Bài THẦY SAKYA MINH-QUANG
Kính thưa đại chúng,
Sinh già bệnh chết là điều tất yếu của cuộc đời. Chúng ta không thể thay đổi được sự thật này (khổ đế), nhưng chúng ta có thể thay đổi được cách sống của mình để vơi bớt nỗi khổ niềm đau, được an lạc hạnh phúc hơn! Nói cách khác, chúng ta không thể quyết định mình có thể sống bao lâu, nhưng mình có thể quyết định được mình sống như thế nào! Đối với người Phật tử, niềm tin vững chắc nơi đức Phật, chuyên cần học hỏi giáo Pháp, và nương tựa Chư Tăng tinh tấn hành trì, chính là nguồn sống hạnh phúc và an lạc mà chúng ta cần luôn chánh niệm, phụng hành.
Người có nhân sinh quan chánh kiến, chánh tín như vậy, thì nỗi khổ của già, bệnh, chết sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều! Bút giả thường nhắc các học trò: “Người tu không phải không già, nhưng già mà không sinh tật! Người tu không phải không bệnh, nhưng thân bệnh mà tâm không bệnh! Người tu không phải không chết, nhưng quan trọng là không sợ chết!” Một đời sống lành mạnh, cống hiến cho đời nhờ ánh sáng tuệ giác của đức Phật sẽ giúp chúng ta vượt qua sợ hãi, bình tĩnh đối diện trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời!
Dịch bệnh hiện nay là nỗi khổ chung của mọi người. Với tri thức, chúng ta làm tất cả những việc cần làm để phòng tránh hay điều trị. Ví dụ, mình tuân thủ giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với người, luôn rửa tay sạch sẽ, vận động và bổ sung vitamin cần thiết v.v. để phòng tránh dịch bệnh và tăng sức đề kháng của cơ thể. Nhưng quan trọng hơn, ngoài tri thức, chúng ta cần phải có trí tuệ và tín tâm Phật Pháp để cải thiện sâu sắc và triệt để hơn sức khỏe toàn diện, tức chẳng những về thân mà còn về tâm thức của mình. Theo ngôn ngữ hiện đại, Phật Pháp chính là phương thuốc trị liệu toàn thể (holistic medicine), giúp chúng ta được an lạc hạnh phúc.
Trong một bài viết trước đây về Covid-19, bút giả đã nhắc đến việc người Phật tử phải có cái nhìn “đạt quan.” Đạt quan là cái thấy thấu đạt bản chất của nhân sinh, không bi quan mà cũng chẳng lạc quan! Nếu bi quan là nhìn đời qua cặp kính đen, lạc quan là nhìn đời qua cặp kính hồng, thì đạt quan là nhìn đời “đúng như nó là,” hay “như thị tri kiến” (Yathabhutam: see the world as it really is). Vì vậy, chúng ta sẽ có thái độ điềm tĩnh, không sợ hãi mà cũng không coi thường dịch bệnh.
Có những người quá “lạc quan” thành chủ quan! Họ không tin dịch bệnh Covid-19 là có thật. Họ suy nghĩ theo thuyết âm mưu như lý do chính trị v.v., rồi tùy tiện tụ tập, không tuân thủ quy định phòng dịch như đeo khẩu trang…, cuối cùng lâm bệnh và phải chết oan uổng. Lại có người tuy tin thực có dịch bệnh, nhưng lại tin vào thần quyền cực đoan, bảo rằng: “God is larger than this dreaded virus (Covid-19)” (Thượng Đế lớn hơn con virus đáng sợ này). Kết quả, tự mình tử vong vì virus này mà còn khiến bao người vì tin theo mình mà lâm bệnh! (https://www.cnn.com/…/bishop-gerald-glenn…/index.html)
Lại có những người quá “bi quan,” luôn ám ảnh bởi dịch bệnh, tự khiến sức đề kháng cơ thể mình trở nên suy yếu và chất lượng cuộc sống ngày càng suy giảm. Những người như vậy thường than thở, thụ động, bất an. Khi phải cách ly tại nhà, giảm thiểu tối đa những hoạt động nơi đông người như tiệc tùng, vui chơi cùng bạn bè v.v. thì họ dễ cảm thấy buồn chán, thèm nhớ những kinh nghiệm xưa. Nhiều khi dù biết rằng mạo hiểm, họ vẫn phá luật lệ để thỏa mãn những ham muốn của mình!
Kính thưa đại chúng,
Ảnh hưởng dịch bệnh khiến chúng ta kiếm ít tiền và đời sống vật chất khó khăn hơn. Nhưng là người học Phật, chúng ta có tài sản vô giá là Phật Pháp! Đã nhiều lần, chúng ta được nghe giảng về hạnh thiểu dục tri túc. Ngó lên mình chẳng bằng ai, nhưng ngó xuống mình vẫn còn tốt hơn nhiều người lắm! Nếu chúng ta chân thật hành trì hạnh ít muốn biết đủ này, thì sẽ tự nhiên “tùy ngộ nhi an,” tức sống an vui dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào.
Lại nữa,dịch bệnh cũng khiến đời sống tinh thần và tình cảm của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như chúng ta phải hạn chế ra ngoài, ít tiếp xúc, gần gũi với bạn bè hay thậm chí với người thân hơn! Nhiều người trong hoàn cảnh này sẽ cảm thấy khó chịu, buồn chán, cô đơn… Nhưng nếu biết Phật Pháp, chúng ta sẽ thấy mình có nhiều thời gian và cơ hội hơn để chiêm nghiệm lại bản thân và cuộc sống! Đây cũng là cơ hội để chúng ta làm được những việc ý nghĩa mà mình muốn làm, nhưng trước đây vì bận rộn nên không thể làm được. Cho nên, vẫn một câu nói cũ: “Không lo không có biện pháp, chỉ lo không có Phật Pháp.” Đây chính là vài ví dụ của thái độ đạt quan!
Thực ra, khó khăn lớn nhất của đời người chính là cái chết! Cho nên cổ nhân nói: “Thiên cổ gian nan duy nhất tử,” hay “xưa nay không gì khó hơn chết.” Nhưng người đạt quan, ngay cả việc khó khăn lớn nhất là sinh tử (sinh tử sự đại) còn không quan ngại, huống chi là những việc khó khăn nhỏ nói trên! Vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo: “Sinh tử đạt quan chừ, nhàn vậy thôi!” (Sinh tử đạt quan hề nhàn nhi dĩ).
Tóm lại, hiện nay dù dịch bệnh đang gia tăng, nhưng chúng ta không nên bi quan. Tuy đã có ánh sáng cuối đường hầm đó là vaccine và một số người Mỹ đã được tiêm, nhưng mình cũng đừng quá lạc quan thành chủ quan. Một thái độ thận trọng, suy nghĩ tích cực, sống vui trong Phật Pháp, hay nói khác đi là đạt quan, là con đường sáng mà người con Phật nên đi trong hoàn cảnh hiện nay!
Nam-mô An Lạc Hạnh Bồ-tát Ma-ha-tát
Viết tại Tu Viện Thiện Tường
Ngày 08 tháng 01, 2021
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.