Một y tá làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về cái chết

*Đọc 7 phút*

Bài CAROLINE KEE

Chết là một phần tất yếu của cuộc sống. Mặc dù chuyện này xảy ra với tất cả mọi người, nhưng hầu như không ai muốn nhắc tới cái chết, thường tránh nói đến nó trong những câu chuyện thường ngày. Chết vẫn là một chủ đề cấm kỵ đối với nhiều người, có lẽ phần lớn vì nỗi sợ hãi và không biết chắc chắn về nó. Thêm vào đó, cách mô tả cái chết trong phim ảnh hoặc truyền hình không phải lúc nào cũng chính xác.

Do đó, có rất nhiều quan niệm sai lầm phổ biến về cái chết và những người sắp chết. Cô Hadley Vlahos, 30 tuổi, một y tá làm việc tại một dưỡng viện chăm sóc cuối đời (hospice) sống ở khu vực New Orleans, và cũng là một nhà văn, đã nói chuyện với TODAY.com về những thành kiến không đúng về cái chết.

Trong cuốn sách mới mang tựa đề “The In-Between: Unforgettable Encounters during Life’s Final Moments” (tạm dịch “Khoảng Giữa: Những Gì Diễn Ra Không Thể Quên Trong Giai Đoạn Cuối Đời”), phát hành ngày 13 tháng Sáu, 2023, cô Vlahos giải thích rõ hơn về một số huyền thoại về sự chết và kể lại kinh nghiệm chứng thực của cô trước sự ra đi của những người mà cô từng biết trong dưỡng viện.

Chúng ta có khuynh hướng tránh bàn luận về cái chết, nhưng hầu như ai cũng tò mò và có những câu hỏi. Cô Vlahos viết, “Tôi chắc chắn không có tất cả những câu trả lời, mặc dù tôi đã chứng kiến cái chết đủ nhiều nên tôi có khái niệm chung về những gì sẽ xảy ra.”

Sau đây là một số quan niệm sai lầm phổ biến về tiến trình hấp hối, viện chăm sóc cuối đời và cái chết.

Huyền thoại: Cái chết xảy ra trong một lúc

Cô Vlahos giải thích rằng mặc dù những cái chết đột ngột và bất ngờ có xảy ra, nhưng cái chết (đặc biệt là ở những người lớn tuổi) thường diễn ra chậm và từ từ hơn những gì mọi người nhận ra. Cô nói, “Phần lớn mọi người sẽ chết vì bệnh nan y, không phải vì tai nạn.”

Cô Vlahos cho biết bệnh nan y hoặc bệnh giai đoạn cuối là bệnh không thể chữa khỏi và chắc chắn sẽ dẫn đến tử vong – những ví dụ thường thấy ở bệnh nhân chăm sóc cuối đời là ung thư, bệnh tim, Alzheimer và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Cô Vlahos giải thích: Một số bệnh nhân có thể suy sụp nhanh chóng, nhưng trong hầu hết các trường hợp, cái chết là một tiến trình hơn là một sự kiện. Tiến trình đó có thể bắt đầu sớm hơn nhiều so với mọi người nhận ra.

Cô nói, “Cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu ngừng hoạt động. Một vài tháng trước khi bệnh nhân qua đời, chúng tôi bắt đầu thấy họ ăn ít hơn một chút hoặc ngủ nhiều hơn … và về cơ bản chỉ cảm thấy mệt mỏi hơn một chút sau các hoạt động hàng ngày.”

Trong những ngày cuối cùng trước khi chết, cô Vlahos cho biết mọi người thường ngủ trong phần lớn thời gian và có thể bỏ ăn hoặc uống. Cô giải thích rằng họ có thể rơi vào “trạng thái bán hôn mê” trước khi tắt thở.

“Cơ thể của chúng ta tự nhiên biết cách (tắt). Giống như biết cách sinh con, cơ thể của chúng ta biết cách chết và chúng sẽ làm điều đó một cách tự nhiên,” cô Vlahos nói.

Huyền thoại: Chết bao giờ cũng đau đớn

Cô Vlahos cho biết rằng nỗi đau không nhất thiết phải là một phần của tiến trình hấp hối. Tuy nhiên, các bệnh hoặc tình trạng trước cái chết của một người có thể gây ra các triệu chứng đau đớn. May mắn thay, sự đau đớn thường có thể được kiểm soát.

Mục tiêu của viện chăm sóc cuối đời là làm cho tiến trình hấp hối trở nên thoải mái và giảm bớt sự đau đớn. Cô Vlahos nói rằng viện chăm sóc có thuốc giảm đau, có máy truyền dưỡng khí oxy và chất lỏng, có hỗ trợ về sức khỏe tâm thần hoặc tinh thần. Trong nhiều trường hợp, cô Vlahos thấy bệnh nhân trở nên rất bình tĩnh và thanh thản trong vài giờ trước khi chết.

Cô Vlahos nói, “Điều cuối cùng phụ thuộc vào bệnh nhân và gia đình của họ, nhưng chúng tôi không có nhiều hạn chế trong việc cho thuốc giảm đau nên chúng tôi có thể giúp bệnh nhân được thoải mái.” Cô cho biết thêm rằng mục tiêu của viện là giúp bệnh nhân được thư giãn và có được sự sống có phẩm chất trước khi nó kết thúc.

Tuy nhiên, cô Vlahos cảnh giác về huyền thoại rằng sự chăm sóc cuối đời liên quan đến việc cho liều thuốc giảm đau gây chết người, điều này là sai. Cô nói, “Chúng tôi không cho liều thuốc cao như vậy, và có sự khác biệt rất lớn giữa liều lượng đủ để làm giảm đau và đủ để giết một người nào đó.”

Huyền thoại: Chết là một sự kiện y tế hoặc sự thất bại y tế

Vlahos nói, “Thực tế là không ai có thể tránh khỏi cái chết. Thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng cái chết là do lỗi của hệ thống y tế hoặc một sự kiện y tế hơn là một tiến trình tự nhiên, ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.”

“Không ai có thể thoát cái chết,” cô nói thêm.

Cô Vlahos nhận thấy sự suy nghĩ sai lầm trong ngôn ngữ mà mọi người sử dụng xung quanh những căn bệnh nan y. “Chẳng hạn như khi họ nói, ‘Tôi đang cầu nguyện cho một phép màu,’ hoặc, ‘Đừng buông tay, đừng ngưng chiến đấu’. Nghĩ như vậy không hữu ích lắm đối với nhiều người,” Vlahos nói.

Cô cũng biết rằng lời khuyên như vậy thường khiến cho bệnh nhân và gia đình của họ cảm thấy “xuống tinh thần,” khiến họ cảm thấy như đang bỏ cuộc hoặc làm điều gì đó sai trái khi phải chấp nhận cái chết.

“Theo tôi, để bệnh nhân (chết) theo cách riêng của họ là điều nên làm. Bạn được quyền kiểm soát mạng sống của mình,” Vlahos nói.

Huyền thoại: Hospice chỉ dành cho những người sắp chết

Vlahos nói, “Nhiều người nghĩ rằng viên chăm sóc cuối đời chỉ dành cho những người còn một tuần hoặc vài ngày để sống, điều đó không đúng sự thật. Chúng tôi có thể nhận những người có thể sống từ sáu tháng trở xuống về mặt lâm sàng theo quyết định của bác sĩ… nhưng đó không phải là khoa học chính xác.”

Cô Vlahos nói, ngay cả khi một người có thể sống được hơn sáu tháng, viện hospice có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và cho phép họ đưa ra quyết định về việc chăm sóc cuối đời. Vlahos nói, “Chúng tôi có thời gian để thân quen với họ, biết rõ những ước muốn của họ trước khi chết, và có thể bảo đảm rằng họ có một cái chết yên bình nhất.” Cô từng thấy có những bệnh nhân sống lâu hơn một năm.

Cô Vlahos nói, “Mọi người nghĩ rằng một khi bạn vào viện chăm sóc cuối đời thì bạn không bao giờ có thể thoát khỏi nơi đó, nhưng bạn có thể đến đó rồi đổi ý để rời viên, xong trở lại nếu muốn. Nơi đó không phải là nhà tù.”

Cô Vlahos cho biết, các bệnh nhân được chăm sóc cuối đời có thể sống theo cách riêng của họ, gồm việc tận hưởng các hoạt động, đồ ăn và thức uống ưa thích của họ (hoặc thậm chí là uống bia rượu, nếu điều đó an toàn).

Dịch vụ chăm sóc cuối đời cũng không nhất thiết phải diễn ra ở bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. “Sự chăm sóc cuối đời không nhất thiết phải diễn ra ở một địa điểm. Hospice là một dịch vụ cung cấp tận nơi bạn đang ở. Có thể là tại bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, nhưng cũng có thể là nhà của bệnh nhân hoặc nhà của người thân.”

Huyền thoại: Viện hospice đẩy nhanh tiến trình hấp hối

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là viện chăm sóc cuối đời muốn đẩy nhanh tiến trình hấp hối. Cô Vlahos nói không có bằng chứng nào cho thấy dịch vụ chăm sóc cuối đời làm tăng tốc độ tử vong, đồng thời cho biết thêm rằng cô thường thấy những bệnh nhân mắc bệnh nan y sống lâu hơn so với dự kiến ban đầu sau khi họ chuyển đến cơ sở chăm sóc cuối đời. Cô nói thêm, “Các nghiên cứu đã cho thấy rằng mọi người có thể sống lâu hơn tới 20 ngày trong viện hospice khi bạn nhìn vào sự khác biệt giữa những bệnh nhân mắc cùng một bệnh.”

Cô thấy đằng sau huyền thoại này là một quan niệm sai lầm khác, đó là việc lựa chọn dịch vụ chăm sóc cuối đời là buông tay với sự sống. “Trên thực tế, đó chỉ là một hình thức điều trị khác. Chúng tôi không buông tay chịu thua. Chúng tôi vẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc. Chúng tôi chỉ tập trung vào sự thoải mái thay vì chữa bệnh,” Vlahos nói.

Cô giải thích rằng chăm sóc cuối đời vẫn gồm một số thủ tục như đặt ống thông hoặc chăm sóc vết thương.

“Rất nhiều người mắc bệnh nan y và đã ở trong bệnh viện trong một thời gian dài cảm thấy như họ đã mất quyền kiểm soát, nhưng hospice cho họ lại quyền tự chủ, như tôi thấy, điều đó rất tốt,” Vlahos nói.

Huyền thoại: Người sắp chết nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm

Những gì một người nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận trong những khoảnh khắc trước khi chết có thể rất khác nhau. Cô Vlahos nói rằng mọi người thường trải qua những hình ảnh hoặc ảo giác cuối đời trong những ngày hoặc giờ cuối cùng. Tuy nhiên, phần lớn trong số này không phải là “ánh sáng cuối đường hầm” khuôn mẫu, thay vào đó, chúng thường là hình ảnh của những người thân yêu đã qua đời, đặc biệt là cha mẹ hoặc vợ / chồng.

“Đó là một hiện tượng y học rất phổ biến, không thể giải thích được mà chúng tôi thấy, cũng như sự gia tăng năng lượng (trước khi chết),” cô Vlahos nói, đồng thời cho biết thêm rằng những hình ảnh về người thân đã khuất có thể xảy ra ở tất cả bệnh nhân, bất kể tôn giáo hay tâm linh. (Sự gia tăng năng lượng này có lẽ là trạng thái hồi sinh của ngọn đèn của sự sống trước khi tắt hẳn mà người Việt chúng ta thường nói tới.)

Cô Vlahos cho biết những bệnh nhân sắp chết có thể tương tác với người thân đã khuất của họ như thể họ đang ở trong phòng, đồng thời tương tác với những người sống trong cùng căn phòng đó. Cô kể, “Tôi thường cảm thấy như mình đang ở cùng phòng với những người giữa các thế giới.”

Thông thường, người đang từ giã cõi đời sẽ mô tả những người thân yêu đã khuất của họ đến để đưa họ đi xa hoặc hành trình cùng nhau trước khi chết. Cô Vlahos nhận xét, “Đó là một sự bình yên mà thực sự không thể giải thích bằng lời.”

Bấm vào hình hoặc vào đây để mua sách trên Amazon

(Đồng Phúc chuyển ngữ, tựa bài được thay đổi từ bản gốc)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *