Bài NGUYỄN THỊ KIM THOA
Tôi đi chùa và qui y Tam Bảo lúc lên 5. Vào lứa tuổi này tôi chưa ý thức được gì những chuyện như thế, nhưng cha mẹ tôi là những Phật tử thuần thành, ông bà qui y cho tất cả các đứa con từ rất sớm và tôi cũng không là đứa ngoại lệ.
Tôi được qui y với Thượng Tọa Thích Đức Tâm ở Chùa Diệu Minh (tiền thân của Chùa Pháp Hải) thuộc địa phận Bồi Thành (Cồn Hến) làng Vỹ Dạ.
Tôi theo mẹ cùng hai chị đi chùa từ tấm bé, tôi yêu ngôi Chùa Phước Huệ cùng Chùa Pháp Hải ở quê tôi.
Từ ấu thơ mỗi buổi tối trước lúc đi ngủ và mỗi sáng thức giấc tôi ru mình trong tiếng mõ, tiếng cầu kinh của mẹ. Mẹ tôi tụng kinh rất hay. Trong lòng tôi, chưa ai tụng kinh hay bằng mẹ:
Đệ tử chúng con từ vô thỉ
Gây bao tội ác bởi lầm mê
Đắm trong sanh tử đã bao lần
Nay đến trước đài Vô Thượng Giác
Biển trần khổ lâu đời luân lạc
Với sanh linh vô số điêu tàn
Sống u hoài trong kiếp lầm than
Con lạc lõng không nhìn phương hướng…
Hoặc:
Bồ đề nhất bách bát
Diệt tội đẳng hà sa
Viễn ly tâm đồ khổ
Xuất sắc biến liên ba
Nam mô Tây phương quá
Tam thập lục vạn ức Phật độ
Đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi A Di Đà Phật…
Thời con gái tôi cùng anh chị em trong nhà từng bước tập ăn chay, niệm Phật theo mẹ. Cùng mẹ đi chùa lễ Phật mỗi rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười. Chúng tôi nghe thầy, nghe sư thuyết pháp.
Trang phục đến chùa là áo dài màu lam, tóc chải, kẹp gọn gàng. Trước hôm đến chùa, chị em chúng tôi được tắm nước lá thơm. Nước lá thơm là nước nấu với cây lá có mùi thơm trong vườn: lá đinh lăng, lá sả, lá chanh, lá bưởi… Đến chùa đi đứng nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, xưng hô, thưa gởi đúng mức.
Đến chùa là niềm vui, nghe Thầy, nghe Sư thuyết pháp là những buổi học thích thú. Mẹ không ép buộc chúng tôi đi chùa, chúng tôi ai nấy đều háu hức khi được đến chùa. Chùa yên tĩnh, chùa có nhiều cây cao bóng mát, chùa có Thầy, có Sư, có các điệu, có các cô bác nói năng nhẹ nhàng, ân cần trò chuyện, giải thích những vấn đề Phật Pháp với cả tấm chân tình. Với tôi đây còn là những buổi dã ngoại thích thú với hoa lá chim muông.
Vào tuổi thanh thiếu niên tôi theo mẹ cùng các chị, các em đến lễ bái những ngôi chùa trên đồi Quảng Tế. Đó Chùa Thiên Hỷ của Hòa Thượng Thích Thọ Đức, Chùa Châu Lâm của Hòa Thượng Thích Tiêu Diêu, Chùa Từ Hiếu của Hòa Thượng Thích Chí Niệm. Đặc biệt chúng tôi cũng đến đảnh lễ ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy Thiền Lâm Tự của Sư Thích Hộ Nhẫn (còn gọi là Sư Thiện).
Các tăng trong hệ phái Đại Thừa (Bắc Tông) mặc áo nâu, chủ trương “bất tác bất thực.” Chùa Thiên Hỷ, Chùa Châu Lâm, Chùa Từ Hiếu, các tăng, các điệu lao động cật lực để có cái ăn, các vị trồng rau, trồng khoai sắn ở các nương rẩy quanh chùa, trong sân chùa còn trồng mít, vả, chuối, chanh… cùng bông hoa cúng Phật. Bữa cơm của các thầy, các điệu rất đạm bạc chỉ có cơm, canh rau muối, tương cà, lâu lắm mới có mấy miếng khuôn đậu (đậu phụ) do đệ tử cúng dường.
Những năm học trường Y có lúc tôi đã ở lại chùa Thiên Hỷ cả ngày để học bài. Tôi được thầy Thọ Đức cho ăn cơm, rau với một thứ nước chấm làm từ hột mít. Hột mít thay đậu nành làm tương rất ngon.
Các Sư hệ phái Tiểu Thừa (Nam Tông) của Thiền Lâm Tự khoác y vàng, đi khất thực quanh vùng Nam Giao, đầu trần chân đất, tay ôm bình bát, yên lặng đi, đi bảy bước dừng lại một bước, chỉ nhận từ thí chủ thức ăn, không nhận tiền của. Thời gian đi khất thực là vào buổi sáng và về chùa trước giờ ngọ vì các vị ấy chỉ ăn một bữa đúng ngọ mà thôi.
Trong các buổi thuyết pháp cả ở chùa Bắc Tông hay Nam Tông, bài học đầu tiên của chúng tôi từ các Hòa Thượng, các Sư là mười điều cơ bản và những lời giảng đơn sơ dễ hiểu về Phật Pháp. Xin trích lược một đoạn sau:
1. Phật là người, không phải là thần
2. Phật là người rất bình đẳng
3. Phật không phải là người sinh ra mà biết mọi việc
4. Phật giáo không thừa nhận có người tồi tệ không thể giáo hóa
5. Phật không phải là độc nhất vô nhị, mọi người đều có thể thành Phật
6. Phật giáo không thừa nhận có thần sáng tạo ra vạn vật
7. Phật pháp tùy theo căn cơ hoàn cảnh mà giáo hóa
8. Phật pháp là nhập thế
9. Phật giáo không bài xích đạo khác
10. Phật giáo là dân chủ và tự do.
“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, câu nói đầu tiên của Ngài lúc đến nhân gian này là: ‘Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.’ Chúng ta nên chú ý chữ ngã trong câu duy ngã độc tôn, không phải chỉ riêng bản thân Thích Ca Mâu Ni, mà là chỉ cho toàn thể nhân loại.
“Giải thích chính xác câu ấy là: Người ta ở trong vũ trụ đầu đội trời chân đạp đất, mỗi người đều là chúa tể của chính mình, quyết định vận mạng của chính mình, mà không phải nghe theo mệnh lệnh của ai hoặc vị thần siêu nhân nào khác.
“Đức Thích Ca Mâu Ni tuyên bố sự giác ngộ và thành tựu của Ngài, hoàn toàn đều do công phu nỗ lực và tài trí của chính mình.
“Đức Thích Ca Mâu Ni cho rằng, điều cát hung họa phước, thành bại vinh nhục của một cá nhân quyết định ở hành vi thiện ác và sự nỗ lực của chính bản thân họ. Không ai có thể đề bạt ta lên thiên đường, cũng không người nào có thể đem ta đẩy xuống địa ngục. Ca ngợi và tán thán không thể lìa khổ được vui, chỉ có thực hành tu tâm sửa tính mới có thể khiến cho nhân cách của mình tịnh hóa thăng hoa, khiến cho mình hưởng thọ khoái lạc tâm an lý đắc.”
(Trích từ Những đặc điểm đặc sắc của Phật giáo – chuahoangphap.com.vn).
Các Thầy, các Sư luôn dạy chúng tôi làm điều lành tránh điều ác, tự thân chịu lấy phước phần do mình gây nên. Các ngài không bao giờ nói đến “giải oan,” “giải nghiệp” bằng cách cúng dường. Các ngài dạy chúng tôi bài trừ mê tín dị đoan, không có quỉ thần nào hại được ta, không có tiền bạc nào mua chuộc được tội lỗi do mình gây ra.
Mấy ngày nay xem trên mạng thấy hình ảnh các vị “sư quốc doanh” đi khất thực, đi xin tiền, đối đáp sân si với nhau tôi cảm thấy buồn và phẫn nộ.
Phật giáo Việt Nam đến thời mạt pháp rồi ư! Chùa to, tăng giả, một số quần chúng mê mẩn lạc vào thiên la địa võng do bọn quỉ sa tăng đội lốt sư thầy bày ra để đe dọa, phỉnh lừa, làm tiền, quấy nhiễu.
Mong rằng trong thanh tịnh của thân tâm, chúng ta vượt qua khổ nạn này.
(Nguồn: Nguyễn Thị Kim Thoa Facebook ngày 18 tháng 8, 2022)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.