Nhật ký tháng Tư: Chia tay ngậm ngùi, Koh Kra 2018

*Đọc 11 phút*

Bài NGỌC ÂN
(Nguồn: Báo Viễn Đông)

Trời đêm lấp lánh muôn vàn vì sao, tiếng sóng biển vỗ vào mạn thuyền, cả tầu say ngủ, chỉ có Sư Ông ngồi trên mũi tầu, lặng lẽ ngắt từng cánh hoa cúc vàng, gỡ nhụy nâu ra khỏi từng bông hoa trong một bọc hoa cúc lớn Sư mang theo từ Pak Phanang ra đảo Koh Kra. Cuối tháng Ba, 2018, cũng giống như mùa Thanh Minh 2017, chúng tôi lại được Sư Ông đưa ra Koh Kra, sau khi Sư đón chúng tôi từ phi trường, chở hành lý cồng kềnh về gởi ở Chùa, chỉ đem theo xách tay nhẹ nhàng đi Tha Sala, sau đó về Chùa nghỉ ngơi vài tiếng, rồi ra đảo Koh Kra từ ba, bốn giờ sáng.

Sư Ông ra đón đoàn 2018 tại Phi Trường Nakhon Si Thamarat. (Hình cung cấp)
Nghỉ ngơi trong chính điện trước khi lên đường ra Koh Kra. (Hình cung cấp)

Tha Sala cách Pak Phanang khoảng một tiếng lái xe, và cũng thuộc tỉnh Nakhon Si Thamarat như Koh Kra. Năm 2018 là lần thứ hai chúng tôi trở lại thăm Tha Sala, nơi mà năm 1990, theo như báo bên Úc đua tin, xác mười một cô gái Việt không một mảnh vải che thân, bị cột dính chùm vào nhau bằng những sợi giây cột ở cổ tay, thả trôi trên biển, tấp vào những đụn cát thuộc làng nuôi tôm hiu quạnh Tha Sala, được cho là xác của nạn nhân người Việt tị nạn vượt biển do hải tặc Thái gây ra, đã làm xôn xao dư luận tại Úc thời gian đó.

Sau cả hai ngày đêm di chuyển bằng máy bay từ Mỹ đến Thái, qua xe bus, đến lên ghe ra đảo, đáng lẽ phải cố ngủ vài tiếng trên tầu từ Pak Phanang ra Koh Kra, nhưng mới trải qua những giờ phút đau đớn, khi từng bước chân trên bãi cát Tha Sala đều nhắc nhở đến những mất mát đau thương của đồng bào vượt biển tìm tự do, thêm bầu trời đầy sao sáng, mà mỗi vì sao như những giọt lệ của các cô gái nạn nhân năm xưa lấp lánh trên cao, càng làm cho khó lòng dỗ giấc ngủ.

Tha Sala, nơi xác 11 cô gái bị cột dính vào nhau, tấp lên bãi cát. (Hình cung cấp)
Tha Sala, những tấm ván thuyền trôi vào bờ cùng xác các cô, người địa phương lập bàn thờ trên bãi cát. (Hình cung cấp)

Nhìn quanh, ngoài Sư Ông vẫn lặng lẽ ngắt từng cánh hoa vàng, còn có một người ngồi lặng yên gần dưới chân Sư Ông. Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh Đoàn văn Nguyên, và bốn tiếng đồng hồ trên biển năm đó, tôi được nghe chuyện của anh: “Gần 40 năm, vụ án 19 thuyền nhân Việt Nam anh dũng chống lại hải tặc Thái không hề phai nhòa” (bài đã đăng trên Viễn Đông tháng 7, 2020)

Sư Ông ngồi trên mũi ghe, gỡ từng cánh hoa vàng. (Hình cung cấp)

Hai năm 2016 và 2017, chúng tôi đã đến phía trước của Koh Kra, nơi có bãi san hô và cát trắng bằng phẳng duy nhất trên đảo. Chuyến ra đảo 2018 nhằm hoàn tất mục đích mà hai năm trước chưa làm được, đó là đến phía sau của đảo, nơi có những hang động hải tặc đã từng dùng làm chỗ nhốt thuyền nhân, ít nhất từng được hồ sơ Liên Hiệp Quốc ghi nhận trong những năm từ 1979 tới 1983. (https://refugeecamps.net/Kohkraintro.html)

Kéo theo tầu lớn là hai ghe nhỏ để có thể vào sát bãi san hô ở một mặt, và hang đá lớn nhất trên đảo ở mặt bên kia. Sư Ông đi với chúng tôi vào hang đá đó, trong khi các Sư trẻ trong đoàn tu học như hàng năm lên bãi trước sửa soạn cho nghi lễ cầu siêu tại mộ tập thể quí Sư đã trở lại hoàn tất trong năm 2017.

Theo lời kể của nhân chứng từng bị nhốt ở Koh Kra, thì cửa hang nay đã bị đá lấp gần hết, không còn bãi cát mà trước đây người tị nạn có thể đốt lửa trông chờ có ghe tầu đến cứu. Ghe nhỏ càng vào gần hang đá, càng thấy những vách đá sắc nhọn, thì càng thấy cả người đau như cắt, nhớ một nhân chứng (đã đi với đoàn hai năm 2016 và 2017, rất tiếc 2018 anh bận việc không đi được) kể lại năm 1982 ghe của anh bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, bắt người ngoài biển, sau đó xô hết đàn ông xuống biển để tự bơi vào Koh Kra, chính là ở phía hang đá này. Ở đảo một tuần, anh chứng kiến có những ghe bị kéo vào gần đến đảo thì hải tặc cắt dây cho ghe của người tị nạn lao vào vách đá, ghe tan nát, xác người trúng vào vách đá sắc nhọn tung lên cũng tan nát như ghe, xác ghe, xác người bập bềnh trên sóng, người sống thì kiệt quệ, không còn ai cứu ai nổi. Ánh mắt thất thần của anh khi kể lại chuyện vượt biển, làm sao mà quên được!

Hang đá phía sau đảo, nơi hải tặc giấu thuyền nhân. (Hình cung cấp)
Vách đá sắc, trơn trợt, ở phía sau của đảo. (Hình cung cấp)
Ghe nhỏ đi sát vào cửa hang. (Hình cung cấp)
Từ tàu lớn chuẩn bị sang ghe nhỏ. (Hình cung cấp)

Vị trí của hang đá còn khuất sau một phiến đá lớn trước cửa hang, tầu bè đi qua khó lòng nhìn thấy, nên đúng là một địa điểm để bọn quỷ dữ giấu người mà khó lòng bị khám phá. Trong khi chúng tôi đi sâu vào trong hang tìm địa điểm kín đáo đặt hai Tượng Chúa và Đức Mẹ, cũng như xót xa ghi nhận còn rất nhiều dấu tích của đồng bào mình, dù đã gần bốn mươi năm trôi qua, nhất là những chiếc dép chỉ có thể thấy ở Việt Nam thời những năm 70, 80, dép da của người lớn, những chiếc giầy bé xíu của em bé, chẳng biết chủ nhân của nó còn sống sót sau những ngày tháng kinh hoàng, hay đã nằm xuống đau thương trên đảo địa ngục này.

Sư Ông đi trước dẫn đoàn vào cửa hang. (Hình cung cấp)
Càng vào sâu hang càng hẹp lại, những vách đã xanh tỏa sáng như lân tinh. (Hình cung cấp)
Chiếc dép da tìm được trong hang. (Hình cung cấp)

Bên trong vách đá có những phiến đá xanh tỏa ánh sáng như lân tinh xuống lòng hang, tỉnh thoảng có những giọt nước mát lạnh chảy xuống từ trên cao. Hang nhỏ hẹp hẳn lại khi vào sâu bên trong, có người thử chui vào, nhưng đến nửa người thì bị mắc kẹt, vậy mà theo nhân chứng kể lại, để chạy trốn hải tặc, các cô, các chị đã cố gắng chui vào kẹt hang đó, nhưng không thể thoát, đều bị chúng lôi ra. Ngoài cửa hang, đi lần theo vách đá, cũng có những hang nhỏ khác hầu như ngập chìm trong nước vì không đủ sâu như hang lớn, cũng đã từng có những chị đã trốn hải tặc chịu ngâm mình trong nước biển, bị cua, cá rỉa, khi được cứu thì thịt trên đôi chân đã rữa nát.

Chúng tôi cũng nhìn thấy con đường đá trơn trợt phía trên hang, vòng qua vách núi có những hốc đá, những bụi rậm chằng chịt gai, qua mặt bên kia của đảo, đó là những hốc đá nạn nhân cố bám vào chạy trốn, là những bụi rậm hải tặc nổi lửa đốt để lùa nạn nhân ra. Lặng lẽ trước cửa hang đợi chúng tôi trở lại ghe, Sư Ông đốt những nén nhang và quì lạy, cầu nguyện, trong nắng ban mai hôm ấy, là hình ảnh khó quên trong tôi.

Sư Ông lặng lẽ cầu nguyện, chờ đợi trên ghe. (Hình cung cấp)
Từ bên trong nhìn ra cửa hang. (Hình cung cấp)

Trở lại mộ tập thể đã hoàn tất ở phía trước của đảo, Sư Ông và các vị Sư trẻ trong đoàn tu học quét dọn, lau chùi 64 tấm bia khắc tên thuyền nhân tử nạn hoặc mất tích quanh vùng đảo Kra. Mắt tôi không thể rời hình ảnh nhân từ của Sư Ông, với đôi chân trần, từng bước, Sư cúi xuống, bằng đôi tay cũng trần trụi, không găng tay dầy, không giầy dép bảo vệ bàn chân như chúng tôi, Sư nhặt hết từng nhánh cây gãy, từng viên gạch vụn, gom những chiếc lá vàng trong đôi tay nhăn nheo sạm nắng, vừa dọn dẹp mộ, Sư vừa nhắc chúng tôi, “Đừng buồn, phụ nữ không nên bước vào mộ, đứng bên ngoài đợi thôi, dọn mộ cũng là một phần của nghi thức cầu siêu, cứ để cho các Sư làm nhiệm vụ.”

Sau đó Sư trải hoa vàng lên phần mộ đã được dọn sạch cỏ lá, đất đá, từng cánh hoa vàng Sư đã thức suốt đêm gỡ từng cánh hoa, vừa trải hoa vừa khấn nguyện, nấm mộ tập thể duy nhất trên đảo sáng mầu hoa vàng, những bóng nắng từ trên cao chiếu xuống qua những tàng lá xanh, đẹp như bức tranh trong nắng dịu dàng của tiết trời mùa Thanh Minh năm đó.

Quý Sư dọn dẹp mộ tập thể trước nghi lễ cầu siêu. (Hình cung cấp)
Nghi lễ cầu siêu trước mộ tập thể, tưởng nhớ thuyền nhân trên Koh Kra 2018. (Hình cung cấp)

Sư Ông trải hoa vàng trên mộ. (Hình cung cấp)

Rồi cũng phải chia tay, chúng tôi đọc lại một lần nữa tên của từng thuyền nhân tử nạn được khắc trên bia, đến tên anh Huỳnh Phi Long thì anh Đoàn văn Nguyên thình lình chạy đến, “Huỳnh Phi Long, Huỳnh Phi Long, không biết năm sanh có đúng không, bạn tôi sinh năm 1953, trên bia là 1959, tôi biết Long vượt biên cuối năm 1979, rồi mất tích kể từ đó. Mẹ Long đã mất ở Việt Nam, cho đến khi mất, bác vẫn tin là Long còn sống ở đâu đó, rồi sẽ tìm cách liên lạc về với gia đình.”

Rồi anh quì xuống, vòng tay ôm tấm bia như ôm người bạn nhỏ học cùng nhau ở Bác Ái từ lớp sáu đến hết trung học, “Có phải là Long không, phải không, có phải Long xui khiến cho tôi được đến nơi bạn đã nằm xuống gần 40 năm rồi không Long?”

Hai năm trước rời xa Koh Kra, lúc nào cũng thấy bồi hồi, ray rứt, vì có những việc còn dở dang. Chia tay Koh Kra 2018, tuy có thấy nhẹ nhàng hơn, vẫn thấy ngậm ngùi, thương cho thân xác đồng bào nằm lại trên hoang đảo này. Về tới Chùa trời đã tối, chúng tôi cảm tạ Sư Ông và nhà chùa đã tiếp đón đoàn. Sư tiễn chúng tôi ra tận đầu ngõ, đứng đợi cho đến khi hành lý và cả đoàn đã yên chỗ trên xe bus mới quay vào. Nhìn bóng Sư Ông khuất dẫn trong con ngõ nhỏ dẫn vào chùa, chúng tôi cùng bồi hồi, biết năm tới có còn được gặp lại…

Tháng Tư 2019

Sư Ông mất chỉ một tuần trước chuyến đi của đoàn 2019. Theo tin của Phật tử trong chùa Wat Samphraek, hồi giữa năm 2018, hải quân Thái đã cho tàu sắt ra kéo tất cả Tượng Phật, Tượng Chúa, Tượng Đức Mẹ, cả Bia Tưởng Niệm vào bờ, cấm không ai được lên đảo. Riêng Sư Ông thì từ sau năm 2017, hầu như tháng nào cũng bị nhà chức trách đến điều tra về nguyên nhân đưa người ra đảo, không có câu trả lời nào được họ chấp nhận, khó dễ hết tháng này, tháng sau tới tiếp, cho tới khi Sư mất.

Lần đầu tiên tôi nhận ra chánh điện của Chùa Wat Samphraek rộng mênh mông, vắng lặng, không còn Sư Ông đi đi lại lại thoăn thoắt, xếp đặt chỗ ăn, chỗ nghỉ cho đoàn du khách từ muôn phương về quấy quả chùa. Quỳ trước bài vị của Ngài đặt trong chánh điện, vĩnh biệt vị ân nhân đã hết lòng xót thương những oan hồn uổng tử của đồng bào tôi, chúng tôi cùng hiểu rằng không còn Sư Ông, khó lòng ra Koh Kra thắp nén hương cho đồng bào được nữa.

Chia tay ngậm ngùi

Tháng Tư 2021, tưởng nhớ Sư Ông đã mất hai năm, cùng sống trong vùng, tôi gặp lại anh Đoàn Văn Nguyên, sau khi nhắc nhở đến Đại Ơn Đại Đức của Sư Ông, anh Nguyên lập lại câu hỏi, “Không biết 64 tấm bia ghi tên dồng bào tử nạn, trong đó có thể là bạn tôi, Huỳnh Phi Long trên Koh Kra còn không, hay đã bị gỡ bỏ.”

Rồi anh lại ray rứt, “Không biết Huỳnh Phi Long có phải là bạn tôi, ai đã cho tin Huỳnh Phi Long mất, làm ơn liên lạc, cả gia đình Long ở Việt Nam vẫn không tin Long đã mất, có thể trùng tên, có thể năm sinh không đúng.”

Anh Đoàn Văn Nguyên ôm tấm bia có tên bạn Huỳnh Phi Long như ôm người bạn nhỏ. (Hình cung cấp)

Có một điều chúng tôi không hề hoài nghi: trên biển có thể dầy đặc hải tặc, quỷ dữ, nhưng trên bờ cũng không hề thiếu những Bồ Tát, như Sư Ông ở Wat Samphraek, Pak Phanang, như cha Joe Devlin ở Songkhla, như Ông Alcoh Wong, như Uncle Heng, chôn cất và cho thuyền nhân đã chết còn tiếng nói, như Ông Ted Schweirtzer, nhân viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đã giải thoát và sau đó còn liều mình cứu thuyền nhân thoát khỏi tay hải tặc trên đảo Kra, và còn biết bao ân nhân mà chúng tôi chưa có duyên được biết, được gặp.

Quỳ lạy trước Bài Vị của Sư Ông Đặt trong Chánh Điện Chùa Wat Samphraek, Pak Phanang tháng Tư 2019. (Hình cung cấp)

Ngày 30 tháng Tư, xin nhắc nhở nhau: nguyên nhân khiến cho ít nhất cả triệu người Việt đã bỏ mình trên đường tìm tự do, trực tiếp gây thêm đau thương là hải tặc Thái, nhưng đừng quên nguyên nhân chính, đừng quên tội ác của Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho quê hương, đất nước, đồng bào của mình. Để chọn tự do, đồng bào của chúng to đã chọn thà chết trên Biển Đông còn hơn chung sống với chế độ Cộng Sản.

(Cuối tháng Tư 2021)

*

(Ai biết tin anh Huỳnh Phi Long, xin vui lòng liên lạc với anh Đoàn Văn Nguyên 818-426-5449)

ĐỌC THÊM:


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *