Bài DAVID MICHIE
Từ “thuốc” và từ “thiền” cùng bắt đầu với “th”, ngẫu nhiên chăng? [Lời người dịch: Trong bài nguyên thủy, tác giả nhắc tới hai từ “medication” và “meditation” mà ông nhận thấy rằng hai từ chỉ khác nhau ở một chữ cái. Cả hai đều bắt nguồn một từ gốc Latin “medeor,” có nghĩa là “chữa lành hoặc làm cho nguyên vẹn trở lại.”]
Ở Phương Tây, y học tập trung vào bên ngoài – vào việc chữa trị các triệu chứng thể chất -trong khi các truyền thống Phương Đông tập trung nhiều hơn vào bên trong, tức là giải quyết các nguyên nhân tinh thần của bệnh tật. Chúng ta thật may mắn khi được sống vào thời điểm mà chúng ta có thể tiếp cận được những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới.
Thiền quán Đức Phật Dược Sư là một phương pháp chữa bệnh được nhiều người trân trọng trong truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền. Chúng ta có thể thực hành phương pháp này cho chính mình, hoặc cho người mà chúng ta quan tâm đang bị bệnh. Kinh Dược Sư cổ nhất mà chúng ta được biết đã có từ thế kỷ thứ bảy. Trong kinh đó, chúng ta được nghe câu chuyện về một vị bồ tát đã phát nguyện rằng ngài sẽ tu hành và đến khi đạt quả vị Phật thì ngài sẽ thực hiện mười-hai thệ nguyện để giúp đỡ chúng sinh mà trong đó có thệ nguyện chữa lành bệnh tật. Vị bồ tát đó chính là Đức Phật Dược Sư sau khi thành đạo. Việc chữa lành toàn diện tâm trí và cơ thể là trọng tâm quan trọng trong lời thề của Phật Dược Sư: ngài hứa sẽ giúp đoạn diệt mọi sự đau đớn, bệnh tật và khuyết tật, cũng như tăng cường sức khỏe và sự phát triển của thể lực đến mức tối ưu.
Khi thực hành thiền quán về Phật Dược Sư, chúng ta không dùng phương pháp chữa bệnh đó để thay thế phương pháp điều trị theo y khoa chính thống, mà để bổ túc thêm cho nó. Thiền quán Phật Dược Sư sẽ tịnh hóa người bệnh và làm tiêu trừ các nguyên nhân nghiệp quả tiềm ẩn của bệnh tật trong quá khứ, đồng thời trau dồi các nhân lành cho tương lai. Việc thực hành thiền quán Phật Dược Sư có thể giúp chúng ta trải nghiệm sự cải thiện sức khỏe với năng lượng đáng kể. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ về những gì mình đang làm.
Thiền Phật Dược Sư ảnh hưởng đến tâm cũng như thân. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy khi hành thiền thì cơ thể của chúng ta sẽ kích hoạt cơ chế tự chữa lành. Cơ thể ngưng sản xuất cortisol và adrenalin, thay vào đó gia tăng sản xuất endorphin và seratonin để tăng cường khả năng miễn dịch, trang bị cho cơ thể chống lại vi trùng, siêu vi khuẩn xâm nhập, phục hồi sự quân bình trong các bộ phận. Những thay đổi này cũng giúp phát triển tinh thần lạc quan.
Hành thiền mang đến sự tự tin, một yếu tố rất hữu ích trong tiến trình chữa bệnh, mặc dù sự tự tin là một hình thức giả dược (placebo). Nghiên cứu y khoa từng cho thấy giả dược chiếm hơn một phần ba trong tác dụng giúp lành bệnh. Thiền Phật Dược Sư đã được thực hành hàng ngàn năm. Nếu tin rằng phương pháp này có thể hiệu quả thì chúng ta sẽ có một khởi đầu rất tốt.
Sự cộng hưởng cũng có thể giải thích cho tác động mạnh mẽ từ việc hành thiền Phật Dược Sư. Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể đang ngồi thiền một mình trong phòng, nhưng theo một cách khác, chúng ta đang cộng hưởng với hàng vạn vạn người đã từng hành thiền tương tự trước chúng ta. Như thế chúng ta không chỉ được hưởng lợi từ kinh nghiệm của những người đi trước mà còn đóng góp vào kinh nghiệm cho những người đi sau.
Khi hành thiền trị bệnh, điều quan trọng là phải nhớ rằng chúng ta không phải là một con người hiện hữu đang cầu xin một vị Phật hiện hữu để thoát khỏi căn bệnh cũng hiện hữu. Điều này hơi khác so với cách tiếp cận sự chữa bệnh theo thánh thần hoặc với một vị pháp sư. Chính sự hiểu biết rằng vạn pháp không thực sự có thật, riêng biệt hoặc độc lập – kể cả bệnh tật – tạo nên sức mạnh cho phương pháp thiền Phật Dược Sư này.
Chúng ta quán tưởng Phật Dược Sư thông qua hình ảnh và âm thanh, tiếp cận với tâm thức của vô số chúng sinh đã đạt được giác ngộ và chọn thể hiện phẩm chất của Đức Phật Dược Sư.
Tâm của chư Phật được hiểu là toàn giác, toàn năng. Các vị Phật phản ứng với câu thần chú của họ giống như cách chúng ta phản ứng khi nghe tên của mình được nhắc đến, vì vậy chúng ta gần như có một vị Phật để bấm số liên lạc khi chúng ta dùng câu thần chú của ngài. Một vị thầy Tây Tạng quá cố, Gelek Rinpoche, từng dùng ẩn dụ khi nói rằng mỗi lần chúng ta trì tụng thần chú của một vị Phật, thì giống như chúng ta đưa ra một cái vòng mà qua đó Phật có thể móc chúng ta vào vùng ảnh hưởng năng lượng của ngài.
Trì chú Phật Dược Sư là một pháp môn của Mật Tông. Như vậy, trước tiên bạn nên làm quen với truyền thống kinh điển, cũng như nhận những quán đảnh và giáo lý thích hợp từ một vị thầy có trình độ phù hợp, nếu bạn muốn hiện thân trọn vẹn dòng truyền thừa quý báu của Đức Phật Dược Sư.
Cách thức hành thiền Phật Dược Sư
Bắt đầu
Tìm một nơi yên tĩnh để thiền trong tư thế thuận tiện nhất. Hãy quy y Phật, Pháp và Tăng, sau đó dành một thời gian ngắn để tạo động lực cho bản thân một cách chân thành. Bạn có thể nghĩ thầm hoặc nói ra: “Bằng cách hành thiền Phật Dược Sư này, nguyện cho tôi (hoặc chúng sinh mà tôi đang thực hành cho) được tịnh hóa khỏi mọi bệnh tật, đau đớn và khổ sở, và được khỏe mạnh, được giác ngộ hoàn toàn và viên mãn để dẫn dắt tất cả các chúng sinh khác cũng được giác ngộ viên mãn như vậy.”
Đưa Phật Dược Sư đến với bạn
Quán tưởng Đức Phật Dược Sư đang ngồi nhìn bạn. Ngài có cơ thể màu xanh lam đậm (lapis lazuli), đây là màu nguyên mẫu của sự chữa lành. Tay trái ngài cầm bát đựng nước cam lồ, tay phải cầm cây thuốc. Bạn quán tưởng ngài ở độ cao ngang trán, cách bạn vài bước chân, đang nhìn bạn với tình yêu thương như một người mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình. Ngài là tất cả mọi thứ đẹp đẽ được tập hợp thành một.
Tôi đề nghị bạn nên có hình ảnh Đức Phật Dược Sư ở một nơi mà bạn sẽ nhìn thấy ngài thường xuyên trong ngày. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng “thấy” Phật Dược Sư hơn khi nhắm mắt lại. Nói chung, bạn càng quen thuộc với một thứ gì thì bạn hình dung thứ đó dễ dàng hơn trong đầu. (Như bạn có thể dễ dàng hình dung ra cánh cửa trước nhà mình, đúng không?) Nếu ban đầu sự quán tưởng của bạn chưa đủ mạnh, thì chỉ cần hình dung ra một đốm sáng xanh lam là đủ.
Điều quan trọng là có một cảm giác rằng Đức Phật Dược Sư đang thực sự có mặt ở đó. Rằng nếu bạn nhìn lên, hoặc mở mắt ra, bạn sẽ thấy ngài. Hãy tưởng tượng để có cảm giác rằng bạn đang đứng trước một vị Phật tuyệt vời. Nếu từng có dịp được gần một người nào đó chẳng hạn như Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì bạn sẽ nhận ra có một cảm giác đặc biệt rõ ràng về sự hiện diện của ngài ở đó. Hãy thử tưởng tượng sự hiện diện tràn đầy năng lượng này với Đức Phật Dược Sư.
Ngưỡng mong được gia hộ
Hãy cầu xin Đức Phật Dược Sư loại bỏ cơn đau, thanh lọc bệnh tật, phục hồi sức khỏe, mang lại sự quân bình trong cơ thể của bạn (hoặc của chúng sinh mà bạn đang thực hành). Bạn không cần phải có kiến thức chính xác về y học. Điều quan trọng ở đây là ý định.
Hãy quán tưởng rằng Đức Phật Dược Sư sẵn sàng đáp ứng ước nguyện của bạn. Ngay lập tức, luồng ánh sáng xanh và dòng nước cam lồ chữa bệnh phát ra từ chiếc bát của ngài, đi đến đỉnh đầu bạn và chảy xuống, tràn ngập cơ thể bạn, hoặc cơ thể của người mà bạn đang thực hành cho họ. Bạn có thể hướng ánh sáng và nước cam lồ đến những bộ phận của cơ thể, nhưng dòng ánh sáng sẽ quá nhiều đến nỗi lấp đầy toàn thân bạn.
Hãy tưởng tượng tiến trình chữa lành này đến ngay lập tức, hoàn toàn và vĩnh viễn tận diệt và tịnh hóa tất cả bệnh tật, đau đớn và khổ sở và – quan trọng là – nghiệp nhân của bệnh tật, đau đớn và khổ sở. Ngoài ra, nghiệp nhân của sự an lạc của thân và tâm được tuôn trào phong phú, vô hạn.
Trong khi quán tưởng tiến trình này, hãy trì tụng Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn. Có một vài biến thể của thần chú, tùy thuộc vào dòng truyền thừa. Đây là một phiên bản của câu thần chú, bằng tiếng Phạn:
Tayata, Om Bekadze Bekadze, Maha Bekadze Bekadze, Radza Samungate, Soha.
(Âm Việt: Đát Điệt Tha, Án, Bệ Sát Thệ, Bệ Sát Thệ, Bệ Sát Xã, Tam Một Yết Đế Xóa Ha.)
Tiếp tục quán tưởng và trì tụng thần chú trong ít nhất mười phút nếu bạn mới thực hành. Nếu là một hành giả có nhiều kinh nghiệm, có lẽ bạn sẽ mong ước được trì tụng lâu hơn rất nhiều.
Hồi hướng
Kết thúc buổi hành thiền với một lời hồi hướng, chẳng hạn như, “Bằng sự hành thiền Phật Dược Sư này, nguyện cho tôi (hoặc người mà tôi đang thực hành cho), và tất cả chúng sinh, thoát khỏi đau đớn, bệnh tật và đau khổ, và nhanh chóng đạt được giác ngộ viên mãn.”
(Nguồn: Bài viết này “How to Invoke the Medicine Buddha” của David Michie đã được đăng trên trang Lion’s Roar tháng 11, 2019. Ông là tác giả của hai cuốn Buddhism for Busy People (Phật Giáo Cho Người Bận Rộn) và Buddhism for Pet Lovers (Phật Giáo Cho Người Yêu Thương Thú Cưng). Đồng Phúc thông dịch.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.