Vị sư thầm lặng trên phố Bolsa

*Đọc 17 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Sáng nay có chút sương mù, bên kia tấm kiếng xe loáng thoáng bóng hai khất sĩ băng qua đại lộ Bolsa trong bộ áo cam vàng đã xuống màu. Hai sư rảo bước thật nhanh cho kịp thời gian được phép băng qua đường. Họ đi chân đất, hướng về một khu chợ mà chốc lát đây sẽ huyên náo với những người tay cầm những bao bịch, những thùng thức ăn chất vào xe. Các sư cũng tìm thức ăn bỏ bụng, ôm bình bát giữa hai bàn tay cháy nắng. Họ đi khất thực. Góc chợ đây đông người qua lại vào buổi sáng. Ai cũng phải nuôi thân. Có khác chăng là nuôi dưỡng cái thân người để làm gì, cho mục đích nào. Mình sống để làm chi?

Bên này tấm kiếng, tôi chợt nhớ tới Sư. Sư cũng từng quấn bộ áo vàng trong nhiều năm như hai vị sư đang sắp bước lên lề đường hướng tới cửa chợ kia. Giờ thì Sư khoác bộ áo đỏ, màu đậm thắm của miền đất cao nguyên Việt Nam, màu của vỏ trái măng-cụt. Đèn bật xanh, tôi rẽ xe hướng về nhà, xa dần góc chợ nhưng vẫn nghĩ tới Sư. Vẫn gần Sư trong tâm tưởng. Mô Phật.

Màu áo đỏ, đỏ như vỏ trái măng-cụt, ẩn hiện giữa những màu áo đa sắc trong dòng người qua lại. Có lúc mơ hồ như trong một giấc mơ, có lúc rõ như giữa nắng trưa, ngay trước mắt. Mà ngay cả khi hiển hiện trong nắng cũng chỉ là ảo ảnh. Sư là ảo ảnh. Có lúc tôi nghĩ vậy, khi tưởng đến vị tỳ kheo đang rảo bước chầm chậm, mắt nhìn xuống mặt đất trong một khu thương xá quen thuộc ở phố Bolsa.

Sư Thiện Đăng sáng ngày 4 tháng 7, 2021 tại khu chợ ABC ở góc đường Bolsa Avenue, Westminster. (hmd)

Đời sống, công việc của tôi trong ba thập niên qua đã buộc tôi quanh quẩn ở phố Bolsa đây, nên hầu như ngày nào tôi cũng đi ngang qua góc thương xá quen thuộc ấy, nơi có một cây xăng, một siêu thị, mấy tiệm ăn, dăm ba tiệm bánh, thịt quay, hớt tóc, hoa trái, dụng cụ làm móng tay, một nhà băng, và một bến đậu xe đò. Từ sáng đến chiều, góc phố ấy là nơi nhộn nhịp nhất nhì ở Bolsa. Trong mùa bầu cử, thỉnh thoảng người ta còn tụ tập để hô hào những khẩu hiệu chính trị nóng bỏng giữa nắng trưa. Thường thì khi chiều về, bãi vắng bóng người, từng bầy chim hoang dại xà xuống mót thức ăn, đuổi theo những tấm giấy bay nhảy theo gió trôi lăn trong giấc cuối ngày.

Sư không có ở đó vào giấc trưa hay chiều, chỉ đến vào buổi sáng suốt bảy ngày trong tuần, năm này qua năm kia, chính xác như kim đồng hồ từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, ngày mưa cũng như ngày nắng. Sau này tôi mới hiểu các sư Nam Tông phải ăn xong trước giờ ngọ mỗi ngày theo qui luật đã có từ ngàn xưa, nên việc trì bình cần phải chấm dứt sớm trước 12 giờ trưa.

Lần đầu tôi biết Sư đi bát ở trước chợ ABC là khoảng hơn mười năm trước. Tôi thường ghé góc chợ này mỗi khi cần chụp ảnh sinh hoạt đời thường cho nhật báo. Sư đã xuất hiện trong vài tấm ảnh mà tôi đã bấm ngẫu hứng. Sư nhấc từng bàn chân trần đi chậm rãi từng bước, tay ôm bát, mắt nhìn xuống mặt đất trước mặt, chăm chú theo dõi từng bước chân của mình. Đi chừng vài chục bước từ cửa chợ đến tiệm bánh thì sư quay lại, trở về khoảng trống trước chợ, xong lại xoay người đi tiếp tới tiệm bánh, cứ như vậy suốt hơn hai tiếng đồng hồ, dưới nắng chói chang mà trên đầu không có nón che.

Hình chụp Sư Thiện Đăng sáng ngày 31 tháng 12, 2007 tại khu chợ ABC ở góc đường Bolsa Avenue, Westminster. Mấy năm sau này người ta không cho Sư ôm bình đi thiền hành qua lại trước các cửa tiệm. Mỗi ngày Sư thức dậy từ 3 giờ 30 sáng, tụng kinh, ăn sáng trước khi đi trì bình, rồi ăn trưa, học pháp và hành thiền đến tối. (hmd)

Có lúc Sư đi giữa đám đông qua lại, bị che lấp giữa những bộ áo tạp sắc. Cũng có lúc mọi người dường như cùng biến mất trong các cửa tiệm, để lại Sư đi thiền hành một mình trên bãi hắc ín nóng bỏng, mà Sư lại đi chân đất. Hai bàn chân chai lì chịu đựng nền nhựa nắng cháy. Đến thời gian trước đại dịch, Sư không còn đi thiền hành, chỉ đứng một chỗ bên ngoài cửa siêu thị, nép qua một bên phía trước bức tường ngăn lối ra vào. Sau này tôi được biết “người ta” không cho Sư cũng như mấy vị tăng khác ôm bình đi qua đi lại trong khu thương xá, chỉ được đứng yên một chỗ, để nhận tiền hay thức ăn bố thí. Thế nên mỗi vị tăng chọn một vị trí. Sư luôn đứng trước cửa siêu thị, nép qua một bên. Mấy vị kia lúc có mặt lúc không, thường đứng ở một góc chiến lược của bãi đậu xe, nơi có nhiều người qua lại hướng vào chợ hay trở lại xe.

Thỉnh thoảng có người ghé đến trước Sư, cung kính chào, xong để chút tiền hay gói thức ăn vào bát. Phần lớn người cúng dường là phụ nữ đứng tuổi, hiếm khi có đàn ông. Lần đầu cúng dường Sư, tôi không biết nói năng chi lúc đến gần trước mặt, chỉ bỏ tờ tiền giấy vào bát khi thấy Sư đưa tay mở nắp. Mấy lần sau, tôi nói thêm, “Mô Phật, con xin cúng dường thầy.” Sư nói lại gì đó mà tôi đoán là câu chúc lành bằng tiếng Pali. Hầu như không bao giờ Sư ngước lên để nhìn người đối diện, luôn chú tâm nhìn đến khoảng trống trước mặt, mặc dù vẫn biết có người đang nhìn mình.

Đến giữa mùa dịch, khu chợ ABC vắng bớt người, nhưng dân mình vẫn lái xe, chen chân đến chợ mua thức ăn. Tôi cũng vậy, cũng săn lùng mấy món cho người thân ở nhà. Và Sư vẫn có mặt ở đó mỗi buổi sáng, có lúc chỉ một mình Sư với tấm vải đỏ phủ kín thân giữa bãi nắng. Mùa hè 2020, dịch Covid đe dọa mạng sống của mấy tỷ người trên Trái Đất, từng ngày lấy đi hơi thở của cả vạn người, mà Sư vẫn đứng trước chợ ôm bình bát, không mang khẩu trang như không hề biết đang có hàng triệu triệu con vi khuẩn bay trong không khí. Rồi mùa thu đến, dịch cúm giết nhiều hơn nữa, chợ không đông như ngày trước, nhưng Sư vẫn có mặt ở chợ trước giờ ngọ, đứng yên suốt hơn hai tiếng, có khi mang mặt nạ màu đen hay màu đỏ. Một thân hình sạm nắng vận chiếc áo màu đỏ măng cụt, bình thản ôm bát trước chợ như không hề biết những gì đang xảy ra ở chung quanh.

Sư Thiện Đăng sáng ngày 4 tháng 7, 2021 tại khu chợ ABC ở góc đường Bolsa Avenue, Westminster. (hmd)

Một lần kia, sau khi tôi cúng dường, Sư trao cho tôi hai tấm giấy cứng kèm theo lời chúc lành. Vào xe tôi ngồi đọc hai tấm giấy in màu láng, một tấm ghi Bài Kệ An Lành, Niệm Rải Tâm Từ Cho Mình, Từ Bi Quán, Thập Nguyện, và Năm Điều Quán Tưởng, một tấm chép lời giảng của Thiền Sư Thái Lan Ajahn Chah mà trong đó có đoạn:

“Hãy cố gắng vượt đến chân lý của những lời dạy mà Ðức Phật đã ban truyền, ngay trong ngày hôm nay. Bây giờ, để chấm dứt thời Pháp hôm nay, Sư nhắc lại một bài ca dao của người Lào, đại ý như sau: Nhiều cuộc vui đã tàn, nhiều lạc thú đã trôi vào dĩ vãng. Trời sắp xế chiều và màn đêm sẽ nhanh chóng rủ xuống. Giờ đây, đang say sưa với những dòng lệ tuôn rơi, hãy ngừng nghỉ và nhìn xem, không bao lâu nữa sẽ quá muộn để viên mãn hoàn tất cuộc hành trình.”

Tôi cất hai tấm giấy trong xe, thỉnh thoảng mang ra đọc, ngẫm nghĩ đến cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn của thế gian này và hành trình còn quá xa của chính mình.

Mặc dù nơi đây vẫn có một số sư khác đi bát, nhưng Sư vẫn là người có mặt lâu nhất, kiên trì nhất, luôn tỏa ra một ấn tượng oai nghi lạ thường qua sự im lặng và ánh mắt nhìn xuống, nhẫn nại chịu đựng thời tiết cũng như sự hoài nghi của những người qua lại. Có lẽ điều đó đã thu hút tôi, nên một bữa kia tôi đánh liều làm quen với Sư, mong học hỏi thêm về Phật pháp, dù biết rằng việc gần gũi một người tu hành chuyên cần như Sư không dễ chút nào. Đã nhiều lần tôi phải quay về với lời từ chối của các vị tăng, vị ni, vì họ không muốn nói chuyện tu hành của họ với một người sống bằng nghề viết. Tôi đoán Sư cũng sẽ từ chối như vậy.

Buổi sáng hôm đó tôi đến chợ khá sớm, trước giờ mở cửa và chắc chắn trước cả Sư. Nếu có đủ duyên thì Sư sẽ cho mình hỏi chuyện, còn không thì thôi, tôi tư lự trong lúc ngồi trong xe chờ Sư xuất hiện. Gần 9 giờ Sư đến trong một chiếc xe cũng màu đỏ như màu áo của Sư, nhưng cũ, rất cũ, đắp vá với sơn không hợp màu ở cốp phía sau. Tôi đến gần lúc Sư mở cốp, chắp tay chào Sư “Mô Phật!” Sư cũng chào lại “Mô Phật” với giọng ôn tồn của người miền Nam.

Tôi tự giới thiệu, tặng Sư tờ Tinh Tấn Magazine mới nhất, nói rằng mong có dịp được thưa chuyện với Sư nhiều hơn. Sư có vẻ ngần ngại, cất tờ báo vào trong cốp xe, nhưng có lẽ chợt nhận ra tôi đã từng cúng dường vài lần, từng nhận của Sư mấy tấm giấy nhắc nhở chuyện tu hành, nên Sư nói để Sư về nhà xem tờ Tinh Tấn rồi sẽ liên lạc sau. Nghe vậy tôi cũng mừng mặc dù không có hy vọng Sư sẽ gọi. Khi Sư chậm rãi bước đi hướng đến trước cửa chợ để bắt đầu một buổi trì bình, tôi vội chạy theo vì chợt nhớ mình chưa cúng dường. Sư nói khẽ, “Cám ơn chú.”

Vài ngày trôi qua, một chiều nọ Sư gọi tôi qua số điện thoại đăng trên báo. Tôi vui mừng, buông hết mọi thứ để được đàm đạo với Sư. Sư đã đọc một số bài trên Tinh Tấn, nhưng một lần nữa Sư khẳng định không muốn tôi viết gì về Sư để đăng báo.

Sư nói nhanh qua làn sóng điện thoại, “Sư không là gì hết, mấy thầy kia lớn tuổi hơn, chú viết về những vị đó đi, chứ mình có gì đâu mà viết.”

May sao buổi đối thoại không kết thúc ở đó. Tôi hỏi một vài câu, xong lắng nghe Sư nói về Phật pháp, cố gắng thấu hiểu những điều Sư trình bày để biết rõ hơn về pháp môn tu hành của một người có thể kiên trì với nắng mưa và kiên nhẫn với lời đàm tiếu khi đứng giữa chợ đời. Sư hoằng pháp bằng chính bản thân mình chứ không qua khả năng giảng pháp, xây chùa, hay hoạt động xã hội.

Giữa những lời giảng pháp của Sư, tôi cũng nắm bắt chút ít chi tiết về cuộc đời của vị tỳ kheo ôm bình bát đứng giữa chợ. Sư có pháp danh là Thiện Đăng, từng tu học ở Miến Điện nên còn có thêm pháp danh là U Jotika, nghĩa là “Ánh Sáng.” Năm nay Sư U Jotika được 52 tuổi, đã chào đời ở miền cao nguyên Ban Mê Thuột, lớn lên tại Sài Gòn trong gia đình có tám anh em. Thời mới lớn Sư thường đến các chùa ở Sài Gòn để nghe giảng pháp, đặc biệt là những buổi thuyết giảng của Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012). Khi đến California, Sư tu học với Hòa Thượng Khippapanno Kim Triệu và Hòa Thượng Khánh Hỷ thuộc dòng Theravada hay Nam Truyền. Sư được các hòa thượng khuyên nên qua Miến Điện để tu học thêm với các bậc thiền sư ở xứ ấy. Mẹ của Sư cũng đã xuất gia và đang sống với Sư ở một ngôi nhà nào đó mà Sư tránh nói địa chỉ, và tôi cũng tránh hỏi vì thấy không cần thiết phải tìm hiểu quá đà, quá sâu trong buổi nói chuyện đầu tiên. Gia đình Sư chỉ có hai mẹ con đi tu.

Trong buổi điện đàm mà không ngờ dài tới cả tiếng đồng hồ, tôi khám phá cả Sư và tôi cùng thích nghe những bài giảng pháp sắc bén của Sư Toại Khanh, tức là Tỳ Kheo Thích Giác Nguyên, một vị sư Theravada vừa thông suốt kinh kệ vừa tài giỏi văn chương dù tuổi còn trẻ. Chúng tôi cũng nhắc tới Hòa Thượng Kim Triệu và Thích Ca Thiền Viện, Hòa Thượng Khánh Hỷ và Thiền Viện Ananda. Có lẽ nhờ vài mẫu số chung như vậy, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được Sư U Jotika cho tôi viết về Sư. Sư đặt điều kiện là không trả lời những câu hỏi của tôi, mà chỉ cho tôi nghe một băng giảng pháp rồi từ đó lấy ý trích đăng trên báo. Tôi đồng ý, cảm thấy vui vì được Sư tin tưởng.

Hình chụp Sư Thiện Đăng sáng ngày 4 tháng 7, 2021 tại khu chợ ABC ở góc đường Bolsa Avenue, Westminster. Sư đi bát từ 9 đến 11 giờ sáng mỗi ngày, quanh năm suốt tháng. Những người xin từ thiện khác đến không có thời gian nhất định. (hmd)

Mấy ngày sau tôi gặp lại Sư ở bãi đậu xe trước giờ đi bát. Sư trao cho tôi một băng cassette, dặn dò mang về nghe, và nếu muốn thì viết lại ý của Sư. Tôi mừng vì có được chút pháp thoại của Sư, dù biết rằng mình phải nghe băng và chép lại. Thời buổi này không còn ai nghe băng cassette. Máy cassette cũ của tôi từ thập niên 1990 vẫn còn sáng đèn khi có điện, nhưng hai trục quay lại cứng đơ, chỉ phát ra âm thanh rẹt rẹt ở bên trong, nên tôi lên mạng Amazon mua máy mới nối thẳng vào chiếc laptop. Rồi thêm trở ngại về thời gian, về việc nhà và việc đời dồn dập kéo tới, hết ngày này qua ngày kia, mỗi cuối tuần trôi qua tôi lại thấy tiếc nuối vì không thể bắt tay vào việc đạo mà tôi hằng mong ước.

Nhưng cuối cùng tôi cũng chép hết lời giảng của Sư trong buổi nói pháp hôm đó, là một ngày cuối năm âm lịch và sắp tới Tết Kỷ Hợi 2019. Sau đây là những gì tôi tóm được từ cuộn băng cassette chỉ ghi mấy chữ “Thuyết pháp – Mới – Thiện Đăng” với thời lượng dài hơn một tiếng.

Sư nói ở phần đầu, “Happy New Year! Mới là sao? Thế nào là mới? Xe mới? Áo mới? Nhà mới? Mới là chưa tiếp xúc nó bao giờ. Thí dụ ngày mới là ngày mình tiếp xúc lần đầu, mới tiếp xúc, mới gặp lần đầu. Ngày nay mới vì chưa bao giờ xảy ra. Mình nói Happy New Year là mình muốn chúc mừng năm mới. Cũ đã diệt rồi nên không có ngày cũ. Chỉ có ngày mới. Nếu mình nhắc tới ngày hôm qua thì thật ra mình nhắc tới “ngày mới” hôm qua chứ không có ngày cũ. Bây giờ mình nói chuyện hôm qua, nhưng nó vẫn là ngày mới, không có ngày cũ.

“Không có cái cũ vì đã diệt rồi thì đâu còn có nữa. Mình nói xe cũ nhưng nếu có sanh có diệt thì là xe mới chứ đâu phải xe cũ đâu. Mình đi mua cái xe của người ta. Đối với người ta thì là xe cũ mà đối với mình thì lại là xe mới. Sao lại có mới, có cũ?

“Ở đây sư không nói cũ / mới theo nghĩa vật chất mà nói về cái tâm, sư nói về pháp, là chánh pháp, cái sanh cái diệt ở trong tâm. Mình bị cái vô minh che, nên mình chấp trước có cái xe trước mặt mình. Là người hành thiền mình phải hiểu những gì mình thấy đều là những cái do trong tâm mình sanh ra, vẽ lại cho mình coi.”

Mới nghe Sư giảng pháp lần đầu, mà Sư nói cũng khá nhanh, với tốc độ khác hẳn vị tăng đi bát chậm rãi trong sự thầm lặng trước chợ, nên tôi phải dừng nghe băng nhiều lần, dành thời giờ để suy ngẫm cho đến khi hiểu được điều Sư muốn nói. Quả là khó! Nhưng càng nghe tiếp thì dần dà tôi nắm bắt được điều Sư muốn giải thích. Ý chính nằm trong câu “những gì mình thấy đều là những cái do trong tâm mình sanh ra, vẽ lại cho mình coi.”

Và Sư giảng tiếp, “Mình nhắc tới xe hơi thì tâm mình đưa ra cái xe hơi thế này thế kia, màu này màu kia. Đó là chiếc xe của cái tâm mình đưa ra, không phải cái xe hơi tuốt ở ngoài kia. Cái xe hơi trong đầu làm việc với mình. Cái xe ở ngoài kia không biết gì hết, không dính líu gì với mình hết trơn. Cái xe mình thấy là xe ở trong đầu. Mình ngủ mình cũng nghĩ tới nó. Ai nhắc tới thì mình thấy nó liền. Đó mới là cái xe hơi làm việc với mình. Nhưng xưa nay mình coi thường cái đó, mình nói cái ngoài kia mới là cái thật. Đó là cái chỗ mình cần xét lại.”

Suy ra thì xe với người cũng vậy, cũng bị cái tâm vẽ ra mà mình cho là thật. Tôi nghĩ đó là điều Sư muốn người nghe thấu hiểu.

Ai cũng phải nuôi thân. Có khác chăng là nuôi dưỡng cái thân người để làm gì, cho mục đích nào. Mình sống để làm chi? (hmd)

Sư nói tiếp, “Khi sư ôm bình bát đi ngoài chợ, chung quanh người ta thấy sư. Sư rất vô tư, không dính mắc với ai hết. Sư đâu có thấy ai đâu, sư đi tỉnh bơ hà. Tại sao? Tại sư biết có cái chợ nằm ngoài kia, có cái chợ nằm trong tâm này. Cho nên sư quay về kiểm soát cái trong này, chứ sư không tin ở ngoài kia. Tại sao vậy, tại sư không thật sự biết người ta. Sư không biết ai hết trơn á. Nhưng nếu mình không biết nhìn cái tâm này thì mình cứ tưởng mình thấy người ta, chứ thật sự mình đâu có thấy người ta, mình đâu có biết người ta. Xưa nay mình cứ nói mình biết người ta, điều này phải xét lại, còn không thì cái nghiệp nó sẽ làm chủ mình.

“Thí dụ mình thấy người ta tới chửi mình. Vậy ai chửi mình? Rõ ràng mình thấy người đó chửi mình đàng hoàng mà. Nhưng người hành thiền xét kỹ và quay về đây. Nếu cái tâm không nói người ta chửi mình thì mình đâu có biết người ta chửi mình. Thôi thì đừng nói người ta chửi mình, mà hãy nói người ta khen đi. Cái tâm nó nghe khen nó dịch cho mình nghe, mình mới thấy người ta khen mình, chứ thật ra lời nói chỉ là âm thanh, nhưng lọt vào lỗ tai mình thì nó dịch ra một kiểu khác, thì ai dịch ra cái đó, đó là cái nghiệp của mình nó dịch ra. Mình sống với cái nghiệp của mình mà mình không biết.

“Vấn đề chính là quay về với cái tâm của mình, để thấy ra thế gian này là của tâm mình tạo ra. Cho nên mình nên hành thiền, quay về làm quen với mình. Người chánh niệm là người trở về với mình, sống trong hiện tại ngay bây giờ.

“Cái vị sư mà quí vị thấy ôm bình bát đi là của tâm của quí vị đưa ra, chứ không phải là tui đâu, nhưng quí vị tưởng là tui. Chừng nào quí vị là tui thì quí vị mới biết chớ. Quí vị chỉ biết có ông sư ôm bình bát đi, vậy thôi à, đúng không. Quí vị không nhận ra ông sư đó là từ trong tâm mình đưa ra, của cái tư tưởng mình nó vẽ ra cho mình coi. Rồi tâm nói cái ông đó như thế này, như thế kia, chứ thật sự đâu phải ổng đâu.

“Đức Phật là người tìm ra cái tâm này, ngài ngồi ở cội bồ đề, ngài mới quay về ngài hành thiền, nguyên cái thế gian ở ngoài kia là do cái tâm này vẽ ra. Thấy vậy, Đức Phật mới nói, đủ rồi, Như Lai không cần nữa, Đức Phật không tin thì nó đi luôn, ngài mới thoát khỏi, ngài không bị khổ, bị phiền não nữa. Còn mình, mình đang bị phiền não làm chủ mà không biết, cứ nghe nó, mình quen rồi, mình không biết.

“Người Phật tử phải cố gắng hành thiền, quay về để làm quen với mình, tâm mình nó nói vui, nói buồn, nhưng đâu có gì thật đâu. Nên sư vô chùa, trong cái chùa có một mình, trời ơi thênh thang. Người ta nói buồn, cái buồn là do cái đầu nó nói, chứ đâu có ai làm gì đâu mà buồn. Người ta nói có người này người kia thì mới vui. Khi có người này người kia thì sư vẫn phải chánh niệm. Tại sao? Cũng tại tâm nó nói vui chứ ai nói. Cho nên sư tập luyện từ từ, cho nó không là gì hết trơn, thì mình mới an nhiên tự tại, mới sống trong hiện tại, bình thản.

“Với sư thì chỉ có cái tâm. Cái tâm là đủ rồi. Khi mình biết cái đó là do tâm mình nói ra thì tự nó diệt, nó sanh rồi nó diệt. Chánh niệm là vậy đó. Mình đang nghĩ gì thì mình biết mình đang nghĩ cái đó. Vậy thôi. Chánh niệm là ngay bây giờ nó đang như thế nào thì mình biết nó như thế thôi.

“Chợ ABC ngoài kia, buổi sáng sư ra sư ôm bình bát sư đi, sư biết sư đang sống với cái tâm của sư. Người ta đi qua, đi lại, cái chợ nó đông, cái chợ nó gì gì thì cũng là cái tâm. Chỉ có mình với cái tâm của mình, làm quen với tâm của mình đi.

“Người ta thấy cái hoa, mình không cấm người ta không nói cái hoa này đẹp, mình cứ để người ta nói, nhưng mình biết cái tâm nó nói cái hoa này đẹp, cái hoa trong tâm, chứ không phải cái hoa ở ngoài đâu. Mình muốn nói đẹp nói xấu gì thì cũng được, nhưng mình phải biết cái tâm mình nó nói, cái hoa trong tâm chứ không phải cái hoa ngoài kia.

“Còn vài ngày nữa là sang năm mới rồi, mình phải nhớ là mình luôn luôn sống với ngày mới, chứ không có ngày nào cũ cả, ngày nào cũng mới mà mình không nhận ra nó là ngày mới, cho nên mình mới thấy là cũ. Cái thân này cũng vậy. Tâm mình nghĩ tới cái thân là cái thân mới, chứ không phải thân cũ, không có thân cũ. Cái hoa cũng vậy, dù là hoa héo vẫn là hoa mới vì nó là của cái tâm nghĩ tới nó. Nó là hoa héo mới.”

Nghe xong băng giảng của Sư, tôi nhớ lời dặn dò của Sư trong nhiều ngày. Mặc dù tâm trí tôi luôn bận với những trách nhiệm ở nhà cũng như ở sở, mà sao hình ảnh của Sư vẫn thường hiển hiện trong đầu vào những lúc tôi tự cho phép mình dừng lại giữa những bận bịu để nhìn vào khoảng không trước mặt, và tôi biết chắc rằng vị Sư đó là do tâm mình vẽ ra, chứ không phải là vị tăng thật sự ở ngoài kia, không phải vị tăng mang pháp danh “Ánh Sáng” U Jotika hay Thiện Đăng, không phải vị sư đi chiếc xe cũ cà tàng đậu ở chỗ quen thuộc ở một bên chợ, tầm thường dưới cái nhìn của hầu hết mọi người mà đối với tôi lại là một sự mầu nhiệm của sự hành đạo giữa trần gian.

Sư đứng lặng lẽ trong bộ áo cà sa màu đỏ của đất cao nguyên nơi Sư đã chào đời, ánh mắt nhìn xuống giữa những dòng người qua lại, yên lặng như một pho tượng giữa những tiếng ồn ào náo động. Hai bàn tay ôm bình bát, bàn chân chai rắn đậm màu đất bụi, Sư quay vào bên trong nội tâm để sống với chánh niệm, sống với từng hơi thở để biết mình đang hiện hữu trên thế gian, đang đứng trước cửa chợ trong nắng chói chang. Một hình ảnh tuy không thật bởi do tâm sáng tạo, chắc chắn là không thật, nhưng là hình ảnh của một thân giáo tỏa sáng giữa chốn u minh, chỉ đường cho tôi tiếp tục cuộc hành trình còn nhiều gian nan để đến bến bờ giải thoát.

“Chợ ABC ngoài kia, buổi sáng sư ra sư ôm bình bát sư đi, sư biết sư đang sống với cái tâm của sư. Người ta đi qua, đi lại, cái chợ nó đông, cái chợ nó gì gì thì cũng là cái tâm. Chỉ có mình với cái tâm của mình, làm quen với tâm của mình đi.” (hmd)
Sư Thiện Đăng, bên phải, có mặt trong một buổi lễ Vesak được Thích Ca Thiền Viện tổ chức ở Union Hall trên đường First Street, Santa Ana ngày 31 tháng 5, 2015. (hmd)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *