Bài SƯ TOẠI KHANH
Mấy năm dài ở Mỹ nằm nghe mốc cả người, tôi bỗng nhiên muốn sang chơi Trung Quốc một thời gian, một phần cũng để trau dồi vốn liếng chữ Hán còm cõi của mình. Trong những ngày trôi nổi đó, vào chuyến đi Thượng Hải lần đầu, tôi đã có dịp ghé thăm Tô Châu rồi Hàng Châu, quê hương của những hòn giả sơn và vườn cảnh lừng danh thế giới. Trước sau, tôi đã dừng chân ở Hoa Lục chỉ vỏn vẹn một năm nhưng từ đó ra đi, tôi thấy mình không còn là mình ngày nào nữa. Tôi đã chết ở Trung Quốc và tiếp tục sinh tồn bằng một hóa thân mới. Người đã khiến tôi thực hiện cuộc thoát thai hoá cốt đó là một nhà sư tình cờ hạnh hội trên đường phố Hàng Châu.
Hôm đó trong lúc đang đứng chọn lựa một miếng đá để đưa ông chủ tiệm khắc cho một con dấu làm kỷ niệm, một nhà sư tuổi trạc trung niên, ăn vận giống tôi, xem chừng cũng phái Phật Giáo Nam Truyền, đã đến cạnh tôi chào hỏi. Giữa xứ Tàu mênh mông, gặp được một bạn tu đồng môn, tôi mừng lắm. Đợi lấy xong con dấu, chúng tôi cùng đến một ngôi lương đình tương đối yên tịnh để chuyện vãn.
Vị sư kia vốn người Hoa, gia đình sang lập nghiệp ở Singapore đã mấy đời. Có một tuổi trẻ hào hoa và nhiều điều kiện, thời trai trẻ sư đã theo học cùng lúc hai ngành hội họa và âm nhạc với giấc mơ trở thành một nghệ sĩ đa năng. Sau đó dù tốt nghiệp cả hai ngành, nhưng do tổ nghiệp, sư trở thành một tay buôn cổ vật thường qua lại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong lần sang Miến Điện để theo dấu một món cổ ngoạn, sư đã phát tâm xuất gia và rồi được thọ Đại Giới với pháp danh U Sotthiyo. Sư rủ tôi về Thiên Tân, nơi sư đang lưu trú và hi vọng sẽ xây dựng một ngôi chùa Nam Tông với sự giúp đỡ của một số Phật tử người Hoa ở Singapore và Miến Điện. Chỗ ở hiện tại của sư chỉ là một ngôi nhà cũ được nhượng lại với giá rẻ. Chúng tôi còn gặp lại nhau hai ngày sau đó rồi chia tay. Tháng sau, tôi tới Thiên Tân.
Ngôi nhà của sư Sotthiyo nằm ở ngoại ô Thiên Tân. Mái ngói rêu phong với một dãy hành lang ẩm mốc, nhà nằm khuất sau một đám chuối tiêu um tùm. Vừa bước chân vào ngõ, nhìn quanh một lượt, tôi nói với sư là tôi vừa nhớ đến Basho. Căn phòng của sư còn đơn giản nữa. Ngoài chiếc giường con kê sát tường, trong phòng chỉ còn lại một giá sách với mấy cuốn dày cộm, bìa da, vừa sách chữ Tàu vừa sách chữ Miến. Trên cùng, tôi ngó thấy một bức tượng Phật cao chừng một gang tay, bằng đất thó, do chính sư nặn lấy. Bức tượng giản phác mà có thần. Mấy thứ đáng giá nhất trong phòng sư Sotthiyo có lẽ là bộ ấm chén uống trà và cái giá bút bằng gỗ đỏ treo tòn teng vài ngọn bút lông mà tôi đoán là thứ tốt. Nhưng cái tôi thích nhất chính là cái cửa sổ dường như vừa được sửa lại. Khung cửa thấp lắm, đến mức có thể nằm dưới đất vẫn có thể nhìn ra mảnh đất sau nhà, nơi sư treo hờ mấy giò lan xem chừng chỉ là giống rẻ tiền.
Đêm thứ hai sau ngày tôi đến Thiên Tân, trong buổi trà khuya kéo dài tới gần ba giờ sáng vì cả hai không ai buồn ngủ, sư Sotthiyo đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện đời mình và con đường dẫn sư về với đạo Phật. Sư có cách kể chuyện chậm rãi thâm trầm nhưng rất có duyên.
Thế danh của sư Sotthiyo trước khi xuất gia là Triệu Chân. Gia đình Triệu Chân tương đối khá giả, nhưng song thân của cậu không có hạnh phúc. Họ là một cặp chỉ phúc giao hôn do cha mẹ đôi bên đính ước từ lúc họ còn trong bụng. Lấy nhau có một mặt con, họ vẫn không có được tình yêu và mỗi người đều có một mối tình trong quá khứ. Đều là dân trí thức lại con nhà gia giáo, cả hai không xúc phạm đối phương nhưng đều thầm hiểu họ không thuộc về nhau. Triệu Chân lớn lên, hiểu được mọi chuyện, và nhận ra mình đang bị cầm tù trong một gia đình nhiều bi kịch. Chưa vào đại học, cậu đã thường xuyên say khướt ở khắp các trà lầu tửu quán để tìm quên. Đêm kia ở vũ trường, cậu đã quen được một người con gái. Chính cô này đã dẫn dắt cậu tìm đến hội họa và âm nhạc vì cha cô là từng là một mặc khách đa tài, sở trường cùng lúc cả hai lĩnh vực.
Sư Sotthiyo ngừng lại một lát, đoạn đưa mắt nhìn ra song cửa như muốn chìm mất vào bóng đêm:
– Niềm đam mê nào cũng là chất nhựa nuôi sống người ta sư à, sau này học Phật tôi mới hiểu chúng sinh trầm luân là vì chất nhựa đó. Người con gái đó là niềm đam mê đầu đời của tôi và tiếp theo, tôi đã yêu nhạc với họa còn nồng nàn hơn nữa. Cô ấy biết rõ điều đó, dĩ nhiên rất buồn. Cô đã khóc với tôi suốt một đêm dài rồi lặng lẽ ra đi. Phần tôi, sau khi ra trường, vì gia nghiệp, đã làm thương nhân và chỉ trong vài tháng đã không còn nhớ gì đến hội hoạ hay âm nhạc. Trong đầu óc tôi dần dần chỉ còn là những tô chén cổ ngoạn và những tờ giấy bạc. Tôi đã sống như vậy gần hai mươi năm trời. Cho đến một ngày, năm đó tôi đã bốn mươi tám tuổi, có người bạn thân cũng dân buôn cổ vật đã rỉ tai tôi về một bức tượng thỏ ngọc mà anh ta cả quyết là giá trị liên thành. Câu chuyện đã thật sự cuốn hút tôi vì nó kéo theo đó một giai thoại truyền kỳ.
Trong lúc theo ngõ Sơn Hải Quan tràn vào Trung Quốc, quân Mãn Châu đã chia thành tám nhánh để xung kích nhà Minh và mỗi quân đoàn đã chọn lấy một màu cờ làm tiêu biểu. Sử sách Trung Hoa đời sau vẫn gọi họ là Bát Kỳ Quân. Từng người trong số họ, kể cả các tử sĩ, sau đó đều được kể vào hàng khai quốc công thần, con cháu đời đời hưởng lộc công khanh. Và tương truyền, mỗi quân đoàn trong Bát Kỳ Quân được giao trọng trách bảo quản một phần tài sản quốc bảo của nhà Thanh phòng khi có quốc biến. Trọng nhậm đó được tiếp tục truyền thừa qua nhiều đời con cháu của Bát Kỳ Quân. Những gì nhà Thanh muốn cất giấu dĩ nhiên vô cùng quý giá và cực kỳ bí mật, người Hán không sao biết được. Nhưng trong dân gian vẫn kín đáo truyền miệng nhau rằng phần quốc bảo do vị thân vương cánh Huỳnh Kỳ bảo quản là một số lượng vàng ròng rất lớn (phải gần năm trăm cỗ xe song mã mới có thể chở hết), tất cả đều được đúc thành từng khối lớn không có hình thù và để bảo mật, người ta đã nhuộm đen tất cả bằng một thứ dung dịch đặc biệt không phai, có màu như đồng gỉ, để che mắt trộm cướp. Số vàng đó nghe đâu đã được chôn giấu bí mật dưới một thung lũng hầu như không có ngõ vào và nổi tiếng ma thiêng nước độc. Người đời sau tương truyền rằng mật mã địa đồ của kho báu lại nằm trong một bức tượng thỏ ngọc có tính năng kỵ lửa (Tị Hỏa Châu). Nói vậy, chỉ riêng bức tượng thỏ ngọc cũng đủ là một gia tài muôn ức. Và dĩ nhiên mọi chuyện trước sau vẫn chỉ là giai thoại truyền khẩu khó biết thực hư.
Bức tượng thỏ ngọc cũng có một số phận rất đặc biệt và đã lần lượt qua tay nhiều chủ. Không ít người sau trăm phương ngàn cách vẫn không thể khám phá ra địa đồ kho tàng đã nghĩ đến việc đập vỡ nó để tìm kiếm. Nhưng chính giá trị liên thành của bức tượng đã cứu nó. Người ta ngại chuyện thả mồi bắt bóng. Thế rồi chẳng biết vì sao, từ đời Quang Tự, bức tượng thỏ ngọc đột nhiên thất tung, rồi có thời gian lại cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi, thiệt giả khó phân, dần dần người ta không còn ai biết gì về món bảo vật truyền kỳ này nữa.
Câu chuyện ly kỳ đến thế, ấy vậy mà ông bạn của Triệu Chân lại cả quyết rằng đã theo dấu được bức tượng thỏ ngọc và cho biết nó hiện trong tay một thương gia Miến Điện ở Moulmein. Triệu Chân không hề nuôi mộng đi tìm kho báu, ông không tin chuyện đó, nhưng chẵng hiểu sao ông lại tin câu chuyện về con thỏ ngọc tạc bằng Tị Hỏa Châu. Triệu Chân sau đó đã tìm đến người thương gia kia và được nghe kể lại toàn bộ câu chuyện. Thì ra trong thời chiến tranh giữa hai nhà Mao Tưởng, một viên sĩ quan của Tưởng Giới Thạch đã tình cờ phát hiện ra kho báu kia, và vì chỉ là một võ phu lại thêm giữa thời khói lửa, nên ông ta đã vội vã đem bán tất cả cho một tay buôn đồ đồng với giá rẻ mạt. Còn bức tượng thỏ ngọc trên đường trôi nổi, tương truyền đã lọt vào tay một nông phu nghèo khổ và đám trẻ con ông trong lúc nô đùa đã đem ném xuống sông như một món đồ chơi. Dĩ nhiên, không ai có thể biết được đó có phải là bức tượng thật hay không.
Câu chuyện sao nghe như một vở hát tuồng. Cả một kho tàng quốc bảo của nhà Thanh ai ngờ lại bị mất trắng vào tay một anh lính vô danh và đám trẻ con nghèo khổ.
Nghe xong câu chuyện về bức tượng thỏ ngọc và kho vàng nhà Thanh, Triệu Chân bỗng dưng chán ngán chuyện đời, không thiết tha gì nữa. Suốt mấy ngày liền, ông đã lang thang khắp chốn để khuây khỏa và nhân duyên đã xui ông gặp được ngài Kaccano Sayadaw ở Mandalay, tức hoà thượng bổn sư của sư Sotthiyo bây giờ. Là chỗ thầy trò, Triệu Chân đã đem chuyện kho vàng nhà Thanh và bức tượng thỏ ngọc kể lại cho hòa thượng Kaccano. Điều thật thú vị là câu chuyện qua tay ngài đã trở thành những thoại đầu sâu sắc và Triệu Chân đã được điểm hoá lúc nào không hay:
“Mấy ngàn năm trước ở Ấn Độ có một vị hoàng tử cực kỳ thông tuệ. Chuyện gì khó khăn đến mấy, ngài nhìn qua một lần đã hiểu. Ai cũng cho đó là sự minh mẫn. Nhưng đọc kỹ đời ngài, ta sẽ thấy rằng khả năng giải quyết mọi sự của vị hoàng tử ngoài sự thông tuệ hơn người, còn có một yếu tố khác cũng quan trọng tương đương. Đó chính là lòng can đảm. Sự can đảm chấp nhận các giả thuyết. Do luôn bị sống vây hãm giữa quá nhiều điều kiện ràng buộc như thể chất, giáo dục, tình cảm và cả môi trường sống, nên mỗi người chúng ta luôn kín đáo từ chối tất cả những con đường suy tư đi ngược lại những thứ vẫn vây hãm mình.
“Khổ thay, thường khi giải pháp thực sự lại nằm trong chính những con đường đó. Những người từng sở hữu bức tượng thỏ ngọc kia rất có thể đã tìm ra kho vàng nếu họ không bị cái giá trị của bức tượng ám ảnh. Trong lịch sử đã từng có những cái nhút nhát giằng co làm chết cả một dân tộc hay tệ hại hơn, bôi đen cả một trang sử văn minh nhân loại. Trong khi đó, vị hoàng tử Ấn Độ kia chỉ vì muốn thử nghiệm một suy tư của mình, lúc chưa được ba mươi tuổi, ngài đã từ bỏ ngai vàng và trở thành một tu sĩ đói lạnh. Ngài chính là đức Phật Cồ Đàm. Phật giáo truyền thống gọi sự can đảm đó của Ngài là Trạch Pháp Giác Chi, và hành trình phân giải những do dự, tức sự chọn lựa sáng suốt ở những ngã ba tư tưởng chính là Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh.
“Trong lòng mỗi người đều có một vài bức tượng thỏ ngọc. Chỉ vì không thể cam tâm đập vỡ nó, nên cái mà người ta có được chỉ là chừng đó. Và dĩ nhiên, chỉ có trời mới biết những bức tượng thỏ ngọc đó là giả hay thật. Và dù là đồ thật hay giả, trong trí tuệ Phật giáo, những bức tượng thỏ ngọc đó được gọi tên bằng một thuật ngữ là Thân Kiến, một trong những chướng ngại quan trọng bậc nhất mà một người tu hành chắc chắn phải vượt qua để chứng ngộ thánh trí. Trường hợp viên sĩ quan không nhận ra giá trị của mấy khối vàng thật ra cũng tương tự như hoàn cảnh của của những người ôm giữ bức tượng thỏ ngọc. Họ chỉ khác nhau ở điểm duy nhất là một bên bị cái quý giá ám ảnh và một bên bị cái tầm thường ám ảnh. Tâm cảnh nào cũng là cực đoan cả, và cái đó đi ngược lại trí tuệ Trung Đạo cần có ở một người đi tìm cái thật. Câu chuyện về anh cùng tử trong kinh Pháp Hoa của Phật giáo hậu thời và trong cả Thánh kinh của Cơ Đốc giáo, thật ra đều nhắm vào ý tưởng mà ta vừa nói, chỉ tiếc là vì chỉ nhắm vào những mục đích cá nhân nên một số người diễn dịch đã không giữ lại được lý tưởng cần có của nó.
“Con đường giải thoát trong đạo Phật xem ra cũng ly kỳ như một cuộc tìm kiếm kho tàng. Mọi thứ cần được ngắm nhìn cẩn thận và khi cần, người tu phải có cái gan tự chẻ xương mình để tìm thấy chân lý. Bản thân mỗi người là một hào lũy khó vượt qua nhất. Người tu phải có can đảm đập vỡ tất cả bức tượng thỏ ngọc trong lòng mình và một tay chơi cổ ngoạn bậc thầy là người dám coi thường tất cả. Cái quan trọng là được việc. Hai ngàn năm trước, đức Phật đã dạy rằng mọi thứ gặp được trên đường tu đều chỉ là phương tiện giả nhất thời chi dụng, dùng xong việc rồi phải bỏ nó đi, như một chiếc bè cỏ đối với người muốn qua sông…”
Đâu đó có tiếng sương đêm rơi trên những tàu lá chuối. Đêm Thiên Tân mát mẻ yên bình. Rót cho tôi thêm một chén trà vừa mới pha, sư Sotthiyo nheo mắt gật gù:
“Mấy câu nói của ngài Kaccano đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi thấy nếu không bỏ hết để đi tu thì tôi còn vô tri hơn đám trẻ nhà quê đã ném bỏ bức tượng thỏ ngọc kia nữa. Cái gì tôi cũng đã nếm qua cả rồi, và chuyện đời đúng là chỉ có chừng đó. Cứ vậy mà tôi đi tu, sư à. Nhưng chuyện chưa hết đâu. Xuất gia rồi, thú thiệt, tôi vẫn còn chút đam mê đối với một món trong mớ cổ vật đã sưu tầm hồi trước và tự cho là mình có thể giữ lại mà không có tội gì hết. Đó là mấy cây bút lông kết bằng râu chuột nghe đâu từng qua tay Lý Liên Anh. Dù là người tân học, nhưng tôi đã sớm nghiện thư pháp và tự nghĩ bây giờ dù có đi tu thì tôi cũng có thể thỉnh thoảng viết chơi cái gì đó bằng mấy cây bút lông tuyệt vời này chứ. Sau năm năm tu học bên chân thầy, một ngày kia ngài hoà thượng bảo tôi về Thiên Tân theo lời thỉnh nguyện của ai đó với ngài.
“Hôm tôi chuẩn bị ra đi, tình cờ ngài Kaccano nhìn thấy mấy cây bút lông và đã hồn nhiên hỏi tôi:
“Người Hoa vẫn còn dùng loại bút này sao, xem chừng đây cũng là đồ xưa phải không?
“Thưa, người Tàu vẫn cho rằng chữ Tàu phải viết bằng bút lông mới đẹp. Con quen dùng thứ này và cũng thấy quý, mấy cây bút này cũng gần trăm năm rồi, thưa thầy.”
“Ngài mỉm cười gật đầu và khi ra đến cửa phòng tôi, ngài chợt đứng lại, mắt vẫn nhìn ra sân, giọng nói xa xôi:
“Hãy làm chủ nó, đừng để nó làm chủ mình và cây bút dù quý đến mấy cũng không quan trọng bằng những gì mình viết.”
“Tôi đã về Thiên Tân với câu nói đó của ngài hòa thượng như một món hành trang vô giá. Mấy cây bút đó tôi mang theo không vì chúng là cổ vật mà là vì chúng nhắc nhở tôi về câu nói của ngài Kaccano. Bây giờ ngài đã mất rồi, vào giữa mùa an cư năm ngoái. Tôi đã không kịp có một bức ảnh nào chụp chung với ngài. Tôi chỉ còn cái giá bút đó để nhớ thầy. Tôi đã vĩnh viễn chia tay thế giới cổ ngoạn, nhưng cái tôi có được bây giờ còn quý giá hơn thế rất nhiều sư à!”
Ngồi nghe sư Sotthiyo nói tới đó, tôi bất giác ngó lên giá bút của sư rồi chiếc nghiên đá Đoan Khê phủ bụi đang nằm bên cạnh và ngậm ngùi nghĩ đến ngài Kaccano, một người mà tôi chưa từng gặp mặt.
Trung Quốc từ đó đối với tôi trở thành chốn kỷ niệm của một lần tái sinh, nơi có một nhà sư với câu chuyện kho vàng thời Thanh Mạt và sau cùng là một căn nhà nhỏ ở ngoại thành Thiên Tân với cái giá bút vô ngôn mà nói rất nhiều.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.