Lời SƯ GIÁC NGUYÊN
Một lần có người đến hỏi ngài Xá Lợi Phất: Nghe người ta nói ngài không sợ chết, nghĩa là ngài chán sống phải không. Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Ta không ham sống cũng không ham chết. Ta không muốn cưỡng cầu trái còn xanh phải rụng, ta chỉ chờ đợi nhân duyên đến mà thôi.
Ai cũng sợ chết. Sợ chết là phản ánh niềm đam mê sống đời.
Chỉ riêng sự sợ chết, nỗi sợ lúc sắp ra đi cũng đủ làm cho ta kinh hãi dòng luân hồi.
Hãy ra đi trong niềm thanh thản bởi sự chán ngán chứ không phải trong niềm tiếc nuối sợ hãi.
Trong đạo Phật có hai cách sợ chết: Sợ theo kiểu trẻ con, hốt hoảng của người không biết đạo và sợ của người cầu đạo giải thoát, nghĩ chuyện tu hành để không còn sinh tử nữa hoặc còn phàm thì phải có cái chết thanh thản.
Tất cả những thứ sợ đều được khởi đi từ niềm đam mê nào đó mà nói rốt ráo nhất chính là sợ chết. Vì quá ham sống, quá yêu mê sự hiện hữu nên mới dẫn đến sự sợ chết, và sự sợ chết là nguồn cội dẫn đến vô số âu lo nỗi khổ niềm đau khác.
Cái chết không đáng sợ bằng sự sợ chết.
Khi có quá nhiều thứ sợ mất thì chúng ta sẽ còn sợ chết.
Cái chết đến nhanh lắm, có thể trong tích tắc, nhưng sự sợ chết thì có thể kéo dài mấy chục năm.
Sở dĩ chúng ta tinh tấn tu hành vì chúng ta sợ chết.
Luôn sống bằng trái tim vị tha, bớt nghĩ về mình thì lòng sợ chết sẽ ít đi.
Một bí quyết quan trọng để không sợ chết là đừng coi nặng mình nữa.
Phật tử ngon lành là lúc đang sống thường trực nghĩ về cái chết để không sợ chết và dám cưới hỏi sự chết – suy tư về nó ngày đêm.
Sợ chết là phản ảnh niềm đam mê sống đời.
Trên đời này có hai hạng người ra đi nhẹ nhàng:
1. Không nghĩ gì về mình hết, chỉ nghĩ về người khác, họ ra đi không tiếc nuối, không sợ hãi.
2. Không còn thích gì nữa hết.
Khi gớm tấm thân này thì cũng bớt được việc sợ chết. Ta sợ chết vì nhiều lý do: Thương thích tấm thân, không nghĩ đến sự lìa bỏ nó ở cảnh giới tốt hơn; hoặc không biết sẽ sanh về đâu.
Đời sống thực ra là một hành trình của vô số lần chết.
Tham sống sợ chết là bản năng tự nhiên của phàm phu.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.