Ý nghĩa con số 108 và câu chuyện về xâu chuỗi của Đức Phật

*Đọc 4 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Tràng hạt là một trong nhiều phương tiện tu tập của Phật giáo như chuông, mõ, khánh, trống, vân vân. Xâu chuỗi hay tràng hạt được gọi là Mala (tiếng Phạn-Sankrit), Nian-zhu (Trung Hoa), Yeom Joo (Đại Hàn), Nenju/Kanji (Nhật). Chuỗi tràng hạt có thể dùng như một pháp khí trong việc niệm Phật, tụng kinh. Hạt có thể làm bằng chất thảo mộc, trầm hương, đá thường, đá quý, thủy tinh, hay bằng nhựa plastic.

Khi niệm Phật thì nên lần tràng hạt để được chú tâm, nhưng không bắt buộc phải có tràng hạt thì mới niệm Phật được. Tuy nhiên, đối với người tu theo Tịnh Độ nên lần chuỗi hạt để tiện việc đếm số. Những người có nhiều nghiệp chướng, tâm chưa thuần nhất, còn đầy những vọng tưởng tạp loạn, thì việc dùng tràng hạt khi niệm Phật sẽ dễ định tâm hơn.

Phật giáo Bắc tông thường dùng chuỗi hạt với con số 108. Phật giáo Nam tông cũng dùng chuỗi tràng hạt như trường hợp ở Miến Điện. Phật giáo Tây Tạng dùng chuỗi với 108 hạt. Đôi khi chuỗi 21 hay 28 hạt của người Tây Tạng cũng được dùng nhưng loại chuỗi ngắn chủ yếu là để đếm số lạy Phật.

Về biểu tượng của số hạt trong chuỗi, con số 108 tượng trưng cho 108 phiền não (tiếng Phạn là Klesa, tiếng Anh là Vexation) của người phàm (và cả thánh nhân), và có một vài cách giải thích khác nhau nhưng cùng đưa đến con số 108.

Theo một cách giải thích thì khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) dễ bị giao động bởi lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) đưa đến lục thức không thanh tịnh (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Sáu căn, sáu trần, và sáu thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18). Con số này (18) nhân với sáu phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến) thì là số thành 108.

Một cách giải thích khác là lục căn tiếp xúc lục trần đưa đến lục giác (tức sáu giác gồm thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, cảm giác, và thức giác), rồi nhân làm ba, tức ba loại phản ứng (lạc-vui, khổ-buồn, vô ký) thì cho con số 18. Mười tám nhân hai, tức hai thể (thiện hay bất thiện) thì có con số 36. Ba mươi sáu nhân ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai thì là con số 108 phiền não.

Ai trộm xâu chuỗi của Phật?

(Photo by Sher Pil/ Pinterest)

Nhân nói đến tràng hạt, có một chuyện ngụ ngôn với ý nghĩa tượng trưng chứ không hẳn là chuyện có thật. Câu chuyện như thế này. Có một ngôi chùa được nổi tiếng nhờ có thờ một sợi chuỗi mà Phật Thích Ca Mâu Ni từng đeo. Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và bảy đệ tử biết mà thôi.

Bảy người đệ tử đều tu tập rất tinh tấn, đạo lực khá cao, và vì vậy mà thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong họ đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp.

Một ngày kia, không ngờ sợi chuỗi đột nhiên biến mất. Thầy trụ trì bèn hỏi các đệ tử, “Các con, ai đã lấy sợi chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội.”

Các đệ tử đều lắc đầu. Bảy ngày trôi qua, sợi chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói, “Chỉ cần ai đó nhìn nhận, sợi chuỗi sẽ thuộc về người đó.“ Lại trải qua bảy ngày, vẫn không ai lên tiếng.

Thầy trụ trì bày tỏ sự thất vọng khi nói, “Ngày mai các con hãy rời khỏi chùa và xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy sợi chuỗi ta cho phép ở lại đây.”

Qua ngày hôm sau, sáu đệ tử thu dọn xong hành lý, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại.

Thầy trụ trì hỏi vị đệ tử ở lại, “Sợi chuỗi đâu?”

“Con không lấy.”

“Vậy sao con ở lại để chuốc lấy tiếng trộm cắp cho mình?”

“Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, không khí bất hòa, xào xáo. Nếu có người đứng ra nhận ăn cắp thì mới có cách giải quyết cho chuyện này. Thế nên con xin nhận tiếng xấu để cho các huynh được yên lòng.”

Nghe vậy, thầy trụ trì mới nói, “Sợi chuỗi tuy mất, nhưng Phật vẫn còn đây.” Nói xong, thầy lấy sợi chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.

Câu chuyện trên không chắc chính xác, vì Phật Thích Ca không chắc đã đeo xâu chuỗi vào thời của Ngài. Tuy nhiên, chuyện nói lên sự hiểu biết về vô ngã của người đệ tử chấp nhận mang tiếng xấu, vì người đã thực sự tu hành thì không còn cái ngã để mà chấp, để sợ thiên hạ chê cười “cái tôi” của mình.

*

From Bhikkhuni Tịnh Quang’s Facebook:

108 Prostrations; 108 beads on a mala; 108 moves in Tai Chi
We have 6 doors of perception: sight, sound, smell, touch, taste and thought.
There are 3 aspects of time: past, present and future.
There are 2 conditions of the heart/mind: pure or impure.
There are 3 possible attitudes: like, dislike and indifference.
We use this formula 6 x 3 x 2 x 3 = 108 movements to cut through our Karma. https://pranachic.com/…/why-108-the-mysterious…

In Buddha-Dharma, it is also believed that the road to nirvana is laden with exactly 108 temptations. So, every Buddhist has to overcome 108 earthly temptations to achieve nirvana. In addition, the ring of prayer beads worn around the waist of Zen priests is usually made of 108 beads.

https://pranachic.com/…/why-108-the-mysterious…


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *