Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG
Nước Việt trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ban đầu chỉ là vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, dần dần tiến về Nam sáp nhập nhiều phần lãnh thổ khác để có được diện mạo như hôm nay. Quá trình phát triển ấy cũng nhiều thăng trầm nghiệt ngã, có lúc tưởng như diệt vong nhưng rồi lại phục hồi và phát triển trở lại. Nước Việt chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa: Trung Hoa, Ấn, Champa, Khmer, Pháp, Mỹ… Ngay từ thuở ban đầu chỉ là thời đại bộ lạc, bộ tộc. Tộc Việt cũng đã có một nền văn hóa riêng, tiếng nói riêng:
Sống nghề làm ruộng đi săn
Xăm mình thờ cúng nhuộm răng ăn trầu.
Hai câu ca dao vô danh đã khắc họa rõ cái bản sắc riêng của mình. Khi nhà Hán xâm lăng và đô hộ thì họ áp đặt cái văn hóa, ngôn ngữ của họ lên người Việt cổ qua những thái thú và các nhà cai trị người Hán tiêu biểu như Nhâm Diêm, Tích Quang, Sĩ Nhiếp… Chữ Hán bắt đầu được dùng và dần dần trở thành ngôn ngữ chính thức của người Việt. Mở đầu cho chữ Hán và nền Hán học thống trị hàng ngàn năm.
Các triều đại phong kiến Việt Nam cho dù có đánh thắng được giặc Tàu về mặt quân sự nhưng vẫn cúc cung quy thuận về mặt tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ, coi chữ Hán là mẫu mực, thánh hiền. Đến thể kỷ mười ba thì Hàn Thuyên đã mạnh dạn dùng chữ Nôm để sáng tác. Chữ Nôm là biến thể vay mượn từ chữ Hán. Người Việt bình dân sử dụng hàng ngày nhưng triều đình và nho sĩ thì chê: “Nôm na mách qué” nên không sử dụng.
Đến thời Quang Trung thì chữ Nôm được trọng dụng. Quang Trung và triều đình kích thích tinh thần yêu nước, lòng tự tôn của dân tộc. Chữ Nôm dùng như ngôn ngữ chính thức song song với chữ Hán.
Thế kỷ mười bảy, khi các giáo sĩ phương Tây đến nước ta truyền giáo. Họ nhận thấy chữ Nôm hay chữ Hán đều khá rắc rối nên mới dùng ký tự Latinh chế ra một loại chữ mới. Công đầu phải kể đến Alexandre De Rhodes (phiên âm: Đắc Lộ). Trước ông cũng có nhiều vị thừa sai đã dùng mẫu tự Latinh để phiên âm chữ Hán ra tiếng Việt (ví dụ vị thừa sai Francois Pina giảng đạo bằng tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt rành rẽ), nhưng ông đã có công hệ thống hóa và hoàn chỉnh một loại chữ mới cho ngườiViệt. Ông đã viết cuốn “Tự điển Việt-Bồ-La”… Tiếng Việt dần dần hình thành và phát triển.
Huỳnh Tịnh Của cũng là người có công lớn trong việc hoàn chỉnh tiếng Việt. Ông đã biên soạn pho “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị,” sau ông có Trương Vĩnh Ký người đầu tiên phát hành báo tiếng Việt “ Gia Định Báo.” Họ đĐều là những nhà ngôn ngữ tài ba đã làm cho tiếng Việt phát triển và hoàn thiện.
Tính đến nay thì tiếng Vịêt cũng gần bốn trăm năm (kể từ khi các vị thừa sai dùng mẫu tự Latin để phiên âm), từ Hán Việt vẫn chiếm một lượng lớn, phải nói là đa số, đó là hệ lụy của việc lệ thuộc quá lâu vào chữ Hán và văn hóa Hán.
Có một điều hầu như không mấy người biết là trong tiếng Việt còn có một số lớn từ ngữ vốn thoát thai từ tiếng Pàli. Trong quá trình truyền bá Phật Giáo: Giáo lý, kinh điển, luật, luận từ dòng Nam Truyền vào Việt Nam đã vô tình mang lại nhiều sắc thái mới cho văn hóa và ngôn ngữ. Nhiều từ ngữ từ tiếng Pàli lại trở thành tiếng Việt như một từ thuần Việt. Nếu không có sự đối chiếu, so sánh của các tăng sĩ và các học giả dịch kinh Nam truyền thì chúng ta không thể nào biết được.
Ông G. Jeanneau, một người Pháp đã dịch tác phẩm “ Lục Vân Tiên” từ chữ Nôm sang chữ Việt, đã viết khảo luận chứng minh tiếng Việt có nguồn gốc từ Aryen mà ngôn ngữ Aryen lại có nguồn gốc từ tiếng Pàli. Sau đây là những ví dụ rất cụ thể và xác đáng mà tăng sĩ Chúc Phú đã viết và trình bày. Bài viết có hạn nên chỉ sử dụng một số ít các ví dụ để chứng minh (các ví dụ lấy từ bản nghiên cứu của thầy Thích Chúc Phúc).
Sau đây là một số từ ngữ mà tiếng Việt và tiếng Pàli viết, đọc, ý nghĩa giống như nhau:
Tiếng Việt – Tiếng Pàli – Nghĩa từ
Bụt – Bujjhati – Người tỉnh thức, giác ngộ
Bồ – Bho – Bạn thân
Bát – patta – Đồ dùng đựng cơm, canh…
Bá láp – Palapa – Chuyện tầm phào, vu vơ
Cạp – cappeti – Động từ chỉ việc ăn, cạp
Chái – Chada – Mái hiên
Đĩ – Dhi – Chỉ việc dâm, xấu hổ
Đanh đá – Dandha – Tánh gây khó, gây gỗ
Đù – Du – Tiếng lóng chửi thề
Ma – Ma – Người đã chết, ma
Nạt – Nadati – Động từ: la, quát
Nỏ – No – không (ví dụ: nỏ biết)
Phèn – Phena – Sắt lắng trong bùn, nước
Rực – Ruci – Tỏa ra (ví dụ: rực sáng)
Say – Sayana – Không còn tỉnh, biết
Thù lù – Thùla – To, thô
Vác – Vaha – Động từ: vác, mang
Vạc – Vapati – Động từ: vạc, cắt…
Tiếng Pàli vốn chỉ dùng ghi chép kinh Phật, nhất là ba tạng Kinh, Luật, Luận Nikàya. Ấy vậy tiếng Việt đã vay mượn, sử dụng… Quả thật bất ngờ! Chứng tỏ sự ảnh hưởng rất lớn của Phật Giáo Nam truyền cũng như văn minh, văn hóa của Ấn Độ và các nước thuộc dòng Nam truyền(Champa, Khmer, Thái, Tích Lan…) sử dụng kinh điển bằng ngôn ngữ Pàli. Sau này Phật giáo Bắc truyền lấn lướt và chiếm thế thượng phong đẩy lùi những ảnh hưởng của Phật giáo Nam truyền. Ấy cũng là lý do mà đại đa số người Việt chúng ta chỉ thấy sự ảnh hưởng của chữ Hán lên chữ Việt (từ Hán Việt) mà không biết đến sự ảnh hưởng của tiếng Pàli lên chữ Việt, tiếng Việt!
Thực sự Phật giáo được truyền đến Việt Nam trước khi truyền sang Tàu. Chính sử ghi nhận Phật giáo được truyền đến Trung Hoa vào năm Vĩnh Bình (Nhà Hán). Trong khi đó Phật giáo đã đến nước Việt trước đó từ lâu.
Vương Diễm nhà Nam Tề (497) đến Giao Chỉ thọ pháp với pháp sư Hiền. Ngài Phật Đà Bạt Đà La đến Giao Chỉ truyền đạo sau đó mới sang Tàu. Thiền sư Khương Tăng Hội người Giao Châu sang Tàu truyền đạo. Thiền sư Khương Tăng Hội có thể được coi như sơ tổ thiền tông của người Việt, chính ngài đã diện kiến Ngô Tôn Quyền (giai đọan tam quốc phân tranh bên Tàu: Ngụy – Thục – Ngô), điều đáng tiếc là cơ duyên chưa chín mùi. Tôn Quyền bỏ lơ không chú ý đến Phật giáo, một tôn giáo mới manh nha ở Tàu.
Sự kiện thiền sư Khương Tăng Hội hội kiến Tôn Quyền xảy ra trong khoảng thời gian (222 – 229), Phật giáo sử có ghi nhận nhưng chính sử Tàu và Tam Quốc Chí của Trần Thọ lẫn Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung đều không ghi chép chi tiết này. Việc không ghi chép sự kiện đó cũng dễ hiểu, điều đầu tiên là vì đây không phải là sự kiện lớn, thứ hai là thời đại bấy giờ và các tác giả đều sùng đạo Nho, thứ ba là thiền sư Khương Tăng Hội là người Giao Châu (mẹ người Giao Châu cha người Khương) chứ không phải người Hán.
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay là Thuận Thành – Bắc Ninh) của Giao châu rất danh tiếng trước khi Phật Giáo Bắc truyền chiếm thế thượng phong. Từ khi nhà Hán xâm lược và đô hộ thì văn hóa Hán, chữ Hán và Phật giáo Bắc truyền trở thành chủ yếu!
Ngàn năm đô hộ và đồng hóa, nhiều lần hủy diệt văn hóa Việt (thời nhà Minh) nhưng người Việt vẫn bền bỉ sống còn, văn hóa Việt, tiếng Việt vẫn tồn tại. Chính nhờ nền văn hóa với một bản sắc riêng mà dân tộc còn đến hôm nay! Nước Việt, văn hóa Việt, tiếng Việt… hôm nay có nhiều thử thách, nhiều kẻ có mưu đồ đồng hóa hay phế bỏ nhưng chắc chắn nó sẽ vượt qua. Lịch sử đã chứng minh, ngàn năm đô hộ của phưong Bắc còn chưa làm nổi thì một nhúm người vong bản thì làm nên trò trống gì!
(Ất Lăng thành, 2018)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.