Chuyện con Châu

*Đọc 8 phút*

Bài NGUYỄN BÁ TRẠC

Nó gốc Á, sinh ở Mỹ, qua đời tại Phần Lan.



Tôi đặt tên con Châu, vì nó là giống “chowchow,” gọi tắt là “chow,” nguồn gốc từ vùng Bắc Trung Quốc. Nơi đây người ta gọi nó là “Tông sư khuyển,” nghĩa là “chó sư tử xù.” Bộ lông và khuôn mặt tương tự như con sư tử. Cao khoảng nửa thước. Nặng chừng 30 kí. Giống chó này cũng còn được gọi là “Đường Khuyển,” “chó của đời nhà Đường.” Người ta tin nó là một trong những con chó bản địa được dùng làm hình mẫu cho tượng đá “nghê” trấn giữ phía trước các cửa chùa và cung đình. Đây là một trong số ít các giống chó cổ xưa vẫn còn tồn tại trong thế giới ngày nay.

Ở Turku, Phần Lan, tuần qua khi trời bắt đầu có nắng ấm, tôi ngồi sửa lại ngôi mộ nó. Mười-một năm trước, khi nó chết, tôi chôn nó trong vườn, trước cửa sau phòng ngủ. Trên mộ đặt một tấm đá hoa cương với những viên đá cuội nhặt trong vườn. Vài năm không nhìn đến. Một lần, khi băng tuyết lạnh lẽo đã tan, chợt để ý thấy quanh mộ mọc lên những cây hoa nhỏ. Hoa mầu xanh. Hỏi mới biết đấy là hoa “Forget Me Not.”

Nó nhắc nhở: Đừng Quên Tôi.

(Photo: Nguyễn Bá Trạc)

Vợ chồng tôi mua con Châu ở California vào năm 1998 tại ngôi chợ trời đường Berryessa. Bấy giờ là một ngôi chợ trời lớn ở thành phố San Jose, bán đủ thứ tạp nhạp. Khi thấy con chó nhỏ trên tay ông người Mễ đứng dạm bán với giá $200 đô, chúng tôi muốn mua ngay. Nhưng không có tiền mặt. Bấy giờ một ông bạn đi cùng bèn ứng tiền cho mượn mà bồng về.

Thời gian này tôi đã có được việc làm ổn định cho một tờ báo Việt do tờ báo Mỹ Mercury News xuất bản. Nên đã mua được một căn nhà trả góp ở khu người Mễ, vùng Đông San Jose. Đây là khu rẻ tiền. Nhà cửa xuề xòa nhưng vườn rộng. Con Châu mặc sức chạy nhảy. Tại đây, hàng xóm người Mễ thân thiện và dễ tính so với những khu Mỹ trắng, nên chúng tôi còn nuôi cả bầy gà với một chuồng cu. Mỗi sáng gà gáy, cu gù, chó sủa rộn ràng mà hàng xóm không ai cự nự hay báo cảnh sát. Được thể, vợ tôi còn nuôi thêm cả hai con chó con nữa.

San Jose là thành phố chính trong Thung Lũng Santa Clara, còn gọi là Thung Lũng Điện Tử, Silicon Valley, bao bọc chung quanh bởi những dẫy núi, ngọn đồi với những cây sồi múa lượn. Thành phố này, nay vẫn là nơi mà mật độ dân số người Việt cao nhất nước Mỹ. Tại đây vào năm 1976, tôi và ba người bạn VN làm cho sở Xã Hội quận hạt Santa Clara đã tiếp đón những đồng bào tỵ nạn từ khắp nơi đổ đến. Thời ấy chúng tôi bận bịu với việc đi xin quần áo cũ, những cái giường, nệm cũ cho bà con. Chỉ dẫn bà con đi học nghề vào lúc kỹ nghệ điện tử trong thung lũng mới phát triển. Nơi chúng tôi mầy mò tìm cách in ấn để khởi sự phát hành những tờ báo đầu tiên có đánh dấu tiếng Việt. Nơi mà cộng đồng người Việt sau đó đã phát triển mạnh mẽ với những khu thương mại sầm uất như ngày nay.

Đấy là nơi mà con Châu đã theo tôi chạy nhảy khắp vùng núi đồi.

Tuy là con gái nhưng Châu là giống chó mạnh mẽ, năng động. Nó không thích nằm lờ đờ trên cái ghế dài dưới chân vợ tôi như con chó chihuahua. Với bộ mặt của con sư tử, mắt nó rực sáng khi leo lên xe tôi. Nó thích theo tôi đến những không gian cao rộng. Đến những đồi núi hoang vu không người ở, tôi thường tháo dây cho nó chạy tự do. Đấy là lúc mà nó bộc lộ ra toàn thể vẻ đẹp khi vươn mình như sóng biển chạy cuồn cuộn từ đồi này sang đồi khác. Những lúc ấy nó rất bướng bỉnh. Gọi cũng không về.

Nó thích đuổi theo những con nai. Đàn nai chạy càng nhanh thì càng kích thích nó chạy nhanh hơn. Nó đuổi theo chặt chẽ nhưng không tấn công những con thú rừng này. Nhớ một lần nó chạy suốt mấy ngọn đồi để rượt theo một con “coyote” là loại chó rừng trong vùng. Con coyote hoảng sợ, chạy cuống cuồng, cuối cùng dừng hẳn lại, đứng trên một tảng đá, ngửa mặt lên trời cất tiếng tru. Tiếng tru thảm thiết, tuyệt vọng. Con Châu cũng đứng dừng lại. Giữ một khoảng cách. Nó lộ vẻ ngạc nhiên rồi tiu nghỉu quay về. Nó có bộ mặt của con sư tử mà thực sự thì tâm địa lại hiền lành như con thỏ.

Nhưng có một lần nó đã táp một cô gái nhỏ.

Cô bé này là con gái của một người bạn, lại chính là người bạn đã ứng tiền cho chúng tôi mua con chó ở chợ trời. Lúc ấy tôi xích con chó trên cái thùng xe pick up, đậu trên lề đường, ngoài quán cà phê Đà Lạt nơi bạn hữu chúng tôi hàng ngày gặp nhau ở San Jose bấy giờ. Trong lúc anh Nguyễn Thành Út ngồi trong quán với chúng tôi, thì Jacqueline, cô con gái anh chơi ở bên ngoài đã đến gần con chó. Jacqueline bị con chó táp ngay vào đầu, phải đưa vào bệnh viện khâu mấy mũi.

Bấy giờ vợ tôi đã sang Phần Lan trước. Khi được tin này qua điện thoại, vợ tôi sợ hãi lắm. Theo đúng sách vở Tây phương thì tôi “Phải cho con Châu đi ngủ.” Nói cách khác là phải đưa nó đến Thú Y cho nó qua đời. Tôi ngần ngừ. Nhưng không làm. Sau cũng biết thêm rằng con chó khi bị xiềng xích ở chỗ lạ, nó sợ. Lại càng sợ khi thấy có người lạ đến gần. Nó táp là vì sợ, chứ không phải vì độc ác. Còn cháu bé Jacqueline sau khi vào nhà thương về lại bảo bố “Phải gọi điện thoại cho bác Trạc để bác đừng lo.” Cô bé gái VN xinh xắn này bây giờ đã trở thành một thiếu nữ hoàn tất xong chương trình đại học ở Berkeley.

Còn tôi khi nghỉ hưu, đưa con Châu sang Phần Lan định cư năm 2005. Thời ấy tiền vé máy bay cho chủ là $600, cho chó là $200 đô. Theo luật quốc tế, phải đưa con Châu đến thú y sĩ chích ngừa. Phải yêu cầu thú y sĩ chích một cái “microchip” (vi mạch) nhỏ bằng hạt gạo vào bả vai con chó. Loại microchip này được cấu tạo bởi hai thành phần là thiết bị đọc và thiết bị phát mã. Mỗi microchip mang một mã số nhất định, không trùng nhau. Mã số được lưu trong cơ sở dữ liệu của nhà sản xuất vi mạch, tại đây có ghi các thông tin liên hệ cá nhân của chủ chó, bao gồm tên, địa chỉ, điện thoại và email chủ chó. Trường hợp con chó lạc chủ, người ta sẽ đọc ra các thông tin bằng một cái máy quét chuyên dụng. Quét một cái vào vị trí chip dưới da con chó thì sẽ tìm ra ngay chủ chó.

Việc chích microchip rất an toàn, con chó không đau đớn khó chịu gì. Có nhẽ trong tương lai, các chế độ toàn trị sẽ ứng dụng kỹ thuật này để kiểm soát con người.

Con Châu đã bắt buộc phải trải qua kỹ thuật tân tiến ấy khi theo tôi sang định cư ở Bắc Âu.

Giã từ những núi đồi xanh mướt, ấm áp ở Thung Lũng Santa Clara. Giã từ nơi mà người Việt sính văn chương còn gọi là Thung Lũng Hoa Vàng.

Từ đây, ở Bắc Âu, thay vì chạy đuổi theo những con nai hay con chó rừng, con Châu đã đi chậm rãi với cái dây buộc trên cổ. Đi theo lão chủ cũng đã già nua. Về mùa đông, hai thầy trò cùng lụm khụm từng bước trên tuyết trắng mà nhìn đất trời mênh mông trắng xoá.

(Photo: Nguyễn Bá Trạc)

Tôi nhớ nghĩ đến những chuyện như thế trong khi ngồi sửa sang lại ngôi mộ của con chó, giữa lúc thế giới đang bất trắc với đầy những đe dọa biến động khắp nơi.

Tôi dùng gỗ cũ đóng chung quanh cái mộ của con chó gốc Á, sinh trưởng ở Mỹ, đã rong ruổi với tôi nhiều năm ở California. Rồi theo tôi thêm 5 năm nữa trên băng tuyết Bắc Âu cho đến khi qua đời ở Phần Lan vào ngày 25 tháng 5 năm 2010.

Tuần qua tôi trồng quanh mộ nó 12 cụm hoa pensée . Lúc mua hoa, không để ý số hoa, vì mua cả khay. Trồng rồi mới nhớ con Châu sống được 12 tuổi. Té ra mỗi cụm hoa là một năm trong cuộc đời nó.

Con Châu (Photo: Nguyễn Bá Trạc)

Làm gì có chuyện ngẫu nhiên, tình cờ trong cuộc đời này?

Làm gì có những viên đạn ngẫu nhiên bay ra từ những họng súng rồi tình cờ cắm lút vào thân xác con người? Trong cuộc chiến Việt Nam không ai tính được số tử vong một cách chính xác như số đạn. Nhưng chắc chắn mạng người chết phải được tính bằng con số triệu. Làm gì có những sự tình cờ lập lại hàng triệu lần?

Làm gì có chuyện ngẫu nhiên khi tôi gửi cho thằng bạn già, chơi với nhau từ thủa nhỏ, một cái video clip với hình ảnh các bạn hữu thơ dại và tiếng harmonica thổi bài “Etoile des Neiges.” Thủa xưa ở Đà Nẵng, chúng tôi là hai đứa con nít với hai cái kèn harmonica, vừa đi vừa thổi bản nhạc Pháp này suốt thời trung học… Bố nó theo CS ra Bắc. Mẹ chết ở Huế năm nó 18 tuổi. Rồi 16 năm lính miền Nam. Tám lần bị thương. Gặp lại Bố lúc nó đang bị 8 năm cấm cố tử hình. Tổng cộng 14 năm rưỡi tù cải tạo CS.

Sau khi xem cái video tôi gửi, thằng bạn nhỏ, nay đã già, lập tức gửi lại cho tôi cái email nguyên văn như sau:

“Bây giờ là 5:44 pm ngày 2 tháng 4, 2021 vừa xảy ra chuyện lạ vui vui như sau: Tôi đang ngồi làm việc cho Kimnhung show như các weekend cuối tuần như bao lâu nay. Bỗng nhiên buồn ngủ và mê đi. Trong giấc mơ đi cùng ông NBT bế đưa con gái khoảng vài ba tuổi như cảnh của Đà Lạt năm 1961, 1962 như lúc cháu HTCầm con đầu của ông Trạc còn nhỏ.. Hoạt cảnh này (2/4/2021) xảy ra nơi một quán bán xăng ở Mỹ.

Trong giấc mơ, tôi đưa con ông Trạc vào mua cây kem với giá 15 $. Tôi vào toilet và đi ra một lúc sau mới tìm thấy cha con ông Trạc, cháu nhỏ còn mua thêm một đồ chơi bằng nhựa hình chiếc trực thăng hay xe tăng gì đấy.

Giấc mơ không là ngẫu nhiên – TỈNH DẬY THÌ NHẬN ĐƯỢC THƯ NÀY- Vì trong thư ông Trạc attached đủ hình những người RẤT THÂN CỦA TÔI MÀ CẢNH SỐNG HÔM NAY HẦU NHƯ BIẾN MẤT TRONG THỰC TẾ.

PS: Tôi KHÔNG HỀ NẮM MƠ/NGHĨ VỀ ÔNG TRẠC VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN NẦY TRONG THỰC TẾ với cái đầu trống rỗng từ bao năm nay.  

Tóm lại, Giấc Mơ và Thực Tại là MỘT.”

Đúng như thế. Mơ và Thực là Một.

Bây giờ chúng tôi đang ở vào lứa tuổi có thể hiểu được là chẳng có gì là ngẫu nhiên – ngay cả khi những đoá hoa “Đừng Quên Tôi” mọc lên, hay khi 12 cụm hoa pensée được trồng xuống ngôi mộ của một con chó.

“Cho nên trong Không không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến ý thức giới; không có vô minh cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc, vì không chỗ chứng đắc….”

“Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā”

Turku, ngày 5 tháng 4, 2021

(Photo: Nguyễn Bá Trạc)

(Nguồn: Nguyễn Bá Trạc Facebook, ngày 4 tháng 4, 2021)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *