Bài THÁI HẠO
Chắc có nhiều người sẽ thấy vô cùng khó hiểu khi chứng kiến một đám đông quỳ lạy và tranh nhau đưa tiền cho một ông sư, gọi đó là cúng dường.
Họ mê tín hay cuồng tín? Không, khoan nói chuyện đó. Họ bị thao túng tâm lý.
Thao túng tâm lý, hiểu nôm na là dùng các biện pháp, thủ đoạn để thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác, nhằm mang lại lợi ích cho mình. Việc sử dụng các kinh sách nhà Phật rồi giảng giải thiên lệch, làm đối tượng trở nên tin tưởng, lo âu, hoặc sợ hãi, từ đó mà điều khiển họ chính là một ví dụ điển hình cho chiến lược thao túng này.
Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là một kinh Đại Thừa được truyền bá và thuyết giảng phổ biến bậc nhất trong các chùa chiền hiện nay ở Việt Nam. Kinh này nói gì? Nói về nhân – quả. Trong đó mô tả chi tiết các tội báo khủng khiếp do nghiệp ác gây ra; và đồng thời dạy về cách “giải” những tội báo ấy. Một trong những cách giải linh nghiệm và thù thắng nhất chính là bố thí, cúng dường. Không bàn về tính chân ngụy của bộ kinh, ở đây nói chuyện khác.
Xem kinh dạy thế nào. Ví dụ: “Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thời được vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.”
Các vị sư thời nay sẽ dựa vào những câu như thế để thuyết, làm cho mọi người không những tin rằng mình đang tự cứu mình khi cúng dường, mà hơn thế, còn nghĩ rằng chính các vị sư ấy đang giúp chúng sinh gieo trồng phước đức vì đã đại lượng mở lòng từ bi sẵn sàng nhận cho chúng sinh!
Tuy nhiên, các vị sư này đã không nói hết, họ chỉ nói một phần nhỏ và giảng giải sai lệch nội hàm. Ví dụ, họ sẽ không nói gì đến mấy chữ “thiện nam, thiện nữ.” Thế nào là thiện nam thiện nữ? Phải trọn vẹn đạo làm người (KHÔNG sát, trộm, tà dâm, say sưa, nói dối), kính thờ cha mẹ, thương yêu mọi người… Nghĩa là để việc cúng dường trở nên có giá trị thì phải tu thân tu tâm cho tốt đã. Đó là ý trong Kinh, nhưng sư sãi tuyệt nhiên không giảng đến.
Họ cũng sẽ lờ đi điều đầu tiên được nói trong kinh Địa Tạng: “Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn” mà “mở tâm từ bi lớn, vui vẻ” bố thí thì “được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.” Nghĩa là bố thí cúng dường trước tiên cần phải hướng đến những người nghèo khổ, thiệt thòi trong xã hội.
Họ cũng lờ đi cách thức bố thí cúng dường. Kinh luôn nhắc đi nhắc lại về “cái tâm” khi cho đi. Đó là cái tâm vô tư, không mong, không cầu, tuyệt đối không tơ tưởng đến phước báu hay quả lành gì hết, thì mới có tác dụng.
Họ cũng lờ đi mục đích của việc bố thí cúng dường, đó là hồi hướng. Hồi hướng nghĩa là mỗi khi làm việc gì tốt đẹp thì chỉ luôn nghĩ đến người khác, vì người khác mà làm, vì những điều cao cả mà làm; không màng danh lợi cho bản thân. Tức, bố thí là một cách để gột rửa thân tâm, thoát ra khỏi lòng tham, từ đó mà tự tại an vui.
Họ cũng lờ hẳn đi rằng chỉ có cúng dường cho Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác – tức những bậc đức hạnh và có đạo lực sâu dày thì mới mang lại ý nghĩa. Điều ấy cũng có nghĩa là mang tiền đi cúng cho những kẻ hư hỏng, đốn mạt là ngu si và đang tạo tội chứ không ích lợi gì.
Những thứ cần nói như trên thì nhiều sư sãi ngày nay tuyệt nhiên không nói đến, mà họ dùng địa ngục, dùng nghiệp báo để đe dọa; dùng phước đức để quyến rũ; và dùng chính họ (sư) để quy về. Những thủ đoạn này đang được sử dụng một cách phổ biến, khiến người đi chùa nhận thức sai lạc, sinh tâm lý khiếp nhược, từ đó mà bị dẫn dắt và thao túng.
(Nguồn: Thái Hạo Facebook ngày 13 tháng 8, 2022)
Thêm ý kiến trích từ các trang Facebook cá nhân.
Đặng Duy Hải:
Mới đây, hoạt động khất thực của Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì Chùa Ba Vàng gây ra hiệu ứng rất tiêu cực trong dư luận. Ông ta hệt như thánh thần hạ thế, đi khất thực mà để các Phật tử phải quỳ lạy và để ông ta xoa đầu. Ai đưa tiền thì ông ta cầm vội. Không Phật nào cho phép làm như vậy.
Nói đi thì phải nói lại, ngày nay, một bộ phận không nhỏ các Phật tử mê tín cùng các hòa thượng không chân tu đang làm xô lệch, méo mó Phật giáo. Họ biến thời nay thành cái thời gọi là mạt pháp. Vì sự u mê, vô minh của các Phật tử này mà khiến cho một số hòa thượng có cơ hội trục lợi tâm linh, kinh doanh kiếm tiền từ việc núp bóng nhà chùa.
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh là người từng bị Giáo Hội Phật Giáo VN bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong giáo hội bởi vụ việc oan gia trái chủ, vong báo oán trục lợi từng ồn ã, náo động trong thời gian qua. Hiện ông ta chỉ còn là trụ trì Chùa Ba Vàng.
Nếu đệ tử nhà Phật ngày càng mê tín lún sâu vào mê muội, không tỉnh ngộ thì sẽ là mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ cho những kẻ giả danh, núp bóng tu hành để trục lợi. Khi ấy, sự trong sáng của chính pháp, đạo Phật sẽ bị tha hóa và biến tướng.
Dương Quốc Chính:
Anh Thái Minh và chúng đệ tử khất thực kiểu đó rồi quay phim chụp ảnh làm truyền thông là trong khuôn viên Chùa Ba Vàng thôi, nó không trái quy định của Giáo Hội Phật Giáo VN. Cái sai là đem bình bát đi nhận cả tiền, nó hơi xôi thịt, nhất là vào ngày Vu Lan.
Trong Nam thì dân cúng cô hồn, dân nghèo và trẻ trâu vào cướp đồ lễ. Dù sao còn có lý, vì người ta nghèo mới đi cướp đồ lễ, cũng là theo phong tục. Còn ở chùa Ba Vàng, sư được cúng đồ lễ, trong khi sư giàu nứt đố đổ vách, kêu gọi được mấy trăm tỷ xây chùa! Đấy mới là cái phản cảm cần lên án vào ngày Vu Lan (để báo hiếu bố mẹ, không phải báo hiếu sư/chùa).
Tại sao lại chỉ Chùa Ba Vàng mới có hình ảnh này?
Hãy đọc chính những gì sư nói về sư, không lại bảo phản động chửi sư, trong ảnh đính kèm! Đại khái là thầy Thái Minh xuất gia theo hệ phái Trúc Lâm nhưng lại có những biểu hiện “sáng tạo” khác người theo Nam Tông (cách ăn mặc, lối sống khổ hạnh làm màu và dùng bình bát đi khất thực…).
Từ scandal Ba Vàng mấy năm trước mình đã tìm hiểu về thầy Thái Minh. Nhìn nhận khách quan mà nói thì anh ấy nguyên là Thạc Sĩ Kinh Tế, từng dạy Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, nên tố chất kinh doanh của anh nó vượt trội hơn hẳn các thày chùa khác, vốn âm lịch, khiến các thày khác phải kính nể “học theo không nổi.” Anh Minh start up Chùa Ba Vàng mà gọi vốn được mấy trăm tỉ là một tài năng kiệt suất, không phải chuyện đùa với một người chưa có gì nổi trội trong giới tu hành Phật giáo. Các thầy có vai vế chức sắc mà gọi vốn được cỡ đó thì không nói, đây thầy mới chỉ khởi nghiệp mà làm được vậy thì không phải đơn giản. Chùa to kiểu Bái Đính, Tam Chúc có doanh nghiệp đầu tư thì lại là chuyện khác nhé.
Có lẽ vì anh có kiến thức kinh tài hơn hẳn các đồng chí khác nên có phần khinh bạc, không muốn nghe lời khuyên bảo của các bậc sư huynh. Chính vì thế nên bên Giáo Hội Phật Giáo VN cũng không ưa gì anh. Nhân vụ oan gia trái chủ thì anh Minh bị “lột lon” cách mọi chức vụ trong Giáo Hội. Duy có chức trụ trì chùa Ba Vàng thì không lột được, vì đó là bất động sản do anh start up mà có, không phải của giáo hội. Mấy năm trước, Giáo Hội Phật Giáo VN bị tổn thất nặng nề vì mất đi hai phó ban truyền thông là anh Thái Minh và cư sĩ Phạm (nhân) Nhật Vũ.
Khách quan mà nói tiếp, là anh Thái Minh và Chùa Ba Vàng là thánh truyền thông 4.0. Có lẽ họ còn cộng tác với công ty truyền thông chuyên nghiệp để làm Web, Facebook, Youtube để quảng bá hình ảnh cá nhân anh Minh và chùa. Bảo sao con nhang đệ tử vẫn đông, khóa tu mùa hè cả ngàn cháu. Chùa Ba Vàng cũng là nơi được quản lý rất quy củ. Mình nhớ là vào đó còn không mất tiền gửi xe, free hết, chỉ cúng dường tùy tâm. Như thế là dịch vụ rất tốt, kiểu miền Nam, chùa Bắc thua hết về khoản dịch vụ này. Đây là khen chứ không phải chê bai gì nhé.
Ngay cả chuyện khất thực, thày đã có bài viết trên web để kêu gọi con nhang “sớt bát cúng dường,” nên mới đông thế. Nhất là còn có gái đẹp mặc áo dài cúng dường nữa, bảo sao chả lan tỏa hình ảnh! Nói gì nói, thầy làm hình ảnh rất chuyên nghiệp, nếu thầy làm chính trị thì đây cũng là bài xây dựng hình ảnh lãnh tụ chứ gì đâu. Anh em quan lại cũng cần lấy làm tấm gương để học hỏi.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.