(Image: Buddha Bless You Facebook)
Bài NGUYÊN GIÁC
Bài này được viết để mừng Đại Lễ Phật Đản. Và trong dịp này, xin ghi vài suy nghĩ về Thiền Tông, một cửa vào đạo thường được chư Tổ sư Trung Hoa và Việt Nam gọi là Cửa Không Cửa – tức Vô Môn Quan.
Khi nói về Thiền Tông, thoạt nghe có vẻ bộ phái. Nhưng chúng ta không nên nghĩ ngợi gì về bộ phái, chỉ nên đơn giản, xem như một phương tiện, một công cụ. Cũng như người phương Đông ăn bằng đũa, người phương Tây lại ăn bằng muỗng. Bởi vì, nên ghi nhận rằng trong tâm của người giải thoát, nghĩa là tâm đã xa lìa lậu hoặc, tức là tâm Niết bàn, vốn thực không hề có gì gọi là trước hay sau, Ấn Độ hay Việt Nam, Thiền Tông hay Tịnh Độ, Nam tông hay Bắc tông. Tâm giải thoát này nói đơn giản là xa lìa tham sân si. Và là nơi thức không có chỗ nương tựa, vì thức là pháp hữu vi, do duyên hình thành, trong khi tuệ giải thoát này là vô vi, không do duyên hình thành. Khi thức còn nghĩ ngợi suy lường, là còn trước sau, phải trái, là còn hữu vi, nương vào duyên mà thành. Nhưng khi thức lìa thời gian, là khi thức tịch diệt, thì tuệ giải thoát hiển lộ, đây là cảnh giới của vô vi, không dựa vào thời gian, không dựa vào suy lường. Tức là, tuệ của vô tâm. Rất nhiều kinh trong Tạng Pali và Tạng A Hàm đã nói như thế.
Nơi đây, chúng ta dẫn ra Kinh SN 22.57 ghi lời Đức Phật dạy, bản dịch của Thầy Minh Châu: “Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri vị ngọt của thức là như vậy, thắng tri sự nguy hiểm của thức là như vậy, thắng tri sự xuất ly của thức là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức, họ giải thoát, không chấp thủ. Họ được khéo giải thoát.” (1)
Đó là ngôn ngữ của Lục Tổ Huệ Năng. Nếu chúng ta đọc và đối chiếu nhiều bản dịch tiếng Anh của đoạn văn trên, sẽ thấy nghĩa rõ hơn, bởi vì tiếng Việt có nhiều chữ Hán Việt khó hiểu. Nên đọc kỹ đoạn văn trên: khi thức đoạn diệt, Niết bàn hiển lộ. Lúc đó là cái biết của Tâm Niết bàn, không phải đoạn diệt thức là không biết gì hết. Câu chuyện này y hệt như chuyện ngài Bồ Đề Đạt Ma khi trả lời ngài Huệ Khả. Thiền sử kể rằng, ngài Huệ Khả (487-593), xuất gia tại chùa Long Môn, núi Hương Sơn, Lạc Dương với Pháp sư Bảo Tịnh. Rồi sau đó thọ giới cụ túc tại chùa Vĩnh Mục. Sư Huệ Khả đi khắp nơi học các giáo lý của Nam Tông, Bắc Tông, rồi trở lại Hương Sơn, suốt ngày chuyên tâm tọa Thiền. Chúng ta cần ghi chú rằng, như thế, ngài Huệ Khả đã rất uyên bác, đã du học nhiều chùa, nhiều thầy như thế, rồi về một góc núi đề suốt ngày ngồi thiền. Thế rồi, một hôm, thần nhân hiện ra, bảo tìm về phương Nam học đạo.
Ngài Bảo Tịnh thấy vậy, khuyên ngài Huệ Khả về phương Nam gặp ngài Bồ Để Đạt Ma. Đoạn đối thoại giữa hai ngài Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Khả như sau.
Huệ Khả nói: Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.
Bồ Để Đạt Ma nói: Ngươi đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.
Huệ Khả nói: Con không thấy tâm đâu cả.
Bồ Để Đạt Ma nói: Ta đã an tâm cho con rồi.
Sư Huệ Khả ngay đó liền đại ngộ.
Đơn giản vì, ngài Huệ Khả đã đọc trăm kinh, ngàn luận, rồi chuyên tâm ngồi Thiền. Khi không thấy tâm đâu hết, chỉ đơn giản là nhìn vào tâm bằng tuệ và nhận ra thức đã biến mất vào lúc đó, và ngài Huệ Khả nhận ra lời Đức Phật dạy trong rất nhiều Kinh (nhắc lại: trong rất nhiều Kinh) rằng khi thức đoạn diệt thì Tâm Niết bàn hiện ra. Và Tổ sư Thiền là y cứ vào các kinh này.
Có một số người ngộ nhận rằng Thiền Việt Nam chú trọng vào tĩnh chỉ (samatha), nghĩa là thiên lệch như thế sẽ không dẫn tới đâu, và rồi sẽ đọa. Rất đáng tiếc là có những học giả ngộ nhận kiểu bi hài như thế, để rồi bác bỏ cả một truyền thống Thiền Tông rất mực tuyệt vời của dân tộc (xin nhắc lại: tâm giải thoát không Đông, Tây, Nam, Bắc; không Ấn, Tàu, Nhật, Việt… chỉ là khi thức đoạn diệt, tuệ giải thoát hiển lộ, nghĩa là xa lìa hữu vi để ngộ nhập pháp vô vi.).
Nơi đây, xin trích dẫn Ngài Trần Thái Tông (1218 – 1277) với bài kệ về định và huệ (tức là, không nghiêng về phía nào) như sau:
Dụng của chân tâm
Tỉnh tỉnh lặng lặng
Không đi không đến
Không thêm không bớt
Nay vì anh biện
Rành rẽ rõ ràng.
Tỉnh tỉnh, lặng lặng. Thấy rõ đó, Thiền Tông không hề sa vào thuần samatha. Để nhắc lại một tích mà ai cũng nhớ, đó là chuyện Bà Già Đốt Am. Thời thịnh hành Thiền Tông ở Trung Hoa, có một số bà cụ thông hiểu Thiền, đôi khi hơn hẳn quý Tăng Ni bình thường. Truyện kể rằng, một bà cụ phát tâm hộ thất cho một thiền sư. Một thời gian lâu, khoảng 3 năm sau, bà cụ thử nghiệm bằng cách cho đứa con gái tới thử nhà sư. Cô gái mang cơm đến cúng dường như lệ thường, rồi cô gái ôm nhà sư tha thiết. Nhà sư lặng yên, không động, rồi nói: “Khô mộc ỷ hàn nham, Tam xuân vô noãn khí” (Cây khô dựa vào ngọn núi cao lạnh buốt, ba mùa xuân qua rồi mà không có chút hơi ấm). Nghĩa là, nhà sư tu Thiền tới mức thành cây khô rồi. Bà cụ nghe cô gái về kể lại, liền lên đốt am tranh, đuổi nhà sư, nói rằng uổng công hộ thất cho sư. Tại sao? Bởi vì, tu tới mức thành cây khô thì tu làm chi. Nhưng cũng cần cảnh giác, nếu nhà sư lạc bước trần gian thì cũng hỏng. Do vậy, qua tích này, thấy rõ rằng Thiền Tông chú trọng định và huệ đẳng dụng. Nghĩa là, không phải thuần tĩnh chỉ.
Có người sau khi ngộ nhận Thiền Tông là thuần Samatha, rồi đề cao theo pháp Vipassana. Nơi đây, xin phép góp ý rằng: nếu thuần Vipassana, thì hiển nhiên cũng là sai lời Đức Phật dạy. Chỗ này người viết đã phân tích từ nhiều năm trước, khi chứng minh rằng quý Thầy Miến Điện khi tập trung dạy Vipassana là để khẩn cấp chống thực dân, để vực dậy dân tộc Miến bằng phong trào Thiền tập Vipassana. Nơi đây, không muốn bàn nhiều, =vì đã viết quá nhiều từ nhiều năm trước, chỉ xin dịch một đoạn của vị sư Thanissaro, người theo truyền thống Theravada Thái Lan, cũng là người dịch hầu hết Tam Tạng Pali sang tiếng Anh. Đoạn dưới đây dịch là từ sách “One Tool Among Many: The Place of Vipassana in Buddhist Practice” (Một công cụ trong nhiều công cụ: Vị trí của Vipassana trong pháp tu của Phật giáo) của ngài Thanissaro, ấn bản 1997.
“Nhưng nếu bạn nhìn thẳng vào các Kinh bằng tiếng Pali – những nguồn xưa nhất cho chúng ta hiểu về những lời dạy của Đức Phật – bạn sẽ thấy rằng mặc dù họ sử dụng từ samatha để chỉ sự tĩnh lặng, và vipassana để chỉ sự thấy rõ ràng, nhưng mặt khác thì các Kinh không xác nhận gì về trí tuệ trong các từ ngữ này. Chỉ hiếm khi các Kinh mới sử dụng từ vipassana – một sự tương phản rõ rệt với việc các Kinh thường xuyên sử dụng từ jhana. Khi các Kinh kể lời Đức Phật bảo các đệ tử hãy hành thiền (meditate), các Kinh không bao giờ trích dẫn lời Ngài nói “hãy hành thiền vipassana” (“go do vipassana”) mà luôn luôn nói “hãy hành thiền jhana” (“go do jhana”). Và họ không bao giờ đánh đồng chữ vipassana với bất kỳ kỹ thuật chánh niệm nào (any mindfulness techniques). Trong một vài trường hợp khi các Kinh đề cập đến vipassana, các Kinh hầu như luôn luôn ghép nó song song với samatha – không phải là hai phương pháp thay thế nhau, mà là hai phẩm chất của tâm mà một người có thể “đạt được” hoặc “có được”, và rằng như thế [cả samatha và vipassana] nên được phát triển cùng nhau. Có một ẩn dụ, như trường hợp Kinh SN 35.204, so sánh samatha và vipassana với một cặp sứ giả nhanh nhẹn đi vào tòa thành của thân xuyên qua Bát Chánh Đạo và trình bản báo cáo chính xác của họ — Giải thoát, hay Niết bàn – với thức đóng vai là Tư lệnh của tòa thành trì này.” (2)
Nghĩa là, vị nào tu thuần Samatha thì sẽ thành củi khô, cành mục, coi chừng các bà già đốt am (người viết tin rằng trong Việt Nam bây giờ hiện có nhiều bà cụ hiểu đạo). Và nếu vị nào tu thuần Vipassana, thì đó cũng là tu sai khi đối chiếu với Kinh Phật. Nơi đây, xin trích thêm Kinh Pháp Bảo Đàn, để tất cả độc giả thấy rằng Thiền Tông là định và huệ thực tế không lìa nhau.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải, do ngài Thích Thanh Từ dịch và chú giải, nơi “Phẩm Thứ Tư: Định Tuệ” có đoạn ghi rằng:
“Tổ dạy chúng: “Này Thiện tri thức, pháp môn của ta đây lấy Định Tuệ làm gốc, đại chúng chớ lầm nói Định Tuệ riêng, Định Tuệ một thể không phải là hai. Định là thể của Tuệ, Tuệ là dụng của Định, ngay khi Tuệ, Định ở tại Tuệ, ngay khi Định, Tuệ ở tại Định, nếu biết được nghĩa này tức là cái học Định Tuệ bình đẳng. Những người học đạo chớ nói trước Định rồi sau mới phát Tuệ, trước Tuệ rồi sau mới phát Định, mỗi cái riêng khác. Khởi cái thấy như thế ấy thì pháp có hai tướng.[…] Này Thiện tri thức, Định Tuệ ví như cái gì? Ví như ngọn đèn và ánh sáng. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không đèn tức là tối, đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai mà thể vốn đồng một, pháp Định Tuệ này cũng lại như thế…” (3)
Cũng có những người ngộ nhận câu nói “tám mươi bốn ngàn pháp môn” của chư Tổ sư Thiền, quy chụp rằng sao mà Kinh không nói nhiều như thế. Đơn giản chư Tổ chỉ muốn nói rằng sắc thọ tưởng hành thức của chúng ta trong ba thời quá hiện vị lai đều xa lìa lậu hoặc, đều thường trực ở trong tuệ giải thoát, và con số 84.000 pháp môn, hay 84.000 cửa hộ trì Chánh pháp chỉ có nghĩa như thế. Nếu không hiểu qua ẩn dụ, rồi sẽ ngộ nhận về chuyện Đức Phật ra đời bên hông mẹ, bước đi 7 bước và đứng đưa tay chỉ trời và đất rồi nói bài kệ. Than ôi, cõi này đầy những ngộ nhận.
Một số người còn dựa vào một vài bản dịch sai lầm để nói rằng “Tứ niệm xứ là pháp duy nhất,” điều mà người viết đã trong nhiều cách tế nhị, đã chứng minh đó là cách dịch sai, vì những người dịch sai cũng là bậc thầy của người viết về ngữ pháp và đạo học. Không lẽ bây giờ lại bàn lại chuyện dịch sai này trong mùa Lễ Phật Đản. Câu nói đúng phải là, “Bát chánh đạo là con đường duy nhất.” Và con đường duy nhất đó có nhiều pháp khác nhau, nhiều công cụ khác nhau.
Chúng ta thấy ngay rằng trong Kinh MN 52 (Kinh Bát Thành — Aṭṭhakanagara Sutta) Đức Phật dạy rằng có 11 cửa giải thoát. Trong Kinh Bahiya Sutta, có lẽ là trong nhóm Kinh nổi tiếng nhất cả trong Bắc Tông và Nam Tông, dạy pháp để tâm xa lìa thời gian, dạy cách thấy, nghe, hay, biết… trong một cách không vướng gì vào trước sau hay nghĩ ngợi tư lường.
Trong nhóm 32 Kinh trong Kinh Tập được Đức Phật cho làm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời cho đại chúng thời ngài còn sinh tiền thì chỉ qua vấn đáp, mà 32 vị Bà La Môn chứng quả A La Hán ngay sau vài câu nói với mỗi vị (trong 32 Kinh này không nói về Tứ niệm xứ, chủ yếu là biện tâm). Xin nhắc rằng, có lẽ khoảng phân nửa trường hợp truyền pháp Thiền Tông ở Trung Hoa và Việt Nam là qua vấn đáp, qua đối thoại. Kinh nghiệm của người viết không đáng là gì để bàn, chỉ xin nhắc lời ngài Trần Thái Tông đã dẫn trên, hẳn là cũng qua một cuộc đối thoại để biện tâm: “Nay vì anh biện, Rành rẽ rõ ràng.” Đặc biệt, nơi đây xin dẫn ra Kinh SN 22.80, Đức Phật khuyến tấn hãy tu Tứ niệm xứ hay là tu Vô tướng Thiền định. Kinh này trong Tạng A hàm là Kinh SA 272. Trích Kinh SN 22.80, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Này các Tỷ-kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại tầm. Và này các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập vô tướng Thiền định. Này các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập vô tướng Thiền định. Này các Tỷ-kheo, vô tướng Thiền định được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.” (4)
Như thế nào là Vô tướng Thiền định? Trong Thiền Tông có nhiều cách giải thích. Hình ảnh chư Tổ Thiền Tông thường sử dụng là “trâu bùn qua sông” – vì trâu là tâm, và bùn sẽ tức khắc tan trong nước, và chỉ có vô tâm, vô niệm mới thoát được dòng sông sinh tử. Nhưng chớ khởi tâm làm cái gì cho thành vô hết, vì như thế là trên đầu lại chắp thêm đầu, vì khi nhìn kỹ vào tâm [như khi ngài Huệ Khả nhìn vào tâm] sẽ thấy tự gốc tâm đã là vô tâm rồi, tự gốc đã là vô vi, là lìa sanh diệt rồi. Thấy chỗ này xong, thì lấy tâm nào mà tu nữa?
Thiền sử cũng nói về một hình ảnh khác, rằng tại sao con trâu chui được qua song cửa sổ cả đầu mình và cẳng chân, sao lại kẹt cái đuôi không qua được? Đơn giản, vì hễ còn thấy có trâu, hễ còn thấy cho dù là một mảnh đuôi trâu, cũng không thể giải thoát. Dó là ý của vô tâm, vô niệm. Những hình ảnh này Đức Phật còn so sánh rằng các pháp hữu vi chỉ là như bọt sóng, như điển chớp, như huyễn ảo, như mộng… Đức Phật cũng so sánh như tiếng đàn, có chẻ cây đàn làm trăm mảnh cũng không nắm bắt được tiếng đàn, vì trước tiếng đàn, sau tiếng đàn và ngay tự thân tiếng đàn đã là bất khả đắc rồi. Đọc lời Đức Phật dạy như thế là thấu được Thiền Tông rồi, còn đòi tu gì nữa, sự nghiệp tu chỉ còn là bảo nhậm cái tâm vốn đã rỗng rang xa lìa tham sân si này thôi.
Trong khi ngài Trần Nhân Tông (1258 – 1308) dạy rằng “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Khi gặp cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền gì nữa), Đức Phật dạy ngắn gọn hơn, rằng đó là “không tác ý tất cả tướng” – tức là, không khởi tâm xanh đỏ trắng vàng gì nữa, hãy để thấy mặc thấy và nghe mặc nghe (như Bahiya Sutta). Trong cách khác, Đức Phật cũng dạy pháp Tổ sư Thiền bằng ngôn phong là khi thấy hay nghe thì đừng dính vào tướng chung cũng như tướng riêng (như Kinh MN 33). Tương tự, như lời Đức Phật dạy hãy thường trực nhìn các pháp là không, thấy không có gì là tự ngã, thì là giải thoát (Kinh Sn. 5.15 trong Phẩm Qua Bờ Kia của Kinh Tập) – đây cũng là lý do các chùa Bắc Tông phải tụng Bát Nhã Tâm Kinh ngày đêm. Đơn giản như thế, vậy mà nhiều học giả không thấy được các pháp ngắn gọn của Thiền Tông, mà lại cứ hiểu nhầm.
Về lời dạy vô tâm, vô niệm, khi nói chính xác là “không tác ý tất cả tướng,” trong Kinh SN 41.7, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích lời vấn đáp giữa ngài Godatta và gia chủ Citta (một cư sĩ thượng thủ) như sau:
“Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú Vô tướng tâm định. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô tướng tâm giải thoát… Tham dục (ràga) làm sự đo lường, sân làm sự đo lường, si làm sự đo lường. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối các vô lượng tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si.” (5)
Không tác ý, vô niệm, vô tâm… là một pháp trực chỉ do Đức Phật dạy, không phải là phát minh đời sau của Bồ Đề Đạt Ma hay Lục Tổ Huệ Năng. Chúng ta gặp lời Đức Phật dạy vô niệm trong rất nhiều Kinh, cụ thể là 3 Kinh nằm kế bên nhau: Kinh SN 12.38, Kinh SN 12.39, Kinh SN 12.40… Chưa kể các Kinh khác. Nơi đây, chúng ta trích lời Đức Phật dạy vô niệm trong Kinh SN 12.38, bản dịch của Thầy Minh Châu:
“Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.” (6)
Nếu chúng ta quan sát tâm, và đọc kinh nhiều để đối chiếu, sẽ thấy rằng Đức Phật nhiều lần nói rằng “pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu”… Nghĩa là, nói y hệt các Thiền sư Trung Hoa, hễ nghĩ ngợi là sai rồi, vì nghĩ ngợi là rơi vào thời gian, là dính vào niệm trước và niệm sau, là ký ức của tư lường.
Có một lần, Kinh AN 6.48 ghi lời Đức Phật giải thích về câu trên là, khi nhìn vào tâm, thấy tâm có tham/sân/si thì biết tâm đang có tham/sân/si, nếu thấy tâm không tham/sân/si thì biết là tâm đang không tham/sân/si… đó là biết tức khắc, không qua suy lường, không dính vào thời gian – mà Đức Phật gọi là “pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu”…
Thiết thực hiện tại, không có thời gian… Trong Kinh DN 25, Đức Phật nói với một du sĩ ngoại đạo rằng, người trí thực hành lời Đức Phật dạy thì chỉ cần 7 năm là giải thoát, và sẽ có người chỉ cần 7 tháng là giải thoát, và sẽ có người chỉ cần 7 ngày là giải thoát, và cũng sẽ có người “sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại” — tức là, đốn ngộ. Điều đặc biệt, trong Kinh vừa dẫn, Đức Phật nói rõ là không cần du sĩ kia phải xuất gia, và cũng không cần phải rời bỏ nghề truyền thống…
Trong Trường Bộ Kinh DN 25, Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, trích lời Đức Phật nói với du sĩ Nigrodha:
“Này Nigrodha, Ta nói cho Ngươi như sau: “Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chân trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp”. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các Thiện nam tử, từ bỏ gia đình xuất gia tu đạo. Vị ấy cần có bảy năm. Này Nigrodha, đâu cần phải bảy năm! Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng mà vì lý tưởng này các Thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, chỉ cần có sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm … chỉ cần bảy tháng, một tháng, nửa tháng. Này Nigrodha, đâu cần có nửa tháng! Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chơn trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnh và mục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày…
… Này Nigrodha, Ngươi có thể nghĩ rằng: “Sa môn Gotama nói như vậy là muốn chúng tôi từ bỏ nghề sống của chúng tôi.” Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Nghề sống của Ngươi là gì, hãy giữ nguyên nghề sống ấy cho Ngươi.” (7)
Và Đức Phật nói rằng không chỉ giới tu sĩ, mà ngài đã có tới hàng trăm (nhiều hơn 500 vị) cư sĩ đã chứng quả Bất Lai để hóa sanh và nhập Niết bàn tại nơi đó. Kinh MN 73, bản dịch của Thầy Minh Châu trích:
“—Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa.” (8)
Tuy nhiên, chúng ta có thể nào chọn ra được một hay vài Kinh có thể thích nghi với tất cả các căn cơ chúng sinh hay không? Và có Kinh nào như thế mà cũng mang được yếu tố “thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng” hay không? Và có Kinh nào cũng có thể mang cả yếu tố làm cho hành giả “sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnh và mục tiêu vô thượng” hay không?
Hẳn là có nhiều Kinh như thế. Ngay khi nhìn các câu hỏi vừa dẫn, người viết nghĩ ngay tới Bát Nhã Tâm Kinh. Và rồi nghĩ ngay tới 32 Kinh trong 2 phẩm cuối trong Kinh Tập. Tuy nhiên, để cho đơn giản hơn, và mang cả hình ảnh “trâu bùn qua sông” của Thiền Tông, và để mang trọn gói cả hương vị Bắc Tông và Nam Tông, nơi đây xin mời gọi thường trực thọ trì Kinh AN 7.95, thì ngay hiện tiền sẽ có tuệ giải thoát.
Sau đây xin trích Kinh AN 7.95, bản dịch của Thầy Minh Châu: “Ở đời, này các Tỷ-kheo, có hạng người sống tùy quán vô thường trên con mắt, tưởng vô thường, cảm thọ vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.” (9)
Không gì hạnh phúc hơn là cảm thọ dòng sông vô thường trôi qua thân tâm mình thường trực, chính ngay khi thấy như thế, sẽ không có một pháp nào trụ lại, sẽ không thấy có chút gì tham sân si thực sự là tham sân si… Cảm thọ dòng sông vô thường trôi qua thân tâm, là sẽ thấy không còn gì gọi là “sở kiến,” nơi đó sẽ không có ta, không có người, và cũng không có cái gì gọi là Thánh với phàm. Tất cả các công án Thiền Tông đều bị cuốn trôi trong dòng sông vô thường chảy xiết này, khi thấy không ta, không người, không vật, không Thánh, không phàm thì ngay cả công án “Bà già đốt am” cũng tự hủy vì không còn thấy có tướng người, dù là tướng bà già hay tướng cô gái, không còn thấy có tướng nhà sư với tướng nam nữ cư sĩ… Đó là thấy vô tướng. Đó là Vô tướng Tâm định. Đó là hạnh phúc tuyệt vời, khi Đức Phật đản sinh.
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 22.57: https://suttacentral.net/sn22.57/vi/minh_chau
(2) Thanissaro. “One Tool Among Many”: https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/onetool.html
(3) HT Thanh Từ. Kinh Pháp Bảo Đàn: https://thuvienhoasen.org/a1631/pham-thu-tu-dinh-tue
(4) HT Minh Châu. Kinh SN 22.80: https://suttacentral.net/sn22.80/vi/minh_chau
(5) Kinh SN 41.7: https://suttacentral.net/sn41.7/vi/minh_chau
(6) Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau?reference=none&highlight=false
(7) Kinh DN 25: https://suttacentral.net/dn25/vi/minh_chau?reference=none&highlight=false
(8) Kinh MN 73: https://suttacentral.net/mn73/vi/minh_chau?reference=none&highlight=false
(9) Kinh AN 7.95: https://suttacentral.net/an7.95/vi/minh_chau?reference=none&highlight=false
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.