‘Chạm Vào Khoảng Trống’

*Đọc 9 phút*

Bài NHƯ AN NGUYỄN

Trong mô hình tu toàn diện mà thầy Hằng Trường đề xướng, có phần văn hóa thuộc trong địa hạt trí năng. Vì thế “đạo tràng” của thầy có nhóm Văn Hóa Nghệ Thuật chuyên tổ chức những buổi đọc sách – hiện nay quá ít người tham dự nên đã “đóng cửa” (một nạn nhân của phong trào làm biếng đọc sách đọc báo mà chỉ thích nhìn màn ảnh internet cũng như ti vi của dân chúng thời nay) – và những buổi chiếu phim, theo sau là phần thảo luận với thầy về ý nghĩa cuốn phim.

Tuần qua, tôi đã nhín chút thì giờ, theo kiểu người Việt mình thường nói, để tham dự một buổi chiếu phim hằng tháng, coi phim “Touching the Void” tạm dịch là “Chạm Vào Khoảng Trống.” Phim này nghe tên rất lạ, chưa thấy nói trên báo bao giờ nên tôi cũng lấy làm một sự nghi ngờ, không biết nó có hay không, có xứng đáng mình bỏ ra một buổi tối thứ Bảy để đi xem nó không. Tuy vậy tôi cũng đi xem vì “ế độ” chẳng có gì làm, vả lại nghe cô bạn phụ trách bộ môn này quảng cáo là hay lắm thì cũng nên tin lời cổ vậy.

Khi tôi tới ITC, nơi chiếu phim, đông đủ bà con trong đạo tràng đã tụ họp. Đạo tràng của thầy Hằng Trường có rất nhiều sinh hoạt, bà con gặp gỡ thường xuyên nên tình thân ái đậm đà. Hôm nay lại có các anh chị ở xa đến tham dự khóa huấn luyện taichi nên càng đông và vui. Tuy nhiên, ai nấy cũng đều hơi mệt vì đã theo lớp thiền từ sáng sớm. Ai cũng nghĩ rằng mình đến để “thư giãn,” nếu cần thì cứ tự nhiên khép mắt đánh một giấc. Tắt đèn tối om, đâu ai biết mình ngủ.

Tôi cũng vậy, kiếm một chỗ trên sàn, nằm gác đầu lên chiếc gối cao giống như ở nhà, để xem phim và sẵn sàng để… ngủ nếu phim không hay. Thật bóng tối khiến cho người ta dễ cảm thấy thoải mái để làm những việc mà bình thường ta vẫn ngại ngùng. Một lúc sau, tôi thấy chung quanh mọi người cũng nằm la liệt xem phim, thật là tiêu diêu tự tại. Thầy lại không có mặt nên ai nấy đều rất là tự nhiên như… con cháu trong nhà.

Ngạc nhiên làm sao, tôi bị cuốn hút vào cuốn phim không có tài tử nổi tiếng, đạo diễn danh tài này. Đây là câu chuyện của hai anh leo núi người Ăng Lê, giống người ham mạo hiểm và đã đi đến nhiều hang cùng ngõ hẻm của trái đất. Hai anh này, một người trẻ tên Simon mới hai mươi mấy và một người tên Joe trong tuổi 30, quyết định chinh phục đỉnh núi Siula Grande thuộc dãy núi Andes ở Peru, Nam Mỹ mà chưa ai từng lên tới ngọn và nổi tiếng là nguy hiểm.

Họ dựng lều ở chân núi và thuê một anh lông bông tên Rick coi chừng lều để đợi họ xuống. Lúc leo lên thì tuy khó khăn nhưng hai anh cũng lên được tới đỉnh mà không bị chướng ngại gì to lớn cả. Nhưng lúc leo xuống thì, một anh giáo đầu, “Tám, chín mươi phần trăm tai nạn xảy ra trong lúc leo xuống.” Nghe vậy ai cũng biết là sắp có chuyện.

Đây là một câu chuyện có thật do đích thân nhân vật chính và nhân vật phụ kể lại. Đạo diễn đã quay trực tiếp ba anh lúc họ kể lại câu chuyện, tuy cảnh cuốn phim thì do người khác đóng. Dù biết chắc là họ sống sót (nên mới còn có mặt ở đây để kể chuyện) nhưng toàn bộ câu chuyện thật kinh khủng và hồi hộp khiến khán giả bị lôi cuốn nhìn lên màn ảnh không chớp mắt, chẳng ai ngủ cả.

Trong lúc leo xuống, anh chàng trẻ tuổi Simon không may bị gãy chân. Hai anh bàn nhau cách xuống: anh Joe cột anh Simon vào đầu sợi dây dài chừng 300 feet để thòng anh xuống từng đoạn ngắn. Khi bám được vào một chỗ, anh Simon sẽ giật dây ra hiệu cho anh Joe mở dây ra để leo xuống gặp anh. Nhưng khi Joe buông dây, Simon bị rơi xuống một khe núi không có gì để bám víu vào cả. Người anh treo toòng teng giữa trời tối đầy tuyết bay. Một tâm trạng thảng thốt, sợ hãi xâm chiếm lấy anh, anh biết rằng hoàn cảnh thật tuyệt vọng. Cả hai anh đều không làm gì được để cứu vãn tình hình cả. Simon biết rằng để thoát ra khỏi cảnh này, chỉ có cách là Joe phải cắt dây để anh rơi tự do – rơi xuống đâu thì không biết, có thể là rơi vô cái chết – và leo xuống một mình. Và dù Simon biết nếu Joe cắt dây thì anh cũng không có gì để trách Joe cả, anh vẫn hi vọng là có một phép lạ nào đó xảy ra khiến cho Joe không làm thế.

Một giờ hơn trôi qua, trời mờ tối. Trên kia, Joe chờ và chờ mãi vẫn không thấy cái giật dây của Simon. Anh không biết được chuyện gì xảy ra nhưng vẫn cứ chờ. Cuối cùng anh phải quyết định vì biết rằng chờ mãi cũng không đưa đến cái gì cả mà tính mạng anh còn có thể nguy hiểm. Anh cắt dây.

Bây giờ, vài năm sau, nhìn lại anh vẫn thấy là mình làm đúng. Nhưng ngay sau khi câu chuyện này xảy ra và được kể lại cho thế giới bên ngoài biết, anh đã bị rất nhiều người xúm vào mạt sát vì cho là anh đã bỏ rơi bạn đồng hành. Simon cũng lên tiếng bênh vực Joe và nói là đã tha thứ cho Joe nhưng nhìn nét mặt của anh, tôi thấy có lẽ cũng còn vương vấn một nỗi niềm nào đó. Thật khó nói. Ai là người có thể mở miệng lên án anh Joe. Chỉ có người ở trong hoàn cảnh đó mới biết được tại sao anh phải làm như vậy. Mà không làm vậy thì anh cũng đã chết 80 đời vương rồi, có đâu gặp lại Simon. Quả thật, sống chết có số.

Sau khi cắt dây, Joe thu xếp đồ đạc đem theo và leo xuống một cách khó nhọc nhưng vẫn đến nơi an toàn, gặp lại Rick. Rick kể chuyện đi đến chân núi để gặp được Joe mà không tin ở mắt mình. Rick rất ngạc nhiên thấy Joe không cuốn lều về ngay dù cả hai cho là không thể nào mà Simon có thể sống sót được. Joe cứ ngày ngày đi dạo quanh chân núi, xuống suối tắm, suy nghĩ mông lung… dù các ngón tay ngón chân anh bị frost bite đen thui và anh cũng rất mỏi mệt, cần được chữa trị.

Simon bị cắt dây, rơi xuống vùn vụt và ngừng lại ở một chỗ nào đó. Khi bật đèn lên, anh mới thấy mình may mắn rơi xuống một vạt núi nằm ngang. Nhưng ở đây thì cũng như là chết chậm mà thôi vì anh không cách nào leo lên hay leo xuống được. Anh chỉ còn cái đèn pin đã yếu, không có nước uống, thức ăn… Thêm một thứ anh vẫn còn: sợi dây dài 300 feet quấn ngang bụng anh. Cuối cùng anh quyết định cột một đầu dây vào khe núi và cho mình tự rơi xuống. Nếu may mắn anh sẽ dừng lại ở đáy khe, còn nếu khe núi này sâu hơn 300 feet thì coi như anh trở lại từ đầu: nằm lơ lửng treo giữa khoảng không bằng một sợi dây dài 300 ft. Chắc bạn đã biết kết cuộc: anh tới được đáy khe núi. Và khi mặt trời lên, anh có thể nhìn thấy ánh sáng lóe ra ở vách núi không cao lắm. Nhưng với một chân gãy, khoảng cách này cũng rất là gay go. Anh vẫn leo lên, từ từ từng inch một và cuối cùng thoát ra được nơi hông ngọn núi.

Anh nói, “Cũng may mà vào thời điểm đó tôi rất khỏe mạnh và còn trẻ nên mới làm được chuyện đó.”

Tới đây cũng đâu đã hết chuyện vì Simon vẫn còn phải leo xuống núi, một khoảng đường dài vô tận phủ đầy tuyết và đá, giữa một cơn bão. Trong khi đó anh chỉ có một chân lành và một chân gãy, đang khát nước khô cổ vì những hạt tuyết không đủ cung cấp lượng nước cần thiết.

Giữa niềm tuyệt vọng, Simon đã suy nghĩ miên man và khôn ngoan đặt ra từng mục tiêu nhỏ, thí dụ như chỉ đi đến mỏm đá kia thôi trong vòng 1 tiếng. Tới được mục tiêu đó rồi thì đặt ra mục tiêu khác. Cứ thế anh lết xuống. Nhiều lúc tôi phải nhắm mắt lại không dám xem vì thấy cảnh khốn cùng của anh thật là đau thương. Trải qua một thời gian dài thật dài, với nhiều lúc anh tưởng chừng như phải bỏ cuộc, Simon cũng xuống được chân núi. Anh được nuôi dưỡng bằng một hi vọng mong manh là Joe và Rick vẫn còn ở chân núi để đợi anh.

Và đúng như thế. Joe và Rick vẫn còn ở lại dù chẳng biết mình ở lại để làm gì. Khi nghe tiếng Simon gào tên mình giữa đêm khuya, Joe không tin ở tai của mình, còn Rick thì cho đó là tiếng của ma quỷ.

Thế là cuối cùng Simon đã sống sót sau khi trải qua những kinh nghiệm khốn cùng không thể tưởng. Anh kể lại là trong những lúc tuyệt vọng nhất, anh không cầu nguyện vì chưa bao giờ có niềm tin tôn giáo và tự nhiên mà anh nhớ lại một bài hát trước kia anh rất ghét, không hiểu tại sao nó lại bật ra trong lúc anh khốn cùng. Anh chỉ biết dùng hết sức mình để tiến tới, không cần biết giây phút sắp tới sẽ ra sao. Có lẽ trong những hoàn cảnh như vậy, con người mới bị bắt buộc phải suy nghĩ về cuộc sống và chọn lựa một thái độ.

Về đến chốn văn minh, Simon phải trải qua 5 lần giải phẫu để chữa cái chân gãy của anh. Và khi đã khỏe mạnh trở lại, Simon lại tiếp tục leo núi. Phim không nói tới chuyện hai anh có hợp tác leo núi lần nữa không. Chắc là không. Vết thương lòng đâu dễ gì hàn gắn, dù cho có viện rất nhiều lý lẽ của đầu óc để quên đi.

Câu chuyện quá bất bình thường này đã đem lại nhiều cảm xúc cho tất cả đạo tràng đêm nay. Ai cũng thấy trong lòng ngổn ngang những tình cảm vui buồn, khó nói ra. Câu chuyện thực 100% vừa chứng kiến khiến tôi nghĩ đến câu thơ “Chuyện có thực mà tưởng như thần thoại, mà tưởng như ác mộng bi ai” (thơ Nguyễn Chí Thiện). Quả thực, cuộc đời thật còn ly kỳ hơn chuyện tưởng tượng nhiều. Trông người lại ngẫm đến ta. Nhìn lại cuộc đời mình, ngoài mấy ngày vượt biên đầy lo sợ, tôi thấy mình rất may mắn vì chưa từng qua những cảnh khổ tuyệt vọng như vậy (cũng có lẽ vì mình là týp người thích an nhàn, không muốn đi tìm cảm giác mạnh như những người ưa mạo hiểm nên ít vướng vào tình cảnh nguy nàn). Ngay lúc này đây, có lẽ trên thế giới đang xảy ra rất nhiều những hoàn cảnh đau khổ khốn cùng không khác gì cảnh của anh Simon: những người thợ mỏ bị kẹt dưới hầm, những nạn nhân sập cầu, động đất kẹt dưới đám gạch vụn, những em gái nhỏ tuổi bị bán vào động mãi dâm ở Cam Pu Chia, những cô dâu Việt trong cảnh tuyệt vọng ở Đài Loan, Hàn Quốc, những người trong những chốn ngục tù dã man… Họ cũng không muốn tìm chuyện nguy hiểm nhưng vẫn bị hoàn cảnh xô đẩy đến những chốn tang thương.

Joe và Simon là nạn nhân của thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng nhiều người khác trên thế giới là nạn nhân của chính con người, có lẽ còn khắc nghiệt và tàn bạo hơn cả thiên nhiên. Ai cứu họ?

Về những người lên án anh Joe, không biết họ đã từng ở trong những hoàn cảnh tuyệt vọng như vậy chăng? Joe cắt dây để tìm đường sống nhưng cũng nhờ còn sống anh mới cứu được Simon khi anh này lết được tới chân núi trong tình trạng bết bát: mất nước, bị thương nặng… Tôi nhớ tới câu thường đọc trong các tiểu thuyết phóng tác của Hoàng Hải Thủy: Định Mệnh Đã An Bài! Nhưng tuy định mệnh đã an bài, con người cũng vẫn phải gắng sức tối đa như anh Simon đã gắng sức rồi mới được cứu.

Và câu phát biểu của Judy, cô gái tổ chức buổi chiếu phim này, đã nói lên tâm trạng nhiều người, “Xem phim này mới thấy những đau khổ, dằn vặt của đời mình chẳng nghĩa lý gì so với cảnh khốn cùng của anh Simon.”

Đúng vậy, những tưởng tượng từ những lo nghĩ, suy đoán, nhận thức của chúng ta – đa số là do chữ tưởng và chữ hành trong 5 uẩn sắc thọ tưởng hành thức của nhà Phật – phần lớn đã gây nên những đau khổ trong cuộc đời. Và những đau khổ do suy tưởng trong tâm thức chúng ta trở thành nhỏ nhoi trước những nghiệt ngã có thật như trên.

Vâng, nhìn vậy để thấy đời bớt khổ chứ còn thực ra trong thâm tâm, lúc đang khổ, ai cũng cho rằng nỗi khổ của mình là lớn nhất trần gian.

Phim tài liệu mạo hiểm “Touching the Void” được chiếu năm 2003, có nội dung dựa theo một câu chuyện có thật về hai người leo lên đỉnh núi Siula Grande thuộc dãy Andes năm 1985. Họ gặp nạn khi xuống núi.

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *