Thầy Linh Quang, người tu sĩ không sờn lòng trước nghịch cảnh

*Đọc 33 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Sáng hôm đó, một buổi sáng trong vùng sa mạc nắng gắt Adelanto nơi nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng cao hơn 90 độ vào một ngày giữa tuần cuối tháng Chín, Thượng Tọa Thích Linh Quang ngồi đối diện tôi trong phòng tiếp khách của ngôi thất dành cho chư tăng trú xứ tại Chân Nguyên Thiền Viện. Tuy đã lớn tuổi, thầy vẫn giữ phong độ của một trang nam tử cao lớn, đi đứng vững chãi, toát ra sự oai nghi và nghiêm nghị của một con người đầy tự tin, cho dù thầy không còn tráng kiện và có cung cách nói năng điềm đạm nhẹ nhàng cố hữu của người con xứ Huế.

Xéo một bên sau lưng thầy là gian phòng thờ Phật với tôn tượng Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm đứng dựa một bên tường; chuông mõ, bồ đoàn nằm ngay ngắn trên tấm thảm màu ấm trông còn mới; không khí tịch tịnh, đơn sơ nhưng có nét gì đó rất linh thiêng trong sự tĩnh lặng nơi gian phòng. Xa hơn nữa, ngoài khung cửa sổ, những tàn cây xanh đang lao xao trong gió nhẹ, những luồng gió nóng đưa những cánh chim đến vui chơi, ẩn náu dưới những lớp mái ngói âm dương của chùa. Giữa vùng sa mạc khô khốc quanh năm mà có cây xanh, luôn có tiếng chim hót líu lo, có những đôi cánh bé nhỏ bay lướt giữa các tượng Phật, Bồ Tát chung quanh chùa là điều kỳ diệu ở ngôi thiền viện này. Và chim muông không là điều kỳ diệu duy nhất ở một thiền viện mà người Việt từ Quận Cam tôi đây thường gọi là “chùa sa mạc.”

Sự việc được ngồi nói chuyện với thầy Linh Quang cũng là một điều kỳ diệu đối với tôi, nói theo khía cạnh tâm linh. Trái đất đang có 7.8 tỷ người, chưa kể hàng vạn vạn tỷ chúng sanh. Vậy mà trong gần hai giờ đồng hồ của buổi sáng hôm đó, chỉ có thầy với tôi ở một chốn không gian tĩnh lặng này. Thế nên nếu bảo là tôi rất hân hạnh được hầu chuyện với thầy Linh Quang vào buổi sáng hôm ấy e là không đủ để bày tỏ hết niềm vui trong tôi, niềm vui của một kẻ tầm đạo tạm dừng chân ở một nơi có bóng mát, như cánh chim tạm trú dưới mái ngói của ngôi chùa, mong được chia sẻ những gì tôi tìm thấy trong cuộc hành trình bằng khả năng viết lách kém cỏi của mình.

Nhìn lại, tôi nhận ra niềm vui này khởi đi từ sáu năm trước, vào cuối tháng Tám của mùa hè năm 2014. Lúc đó Phật Quan Âm Thiền Tự tổ chức lễ Vu Lan. Đây là một ngôi chùa nhỏ ở thành phố Stanton, là nơi mẹ tôi thường đến cúng dường, thăm thầy viện chủ Thích Tâm Thành cùng các sư cô ngay từ ngày bà giúp đóng góp trong việc tạo dựng ngôi chùa. Hôm đó vợ chồng chúng tôi cũng đến dự lễ, và thầy Linh Quang được mời lên ban đạo từ. Khi thầy bắt đầu bài giảng, tôi nghe mấy Phật tử ngồi gần xì xào với nhau, “Ông thầy đó cụt tay.”

Nghe vậy tôi càng chú ý đến thầy hơn, nhận ra hai bàn tay của thầy Linh Quang là mấy cái móc sắt. Chuyện gì đã xảy ra cho vị tăng này? Thầy là nạn nhân trong cuộc chiến Việt Nam? Hay thầy bị tai nạn lúc ở Mỹ? Những thắc mắc đó đã khởi lên trong đầu trong lúc tai tôi theo dõi bài giảng của thầy nói về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, cửu huyền thất tổ. Thầy giảng không cần bài viết sẵn, nghĩ tới đâu nói tới đó mà rất lưu loát, từ cạn tới sâu, từ ý nghĩa báo hiếu của ngày Vu Lan mà thông thường Phật tử nào cũng biết và nên được thể hiện mỗi ngày trong năm chứ không phải chỉ đợi đến ngày lễ, cho đến “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng,” không nên chấp vào mọi hình thức vì tất cả các pháp đều không có thật tướng.

Từ bên trái là thầy Linh Quang, thầy Đăng Pháp, và thầy Hạnh Đắc sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)

Trong mấy ngày sau tôi tìm hiểu thêm qua mấy bài báo cũ, đặc biệt những bài đăng trên tờ nhật trình Việt Báo, thì mới biết thầy Linh Quang từng đến Nepal để xây chùa và bị tai nạn xe cộ, phải đưa về Mỹ để cứu mạng. Hồi đó cộng đồng Phật tử ở Quận Cam có tổ chức gây quỹ giúp đưa thầy từ Nepal về California.

Vì thế mỗi lần lên Chân Nguyên Thiền Viện, thấy bóng dáng của thầy Linh Quang là tôi nghĩ đến việc tiếp xúc với thầy, mong được biết nhiều hơn về nguyên do đưa thầy đến Nepal cũng như vì sao thầy đã về trú xứ tại Chân Nguyên mà không lưu lại miền đất Phật ấy nữa. Một lần kia mang báo Tinh Tấn Magazine đến tặng Hòa Thượng viện chủ Thích Đăng Pháp, tôi thấy thầy Linh Quang đứng ngoài sân nên đến làm quen, được thầy tiếp chuyện với nụ cười niềm nở, và nhân dịp đó tôi gợi ý rằng lúc nào thuận tiện thì xin thầy dành cho Tinh Tấn một cuộc phỏng vấn. Thấy thầy có vẻ e dè về việc nói đến cá nhân mình, tôi cũng ngần ngại, không dám dòm ngó vào cuộc đời riêng tư của thầy dẫu biết rằng vị tăng này có rất nhiều điều cho tôi học hỏi, và kinh nghiệm của thầy không chỉ giúp ích cho riêng tôi mà còn cho nhiều người khác nữa.

Buổi nói chuyện làm quen với thầy Linh Quang hôm đó tuy không cho tôi được biết thêm chi cả, nhưng cũng đã in lại trong tâm tôi một câu nói của thầy. Lúc hai chúng tôi im lặng vài giây, tôi thì ngắm mấy chú chim lượn lướt trên không, đáp xuống rồi bay đi giữa những nhánh cây và mái chùa, thầy thì dõi mắt về hướng tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cách đó chừng một trăm thước. “Mảnh đất Chân Nguyên này linh thiêng lắm,” thầy nói. Tôi cũng nghĩ vậy vì không thể nào hiểu được điều gì khác đã giúp quý thầy có thể dựng lên một thiền viện nguy nga trên một miếng đất giữa vùng sa mạc thế này.

Thế nên tôi vẫn mong có dịp được nói chuyện nhiều hơn với vị tăng đặc biệt này mà loay hoay chưa biết làm sao để trình bày cho thầy biết rõ hơn về ý định của tôi. Thời gian trôi qua cũng hơn một năm. Rồi một chuyện xảy ra khiến tôi không thể chần chừ thêm nữa. Đó là hồi đầu tháng Bảy, nhân dịp lên chùa Chân Nguyên để viết bài về buổi lễ Trai Đàn Chẩn Tế cầu nguyện cho các oan hồn tử sĩ cũng như cho những người đã thiệt mạng vì dịch coronavirus, khi phỏng vấn bác Phổ Nghĩa Võ Thiện Hiếu về buổi lễ thì bỗng nhiên bác nói lạc đề, quay qua chuyện thầy Linh Quang. Ngoại trừ yếu tố “linh thiêng” của Thiền Viện Chân Nguyên, tôi không thấy có lý do nào khác khiến bác Phổ Nghĩa bất ngờ nói qua chuyện khác một hồi lâu trước khi trở lại câu chuyện về Trai Đàn Chẩn Tế.

Bữa hôm đó bác Phổ Nghĩa có kể như sau:

“Thầy cụt tay cũng có một lịch sử rất độc đáo. Lúc xưa khi hai thầy còn ở trong đời, hai thầy đều là sĩ quan hết, thầy cụt tay [Linh Quang] là đại úy pilot của máy bay vận tải cơ 130. Còn thầy trụ trì [Đăng Pháp] là bạn thân với thầy đại úy pilot. Hai thầy hùn lại. Thầy cụt tay đã xây cất chùa Linh Sơn Việt Nam ở Nepal. Mà tội nghiệp thầy lắm. Khi thầy cất ngôi chùa đó thì cũng lấy tiền túi của thầy, xuất tiền túi ra cất cũng gần xong, được 70, 80 phần trăm.

“Đặc biệt thầy cụt tay đó có một tình thương vĩ đại lắm nhe. Thấy xứ Nepal là xứ nghèo, dân không đủ ăn, nên thầy lập thêm cái viện mồ côi nữa. Thầy nuôi cả trăm em mồ côi. Từ viện mồ côi tới chùa Linh Sơn cũng cách mười mấy cây số.

“Bữa đó thầy chạy Honda thì tình cờ một đàn bò thả hoang băng qua đường làm thầy té xuống. Chiếc xe truck chạy tới cán đầu xe Honda, cán hai cánh tay của thầy mà may sao không cán vào đầu thầy. Chắc có lẽ cũng nhờ Phật độ.

“Thầy có một vị đồng tu ở Ấn Độ, thầy gọi người đó là gần nhất, gọi cho hay. Người đó mới đưa thầy tức tốc qua Thái Lan. Bệnh viện Thái Lan cắt một tay trước vì nó lặt lìa rồi, tay còn lại thì họ lấy da bụng lắp lên, giữ lại tay đó. Nhưng khoảng một tuần thì nó thúi, hư.

“Thái Lan đầu hàng thì thầy trụ trì ở đây tức tốc cử một thầy qua bển rước thầy cụt tay về bên đây mà điều trị. Về tới bệnh viện UCI, lúc đó nhà tôi ở kế bên, nên tôi nói thầy đang bị vậy mà nếu thầy mướn một căn nhà hai ngàn mấy [đô] thì cũng tội cho tiền của Phật tử, thành ra gia đình vợ chồng tôi mới đồng ý là thỉnh thầy về nhà tui ở.

“Thầy ở nhà tui, tui chở thầy đi bệnh viện, đi thay băng, đi điều trị cũng gần ba, bốn tháng. Tới khi thầy đã lành, lúc đó hai tay cắt hẳn rồi. Thầy có người bạn cũng cụt tay như vậy, cũng người tu, ở trên San Jose, thầy mới lên trên đó ở với người đó đặng người đó chỉ cách tự săn sóc.

“Khi lên đó rồi học cách tự săn sóc được rồi thì thầy cũng trở về nhà tui ở. Gia đình tui có hai đứa nhỏ cũng ngoan, nó nhường hai phòng cho các thầy ở mà điều trị. Cái tích của cái thầy cụt tay là vậy. Tội lắm.

“Cái mà tôi nhớ hoài là lúc tui thỉnh thầy về để ăn, thì thầy vừa ăn vừa nói. ‘Anh coi tui nè, giờ giống như con chó.’ Vì ăn đâu có tay đâu, phải cúi đầu xuống. Khi nào có tụi này thì tụi này đút cho thầy ăn. Thấy tội lắm. Cái nghị lực của ổng lớn lắm đó. Theo như người ta bình thường thì người ta cũng mất lâu rồi, tức là tự tìm cái chết chứ hổng muốn ai giúp. Lúc đó khổ lắm. Cụt hai tay đau đớn lắm. Bởi vậy tôi rất khâm phục cái ý chí của thầy. Được cái thầy cũng sĩ quan, tui cũng sĩ quan Đà Lạt hồi xưa, thành ra cũng đồng cảnh với nhau, nên tui săn sóc thầy.”

Nghe bác Phổ Nghĩa kể như vậy nên tôi không chần chừ thêm nữa. Mặc dù còn rất bận với công việc kiếm sống, tôi đã cố gắng dành thời giờ đến Chân Nguyên với hy vọng thuyết phục được thầy Linh Quang kể cho tôi, và cho tất cả quý đạo hữu, biết về một phần đời của thầy mà tôi tin sẽ là lực đẩy cho tất cả mọi người bất kể họ đang ở đâu trên hành trình tâm linh của riêng họ. Đến cuối tháng Chín tôi lên Chân Nguyên gặp thầy vào một sáng Chủ Nhật, được thầy đồng ý cho tôi phỏng vấn vài bữa sau.

Vì vậy sáng hôm đó, một buổi sáng tĩnh lặng trong vùng sa mạc Adelanto, Thầy Thích Linh Quang trong bộ áo cà sa vàng đã ngồi trong phòng tiếp khách cạnh gian phòng thờ Phật, ôn tồn kể lại một phần đời của thầy, một phần đời rất độc đáo và đầy tình thương như lời bác Phổ Nghĩa đã mô tả với sự trân quý.

Thầy Thích Linh Quang tại Thiền Viện Chân Nguyên, Adelanto, California ngày 29 tháng 9, 2020. (hmd)

– Bữa nay sắc diện của thầy hồng hào hơn hôm nọ.

Đó là nhờ áo Phật. (Cười) Lúc nào mặc áo Phật thì tự nhiên sắc diện [tốt] nó tỏa ra nhờ thần lực của Phật che chở. (Nghiêm trang hơn) Thật sự thì trong chùa, khi một người cạo đầu thì tự nhiên mặt thấy sáng lên, mà ở ngoài đời cạo đầu thì là chuyện bình thường.

– Thầy khỏe không? Giờ giấc sinh hoạt thầy ra sao?

Thường thì mỗi ngày tôi dậy từ 4 giờ sáng. Tắm rửa, ngồi thiền, thể dục, nghỉ ngơi, rồi đi ăn sáng. Còn bữa nào mệt mỏi thì… tùy theo tình trạng sức khỏe của mình. Trong chùa dậy từ 4 giờ, 4 rưỡi thì trễ lắm, tại vì 5 giờ thì phải công phu rồi. Tụng kinh. Không thể trễ hơn được. Tu là phải vậy.

Tuổi già. Luật vô thường. Theo Đức Phật dạy thì thành-trụ-hoại-không. Bây giờ hoại rồi, sắp trở về với không. Hy vọng là được trở về không. Thành ra tuổi này bắt đầu đau nhức. Trả cái nghiệp.

Mỗi người phải trả cái nghiệp khác nhau. Tôi thì bị cái chưn. Hai cái tay là dĩ nhiên rồi. Giờ tới cái chưn nữa. Rồi từ từ nó hư cái này hư cái kia. Tôi bị thần kinh tọa. Tôi bây giờ không ngồi [kiết/bán già] được nữa. Giờ chưn cẳng yếu lắm rồi. Phải ngồi ghế thế này. Đứng nói chuyện khoảng nửa giờ thì hai chưn nó tê hết. Tới cái tuổi hoại thì nó phải vậy. Năm nay tôi 77 tuổi. Tôi trông khỏe là nhờ tập thể dục, sáng nào cũng tập thể dục. Không có thể dục là con người nó rệu liền. (Cười)

– Cuộc đời thầy trước năm 1975?

Tôi quê ở Huế nhưng sinh sống ở Đà Nẵng. Lớn lên ở Đà Nẵng, ra trường Phan Chu Trinh, trường [Trung học] công lập ở đó. Đến tuổi đi lính, tôi đi lính như tất cả mọi người. Tôi vô Đại Học Quân Sự. Họ tuyển lựa nhiều lắm. Ra sức mà gánh vác mọi chuyện, rồi đi đông đi tây, đi nam đi bắc. Tôi là Không Quân. Pilot. Đông tây nam bắc, tôi đi nhiều nơi. Lúc đó là năm 1968. Tôi lái máy bay vận tải. C-47, C-19, cuối cùng là C-130, loại lớn nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Vui. Cuộc đời đó là một cuộc đời đáng nhớ, mà tôi rất là mê thích về Không Quân. Lúc còn nhỏ, khoảng 15, 16 tuổi, buổi chiều, tôi với người bạn thân đến phi trường Đà Nẵng để coi máy bay nó lên xuống. Hồi đó có ít máy bay lên xuống lắm. Hồi đó thanh bình nên lâu lâu mới có chiếc lên, lâu lâu mới có chiếc xuống, nhưng ấy là niềm vui.

Mình muốn biết máy bay nó làm bằng cái gì, bay ra làm sao. Khi Pháp về nước, máy bay cũ họ để lại xác mang đi đốt. Một trại nhà thầu mua lại xác máy bay, tụi tôi mới lên đó để sờ và thấy có cái bằng vải, cái bằng nhôm, cái bằng sắt. Lúc đó mới khám phá ra: Ồ, máy bay nó đủ thứ. Nhưng mà với cái trí óc non nớt tưởng tượng thì cũng là niềm vui.

– Thầy lái vận tải cơ chở lính, chở quân cụ. Thầy còn nhớ kỷ niệm nào để lại nhiều ấn tượng nhất?

Ô thôi. Đừng nói chuyện chiến tranh nhiều quá. Đó là việc mình phải làm. Trai tráng trẻ thời đó thì làm mà không có nghĩ tới. Đó như là công việc thường ngày. Sáng ra thì vác dù đi, bay vậy thôi, chiều về. Sáng cất cánh từ Sài Gòn, ăn sáng ở Biên Hòa, ăn trưa Đà Nẵng, chiều về Pleiku, trở lại Sài Gòn ban đêm. Hoặc là đi xuống miền Nam, Cần Thơ, rồi ra Phú Quốc, đi về Rạch Giá. Ngày nào cũng đi như vậy. Một tuần được nghỉ một ngày, hai ngày. Hầu như ngày nào cũng đi.

Nhưng mà đó là ước mơ của tôi, được đi mây về gió, thành ra tôi rất là thích cái kỷ niệm đó. [Cái cảm giác ở trên cao lần đầu] rất là lạ lùng và hụt hẫng vì con người bỗng nhiên ở trên cao.

Lúc đầu tập bay không biết gì hết nữa chỉ thấy bay vù vù ào ào, nhất là bắt đầu mở máy tiếng nổ của nó lớn quá. Tiếng động, cảnh lạ chung quanh làm cho mình quên hết tất cả những gì mình học về đời bay bổng. Lúc cất cánh lên rồi thì ngồi chồng chành như trên mây vậy đó.

Lúc mình đi học thì có thầy ngồi sau chỉ dẫn. Từ 35 đến 40 giờ thì học trò phải có khả năng bay một mình. Solo. Mình gọi là đơn phi. Đơn phi là tới 40 giờ học trò. Lúc đó ngó đằng sau không có người thầy nào cả, mình có cảm giác mình cầm vận mệnh của mình. Lúc đó lái T28, máy bay huấn luyện.

Tôi qua Mỹ từ năm 66 đến cuối năm 67 mới về. Tôi được huấn luyện ở nhiều chỗ lắm, Randolph [Air Force Base, Texas], Keesler [Mississippi], rồi McGuire [New Jersey], nhiều lắm.

Họ tuyển chọn ở Việt Nam. Hồi đó tuyển chọn gắt gao lắm. Một người phải tranh từ 80 đến 100 người để được chọn. Tỷ lệ từ 80 đến 100 người lấy một người. Họ tuyển chọn theo tiêu chuẩn mắt, sức khỏe, chiều cao, cân nặng, phổi, đủ thứ hết. Hồi đó chỉ cần cao 1 thước 6 thôi. Tôi cũng đủ chiều cao. Phải cao như vậy vì máy bay nó chế cho người Mỹ xài. Chưn nó dài, khoảng cách nó lớn, vậy đó. Mình phải theo. May là tôi có chiều cao vậy cũng được. Tôi từ Mỹ về Sài Gòn độ một, hai tháng thì Tết Mậu Thân. Tôi cắm trại từ đó đến 75.

Như mọi người, tới tuổi đó ai cũng phải đi lính. Tôi thì thích Không Quân nên tôi tình nguyện vào Không Quân. Thành ra cuộc đời tôi là một chuỗi dài thích thú. Đi lính nhưng mà vui. Làm đủ thứ chuyện, tải quân, chở hàng, tải thương, đủ thứ. Thích nhất là sáng đi trên mây tới một thành phố xa lạ khác chỗ mình ở, chiều lại trở về… Đi mây về gió. Sáng thì có thể ở dưới biển, trưa hay chiều có thể bay lên trên núi, Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, hoặc là ra Huế. Xa nhứt là Huế, Đà Nẵng rồi vòng mũi ra Nha Trang.

–  Lúc biến cố tháng Tư 1975 xảy ra thì thầy ở đâu?

Gia đình tôi ở Sài Gòn. Lúc đó trại ở Sài Gòn, tôi ở Tân Sơn Nhất. Tôi bay qua Thái Lan rồi đi Mỹ. Lúc đó là buổi sáng. Sếp từ trên nói, ‘Bộ Tư Lệnh nói xong rồi. Bộ Tư Lệnh cho các anh tan hàng.’ Vậy là Bộ Tư Lệnh không còn nữa. Hôm đó là 29 tháng Tư. Tôi đi một mình. Gia đình đi trước rồi.

Qua Mỹ được khoảng 10 năm thì tôi xuất gia. Sau khi gia đình ly tán, tôi nghĩ cuộc đời mình bây giờ cũng già rồi. Chuyện lập lại [gia đình] thì chỉ là một cuộc sống bình thường. Tôi nghĩ, thôi xuất gia cho khỏe cho rồi.

Trước đó tôi có nghĩ tới chuyện đi tu. Tôi có tham gia Phật pháp rồi, xây chùa ở Michigan. Tôi ở cùng chỗ với thầy Đăng Pháp. Anh em tụ họp lại. Qua đây khoảng 1980 bắt đầu có ý là xây chùa, tụ họp nhau lại mua cái nhà thờ nhỏ rồi cùng nhau tụng kinh, kinh kệ. Sau đó thầy Thích Huyền Vi [từ bên Pháp] qua hướng dẫn. Thầy Thích Trí Siêu là một trong các đệ tử lớn của thầy Huyền Vi. Thầy Trí Siêu là một người rất giỏi của giáo phái Linh Sơn. Thầy ấy tu theo hạnh đầu đà là đi khắp nơi, không trụ một nơi nào hết.

– Do duyên nào mà thầy cùng thầy Đăng Pháp xây chùa ở Michigan?

Cái duyên của tôi với thầy Đăng Pháp là tỵ nạn. Chúng tôi gặp nhau lúc tỵ nạn rồi cùng nhau xây dựng chùa. Gặp nhau ở tinh thần đạo pháp.  Hồi đó tôi được Hòa Thượng Huyền Vi quy y rồi vào phái Linh Sơn. Chúng tôi đặt tên chùa ở Michigan là Linh Sơn, hồi đó là của phái Linh Sơn. Bây giờ chùa vẫn còn. Năm 1990 tôi nhận lãnh trách nhiệm xây chùa mới cho chùa Linh sơn. Tôi hoàn thành cái chùa đó. Cũng tốt. Cũng đẹp. Cũng còn cho tới bây giờ. Các Phật tử vẫn sinh hoạt ở đó. Cũng 40 chục năm rồi.

– Duyên gì đưa thầy đến xứ Nepal?

Tôi qua Pháp xuất gia với Hòa Thượng Huyền Vi. Hồi đó Hòa Thượng nói có miếng đất ở bên Lâm Tỳ Ni. Thầy Huyền Vi muốn Tứ Động Tâm mỗi nơi phải có một cái chùa của Linh Sơn. Tới nay thì thầy thực hiện được ba cái. Thứ nhất là ở Bồ Đề Đạo Tràng, thứ nhì là Câu Thi Na, thứ ba là Lâm Tỳ Ni. Tôi đảm nhiệm xây cái chùa ở Lâm Tỳ Ni đó.

(Tứ Động Tâm là bốn thánh tích liên quan đến những sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có thể làm rung động tâm thức của người hành hương. Lumbini hay Lâm Tỳ Ni nay thuộc nước Nepal nằm gần biên giới Ấn Độ, là nơi Thái Tử Tất Đạt Đa đản sanh. Bodh Gaya hay Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở tỉnh Bihar, đông bắc Ấn Độ, là nơi Thái Tử Tất Đạt Đa thành đạo. Sarnath, hay Lộc Uyển hoặc Vườn Nai thuộc tỉnh Uttar Pradesh, là nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên sau khi ngài thành đạo. Kushinagar, hay Câu Thi Na cũng nằm trong tỉnh Uttar Pradesh, là nơi đức Phật nhập diệt.)

Thầy Linh Quang tại Lumbini, Nepal, 29 tháng 5, 2006

Anh có đi Tứ Động Tâm chưa? Sau vụ dịch Covid này thì nên đi đi chứ. Du hành trong tư tưởng không thì không được đâu, phải tới đó để cảm nghiệm, cảm nhận được những điều kỳ diệu xảy ra trong cảm giác. Có người thì khóc nức nở khi tới chỗ Phật nhập diệt, có người khóc nức nở ở chỗ Phật đản sinh, có người khóc nức nở ở nơi Phật thành đạo, hoặc là nơi lần đầu tiên Phật giáo hóa chúng sanh ở Vườn Nai, Lộc Uyển. Thành ra tự anh tới đó mới cảm nhận cái từ trường của Đức Phật mỗi nơi mỗi khác. Có người không cảm nhận được gì hết.

Thầy Linh Quang ngưng vài giây để hồi tưởng. Bên ngoài cửa sổ sau lưng thầy, tôi vẫn thấy những bóng chim bay lượn, vẫn nghe tiếng kêu ríu rít của chúng như trong suốt thời gian tôi nghe thầy kể chuyện. Rồi thầy nói tiếp.

Tới trước chỗ Kushinagar nơi đức Phật nhập diệt, vừa bước tới cửa thì tôi cảm nhận một luồng điện từ trên đầu chạy xuống rần rần tỏa ra hết cả người. Tôi đã cảm thấy ngây ngất trong đạo Phật. I don’t know. Và cái cảm giác đó đến với tôi mỗi lần tôi bước vào, cái cảm giác có một luồng điện từ trên phóng xuống dưới. Rất là hay. Cái cảm nhận đó, tôi nghĩ là ân huệ đó thì chỉ có người nào tới nơi mới có, có duyên với Phật pháp mới được cái ân huệ đó. Cái cảm xúc đó không nói được, như một luồng điện từ trên đầu chạy xuống.

Thầy lại ngưng nói, trở về với ngày tháng ở ngôi chùa Linh Sơn tại Michigan, nơi thầy cũng từng có một kinh nghiệm tâm linh tương tự mỗi khi tụng câu đầu tiên trong bốn câu của bài Khai Kinh Kệ do Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên để lại cho thế gian.

Khi còn là Phật tử ở cái chùa đó, có một khoảng thời gian mỗi lần tôi tụng câu “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp…” thì có một luồng điện chạy từ trên đầu xuống tỏa khắp thân. Mỗi Chủ Nhật lên chùa tụng kinh, tôi đều có cái cảm giác đó, hơn một năm sau mới hết. Chùa Linh Sơn, Michigan. Lúc đó chưa xuất gia, chưa đến Tứ Động Tâm. Cái cảm giác đó không có lời tả lại được. Nhưng tôi cảm thấy có một luồng điện từ đâu nó phóng xuống, nó tỏa ra hết, từ đầu xuống đến chưn luôn, tỏa ra hết ở châu thân như vậy đó. Bắt đầu từ câu “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” mà hơn một năm sau tôi vẫn cảm nhận được. Rồi từ từ nó mất. Tôi thấy cái cảm giác rần rần, suốt một năm như vậy, mỗi lần tụng câu đó là có cảm giác như vậy. Tôi nghĩ âu cũng là cái điều gì đó, thành ra tôi đi tu luôn.

Nói đến đây thì thầy cười nhẹ, nét mặt rạng rỡ với vẻ hài lòng.

Trong đời của tôi có hai quyết định mà tôi thấy đúng đắn nhất, một là tôi vào Không Quân, thứ nhì là tôi đi tu. Đó là hai quyết định đúng nhất trong cuộc đời của tôi.

Ngày 6 tháng 3, 2005

Mười một năm xây chùa Linh Sơn

Thầy Linh Quang trở lại với câu chuyện xây chùa ở Nepal, nơi mà Hòa Thượng Thích Huyền Vi được cúng dường một miếng đất để xây chùa. Ni Sư Thích Nữ Trí Thuận, một đệ tử khác của thầy Huyền Vi, đã đến dựng hàng rào chung quanh miếng đất trước khi thầy Linh Quang đến vào năm 1995.

Xuất gia với thầy Huyền Vi, xong tôi qua Nepal xây dựng chùa Linh Sơn ở Lâm Tỳ Ni. Nepal gần Ấn Độ giống như Việt Nam với Cao Miên. Tôi tự xây lấy vì không ai muốn làm hết. Tôi tình nguyện đến Nepal, không có ý niệm gì về Nepal, không có ý niệm về Tứ Động Tâm. Có thể có những người đã đi rồi, biết rồi, nó cực, nó khổ, nó đủ thứ, thành ra… đó là chưa có duyên, không ai chịu đi hết. Tôi qua đó một mình.

Cô Trí Thuận đã xây ở đó cái hàng rào, chu vi của chùa, cao khoảng nửa thước. Cô nói chùa ở chỗ đó đó, qua đó mà tìm. Đến nơi tôi phải nhờ người chở đi tìm, rồi tìm ra chỗ. Miếng đất không có gì hết trơn, không có nhà không có gì hết. Miếng đất rộng một hecta, 120 thước nhân 120 thước. Lúc đó tôi không có ý định nào quay lui hết. Cũng có nhiều thử thách lắm, nhưng tôi vững niềm tin ở Phật pháp. Tôi biết đó là thử thách. Từ lúc xây đến lúc gần hoàn thành, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ chùa hết, không biết tại sao, cực khổ lắm. Có một mình tôi, ban đêm phải ngủ nhờ chùa Đại Hàn ở kế bên, rồi khi xây được một chỗ tạm tôi mới về ở trong đó.

Miếng đất có trăn với rắn, nhiều lắm nhưng tôi không thấy sợ gì hết, không biết tại sao. Rắn rất là nhiều, nhất là vào mùa mưa. Mùa hè nó đẻ trứng, mua thu nó nở con, mùa đông mưa, mưa thì cóc nhái nó sinh ra, thành ra rắn con nở ra thì ăn cóc nhái. Buổi chiều ở chùa không có làm gì thì đùa với rắn chơi. Có một mình tôi à. Mấy con rắn con nó có một khúc như vầy (dài cỡ chiếc đũa), mình rượt nó chạy lăng quăng chơi. Mình dậm chưn cho nó chạy cho vui (cười lớn). Có một mình tôi. Để coi, mười một năm, có mình tôi à.

Mười một năm thì tôi xây gần xong hết rồi. Dự trù năm 2007 khánh thành thì cuối năm 2006 tôi bị nạn (cười nhẹ). Lúc đó chùa đã có chánh điện, có hết, xong xuôi hết rồi. Phật thì chưa đem về thôi.

Đất đó là đất của người Hồi Giáo, thành ra người Hồi Giáo, người âm đó, họ không thích mình tới đó hay làm sao đó, những ma quỷ họ phá.

Ví dụ như tôi ngủ, cửa nẻo mới xây nhà được để tạm ở đó, cửa sắt, ông làm cửa đo trật, hai cái không có cửa, tôi mới lấy ván che lại, mà trong này tôi chèn ép xong rồi tôi đứng ngoài tôi dọng vô nó không nhúc nhích, nó chắc rồi! Nhưng một vài ngày sau ông thợ chưa đem cửa tới kịp thì trong một đêm 30 đó trời tối đen như mực, tôi đang ngủ, tự nhiên sao mà gió nó thổi ào ào vô trong phòng, lạnh quá. Tôi thức dậy, nói, ủa, gió đâu mà vô trong phòng dữ vậy, tôi lấy cái đèn pin ra soi, cái cửa tôi tấn hồi chiều [mà tôi nhảy vô nó không có sứt đó] bây giờ mở toang hoang ra rồi. Gió không thể nào mạnh bằng cái sức nặng mà tôi chặn ở cánh cửa, vậy mà… Lúc đó tôi cũng sợ, biết sao không, tôi định thần, thôi kệ, chắc có một động lực thử thách nào đó thử coi mình có xách dép bỏ chạy không.

Tôi thầm nghĩ vậy rồi tôi niệm Phật. Phải nhờ tha lực thôi mới sống được. Tôi niệm Phật. Rồi tôi đóng cửa lại. Tôi niệm, cầu Phật che chở cho con. Rồi đi ngủ. Tôi biết không làm gì được với những người vô hình đó.

Sau cơn mưa đá 1 kí lô, ngày 14 tháng 5, 2009

Có những đêm trời mưa, mình tôi với hai người gác dan ở phía ngoài thôi, cả cái chùa mênh mông như vậy mà có mình tôi nằm chèo queo ở trong phòng đó, nghe tiếng cưa trên nóc nhà. Tiếng cưa sắt, mái nhà là mái tôn, mà cưa sắt thì nó âm vang dữ lắm. Rọt, rọt, rọt. Chết rồi, ăn trộm. Rồi tôi nghĩ, ủa ăn trộm thì ở dưới đất, nó leo lên đầu cưa ồn vậy thì làm sao mà trộm được. Tôi biết chắc có cái gì đó. Tôi nằm tôi khấn, tôi nói giờ con qua đây để xây chùa, chuyện gì các ngài muốn thử thách thì làm gì thì làm, phần con thì con đi ngủ thôi, sáng mai con có việc con làm tiếp. Khấn xong tôi đi ngủ. Ba đêm như vậy, tôi không sợ nữa.

Rồi có những đêm mưa gió bão bùng, tôi nghe văng vẵng như có tiếng người. Ồ bên đó chó sói nhiều lắm, mà mỗi lần chó sói nó tru nghe giống như hồn ma khóc. Lúc đầu mới qua tôi hỏi mấy người thợ, tại sao ban đêm có người nào khóc, đi từ chỗ này qua chỗ khác. Họ nói ở đây đâu có ai khóc đâu. Sau này tôi mới nghĩ là chó sói, chó sói nó tru, tiếng tru gọi đàn, chó sói tru trăng, tru ma. Nó tru “hú hú” như tiếng khóc than vậy đó. Sau rồi cũng quen.

Có những đêm mưa gió bão bùng nghe những tiếng ào ào, tôi nằm lắng nghe, rồi tôi nghe đó là tiếng tụng kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn, Chú Đại Bi. Tôi nói, ủa, sao nghe giống tiếng Chú Đại Bi. Cuối cùng tôi định thần lại thì nghe đó đúng là tiếng Chú Đại Bi, tôi nằm tôi tụng theo luôn. Cái tiếng đó, không biết do tưởng tượng hay do mưa gió, mấy đêm như vậy, tôi tụng theo trong mưa gió như vậy rồi tôi ngủ tiếp. Tôi cũng chẳng sợ nữa, tại vì tôi nghĩ, thôi, chết thì thôi chứ bây giờ làm sao giờ, có một mình mình,

Thầy tìm đâu ra nguồn tài trợ cho việc xây chùa?

Chung quanh tôi có rất nhiều chùa. Có những hội lớn tài trợ thành ra có những cái chùa được xây rất là lớn, quy mô, như chùa Tàu, chùa Tây Tạng, chùa Đại Hàn. Họ được tài trợ, tôi thì không có ai hết. Họ có một cái quỹ, xây tới đâu thì rút tiền từ cái quỹ đó, còn tôi muốn xây thì đi xin. [Làm] một vòng đi xin Phật tử Việt Nam xong rồi về mới có tiền xây chùa.

Tôi phải đi tất cả các nơi trên thế giới, xin các chùa, các Phật tử. Cuộc đời đó rất là đau khổ, nhưng dạy cho tôi rất nhiều điều, tôi trưởng thành từ lúc đó. Đến chùa, muốn nói chuyện quyên tiền với Phật tử thì phải hỏi thăm thầy trụ trì, thầy có cho phép thì mới được tới. Thành ra lúc đó tôi cũng muốn bỏ cuộc vì khó khăn quá. Nhiều đêm tôi ngồi suy nghĩ lại, đi quyên tiền nhiều lúc là sự thử thách trong việc xây chùa này, để cảm nhận ngày xưa Đức Phật như thế nào, khất thực như thế nào.

Tôi biết muốn có tiền thì phải đi xin hằng năm. Làm việc tay chân thì ra tiền. Nhưng mà ông thầy tu thì việc của ông là làm việc về trí óc, về tinh thần. Một người đau khổ đến nhờ ông thầy tu, mà nếu thầy không tu tập thì làm sao hướng dẫn được. Chính đó là tu học rồi. Làm việc tay chân hay buôn bán là để trao đổi. Tu đây cũng là trao đổi nhưng không phải là vật chất. Một khi anh đau khổ đến gặp ông thầy, được thầy hóa giải cái đau khổ đó, như vậy thì vị thầy đó làm tròn bổn phận, sứ mệnh rồi, chưa kể giúp họ tu hành để sau này cuộc đời họ được nhiều phúc đức, sung sướng hơn. Chưa nói đến Phật pháp, chỉ nói tinh thần và vật chất thôi.

Người đời không để ý, không hiểu. Họ nghĩ là ông thầy chùa chỉ ăn rồi tụng kinh. Nhưng không tụng kinh thì lấy phước đâu mà lo cho Phật tử. Mà Đức Phật có dạy rồi, Phật tử phải lo phần vật chất, Sư thì lo phần tinh thần, trao đổi qua lại. Nói chuyện quyên góp của tôi thì có rất nhiều cay đắng, nhưng rồi đó là những bài học thôi.

Mở phòng phát thuốc

Nhận thuốc, 25 tháng 4, 2004

Lâm Tỳ Ni là một cái làng nghèo lắm. Họ ăn ngày có hai bữa, rất là giản dị. Món cà ri có thể nói là món chính, [nấu bằng] tất cả rau cải họ có thể mua được hoặc hái được trong vườn, bỏ thêm bột cà ri vào. Họ nghèo lắm, không giúp gì mình được. Trong mười mấy năm ở đó thì tôi được cúng dường bởi vài ba người. Lần đầu thì hình như là ba trăm rubi, là bốn, năm đô gì đó. Phật tử Nepal cúng dường trong mấy năm đó là chừng năm đô la. Mười mấy năm.

Xây được nửa chừng tôi cảm thấy dân ở đây nghèo quá. Những cái chùa nguy nga thì mỗi năm có mùa du lịch. Mùa hè rất là nóng, mùa đông rất là lạnh. Mùa [du lịch] duy nhất là tháng 11 và tháng 12, chỉ có hai tháng đó thôi, sau đó là mùa đông, lạnh rất là lạnh, rồi tới mùa xuân, đi rất là nhanh vào mùa hè. Người hành hương về đây một năm có hai tháng đó thôi. Quanh năm như vậy thì chùa hứng bụi.

Thấy vậy nên tôi mới lạy Phật, con thấy ở đây chùa của Phật rất là nhiều mà chỉ để hứng bụi thời gian thôi chứ không giúp ích gì cho người dân. Ở đây họ theo Ấn Độ giáo nhiều, có Phật giáo nhưng rất ít, như vậy thì xây thêm một cái chùa nữa cũng chỉ là để hứng bụi thôi chứ đâu có làm gì được. Dân thì nghèo quá. Thôi vậy thì con xin Ngài mỗi lần đi quyên góp thì con chia làm hai phần, một phần để con xây chùa, một phần để con giúp đỡ người dân ở đây.

Một bệnh nhân bị bứu cổ, 2 tháng 12, 2005

Tôi phát thuốc kể từ năm thứ ba xây chùa. Tại vì những người thợ của tôi đâu có tiền mua thuốc. Họ bị thương họ để vậy, hôm sau tôi thấy có cái gì đen chảy từ vết thương xuống dưới. Tôi hỏi cái này là cái gì vậy, sao nó đen vậy, thì họ mới nói – tôi không ngờ được – người cai của tôi dịch lại, cái đen này là dầu nhớt xe mà họ thải ra, người thợ lấy nó bôi lên vết thương vì đâu có tiền mua thuốc. Bôi như vậy thì ruồi mới không bu vào. Bên đó ruồi nhiều lắm vì ở dơ. Hai, ba lần như vậy tôi thấy tội nghiệp, tôi nghĩ phải mở phòng phát thuốc cho họ, rồi từ đó mới từ từ mở ra. Các Phật tử cũng cho tiền. Thật sự mình làm việc thiện thì chư Phật chư Bồ Tát cũng ủng hộ cho.

Từ đó tôi có phòng phát thuốc. Tôi mướn bác sĩ, mướn y tá phát thuốc. Lúc đầu mở ba ngày mỗi tuần, sau mở sáu ngày, một ngày nghỉ. Một ngày như vậy nhận khoảng 30 bệnh nhân, khám bệnh cho thuốc. Buổi sáng rộn ràng lắm, nhưng từ lúc có phần phát thuốc thì tôi cũng đau ốm rất nhiều. Tại vì những người đến xin thuốc là người bệnh, mà tôi ra phát thẻ, rồi họ la làng “đây, đây” tôi vô tình hít phải vi trùng đó. Nhưng may là xứ đó là xứ nghèo, nên vi trùng của họ cũng chỉ là cảm cúm nhức đầu vậy thôi, chứ không có những gì quỷ quái như ở bên này. Thành ra vài ba tháng tôi bị bệnh một trận, tại vì họ bệnh, mình bệnh (cười ha hả), rất là vui. Sau này tôi già rồi, tôi mới nói thôi để cho y tá họ ra làm việc. Tôi còn lo coi việc phát thuốc, coi thợ xây chùa nữa.

Mở viện mồ côi

Rồi năm 2005 tôi bắt đầu nhận trẻ mồ côi. Hồi đó là mùa Phật đản tôi nhận hai mươi mấy đứa trẻ mồ côi. Lúc đầu nuôi trong chùa, sau mua đất phía ngoài. Trước khi đến Lâm Tỳ Ni khoảng 5 cây số bên tay phải có cái tòa nhà hai tầng, bây giờ chắc họ xây nhiều rồi, thì đó là Cô Nhi Viện Linh Sơn, rồi kế cô nhi viện tôi xây trường học. Bên kia tôi xây bốn lớp tôi cho ông thầy đó, bên này tám lớp. Trường học thì nhắm về con gái chứ không phải con trai. Bên đó họ còn trọng nam khinh nữ lắm, thành ra con gái bị thiệt thòi. Trong nhà có cái áo thì cho con trai chứ không cho con gái. Thành ra được đi học là con trai chứ không phải con gái, mà đi học xa nữa. Thành ra tôi nói mình mở cái trường ở gần đây, tiền học mình lấy rẻ thôi, đủ tiền trả cho giáo sư thôi, thì con gái có cơ hội. Mà đúng thật. Con gái đi học nhiều lắm. Đến sau này có tiền nữa thì cho con gái học không lấy tiền, con trai thì [lấy tiền] tăng lên để lấy tiền [chi] trả cho con gái (thầy cười). Từ từ nghề dạy nghề. Thành ra sau này nhiều con gái có cơ hội học hơn.

Tại vì mình sinh ra do mẹ chứ không do cha. Ai cũng có mẹ hết (cười), rồi mình lớn lên do mẹ chứ không do cha. Người mẹ mà có học thì dạy con một cách khác, người mẹ không có học dạy con một cách khác. Sau này người mẹ cầm miếng giấy lên thì biết miếng giấy nói cái gì, cầm một cái toa thuốc biết thuốc cho bệnh gì và uống như thế nào. Còn một người mẹ mà mù chữ thì sống cuộc đời tăm tối thì làm sao mà đối phó.

Ngày 7 tháng 3, 2006

Xây trường được một năm, xong xuôi hết thì tôi bị nạn. Bây giờ trường đó vẫn còn. Còn phòng thuốc thì dẹp vì tôi bị nạn, không có ai tài trợ. Chùa thì để đó, sau có người đến lo. Thôi thì cái nghiệp mình trả tới đó đủ rồi.

Thầy bị nạn như thế nào?

Tôi đang chạy xe đi mua vật liệu xây chùa thì bị xe ngược chiều tông. Tôi đi xe máy. Chiếc xe jeep chạy ngược chiều tông tôi gãy tay. Bên đó họ chạy ẩu, có tông thì ráng chịu, nó là người lái xe mướn thì tiền đâu mà bồi thường. Lúc đó 9 giờ sáng. (Thầy ngưng nói một lúc khá lâu). Thành ra thôi huề tiền. Sau này tôi nghĩ có sự sắp xếp nào đó rồi. Đạo Phật mầu nhiệm lắm. Những người không tin thì không biết, những kinh sách đọc thấy hoang mang, nhưng hiểu rằng đó là kinh của chư Phật, chư Tổ, thành ra điều đó đúng, trí mình chưa tới. Tôi biết có sự sắp đặt. Tôi bị nạn, xong rồi tôi về đây (California) để chăm sóc sức khỏe, rồi từ từ bỏ luôn bên đó.

Hôm bị nạn tôi được đưa qua Thái Lan. Thầy Đăng Pháp có qua Thái Lan, đem tiền qua đóng. Tôi nằm mê man. Tôi nghe nói rằng là họ cứu được tôi nhưng hai cái tay không cứu được, phải cắt hai cái tay. Tôi nghe, tôi nằm mê man nhưng tôi nói “No, no, no.” Họ giúp tôi để lại một cánh tay, thì cánh tay trái giữ lại nhưng không làm gì được, tại vì lúc cà xuống mặt đường, những da thịt gân gì đứt hết, những cái gân kết nối của tay đứt hết rồi thì làm sao mà cứu được.

Cánh tay phải họ cắt ra khỏi khủy tay một chút, tay trái thì còn, nhưng mà về tới đây nó bị hoại tử, chảy nước ra vì không có mạch máu chảy xuống nuôi nó, chết từ từ nên phải cắt.

Ai chăm sóc Chùa Linh Sơn sau khi thầy đi?

Người kế tiếp, rồi người kế tiếp, rồi người kế tiếp khác, xong chết bên đó. Người chết bên đó tôi nghĩ bị đầu độc. Tôi nghĩ vậy thôi. Xong cô Trí Thuận mới đến tạm giữ chùa. Bên đó, sống có một mình hà. Có tiền thì không dám nói vì không có gì bảo vệ mình hết ngoài cái niềm tin Phật pháp. Có tiền thì nó vô nó giết, nó cướp. Không có tiền thì nó không làm việc. Nhiều lúc tôi không có tiền mà cũng không dám nói gì hết trơn, rồi phải cầu cứu. Nhưng mà rồi trong Phật pháp các ngài cũng thử mình cho đến cùng cực để coi thử. Tôi nghĩ đó là sự thử thách trong Phật pháp, coi thử tâm mình như thế nào, có lay chuyển hay không, vậy thôi. Cuối cùng tôi cũng chịu khó, cũng qua.

Bên đó tôi cũng xây một cái trường học cho một thầy kia, xây một cái chùa cho ông thầy Nepal, rồi bên này xây cái chùa Linh Sơn, xây một cái cô nhi viện, một cái trường học. Phía sau trường tiểu học là một hecta đất tôi để dành đó, tôi nói với người dân địa phương miếng đất này không được bán, tôi muốn miếng đất này dành cho dân Nepal sau này xây một cái trường đại học để dân trí ở đây được mở mang. Trường đại học của Linh Sơn – Buddhist school sẽ là ở đây, không ai được bán. Chỉ mua để làm cái trường đại học. Tại vì ở đó không có trường đại học. Trường đại học gần đó cũng xa gần 30 cây số. Dân nghèo làm sao đi được. Thành ra tôi cũng trả ơn Phật

Sống với tay móc sắt

Ở đây thì chính phủ cung cấp cho. Tôi thuộc thành phần handicap. Giai đoạn đầu làm quen rất khó. Trước khi làm cái tay giả này tôi đã mong mỏi rất là nhiều. Tôi ở nhà Phật tử Phổ Nghĩa chăm sóc dưới đó. Lúc bấy giờ khó chịu lắm. Những cái chuyện chỉ nhỏ nhặt mà mình phải nhờ người khác là vì nó nặng, nó cồng kềnh, cầm đâu rớt đó. Cái móc sắt này nó không có mạnh, không có sức, cái lực kẹp của nó không mạnh. Mạnh quá thì mình mở ra không nổi. Lực kẹp này chỉ có vài pound thôi, thành ra cầm cái gì nặng thì nó rớt.

Nhiều lúc nhờ người rất là khổ. Thí dụ như tôi muốn đi bác sĩ hoặc là đi mua cái gì đó thì họ không rảnh, làm sao đi. Từ đó tôi nghĩ mình phải tự lập. Lúc có hai tay này, tôi tới nhờ một cái ông ở trên San Jose. Ông đó cũng bị cụt hai tay. Mình học ổng. Muốn mặc áo thì làm cái giá treo áo lên, rồi cầm hai tay kẹp lại móc lên cái giá đó, có chưn đạp kẹp thả ra rồi nó giữ cái áo ở trên đó để mặc. Tôi về tôi cũng nhờ làm một cái giá. Ông Nguyễn Quý An cũng ở bên Không Quân, lái máy bay trực thăng. Trực thăng của ổng bị bắn cháy, bị rớt. Lúc chưa bị nạn, ông ấy đã cứu một phi hành đoàn Mỹ bị rớt máy bay, trong chiến trận như vậy mà ông nhào trực thăng xuống để cứu phi hành đoàn Mỹ, đưa họ lên máy bay của ổng rồi ổng bay đi. Chính nhờ đó mà sau năm 1975 người Mỹ nhớ ơn mới vận động với Quốc Hội Mỹ mà cứu ổng, khi ông bị mắc kẹt ở Việt Nam. Họ qua bên Hà Nội để điều đình, họ chở ông thẳng từ Việt Nam về Mỹ luôn.

Mỗi người có một cách riêng. Ông chỉ vậy nhưng tôi thấy rất là bất tiện vì không đi đâu được hết, phải ở quanh quẩn bên nhà thôi. Đi xa không mang theo được cái giá. Ông nói mỗi lần phải đi thì tháo cái giá đó ra, đem xách theo trong hành lý, tới nơi nhờ người váng nó lên. Bất tiện vậy. Nên tôi nghĩ nó ngăn chặn cái ý muốn của tôi. Tôi ngồi tôi nghĩ, tôi không thể để cái này ngăn cản ý chí của tôi được, thành ra từ từ tôi tập, đổ mồ hôi dữ lắm.

Lúc tôi tập mặc áo quần, khó nhất là mặc cái áo, xỏ hai tay vô đó, một tuần lễ tập không được, tay nó đau, nó mỏi, nó nhức, mồ hôi vã ra. Lúc thành công được, tôi la lên, vui quá, tôi nhảy lên, từ đây tôi sẽ tự do, không bị giới hạn bởi cái việc mặc áo quần nữa. Và cái giá đó tôi tháo bỏ đi, tôi tự mặc áo quần lấy. Bây giờ tôi tự mặc áo quần, không nhờ người chở đi tới đi lui, rồi tôi tập lái xe, họ có những đồ đạc cho xe, lên Youtube coi đó, rồi tôi tự làm lấy. Bây giờ tôi lái xe bình thường, từ đây xuống dưới đó (Quận Cam), thỉnh thoảng đi xuống San Diego cũng một mình tôi lái. Hay là bây giờ đi châm cứu, từ đây xuống Los Angeles tôi tự lái đi rồi về.

Thầy Linh Quang tại Lumbini, Nepal, 7 tháng 1, 2010

Tiếp tục làm từ thiện

Mười năm như vậy. Bây giờ tôi còn về Việt Nam. Cái máu từ thiện đó nó ở trong người (cười khì). Bây giờ tôi giúp 11 sinh viên bác sĩ và y tá. Mấy em đó học ở Đà Nẵng. Tôi giúp các em học. Cũng là Phật tử. Đồng ra đồng vô vậy đó, giúp 11 em. Một em mới ra trường. Hai năm rồi tôi có về thăm, cho các em đi chơi, tạo sự thân ái. Hàng tháng tôi giúp tụi nó, tại vì ở chùa này tôi cũng còn sung sướng quá so với hoàn cảnh bên kia. Tiền bạc Phật tử cho tôi thì tôi cho đi hết, vậy đó. Cái vấn đề tiền bạc tôi xem nhẹ chứ không nặng lắm. Thành ra tôi sống thoải mái lắm.

Mặc dù tay chân như vậy, bệnh hoạn, tuổi già tới, luật tự nhiên là vậy. Ai cũng phải vậy. Đức Phật cũng vậy, cũng đau ốm rồi cũng tới 80 tuổi Ngài để cho tứ đại về với tứ đại. Tôi cũng vậy mà thôi chứ không có gì lạ. Bây giờ sáng nào tụi nó cũng kêu điện thoại qua. Không đứa này thì đứa khác, gọi qua thăm hỏi. Tôi động viên nó học hành, giải quyết những vấn đề về trường đời, mình dạy nó vậy đó, làm cố vấn. Đó là niềm vui của tuổi già. Lo lắng cho cái này, lo lắng cho cái kia. Mùa đông thì kiếm áo quần. Tôi là khách trung thành của Costco (cười). Hàng tốt mà giá cũng bình dân. Dù nghèo nhưng cái áo mang từ Mỹ về cũng hãnh diện lắm, tôi biết cái tâm trạng của họ như vậy. Mấy đứa đó cũng ngoan, học hành cũng giỏi. Thôi, vậy thôi, cuộc đời có tàn nhưng không có phế. Không có phế. Tôi vẫn còn giúp ích cho nhân quần xã hội.

Mấy em đó học thành tài sẽ giúp các em khác. Đó là tiêu chỉ của tôi. Dạy tụi nó, lồng trong Phật pháp khi nói chuyện với nó. Cái ơn này là ơn của bá tánh, thì sau này con không cần trả ơn cho thầy, con trả ơn lại cho bá tánh, chứ thầy đã chết rồi. Trả ơn cho bá tánh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Đó là lý do Phật pháp tồn tại ở trên thế gian này.

Mình hiểu gì trong Phật pháp? Có hai cái là khẩu giáo và thân giáo. Khẩu thì mình học hỏi mình nói, nhưng thân giáo là nghiền ngẫm cái học đó rồi mình thực hành theo lời dạy. Thân giáo tối ưu hơn. Những việc tôi làm thì anh thấy đó, tự đánh giá lấy. Tôi nói thì kỳ quá. Phật đã nói, bản ngã phải dẹp chứ không phải phô ra. Thành ra những cái gì tôi làm thì cũng bình thường thôi. Xây chùa, xây trường học cho trẻ em, chuyện bình thường mà một người tu theo Phật phải làm.

*

Chùa Linh Sơn tại Lumbini, Nepal tháng Ba 2020. (Photo: MXchen / Tripadvisor)

Rời Chân Nguyên trưa đó, tâm trí tôi còn xoay quanh những việc làm “bình thường thôi” của thầy Linh Quang, giúp tôi có sức chịu đựng dăm ba chuyện không mấy bình thường trên đường về Quận Cam. Giao thông trên bang lộ 395 từ Adelanto nhập vào xa lộ xuyên bang 15 đã bị kẹt cứng, nhích chậm chưa từng thấy. Những đoàn xe vận tải chở hàng vẫn xuôi ngược nhộn nhịp giữa mùa dịch, bị tắc nghẽn bởi những tai nạn rải rác từ đây xuống tới Los Angeles và từ đó trở ngược lại trên xa lộ 15, thành thử chuyến đi thường không tới hai tiếng một chiều đã kéo dài tới bốn tiếng đồng hồ trên đường về nhà dưới nắng gắt buổi trưa. Sự khó chịu của tôi càng bị tăng thêm bởi cái đói, cơn thiếu ngủ.

Cũng trên đoạn đường ấy, từ bấy lâu nay thỉnh thoảng vẫn có một vị tăng tự lái chiếc xe với hai bàn tay là những chiếc móc sắt. Sau những thăng trầm trong cuộc đời dài hơn bảy thập niên, trải qua những thử thách khủng khiếp đối với một người tu hành tự mình xây chùa ở xứ lạ quê người để rồi bị tai nạn mà không chắc ai cũng vượt qua được, thầy Linh Quang vẫn thấy đời mình chưa có phế, vẫn có ích cho xã hội. Nghĩ đến những gì vừa nghe được sáng hôm ấy, từ chính gương thân giáo của thầy Linh Quang, tôi thấy mình rất may mắn vì được gần gũi những thiện tri thức trên đường học đạo. Thế nên được chia sẻ bài viết này với bạn đọc là một niềm vui khó tả trong tôi. Làm sao tả được nỗi vui khi thấy những cánh chim bay lượn giữa thế gian nắng cháy và tìm được bóng mát dưới mái chùa?

Thầy Linh Quang tại Thiền Viện Chân Nguyên tháng Chín 2020. (hmd)

Thêm hình ảnh do thầy Linh Quang cung cấp:


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

3 thoughts on “Thầy Linh Quang, người tu sĩ không sờn lòng trước nghịch cảnh

  1. To whom it may concern
    I am Nipa Kshetri from nepal and baba thich linh Quangs child from former linhson children home. I have been trying to know and find out alot about baba. But it wasn’t easy at all. Thank you for posting this article here i couldn’t read vietnamese but i saw baba and its a humble request to you to please help me get his contact details so please. We miss him alot here… you can even ask him taking my name NIPA and i am sure he will recognize his daughter .
    Please do me a favour letting me have his contact details any social media or phone no. too would be good. Please🙏

  2. LINH SON CHILDREN HOME, LUMBINI, MAY I HAVE HOME ADDRESS TO SEND OUT CHECK SUPORT. MAY BUDDHA BLESS ALL OF YOU AND SENTIENT BEINGS. CTG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *