Đọc tác phẩm ‘Quan Âm Tế Độ’: Kho tàng Phật học chữ Nôm

*Đọc 13 phút*

Bài NGUYÊN GIÁC

Tác phẩm nhan đề Quan Âm Tế Độ, nơi bìa có ghi thêm đề phụ là: Chuyện tu hành khó khăn của Đức Phật Bà Quan Âm, gia tài văn học Phật Giáo Chữ Nôm. Do Nguyễn Văn Sâm phiên âm dịch chú giải, và Nguyễn Hiền Tâm đính chánh. Bìa trong ghi là: Truyện Nôm Quan Âm Diệu Thiện, từ nguyên tác Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca. Nhìn sơ khởi, thấy trước tiên, đây là một tác phẩm mang văn phong Nam Bộ. Khi người viết mở bất kỳ, thí dụ, ra nơi trang 175, thấy dòng thứ 3479 viết “Tay chưn buộc trói thiết tha” là thấy ngay giọng người miền Tây. Thứ nhì, đây là thơ lục bát, trong văn phong ưa thích ngâm nga của dân miền Tây, cho thấy cách hoằng pháp của cổ đức khi phiêu dạt từ miền Bắc hay Trung về khai phá miền Nam, đã viết lên truyện thơ chữ nôm này để hoằng pháp.

Nơi trang bìa sau là các lời giới thiệu:

“- Truyện thơ Nôm Phật giáo thế kỷ 19 dài hơi nhất trong lịch sử văn học Việt Nam và văn học Phật giáo.
– Chuyện về cuộc đời tu hành khó khăn vô vàn của Công Chúa Diệu Thiện, nước Cao Ly.
– Tấm gương kiên định và chịu đựng vì đạo của người tu hành chơn chánh.
– Truyện diễn tả cụ thể lý Nhơn Quả không bằng thuyết giảng.
– Cùng với những tác phẩm Phật Giáo Miền Nam quan trọng trước đây như: (1) Truyện-thơ Lưu Hương Bảo Quyền. (2) Tuồng Quan Âm Du Địa Phủ. (3) Kinh Hồi Dương Nhơn Quả, đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa, chơn chất, mộ đạo của người dân Miền Nam.
– Tác phẩm nên đọc và suy gẫm của người muốn sống đời thánh thiện, kiên nhẫn.”

Nơi trang 11 tới trang 19 là bài viết nhan đề “Bài Giới Thiệu Truyện Nôm Quan Âm Tế Độ Do Giáo sư Nguyễn Văn Sâm Phiên Âm ra Chữ Quốc Ngữ” của Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang. Gần như tất cả những gì cốt tủy để nhận định về tác phẩm này đã được Cư sĩ Huỳnh Kim Quang nêu lên. Thêm nữa, có một chương đầu tập thơ nôm nhan đề “Dẫn Nhập Của Nguyễn Văn Sâm” từ trang 21-28 đã nêu ra các điểm quan trọng để độc giả thuận lợi khi đọc truyện thơ nôm này.

Vậy thì, bây giờ nên viết gì để giới thiệu sách này nữa? Người viết do dự, nhiều tuần lễ, nếu bình luận như một tác phẩm đời thường hẳn là không thích nghi với một tác phẩm Phật học, nhất là khi sách nói lên công hạnh của ngài Quan Âm Diệu Thiện (đã được dân gian hóa thành truyện). Do vậy, nơi đây xin giữ vai một người đọc rất đời thường.

Sách Quan Âm Tế Độ dày 516 trang, do nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn hành 2022, với sự bảo trợ của Viện Việt Học, California, 2022. Viết theo thể thơ lục bát, dài 7228 câu. Truyện thơ chia làm 12 hồi. Nội dung theo thứ tự sau.

Hồi thứ nhứt: Tôn giả giáng thế, đầu  thai làm đàn bà để độ chúng.

Hồi thứ hai: Diệu Thiện không muốn lấy chồng, bị phạt ra huê viên tưới cây.

Hồi thứ ba: Công Chúa Diệu Thiện vào chùa.

Hồi thứ tư: Công Chúa Diệu Thiện bị hỏa thiêu, không cháy.

Hồi thứ năm: Công Chúa đi chơi địa phủ, rồi trở về cõi trần.

Hồi thứ sáu: Ngài Thái Bạch nghênh đón, rồi đưa Công Chúa về Chùa Hương Sơn.

Hồi thứ bảy: Oan hồn tăng ni báo thù Trang Vương.

Hồi thứ tám: Đến huê viên, Diệu Nguyên, Diệu Âm dâng biểu cầu nguyện.

Hồi thứ chín: Phò Mã, Công Chúa dâng đồ mặn.

Hồi thứ mười: Công Chúa biến thành Hòa Thượng đi cứu nàn rồi trở về Hương Sơn.

Hồi thứ mười một: Công Chúa xuống hoa viên độ hai chị.

Hồi thứ mười hai: Đại Đế Tra Châu Bộ Đạo Thành, Tặng Phong.

Nếu độc giả muốn đọc nguyên văn bản Chữ Nôm, sách này có chụp lại copy từ trang 327 tới trang 512, tức là 185 trang nguyên bản chữ Nôm. Nghĩa là, ấn bản Quan Âm Tế Độ này, vừa thích nghi cho người đọc chữ quốc ngữ đơn giản, vừa có tài liệu nguyên bản cho các học giả muốn đọc chữ Nôm tận gốc.

Thực tế, đây là truyện, tức là có hư cấu, với đầy đủ các chi tiết ly kỳ gay cấn, cũng như phim ảnh, để lấy Chánh pháp nhà Phật biến thành món ăn văn hóa cho người đời thường. Bởi vì, chúng sinh thích nghe thơ, thì người hoằng pháp làm thơ; chúng sinh thích đọc truyện, thì người hoằng pháp viết truyện. Chỉ tiếc rằng, chúng ta không rõ tác giả truyện thơ Quan Âm Tế Độ là ai, có phải là tăng sĩ hay là cư sĩ, để chúng ta có thêm thông tin khả dĩ nhìn rộng thêm về bối cảnh văn học thời kỳ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Ngay từ dòng đầu đã cho thấy yếu tố truyện, chứ không có yếu tố sử, là nơi Chương Dẫn có ghi nhan đề “Nhiên Đăng Cổ Phật xuống trần, truyền đạo cho Công Chúa Diệu Thiện.” Theo kinh điển, Nhiên Đăng Cổ Phật là một vị Phật thời quá khứ, đã thọ ký cho tu sĩ Sumedha nhiều kiếp về sau sẽ thành Phật là Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn chuyện “xuống trần” hay “lên trần” nghe y hệt như phim bộ Hồng Kông, là để tạo yếu tố gay cấn cho truyện.

Có một điểm để suy nghĩ: có phải tác giả cố ý ẩn danh? Để rồi một thời gian sau, bản thảo rơi vào tay ai đó, hay được chuyền qua ai đó, để tới khi gặp cơ duyên, “Hai tín nữ nước Đại An Nam quyên tiền, kính khắc in: Nguyễn Từ Ngươn, Hoàng Diệu Trước”… Bản khắc in vừa nói là tháng 7 âm lịch năm Mậu Thân (1908).

Nhà Tây Sơn sụp đổ năm 1801, vừa hơn 100 năm trước đó. Lúc đó, nhà Nguyễn càn quét nhà Tây Sơn, thời kỳ đầu đã trả thù bứng tận gốc, trấn áp cả chùa chiền Phật giáo, vì Nguyễn Lữ (em út của ba anh em nhà Tây Sơn) là một nhà sư, xuất gia rất sớm. Đó cũng là lý do nhà Tây Sơn khi thịnh thời đã ưu đãi một số tăng lữ nhà Phật. Và đó cũng là lý do nhà Nguyễn ban đầu tập trung ưu đãi Nho giáo, đàn áp các thế lực Phật giáo cựu triều? Và đó có phải là lý do, vài chục năm sau, tác giả phải ẩn danh khi viết Quan Âm Tế Độ (vì tác giả có thể là thế hệ con cháu Tây Sơn đang chạy vào Nam lẩn trốn). Trong truyện thơ Nôm này, chúng ta thấy có sự tranh chấp gay gắt giữa Nho giáo và Phật giáo, khi Công Chúa Diệu Thiện đòi vào chùa đi tu, nhưng ba mẹ cứ lấy chữ hiếu ra áp lực, bảo con vua sao lại đi tu được, phải bắt ép lấy chồng. Chúng ta nơi đây chỉ nêu giả thuyết thôi. Và không có chứng cớ nào có thể xác tín.

Truyện nhà Phật đương nhiên, ưu tiên là nêu lý nhơn quả, khuyến tu hướng thiện, dặn dò độc giả “Gái trai lớn nhỏ, nín mà nghe kinh.” (QÂTĐ, câu 2). Nghĩa là, đối với tác giả (tiểu thuyết gia ẩn danh), những lời dạy này là ghi lời Đức Phật dạy, nên mới gọi đây là kinh, và bảo độc giả phải “nín mà nghe kinh.” Phong thái làm thơ của tác giả cho thấy kiểu bậc trưởng thượng, có thể là một nhà sư hay một người từng nắm quyền lực, chứ không phải kiểu một nhà thơ lang thang bụi đời như Bùi Giáng, cũng không phải kiểu thơ mộng dằn vặt như Nguyễn Du. Văn phong bậc trưởng thượng lộ ra ngay từ đầu truyện thơ:

Khuyên cùng cô bác trẻ già
Gái trai lớn nhỏ, nín mà nghe kinh.
Quan Âm diễn nghĩa phân minh
Nhơn quả tội phước luận đàm như in
Nghe thời chớ khá làm thinh
Hồi tâm hướng thiện, chớ khinh noi làm

(QÂTĐ, câu 1-6)

Thêm một điểm để ghi nhận, rằng tác giả truyện thơ này rất mực kiên nhẫn. Học giả, đương nhiên, giỏi chữ Nôm tới mức sáng tác truyện thơ Nôm, tất nhiên phải là học giả lớn. Đặc biệt là phải dư thì giờ, nghĩa là đầu tư công sức vào truyện thơ này lâu dài. Quan Âm Tế Độ dài 7228 câu (cách đếm khác, có thể gọi là 7226 câu). Trong khi đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du dài 3254 câu thơ, chưa dài tới phân nửa Quan Âm Tế Độ. Và trong khi đó, nguyên tác Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn bằng chữ Hán, dài 483 câu (cách đếm khác, là dài 476 câu thơ). Nghĩa là, rất mực nhiệt tâm với công việc hoằng pháp đạo Phật qua truyện thơ Nôm này.

Truyền bản theo huyền thoại, tích Quan Âm Diệu Thiện có thể thấy ở Cao Ly, ở Ấn Độ, ở Trung Hoa… nhưng đưa vào thơ lục bát với văn phong rất mực Miền Tây Nam Bộ, tác phẩm Quan Âm Tế Độ ghi rành mạch rằng đây là tác phẩm viết cho dân Việt Nam. Có thể rằng trong thời ly loạn sau nội chiến Tây Sơn – Chúa Nguyễn (kéo dài từ 1787–1802), với kiểu trả thù khắc nghiệt của Vua Gia Long, không chắc gì nửa thế kỷ đã thực sự làm cho dân tứ xứ muôn lòng bình an như một. Nơi đây, chúng ta trích ra 10 câu thơ cuối ấn bản Quan Âm Tế Độ:

Cùng trong một điểm linh đài
Hóa ra muôn phép cứu hoài chúng sanh
Khuyên người chớ khá đấu tranh
Trì trai niệm Phật, cảnh thanh đặng về
Thành công chứng quả Bồ-đề
Cửu huyền thât tổ khỏi bề đọa sa
Nay trong cõi nước Nam ta
Phổ môn có đức Phật bà Quan Âm
Niệm ngài thường niệm tại tâm
Dẫn xem sự tích ca ngâm cho tường.

(QÂTĐ, câu 7217-7227)

Nước Nam ta, trong câu 7223, tức là không phải Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, Ấn Độ. Phổ môn, trong câu 7224, là chỉ về một phẩm trong Kinh Pháp Hoa. Nói “cùng trong một điểm linh đài” là nói về Một Tâm, Nhất Tâm, tức là, không hề có chuyện Nhiều Tâm, không hề có chuyện Tâm Ta hay Tâm Người. Quan điểm Một Tâm thường được hiểu là Đại Thừa (Mahayana – còn gọi là Bắc Tông), hiểu theo nghĩa dị biệt với Trưởng Lão Bộ (Theravada – còn gọi là Nam Tông). Nhưng trong tận cùng, Đức Phật cũng nhiều lần tuyên thuyết về Một Tâm trong Tạng Pali và Tạng A Hàm, đặc biệt là trong 2 nhóm Kinh được Đức Phật cho chư tăng dùng như Kinh nhật tụng trong những năm đầu Đức Phật hoằng pháp. Phổ môn cũng chính là Một Tâm, vì là cánh cửa lớn để vô lượng chính sinh nương dựa vào để giải thoát. Tức là, từ một điểm linh đài, hóa ra muôn phép cứu hoài chúng sanh.

Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn còn được gọi là vừa Mật Giáo, vừa Hiển Giáo. Nói Mật Giáo là khi chưa ngộ, nhưng khi ngộ rồi, sẽ thấy là Hiển Giáo. Câu cuối sách là nói rằng sự tích ca ngâm Quan Âm Tế Độ cần “cho tường” — tức là cần làm sáng tỏ. Bởi vì “Niệm ngài thường niệm tại tâm” nghĩa là niệm đức tánh của ngài, niệm công đức của ngài, luôn luôn “niệm tại tâm” chứ không phải là “xưng danh ngài” và cũng không phải là gọi tên ngài. Nói “niệm tại tâm” chính là lặng lẽ, giữ trong tâm hạnh Từ Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, chứ không có nghĩa là “niệm nơi miệng” hay gõ mõ rung chuông đọc tên ngài.

Một số người chất vấn rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là nhân vật không có thật trong lịch sử. Chúng ta có thể trả lời bằng cách chỉ vào ngôi chùa trước mắt, rằng đừng tưởng ngôi chùa đó có thật; rồi chỉ vào mình và vào người đối diện rồi nói rằng, đừng tưởng rằng tôi hay bạn là có thật. Đức Phật dạy rằng tất cả các pháp vô ngã, không thể tìm ra một cái gì có một mảy may để gọi là có thực, và do vậy, cũng không thể chỉ ra một cái gì gọi là phi thực, vì thực tướng là lìa cả Có và Không. Bồ Tát Quán Thế Âm là đức tánh từ bi hiển lộ trong tâm của người đã giác ngộ; phía mặt bên kia của ngài là Bồ Tát Quán Tự Tại là trí tuệ viên mãn hiển lộ trong tâm của người đã giác ngộ.

Truyện thơ này có nhiều câu dạy pháp Tịnh Độ như trong câu thơ thứ 894: “Lạy đưa ngàn lạy, thầy về Tây Thiên.” Tức là có các cõi, như có Tây, có Đông, có Nam, có Bắc. Truyện thơ như thế, hy vọng sẽ độ cho nhiều thành phần của Phật tử Nam bộ. Nhưng trước câu đó khoảng nửa trang, truyện thơ này kể chuyện Đức Phật Nhiên Đăng dạy pháp cho Công Chúa Diệu Thiện:

Hư linh nhứt điểm luyện ròng
Minh tâm kiến tính khỏi vòng trần duyên.

(QÂTĐ, câu 871-872)

Đây lại là ngôn phong Thiền Tông. Đã “hư” tức là không thấy được, không dò được, không dấu tích nơi đâu, nhưng lại “linh” tức là linh hoạt thần diệu. Phải tu cái tâm hư và linh đó. Phải sáng tâm (minh tâm), phải thấy tánh của tâm (kiến tính), mới thoát được bụi trần, lìa được duyên nghiệp. Vậy thì, làm sao minh tâm kiến tính?

Hai bài kệ đầu tiên của Kinh Pháp Cú là về tâm, cho thấy  tất cả các cảnh nơi thế giới ngoại xứ và nội xứ của mình là do tâm mà ra: “Tất cả các pháp là do tâm dẫn đầu, do tâm làm chủ, được tạo ra từ tâm. Nếu với tâm ô nhiễm, một người nói hay hành động, khổ đau sẽ theo người đó như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe. Tất cả các pháp là do tâm dẫn đầu, do tâm làm chủ, được tạo ra từ tâm. Nếu với tâm trong sạch, một người nói hay hành động, hạnh phúc sẽ theo người đó, như bóng không bao giờ rời.

Cho nên, đối với Thiền Tông, là giữ ý chỉ “tất cả các pháp là do tâm tạo ra.” Hay là, còn nói, ngoài tâm không có pháp.

Trong Kinh SN 35.23 (The All Sutta), Đức Phật dạy rằng: “Các tỳ khưu, những gì là tất cả? Mắt và cái được thấy (sắc), tai và cái được nghe (thanh), mũi và cái được ngửi (hương), lưỡi và cái được nếm (vị), thân và cảm thọ xúc giác (xúc), tâm và cái được tư lường (pháp). Đó gọi là tất cả. Các tỳ khưu, nếu có ai nói rằng: ‘Bác bỏ cái tất cả này, tôi sẽ cho thấy cái tất cả khác — đó sẽ chỉ là lời khoe khoang trống rỗng từ phía của y. Nếu bị hỏi tới, y sẽ không thể trả lời, và thêm nữa, y sẽ bực dọc. Vì sao? Các tỳ khưu, bởi vì cái đó sẽ không nằm trong giới vức của y.”

Và tới đây, đối với Thiền Tông, là giữ ý chỉ “vô tâm” hay là, hãy buông bỏ hết mọi tâm, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chỉ là một tâm tỉnh thức với cái Không Biết vô cùng vô tận – nghĩa là, buông bỏ cái tất cả mà Đức Phật nói trong Kinh vừa dẫn. Vì kế tiếp trong kinh vừa dẫn ở Tạng Pali là Kinh SN 35.24 (Pahanaya Sutta: To Be Abandoned), Đức Phật dạy rằng: “Các tỳ khưu, cái gì là Pháp để buông bỏ tất cả? Phải buông bỏ mắt. Phải buông bỏ cái được thấy (sắc). Phải buông bỏ nhãn thức. Phải buông bỏ nhãn xúc. Và bất kỳ cảm thọ nào khởi lên từ nhãn xúc, dù là dễ chịu hay đau đớn, hay không khổ không lạc cũng đều cần phải buông bỏ… Tương tự, phải buông bỏ tai (buông bỏ nhĩ thức, buông bỏ nhĩ xúc…), mũi, lưỡi, thân… Tương tự, phải buông bỏ tâm. Phải buông bỏ cái được tư lường (pháp). Phải buông bỏ ý thức. Phải buông bỏ ý xúc. Và bất kỳ cảm thọ nào khởi lên từ ý thức, dù là dễ chịu hay đau đớn, hay không khổ không lạc cũng đều cần phải buông bỏ… Các tỳ khưu, đây là Pháp để buông bỏ tất cả.” (Dịch đối chiếu từ nhiều bản Anh văn.)

Khi tâm đã buông bỏ hết, thì sẽ nhận ra tâm là hư và linh, rằng tâm không hề ở đâu, tâm không lộ ra vết tích gì, nhưng tâm hiện ra toàn thể thế giới trước mắt, bên tai… Và trong cái tâm không ở đâu, hay còn gọi là cái tâm bao trùm khắp pháp giới, sẽ thấy tánh của tâm chính là tánh vô tự tánh. Chúng ta cũng có thể thắc mắc: tại sao Đức Phật dạy hãy buông bỏ tất cả các pháp? Đơn giản vì, tất cả đều vô thường, đều vô ngã, vì mắt tai mũi lưỡi thân ý và sắc thanh hương vị xúc pháp đều vô thường, đều vô ngã, đều cần được thấy tường tận là thực tướng vô tướng. Và thấy thế, là tâm không trụ vào đâu hết, tâm vô sở trụ, cũng chính là buông bỏ, là đoạn tận thế giới này.

Chúng ta thử đọc lại các câu thơ đã dẫn trên về Phổ môn, tức là cửa lớn thần diệu, bao trùm pháp giới, mà trong Quan Âm Tế Độ gọi là “hóa ra muôn phép cứu hoài chúng sanh.” Lúc đó, mới ngộ ra hạnh Quán Thế Âm, thì bên tai, trước mắt… tất cả đều thanh tịnh. Nhưng, tại sao chư Tổ chọn phẩm Phổ môn làm pháp chính yếu với ngài Bồ Tát Quán Thế Âm là đương cơ? Đơn giản, vì ngộ pháp yếu, nương vào âm thanh là dễ nhất.

Hãy hình dung thế này, để chú giải về Phổ môn. Vị thầy nói với trò: “Bây giờ, đừng nghĩ ngợi gì, hãy chú tâm, chuẩn bị nghe. Thầy sẽ gõ chuông.”

Học trò đáp: “Thưa Thầy, con đang chú tâm, chuẩn bị nghe.”

Thầy nói: “Ngay khi con chú tâm như thế, khi âm thanh chưa phát khởi, nơi đó tâm con đã lìa tham sân si. Đúng không?”

Trò đáp: “Vâng, trong sự chú tâm, con thấy tâm lìa tham sân si.”

Thầy nói: “Đó là cái tỉnh thức với tâm rỗng rang, cái tỉnh thức với cái chưa từng được biết. Con chú ý tiếng chuông sẽ sinh rồi diệt, không từ đâu và cũng không về đâu. Cũng như ngọn nến, hết bấc thì lửa tắt, lửa sinh rồi diệt, không từ đâu và cũng không về đâu. Tất cả pháp đều vô ngã như thế.”

Thầy gõ một tiếng chuông. Rồi nói: “Khi buông bỏ các pháp, tất cả đều vốn rỗng rang, tịch lặng. Và nhận ra như thế, tâm con lúc đó cũng lìa tham sân si. Đó là chú tâm, là tỉnh thức với tâm không biết, với tâm luôn luôn không vương bận gì.”

Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa viết rằng người nào thường niệm Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ được giải trừ ba thứ độc và đáp ứng hai thứ mong cầu của chúng sanh. Nhận ra tánh vô tự tánh của cái nghe và âm thanh, là lìa ba độc tham sân si. Hai thứ mong cầu của chúng sanh là sanh con trai (nơi đây là trí huệ, là tỉnh thức với cái vô ngã, cái luôn luôn mới, cái chưa từng biết), và sanh con gái (nơi đây là lòng từ bi, thương xót khi nhận ra chúng sanh xoay vòng mãi trong khổ đau, mà không biết xoay ngược cái nghe).

Phẩm Phổ Môn cũng viết rằng, bất kỳ ai nhận ra Tự Tánh Quan Âm là sẽ thoát được bảy nạn: đó là nạn lửa, nạn nước, nạn quỷ La-sát, nạn đao gậy, nạn ác quỷ, nạn gông cùm lao tù, và nạn oán tặc. Tất cả đều là cảnh giới của tâm, và sẽ là thế giới hiện tướng tương ưng của tâm. Và khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, cảnh giới tương ưng sẽ hiện ra, như trong 2 bài kệ đầu tiên của Kinh Pháp Cú nói, rằng pháp sẽ bám theo tâm y hệt bóng với hình.

Độc giả muốn tìm đọc sách Quan Âm Tế Độ, xin liên lạc với dịch giả Nguyễn Văn Sâm: samnguyen20002002@yahoo.com . Tác phẩm hiện đã phát hành ở Quận Cam, nhưng chưa thấy bán trên mạng trực tuyến.

GS Nguyễn Văn Sâm và phu nhân là nhà văn Trần Ngọc Ánh bận rộn phát hành sách.

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *