Bài BĂNG HUYỀN
Âm nhạc và Phật giáo
Ca sĩ Quang Tuấn, một giọng ca ru say người nghe bởi chất giọng trầm ấm, truyền cảm và nam tính. Anh là một trong những giọng hát đã khẳng định được vị trí không thể thay thế trong làng nhạc của người Việt ở hải ngoại. Làn hơi của anh sâu vút đầy đặn, vô cùng biểu cảm ở những nốt trầm, với cách nhả chữ rất sang. Giọng hát Quang Tuấn luôn để lại dấu ấn đẹp trong lòng người yêu nhạc qua những bài nhạc tiền chiến, những ca khúc trữ tình bán cổ điển, được anh thể hiện đầy tình tứ và nhiều xúc cảm, mang đậm dấu ấn của riêng anh, dễ dàng dẫn dắt người nghe chìm đắm vào những nốt trầm bổng thăng hoa của âm nhạc. Khi nghe Quang Tuấn hát có lúc tựa như con thác nhẹ nhàng, u uẩn nhưng cũng có lúc mãnh liệt, dữ dội vô cùng. Anh không cường điệu, nhờ biết tiết chế dồn nén, tựa như tiếng gào thét của nội tâm, tiềm tàng như nhóm lửa âm ỉ dưới cơn mưa.
Không chỉ thành công với ca khúc tân nhạc, Quang Tuấn còn là giọng hát quen thuộc với các Phật tử qua những ca khúc Phật giáo. Anh chọn cách thể hiện các ca khúc Phật giáo một cách chân phương, không quá kỹ thuật. Tiếng hát của anh như một làn gió mát lành đưa người nghe đến chiều sâu bí ẩn và hơi hướng linh thiêng, được khơi cảm hứng từ những giai điệu thanh thoát. Mở ra một không gian âm nhạc tĩnh lặng. Tạo cảm hứng, sự lạc quan và bình yên cho tâm hồn người thưởng thức.
Cũng như những ca sĩ hát nhạc Phật giáo khác, thông qua âm nhạc, bằng lời ca tiếng hát của mình, ca sĩ Quang Tuấn đã trợ duyên cho nhiều người biết đến Phật giáo, đặc biệt là với những fan hâm mộ giọng hát của anh.
Hát tình ca đã khó, hát thiền ca, những ca khúc Phật giáo còn khó hơn. Sở dĩ tiếng hát Quang Tuấn đã chuyển tải thành công những tác phẩm này đến người nghe, vì anh học hỏi giáo lý đạo Phật thật nghiêm túc. Khi hiểu bài nhạc, ca từ muốn nói gì thì mới có thể hát ra được bài hát đó. Mà Quang Tuấn không chỉ tìm hiểu đạo Phật dạo chơi tài tử, anh rất am hiểu sâu sắc. Vì anh là một Phật tử thuần thành đã quy y Tam Bảo với pháp danh là Nguyên Minh, và đã thọ Bồ Tát giới tại gia, có Pháp tự là Đức Quang.
Đối với ca sĩ Quang Tuấn, “Ca hát không phải là cái nghề, mà là cái nghiệp. Mình không buông bỏ nó, lúc nào mình cũng nhớ. Không mưu sinh trên công việc đi hát. Tôi có những công việc khác để làm lo cho hai bát cơm của mình và gia đình, cho chắc bụng.”
Thời gian chính hiện nay của Quang Tuấn vẫn đi làm tám tiếng để lo mưu sinh cho gia đình, thời gian rảnh anh thích đọc sách, nghe nhạc, tập hát, thiền định. Trước khi xảy ra đại dịch cúm Covid-19, anh thường xuyên thực hiện những việc Phật sự ở chùa. Anh học về nghi lễ tán tụng của quý thầy gốc Huế, và học đánh những khí cụ, gõ mõ, khánh linh, đàn cò… Nay vì đại dịch, anh không thể đến chùa, tự tu tập ở nhà.
Ca sĩ Quang Tuấn cho biết lâu nay anh có một ước nguyện làm một CD chuyên về nhạc Phật giáo. CD phải có giá trị nghệ thuật văn hóa, Phật giáo. Hiện anh đang tìm bài vở ca khúc Phật giáo Việt Nam.
Anh cho biết, “Những bài vở ca khúc Phật giáo rất ít so với nhạc Công giáo. Đã có nhiều bài nhạc Phật giáo bị mai một, không còn ai biết đó là bài gì nữa. Muốn tìm đầy đủ những tài liệu này phải về Huế, tìm ở những tổ đình ở Huế, tìm gặp các quý thầy để chép lại, đây là một dự án âm nhạc rất khó làm. Tôi vẫn còn phải sưu tầm nhiều. Những bài nhạc, bài hát lâu quá đã bị thất truyền, tôi vẫn còn đang liên lạc với một số quý ôn lớn tuổi.
“Ngày xưa quý ôn vẫn còn nhớ giai điệu bài hát đó, ôn sẽ hát cho tôi nghe, rồi tôi sẽ chuyển sang nhạc, rồi hát lại theo và thu âm. Những bài nhạc của Phật giáo đã và đang thất truyền, tôi rất muốn sưu tầm lại để giữ lại gia sản âm nhạc của Phật giáo cho nó tồn tại thế hệ sau. Đây là điều mà tôi đang rất muốn làm. Những bài thiền ca, đạo ca đã được các ca sĩ khác hát rồi. Tôi muốn tìm lại những gì đã mất mát bao nhiêu thập niên qua. Vì đây là kho tàng văn hóa Phật giáo rất quan trọng. Nếu thuận duyên thì sẽ tìm đủ tài liệu sớm để thực hiện CD, vẫn chưa biết bao lâu sẽ hoàn thành xong CD này.”
Cơ duyên với Đức Phật với cửa Chùa
Nói về cơ duyên đến với đạo Phật, Phật tử Nguyên Minh kể, “Hồi nhỏ khi còn ở Việt Nam, tôi không chơi với bạn đồng lứa tuổi với mình. Không biết lý do tại sao. Trong trí nhớ của tôi lúc mình 6 tuổi, tôi rất thích vào trong chùa gần nhà để chơi một mình. Nhà tôi lúc đó ở Đà Lạt. Chùa có cây bồ đề tỏa bóng mát, có suối. Tôi thích vào chùa chơi vì thoáng mát, thanh vắng, tôi thích lủi thủi chơi một mình. Sư ông trụ trì chùa thấy tôi chơi một mình, hỏi thăm con là con nhà ai? Rồi dặn dò tối hôm nào con rảnh, con đến đây chơi với thầy. Thế là tối tôi đến chơi.
“Tôi được sư ông cho bánh, kẹo, rồi kêu tôi lên ngồi bên cạnh tụng kinh với sư ông. Ở Việt Nam, trong một buổi lễ tại chùa, thường người chủ lễ ngồi ở trên, ở bên dưới là các Phật tử. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh tôi đến chùa buổi tối mỗi ngày, tụng kinh từ 7 giờ đến 9 giờ mới xong. Bên trong chánh điện phần lớn là mấy cụ. Sư ông kêu tôi lên ngồi kế bên sư ông, bấy giờ tôi nghĩ trong bụng, mình ngon lành quá. Lẽ ra mình phải ngồi tuốt đằng xa. Vì ngày xưa ở Việt Nam, kính lão đắc thọ. Người lớn tuổi ngồi ở trên, từ từ người trẻ hơn ngồi phía dưới.
“Trong lúc tụng kinh, sư ông một tay gõ mõ, một tay gõ chuông, lâu lâu sư ông gõ kẻng một cái, tôi thấy hay hay. Khi sư ông đang tụng, tôi cũng bắt chước gõ kẻng một cái. Nhưng tôi gõ lung tung. Sư ông không giận, không la mắng gì tôi hết. Đến khi kết thúc lễ, sư ông nói con đợi sư ông chỉ, con làm theo nha. Từ đó hầu như mỗi tối, tôi lại vào chùa tụng kinh kéo dài khoảng bốn, năm năm. Bấy giờ tụng kinh thì tôi tụng thôi. Chữ thì mình cứ đọc, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi cũng có thuộc những đoạn kinh như Chú Đại Bi, Kinh Bát Nhã Ba La Mật… Khi không thuộc thì nhìn vào sách kinh, dùng mắt dò theo sư ông và các Phật tử trong đạo tràng tụng. Đây là duyên khởi lúc ban đầu đưa tôi đến với đạo Phật. Tâm của mình dắt mình đi vào trong chùa, thay vì la cà theo bạn bè phá làng phá xóm, thì trong vô thức có sự dẫn dắt tôi bước vào chùa. Mà tôi thích chứ không phải là sự bắt buộc.”
Nhưng khoảng bốn, năm năm sau, khi gia đình rời lên Sài Gòn, anh không còn duyên đến chùa nữa. Thời gian đi học, phụ việc gia đình. Anh cũng ra đời sớm, phụ việc cho người chị buôn bán mưu sinh. Giai đoạn đó là chấm dứt chuyện đi chùa, không đọc sách kinh kệ gì cả. Cho đến khi anh đi vượt biên bằng đường bộ vào năm 1986.
Ca sĩ Quang Tuấn kể, “Tôi vượt biên từ Việt Nam qua Campuchia rồi đến biên giới Thái- Miên. Trong khu rừng khi chuẩn bị gặp Hội Hồng Thập Tự để họ cứu vớt mình, thì tôi có duyên gặp một vị thầy tu Phật giáo. Thầy cũng đi vượt biên, tôi và thầy gặp nhau trong rừng. Tôi cũng đã không còn nhớ rõ vị thầy đó xuất xứ tu ở đâu. Nhưng trong giai đoạn ở trong rừng, tôi tiếp xúc với thầy, lo cho thầy từng bữa ăn, tìm rau… mưu sinh trong thời gian trong rừng.
“Khi vào trong trại lánh nạn Site 2, những ai được phỏng vấn đi qua nước thứ ba thì sẽ được chuyển sang trại tị nạn chính thức. Trong thời gian ở trại lánh nạn Site 2 khoảng hai năm, ngoài thời gian học Anh văn, ăn, ngủ, còn thời gian dư mình muốn làm gì thì làm. Tôi đã dành thì giờ còn lại của mình đến chùa trong trại lánh nạn này. Chùa Vạn Hạnh là một ngôi chùa trong trại, vốn là ngôi nhà lớn xây lên rất mộc mạc, mái lá tranh. Lúc bấy giờ tôi đã trở lại với Phật giáo.
“Tôi giúp quý thầy trong chùa này làm những việc công quả, tụng kinh. Vào những dịp lễ như Phật Đản, Vu Lan tôi cũng có hát những bài nhạc Phật giáo như Mục Kiền Liên, Bông Hồng Cài Áo… Đến năm 1989 qua Mỹ định cư thì tôi cũng thất lạc với quý thầy tại trại lánh nạn Site 2. Ở Mỹ, đời sống lại bận bịu mưu sinh, nên tôi cũng không còn đến chùa, không tìm hiểu kinh kệ, giáo lý Phật giáo. Thời gian ở trại lánh nạn, đã gần 20 tuổi, tụng kinh thì cứ tụng thôi, chứ không hiểu gì hết. Duyên khởi rồi duyên hết, vì mưu sinh nên ngưng một thời gian không đến với Phật Pháp. Tới ngày lễ, mồng 1, 15, 30, 14 thì ăn chay. Nhưng ăn chỉ là ăn thôi, chẳng thấy ngon gì cả. Lúc đó chẳng hiểu sâu xa gì về ăn chay, tụng kinh, ý nghĩa ra làm sao, cứ làm thôi mà không hiểu rõ.”
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “Nếu người chỉ giơ tay hoặc niệm Nam-mô Phật, đều sẽ thành Phật đạo.” Hạt giống Phật pháp một khi đã gieo vào tâm thức rồi thì không mất mà chỉ chờ hội đủ nhân duyên sẽ nảy mầm và đơm bông kết trái. Trường hợp của ca sĩ Quang Tuấn có lẽ là như vậy. Quả không sai khi mọi người phải thốt lên, “Phật pháp thật nhiệm mầu!”
Thuận duyên với tu tập
Nhớ lại chặng đường chính thức quay về với Phật pháp và trở thành Phật tử thuần thành rồi thọ Bồ Tát Giới, ca sĩ Quang Tuấn chia sẻ, “Năm 1993, tôi ghi danh thi cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ Tài Năng Mới do nhạc sĩ Ngọc Chánh tổ chức tại vũ trường Ritz và đã được giải nhì. Giải nhất cuộc thi này là ca sĩ Anh Dũng (hiện là xướng ngôn viên đài Việt Face) và đồng hạng nhất là ca sĩ Hoài Nam.
“Khi đậu vào bán kết tôi được nhạc sĩ Ngọc Chánh ký hợp đồng hát tại vũ trường Ritz hai năm, dù lúc đó tôi vẫn còn đang dự thi, chưa biết có đạt được giải gì không. Sau khi thi xong, tôi chính thức hát cho vũ trường. Đến năm 1995, sau khi hết hợp đồng với vũ trường Ritz, tôi chuyển về San Diego sống vì xin được công việc tại đây. Tôi sống ở San Diego năm năm (từ 1995 đến 2000). Tôi đi làm rất nhiều, mục đích dành dụm tiền làm CD cá nhân đầu tay.
“Trong giai đoạn năm năm này, duyên khởi đến với Phật giáo bắt đầu từ đây. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn độc thân. Nên khi có việc làm ở đâu thì tìm thuê phòng ở nhà nào gần chỗ làm cho tiện. Lần cuối tôi đọc báo thấy có một nhà cho thuê phòng cách chỗ làm rất gần. Khi tìm đến nhà, gặp chị chủ nhà để xem nơi ở trước khi quyết định thuê. Bước chân vào tôi có cảm giác như đây là nơi ở của một người tu trong cái thất vậy. Có tượng Phật được trưng bày rất hài hòa và nghệ thuật. Có tủ sách cao đụng trần nhà đầy các sách kinh.
“Nhà chị có ba phòng, một phòng chị ở, một phòng cho cậu con trai, và phòng còn dư nên cho thuê. Tôi thuê được nơi đó mừng lắm, vì rất gần chỗ làm, lái xe năm, bảy phút là tới chỗ làm rồi. Tôi ở đó một tháng, nhưng tôi và chị chủ nhà chưa bao giờ nói chuyện. Vì tôi đi làm thì chị ở nhà, còn tôi ở nhà thì chị đi làm. Chị làm tới hai công việc, tôi chỉ gặp chị vào cuối tuần, nhưng thường cũng không gặp vì chị lo đi tu học.
“Một hôm ngày thứ Bảy, tôi có thói quen dậy sớm ra pha cà phê, mới thấy chị nằm bẹp ở ghế sopha ngoài phòng khách. Lúc đó mới biết chị trúng gió. Chị đang đợi người bạn cùng tu học nhà cách đây phải lái xe hai tiếng để xuống giúp. Nghe vậy tôi tình nguyện ra vườn nhà của chị hái chanh, lá sả để giúp chị nấu nồi lá xông. Sau lần đó, vào một hôm cũng cuối tuần, tôi lại gặp chị, hai chị em có dịp trò chuyện nhiều hơn. Tôi có kể chuyện từng đến chùa từ nhỏ và khi đi vượt biên. Chị đề nghị nếu khi nào tôi rảnh thích thì hãy cứ chọn quyển sách kinh Phật trên kệ sách của chị để đọc.
“Vài tuần sau, cũng vào một ngày cuối tuần, hôm đó tôi rảnh, nên tôi đứng nhìn kệ sách. Sách rất nhiều, nào là kinh Đại Thừa, kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa… không biết lấy sách nào để đọc. Sau đó. tôi nghĩ thôi thì tùy duyên, tay chạm được cuốn nào, thì đọc cuốn đó. Quyển tôi chạm vào là Đường Mây Trên Đất Hoa [do Thầy Thích Hằng Đạt với Nguyên Phong dịch và phóng tác] nói về cuộc đời của Hòa Thượng Hư Vân. Ngài là một Thiền sư. Ngài là sư phụ của thầy Tuyên Hóa ở Như Lai Thiền Tự (chùa Đài Loan).
“Tôi đã đọc quyển sách đó say mê đến nỗi bỏ luôn cả ăn trưa. Đọc từ đầu đến hết cuốn sách khoảng hai trăm mấy chục trang. Sách nói về cuộc đời của ngài từ khi sinh ra. Khi ngài trở thành một môn sinh, rồi sau này thầy đi hoằng hóa.
“Một điều thật mầu nhiệm vô cùng. Ngày xưa khi sáu tuổi, tôi vào chùa tụng kinh, đọc chẳng hiểu gì. Qua trại tị nạn, đọc chẳng hiểu gì. Nhưng khi đọc sách của ngài Hư Vân, những gì ngày xưa tôi không hiểu, bây giờ được mở hết. Cái này bên Phật giáo gọi là Ngộ. Đây là một cái duyên mình Ngộ ra. Khi đọc sách ngài viết tới đâu, từng chữ một, tự dưng trong đầu tôi mở hết, hiểu hết mà tôi không ngờ. Cuộc đời của ngài Hư Vân cũng na ná tương tự cuộc đời của tôi, không có bố mẹ, là người mồ côi, có nhiều tương đồng trong cuộc đời tôi lắm. Cho nên tôi thích. Khi đọc hết sách, tôi hiểu được nhiều.
“Sau đó tôi đã đi theo chị chủ nhà đến những nhóm tu học mà chị hay đi. Khi đó tôi mới biết rằng nhóm của chị tại San Diego là tu học theo phương pháp của sư ông Làng Mai (Thiền Sư Thích Nhất Hạnh). Họ tự tu học với nhau theo phương pháp của sư ông Làng Mai. Tôi có duyên gặp sư ông Làng Mai ba lần, nghe được Thầy thuyết pháp và giảng dịch. Sau đó tôi tự nghiên cứu sách, tự tu lấy một mình và đi theo nhóm tu học của chị chủ nhà cùng tu học với nhau mỗi cuối tuần. Kể từ đó tôi đã bước vào thế giới Phật giáo và tu thiền trong mốc giai đoạn từ 1998- 2000 và đã có duyên trở lại với Phật giáo.”
Năm 2000 ca sĩ Quang Tuấn rời San Diego trở lại Quận Cam, lúc này anh vẫn đi làm công việc khác để mưu sinh và nhận show đi hát vào cuối tuần. Lúc bấy giờ anh được quý thầy ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ mời hát những ca khúc Phật giáo trong những buổi lễ lạc tại chùa.
Ca sĩ Quang Tuấn tâm sự, “Khi tôi có duyên quay trở lại với Phật giáo, đến năm 2000 quay trở lại ca hát, tôi có tiếp xúc với quý thầy, đi hát ở những ngôi chùa, thiền viện… thì lúc đó tôi mới quy y. Lúc bấy giờ tôi đi hát ở Houston (Texas) và đã quy y tại chùa Việt Nam do Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh, trụ trì của chùa làm lễ quy y cho tôi vào năm 2009. Lúc đó tôi đã có gia đình và có hai con rồi.
“Dù tôi đã gắn với giáo lý Phật trước đó, nhưng vẫn chưa đủ duyên để quy y. Lúc đầu, tôi rất muốn được sư ông Thích Nhất Hạnh đứng ra đại diện làm lễ quy y cho tôi, nhưng không có duyên. Để rồi đến năm 2009, tôi lại có duyên với ôn Thích Nguyên Hạnh. Ôn đứng ra làm một đại diện tam bảo làm lễ quy y cho tôi. Ôn đặt cho tôi pháp danh là Nguyên Minh. Ôn là Thích Nguyên Hạnh. Nguyên là một dòng họ bên nhà Phật. Nên Ôn lấy dòng họ ghép cho tôi pháp danh là Nguyên. Minh là từ chữ Tuấn mà ra (tên thật của ca sĩ Quang Tuấn là Lương Anh Tuấn). Mình quy y không phải với quý thầy nào, mà là quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Các quý thầy chỉ là đại diện cho Tam Bảo, đứng ra làm lễ quy y thay thế cho đức Phật, chứ không phải Phật tử quy y với Thầy đó. Đây là điều mà quý Phật tử hiểu lầm rất nhiều.
“Đến năm 2015, tôi bước vào thọ Bồ Tát giới. Khi quy y Tam Bảo, người Phật tử thuần thành phải giữ Ngũ Giới (không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không được uống rượu (những chất kích thích)). Khi mình giữ được ngon lành Ngũ giới, thì mình bước tới thực hành Thập Thiện Giới (cộng thêm 5 giới nữa) và sau khi giữ được rồi thì bước qua Bồ Tát giới.”
Phật tử Nguyên Minh giải thích, “Bồ Tát Giới được chia làm hai loại, một loại tại gia và một loại là Bồ Tát Giới xuất gia. Bồ Tát Giới tại gia thì Phật tử giữ từ 30 đến 50 giới. Còn Bồ Tát Giới xuất gia thì quý thầy giữ 128 giới. Những giới đó xuất xứ từ năm giới chính mà ra. Ví dụ giới nói dối. Một người Phật tử thuần thành không nên chuyện có nói thành không, chuyện không nói thành có. Khi thọ thêm giới, thì giới nói dối có thêm cái phụ. Ví dụ ai kể cho mình nghe câu chuyện, khi mình thuật lại người khác nghe, phải y như vậy, không được bẻ méo, thêm bớt câu chuyện để người A, B hay C mâu thuẫn với nhau. Đến năm 2015 tôi thọ Bồ Tát Giới.
“Nếu quy y Tam Bảo, thì chỉ cần một thầy đại diện cho Đức Phật làm lễ quy y. Nhưng khi muốn thọ Bồ Tát Giới cần có 10 thầy chứng minh cho Bồ Tát Giới của người tu tại gia. Vì trong suốt thời gian mình học hỏi, tu học, làm theo những hành trì của người Phật tử trong suốt bao nhiêu năm tháng, thì quý thầy cũng có chất vấn và theo dõi mình học tới đâu. Khi mình thưa với quý thầy muốn thọ Bồ Tát Giới, thì quý thầy cũng sẽ chất vấn mình để xem mình hiểu được về Phật pháp như thế nào, thì mới cho thọ Bồ Tát Giới, chứ không phải tự dưng mình thích là được đâu.
“Khi thọ Bồ Tát Giới thì phải có 10 vị, thì trong đó có một vị Hòa Thượng lớn tuổi chứng minh cho buổi lễ. Vị chứng minh cho buổi lễ thọ Bồ Tát Giới cho tôi là Hòa Thượng Thích Chân Tôn ở Arizona. Thầy là trụ trì một chùa tại đây là chùa Việt Nam. Ngoài ôn Hòa Thượng chứng minh ra còn có một hội đồng Tôn Sư là Thượng Tọa và Đại Đức chứng minh cho buổi lễ.
“Nếu bước một bước nữa là tôi đã xuất gia rồi. Vì với người tu tại gia, thọ Bồ Tát Giới là chấm dứt. Hiện bây giờ tôi tu học tại nhà. Trước đây khi chưa bị đại dịch cúm Covid-19, tôi vẫn thường tới các ngôi chùa để tu học và giúp cho quý thầy một phần công sức trong ngôi chùa. Ví dụ những buổi nghi lễ, phụ với quý thầy tụng kinh, gõ chuông mõ. Vì cần phải học mới làm được. Mà khi bước vô Bồ Tát Giới rồi thì các nghi lễ trong Phật giáo mình phải biết hết.
“Ví dụ vị trụ trì của chùa bận việc đi hoằng pháp bên ngoài, các Phật tử trong đạo tràng đến chùa tụng kinh mỗi tối, thì ôn trụ trì sẽ nhờ tôi thay thế ôn làm chủ lễ. Mà chủ lễ phải là người thọ Bồ Tát Giới và phải hiểu mới được thay thế thầy trụ trì, còn một Phật tử chỉ thọ Ngũ Giới thì không có quyền.
“Những chùa tôi từng tu học và từng được ôn trụ trì nhờ làm chủ lễ những lúc ôn vắng mặt như chùa Trúc Lâm tại thành phố Corona, nơi tôi đang sống hiện nay, Thiền đường Ấn Tôn và chùa Thiên Trúc, cả hai đều ở San Jose, trong thời gian tôi còn sống ở đấy. Những buổi lễ tụng kinh Pháp Hoa, tụng đám cầu siêu cho quý Phật tử trong đạo tràng vừa qua đời được siêu thoát.”
Phật tử Nguyên Minh bật mí, “Từ nhỏ đến nay, tôi luôn có duyên gặp quý thầy là người gốc Huế, chưa gặp vị thầy nào người Nam và người Bắc. Trong Phật giáo của quý thầy gốc Huế thì quý thầy thường tán tụng như hát. Vì tán tụng của Phật giáo gốc Huế ngày xưa ảnh hưởng bởi nhạc cung đình Huế, từ đó mới chế tác ra âm hưởng giai điệu riêng cho Phật giáo gọi là tán tụng rất hay. Tôi đang học tán tụng đó. Nhờ là ca sĩ, nên những nhịp nhàng của tán tụng bên Phật giáo gốc Huế tôi học rất mau. Có điều thể thức của tán tụng hơi khác với tân nhạc một chút, nhưng tôi mê lắm. Vì mê tôi học rất mau.
“Nhưng mê là một chuyện, mình cần có khiếu nữa và có giọng nữa. Có thầy tán tụng rất hay, nghe đã lắm, nhưng có thầy tán tụng không được. Vì cần phải có hơi, có giọng, phải có khiếu giống như đi hát vậy thôi. Tôi phải học hết những nghi lễ giống như những người xuất gia vậy, mà tôi tự thấy tôi vẫn còn chưa biết hết. Vẫn tiếp tục học mãi. Những điều mình học chỉ là hạt cát mà thôi, mình học tới đâu, biết tới đâu, hay ngộ tới đâu thì mình hiểu tới đó mà thôi. Còn ngoài ra mình vẫn phải học nhiều lắm, nhưng cái chính là phải thực tập và tu hành. Học chỉ là một nhưng thực hành là mười. Cũng giống như ngoài đời mà thôi.”
Phật tử Nguyên Minh cho biết các phương pháp tu tập mà anh theo suốt bao năm qua gồm có Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền của sư ông Làng Mai. “Mỗi một tông phái có khác nhau nhưng quy tựu chung đều là thiền mà thôi. Mà Thiền của Sư ông Làng Mai kết hợp Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Nói chung từ cột mốc năm 2000 đến nay, bao nhiêu năm ròng rã tôi đi tu thiền, học hỏi rất nhiều ở quý thầy. Tôi cũng đã tìm hiểu sâu về Phật Giáo. Bây giờ tôi hành việc ngoài đời. Làm việc, lời nói, cử chỉ… tôi luôn cố gắng làm giống như một người xuất gia vậy. Hai mươi năm qua, những lúc không đến chùa được thì tự tu tập ở nhà. Vợ tôi trước khi kết hôn với tôi cũng chỉ là một người theo đạo thờ ông bà, không hiểu gì về Phật giáo cả. Khi vợ tôi thắc mắc gì, thì tôi hướng dẫn, chia sẻ với cô ấy.”
Khi một người biết đi chùa, thờ Phật, lễ Phật, tụng kinh, sám hối, làm phước, cúng dường, nghe Tăng Ni thuyết pháp hoặc tham dự các khóa lễ, khóa tu có nghĩa là người đó đã xác nhận mình là Phật tử. Nhưng để trở thành người Phật tử chân chính chúng ta cần phải biết rõ mục đích cốt lõi của đạo Phật là gì.
Phật tử Nguyên Minh chia sẻ, “Trong 20 năm tôi bước vô Phật giáo học hỏi và rút ra kinh nghiệm cho chính mình, xin gửi đến những người đồng tu chung với tôi, với quý Phật tử để chia sẻ. Dù mình có tu lâu năm đi nữa, đi chùa, ăn chay, niệm Phật hay thậm chí mình làm công đức thì mình phải hiểu một điều rằng, mình còn ham những vật chất không? Mình còn ham với những danh lợi không? Mình có còn sân si không? Hay nổi nóng khi gặp những chuyện vô tội vạ, giận dữ bực tức không? Mình còn cái tôi, ngã mạn của mình lớn không? Khi ai khen thì mình vui, khi ai chê thì nổi nóng không? Mình còn chấp vô cái Đạo tôi, Đạo anh, Đạo chị không? Gây ra sự chia rẽ bè phái hay không? Những điều đó vẫn còn, thì dù mình có tu học 20 năm, 30 năm, 100 năm nó cũng là công dã tràng mà thôi.
“Đối với riêng cá nhân tôi, một người Phật tử khi quy y Ngũ giới thì mình hãy ráng làm sao cho trọn vẹn, đừng có phá hủy, đừng có làm sai. Ngày xưa khi Đức Thế Tôn chuẩn bị nhập diệt. Ngài A Nan có hỏi: Đức Thế Tôn nhập niết bàn, thì ai sẽ là người thay thế. Đức Thế Tôn trả lời không ai thay thế ta cả, mà vị Thầy của các con là Giới. Phải giữ được Giới. Giới là bậc thầy của các con.
“Theo tôi nghĩ, một Phật tử thuần thành, ngoài chuyện giữ Ngũ Giới, còn phải giữ Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỉ Xả) của Phật giáo. Từ là đối nghịch với giận hờn. Bi đối với tàn ác. Hỉ đối với ganh ghét. Xả đối với kỳ thị. Hãy bố thí cho thật nhiều, nên nói những lời ái ngữ cho thật đẹp, mình nên khiêm cung, lễ độ. Ngoài ra hãy luôn giữ Tam Thường Bất Túc. Đây không chỉ dành riêng cho người xuất gia mà người tu tại gia cũng phải thực hiện. Tam Thường Bất Túc nghĩa là trong ba cái ăn, mặc, và ở đừng bao giờ đầy đủ quá. Phần đông cứ bị đam mê trong lề thói hưởng thụ ấy mà không để ý đến chuyện ngày tháng qua mau, khi giật mình tỉnh dậy thì đầu mình đã bạc. Đây là những giáo lý mà Đức Thế Tôn đã dạy có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi và tôi luôn áp dụng trong đời sống của mình.”
Đối với Phật tử Nguyên Minh, Phật giáo có nhiều học thuyết rất hay như nhân quả, nghiệp báo, luân hồi… Điều đặc biệt mà đạo Phật mang đến cho anh là sự thấu hiểu được lẽ vô thường của cuộc đời.
Anh bày tỏ, “Đạo Phật giúp chuyển hóa tôi 180 độ. Ngày xưa đời sống tôi khác. Khi còn sống ở Việt Nam và khi vượt biên chẳng hiểu gì về đạo Phật. Đến khi thuê phòng ở trong nhà chị chủ nhà tu theo phương pháp của sư ông Làng Mai, tôi đã hiểu ra và ngộ ra. Bên đạo Phật, ngộ Đạo đã là tốt rồi. Nhưng ngộ Đạo chưa đủ, phải chứng đạo. Muốn chứng Đạo mình phải giữ giới, tu học cho nghiêm túc. Chứng Đạo mới là khó. Ngộ Đạo đã là khá rồi. Nhưng phải chứng Đạo, học một mà phải thực hành nhiều. Ví dụ hạnh bố thí. Không nhất thiết phải bố thí tiền bạc, không nhất thiết phải bố thí về tinh thần. Mình có cái gì bố thí cái đó.
“Nhiều khi mình bố thí bằng lời nói cũng là bố thí. Chia sẻ cho người nghe trong lúc họ đang đau khổ, mình khuyên họ điều tốt đẹp, hướng dẫn họ đi con đường đúng, là những lời nói bố thí, để họ có đời sống tinh thần thật tốt. Cũng là một bố thí. Bất cứ những biến động nào xảy ra, không riêng gì trong dịch cúm này, mỗi người chúng ta hãy luôn giữ cho mình tốt. Còn chuyện tu học, mình biết được tới đâu thì cứ làm như vậy đi. Ngoài ra mình nên nguyện những lời cầu thế giới bình an, mọi người tai quan nạn khỏi, hộ trì cho những gia đình nghèo khổ gặp những khó khăn trong đời sống, giúp cho họ một bàn tay.
“Nhờ có tu tập nên những biến động đến, tâm tôi cũng bình an hơn những người khác. Nếu lỡ như mình vướng phải căn bệnh ngặt nghèo, thì đó là do cái nghiệp của mình mà thôi. Khi mình bị nghiệp thì mình đừng than oán, trách móc ai. Vì khi đó mình phải mang.
“Bên đạo Phật có thuyết luân hồi. Nhân Phước Quả Báu luôn tuần hoàn. Mình làm điều gì đúng, điều gì tốt thì việc làm sẽ đến với mình tốt. Làm điều gì sai thì việc sai đến với mình ngay. Đây là cái nghiệp mà mỗi người phải tự gánh chịu lấy, không ai gánh cho ai, không ai tu cho ai cả.”
Để kết thúc phần tâm tình của mình, ca sĩ Quang Tuấn nói, “Thời gian này, vì đại dịch nên công việc của tôi cũng khó khăn hơn, làm nơi này thời gian bị lay off, phải tìm việc nơi khác để xoay sở lo cho đời sống gia đình. Nhưng tôi không cho đó là việc vất vả. Vì hiện nay rất nhiều người thất nghiệp. Mình có công việc làm là hạnh phúc rồi, không nên đòi hỏi gì quá đáng. Với tôi, cái ăn, cái mặc, cái ở làm sao cho vừa phải là hạnh phúc rồi. Còn nếu mình cứ căng thẳng quá, đòi hỏi quá, thì sẽ rất mệt.
“Hãy luôn nghĩ chuyện gì tới sẽ tới. Cuộc đời này rất vô thường. Đừng để tâm mình quá xáo động. Không nên để lý trí quẫn quá sẽ có những hành động không được đẹp. Tôi xin nguyện cầu cho thế giới được bình an, tai qua nạn khỏi, dịch cúm mau hết. Nguyện cầu cho mọi người đều bình an, khỏe mạnh. Và xin nguyện cầu cho quý Phật tử càng ngày tu học càng thêm tinh tấn.”
(Ký giả Băng Huyền đã viết cho báo Viet Herald và Viễn Đông Daily News nhiều năm qua. Cô hiện cư ngụ tại thành phố Anaheim, Nam California.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.