Bài KIỀU MỸ DUYÊN
(Viết cuối tháng 9, 2023)
Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác thường nói:
– Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu (tức là giáo sư Lê Mạnh Thát) là hai viên ngọc kim cương của Phật giáo Việt Nam.
Chúng tôi về thăm thầy Tuệ Sỹ năm 2001, ở chùa Già Lam, Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Buổi sáng, nắng ấm, phái đoàn xuống xe từ từ bước vào chùa, một tiểu đội công an đang gác trước cửa chùa. Một người công an nằm trên chiếc võng ở dưới gốc cây cổ thụ trước cổng chùa. Cổng chùa rộng mở, nhưng không thấy bóng dáng Phật tử ra vào. Phái đoàn YMCA, hội từ thiện quốc tế được thành lập trên 170 năm, ông trưởng phái đoàn người Mỹ gốc Đức. Tất cả đều là người Mỹ đến từ Âu Châu, họ nói được nhiều thứ tiếng như Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, phái đoàn đến từ Mỹ chỉ có tôi là người Việt Nam, là phụ nữ trong phái đoàn. Trước khi đến Việt Nam, họ phải làm gì khi có gặp trở ngại? Ông trưởng phái đoàn liên lạc với Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội thường xuyên, sau khi có bang giao giữa Mỹ và Việt Nam thì nhiều hội từ thiện từ Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới hoạt động ở Việt Nam, đặc biệt về vấn đề y tế, xã hội, giáo dục, v.v.
YMCA có nhân viên hoạt động ở Việt Nam, dạy vi tính, Anh văn, giúp trẻ em nghèo. Một số nhân viên lãnh lương hàng tháng và một số thiện nguyện. Họ được tu nghiệp ở Mỹ hàng năm và thăm những cơ sở từ thiện ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác. Chủ trương của hội từ thiện YMCA là đào tạo những người trẻ thành lãnh đạo.
Thầy Tuệ Sỹ khi tiếp phái đoàn YMCA vui vẻ, cởi mở vì thầy nói được nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thầy đã từng là giáo sư dạy đại học Vạn Hạnh, nên khi bàn luận về vấn đề giáo dục ở các nước đang phát triển, thầy rất thông thạo và thích hợp với chủ đề này.
Thầy Thích Tuệ Sỹ, tên là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại tỉnh Pakse, nước Lào. Từ năm 6 tuổi thầy đã học giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi thầy vào Sài Gòn, sau đó trở lại tu học ở chùa Từ Đàm tại Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không. Thầy rất giỏi về chữ Hán và biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Lào, thông thạo tiếng Pali và tiếng Phạn.
Thầy Tuệ Sỹ gầy, rất gầy sau khi ở tù 15 năm. Thầy không nói về những ngày vất vả hay khốn khổ trong tù, mà chỉ nói về giáo dục với những lãnh đạo của YMCA. Thầy chú trọng về các trẻ em nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không có điện nước. Thầy rất chú trọng đến vấn đề giáo dục. Tiếng nói của thầy nhỏ nhẹ và khiêm tốn. Thầy gầy nhưng dáng ngồi của thầy rất thẳng. Thầy đãi khách trái cây, bánh, xôi, vì phái đoàn ở từ sáng đến trưa. Thầy chăm chú nghe từng câu hỏi của các ông trong phái đoàn YMCA. Khuôn mặt thầy thánh thiện, mắt của thầy sáng như sao trời, đời sống của thầy bình thản dù công an canh trước cổng chùa. Phái đoàn rất thích thú khi đàm thoại với thầy.
Ông Art, trưởng phái đoàn, là giám đốc YMCA ở Orange County lắng nghe thầy Tuệ Sỹ từng câu, từng chữ. Trước khi sang Việt Nam, ông Art biết là thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu bị kết án tử hình vì đọc bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền trước Quốc Hội năm 1975. Sau đó, các vị lãnh đạo Phật giáo thế giới gửi thỉnh nguyện thư cho tất cả nguyên thủ quốc gia, bản án tử hình của hai thầy xuống còn ở tù 20 năm, sau đó còn 15 năm, nhưng sau khi về chùa không có hộ khẩu.
Các phái đoàn Mỹ trước khi đến quốc gia nào, gặp nhân vật quan trọng đều có chuyên viên tìm hiểu về những người họ muốn gặp, hơn nữa thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu là hai nhân vật nổi tiếng trên thế giới.
Thầy Tuệ Sỹ là nhân tài hiếm có, thầy sinh ở Lào, rồi về Việt Nam, tu ở chùa Từ Hiếu, Huế. Thầy vào Sài Gòn, học xong, dạy đại học Vạn Hạnh. Học trò của thầy rất nhiều ở khắp nơi trên thế giới, qua chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, chúng tôi đã từng gặp sinh viên của thầy ở Đức, người Đức du học ở đại học Vạn Hạnh, sinh viên Nhật, Pháp, Hòa Lan, Phần Lan, Đan Mạch du học trong chương trình trao đổi sinh viên văn hóa quốc tế với Việt Nam. Tôi cũng đã từng gặp một số sinh viên Hòa Lan, cộng đồng người Việt ở Hòa Lan, trong đó có tiến sĩ Ngô Văn Tuấn, vận động với Quốc Hội Hòa Lan, chính phủ Hòa Lan mời thầy đến Hòa Lan để điều trần với Quốc Hội Hòa Lan về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng thầy không đi, vì thầy biết trước ra đi sẽ không có ngày về. Thầy yêu tha thiết quê hương, thầy không muốn rời Việt Nam.
Chúng tôi về Việt Nam thăm thầy ba lần: năm 2001, năm 2005 cùng phái đoàn YMCA, và năm 2015 với Young Life. Năm 2015, chúng tôi không được phước gặp thầy nhưng được nói chuyện với thầy qua điện thoại nhiều lần. Chúng tôi nói chuyện với thầy nhiều lần nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe thầy than một câu dù đời sống của thầy rất khó khăn. Thầy dịch kinh Đại Tạng, viết sách, bị canh chừng nghiêm ngặt nhưng thầy vẫn sống thản nhiên. Thầy đàn dương cầm rất tuyệt, sáng tác thơ, nổi tiếng nhất là tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” và nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thơ của thầy. Ở Hoa Kỳ, nhạc sĩ Trần Quan Long đã phổ nhạc qua thơ của thầy và thi sĩ Tâm Diệu đã thực hiện thơ của thầy bằng những bài hát rất hay qua các CD Tuệ Ca.
Chúng tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ những vị lãnh đạo tinh thần sống một cách thản nhiên, đem hy vọng và niềm tin đến cho người xung quanh bằng nụ cười hồn nhiên không than thở, không rên la, dù ngày mai có qua đời thì cũng ra đi với nụ cười, với tiếng cười hồn nhiên.
Huyền thoại về thầy Tuệ Sỹ nhiều lắm. Một Phật tử kể cho tôi nghe sau khi nghe tòa tuyên án tử hình, thầy Tuệ Sỹ bấm độn và nói với thầy Trí Siêu:
– Ông và tôi không chết đâu.
Thầy xem tử vi, bấm độn rất xuất sắc. Các thầy bị tuyên án tử hình, nhiều người có mặt trong tòa bật khóc nhưng thầy Tuệ Sỹ vẫn bình thản và cười cười nói nói. Trên cõi trần gian này có bao nhiêu người thần thông quảng đại như thế?
Năm 2001, chúng tôi đến chùa Già Lam thăm thầy Tuệ Sỹ. Chúng tôi hỏi về sách của thầy. Cửa chùa lúc nào cũng có người canh gác. Thầy đang nói chuyện với chúng tôi thì một bà mặc áo nâu sồng bước vào cửa, và quỳ xuống lạy thầy như tế sao. Sau này, chúng tôi mới biết con của bà cụ, học trò của thầy đang làm trụ trì của một ngôi chùa.
Làm nghề truyền thông, chúng tôi quen rất nhiều vị trụ trì, những Phật tử lạy Phật thì chúng tôi thấy thường xuyên, nhưng quỳ lạy các thầy thì đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Phật tử lớn tuổi quỳ lạy thầy Tuệ Sỹ và một đoàn Phật tử lạy thầy Tâm Châu ở chùa Huệ Nghiêm, thành phố Garden Grove, California. Chúng tôi vội vàng đứng dậy và đi ra xa xa.
Thầy Tuệ Sỹ sáng tác và dịch thuật rất nhiều sách: Bát Quan Trai Giới, Cửa Vào Tuyệt Đối; Chiến Tranh, Tình Yêu, Hoài Niệm và truyện ngắn Võ Hồng; Duy Tuệ Thị Nghiệp, Giấc Mơ Trường Sơn (thơ), Giá trị đối chiếu trong những tương quan văn hóa, Góc Tùng, Lễ tháng Bảy cho những oan hồn phiêu bạt, Nguồn gốc của một thế giới quan vô tận, Những điệp khúc cho dương cầm (thơ), Thuyền ngược bến không, v.v.
Tất cả tác phẩm của thầy Tuệ Sỹ đều được đồng hương yêu chuộng nhưng có lẽ “Giấc Mơ Trường Sơn” và “Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng” được phổ biến khắp nơi trên thế giới, có bán trên Amazon, nhiều sách của thầy được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Hoa, Đức, v.v.
Mời độc giả thưởng thức bài thơ “Hoài Niệm” trong tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” để tưởng nhớ những gì đã qua, về những suy tư, tâm thức, để thấy được ý nghĩ của mình muốn làm cuộc lữ thứ, muốn đi khắp bốn phương trời, muốn rong chơi đây đó, bỏ lại sau lưng bụi đường thời gian phủ kín.
Hoài Niệm
Một đêm thôi mắt trầm sâu đáy biển
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa
Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh
Vẫn một đời nghe kể chuyện không như
Vẫn sống chết với điêu tàn vờ vĩnh
Để mắt mù nhìn lại cõi không hư
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa.
Nhạc sĩ Trần Quan Long phổ nhạc từ tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” của thầy Tuệ Sỹ: Tuệ Ca 1(Tiếng Sư Tử Hống Giữa Rừng Già Vô Minh), Tuệ Ca 2 (Đường Gươm Bát Nhã), Tuệ Ca 3 (Hành), và Tuệ Ca 4 (Thơ Nhạc Thiền Sư Tuệ Sỹ). Diệu Trân thực hiện CD.
Mời quý độc giả đọc thêm một bài thơ vịnh hoa mai của thầy trong “Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng”. Bài thơ làm dưới đình Tùng phong, mùa mai nở rộ, đề ngày 26 tháng 11 năm Giáp Tuất, ông 59 tuổi, trước Triệu Vân mất ba năm:
Thôn Hoài nam gió ngàn bạt đỉnh
Từng năm xưa hồn rụng mai vàng
Rồi lưu lạc ai ngờ là ước hẹn
Gió Mường mưa Mọi phủ chiều hoang
Phố lệ chi cành dài nghiêng đổ nửa
Vườn quang lang cây tú lệ nằm không
Còn ngại lắm bởi màu đêm ủ rũ
Và lạnh lùng xua chút ấm tàn đông
Đình Tùng phong với rừng gai dưới đó
Hai nàng mai ngà ngọc đón hừng đông
Tiên mấy Hải nam yêu kiều xuống độ
Choàng áo the gõ cửa dưới màn trăng
Rượu tỉnh mơ tàn vòng cây tản bộ
Ý tình tuyệt diệu lời ẩn toàn không
Tiên sinh độ ẩm đừng than thở
Một mảnh trăng rơi đáy rượu nồng.
(Trích “Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng”- Tuệ Sỹ)
Chúng tôi quen thầy Tuệ Sỹ mấy chục năm, đây là cuộc đối thoại ngắn nhất. Không biết tôi còn được nói chuyện với thầy lần nữa hay không? Nhất là trong bệnh viện, thường cấm nói chuyện qua điện thoại cầm tay. Sau đó, Hòa Thượng Thích Như Điển email cho tôi: “Chị cố gắng viết bài cho Kỷ Yếu tri ân thầy Tuệ Sỹ, thời gian gấp, xin chị quan tâm cho. Ông bây giờ yếu lắm, như chị đã gọi thăm và biết rồi; nên những gì cần làm phải làm nhanh để còn kịp thời gian. Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời đã xuất bản 29 tập đầu của Thanh Văn Tạng rồi. Nay mai còn tiếp tục nữa. Vậy nếu chị có quan tâm ủng hộ về việc xuất bản thì xin chị xem qua trang nhà Hoằng Pháp của GHPGVNTN để biết tin.”
Trên trần gian này có rất nhiều người tốt quanh ta, nếu người nào có phúc đức ông bà, cha mẹ để lại và phúc đức của chúng ta làm hàng ngày thì suốt đời sẽ gặp người tốt, người quảng đại đem đến cho chúng ta nụ cười hơn là nước mắt.
Thầy giáo Tâm Thường Định (bút danh Bạch Xuân Phẻ- Thư Ký Ban Báo Chí & Xuất Bản Hội Đồng Hoằng Pháp) bay từ Sacramento đến Orange County mục đích thăm Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, để nhờ thầy cầu nguyện cho thầy Tuệ Sỹ, và viết lời chúc lành cho thầy Tuệ Sỹ trên một quyển sách. Những lời chúc lành này sẽ in vào tuyển tập Tri Ân thầy Tuệ Sỹ sẽ in vào tháng 10/2023. Chúng tôi tháp tùng cư sĩ Tâm Thường Định thăm thầy Thích Thắng Hoan ở thành phố Santa Ana. Hòa Thượng Thích Thắng Hoan năm này 97 tuổi. Tâm Thường Định, Christina Lê và tôi vừa bấm chuông của chùa thì cư sĩ Huỳnh Kim Quang cũng vừa ngừng xe. Cư sĩ Huỳnh Kim Quang nguyên là chủ bút của Việt Báo. Thầy Thích Thắng Hoan đón tiếp chúng tôi rất ân cần niềm nở. Sau khi gửi lời chúc lành đến thầy Tuệ Sỹ. Thầy ký tặng sách cho chúng tôi mỗi người một quyển “Biện Trung Biên Luận Tụng Thích” do thầy dịch và in năm 2015.
Những người có lòng bay từ Sacramento đến Orange County thăm thầy Thích Thắng Hoan chỉ mục đích thầy chúc lành thầy Tuệ Sỹ. Cư sĩ Huỳnh Kim Quang lái xe trong lúc mắt có vấn đề. Sau đó, cư sĩ Huỳnh Kim Quang đưa thầy giáo Tâm Thường Định đến thăm cư sĩ Phan Tấn Hải lấy bức tranh mà Phan Tấn Hải đã vẽ thầy Tuệ Sỹ. Người có lòng vượt núi trèo đèo vẫn đi, thăm sư phụ mà suốt đời họ ngưỡng mộ. Chúng tôi rất ngưỡng mộ những người có lòng, có tâm tốt. Người có tài bao giờ cũng được ngưỡng mộ. Mong người có tài trường thọ để làm việc hữu ích cho xã hội.
Xin Trời Phật phù hộ thầy Tuệ Sỹ. Xin đồng hương cầu nguyện cho thầy Tuệ Sỹ sức khỏe khá hơn, rời bệnh viện trở về chùa để dưỡng bệnh.
Orange County, 9/2023
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.