Thọ trì Quy Sơn Cảnh Sách

*Đọc 5 phút*

Phần lớn người xuất gia Việt Nam đều đã học qua Quy Sơn Cảnh Sách. Đây là bài văn cảnh sách được Ngài Quy Sơn Linh Hựu (771-853), vị Tổ khai sáng Tông Quy Ngưỡng đời Đường, vì cảm thương tình trạng giải đãi, thiếu học kém tu của giới xuất gia đương thời mà biên soạn. Từ thời Bắc Tống, Quy Sơn Cảnh Sách cùng với Tứ Thập Nhị ChươngDi Giáo được xem là Phật Tổ Tam Kinh, tức ba kinh của Phật và Tổ. Trong đó, hai kinh kia là “kinh Phật”, còn Quy Sơn Cảnh Sách là “kinh Tổ”! Lại nữa, theo truyền thống, cùng với Tỳ-ni Nhật Dụng, Sa-di, Oai Nghi, Quy Sơn Cảnh Sách được xem là một trong bốn bộ “luật tiểu” mà người sơ tâm xuất gia nào cũng phải học nằm lòng. Vì vậy có thể thấy, Quy Sơn Cảnh Sách chiếm địa vị quan trọng như thế nào trong giáo dục Thiền môn!

Về mặt văn bản, Quy Sơn Cảnh Sách gồm hai phần văn xuôi (trường hàng) và văn vần (kệ tụng). Trước hết là văn xuôi, nội dung có thể chia làm năm mục chính: (1) Chỉ ra họa lớn của sắc thân; (2) Răn dạy về tệ nạn trong Tăng chúng; (3) Nêu rõ mục đích và lý tưởng xuất gia; (4) Khai thị thiền lý giúp ngộ nhập; (5) Kết luận, khuyến tấn và dặn dò. Sau phần văn xuôivăn vần. Đó là bài  minh  gồm ba mươi sáu câu, mỗi câu bốn chữ, văn súc tích, ý cô đọng, tóm tắt ý chính của phần văn xuôi ở trên. Như vậy, về mặt kết cấu, Quy Sơn Cảnh Sách theo hình thức “trước trường hàng, sau trùng tụng” như thường thấy nơi một số kinh điển khác.

Như vậy, Quy Sơn Cảnh Sách chẳng những răn nhắc người tu không quên vô thường, quở trách tệ nạn trong Tăng chúng, ôn lại  lý tưởng xuất gia, mà còn khai thị tinh yếu thiền lý, giúp người tham học có cửa vào. Đặc biệt, Thiền sư Quy Sơn tuy đề cao tông thừa, nhưng vẫn coi trọng giáo lý kinh điển và hành trì giới luật. Như Quy Sơn Cảnh Sách nói:

Trường lớp tỳ-ni
chưa từng tham dự,
liễu nghĩa thượng thừa
làm sao biện biệt?

Đáng tiếc một đời luống qua,
sau hối không kịp.
Giáo lý chưa từng để lòng,
Đạo mầu do đâu khế ngộ?

Vì vậy có thể nói, về mặt Pháp nghĩa, Quy Sơn Cảnh Sách đã cô đọng toàn bộ tinh túy của Phật Pháp!

Ngoài Pháp nghĩa sâu sắc, thiền lý tinh thâm, điển cứ rõ ràng, Quy Sơn Cảnh Sách còn là một tuyệt tác văn chương làm chấn động tâm thức, đem lại nguồn năng lượng lớn cho người đọc tụng. Lời văn cảnh sách lúc mạnh mẽ dứt khoát như chiếc roi dạy con của cha, khi tha thiết ân cần như lời khuyên của mẹ! Mỗi lần đọc văn cảnh sách là mỗi lần người đọc xúc động, thức tỉnh, phấn chấn và phát tâm làm mới lại mình!

Sở dĩ Quy Sơn Cảnh Sách có sức mạnh như vậy một phần là nhờ vào thể văn “biền ngẫu tứ lục”, (trừ vài chỗ ngoại lệ). Đây là thể văn chú trọng sự đối xứng, có nhịp câu bốn chữ và sáu chữ của Hán văn. Vì vậy, khi đọc Quy Sơn Cảnh Sách, chúng ta cảm nhận được âm điệu tuy mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng vẫn hài hòa, tha thiết chạm vào trái tim người đọc!

Vì là một tác phẩm thiền học sâu sắc, chiếm một vị trí quan trọng trong giáo dục Thiền môn và trên văn đàn Phật giáo, nên xưa nay Quy Sơn Cảnh Sách đã được nhiều vị phiên dịch ra thể văn xuôi hay thể thơ để truyền bá. Tuy nhiên, vì bản Hán văn súc tích, chữ ít nghĩa nhiều lại có điển tích, nên khi dịch ra Việt ngữ rất khó giữ được ngữ khí hùng tráng vốn có. Vì vậy, người đọc bản dịch Việt ngữ thường không có được cảm xúc mạnh mẽ và sâu lắng như lúc đọc bản Hán văn Quy Sơn Cảnh Sách. Dịch thành văn đã như vậy, dịch ra thơ lại càng đánh mất nhiều hơn ngữ khí của nguyên tác!

Thầy Sakya Minh-Quang (Tu Viện Thiện Tường)

Theo bút giả, một bản dịch lý tưởng phải súc tích nhưng trong sáng, tuy mạnh mẽ nhưng tha thiết hài hòa, giữ được cái hồn của cảnh sách! Vì vậy, bút giả thử dịch lại Quy Sơn Cảnh Sách, cố gắng bảo lưu ngữ khí tha thiết, hùng tráng của nguyên tác theo nhịp câu tứ lục. Bút giả chỉ bổ túc từ ngữ, hay thay đổi cấu trúc câu khi thật cần thiết. Mục đích của bản dịch là giúp người sơ phát tâm xuất gia dễ dàng ghi nhớ và thích hợp trong việc thọ trì đọc tụng.

Lại nữa, lâu nay người xuất gia chỉ học Quy Sơn Cảnh Sách lúc còn sơ tâm, nhưng sau đó không có thọ trì, đọc tụng. Đây là vì chưa có một nghi thức thọ trì Quy Sơn Cảnh Sách  và cũng ít ai đề xướng việc này. Hệ quả là, người tu càng sống lâu trong Thiền môn lại càng quên đi những lời cảnh sách vô giá của Tổ Quy Sơn mà mình từng nằm lòng!  Xét ra, Quy Sơn Cảnh Sách là tư lương thiết yếu trọn đời mà không phải học xong rồi bỏ qua! Vì muốn bổ cứu lại tình trạng này, cũng như giới thiệu rộng rãi một tuyệt phẩm văn học Phật giáo đến đại chúng, bút giả đã phiên dịch lại và biên soạn Nghi Thức Thọ Trì Quy Sơn Cảnh Sách. Bút giả hy vọng, cùng với Kinh Di Giáo, Quy Sơn Cảnh Sách sẽ trở thành khóa tụng thường xuyên trong Thiền môn Việt Nam! Bút giả mong rằng việc làm mang tính tiên phong này sẽ nhận được sự ủng hộ của chư  Tôn Đức khắp nơi trong và ngoài nước.

Mặc dù bút giả đã làm việc rất cẩn trọng, nhưng bản dịch này chắc chắn không sao tránh khỏi những chỗ sai sót. Kính mong các bận thiện tri thức hoan hỷ góp ý để bản dịch được hoàn thiện hơn trong tương lai.

Nam-mô Lịch Đại Tổ Sư Bồ-tát Ma-ha-tát

Sakya Minh-Quang kính ghi
Viết ngày 26 tháng 02, 2022 tại Tu Viện Thiện Tường.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *