyên thành tựu Phật đạo

4. Vài câu hỏi liên quan Bát Quan Trai Giới

Hỏi: Chưa quy y Tam Bảo có thọ Bát Quan Trai Giới được không?

Đáp: Dù chưa quy y vẫn thọ được. Chỉ cần người thọ giới có đủ lòng tin Tam Bảo và tin giới Bát Quan Trai là được. Vì sao? Vì theo nghi thức truyền thọ Bát Quan Trai Giới cũng có lễ Quy Y Tam Bảo.

Hỏi: Vợ chồng có thể được cùng thọ Bát Quan Trai Giới không?

Đáp: Được. Chỉ cần hai người ngủ riêng, giữ giới tịnh hạnh như người xuất gia trong một ngày một đêm.

Hỏi: Nên ăn mặc thế nào khi thọ Bát Quan Trai Giới ở chùa?

Đáp: Nên để đồ trang sức, vàng vòng, nhẫn quý v.v. ở nhà. Như vậy, tâm sẽ buông xả, bình an, không lo mất mát. Không sử dụng dầu thơm, son phấn. Ăn mặc kín đáo, giản dị, nếu được nên mặc đồ cư sĩ.

Hỏi: Có bệnh cần phải ăn chiều, thì phải làm sao?

Đáp: Luật có khai duyên cho giới phi thời. Oai Nghi Xuất Gia nói:

Giới phi thời giúp thân an
Bớt ăn bớt việc, tâm càng bớt tham.
Vì bệnh thân thể khó kham
Khai duyên dược thực chớ tham dùng nhiều!

Cho nên, chùa có cho giới tử dùng cháo hay bún nước buổi chiều, coi như uống thuốc, vì vậy gọi là “dược thực.”

5. Kết luận

Bát Quan Trai Giới là giới cho người cư sĩ gieo duyên xuất gia, tập hạnh giải thoát trong một ngày một đêm. Hành giả cần phải phát khởi “tâm xuất ly” ra khỏi sinh tử khổ, “tâm Bồ-đề” từ bi hộ trì Phật Pháp, lợi ích chúng sinh thì sẽ có công đức vô lượng. Có thể tóm tắt công đức đó qua hai câu trong Sám Quy Mạng:

Hiện đời bình an phước lạc,
Sở nguyện tựu thành.
Kiếp sau mầm giác đơm hoa,
Bồ-đề kết quả!

Bút giả mười lăm tuổi phát tâm thọ Bát Quan Trai Giới. Nhờ duyên lành này mười sáu tuổi chính thức xuất gia. Sau khi xuất gia, lại cũng nhờ giảng dạy trong các khóa tu Bát Quan Trai Giới mà có thể thành tựu biện tài, hoằng Pháp lợi sinh. Có thể nói, bản thân có nhân duyên sâu xa với Bát Quan Trai Giới.

Hôm nay nhân sắp khai giảng khóa tu Bát Quan Trai GIới tại Tổ Đình Thiện Tường, ngôi chùa mới tại địa phương, bút giả với tư cách Viện chủ Tổ Đình và Trưởng ban Tổ Chức, xin ghi lại vài điều trọng yếu về Bát Quan Trai Giới, nhằm giải thích một số thắc mắc của hàng Phật tử tại gia. Kính mong đại chúng dũng mãnh phát tâm, tinh tấn về chùa thọ trì Bát Quan Trai Giới.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
Sa-môn Sakya Minh-Quang
(Bài này được đăng trên trang Thien Tuong Temple Facebook ngày 2 tháng 1, 2024)

Hòa Thượng Sakya Minh-Quang (thứ hai từ phải) và Thượng Tọa Thích Pháp Hòa (thứ ba từ phải) tại Tu Viện Trúc Lâm.

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *