Xin chào, một cụm mây vừa trôi qua phố

*Đọc 8 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Sáng hôm ấy, một buổi sáng giữa tuần của tháng Hai, mưa lạnh lẫn với mưa đá hiếm hoi đã trút xuống phố Bolsa đây, những đám mây đen vần vũ từ phương bắc, phương tây kéo tới, giăng kín bầu trời cho tới gần 8 giờ sáng mới thưa dần, trả lại từng mảng trời xanh bên cạnh những khối mây còn cuồn cuộn sậm màu đen đe dọa, giữa những luồng nắng bình minh soi chiếu xuống trần gian. Bão mây đen trôi nhanh vào nội địa California, hàng loạt đám mây xám ồ ạt trôi theo, đến cuối cuộc diễn hành trên không trung là những cụm mây trắng bay lác đác, và rồi từng cụm mây trắng cũng biến mất ở cuối chân trời phương đông. Bầu trời xanh biếc trở lại, nắng tỏa khắp như chưa từng có một bóng mây trôi qua.

Buổi sáng hôm ấy tôi lái xe băng qua phố Bolsa, tạm dừng ở ngã tư đông xe dưới bầu trời đang dần thưa mây sau cơn mưa buổi sáng, trên đường đến căn chung cư của anh Minh Tánh. Anh mới mất. Chị gọi báo tin và nhờ tôi đến lấy mấy thùng sách anh để lại, dặn dò trao cho tôi, rồi tôi muốn giải quyết khối sách đó như thế nào thì tùy. Gia tài anh chỉ có bấy nhiêu, ngoài người vợ hiền, bốn người con gồm ba trai và một gái đều đã thành đạt trong xã hội Mỹ.

Anh Minh Tánh, 79 tuổi, không là bạn thân của tôi, cũng không hẳn là bạn sơ giao. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đạo thì anh là bạn thân hơn là bạn sơ. Ba thùng sách anh nhờ chị Diệu Nhật trao lại cho tôi đều là sách, báo, dĩa CD về đạo Phật, không có một cuốn sách nào về đời kể cả sách của chính anh. Tác giả Minh Tánh đã viết ít nhất năm cuốn thơ, hồi ký. Cuốn thứ năm chính là cơ duyên đưa anh đến với tôi.

Khoảng sáu năm trước, anh hồi đáp một rao vặt mà tôi nhờ đạo hữu Vĩnh Hảo đăng giùm trên nguyệt san Chánh Pháp. Trong cuộc mưu sinh không ngừng để nuôi thân, lúc bấy giờ tôi rao nghề đánh máy, trình bày sách với hy vọng kiếm thêm chút ít để bồi đắp những chỗ thiếu hụt. Ngày ấy nghề gõ chữ cho người khác hầu như đã đến ngõ cụt, không thênh thang như ba thập niên trước đó, lúc mà nhiều tác giả phải đưa bản thảo viết tay nhờ người khác đánh máy lại giùm. Tuy ít hy vọng, quảng cáo rao vặt cũng giúp tôi có được hai người khách, cả hai đều là cư sĩ đã xuống tóc. Bác đầu tiên nhờ tôi đánh máy một bài mật ngữ Tây Tạng. Khó nuốt, nhưng rồi cũng xong.

Bác thứ nhì chính là anh Minh Tánh đây. Anh viết hồi ký kể lại bốn lần về thăm Việt Nam từ năm 2010 đến 2016. Cuốn sách tựa Bốn Mùa ghi “mỗi lần về ông đều đi khắp ba miền của đất nước, từ Nam ra Bắc, từ Bắc xuống Trung, rồi lại trở vào Nam. Nét đặc biệt của Bốn Mùa là tác giả ghi lại từng chi tiết về những nơi mà ông đến, vì sao đến, về những con người mà ông đã gặp, vì sao gặp. Ở Bốn Mùa, người ta nhận thấy ông không chỉ gắn bó với quê cha đất tổ, mà còn với huyết tộc, với thân bằng quyến thuộc, và đặc biệt là với đạo Phật. Tâm đạo của ông đã trải dài bàng bạc từ trang đầu đến trang cuối của cuốn hồi ký dài hơn 270 trang.”

Anh Minh Tánh chu toàn, làm việc chăm chỉ và kỹ lưỡng, thường thêm sửa những đoạn đã viết, lại có rất nhiều hình cần được đưa vào sách, nên tôi làm việc với anh gần hai năm mới xong. Cũng may, sách in qua Amazon nên màu sắc và phẩm chất giấy khá tốt, anh rất hài lòng, và tôi cũng có nghề khác để sống, nên không bị đói lúc làm cuốn Bốn Mùa. Cuốn hồi ký đó cũng giúp anh hoàn tất nhiệm vụ đối với ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc tại Việt Nam.

Điều giúp tôi thân hơn với người có pháp danh Quảng Minh Tánh chính là tâm đạo của anh. Người bạn đạo này chào đời tại tỉnh Quảng Bình năm 1943, đậu bằng Cử Nhân Luật Khoa tại Huế năm 1966, tốt nghiệp Cao Học Kinh Tế, du học tại trường Bowling Green, Ohio năm 1975, làm việc tại Bộ Xã Hội tiểu bang Connecticut từ năm 1980 cho đến ngày về hưu năm 2009. Trong thời gian lưu lạc ở xứ người sau năm 1975, có lần anh ghé một ngôi chùa trong vùng Philadelphia, Pennsylvania, được nghe Thầy Thích Tịnh Từ giảng và mộ đạo hơn từ đó, mặc dù khi còn ở quê nhà anh đã từng đi chùa với mẹ nhưng chưa thật sự hiểu đạo. Trong thời gian đi chùa ở Mỹ, anh thường cầu nguyện được đoàn tụ với vợ, và cuối cùng chị Diệu Nhật đã thoát khỏi Việt Nam để cùng anh tạo dựng một mái ấm gia đình tại Connecticut.

Anh gia nhập hàng ngũ huynh trưởng Gia Đình Phật Tử khi đã gần 60 tuổi, được đi hành hương xứ Phật tại Ấn Độ năm 2004 cùng các huynh trưởng, và chuyến đi đó đã khiến anh càng mong mỏi được tu tập, học Phật nhiều hơn trong những năm tháng còn lại của kiếp người. Trong phòng khách nhà tôi, anh từng thuật lại với giọng xúc động khi nói về giây phút có mặt tại Bồ Đề Đạo Tràng Bodh Gaya, nơi Đức Phật Thích Ca đã thành đạo. Anh nói lúc bước vào ngôi đền Bodh Gaya, lòng anh đã chấn động đến muốn khóc. Nhân dịp đó anh đã xuống tóc như muốn thệ nguyện với Đức Phật rằng từ nay anh sẽ là một người con Phật thuần thành. Anh cũng đã vốc một nắm cát sông Hằng mang về Connecticut giữ làm kỷ niệm của một chuyến đi có một không hai trong đời.

Sau ngày về hưu, vợ chồng anh đến cư ngụ tại Little Saigon, Westminster, sống đơn giản trong một căn chung cư gần thương xá Phước Lộc Thọ, với hai con mèo và một con chó nhỏ. Phòng khách tuy nhỏ nhưng cũng có bàn thờ Phật, nơi anh tụng kinh mỗi ngày trước khi lâm bệnh. Anh sống thực sự đơn giản, không hề dùng internet, không có địa chỉ email mặc dù đã sống ở Hoa Kỳ hơn nửa đời người.

Anh cũng không mua xe, thường đi bộ đến chùa hoặc dùng xe bus nếu cần đi xa hơn. Nghe tôi hỏi về chuyện xe hơi, anh nói anh không cần vì muốn tránh những dính mắc liên quan đến xe. Dư tiền thì anh tặng các hội từ thiện, giúp chùa, gởi về Việt Nam cho người nghèo. Vài lần lái xe trên đường Magnolia Street, tôi thấy thấp thoáng bóng anh đi bộ dưới nắng, lưng đeo túi xách. Lòng ái ngại cho anh nhưng biết tính anh rất quả quyết. Anh không hề nói nhưng tôi vẫn biết anh thường ghé những ngôi chùa nhỏ trong vùng. Tôi biết là vì mỗi khi đọc báo, thấy có những buổi lễ hay buổi giảng nào đó ở các chùa nhỏ, nếu nhìn kỹ mấy tấm hình thì thể nào cũng thấy anh có mặt đâu đó ở hàng cuối, mặc áo tràng, tay chắp kính cẩn. Điều rất đặc biệt, đáng quý ở anh Minh Tánh là anh không bao giờ bàn chuyện chính trị, chuyện thế sự. Anh ở ngay trung tâm Little Saigon đây, nơi hầu như lúc nào cũng có dăm ba chuyện khiến cộng đồng Việt mình cãi nhau chí chóe. Có lẽ vì vậy mà tôi trân quý anh, cảm thấy gần anh hơn trong cuộc sống ở cạnh chốn thị phi.

Và đương nhiên anh ăn chay. Có lần tình cờ gặp nhau ở Phước Lộc Thọ, anh chị rủ tôi vào tiệm Bồ Đề, bù khú gần hai tiếng đồng hồ. Một lần kia dừng xe ở ngã tư Bolsa, tôi thấy anh chị băng qua đường từ nhà hàng chay Golden Flower để về chung cư. Anh đi trước, đầu láng bóng, áo sơ mi trắng bỏ trong quần xanh, mặt cúi xuống nghiêm nghị như một tu sĩ đang trì bình, chị đi đằng sau, một tay cầm ví, một tay vịn chiếc nón rộng vành màu trắng, tươi tắn như một cô gái thanh xuân trong bộ áo bông hoa rực rỡ. Bỗng anh quay lại như tìm chị, nhoẻn miệng cười với vợ. Chị cười lại. Trông họ rất hạnh phúc giữa trưa nắng hè hôm đó.

Anh lâm trọng bệnh khoảng nửa năm trước khi dịch Covid hoành hành. Nghe anh mới từ nhà thương về, vợ chồng chúng tôi đến thăm. Hôm đó chúng tôi được biết anh bị bướu ở lưng, cần được giải phẫu và rồi nằm liệt sau khi mổ. Thấy anh yếu nhưng vẫn cố gắng nắm chặt tay khách, tôi nhắc anh nhớ tấm thân này là tứ đại, thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Thế rồi chúng tôi cùng ôn lại một số câu chuyện đạo, những lời Phật dạy.

Trong hơn hai năm dịch bệnh, anh hầu như không rời nhà, gọi thăm tôi đôi ba lần, gặp tôi ở ngoài cổng chung cư với khoảng cách đứng xa đề phòng lây bệnh. Tết tới anh nhắn tôi đến lấy quà. Hôm Mồng Một Tết vừa rồi, anh gọi chúc Tết, giọng khỏe mạnh như mọi lần. Chưa đầy hai tuần sau, chị báo tin anh đã “ra đi thanh thản.” Hỏi ra mới hay anh bị ung thư tuyến tiền liệt. Khi khám bệnh ung thư thì bác sĩ mới biết anh bị bướu ở cột xương sống nên mới mổ gần ba năm trước. Ban đầu anh được xạ trị, xong qua giai đoạn hóa trị. Đến kỳ hóa trị sau Tết, anh từ chối vì không còn chịu nổi sự hành hạ trên thân xác. Anh quyết định nằm nhà và chờ giây phút cuối cùng. Anh ra đi vĩnh viễn hôm 14 tháng Hai, tức ngày tình yêu Valentine. Chị cố gắng lạc quan khi kể với chúng tôi, “Các con anh nói là ‘thương bố quá, bố chọn ngày Valentine để ra đi, nên chúng con không thể quên ngày giỗ của bố cũng là ngày tình yêu.’”

Nghe chúng tôi thăm hỏi về lễ an táng, chị cho biết anh muốn hiến thân cho viện nghiên cứu ung thư tại nhà thương Fountain Valley, nên họ đã đến lấy xác. Anh mong được đóng góp cho xã hội một lần cuối với xác thân không còn hữu dụng, thay vì chôn cất hay hỏa thiêu. Dẫu biết anh là một Phật tử thuần thành, tôi vẫn không ngờ anh đã thực hành pháp buông xả ở cấp bậc đáng quý nhất.

Buổi sáng tôi đến nhận mấy thùng sách, chị chỉ tay hướng về góc phòng thờ Phật và nói, “Cả nhà tụng kinh cho anh mỗi ngày ở đây. Đến 49 ngày và 100 ngày thì sẽ làm lễ ở nhà Hòa Thượng.”

Hỏi thêm, tôi được biết tính anh không thích chốn ồn ào, không thoải mái với lễ cầu siêu ở chùa, rình rang, tốn kém mà không thật sự đưa người đến với đạo, nên anh chọn một vị Hòa Thượng vừa không chùa, vừa ít người biết để làm lễ cho anh.

Đời người như áng mây trôi trên bầu trời vô tận. Mây qua đi không để lại dấu vết. Xin chào anh Minh Tánh một lần cuối. Xin chào một cụm mây vừa trôi qua ở phố thị này.

(Ngày 23 tháng 2, 2022)

Thiền Viện Chân Nguyên tháng Hai, 2013. (hmd)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *