Phật Giáo và chiến lược miễn dịch cộng đồng của chính phủ Mỹ

*Đọc 5 phút*

‘Với những người theo Phật Giáo, việc tôn trọng mạng sống của chúng sinh, trong đó có con người, bất kể già trẻ, lớn bé, ốm đau tật nguyền, được đưa lên hàng đầu.’

Bài TỊNH THỦY

Trong vài tuần qua, người dân Hoa Kỳ được biết đến một bản văn mang tính kiến nghị có tên là “Tuyên Bố Great Barrington” (Great Barrington Declaration) phản đối chính sách phong tỏa xã hội (lockdowns strategy) để ngăn chặn đại dịch và ủng hộ chiến lược tự do lây nhiễm SARS-CoV-2 (Covid-19) ở những người trẻ, khỏe mạnh, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Bản kiến nghị này được đặt theo tên một thị trấn tại tiểu bang Massachusetts và được hai viên chức cấp cao Tòa Bạch Ốc phát biểu trong một cuộc họp báo.

“Miễn dịch cộng đồng” (herd immunity) là thuật ngữ mà theo các nhà khoa học tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19, phải có khoảng 60% dân số miễn dịch với căn bệnh này, nghĩa là 60% dân số phải bị nhiễm bệnh rồi được chữa khỏi. Khi đạt được miễn dịch cộng đồng, bệnh ít có khả năng lây sang người khác, những người chưa có miễn dịch.

Tuy nhiên, đối với dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, cách duy nhất để tạo miễn dịch cộng đồng là để người dân nhiễm bệnh và chữa trị cho họ hồi phục, thì cơ thể sẽ tự hình thành đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với virus này. Đây chính là chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của chính quyền hiện tại đang manh nha thực hiện bằng cách không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội để virus tự do lây lan trong dân chúng. Chiến lươc này vẫn gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là ở Thụy Điển, quốc gia không áp đặt các biện pháp phong tỏa xã hội để ngăn đại dịch.

Tổng Giám Đốc Tổ Chức Y Tế Liên Hiệp Quốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phản đối chiến lược miễn dịch cộng đồng để ngăn chặn Covid-19, cho rằng phương thức này là “phi đạo đức.”

Bác Sĩ Anthony Fauci, Giám Đốc Viện Quốc Gia Hoa Kỳ Về Các Bệnh Dị ứng và Truyền Nhiễm, cảnh báo chính sách này có thể khiến nhiều người tử vong, ngay cả khi tỷ lệ người nhiễm không triệu chứng ở mức tương đối cao.

“Với nạn béo phì, cao huyết áp và tiểu đường tại Mỹ, nếu mọi người bị nhiễm Covid-19, con số tử vong sẽ rất lớn và hoàn toàn không thể chấp nhận,” Bác Sĩ Fauci giải thích.

Hiệp hội Các Bệnh Truyền Nhiễm Hoa Kỳ (Infectious Diseases Society of America) đã gọi các ý tưởng của bản kiến nghị là “không phù hợp, vô trách nhiệm và thiếu thông tin.” (inappropriate, irresponsible and ill-informed). Trong một bức thư ngỏ được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet, một nhóm các chuyên gia y tế hàng đầu quốc tế đã tán thành một bản kiến nghị phản đối có tên là Bản Ghi Nhớ John Snow (John Snow Memorandum), phản đối mạnh mẽ chiến lược “miễn dịch cộng đồng.”

Theo ước tính của các nhà khoa học nếu áp dụng chiến lược này nước Mỹ sẽ phải hy sinh thêm từ 800 ngàn đến một triệu người tử vong để đạt được ngưỡng 60% dân số miễn dịch. Một triệu người tử vong, một con số quá lớn mà phần đông là người già trên 70 tuổi và những người có bệnh nền như thận, tiểu đường, tim mạch, hô hấp và béo phì.

Khả năng miễn dịch cộng đồng đạt được bằng cách bảo vệ con người, ngăn chặn không cho Coronavirus xâm nhập bằng các biện pháp thông thường và tiêm chủng thuốc ngừa, chứ không phải bằng cách để chúng (Covid-19) tự do lây lan. Con người có khỏe mạnh mới đi làm việc được, hầu mang lại nền kinh tế khỏe mạnh, phồn thịnh.

Một triệu người Mỹ sẽ có thể tử vong nếu áp dụng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” do chính quyền áp đặt. Liệu người dân Hoa Kỳ có thể làm ngơ để các nhà tư bản Mỹ hy sinh những người già tuổi không còn khả năng lao động, để làm lợi cho nền kinh tế quốc gia giàu mạnh.

Đối với xã hội ngày nay nhất là các quốc gia tân tiến văn minh như Hoa Kỳ mà nói thì không những con người có dư thừa khả năng phòng ngừa và ngăn chặn không để virus gây hại mà còn có thể mang chúng lên mặt trăng hay sao Hỏa. Ở đây chúng ta nên dùng các phương pháp phòng ngừa và ngăn chặn chứ không nên dùng phương pháp hủy diệt một số đông người già yếu để số đông người trẻ khỏe còn lại sống. Các chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực này đồng ý rộng rãi rằng biện pháp cực đoan này sẽ có thể làm mất cân bằng xã hội, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến xã hội về thể chất, tinh thần và tài chính – và khuyên các chính phủ không nên dùng.

Với những người theo Phật Giáo, việc tôn trọng mạng sống của chúng sinh, trong đó có con người, bất kể già trẻ, lớn bé, ốm đau tật nguyền, được đưa lên hàng đầu. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có quyền được sống, không ai có quyền cướp đi mạng sống của kẻ khác bằng bất kỳ hình thức nào. Con người ai cũng sợ đau, sợ mất mạng. Cho nên Phật giáo khuyên người Phật tử không được sát hại chúng sinh, không được coi nhẹ sinh mạng của ai, cũng đừng vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn; và cũng không được nhân danh bất cứ lý do gì, như tự do cá nhân mình hay lấy danh nghĩa phục hồi nền kinh tế quốc gia mà làm ngơ cho một số đông người già nhiễm bệnh rồi để họ chết.

Điểm đáng nói trong các giới cấm của Phật Giáo, giới không sát sanh được Đức Phật thiết lập đầu tiên, có vị trí và vai trò hàng đầu trong các giới. Có thể xem giới không sát sanh là cơ sở, cội nguồn để xác lập đạo đức, sự nhân cách con người. Các giới còn lại hình thành và đi vào sự vận hành trong đời sống thực tiễn khi cá nhân người đó phải biết tuân thủ thực thi giới không sát này. Do đó, nó không chỉ có giá trị nhân văn cao trong thiết chế của một xã hội an bình mà nó còn là nền tảng, chuẩn bị để con người vươn tới niềm an lạc hạnh phúc cho cá nhân và nhân loại.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Phật Giáo và chiến lược miễn dịch cộng đồng của chính phủ Mỹ

  1. Đối với một vấn đề xã hội (như tìm kiếm giải pháp nào cho dịch bệnh siêu vi khuẩn xuất phát từ Vũ Hán) – đang bị yếu tố chính trị thâm nhập một cách trầm trọng và thiếu quân bình như ở Mỹ hiện nay thì cái nhìn từ một góc riêng biệt có thể thiếu chính xác; kể cả là cái nhìn được nói là từ một tôn giáo. Tại sao vậy? Thứ nhất vì vấn đề này đang được bàn luận/ tranh cãi chưa ngã ngũ (các lập luận/ nghiên cứu/ chứng cứ/ con số thống kê chỉ là từ mỗi bên đưa ra, trong đó chưa kể tới việc các quan điểm này – cho dù được chính những nhà khoa học đưa ra – không chắc là hoàn toàn khoa học/ khách quan mà không vì quyền lợi cá nhân/ phe nhóm). Do đó, không thể đứng ở một phía này để quy kết cho phía khác về những tổn hại chỉ mới là dự đoán được. Thứ hai là có những tổn hại dễ thấy (như đếm số thống kê bệnh nhân/ người thiệt mạng trực tiếp do dịch bệnh) nhưng cũng có những thiệt hại còn to lớn hơn cho quốc gia vì sự phá sản của nền kinh tế, từ đó có thể dẫn đến chiến tranh giữa những nước là nạn nhân dịch bệnh và nước đã gây ra và cố tình phát tán dịch bệnh đó để bắt bồi thường kinh tế. Loại thiệt hại thứ hai này hoặc là khó thấy hơn hoặc là bị cố tình lơ đi, không nói đến. Thứ ba liên quan trực tiếp tới bài viết trên về tính cách chính danh khi sử dụng danh xưng Phật giáo để làm dù che cho một ý kiến cá nhân. Xin đừng để vấn đề chính trị bị lợi dụng làm vấy bẩn một diễn đàn học thuật có tính cách Phật giáo như vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *