Bài VĨNH HẢO
Cuối năm, đọc thơ xuân của người xưa, chợt bắt gặp mấy câu tâm đắc.
Đuổi trâu bùn chạy dài, lôi cọp đá về xích lại (1). Hình ảnh này có vẻ ứng hợp với năm Sửu năm Dần nào đó hơn bảy trăm năm trước, thời của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291). Chẳng phải xua đuổi hay xiềng xích gì loài thú, mà chỉ muốn nói cái tâm đã được thuần hóa, và mê vọng đã được giải trừ. Trong văn học Thiền, trâu bùn là tâm, cọp đá là vọng thức, không thật. Kiểm soát được tâm, giải trừ vọng hoặc, là bước đầu để hiển lộ chân tâm, từ đó mới có thể tự tại thong dong nơi hồng trần.
Trầm luân bao đời kiếp trong dòng sinh-tử. Có khi làm kẻ nghèo cùng lang thang, có khi làm người giàu có trong dinh thự nguy nga; có khi làm trâu làm ngựa kéo cày kéo xe, có khi làm chúa của muông thú trong rừng núi bạt ngàn; có khi là con chim hót trong lồng son, có khi là đại bàng soải cánh trên vòm trời vô tận; có khi là nghệ sĩ hát rong, có khi là con tằm nhả tơ vào hư không lộng gió… Lênh đênh triền miên trong biển đời thăng-trầm, vinh-nhục, khổ đau và hạnh phúc, tự hỏi, “nay mùa đông, mai mùa hạ, buồn chăng” (2). Và tự biết, một sớm mai khi gió về thổi tan băng tuyết, trăm hoa vẫn vậy, nở rộ dưới nắng xuân (3). Đó là tâm của người đã chạm đến chỗ không thể nghĩ bàn.
Tất cả chỉ từ một tâm. Tâm vẽ nên nỗi thống khổ và niềm hoan lạc của trần gian. Khi tâm định, mọi thứ sẽ định. Tâm an, thế giới sẽ an. Tâm xuân, sông núi biển trời sẽ ngập tràn hương sắc xuân. Và muôn người muôn vật chỉ có thể an bình hạnh phúc thực sự khi có được cái tâm định tĩnh, sáng rỡ như mặt trời, xua tan mọi ảo vọng mê chấp của nhân sinh.
California, trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022
Vĩnh Hảo
______________
(1) “Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu/Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi” (trong bài Nhập trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ), Huệ Chi dịch thơ là “Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi/Cọp đá lôi về, giây sắt giong.” Cọp đá ở đây được Huệ Chi chú thích theo “Thế Thần Ký” là người nước Sở, tên Hùng Cừ, đi đêm thấy tảng đá tưởng là cọp, giương cung bắn, rơi mất mũi tên vàng, sau trông lại mới biết chỉ là đá – cho rằng tác giả (Tuệ Trung) mượn ý này để chỉ những ai bám víu lấy ý niệm mê vọng. (Nguồn: Thơ Văn Lý Trần, tập II, trang 247 – 248, NXB Khoa Học Xã Hội, 1988).
(2) Khung Trời Cũ, thơ Tuệ Sỹ.
(3) “Tự đắc nhất triêu phong giải đống/Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài” (hai câu cuối của bài Nhập trần – Tuệ Trung Thượng Sĩ). Huệ Chi dịch thơ là “Rồi một ngày mai băng giá hết/Trăm hoa như cũ, gió xuân nồng.” Các chữ “lệ xuân đài” ở đây, Huệ Chi không dùng, hoặc đã dịch thoát là “gió xuân nồng” (chữ “gió” từ câu trước, chữ “nồng” có lẽ là dịch từ chữ “lệ”). Chữ “lệ” nghĩa đen là nước mắt, nghĩa bóng là ướt át, lưu luyến, lụy. Chữ “xuân đài” là đài xuân, ý tôn vinh mùa xuân, hay chúa xuân, ngự trị trên đài cao. “Xuân đài” ở đây thật khó dịch, chi bằng cứ để nguyên vậy. Cho nên Chúc Hiền đã dịch là “Trăm hoa vẫn cũ luyến xuân đài” (https://quangduc.com/p158a69437/83/nhap-tran). Chữ “lệ” dịch thoát là luyến (quyến luyến), cũng hay.
Xin chép lại bài Nhập Trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ làm quà xuân năm nay:
Nhập trần
Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai,
Hoàng sắc my đầu đỉnh đỉnh khai.
Bắc lý ưu du đầu mã phúc,
Đông gia tán đản nhập lư thai.
Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu,
Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi.
Tự đắc nhất triêu phong giải đống,
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.
(Tuệ Trung Thượng Sĩ)
Vào dòng cát bụi
Xăm xăm cát bụi bước vào vòng,
Vàng óng đầu mi, rướn rướn trông.
Bụng ngựa rong chơi, này xóm Bắc,
Thai lừa lạc bước, nọ nhà Đông.
Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi,
Cọp đá lôi về, giây sắt giong.
Rồi một ngày mai băng giá hết,
Trăm hoa như cũ, gió xuân nồng.
(Huệ Chi dịch)
(Photo by Quang Nguyen Vinh from Pexels)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.