Tỉnh thức với tâm không biết

*Đọc 11 phút*

Bài NGUYÊN GIÁC

Chủ đề bài này là nói về tỉnh thức với tâm không biết. Như thế, nghĩa là những gì rất mực mênh mông, vì cái biết luôn luôn là có hạn, và cái không biết luôn luôn là cái gì của vô cùng tận. Cũng là một cách chúng ta tới với thế giới này như một hài nhi, rất mực ngây thơ với mọi thứ trên đời. Và vì, bài này được viết trong một tỉnh thức với tâm không biết, tác giả không đại diện cho bất kỳ một thẩm quyền nào. Độc giả được mời gọi tự nhìn về thế giới trong và ngoài với một tâm không biết, nơi dứt bặt tất cả những tư lường của vô lượng những ngày hôm qua, nơi vắng lặng tất cả những mưu tính cho vô lượng những ngày mai, và là nơi chảy xiết không gì để nắm giữ của vô lượng khoảnh khắc hôm nay. Khi tỉnh thức với tâm không biết, cả ba thời quá, hiện, vị lai sẽ được hiển lộ ra rỗng rang tịch lặng như thế. Đó cũng là chỗ bà già bán bánh dẫn Kinh Kim Cang ra hỏi ngài Đức Sơn về tâm của ba thời.

Duyên khởi của bài này là, mới tuần trước, đạo hữu Quí Lê có gửi qua email hai đoạn văn tiếng Anh của ngài Krishnamurti, và ghi nhận: “Đây giống như công án nhà Thiền mà thiền sinh thường tư duy.” Khi dò tìm qua mạng, thì biết hai đoạn này trích từ sách “The Book of Life” của J. Krishnamurti” và là đề mục của ngày 20 tháng 12.

Nơi đây, xin dịch sang tiếng Việt như sau:

Tôi không biết…

“Nếu một người có thể thực sự tới trạng thái nói rằng, ‘Tôi không biết,” nó cho thấy một cảm thức dị thường của khiêm tốn; không có cái kiêu hãnh của kiến thức; không có câu trả lời khẳng định tự ngã để gây ra ấn tượng. Khi bạn có thể thực sự nói, ‘Tôi không biết,’ mà rất ít người có khả năng nói như thế, rằng trong trạng thái đó tất cả sợ hãi đã ngưng lại bởi vì tất cả cảm thức của sự công nhận, sự tìm kiếm vào ký ức, đã tới chỗ kết thúc; không còn tìm kiếm gì nữa vào những cái đã được biết. Thế rồi, một điều dị thường hiển lộ ra. Nếu bạn cho tới giờ lắng nghe điều tôi nói, không chỉ bằng lời nói, nhưng nếu bạn đang thực sự kinh nghiệm nó, bạn sẽ thấy rằng khi bạn có thể nói, ‘Tôi không biết,’ tất cả [mạng lưới] nhân duyên ngưng lại. Và lúc đó cái gì là trạng thái của tâm?

Chúng ta đang tìm kiếm những gì vĩnh cửu – nói vĩnh cửu trong ý nghĩa thời gian, những gì bền vững, những gì trường tồn mãi mãi. Chúng ta thấy rằng mọi thứ về chúng ta là vô thường, là trôi chảy, là đang sinh ra và đang lụi tàn, và đang chết đi, và cuộc tìm kiếm của chúng ta luôn luôn là để dựng lập một điều gì để bền vững trong những cái đã được biết. Nhưng rằng, cái linh thánh thực sự là siêu vượt qua những đo lường của thời gian; nó không được tìm thấy trong những cái đã được biết.” (1)

Người viết đã trả lời email đạo hữu Quí Lê rằng: “Hay quá. Tuyệt vời. Lần đầu tiên H. đọc thấy đoạn văn này. Đúng là Thiền Tông. Không gì khác. Cảm ơn. Kính thân.” Nhưng không chỉ là Thiền Tông, đó cũng là lời Đức Phật dạy nhiều lần trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (2), những bài kinh Đức Phật cho chư tăng tụng hàng ngày trong các năm đầu tiên thành lập tăng đoàn.

Đọc như thế, mới chợt nhớ tới Abhidharmakośakārikā (A-tì-đạt-ma-câu-xá luận) với 600 bài kệ của ngài Vasubandhu soạn từ thế kỷ thứ 4 hay 5. Về sau bộ luận này được ngài Samathadeva đúc kết thành một cẩm nang gọi là Upāyikā, có tính cô đọng, trong đó bản Tạng ngữ duy nhất còn lại đang được dịch ra Anh văn. Có một phẩm đặc biệt, mang ký số là “Upāyikā 9.004” chỉ có một dòng chữ: “Consciousness arises in dependence upon whatever causes and conditions.” (Dịch: Thức khởi dậy, dựa vào các nhân và các duyên.) (3)

Chỉ một câu như thế thôi, chỉ một dòng chữ thôi. Để chỉ vào cội nguồn Tứ Đế. Như thế, toàn bộ Khổ Đế và Tập Đế là nhân và duyên khởi dậy. Như thế, toàn bộ Đạo Đế và Diệt Đế là khi tịch lặng các nhân và các duyên này. Và ngay khi đó, là lời dạy cốt tủy của Đức Phật. Nơi đây, không có lối vào, theo Thiền Tông. Vì tất cả các phương pháp tu hành mà Đức Phật phương tiện dạy, chỉ là ngón tay chỉ trăng. Nói không có lối vào, là nói tất cả các lối đi đều nương vào thức. Nhưng khi, ngay những người đời thường như chúng ta, nói rằng, “Không biết nữa, xin thôi.” Hễ lúc đó lặng lẽ nhìn vào tâm không biết, thì ngay khi đó sẽ vắng bặt tham sân si, vì tham sân si luôn luôn sinh khởi từ những cái được biết, là dựa vào những cái được thấy, được nghe, được cảm thọ và được thức tri. Chính là lời ngài Trần Nhân Tông nói rằng khi đối cảnh (tỉnh thức với nội xứ và ngoại xứ) mà vô tâm được (tỉnh thức với tâm không biết) thì chẳng cần gì tới cái gọi là thiền. Bất kỳ ai cũng có thể tự nghiệm ra, tùy mức độ. Nơi đây, cũng là hoàn mãn Bát Chánh Đạo, vì trong cái tỉnh thức nhìn vào tâm không biết, không một mảy may nào của tham sân si dấy lên nữa: tất cả tham sân si đều là những trận mưa bụi của thức ngày hôm qua.

Khi có được kinh nghiệm như thế, sẽ dễ dàng kinh nghiệm Chương 2 trong sách Trung Luận của ngài Long Thọ. Trong đó, bản Việt dịch của Thầy Thích Thiện Siêu là “Phẩm 02: Quán Về Đi Lại” (4) — trong khi bản Anh dịch của Jay L. Garfield là “Chapter II: Examination of Motion.” (4)

Nơi đây, bạn sẽ hạnh phúc vô cùng khi trải qua kinh nghiệm rằng khi đang bước, đang đi, đang nhấc chân lên, đang đặt chân xuống, đang chuyển động… nhưng đồng thời cũng thấy rằng không hề có cái gì đang đi, không hề có cái gì gọi là đi, không hề có cái gì gọi là chuyển động. Tứ Thánh Đế hiển lộ ra như thế, chuyển động nhưng rất là rỗng rang tịch tặng.

Trong trường hợp học nhân không ngộ được ý chỉ, không kinh nghiệm được như các chỗ vừa nói, ngài Long Thọ (600-650) trao một phương tiện quán tâm, trong phần Tứ Niệm Xứ của sách Maha Prajnaparamita Sastra (Luận Thư Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa). Nơi đây, chúng ta chỉ dịch phần Niệm Tâm, dựa vào bản Anh dịch của đại sư Gelongma Karma Migme Chödrön trong ấn bản 2001. Cũng nên ghi nhận, nơi đây, ngài Long Thọ không hoàn toàn dạy niệm tâm như truyền thống, mà là chỉ vào thực tướng vô tướng, chỉ vào pháp ấn vô ngã. Bởi vì, trong cái tỉnh thức rỗng rang này: niệm tâm mà không thấy còn tâm nào để niệm, mới thực là niệm tâm pháp ấn. Xin dịch như sau.

Niệm tâm. Niệm tâm là gì đối với bồ tát? Bồ tát quán sát nội tâm. Nội tâm có 3 đặc tướng: sinh, trụ và diệt. Hãy nghĩ thế này: ‘Tâm này không tới từ đâu, và khi biến mất thì không đi về bất cứ đâu. Nó khởi dậy từ một mớ rối bời phức tạp của nội và ngoại của nhân và duyên.’

Tâm này không cố định, không có thực tánh, không hề có thực là sinh, trụ hay diệt; nó không hiện hữu thực ở quá khứ, tương lai hay hiện tại. Tâm này không ở trong, không ở ngoài, không giữa trong/ngoài. Tâm này cũng không có tự tánh, không có đặc tướng, và không có gì sinh khởi hay bất cứ gì làm cho nói sinh khởi. Bên ngoài, có nhiều nhân và duyên chằng chịt nhau, tức là có 6 xứ (ND: tức là, 6 cảnh gặp 6 căn); còn bên trong, là vọng tưởng. Nhưng vì sự tiếp nối liên tục của sinh diệt, tên gọi là tâm (citta) theo thói quen gọi cho tất cả các pháp vừa nói.

Tự tánh thực của tâm không hề hiện hữu trong tâm này. Trong tự tánh của nó, tâm không hề sinh ra và cũng không hề diệt. Tâm này luôn luôn sáng chiếu, nhưng, vì ái dục bám vào, cho nên chúng ta nói [một cách sai lầm] về một tâm ô nhiễm. Tâm không tự nhận biết chính nó. Tại sao? Bởi vì tâm này trống rỗng, không có đặc tính nào của tâm. Từ khởi đầu cho tới tận cùng, tâm này không có tánh thực nào cả.

Tâm này không nối kết, cũng không tách lìa các pháp. Nó không hề có gì trước, hay sau, hay giữa. Nó không có màu sắc, không hình dạng, không đối kháng. Nó sinh khởi chỉ từ các lỗi lầm và sai trật. Tâm này thì trống rỗng, không hề có cái gì là ‘tôi’ hay ‘của tôi’; nó vô thường và không thật. Đó là xem xét về tâm.

Nhận biết rằng bản tánh của tâm là vô sanh là vào được ‘các pháp vô sanh’. Tại sao? Bởi vì tâm không hể có sinh, không hề có bản tánh nội tại nào, và cũng không hề có đặc tướng nào. Người trí có thể biết nó. Và mặc dù người trí xem xét các đặc tính sanh và diệt của tâm này, sẽ không tìm ra cái sinh khởi thực, cũng không tìm ra cái tịch diệt thực. Không tìm ra bất kỳ nhiễm ô nào, cũng không hề tìm ra thanh tịnh nào trong đó, người trí nhận ra táng sáng chiếu của tâm, tánh sáng chiếu từ giới hạnh mà trong đó tâm không bị ô nhiễm bởi ái dục.

Đó là cách bồ tát quán sát nội tâm, và tương tự với ngoại tâm, và cả nội tâm và ngoại tâm.(5)

Cứ quán sát như thế, cứ tự nhìn như thế. Nhìn vào khi thức khởi dậy của tâm nhận biết bên trong, và rồi của tâm nhận biết bên ngoài. Rồi sẽ nhận ra cái tâm vốn rỗng rang, vốn tịch lặng, cái tâm không hề sanh khởi. Cũng là cái tâm bao trùm cả “có niệm” và “không niệm” và là cái tâm bất động, y hệt như tánh chiếu của gương, hiện ra tất cả mọi cảnh di động sinh diệt nhưng tánh gương vẫn bất động, không từng suy suyển xê dịch. Và hiển lộ của tánh này chính là cái tâm không biết, cái tâm của sự ngây thơ cực kỳ. Chính ngay ở cái nhìn đó, tất cả các pháp hiện ra thực tướng chính là không hề có tự tánh gì. Tất cả chỉ như chùm bọt sóng, như khói sương mai, như quáng nắng chiều, như tia điện chớp.

Nơi đây xin ghi lại một đoạn ở trang 115 từ sách “Thiền sư Nhẫn Tế: 80 Năm Kỷ Niệm Tây Du Phật Quốc” nơi bài Dưới Chân Thầy do sư huynh Nhứt Như Thị Giới kể về Thầy Thích Tịch Chiếu (cũng là bổn sư của người viết):

Có lần Thầy đang ngồi đốt vàng mã do một Phật tử nhờ, một người thấy vậy đến hỏi Thầy: “Thầy tin việc này sao Thầy?” Thầy chỉ ngôi chùa, trả lời: “Ông tưởng ngôi chùa nầy là thật hay sao?”…” (6)

Chúng ta có thể đơn giản nghĩ như thế này. Chúng ta sinh ra tại một quốc độ, trong một gia đình, một thị trấn, được đặt cho một tên gọi, rồi vào học một vài trường, lớn lên trong một xã hội, từ đó chúng ta trở thành dị biệt nhau. Hoặc là người Nam, Trung hay Bắc. Hoặc học nhiều hay ít. Hoặc ưa ca vọng cổ, hay hò Huế, hay quan họ. Theo khẩu vị từ nhỏ, chúng ta hoặc ưa thích ăn cơm, hay mì sợi, hay bánh mì. Tất cả các nhân duyên chằng chịt nhiều đời đã đưa chúng ta vào nơi này, nơi kia, tập nhiễm để sống theo mô hình này, mô hình kia. Cứ mỗi ngày, lại trùm vào người thêm một lớp vỏ. Nhưng rồi một hôm, được đọc Kinh Phật, được Đức Phật dạy rằng hãy buông bỏ hết tất cả những gì không phải là ta, là của ta. Y hệt như lột vỏ thân cây chuối, thức dù là quá khứ, hiện tại hay vị lai đều là rỗng không, y như trò chơi ảo thuật, hễ nắm giữ ảo hóa chỉ là dày đặc thêm sinh tử luân hồi.

Như thế, hãy tự lột vỏ chuối thì sẽ thấy lõi cây chuối sẽ là không. Thấy được thức là từ nhân duyên, sẽ tự thấy ngay tâm không biết, và chính ngay nơi tâm này thức sẽ không có gì để bám víu. Chỗ này, nhà sư Dogen (Đạo Nguyên) của Tào Động Nhật Bản gọi ngắn gọn là “Buông bỏ thân tâm.”

Như thế, tỉnh thức với tâm không biết này, sẽ không còn thức nào có chỗ trụ. Đức Phật trong Kinh SA 63, bản dịch hai thầy Tuệ Sỹ – Đức Thắng là:

Này Tỳ kheo, Ta nói thức không trụ Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn bên, trên, dưới, ngoại trừ ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết-bàn, diệt tận, tịch tĩnh, thanh lương.” (7)

Hãy hình dung rằng mình đang tự lột bỏ hết tất cả những cái đã biết. Lúc đó sẽ không còn thấy mình là Đông, Tây, Nam hay Bắc, không còn thấy mình là vọng cổ hay quan họ, không còn thấy mình là Tây, Tàu, Mỹ, Việt, Hàn, Nhật… gì nữa. Chỉ còn là một đạo nhân trần trụi giữa cuộc đời này. Khi không còn một thức nào dính vào sắc thanh hương vị xúc pháp nữa, chính nơi đó ngay cả một lời cũng không bận tâm để mở miệng. Lúc đó tâm hành giả sẽ kinh nghiệm được tịch tĩnh, thanh lương, và khi nào diệt tận thì đó là Niết Bàn, như lời Đức Phật dạy.

Tới đây, một câu hỏi có thể khởi dậy: sao không vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền? Than ôi, khi đã thấy được tâm không bệnh, thấy cái tâm chưa từng vướng bệnh, thì uống thuốc chữa trị cái gì nữa. Đức Phật gọi đó là các trường hợp giải thoát thuần túy bằng tuệ, gọi là tuệ giải thoát.

Kinh này là SN 12.70. Ngài Susima do ngoại đạo gài vào xuất gia để học pháp Phật. Ngài Susima nhìn thấy nhiều vị Tỳ kheo tới trước Thế Tôn và tuyên bố như sau: “Chúng tôi biết rõ rằng: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.’” Đức Phật ấn khả, chấp nhận.

Tỳ kheo Susima mới hỏi các vị tỳ kheo, và được quý vị này trả lời rằng, quý ngài không đắc thần túc thông, không đắc thiên nhĩ thông, không đắc tha tâm thông, không nhớ về kiếp trước, không đắc thiên nhãn, không đắc định Sắc giới, không đắc định Vô sắc giới… nhưng thật sự các vị đều đã là bậc A la hán, đã vào Niết Bàn dư y, và đã vượt khỏi ba cõi sáu đường. Câu trả lời của các vị này cho Tỳ kheo Susima là: “Thưa Hiền giả Susīma, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.

Ngài Susima mới hỏi trực tiếp Đức Phật rằng tuệ giải thoát là gì. Đức Phật trả lời: “…trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn.” (theo bản dịch Kinh SN 12.70 của Thầy Minh Châu). Bản Anh dịch Sujato là: “Susīma, first comes knowledge of the stability of natural principles. Afterwards there is knowledge of extinguishment.” Bản Anh dịch Bodhi là: “First, Susīma, comes knowledge of the stability of the Dhamma, afterwards knowledge of Nibbāna.” (8)

Kế tiếp, Đức Phật giải thích thêm cho ngài Susima, rằng pháp trú là thấu triệt pháp ấn “vô thường, khổ, vô ngã” trong tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và đó là tuệ giải thoát. Lúc đó là ly tham, vì không gì còn dính nữa được.

Như thế, trong cái tỉnh thức lìa tham sân si này, không cần phải ngồi, không cần phải mài luyện cầu kỳ. Chỉ đơn giản là tỉnh thức với cái tâm lìa tham sân si đó bằng cái thấy nghe hay biết, mà không dính gì vào sắc thọ tưởng hành thức. Trong cách này, Thiền Tông đã trao ra một cây gậy đi đường là tỉnh thức với tâm không biết. Ngay khi đó, đi đứng nằm ngồi mà không hề thấy có cái gì đi đứng nằm ngồi, cũng không hề thấy có tướng đi đứng nằm ngồi, và đó là cái tịch lặng, cái hạnh phúc vô bờ bến.

GHI CHÚ:

(1) Krishnamurti. I do not know: http://legacy.jkrishnamurti.org/krishnamurti-teachings/view-daily-quote/20111220.php  

(2) Kinh Nhật Tụng Sơ Thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi

(3) Upāyikā 9.004: https://suttacentral.net/up9.004/en/dhammadinna

(4) HT Thích Thiện Siêu, Trung Luận: https://thuvienhoasen.org/p19a15697/pham-02-quan-ve-di-lai

Garfield, The Fundamental Wisdom of the Middle: www.tinyurl.com/ym7hv24e   

(5) Long Thọ: Niệm Tâm. https://www.wisdomlib.org/buddhism/book/maha-prajnaparamita-sastra/d/doc225580.html

(6) Sách Thiền Sư Nhẫn Tế: https://thuvienhoasen.org/images/file/MTemVP6V0ggQAPE8/80-nam-tay-du-ky-phat-quoc.pdf

(7) Kinh SA 64: https://suttacentral.net/sa64/vi/tue_sy-thang

(8) Kinh SN 12.70: https://suttacentral.net/sn12.70/vi/minh_chau

Kinh tương tự bên A Hàm là SA-347: https://suttacentral.net/sa347/vi/tue_sy-thang

Không biết là mình có nên biết để khỏi đi lạc đường không vậy cà? (Skitterphoto / Pexels)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *