Ngôi làng ven dãy núi báu

*Đọc 14 phút*

Truyện LINH THỤY

(Chuyện thật của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo kỳ cựu. Trích tuyển tập Hoa Cỏ, 2007.)

Mới lên mười nhưng Sáu Lành thuộc vào hàng “biết chuyện” nhất trong làng. Từ khi bác Hai của Lành trên tỉnh biếu ba chiếc xe “cuộc” rất bảnh, cậu bỗng dưng cảm thấy mình trở thành một tay “thám hiểm” và có nhiệm vụ “báo cáo” mọi việc cho làng. Chiếc xe đạp thể thao rất cao có thanh ngang, cậu thấp bé ngồi trên yên cứ phải nhón nhón mau mỏi lắm, nên ưa luồn chéo một chân phía dưới thanh ngang, đứng trên hai bàn đạp mà phóng ào ào, chỗ nào cũng tới; lúc đó Lành chắc là một trong số rất ít người đã thử đi giáp vòng luôn cả trọn làng Hòa Hảo.

Thời đó vào khoảng năm 1939, dân cư còn thưa thớt và nghèo nàn lắm, có xe đạp chạy phom phom như Lành là sang rồi. Với lại ai nấy đều đầu tắt mặt tối lo làm ruộng làm rẫy kiếm ăn, công hơi đâu mà chạy loanh quanh. Giáp vòng làng dài cũng dễ tới hai chục cây số, đường trải đá lâu năm không sửa chữa nên vồng và nhiều ổ gà lắm, đạp xe ê cả đít. Vậy mà Lành cứ một mình đi quanh mấy vòng làng. Sau này có nhiều dân làng mới ngoài Bắc di cư vô, gọi đùa cậu là “thằng Mõ” – tức là cậu bé thông tin trong làng – mà Lành lấy làm thích thú lắm.

Làng Hòa Hảo là một doi đất dài khá lớn nằm trong quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, chung quanh hầu như là sông ngòi bao bọc, một bên Tiền Giang, một bên Hậu Giang, nối liền bằng nhánh sông Vàm Nao nho nhỏ. Chung quanh làng mênh mông toàn là nước, sông Tiền rộng dễ ra cũng cả cây số, dòm múc mắt, xa tít xa lờ mờ bóng một rặng núi thuộc dãy Thất Sơn. Ngoài việc phải đạp xe tới trường làng đi học, Lành thường chạy tới chạy lui trên con đường cặp rạch Cái Tắc, la cà nơi các chợ, một đầu là chợ Nhơn hòa, đầu kia là chợ Mỹ lương, hoặc vòng qua mé đình làng, hoặc tới chùa Hòa An Tự. Trọn ngôi làng xanh mướt với những đồng ruộng mênh mông, thấp thoáng bóng chim cò điểm xuyết giữa các hàng dừa hàng cau phất phới. Ban ngày chim hót líu lo, ban đêm giun dế ểnh ương tỉ tê rền rã… toàn là bạn chơi của Lành thời thơ ấu.

Nhà cửa dạo đó cũng còn xơ rơ lắm, nhưng Lành sống thoải mái lắm nên cũng không thấy gì là nghèo nàn. Nhà nào cũng cất trên một nền mống có thềm nhà cao phòng nước lụt, nhà mái tranh vách ván hay vách đất nền đất nện, tuy cũng ba gian hai chái, nhưng trong nhà trống hoảnh chẳng có gì ngoài mấy bộ vạc nhỏ vừa làm chỗ tiếp khách, chỗ ăn và chỗ ngủ, và vài cái tủ bàn lỏng chỏng. Được cái nhà nào sau hè có mảnh vườn nho nhỏ trồng cây trái với mấy vồng bắp khoai đậu và đủ thứ cây ăn trái cung cấp thức ăn cho cả nhà. Ban ngày thường vắng vẻ vì ai ai cũng phải ra đồng, ban đêm còn quạnh quẽ hơn nữa dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu cá linh trong chiếc dĩa con. Lành thường lo se vải làm tiêm đèn, vì cậu học bài đêm cho nên thủ việc đèn đóm trong nhà, khi có tiệc tùng gì cậu đặt luôn cả hai ba tiêm đèn cùng lúc trong dĩa cho nhà sáng hực lên; đôi khi còn chịu khó đi mượn đèn măng-xông của mấy ông hương ông hội cho sang hơn. Không phải chỉ mượn cho nhà cậu đâu, mà bất cứ ai nhờ cũng làm hết. Ai trong làng cũng biết Lành, ông hương cả Bộ ở đây thương cậu lắm, hỏi gì cũng được.

Dân ở đây tuy nghèo, chỉ có khoảng độ vài chục người là khá giả, nhưng họ gần gũi nhau lắm. Nhà giàu ở nhà gạch mái ngói, ăn bận trắng trẻo hơn, đi đâu thì có xe lôi xe kéo; nhà nghèo ở nhà lá mặc áo đà áo đen, đi chân đi bộ; tuy vậy hầu như ai cũng biết ai, gặp nhau chào hỏi bằng tên, còn có việc gì thì bà con chòm xóm ráp hết nhau lại rất là vui vẻ. Tuy đất rộng nhưng ruộng ở riêng, còn nhà cửa thì cất khít sát nhau cho ấm cúng, lúc đó đâu độ chừng ba bốn chục ngàn dân thôi. Đầu tiên họ kéo nhau tới doi đất gần như là hòn đảo này để lập nghiệp chắc là vì đất tốt. Nghe nói ở đây là đất bồi từ trên Biển Hồ bên Miên đổ xuống, lượng nước điều hòa, thủy triều lên khoảng hai thước rồi rút xuống, để lại đất phù sa khá xốp, nhờ vậy lúa rất dễ trồng trọt, tuy lúc đó không có phân bón và chỉ nhờ sức trâu bò mà lúa cũng nở bông tràn đồng.

Đất này Lành nghe bác Hai kể đâu lúc trước của người Miên, nhưng chuyện đó đã nhiều thế kỷ trước, không thấy có vết dấu gì của họ để lại tại đây, có thể là đất tại đó chưa khai thác bao nhiêu. Điều không biết có phải do người Miên để lại hay không là trong làng có nhiều người mắc bệnh trùng lắm. Bệnh trùng là thứ bệnh điên khùng cứ lặp đi lặp lại cho nhiều người trong cùng một gia đình. Lúc đó thầy pháp thầy bùa làm ăn rất nhiều tại vùng đó, họ nhảy múa vẽ bùa đốt phép lung tung, mà chữa hoài cũng không hết. Miệt An Giang, Châu Đốc vô Thất Sơn, Tịnh Biên, Nhà Bàng… khi đó cũng có nhiều người theo Đức Phật Thầy Tây An của Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng vị này khuất bóng khá lâu, thành thử đại đa số chỉ thờ phụng ông bà tổ tiên, hay cúng vái trời đất theo lối xưa nơi bàn thông thiên trước mỗi nhà. Lành thường nghe kể các câu chuyện về Thất Sơn huyền bí; nào là chuyện các vị tu hành đắc đạo trên núi báu; nào là các chuyện thần kỳ như chuyện cổ tích đã xảy ra trên đó; nghe nói có cả một hang động thông lên đến tận trời… Khi nhỏ, Lành thường ao ước sẽ có ngày chính mình được vào Thất Sơn để tìm hiểu tại sao nơi đó được gọi là “núi báu.” Phải chăng chứa chất thật nhiều kho tàng châu báu, hay là nơi chốn của rất nhiều vị thần thánh linh thiêng, hoặc vả chỉ là lời đồn đãi?

Chính Lành là người đã đi báo tin cho lối xóm láng giềng biết một chuyện lạ khác thường mà các bậc trưởng lão cho là chắc đến từ nơi “núi báu.” Đó là chuyện của Cậu Tư Huỳnh Phú Sổ, con lớn của ông hương cả Huỳnh Công Bộ, mà lâu nay trong làng ai cũng biết là từ năm mười lăm tuổi đã ốm đau bịnh lạ liên miên, xanh xao gầy còm thầy thuốc điều trị cũng bó tay không hiểu là bịnh gì, vậy mà tự dưng đến năm tuổi hai mươi không chữa chạy nữa lại hoàn toàn hết bịnh coi như không có chuyện gì, đã vậy mà còn có tài năng rất lạ lùng.

Vùng núi Thất Sơn (Photo: ANTG)

Lần đầu tiên nghe tiếng đồn, Lành đạp xe tới liền, và ngay sau đó như không rời chân nổi. Cậu Tư Huỳnh ngồi trên một cái ghế ngay trước sân nhà, mặc bộ đồ bà ba bằng vải trắng, tóc dài chấm vai, mặt mày ửng hồng hai mắt sáng quắc rất oai vệ, cậu nói kệ và giảng cho nhiều người tới vây quanh nghe. Cậu Tư cứ ngâm nga một đoạn kệ giảng rồi ngưng lại giải nghĩa, thao thao bất tuyệt như nước chảy, giọng thanh tao lảnh lót rền vang như tiếng chuông ngân nghe chấn động cả tai. Lành hồi đó tuy còn nhỏ mà phải thấy rõ ràng không phải là giọng người thường.

Lúc đó mỗi ngày Lành đều đạp xe chạy vòng vòng quanh làng, nhưng từ khi Cậu Tư xuất ra giảng đạo thì Lành chiều chiều chỉ thích đi thẳng tới nhà Ông Cả để nghe Cậu nói chuyện. Lành nghe người nhà ông Cả cho biết trước đó Cậu Tư mắc bệnh lạ lắm, chạy chữa đủ thầy đủ thuốc mà không hết, suốt ngày ở trong phòng không ra ngoài coi như không biết gì sự thế. Vậy mà tự dưng vào khoảng đầu năm đó, cậu tỉnh lại khỏe mạnh như thường, và kế đó lại dắt ông Cả đi lên thăm núi báu Thất Sơn suốt mấy ngày mấy đêm. Lạ một điều là cậu chưa từng đi đâu ra khỏi làng, nhưng khi đi núi lại thông thạo đường như quen biết sẵn. Trên núi nghe nói cậu ngồi thiền, và nói nhiều chuyện lạ cho cha nghe lắm. Rồi khi trở về, cậu trở thành một người khác.

Chính Lành là con nít mà cũng thấy Cậu Tư không phải là người thường, từ thần sắc uy nghi cho đến cách đi giọng nói hoàn toàn khác biệt, rõ ràng là chỉ có thể là từ các vị siêu phàm. Nhưng giảng kệ như vậy người nghe tuy thấy lạ mà chưa hiểu chưa tin liền, sau đó Cậu Tư ra tay chữa bệnh. Cậu chỉ dùng nước lã và niệm Phật, rồi dặn dò người bệnh phải tin tưởng Trời Phật, về khấn vái niệm Phật. Chỉ có vậy mà Cậu chữa hết cho rất nhiều người. Có người bệnh rất nặng, như bệnh ban sởi, dịch tả… ông Cả lúc đó sợ Cậu chữa không hết phải ra từ chối, vậy mà Cậu chỉ dùng bông trang lá xoài cũng chữa hết. Từ lúc đó bản thân ông Cả mới dám tin con mình đã trở thành một vị phi thường. Chính một người quen trong nhà Lành đã được chữa khỏi bệnh, cánh ông chủ Hùng ở làng Hưng Nhơn mắc bệnh trùng con cái cứ nối tiếp nhau mà khùng khùng lãng lãng; trước đó ông chủ Hùng chạy đủ cách kể cả rước thầy pháp mà không hết, vậy mà tới Cậu Tư đã dứt hẳn. Lành thấy ông chủ Hùng vái tạ rồi xin quy y ngay.

Từ đó tiếng tăm Cậu Tư đã nổi lên như cồn, người ta thường gọi là “Cậu Tư Hòa Hảo.” hay “Ông Tư Hòa Hảo,” người đã quy y thì gọi là “Đức Thầy.” Người đến xin quy y ngày càng đông, Đức Thầy chỉ dạy cực kỳ giản dị, đại để là tôn thờ Tứ Ân và niệm Lục Tự, chỉ thờ một mảnh vải điều tượng trưng chớ không cúng kiến hình tượng gì, vì Đức Phật ngự ở trong lòng. Ngày nào Đức Thầy cũng đọc kệ giảng, và bổn đạo thân tín đến ghi lại cùng sao chép viết tay để truyền bá. Những bài kệ rất đơn giản, chính Lành là trẻ nít mà đọc cũng nhớ ngay. Thành thử dân trong làng chẳng mấy chốc đều đã thuộc lòng, và nhiều người hiểu biết chiêm nghiệm thấy hay lạ giảng giải ra thêm, cứ thế, chẳng mấy chốc mà làng Hòa Hảo đã trở thành một làng đạo với nền nếp đầy quy cũ và tôn nghiêm.

Tiếng lành đồn xa. Nhưng cũng có nhiều người có nghi ngờ thắc mắc đến tận nơi xin gặp Đức Thầy hỏi đạo. Lành cũng không nhớ hết ai là ai, mà cũng không hiểu rõ họ hỏi điều gì, chỉ biết ai hỏi chuyện Đức Thầy đều giải đáp răm rắp nghe rất thông suốt như không cần suy nghĩ, có khi hỏi chưa dứt đã có câu trả lời. Lành nhớ có cả ông chánh tổng Cao Văn Pho theo đạo Thiên Chúa ở An giang đến hỏi đạo, và Đức Thầy khiến ông, cũng như nhiều người khác, phải tâm phục khẩu phục trước sự quán thông lạ lùng của ngài.

 Gia đình Lành cũng bắt đầu theo quy y với Đức Thầy, bàn thờ thông thiên dựng lên trước ngõ, và tiếng Sấm giảng vang vang trưa chiều. Anh Ba Phước của Lành học ở tỉnh về, viết chữ rất đẹp, trở thành một trong các đệ tử cận thân của Đức Thầy chuyên sao chép kinh kệ. Từ đó, chuyện của Đức Thầy đã bước sang một tầng giới khác, trẻ con như Lành không còn dịp gặp ngài thường xuyên như trước, chỉ còn nghe qua lời kể chuyện của anh Ba.

Sau một năm bổn đạo tụ tập rất đông từ khắp vùng An Giang Châu Đốc và xa hơn nữa. Nhờ quy y họ mới thấy được sự nhiệm mầu của pháp “tu nhân học Phật,” áp dụng rất thích hợp cho đời sống đạo và đời thời bấy giờ. Chỉ trong thời gian ngắn Đức Thầy thu phục cả triệu tín đồ miền Nam Việt nam và ảnh hưởng lan rộng ra. Vì được dân chúng quá hoan nghinh, cho nên chính quyền Pháp bắt đầu tới kiếm chuyện. Họ bảo là Đức Thầy là “ông đạo khùng” và bắt ngài đi an trí nhà thương Chợ Quán, rồi sau đó dời về Bạc liêu để cô lập bớt tầm ảnh hưởng. Có điều hình như chuyện đó nằm trong dự tính của Đức Thầy. Ngài rất thản nhiên trước việc phải bị điều đi xa, và càng đi xa thì chỉ càng làm cho tiếng tăm Đức Thầy thêm vang dội. Thậm chí trong nhà thương nhà lao, Đức Thầy đã thu phục thêm các đệ tử mới thuộc vào hàng trí thức, từ bác sĩ bệnh viện đến các sĩ quan cai ngục. Người Pháp thấy vậy, định tổ chức mưu sát Đức Thầy, nhưng nhờ sự tiên tri cùng cách tổ chức khéo léo, bổn đạo cùng người Nhật tổ chức giải cứu ngài.

Đến năm 1945, uy tín của Đức Thầy đã lên đến cao đỉnh. Lúc đó Pháp tranh giành ảnh hưởng cùng Nhật tại Đông Dương, Đức Thầy thấy đúng thời điểm cần phải đẩy mạnh một phong trào dân tộc, và ngài đứng ra thành lập Liên Hiệp Đoàn Kết Đạo Phật và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội. Rồi sau đó, ngài thành lập Dân Chủ Xã Hội đảng, gởi người ra hải ngoại lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Quốc. Khi Thế Chiến II bùng nổ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt nam cũng bừng lên cao độ. Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó quy tụ vào khoảng hơn một triệu tín đồ, một số thanh niên được đoàn ngũ hóa dưới tổ chức bán quân sự mang tên là “Bảo An,” lo tập dượt võ nghệ, sử dụng các loại võ khí sắc bén để chờ cơ hội chuyển thành lực lượng võ trang chống Pháp.

Lúc đó, Đức Thầy khởi đầu một chuyến đi miền Tây “Khuyến nông,” đích thân Đức Thầy đã diễn thuyết tại 107 địa điểm tại các tỉnh trong vòng một tháng rưỡi, đã làm cho số tín đồ nhập đạo gia tăng rất nhiều. Lý do cuộc hành trình này vì nạn đói tại miền Bắc năm Ất Dậu làm chết hơn hai triệu người. Cậu bé Lành năm đó đã trở thành một thiếu niên hăng hái, cậu theo anh Ba đi nghe Đức Thầy nói chuyện. Hôm đó Đức Thầy nói chuyện tại một vận động trường lớn ở tỉnh An giang. Hàng ngàn người đến nghe ngài. Sau một thời gian Đức Thầy vắng mặt tại làng, Lành rất cảm động được nhìn lại thấy hình dáng uy nghi tuấn tú của ngài trong bộ quốc phục đơn giản, nhất là khi ngài cất giọng vang rền như tiếng chuông ngân, Lành đứng tuốt phía sau mà cũng nghe rõ từng lời dù ngài chỉ nói miệng chứ không loa không máy phóng thanh chi cả. Trong hội trường biết bao người ứa lệ phần vì bài nói chuyện ngắn gọn và đầy từ ái, phần vì âm thanh rền rã đầy tác động lạ thường của Đức Thầy.

Đó là lần cuối cùng Lành được gặp Đức Thầy. Bao nhiêu biến cố dập dồn đến sau đó. Làng Hòa Hảo tuy vẫn bình an nhờ sự chở che của các con sông mênh mông bao bọc, nhưng các nguồn tin xao động – đa phần là tin dữ – đã vang đến tận làng. Sự đấu tranh và hy sinh của các chiến sĩ chống Pháp chống Nhật. Sự chia rẽ chém giết của các đảng phái người Việt tranh dành nhau ảnh hưởng. Nhiều bổn đạo đã hy sinh cho dân tộc với những cái chết thê thảm. Năm 1947, vì các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của Việt Minh, khi đó Đức Thầy chủ trương đoàn kết dân tộc muốn tránh cảnh nồi da xáo thịt và có thành ý muốn giảng hòa, nên về miền Tây trấn an lòng dân. Nhưng ngày 16-4-1947, Đức Thầy lại bị Việt Minh âm mưu bắt tại Đốc Vàng, sau đó không rõ tung tích.

Nguồn tin Đức Thầy bị hại và vắng bóng khiến tâm hồn người dân làng Hòa Hảo xao động mạnh, đoàn quân dân tình nguyện càng gia tăng nhân số nhiều hơn với khí thế mãnh liệt hơn bao giờ hết. Năm đó Lành mới mười bảy tuổi, cậu vô cùng cảm xúc về chuyện Đức Thầy bị ám hại; mới đầu cậu đã tuôn rơi nước mắt như bao nhiêu đồng đạo, nhưng các bậc trưởng thượng trong làng có dặn dò là Đức Thầy có thể chỉ tạm lánh mặt đâu đó, và khuyên các đồng đạo nên giữ bình tỉnh; nhờ vậy tình hình trong làng không đến nỗi hỗn độn chỉ hơi xao xác. Sau cùng, Lành quyết định tình nguyện gia nhập vào đoàn dân quân, theo thụ huấn cùng với rất nhiều thanh niên cùng trang lứa, kể cả các thiếu nữ tuy đảm trách phần cứu thương nhưng cũng được huấn luyện chiến đấu hậu bị.

Đoàn quân được tập dượt rất cơ bản về thể lực, võ công, quân sự, và cả súng đạn do một số chiến sĩ chính thống đã tịch thu được sau các trận đụng độ cùng quân Pháp. Đây là đoàn quân áo vải của nhân dân, mọi thứ đều được đồng đạo cấp phát: quân phục áo quần bà ba đen đơn giản, chiếc khăn choàng tắm làm quai mang nóp bàng bên vai, làm cả mùng mền chiếu để ngủ đêm hoặc lót nằm nghỉ sau khi hành quân vất vả. Vũ khí thì dáo mác tầm vong vạt nhọn, cùng một số súng ống. Quân lương vỏn vẹn chỉ một túi cơm khô do đồng đạo phát cho, mang theo để phòng khi mặt trận kéo dài. Trang bị hệ trọng nhất của đoàn quân chính là hùng tâm tráng khí, lòng yêu thương quê hương dân tộc phát xuất từ ý nghĩa Tứ Ân và lời giảng dạy của Đức Thầy, cùng ý thức trách nhiệm trước đồng bào và đồng đạo.

Đoàn quân di chuyển rất quy mô, dù chỉ bằng các phương tiện đơn giản nhất. Mấy chục chiếc ghe lớn có treo cờ Đà với bốn chữ P.G.H.H. đưa họ sang sông Tiền Giang từ bến Vàm Nao. Lành nghĩ chưa có đoàn quân nào gần gũi với nhân dân như thế, cuộc hành quân đi trong sự nghênh đón cổ võ của đồng bào đồng đạo hai bên đường, với những cánh tay vẫy chào khích lệ và lời chúc tụng chiến thắng phấn chấn. Đến đâu, dân chúng đều tự nguyện tiếp tế thực phẩm ở mỗi trạm, dọn sẵn đầy ắp trên những cái bàn lớn đặt sẵn hai bên đường.

Lành theo đoàn quân hành đi suốt hơn hai tuần lễ đến chợ Cái Vồn thuộc tỉnh Cần thơ, nơi đặt đại bản doanh của tổng tư lệnh Trần Văn Soái. Sau một thời gian ngắn được ổn định, đại quân chia ra nhiều đơn vị đại đội đi trấn đóng các nơi trong các tỉnh miền Tây và Đồng Tháp Mười vừa nhằm bảo vệ an ninh cho đồng bào, vừa chủ trương đoàn kết dân quân chống xâm lăng, vừa cố gắng phổ biến giáo lý Tứ Ân đầy từ bi bác ái. Chính vì mục tiêu nhiều mặt đó, những nơi có đoàn quân áo vải này đặt chân đến, đã bảo đảm được sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân, lại phát huy được số tín đồ về quy y cùng Phật pháp.

Suốt gần mười năm theo chân đoàn quân tự nguyện này bôn ba khắp nơi tại miền Nam, trái tim hết lòng vì đạo pháp và dân tộc của Lành đã bao phen rúng động vì các chiến công hiển hách cũng như biết bao sự hy sinh anh dũng của các anh hùng tử sĩ. Trong đoàn quân, Lành lại tiếp tục giữ nhiệm vụ liên lạc; lần này, tuy không còn là một “thằng Mõ” nhanh nhẩu dễ thương trong ngôi làng nhỏ bé nữa mà trở thành một thanh niên nghiêm chỉnh đầy trách nhiệm, nhưng hình ảnh và âm ba của Đức Thầy vẫn thật sống động trong lòng Lành y như trước. Điều mà Lành cùng các bạn đồng đội thường hay nhắc nhở nhất mỗi khi đóng quân an ổn, đó chính là thắc mắc “Đức Thầy còn hay mất?”

Mãi cho đến khi đã trở thành một ông lão đầu bạc về sống cùng ruộng rẫy nơi làng Hòa Hảo đầy ắp kỷ niệm, khi đi ngang qua Tổ Đình – tức là nhà cũ của Đức Thầy từng nương náu cùng Đức Ông Đức Bà – ông Sáu Lành vẫn còn thứ cảm xúc thật tràn trề… Nhiều khi nhìn thoáng qua nơi ngưỡng cửa “khai đạo” ngày nào, ông Sáu như nhác nhìn thấy hình ảnh một chàng thanh niên uy nghi tuấn tú phi thường với giọng nói rền vang như tiếng chuông thức giác…

Đức Huỳnh Giáo Chủ trong hình không rõ nguồn.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *