Thái tử đi tìm gì?

*Đọc 2 phút*

Bài HONG TRAN

Lúc đầu vì mong muốn kiếm tìm mà bỏ hoàng cung. Sau thời gian sáu năm mỏi mệt tìm kiếm (bên ngoài) mà không thấy, người đó ngồi xuống một gốc cây (mà sau này người ta biết đó là cội bồ đề – tưởng là tên gọi của cây mà thật ra là trở về tâm của mình – bồ đề tâm). Người đó thực tập sự quán sát sâu sắc (quán chiếu bằng thiền định) về những điều bên ngoài tâm (vũ trụ) và bên trong tâm (thật tướng của vũ trụ).

Khi đạt tới tình trạng buông bỏ tất cả những vọng tưởng của tâm thức – trong đó mong muốn kiếm tìm cũng là vọng niệm, người đó bất ngờ nhận ra bản chất và nơi chốn sinh khởi của muôn vật muôn loài.

Điều mà Phật thấy và biết (tri kiến Phật) về chân tướng của vũ trụ (thật tướng của vạn pháp) hoá ra không phải là điều gì quí hiếm: tất cả muôn vật muôn loài đều có – kể cả Phật.

Có tất cả mười điều thấy về nó mà không thể dùng ngôn ngữ chúng sanh để hiểu nên tạm gọi là “mười – tính chất – như vậy” (thập như thị) của vũ trụ (vạn pháp). Con số mười cũng chỉ là một số tượng trưng. Mười là đầy đủ, là trọn vẹn.

Người ta gọi đó là tánh Phật, là Phật tánh. Gọi vậy cho dễ hiểu. Thiệt ra nó không có cả tên gọi, không có cả tánh chất. Nó là điều nằm bên ngoài sự chăm chú soi xét của vọng tưởng. Vì vậy, khoa học không thể nào và không bao giờ đạt tới được để biết về uyên nguyên của vũ trụ.

Cái thật tướng đó nó không quí hiếm vì nó hiện diện ở trong tất cả vạn pháp, nhưng không một ai biết gì về nó (mà nếu có được cho biết thì cũng không tin) ngoại trừ người đã có được cái thấy và cái biết của Phật (tri kiến Phật).

Đó không phải là một hành trình tìm kiếm bên ngoài (đi tìm) mà là một sự trở về (buông bỏ). Trở về với cội nguồn tinh khiết của tâm (niết bàn).

(Nguồn Hong Tran Facebook)

(Hình từ Facebook không rõ nguồn)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *