Bài Thiện Quả ĐÀO VĂN BÌNH
Hiện nay đang có sự tranh luận của hai vị Thượng Tọa Thích Nhật Từ và Thích Phước Tiến ở trong nước về danh xưng “Phật Giáo Hòa Hảo” và cho rằng Đạo Hòa Hảo không phải là Phật Giáo (Buddhism). Những bài thuyết pháp này đã dấy lên gần như một phong trào phản đối của các tín đồ Hòa Hảo.
Tôi không tham gia vào cuộc tranh luận và cũng không có ý kiến cho rằng hai bên đúng hoặc sai. Tôi chỉ đưa ra nhận định rằng muốn mang hai chữ “Đạo Phật” hay “Phật Giáo” cho tổ chức của mình, tổ chức đó cần có những điều kiện gì?
Hiện nay Phật Giáo hay Đạo Phật (Buddhism) đang trở thành một thôi thúc của nhân loại giữa khi bạo lực, dâm ô, thù hận, chia rẽ gia tăng trên quy mô toàn cầu và nhân loại đang đứng trước nguy cơ tự hủy diệt. Vào năm 2000, lần đầu tiên Đại Lễ Vesak đã được long trọng tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Thành Phố New York, Hoa Kỳ với sự tham dự của các tông môn Phật Giáo thuộc 34 quốc gia.Việc Liên Hiệp Quốc biểu quyết công nhận ngày Tam Hợp (Vesak) đã xác nhận Phật Giáo là một trong những tôn giáo lớn toàn cầu mà hơn 2000 năm đã đóng góp cho nền hòa bình thế giới. Theo nhà bác học Albert Einstein, Phật Giáo đang dần trở thành lương tâm của nhân loại.
Để xứng đáng là một tôn giáo với tầm vóc quốc tế như thế và muốn có một danh xưng vĩ đại “Buddhism “ như thế, tổ chức tôn giáo nào muốn có hai chữ “Phật Giáo” hay “Đạo Phật,” theo tôi, nó phải hội đủ các điều kiện như sau:
- Về phương diện hình danh, sắc tướng
1) Nó phải tôn trọng ngọn cờ Phật Giáo Quốc Tế. Một tổ chức nếu gọi là “Phật Giáo” thì không thể có ngọn cờ riêng. Ngọn cờ quốc tế này là để nhận nhau, anh em một nhà, cùng là đệ tử của Phật. Đạo Hòa Hảo thờ mảnh vải màu nâu và đây là biểu tượng linh thiêng giống như “đạo kỳ” của họ.
2) Tất cả các quốc gia Phật Giáo trên toàn thế giới đều thờ hình tượng của vị giáo chủ của mình đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tất cả các thiền đường rất tân tiến của Tây Phương hay trên toàn thế giới đều trang trí tượng hay hình Đức Phật. Không thờ Phật mà thờ một hình tượng khác thì không thể gọi đó là “Đạo Phật.” Các bàn thờ của Đạo Hòa Hảo không có hình tượng Phật Thích Ca mà chỉ có một tấm vải màu nâu, bên cạnh là hình của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ.
Các đại hội Phật Giáo thế giới đều trang hoàng hình ảnh của Đức Phật mà không hề có hình ảnh nào khác vì tất cả đều công nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị giáo chủ duy nhất. Theo National Geographic Society, “Buddhism is one of the world’s major religions. It originated in India in 563–483 B.C.E. with Siddhartha Gautama, and over the next millennia it spread across Asia and the rest of the world.”
Như vậy không thể nào có cái gọi là Buddhism mà lại do một người nào khác Đức Phật Thích Ca sáng lập. Thái Tử Tất Đạt Đa là vị sáng lập duy nhất, là giáo chủ duy nhất của Đạo Phật và không một ai có thể tự nhận mình là “giáo chủ” của Phật Giáo. Họ là “giáo chủ” của một tôn giáo khác thì không sao chứ không thể nào là “giáo chủ” của Phật Giáo được.
3) Các tông phái của Phật Giáo như Thiền Tông, Tịnh Độ, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Mật Tông, Nam Truyền (Tiểu Thừa) hay Bắc Truyền (Đại Thừa) đều đọc tụng kinh điển của Phật, tu theo kinh giáo của Phật mà không bao giờ đọc tụng lời thuyết giảng của một vị khác trong khi hành lễ. Trong các pháp thoại hay trong các bài luận giảng, các giảng sư có thể trích dẫn lời của chư Tổ để giảng dạy đồ chúng. Nhưng những lời giảng dạy này không thể thay thế kinh điển của Phật. Không đọc tụng, giảng thuyết, truyền bá lời dạy của Đức Phật thì không phải là tín đồ đạo Phật và tổ chức đó không thể gọi đó là Đạo Phật hay Phật Giáo. Khi một phóng viên quốc tế đến hỏi chúng ta theo đạo nào? Giáo chủ là ai? Nếu chúng ta nói rằng tôi theo Đạo Phật và giáo chủ của tôi là ông A, B, C nào đó chứ không phải Đức Phật Thích Ca, thì chắc chắn phóng viên đó sẽ nói rằng ông không phải là Buddhist (Phật tử) và đạo ông theo không phải là Budhism (Phật Giáo).
4) Ngay hàng đệ tử Phật gọi là “cư sĩ” dù tại gia cũng phải có bàn thờ Phật, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Chúng ta không thể gọi là “cư sĩ” nếu nhà không có bàn thờ Phật và tu theo pháp môn Phật. Dù có ăn chay trường cũng không thể gọi đó là “cư sĩ” bởi vì có hàng triệu, hàng triệu người ăn chay trên toàn thế giới này nhưng họ chằng biết Phật Giáo là gì. Ăn chay nhiều khi chỉ là cách dinh dưỡng do thói quen, do bệnh tật hay để bảo vệ sức khỏe mà thôi. Ăn chay không phải là điều kiện cần có, phải có của một Phật tử. Thấy một người ăn chay đừng vội gọi đó là “cư sĩ” dù là ăn chay trường.
- Về phương diện tâm linh hay lý tưởng
Phật Giáo là một giáo lý, một hệ thống triết học vĩ đại. Đức Phật là một đạo sư hy hữu, thầy dạy của hai cõi Trời-Người mà thế gian này không một ai sánh bằng (Vô Thượng Sĩ). Tôi chưa từng thấy một sa môn, tỳ kheo, thiền sư đắc đạo từ hơn 2000 năm nay trên toàn thế giới dám tự nhận mình là Phật hay sánh ngang bằng với Phật. Ngay đức vua Trần Nhân Tông tu hành đắc quả cũng không thể sánh ngang hàng với Phật.
Còn ngày nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một biểu tượng cho lương tâm và từ bi của thế giới, khi các nhà báo Tây Phương gọi ngài là “Phật Sống” (Living Buddha) thì ngài đã nói rằng, “Đừng có ba lơn gọi tôi là Phật Sống. Tôi chỉ là đệ tử của Đức Phật.”
Tất cả những ai tự xưng mình là Phật, ngang hàng với Phật hoặc hơn Phật hoặc Phật tái sinh đều là lộng ngôn, lừa mị. Nói vài câu trong kinh Phật, phán vài câu sấm truyền vu vơ về chiến tranh, dịch bệnh, dùng nước lã để chữa bệnh cho một vài người… rồi tự xưng mình là Phật tái thế thì đúng là phỉ báng Phật. Những ai tự nhận mình là “Phật tái thế” thử xét xem tướng mạo của mình ra sao? Thân thế như thế nào? Đã sáng tạo ra hệ thống tư tưởng gì? Đã hành đạo và sống như thế nào? Đã thu nhận bao nhiêu đệ tử là những đạo sư lỗi lạc đương thời của ngoại đạo? Đã thu nhận 13 quốc vương đương thời quy y, làm đệ tử chưa? Và khi chết, thân xác sau khi thiêu đốt, những gì còn lại (xá lợi) có được các quốc vương tranh nhau xin, đem về để trong tháp miếu tôn thờ không?
Muốn là Phật Giáo tinh ròng, Phật Giáo đích thực hay “Chánh pháp nhãn tạng” một tổ chức phải có những đặc điểm tinh thần như sau:
– Giá trị quốc tế và cốt lõi của Đạo Phật không nằm ở sự rao giảng về luân lý đạo đức gia đình, cách cư sử với cha mẹ, anh em, bạn bè, bà con láng giềng mặc dù Đức Phật đã nói rất nhiều về các điều này. Dân tộc nào cũng có truyền thống đạo đức tốt đẹp của họ. Đưa các vấn đề này lên các diễn đàn quốc tế là thừa. Một giáo hội Phật Giáo chân chính muốn có chỗ đứng trên trường quốc tế phải xiển dương lý tưởng Hòa Bình. Hàng xuất gia hay tại gia cả đời cũng phải hướng theo và hy sinh cho lý tưởng này. Giá trị của Đạo Phật trên toàn thế giới là giáo lý Hòa Bình. Đạo Phật là tôn giáo Hòa Bình và là sứ giả của Hòa Bình.
– Phải xiển dương giáo lý Từ Bi. Từ Bi không bằng lời nói mà bằng hành động. Đức độ Từ Bi có thể nhìn thấy qua hành, động cử chỉ, lối sống, cách cư sử trong cuộc sống này của tăng/ni.
– Vì “Pháp Phật không hề có thấp cao” cho nên Đạo Phật chủ trương:
– Không kỳ thị chủng tộc, mọi chủng tộc đều bình đẳng.
– Không kỳ thị phái tính. Nam nữ đều bình đẳng.
– Phá bỏ giai cấp trong xã hội. Theo Phật, vua, quan, thứ dân, công nhân, nông dân…chỉ là sự phân công trong xã hội. Nó không phải là chuẩn mực để phân định giai cấp.
– Không bạo động, kích động bạo lực, không cổ vũ chiến tranh.
– Mọi tổ chức, mọi đoàn thể, mọi quốc gia nên giải quyết mọi mâu thuẫn qua đối thoại trong tinh thần Lục Hòa.
– Đạo Phật là đạo bảo vệ môi trường và sống hòa thuận với thiên nhiên. Khuyến khích ăn chay để bảo vệ trái đất. Bảo vệ các loài muông thú trong tinh thần Từ Bi vì thú vật cũng có cuộc sống và tình cảm như chúng ta. Ngày nay sự tàn phá và ô nhiễm môi trường đang gây thảm họa cho nhân loại.
– Đạo Phật là đạo của trí tuệ cho nên Phật Giáo là đạo của giải phóng tư tưởng, thoát khỏi sự kìm kẹp của thần quyền, phá bỏ mê lầm. Không có tư tưởng nào là cấm kỵ trong đạo Phật. Đạo Phật là đạo phá bỏ sự cuồng tín và mê tín. Tin vào tiên tri, thần linh, sấm truyền, vào cái gì không có, hoặc không thể thực hiện được gọi là mê tín. Dùng cả thân mạng mình để bảo vệ sự mê tín gọi là cuồng tín. Ngay cả việc tin vào giáo lý một cách điên cuồng cũng gọi là cuồng tín. Đức Phật dạy rằng giáo lý không phải là cứu cánh, nó chỉ là “Ngón tay chỉ mặt trăng”. An vui, hạnh phúc và giải thoát cho con người mới là cứu cánh. Tất cả các hệ phái, nhánh, tổ chức nào mà còn cuồng tín, chấp trước vào giáo lý của mình thì đều không phải là Phật Giáo. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề “Pháp cao thượng còn xả bỏ huồng hồ không phải pháp.”
Thế giới ngày hôm nay đang kinh hoàng về nạn cuồng tín. Cuồng tín, trong cộng đồng sẽ đưa tới chia rẽ, thù hận. Giữa các quốc gia sẽ đưa tới chiến tranh hiện đang xảy ra trên quy mô toàn cầu.
– Đạo Phật là đạo vừa xuất thế vừa nhập thế. Xuất thế là xa lìa sự hung bạo, gian trá, ác độc, tội lỗi của thế tục và những gì tạo khổ đau cho con người. Nhập thế là hành đạo, thuyết giảng làm gương mẫu để cho con người xa lìa những thứ “ác trược” này để xây dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc giống như Tịnh Độ Trần Gian hay Niết Bản Tại Thế.
– Đạo Phật theo chiều dài lịch sử hơn 2000 năm, không bao giờ chủ trương thành lập đảng phái hay lực lượng võ trang để mưu đồ chính trị. Nếu dùng tôn giáo để mưu đồ chính trị thì đó là Hồi Giáo (Islam) hay đạo khác chứ không phải Phật Giáo. Trong suốt 45 năm hành đạo, Đức Phật không hề chỉ trích bất cứ sự cai trị của một ông vua nào. Ngài chỉ nói về những gì mà các nhà lãnh đạo phải làm để đất nước hưng thịnh, nhà nhà sống trong an vui, hạnh phúc.
Theo Wikipedia tiếng Việt “Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Huỳnh Phú Sổ và một số trí thức thiên tả có khuynh hướng dân tộc thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã Đảng.” Tại Miền Nam, trong một thời gian rất dài từ 1954-1975, Đạo Hòa Hảo đã là một sức mạnh chính trị rất lớn qua Dân Xã Đảng mà một số chức sắc cao cấp trong Tổ Đình đã trở thành nghị sĩ hay tổng trưởng trong chính phủ.
-Trong Phật Giáo không hề có sự căm thù, trả thù. Tất cả sự đau khổ ở thế gian này là do Nghiệp-Duyên tạo nên và phải hóa giải bằng Tình Thương, Trí Tuệ và Từ Bi. Tất cả tổ chức nào mà còn mưu đồ chính trị, khích lệ đồng đạo nuôi dưỡng hận thù, trả thù – mà lại trương bảng hiệu Phật Giáo thì chính là sự phỉ báng Phật Giáo.
- Tóm lại
Đạo Phật/Phật Giáo vĩ đại và linh thiêng như thế đó. Giá trị cốt lõi của nó đang được quốc tế ghi nhận và trân trọng. Vậy thì những tổ chức tôn giáo nào muốn khoác danh xưng “Phật Giáo” phải hết sức thận trọng. Nó phải hội đủ những điều kiện như trên mà không một miễn trừ nào. Không thể có chuyện rao giảng về Từ Bi nhưng lại khích lệ trả thù cho đồng đạo bị giết. Phật Giáo chân chính cũng không bao giờ khích lệ căm thù giữa hai dân tộc cho dù hai quốc gia đang giao chiến. Đạo Phật là đạo Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ và Viên Mãn Mười Phương Cõi. Ở đâu cũng thế, cũng chỉ có một giáo lý của Đức Phật Thích Ca mà thôi. Một tu sĩ Phật Giáo ở Phi Châu, Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tích Lan hay Việt Nam… pháp tu, tông phái có khác nhưng đều như nhau Và không thế có một Đạo Phật thứ hai. Phải suy nghĩ như thế, hành động như thế mới là một tín đồ Phật Giáo chân chính.
Bài viết này chỉ có mục đích cùng nhau “kiến hòa đồng giải” để tìm hiểu sự thật. Sự thật sẽ soi sáng cho trí tuệ. Mà trí tuệ là mạng sống của Đạo Phật. Cảm tính, niềm tin không phải là cốt tủy của Đạo Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mô Ni Phật,
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát,
(California ngày 20/7/2021)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.