Bát Nhã Tâm Kinh. Nguồn gốc: Nghiên cứu về nội dung

*Đọc 25 phút*

Bài VŨ THẾ NGỌC

Lời Giới Thiệu:
Như đã trình bầy trong bài thứ nhất nhận định về bài viết của Jan Nattier The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?” (Tâm Kinh: Một Văn Bản Hoa Văn Giả Tạo?). Đây là một bài viết dù từng nổi tiếng một thời, nhưng sự thực không có giá trị nào về nghiên cứu nội dung Tâm Kinh (là mục đích nghiên cứu của tôi), cho nên cá nhân tôi không chú ý đến bài viết này từ gần hai chục năm qua.
Tuy nhiên khi nghiên cứu về Tâm Kinh, tôi nhận thấy phải có đôi lời nhận xét về bài viết nổi tiếng của Nattier như bài viết trước đã trình bầy. Vì nghĩ rằng dù sao bài báo của bà vẫn có giá trị là đặt ra một số vấn đề văn bản lịch sử cho nên độc giả cũng nên biết.
Lý do thứ hai tôi viết bài trên cũng còn vì lý do trong thời gian gần đây trên truyền thông mạng có phổ biến nhiều bài viết và pháp thoại của một số tác giả và tu sĩ ở Việt Nam đưa ra ý kiến cho rằng kinh Phật giáo Đại thừa chỉ là “kinh tưởng” do người Hoa sáng tác. Đây vốn là một đề tài rất cũ đã được tranh luận ở Á Đông từ nhiều thế kỷ trước, ngày nay với sự bùng nổ và phổ biến thông tin mạng nên có người mới biết và lập lại, nhưng phần lớn không đọc sâu và tìm hiểu đến nơi đến chốn nên thường có các bài viết hay “pháp thoại” như thế.[1]

Như đã trình bầy, lập luận của Nattier trong bài báo “The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?” với ý kiến và cùng với các phản bác của hai học giả Nhật Bản Fukui và Harada thì trên đại cương chung cũng chỉ tập trung trên lịch sử văn bản mà không liên quan đến nội dung của Tâm Kinh là lãnh vực nghiên cứu của tôi về luận này. Khi phân tích nội dung bản dịch Tâm Kinh của Huyền Trang (bản T.251) với các bản dịch Hán văn của các dịch giả khác cùng với các tài liệu Phạn ngữ liên hệ, tôi có ghi lại một số ghi nhận viết thành tiểu luận “Bát Nhã Tâm Kinh” để thảo luận về nguồn gốc và nội dung Bát Nhã Tâm Kinh.

Bài viết sau đây chỉ là phần tóm lược của tiểu luận được dàn trải khắp trong luận đề gồm 11 chương dài gần 500 trang. Tiểu luận này nguyên là một luận án Phật học, đã được cải biên cho phổ thông hơn dưới tên là Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng được dùng như một luận tạm đóng lại Tùng Thư Long Thọ và Tính Không gồm 10 đại luận liên quan đến Triết Học Long Thọ đã được xuất bản trong mười năm vừa qua, đọc giả muốn rõ chi tiết hơn xin tìm đọc sách này.

Heart Sutra (Vajrasecrets.com)

VỀ NỘI DUNG TÂM KINH

So Sánh các văn bản chữ Hán và Phạn bản

Trong Chương IX của luận Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng, khi đối chiếu hai bản T251 (bản Tâm Kinh chữ Hán do Huyền Trang dịch) và các bản Phạn văn tôi đã cho thấy về nội dung, thì các bản Phạn văn Sanskrit hṛdaya không thể có sau hoặc là bản phản dịch từ bản chữ Hán T251 của Huyền Tang.[2] Sau đây là phần chứng lý từ nội dung Tâm Kinh, những chứng lý mà hầu như chưa có ai bàn đến. Vấn đề này là nội dung tôi đã thảo luận chi tiết trong suốt 11 chương của luận Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng, nên ở đây xin trình bầy rất vắn tắt. Đây là chuyên luận nên các độc giả cần hiểu chi tiết hơn xin đọc toàn văn của luận này.

1. Bản Hán văn thiếu thuật ngữ “Tự Tính”

Bản T251 của Huyền Trang viết “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” so với tất cả các bản khác rõ ràng thiếu thuật ngữ Tự Tính (svabhāva) – Tôi xin lập lại “tất cả” vì tất cả các bản Hán văn, Sanskrit và Tạng văn đều viết “chiếu kiến ngũ uẩn tự tính giai không”.[3] Khi bản T251 viết “ngũ uẩn giai không” thì chỉ là lập lại quan điểm “vạn pháp giai không” rất quen thuộc của tất cả các kinh luận Phật giáo, nên không khiến người đọc tụng thông thường ý thức được sự thiếu sót từ Tự Tính (svabhāva) vô cùng quan trọng này.[4] Còn “chiếu kiến ngũ uẩn tự tính giai không” mới có nghĩa là “không tìm thấy tự tính của ngũ uẩn” tức là kèm theo định nghĩa của “không” – Không có nghĩa là không có tự tính – trong quan điểm giáo lý Tính Không. Cho nên chúng ta thấy rằng tất cả các bản Hán dịch Tâm Kinh sau bản T251 đều nhất trí lấy lại từ Tự Tính (svabhāva) của bản Sanskrit – Chúng ta có thể thấy rằng dường như tất cả dịch giả sau Huyền Trang có lẽ chỉ vì muốn lấy lại từ này mà họ đều dịch lại Tâm Kinh vì nội dung các bản dịch của họ không khác với bản T251 của Huyền Trang (và còn dở hơn, tuy nhiên vấn đề “hay dở” lại cần một nghiên cứu dài hơi hơn).

Nói một cách khác là câu “chiếu kiến ngũ uẩn tự tính giai không” phủ nhận cái gọi là tự tính (svabhāva) của ngũ uẩn, nên vừa lập lại quan điểm “ngũ uẩn giai không” của các kinh luận Phật giáo, vừa đồng thời giải thích lý do tại sao ngũ uẩn là không -> vì không tìm thấy tự tính của ngũ uẩn đâu cả, vốn là định nghĩa quan trọng của chữ “không” trong giáo lý tính không của Long Thọ: “không có nghĩa là không có tự tính”.

Vấn đề thuật ngữ “tự tính” rất cần thiết và quan trọng không những ở đây, mà tất cả các luận của Long Thọ đều liên tiếp phủ nhận cái “tự tính svabhāva”. Có nhiều lý do cơ bản đã khiến Long Thọ đã quyết liệt phản đối như thế, trong nguyên Chương VI tôi đã thảo luận khá chi tiết. Ở đây tôi chỉ cần nhắc lại khẳng định của chính Long Thọ “Nếu thừa nhận duyên khởi thì phải chấp nhận vạn vật không có tự tính, còn đã chấp nhận có tự tính thì không thể chấp nhận giáo lý duyên khởi”[5] và như một lời kết luận của Ấn Thuận, một đại sư học giả cận đại: “Trung Quán có thể gọi là Tông Duyên Khởi, các tông môn tôn giáo khác có thể gọi là Tông Tự Tính”.[6]

2. Bản Hán văn thiếu câu rūpaṃ śūnyatā śūnyataiva

Bản T251 của Huyền Trang không có câu rūpaṃ śūnyatā śūnyataiva rūpaṃ (Sắc là không, chính không là sắc) có trong bản Sanskrit. Chú ý câu này có trong bản Sanskrit của Edward Conze mà chúng ta so sánh, mà cũng có trong cả hai bản Sanskrit khác mà tôi dùng trong luận này là bản SA (bản Sanskrit của Bất Không Amoghavajra) và bản SH (bản Sanskrit của Hōryū-ji / Pháp Long Tự ở Nhật Bản).

Tuyệt đại đa số người đọc không quan tâm nhiều đến điểm thiếu sót này, vì người ta tưởng câu này trùng lập nghĩa với “sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” của đoạn sau. Nhưng nếu là người hiểu nghĩa tính không của Long Thọ thì sẽ thấy nghĩa của câu này có trong các bản Sanskrit nói rõ tư tưởng tính không hơn là bản Hán văn T251. Thứ nhất, trong việc so sánh giữa sắckhông thì người ta phải so sánh đầy đủ ba vế như bản Sanskrit, vắn tắt như sau:

(1) rūpaṃ śūnyatā śūnyataiva rūpaṃ: Conze dịch “form is emptiness and the very emtiness is form”. Tức là “Sắc tức là Không, chính Không là Sắc” trình bầy ý nghĩa trong tính không thì chẳng còn phân biệt sắc không của thế giới nhị nguyên.

(2) rūpān na pṛthak śūnyatā śūnyatāyā na pṛthag rūpaṃ: Conze dịch “emptiness does not different from form, form does not different from emptiness”. Tức là “Không chẳng khác sắc, sắc chẳng khác không” trình bầy tính đồng nhất trong tính không.

(3) yad rūpaṃ sā śūnyatā yā śūnyatā tad rūpaṃ: Conze dịch “whatever is form, that is emptiness; whatever is emptiness, that is form”. Tức là “cái gì gọi là sắc cũng là không, cái gì gọi là không thì cũng là sắc” nói rõ nghĩa “tất cả là một, một là tất cả” của tính không.

Tóm lại khi bản dịch Tâm Kinh T251 của Huyền Trang thiếu câu (1) thì cho thấy người dịch không phải là đại sư chuyên về Tính Không, nên không thấy sự cần thiết của cả ba câu (ba vế) vì nghĩ chỉ cần có hai câu như bản dịch T251 là đủ. Một vài học giả văn bản khi so sánh hai bản văn thì có thể thấy sự khiếm khuyết của bản Hán văn, nhưng chưa có ai suy nghĩ đến sự khiếm khuyết này quan trọng như thế nào trong ý nghĩa của học thuyết về Tính Không, để chứng tỏ rằng bản Hán văn Tâm Kinh chỉ là bản dịch của bản Phạn văn, chứ không phải ngược lại. (Không thể có bản dịch lại đủ chữ mà bản nguyên tác lại thiếu chữ)

3. Bản Hán văn thiếu na-aprāptiḥ na-abhisamaya

Các bản Sanskrit viết đủ ba phạm trù “vô trí, vô đắc, vô bất-đắc” (na jñānaṃ na prāptir na-aprāptiḥ). Bản Hán văn T251 viết gọn là “vô trí diệc vô đắc” (không trí không đắc), như vậy bản Hán văn đã bỏ vế thứ ba “vô bất-đắc” (na-aprāptiḥ). Giống như điểm thứ hai ở trên, việc thiếu “vô bất-đắc” (na-aprāptiḥ) với người không chuyên về giáo lý Tính Không cũng không quan trọng lắm. Nhưng đây là cả một vấn đề cơ bản với giáo lý Tính Không. Với người quen thuộc với giáo lý tính không, thì muốn bầy tỏ chân lý tính không “vượt thoát nhị nguyên đối đãi’ của trí tuệ ba la mật (prajñāparamita) thì phải vượt cả “đắc” lẫn “bất-đắc”, cho nên vế thứ ba “vô bất-đắc” (na-aprāptiḥ) rất cần thiết để trình bầy vấn đề “đắc” theo nghĩa tính không. Bản dịch Anh ngữ của Edward Conze dịch theo bản Sanskrit lẽ dĩ nhiên là có đủ (There is no knowledge, no attainment and no non-attainment).

Nhưng rất lạ là bản dịch Anh ngữ của D.T. Suzuki cũng dịch không dừng ở “vô trí diệc vô đắc” (no knowledge no attainment) mà còn thêm “no realization” (there is no knowledge, no attainment, no realization) dù Suzuki dịch theo bản Hán văn T251 của Huyền Trang. Mới đầu tôi nghĩ hoặc là do kinh nghiệm lâu dài của một học giả về Tính Không và cũng là một hành giả sâu sắc về kinh luận Tính Không nên Suzuki phải nghĩ ra “no knowledge, no attainment” (vô trí, vô đắc) cần phải thêm cả “vô bất-đắc” như đã có trong các văn bản Phạn ngữ nào khác (mà Suzuki không chưng dẫn) vì bản T251 của Huyền Trang mà Suzuki sử dụng không có.

(MagnaTune)

Tuy nhiên sau khi tôi đọc kỹ bản T256 song ngữ của Amoghavajra (Bất Không) tôi thấy Amoghavajra dịch ra Hán văn câu này là “vô trí vô đắc vô chứng” (無智無得無證). Vậy thì “vô chứng” (無證) ở đâu ra? Đọc lại bản Phạn văn phiên âm của Amoghavajra tôi mới tìm ra “無證” (nẵng tỷ ta ma) do ở nguyên tác Phạn văn phiên âm là “nẵng nga ngưỡng nẫm, nẵng bát ra tỳ để, nẵng tỷ ta ma” (無智無得無證). Nên thấy được “nẵng tỷ ta ma” (na-abhisamayaḥ) mà Amoghavajra dịch là “vô chứng”. Lý do này cho tôi thấy Amoghavajra dịch lại từ bản bản Phạn văn T256 – Và thật là có bản Phạn văn (mặc dù chưa biết bản Phạn văn T256 có chính là bản Phạn văn nguyên mẫu mà Huyền Trang dùng để dịch T251 hay không). Do đó tôi càng tin rằng bản T251 của Huyền Trang chỉ là bản dịch (nên thiếu chữ), và không thể có việc ngược lại là bản Phạn ngữ (đủ chữ) lại là bản dịch từ bản Hán văn T251 (thiếu chữ).

4. Vấn đề giống và khác giữa T251 và La Thập

Trong Phụ Lục 1 Chương IV tôi đã so sánh 4 tài liệu là Tâm Kinh bản dịch T251 của Huyền Trang với bản dịch T250 của La Thập cùng với kinh luận Bát Nhã (Trí Độ LuậnĐại Bát Nhã) đều cùng do Cưu Ma La Thập dịch, thì chúng ta đã thấy ba việc:

Thứ nhất, Quán Tự Tại Bồ Tát

Bản T250 La Thập dịch āryāvalokitivaraQuán Thế Âm (觀世音). Bản T251 của Huyền Trang (và tất cả các bản dịch Tâm Kinh Hán văn về sau) đều dịch là “Quán Tự Tại” (觀自在). Đây cũng là một chi tiết cho thấy bản T250 của La Thập (344-413) phải có trước bản T251 của Huyền Trang (604-664) là bản phải kiêng tên của Đường Thái Tông Lý Thế Dân (李民 598-649). Trong Chương III tôi cũng đã nói đến ba đặc điểm nhỏ của Tâm Kinh ít người nghiên cứu để ý đến, để cho thấy Tâm Kinh phải thuộc về một bộ kinh Bát Nhã rất cổ: (1) Nhân vật Xá Lợi Phất thường quen thuộc với kinh hệ Theravāda hơn Đại thừa. (2) Xá Lợi Phất, và đặc biệt là Bồ Tát āryāvalokitivara chỉ xuất hiện trong kinh Bát Nhã cổ nhất (Suzuki tuyên bố lầm là trong các kinh Bát Nhã khác không hề nói đến āryāvalokitivara). (3) Tâm Kinh không có ngữ khí coi nhẹ “Nguyên Thủy” như các kinh Đại thừa xuất hiện chậm hơn. (4) Các kinh Bát Nhã và đặc biệt là các kinh Đại thừa phát triển muộn về sau luôn luôn nhấn mạnh đến yết tố từ bi (karuṇā) bên cạnh trí tuệ (prajñā), trong khi Tâm Kinh gần như không nói gì về karuṇā.[7]

Thứ hai, căn bản giống nhau của 4 tài liệu

Điều này cho thấy Tâm Kinh rõ ràng là một kinh luận thuộc hệ thống văn học Bát Nhã. Đây là một điều chưa có học giả nào phủ nhận hoặc đặt vấn đề thắc mắc. Điều tại sao chúng giống nhau thì đã từng có nhiều giả thuyết, nhưng hầu như rất ít người để ý. Ở đây tôi chưa đưa ra thêm một giả thuyết nào để giải thích hoàn toàn cho lý do giống nhau này, nhưng rõ ràng cho thấy:

– Ba tài liệu Trí Độ Luận, Đại Bát Nhã và T250 đều cùng do một người dịch và đã có trước T251, nên giống nhau thật dễ hiểu.

– Bản T251 là bản sau cùng của 4 tài liệu này, nên Huyền Trang có dịp sử dụng và do đó khi dịch ngài mượn từ các bản kia đã có sẵn và cũng đã quen thuộc. Trường hợp ngược lại (T251 có trước) thì không thể chấp nhận được vì Trí Độ LuậnĐại Bát Nhã có trước T251 hai trăm sáu chục năm.

Thứ ba, bản T251 thiếu hai câu có trong T250

Cũng trong Phụ Lục 1 Chương IV tôi đã so sánh Tâm Kinh bản dịch T251 của Huyền Trang với bản T250 của La Thập cùng với Kinh Luận Bát Nhã thì có một điểm khác nhau rõ ràng: Một mình bản dịch T251 của Huyền Trang là thiếu cả hai câu (1) “Sắc không cố vô não hoại tướng, thụ không cố vô thụ tướng, tưởng không cố vô trí tướng, hành không cố vô tác tướng, thức không cố vô giác tướng.” và (2) “Thị không pháp phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại.” [8] Trong khi cả ba tài liệu kia (Bản T250, Trí Độ LuậnĐại Bát Nhã) đều có đủ, chứng tỏ bốn tài liệu chia làm hai nhóm rõ ràng gồm “Nhóm Có Sẵn” gồm ba tài liệu Trí Độ Luận, Đại Bát Nhã và T250 là tài liệu có trước và đứng vào nhóm có đầy đủ 2 câu nêu trên. Còn tài liệu còn lại, tức bản dịch T251, không có hai câu nêu trên. Việc này chỉ có thể giải thích là khi Huyền Trang bắt tay vào dịch Tâm Kinh theo lệnh của vua Đường Thái Tông[9] thì tài liệu “nhóm có sẵn” đã có trước và đã ổn định, nên không thể bỏ bớt hay làm khác đi. Trái lại T251 vì có sau nên chỉ có thể nương theo và bỏ bớt (chứ không thể nào có thêm).

Tóm lại cả hai trường hợp đều chứng tỏ là bản T251 phải có sau ba tài liệu kia. Việc bản T251 vì thiếu hai câu này, rõ ràng là một minh chứng thêm vào các minh chứng ở phần trên để kết luận rằng bản T251 của Huyền Trang chỉ là một bản dịch có sau ba văn bản kia.[10]

Còn thêm một lý do, tôi chỉ tóm lược ở đây và không trình bầy sâu hơn. Đó là bản dịch T251 có văn phong khá xa lạ với văn phong của chính Huyền Trang. Khi dịch kinh Kim Cương (sách Trí Tuệ Giải Thoát)[11] tôi có dịp so sánh hai bản dịch của La Thập và Huyền Trang rất kỹ, nên cũng có chút kinh nghiệm về lối dịch của hai vị đại dịch giả này.[12] Kết quả so sánh này không có gì lạ, vì các nhà nghiên cứu kinh Phật đều đã biết và đều đồng ý từ lâu, đó là văn của ngài La Thập thì phóng khoáng và văn chương hơn, còn văn của ngài Huyền Trang thì trân trọng và cố giữ từng chữ từng âm, nên không trôi chảy và nhẹ nhàng như văn La Thập (chỉ một thí dụ rất nhỏ dễ thấy và cụ thể là khi dịch prajñā pāramitā thì La Thập chỉ dịch là “bát nhã ba la mật” phóng khoáng hơn và âm tiết nhẹ nhàng hơn “bát nhã ba la mật đa” theo cách dịch của Huyền Trang dịch đủ từng âm “pā/ ba, ra/ la, mi/ mật, tā/ đa”).[13] Cho nên ở đây tôi chỉ muốn nói thêm rằng văn phong bản dịch T251 của Huyền Trang rất hay vì lý do là nó thừa kế từ bản dịch T250.

KẾT LUẬN

1. Tâm Kinh là Kinh Bát Nhã Ba La Mật

Hầu như tất cả kinh luận Phật giáo Hán ngữ đều dịch từ các bản Phạm văn Sanskrit.[14] Nhưng trường hợp Tâm Kinh lại khá đặc biệt. Tuy rằng hiện nay chúng ta có khá nhiều văn bản Sanskrit nhưng các văn bản Phạn ngữ này chỉ là những văn bản có sau năm 649 (là năm Huyền Trang hoàn thành bản dịch T251 – Chưa nói đến bản Hán văn T250 có trước bản T251). Trước hết là chúng ta có văn bản Tất Đàn (Siddhaṃ) cổ nhất viết trên lá bối của Hōryū-ji (法隆寺 Pháp Long Tự). Đây là văn bản Phạn ngữ Hṛdaya tôi gọi là bản SH trong các chương trước. Văn bản SH tiếp tục là văn bản Tâm Kinh Phạn ngữ cổ nhất (hiện nay được ước đoán là viết vào thế kỷ thứ VIII ở Ấn Độ thay vì theo Suzuki là vào năm 609). Nhưng bản Phạn ngữ này vẫn không cổ bằng bản Hán văn T251 dịch năm 649 và đã được khắc vào bia đá vào những năm 661, 669 và 672 đến nay vẫn còn tồn tại. Mười hai bản Phạn ngữ khác do Edward Conze thâu thập ở Nepal còn muộn hơn nữa: một bản sớm nhất viết vào khoảng thế kỷ thứ mười, năm bản khác viết vào khoảng từ thế kỷ mười bảy đến mười chín. Các văn bản Phạn ngữ và các ngôn ngữ cổ khác tiếp tục được tìm ra, như ở Đôn Hoàng, cũng không có văn bản nào cổ bằng văn bản chữ Hán. Tóm lại, tất cả các bản Phạn văn (manuscript) ngày nay chúng ta đang có, đều có niên đại viết sau năm 649, năm được coi như là Huyền Trang hoàn tất bản dịch Tâm Kinh Hán văn T251.

Khi khám phá ra các văn bản Phạm văn Sanskrit Hṛdaya (Tâm Kinh) này người ta đều coi chúng là “nguyên bản” hay là “bản gốc” của Tâm Kinh Hán ngữ. Tuy nhiên vì sự yêu cầu quá lý tưởng về văn bản, một vài học giả vẫn không muốn công nhận điều này. Cho đến ngày nay trong tinh thần thế giới chống Trung Quốc (phong trào kinh tế thì chống “hàng giả” và vi phạm luật bản quyền, còn về chính trị thì chống chủ nghĩa xâm thực và bành trướng) cho nên Phật giáo Trung Hoa cũng bị lây họa. Vì vậy ngoài động cơ thuần túy học thuật, có người còn nhân thời cơ mà đi quá xa đến chỗ nghi rằng không hề có nguyên bản Sanskrit và các bản Sanskrit chúng ta đang có chỉ là bản Huyền Trang đã phản dịch (back-translation) từ chính bản chữ Hán của mình.[15]

(Emaze)

Như đã trình bầy ở trên và các chương vừa qua, bản Hán văn Tâm Kinh (T251) đã bỏ qua một số thuật ngữ đặc thù của tư tưởng tính không, trong khi đó các Hán dịch khác, đặc biệt là các bản Sanskrit hṛdaya (dù có thể chưa là Phạm bản bản nguyên thủy) vẫn còn nguyên vẹn các thuật ngữ cơ bản có tính phạm trù căn bản của học thuyết Bát Nhã Tính Không. Cho nên tôi có thể kết luận rằng bản Bát Nhã Tâm Kinh chữ Hán của Huyền Trang hiện nay (T251) chỉ là bản dịch, nên dù bản dịch rất hay và rất phổ biến nhưng vì là bản dịch nên nó vẫn bỏ sót. Trái lại bản Sanskrit hṛdaya nếu chỉ là bản phản dịch từ bản Hán ngữ, thì không thể giải thích được tại sao nó lại có đầy đủ những thuật ngữ và tư tưởng tính không cơ sở quan trọng như thế, trong khi “nguyên bản” Hán văn lại không có. Cho nên tôi kết luận rằng bản Sanskrit hṛdaya không thể là bản phản dịch từ bản Tâm Kinh chữ Hán (T251), mà chỉ có thể ngược lại: bản Hán văn Tâm Kinh là bản dịch từ bản Phạn ngữ hṛdaya. Mặc dù bản Phạn ngữ hiện có chưa hoàn toàn là bản Phạn ngữ nguyên mẫu.

Thật ra từ lâu vẫn có một số người cực đoan đòi hỏi cho được một văn bản Tâm Kinh viết lúc Huyền Trang còn sống (trước năm 664). Rồi sau lại có người đòi hỏi phải có nguyên bản Sanskrit cổ hơn năm 649 thì người ta mới chấp nhận rằng các Kinh Phật bằng Hán văn hiện hành mới là bản dịch, khi còn chưa tìm ra nguyên bản Sanskrit đó thì các kinh luận chữ Hán chỉ là các “sáng tác” của người Trung Hoa mà thôi.[16] Trường hợp Tâm Kinh thì hiện nay chúng ta tìm ra nhiều bản Sanskrit lẫn nhiều bản dịch ra các ngôn ngữ cổ khác, nhưng với vài người cực đoan thì họ vẫn đòi có một văn bản Sanskrit viết trước năm 649 là năm Huyền Trang dịch Tâm Kinh và được khắc trên bia đá năm 672 (năm 2016 vừa qua tìm ra bia khắc năm 661). Đòi hỏi này quả thực quá cực đoan. Lẽ dĩ nhiên cho đến ngày nay chúng ta chưa có khả năng tìm ra một bản Sanskrit nào thỏa mãn đòi hỏi này (chúng ta cũng nên biết rất nhiều kinh Đại thừa ngày nay chúng ta chỉ có bản chữ Hán mà thôi). Tuy nhiên, như các điểm đã thảo luận ở trên, tôi tin chúng ta đã chứng minh rằng bản Hán văn Tâm Kinh của Huyền Trang (bản T251) rõ ràng chỉ là bản dịch và xuất hiện sau bản T250 (bản Hán dịch của La Thập) và các bản Sanskrit khác chúng ta đang có. Các chứng cớ này hoàn thành việc phản chứng lại hư thuyết cho rằng Tâm Kinh là kinh giả của người Hoa và được sáng tác từ đất nước Trung Hoa. Còn việc tìm được ra bản Phạn ngữ nguyên thủy thì là việc khác.

Tóm lại, ở đây chúng ta có thể kết luận rằng bản Hán văn Tâm Kinh quen thuộc của chúng ta (bản T251 của Huyền Trang) quả thật là bản dịch từ một bản Phạn văn – Và các bản Phạn văn chúng ta đang có nếu không phải nguyên tác, thì cũng rất gần với bản nguyên tác mà Huyền Trang đã dùng để dịch ra bản Hán văn T251.

2. Bát Nhã Tâm Kinh là phần tinh hoa của các Bát Nhã Ba La Mật Kinh Prajñā-pāramitā Sūtra

Qua các dẫn chứng đối chiếu Tâm Kinh và các văn bản Bát Nhã chúng ta đã thấy rõ ràng Tâm Kinh thuộc về kinh hệ Bát Nhã Ba La Mật (Prajñā-pāramitā Sūtra). Còn việc Tâm Kinh là một kinh riêng biệt như kinh Kim Cương hay là phần tinh yếu của toàn bộ kinh điển Bát Nhã Ba La Mật thì chúng ta không cần thảo luận ở đây.

3. Viết Thêm về Tâm Kinh và Bát Nhã Ba La Mật Kinh.

Hai kết luận trên là chủ điểm của tiểu luận này. Về liên hệ giữa Tâm Kinh và kinh luận Bát Nhã chúng ta đã có dịp nói trong Chương IV, nên tôi chỉ cần nhắc lại như sau để bàn thêm về ý kiến mà các bậc long tượng trong mọi tông môn thường cho rằng Tâm Kinh là tinh hoa cô đọng của toàn bộ kinh điển Bát Nhã Ba La Mật.

Trước hết chúng ta cần biết Bát Nhã Ba La Mật Kinh, gồm nhiều bộ kinh dài ngắn khác nhau như Bát Nhã Bát Thiên Tụng (Aṣṭasāhasrikā Prajñā-pāramitā), Nhị Thập Ngũ Thiên Tụng v.v. mà chúng ta thường gọi tắt đơn giản là Kinh Bát Nhã. Đây là bộ kinh lớn nhất được coi là căn nguyên của tất cả các kinh điển Đại thừa Bắc tông, mặc dù khi Kinh Bát Nhã xuất hiện thì chưa có tông môn nào gọi là Đại Thừa có mặt. Chủ điểm của toàn thể kinh hệ Bát Nhã là trùng tuyên giáo lý căn bản của Đức Phật – Đó là giáo lý về Duyên Khởi – từ căn bản giáo lý duyên khởi mà các kinh Bát Nhã tiếp tục giảng về giáo lý Ngã Không (vô ngã) và phát triển sâu hơn về giáo lý Pháp Không (vạn pháp giai không) để từ đó hình thành cả một lý luận triết học Tính Không của Phật giáo làm cơ sở cho toàn bộ giáo pháp Đại thừa xuất hiện sau đó.[17] Vị trùng tuyên và thừa kế, tập đại thành tư tưởng này chính là Đại bồ tát Long Thọ. Đây mới chính là lý do hậu thế tôn xưng ngài là vị Phật thứ hai, là tổ sư của Bát Đại Tông Môn Phật giáo Đại thừa.[18]

Bản Bát Nhã Tâm Kinh truyền thống (bản Tâm Kinh ngắn) của chúng ta đặc biệt là không có Tự Phần và Lưu Thông. Cho nên từ ngàn năm nay các bậc cổ đức đều cho Tâm Kinh không phải là một bản kinh thông thường mà là một kết tinh cô đọng tinh hoa toàn bộ kinh hệ Bát Nhã. Vì thế khi bản Tâm Kinh dài (trong 8 bản Tâm kinh có trong Đại Tạng kinh thì có đến 5 bản dài, gọi là quảng bản) thành hình thì tuyệt đại đa số người Á Đông vẫn tiếp tục tụng đọc bản kinh truyền thống, còn trái lại khi truyền qua Tây Tạng (khoảng thế kỷ thứ tám) thì các vùng này lại ưa thích quảng bản.

Theo Edward Conze nhà nghiên cứu thẩm quyền về kinh điển Bát Nhã cho biết kinh hệ Bát Nhã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất trước Dương lịch cho đến thế kỷ thứ tư dương lịch, trong hình thức gồm nhiều kinh dài ngắn khác nhau. Phân tích về nội dung các kinh gọi chung là “Kinh Bát Nhã” này chúng ta biết rằng nhiều kinh Bát Nhã trùng lập và nhiều kinh có thể gộp chung thành một đề tài. Học giới cũng chưa xác định là các kinh dài phát triển từ các kinh ngắn, hay ngược lại các kinh ngắn là cô đọng của các kinh dài. Riêng Edward Conze cũng chỉ đề nghị là bản ngắn phải có trước, và như thế thì bản 8,000 kệ hay Tiểu Phẩm Bát Nhã có thể là kinh Bát Nhã cổ nhất.

Theo truyền thuyết quen thuộc thì Long Thọ (Nāgārjuna) người đã mang kinh điển Bát Nhã từ “Long Cung” về. Nhưng xét về thực tế nội dung thì kinh hệ Bát Nhã đều khởi phát từ mạch nguồn giáo pháp của Đức Phật mà phát triển thành cơ sở cho các tông môn Đại thừa phát triển sau đó – Nói cách khác, toàn bộ kinh điển Phật giáo Đại Thừa đều phát triển trên cơ sở tư tưởng Bát nhã – Trực tiếp hơn hết là kinh hệ Bát Nhã chính là cội nguồn của tư tưởng tính không và triết học của Long Thọ, và triết học Long Thọ lại trở nên nền tảng triết lý cơ bản của tất cả các tông môn Đại thừa.

(Thư Viện Hoa Sen)

Như tôi đã trình bầy trong Chương IV, ngày nay chúng ta chỉ còn 8 bộ Kinh Bát Nhã còn nguyên bản Sanskrit. Riêng trong Hán Tạng (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 大正新修大藏經) chúng ta còn nhiều bản dịch và trùng dịch kinh Bát Nhã ra Hán văn của nhiều dịch giả khác nhau như:

1- Tiểu Phẩm Bát NhãBát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 小品般若波羅蜜多經 tức là Bát Nhã Bát Thiên Tụng 8,000 kệ (Aṣṭasāhasrikā Prajñā-pāramitā) do Chi Lâu La Sấm (Lokakshema) dịch năm 180 dưới tên là Đạo Hành Bát Nhã Kinh (T227), La Thập (Kumārajīva) dịch năm 382, Huyền Trang dịch năm 660. Đây là kinh Bát Nhã thường được nhiều học giả xem là có sớm nhất trong toàn bộ Bát Nhã Ba La Mật Kinh.

2- Đại Bát Nhã Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 大般若波羅蜜多經 tức là Bát Nhã Nhất Bách Thiên Tụng 100,000 kệ (Śatasāhasrikā Prajñā-pāramitā). Bộ kinh Bát Nhã này là bộ kinh dài nhất trong các kinh Bát Nhã, và là tập đầu tiên trong 16 bộ làm thành bộ Maha Prajñā-pāramitā doHuyền Trang dịch.

3- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 摩訶般若波羅蜜多經 tức Bát Nhã Nhị Thập Ngũ Thiên Tụng 25,000 kệ (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñā-pāramitā). Kinh này được dịch ra Hán văn bốn lần. Lần thứ nhất do Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksha 239-316) dịch năm 286, lần thứ nhì do Vô Xoa La (Mokshala) dịch năm 291, lần thứ ba do La Thập (Kumārajīva) dịch năm 404, và lần thứ tư do Huyền Trang dịch năm 663.

Riêng bộ Đại Bát Nhã 大般若 Maha Prajñā-pāramitā gồm 16 kinh Bát Nhã do Huyền Trang dịch, có tên đầy đủ là Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 大般若波羅蜜多經. Bộ này không phải là một kinh duy nhất mà gồm nhiều kinh dài ngắn khác nhau. Bộ này Huyền Trang dịch thành 600 tập, gồm 3 volumes (V.5-7), tức là ba trong toàn bộ 85 volumes của toàn thể các kinh của Tam Tạng Hán ngữ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tuy nhiên chúng ta cũng nhớ là trong bộ Đại Bát Nhã này lại không thấy Huyền Trang chép Bát Nhã Tâm Kinh.

Sự giống nhau hay lập lại giữa các kinh Bát Nhã cũng là một hiện tượng chung của các kinh Bát Nhã. Người đọc kinh Bát Nhã nhiều khi thấy bộ này lập lại một phần bộ kia, và trong phần riêng tư thì nhiều câu không hiểu vì lý do nào lại lập lại nhiều lần. Trước đây ngài Long Thọ đã thấy như vậy nên phải viết bộ Đại Luận luận về Bát Nhã Kinh, cho nên Cưu Ma La Thập khi dịch bộ luận về Đại Bát Nhã của Long Thọ cũng chỉ tóm lược mà thành bộ Đại Trí Luận đã dài đến 100 quyển, mà theo lời tựa của Tăng Duệ (vị học trò và chấp bút cho ngài La Thập) đã giải thích rõ trong bài tựa “Pháp sư Cưu Ma La Thập thấy rõ lời văn chữ Phạn quá uẩn khúc, mà nay người Tần (Hoa) lại thích lối văn giản dị, nếu dịch cho đầy đủ thì phải đến cả 1,000 quyển, nên ngài chỉ lược dịch cô đọng vào 100 quyển mà thôi.” Và chỉ gần đây chúng ta mới thấy có bản dịch Việt ngữ bộ luận căn bản này.

Từ hơn nửa thế kỷ trước Edward Conze cũng nói đến những sự lập lại quá thường xuyên và quá nhiều của các kinh Bát Nhã.[19] Về Tâm Kinh ông cũng phân tích cho thấy hầu như đến 90 phần trăm câu cú ý tưởng Tâm Kinh đều có sẵn trong các kinh Bát Nhã.[20] Nhận xét này càng ủng hộ và khẳng định truyền thống xưa của các cổ đức Á Đông khi cho Tâm Kinh là phần tinh túy cô đọng của toàn bộ các kinh Bát Nhã. Cho nên các bậc long tượng xưa nay đều thường nói thông suốt Tâm Kinh là đã vào được tâm tủy của toàn bộ Bát Nhã Ba La Mật kinh.

Giáo Sư Vũ Thế Ngọc (Tri Ba)

Trở về việc tìm ra nguyên bản gốc Sanskrit cũa chính Huyền Trang sử dụng để dịch ra Tâm Kinh vẫn là ao ước của nhiều nhà nghiên cứu Tâm Kinh, như giáo sư Donald Loper tin rằng phải có bản Phạn văn Tâm Kinh mặc dù ngày nay không còn.[21] Hiện nay có một vài người như Red Pine, trong sách dịch giải Tâm Kinh xuất bản năm 2004 [22] ông cho rằng bản gốc Phạn văn của bản Tâm Kinh T251 có thể vẫn còn ở tầng hầm Đại Nhạn Tháp (大雁塔) là ngọn tháp lớn vẫn còn tồn tại từ ngày Huyền Trang sống ở đây khi ngài trở về nước năm 645. Tin vui cuối cùng là cuối năm 2017, trên trang Web của 中国藏学 (Trung Quốc Tạng Học), Trung Tâm Văn Học Phạn Bối tác giả Li Xuezhu (李学竹) loan báo bà Wang Yarong (王亚荣) trưởng khoa nghiên cứu tôn giáo đã công bố cho biết họ sẽ dùng radar để tìm hầm dưới Đại Nhạn Tháp và sẽ có chương trình khai thác khi có điều kiện.[23]


Chú thích:

[1] Đây là một đề tài rất cũ, xem chi tiết trong Vũ Thế Ngọc, Kinh Viên Giác Giảng Luận (2015); Kinh Phật: Nguồn Gốc và Phát Triển (2020). Trong những năm gần đây, trong không khí rộn ràng “dĩ nghi truyền nghi” đã có không ít các bài báo lẫn bài thuyết pháp về “kinh Đại thừa là do người Hoa sáng chế”. Tôi không biết rõ động cơ thật sự phía sau, nhưng có thể khẳng định là các bài “thuyết pháp” hay “nghiên cứu” như thế hoàn toàn không có giá trị căn bản Phật học lẫn sử học tối thiểu để mọi người cần tranh luận.

[2] Tôi muốn nói cả bản T250 và bản Sanskrit hṛdaya đều có trước bản T251 của Huyền Trang. nhưng có lẽ rất ít người biết. Bản dịch T251 của Huyền Trang ra đời sau bản T250 cả hơn hai thế kỷ thì đương nhiên phải bị ảnh hưởng. Hiện nay có một số người (điển hình là Red Pine) nghĩ rằng bản gốc Phạm văn của bản T251 còn tại tháp Đại Nhạn

[3] Trừ hai bản T250 và T251 – Cũng nên ghi nhớ thay vì “tự tính” có bản Hán văn viết lã “thực tính” nhưng đều là cách dịch hay chuyển ngữ của chữ svabhāva (tự tính).

[4] Có thể nói một chủ đề chính trong các luận của Long Thọ (Trung Luận, Hồi Tránh Luận v.v.) là phủ nhận cái gọi là Tự Tính (svabhāva) của các pháp. (Tự Tính – svabhāva vốn là tư tưởng căn bản của triết lý Bà La Môn và hoàn toàn tương phản với giáo lý Duyên Khởi của Phật giáo).

[5] Trung Luận, kệ XV.1 &2 (Vũ Thế Ngọc, Triết Học Long Thọ)

[6] Ấn Thuận, Diệu Vân Tập, Q.9, tr. 79…

[7] Sự thực khi phân tích sâu hơn chúng ta sẽ thấy Tâm Kinh có nói đến cả Từ Bi (xem Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng)

[8] Câu thứ nhất (tức câu 2 trong bảng So sánh Phụ Lục 1 của Chương IV):

色空故無惱壊相受空故無受相想空故無知相行空故無作相識空故無覺相何以故佘利弗. “Sắc không cố vô não hoại tướng, thụ không cố vô thụ tướng, tưởng không cố vô trí tướng, hành không cố vô tác tướng, thức không cố vô giác tướng.” (Sắc là không, nên chẳng có tướng khổ não hư hoại – Thụ là không, nên chẳng có tướng thụ nhận – Tưởng là không, nên chẳng có tướng hiểu biết – Hành là không, nên chẳng có tướng tạo tác – Thức là không, nên chẳng có tướng giác biết.)

Câu thứ hai (tức câu 8 trong bảng so sánh ở Phụ Lục 1, Chương IV):

是空法非過去非未來非現在. “Thị không pháp phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại” (cho nên pháp không thì không có quá khứ, không có vị lai, không có hiện tại.)

[9] Có thể Huyền Trang dịch cấp tốc Tâm Kinh xong ngày 24 tháng 5 năm 648 để cầu thọ cho Đường Thái Tông (ông chết ngày 10 tháng 7 năm 649).

[10] Cuối cùng, tôi cần nhắc lại và nói rõ rằng những chữ thiếu sót của Tâm Kinh (T251) so với Phạm bản Hṛdaya (và ba tài liệu nói trên) dù rất rõ ràng, nhưng tầm quan trọng của những chữ thiếu của Tâm Kinh không quan trọng như là hiểu sai hay dịch sai. Thiếu nó chỉ khiến người ta khó hiểu Tâm Kinh (T251) một cách có cơ sở và có logic hơn (nhờ giải thích theo giáo lý tính không) chứ không phải vì thế mà Tâm Kinh (T251) sai trong nội dung tư tưởng.

[11] Vũ Thế Ngọc, Trí Tuệ Giải Thoát, Nghiên Cứu Kinh Kim Cương, nxb Thời Đại 2012

[12] Xin đọc thêm, Trí Tuệ Giải Thoát, sđd,

[13] Xem nhiều thí dụ khác có đề cập đến so sánh cách dịch của La Thập và Huyền Trang trong các luận của tôi như Trí Tuệ Giải Thoát (2012) và Kinh Phật: Nguồn Gốc và Phát Triển (2020).

[14] Chữ dùng để viết Sanskrit cổ nhất là loại chữ Kharoshti và sau đó là Brāhmī (thời vua A Dục thế kỷ III trước Tây Lịch thịnh hành dùng chữ Brāhmī). Sau đó mới có kinh Phật bằng chữ Siddhaṃ (Tất Đàn) là loại chữ viết Sanskrit thông dụng thời Huyền Trang học ở Ấn Độ và cuối cùng mới là loại chữ Devanāgāri hiện nay đang dùng chỉ thịnh hành từ từ thế kỷ XII khi Phật giáo đã biến mất ở Ấn Độ – Không thể có việc Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du viết bằng chữ Quốc Ngữ, nhưng rất nhiều người vẫn hiểu lầm chữ Devanāgāri là “chữ Sanskrit” dùng để viết kinh Phật. Xem Vũ Thế Ngọc, Kinh Phật sđd.

[15] Hiện đang có quan điểm quá khích cho rằng tất cả các kinh luận dù là Pāli hay Sanskrit thì hoàn toàn cũng chỉ là ngụy tạo của người sau, vì thời Đức Phật tại thế và cho đến nhiều thế kỷ sau đó cũng chưa có kinh sách dù viết trên lá hay trên đá.

[16] Có người nghi ngờ tất cả các kinh điển Đại Thừa.

[17] Trong Triết Học Long Thọ tôi đã tóm lược và nhấn mạnh “Có thể nói không có Long Thọ, Phật giáo Đại Thừa chỉ là lâu đài tráng lệ xây dựng trên đức tin”.

[18] Khi học đủ giáo lý và lịch sử hình thành giáo lý Phật giáo, thức giả đều thấy sự phát triển kinh điển là một sự phát triển theo nhu cầu minh triết của từng thời đại và hoành cảnh văn hóa xã hội của từng khu vực, nhưng đều khởi nguồn từ sự giác ngộ của Đức Phật. Chúng ta nên biết tất cả các kinh điển Nam truyền hay Bắc truyền đều chỉ được viết xuống nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập niết bàn.

[19] Conze, Edward, The Large Sutra of Perfect Wisdom. Berkeley: University of California Press, 1975

[20] Conze, sđd, 1967 tr. 166

[21] Lopez, sđd, 1988, tr. 12

[22] Red Pine, Heart Sutra, sđd, Xin giới thiệu ông bạn già Xích Tùng (Bill Porter) thi sĩ Mỹ cuối của Beat Generation tu Thiền ở Hong Kong và sống nhiều năm ở Đài Loan. Với tư cách là ký giả của chương trình truyền thanh Phật giáo Trung Hoa ông là người từng lang thang tìm kiếm Thiền và Đạo ở các danh sơn cổ tự ở Lục Địa nhiều năm. Xích Tùng đã dịch nhiều sách Thiền và thơ cổ Trung Hoa ra Anh ngữ. Quyển Heart Sutra của ông đặc biệt là trích rất nhiều bình chú của các Thiền Sư Trung Hoa về Tâm Kinh.

[23] Li Xuezhu (李学竹)“Zhōng guó zàng xué – Zhōng guó fàn wén bèi yè gài kuàng” 中国藏学-中国梵文贝叶概况. Retrieved 2017-11-10. 人民网图片 & Retrieved 2017-11-28


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Bát Nhã Tâm Kinh. Nguồn gốc: Nghiên cứu về nội dung

  1. Tự tính không là cách nói khác của lý tính “vô ngã và vô thường” của mọi sự vật, hiện tượng, chứ không gì khác. Còn nói về “uẩn” hay “ấm” là nói về tâm thức biến hiện, nó che mất thật trí; chứ không đề cập về hiện tượng vật lý. Vì vậy cho nên, ở tạng kinh Nykāya đức Phật dạy: “Sắc, sắc tập khởi là sắc uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy”. Tập là hợp lại, gồm có: Căn + Trần + Thức (18 giới phân biệt) rồi khởi lên dựng lập “biến kế sở chấp” bởi “vọng kiến”, nên che mất thật trí là vậy. Nhìn sắc trước mặt y như sắc, nhưng gọi nó là: “Cái cốc”, “cái tách”, “cái chum”, “cup” là sắc uẩn, nên mới che lấp thật trí (bát nhã), không cho “cái thấy chỉ bằng cái thấy”.
    Vì vậy cho nên, ở kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Phàm hữu ngôn thuyết, giai phi thật nghĩa” nghĩa là, phàm ở nơi lời nói thì đều không phải là nghĩa chân thật. Nếu nơi lời nói là nghĩa chân thật, thì nói “cốc, tách, ly, chum” cho người Mỹ không biết tiếng Việt họ cũng hiểu; nhưng không hiểu được vì nó là nghĩa giả lập của tâm thức từng dân tộc, từng vùng miền; còn chân thật là cái trước mặt. Trí Bát nhã này cũng được bài kinh Bāhiya thuộc tạng Nykaya đã đề cập. Đức Phật dạy: “Này Bāhiya, Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là các thức tri. Như vậy, này Bāhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bāhiya, nếu với Ông, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri.
    Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa (cùng ý với: Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn). Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Kinh Bát nhã đức Phật dạy: “Này Xá lợi phất! Bồ tát lớn tu tập tương ưng sắc là Không, đây gọi là tương ưng với Bát nhã ba la mật. Tu tập tương ưng thọ, tưởng, hành và thức đều Không, đây gọi là tương ưng với Bát nhã ba la mật”. Nghĩa là sắc như sắc, nên nói là KHÔNG; còn sắc tập hợp các duyên lại rồi hình thành biến kế sở chấp, rồi khởi lên là: cốc, tách, ly, chum, cup.v.v… thì đó là sắc uẩn.Tương ưng: ứng hợp với nhau mà không có sai khác; cũng gọi là chẳng khác (bất dị). Bốn từ “Bất dị….. tức thị” trong bài kinh Bát nhã vắn tắt gồm có 260 từ (bản của ngài Huyền Trang) nghĩa là chẳng khác nó, tức là chính nó vậy. Vì vậy cho nên trong kinh Bāhiya trong hệ Nykāya Đức Phật dạy như trên. Vậy thì, trí Bát nhã đã được đức Phật dạy trong bài kinh Bāhiya thuộc hệ Nykāya rồi; chứ không riêng gì Kinh Đại Bát nhã mới triển khai tuệ giác này.
    Tất cả các kinh Đại thừa đều chỉ về Diệt đế; và phải biết rằng, nhất nhiều bài kinh thuộc tạng Nykāya trình bày về tuệ giác Bát nhã, điển hình như bài kinh Nhất Dạ Hiền giả (cũng trình bày 5 uẩn của 3 thời gian đều không) nên quy về lý “Nhất tâm” bằng quán ngữ: “Tuệ quán chính ở đây: Không động không rung chuyển. Biết vậy nên tu tập”. “Không động” là “Nhất tâm”, “không rung chuyển” là “bất loạn” của kinh A Di Đà, là “bất tùy phân biệt” của kinh Lăng Nghiêm, là “xa lìa mọi tâm thức, trí chẳng chấp có, không” của kinh Lăng già, là “chư pháp thật tướng” của kinh Pháp Hoa, cũng là “xả vọng tâm của 3 thời gian” của bài kinh Pháp cú 348 (xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu. Nhất thiết tận xả, bất thọ sanh tử); chứ không gì khác. Phủ nhận kinh Đại thừa, có nghĩa là đồng thời cũng phủ nhận luôn cả hệ kinh Nykāya. Đó chính là tầm nhìn thiển cận bởi vọng thức vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *