Hoa sen trên đất tuyết

*Đọc 7 phút*

Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG

Đạo Phật ban đầu chỉ có tăng mà không có ni, giáo pháp của đức Phật rất từ bi, bình đẳng nhưng vì ngài nhận biết nếu để người nữ xuất gia sẽ có những bất ổn. Đức Phật đã ba lần từ chối lời khẩn cầu xuất gia của di mẫu Kiều Đàm Di. Di mẫu cũng quyết tâm không kém, bà luôn tìm cách để xin xuất gia cho bằng được.

Có lần biết tin đức Phật và các tăng chúng trở về tịnh xá, bà cùng năm trăm người nữ vốn là những phu nhân quý tộc, cung nữ đi chân trần hơn năm trăm dặm đến nơi Phật trú để xin xuất gia, ngài A Nan thương xót bà cùng năm trăm người nữ, vì hạnh nguyện xuất gia mà đi bộ đến rách cả bàn chân nên cũng vào xin Thế Tôn cho các bà được xuất gia. Lần này Thế Tôn chấp nhận nhưng đặt ra Bát Kỉnh Pháp để sau này làm điều kiện cho việc xuất gia của người nữ, hầu giảm đi những bất ổn trong tăng đoàn.

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang viết trên Facebook: “Đây là bức hình cũ từ năm 2013, được chụp lúc đang đợi cáp treo để lên Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt, Việt Nam.” (Thich Nu Tinh Quang/ Facebook)

 Kiều Đàm Di xuất gia với danh xưng là Mahapraijapati, đã trở thành một ni trưởng đầu tiên trong Phật giáo.

 Đạo Phật truyền đến đâu thì hòa hợp với bản sắc văn hoá của địa phương. Dòng Phật giáo Bắc truyền ở các nước: Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… sau này cũng có rất nhiều vị ni trưởng vô cùng xuất sắc, mẫn tiệp. Các vị ni trưởng tu hành tinh tấn, giới luật tinh nghiêm, để lại cho đời nhiều trước tác tinh hoa có giá trị trong Phật pháp cũng như giá trị về văn chương… Ở Nhật Bản, có lẽ tấm gương Ni Sư Ryonen là vô cùng đặc biệt. Vì lúc trẻ quá xinh đẹp nên xin xuất gia không một vị thầy nào nhận cả. Bà phải lấy bàn ủi áp lên mặt hủy hoại nhan sắc đi để được xuất gia. Thiền lâm Nhật Bản còn lưu truyền bài thơ của bà:

“…Khi ta hầu hạ hoàng hậu, ta đã đốt hương để ướp áo quần tuyệt đẹp của ta
Bây giờ ta là tên ăn mày không nhà
Ta đốt mặt ta để vào thiền viện…”

 Khi sắp tịch bà viết bài thơ khác:

“…Sáu mươi sáu lần đôi mắt này nhìn thu thay đổi
Ta nói đến ánh trăng đã đủ rồi
Hãy lắng nghe âm điệu của thông ngàn và tùng bách khi gió động.”

Mẹ của thiền sư Ikkyu vốn là hoàng hậu, bà cũng đã xuất gia tu hành tinh tấn và trở thành một thiền sư ni lỗi lạc. Trước khi tịch bà đã viết di thư cho thiền sư, trong ấy có đoạn:

“Mẹ đã làm xong việc của mẹ… Mẹ muốn con trở thành một đệ tử xuất sắc và chứng ngộ được Phật tánh của chính con.”

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang, 73 tuổi, viết cho bức hình đăng Facebook ngày 23 tháng 4, 2020: “Cô lập tại đạo tràng Little Heron Zen Hermitage. Cuộc sống hàng ngày của tôi không thay đổi mấy so với trước Covid19.” Từ khi xuất gia, Ni Sư chỉ dùng pháp danh Thích Nữ Tịnh Quang trên các mạng xã hội, không nhắc tới thế danh.

Ở Việt Nam ta thời cận đại có thể hai tấm gương ni trưởng xuất sắc nhất đó là: Sư Bà Thích Nữ Trí Hải và Sư Bà Hải Triều Âm.

Khi Phật giáo bắt đầu truyền đến phương Tây, nhiều người da trắng tiếp xúc và mến mộ đạo Phật và đã có không ít người xuất gia. Trong số họ có nhiều người chỉ tình cờ biết hay tiếp xúc với đạo Phật mà hùng tâm tráng khí khởi dậy và quyết tâm học Phật, từ bỏ cả đức tin truyền thống bao đời nay của họ. Có lẽ những chủng tử Phật Pháp trong tạng thức của họ khởi lên khi gặp điều kiện tốt.

Những người da trắng Âu-Mỹ xuất gia tu học theo Phật giáo này phần nhiều tu theo Thiền tông và Mật tông Tây Tạng, ít có người tu theo Tịnh độ tông, có lẽ căn cơ và trình độ của họ thích hợp vậy. Có một trường hợp này khá đặc biệt, một ni sư da rắng người Canada gốc Anh. Bà tu học và thọ giới theo Tịnh độ tông nhưng cũng học và hành cả thiền tông, nói như người mình thường nói là: thiền – tịnh song tu.

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang, 73 tuổi, chào đời tại Canada (Gia Nã Đại), có sống một thời gian tại Anh Quốc. Bà đã có bằng Cử Nhân Triết Học, tốt nghiệp bằng Phục Vụ Cho Nhân Quyền chuyên về Sức Khỏe Tinh Thần và Điều Trị Bệnh Nghiện, sau đó được huấn luyện chuyên môn cao cấp hậu cử nhân đại học ở viện Gestalt Institue, Toronto.

Theo lời thuật lại thì năm lên sáu, bà đã có sự thích thú và say mê mãnh liệt với đạo Phật, tuy nhiên lúc ấy cũng chỉ là với cái nhìn và kinh nghiệm của một đứa trẻ nhưng rất thiêng liêng. Năm hai mươi tuổi thì bà chính thức nghiêm túc học và nghiên cứu phát triển tâm linh. Bà bắt đầu học và nghiên cứu ở Advaita Vendata. Bà học Phật theo truyền thống Phật giáo Việt và cả thiền Đại Hàn. Từ năm 2009 bà đã sang Việt Nam thọ giáo và tu học ở Chùa Bửu Tích. Sư phụ của bà là Ni Trưởng Thích Nữ Nhật Liên, pháp danh của bà có lẽ do ni trưởng ban cho.

Ni Sư TN Tịnh Quang viết: “Vào năm 2016, tôi đề nghị ban phước lành cho các thú cưng nhân dịp thăm viếng thảo viên Royal Botanical Gardens. Tôi được trao răng xá lợi Phật để làm nghi thức ban phước lành. Tôi không biết chắc là các con thú có hiểu gì hay không, nhưng chủ của chúng nó thì rất vui, tôi cũng vui vậy.”(Thich Nu Tinh Quang/ Facebook)

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang đã sống nhiều năm ở hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài việc tu học, còn dạy tiếng Anh cho cô, chú tiểu ở Chùa Bửu Tích. Các cô, chú tiểu này vốn là những đứa trẻ mồ côi, hoặc bị bỏ rơi nhà chùa nhận nuôi và giáo dưỡng. Bà còn liên lạc với các mối quen biết để quyên góp làm từ thiện… Ở Canada bà còn dạy và hướng dẫn tu tập ở ngôi chùa Little Heron Hermitage và chùa Wat Khmer Kron Buddhist Temple. Bà được mời đứng đầu và hướng dẫn các khóa trị liệu tâm lý ở các địa phương. Bà là phó chủ tịch hội đồng điều hành của hội Sakyadhita.

 Ở ngôi chùa Little Heron Hermitage, Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang vẫn ngày đêm tinh tấn tu học, tụng kinh, hành thiền và hướng dẫn cho những Phật tử da trắng ở địa phương. Little Heron Hermitage còn có chương trình cho những Phật tử hay người mến mộ đạo Phật ở lại chùa để học Pháp, thực hành thiền. Bà nhấn mạnh đến trách nhiệm bản thân và sự tỉnh thức. Ngoài việc tu học và thực hành ngay thực tại, bà còn giảng pháp và hướng dẫn Phật pháp trên mạng xã hội.

 Tuy Canada là quê hương nhưng bà cũng nhận Việt Nam làm quê hương mới. Người con gái Phật có quê cha đất tổ ở Anh, cội nguồn tỉnh thức ở Ấn Độ, thọ giáo và thọ giới ở quê hương sư phụ là Việt Nam, hành hoạt và hoằng pháp ở quê hương hiện tại là Canada. Đất tuyết nở hoa sen, hoa sen dâng cho đời hương thơm tinh khiết. Hoa sen mọc từ bùn nhưng vươn lên khỏi bùn để tỏa hương. Hoa sen có thể mọc lên từ bùn nhơ, từ biển lửa. Hoa sen đã mọc lên từ sa mạc nắng gió ngút ngàn, giờ hoa sen lại nở hoa trên tuyết. Nguyện cho hoa sen mọc lên khắp thế gian này.

(Ất lăng thành, tháng 11, 2019)

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang được mời đến chứng minh Trại Ca Diếp mùa đông với Áo Lam Gia Đình Phật Tử Chánh Kiến, Ottawa. Nhân dịp này Ni Sư cũng cũng nhận lời làm bổn sư truyền Tam Quy Ngũ Giới cho một số trại sinh. Hình chụp ngày 26 tháng 2, 2020. (Gia Đình Phật Tử VN Trên Thế Giới)
Ni Sư Thích Nữ Tịnh Quang được mời đến chứng minh Trại Ca Diếp mùa đông với Áo Lam Gia Đình Phật Tử Chánh Kiến, Ottawa. Nhân dịp này Ni Sư cũng cũng nhận lời làm bổn sư truyền Tam Quy Ngũ Giới cho một số trại sinh. Hình chụp ngày 26 tháng 2, 2020. (Gia Đình Phật Tử VN Trên Thế Giới)
Ni Sư TN Tịnh Quang viết cho bức hình đăng Facebook ngày 10 tháng 3, 2020: “Cô lập tại đạo tràng Little Heron Zen Hermitage. Công việc hàng ngày của tôi không thay đổi mấy so với trước Covid19.” (Thich Nu Tinh Quang/ Facebook)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *