Bài NI SƯ THUẦN TUỆ
Trong đời sống hàng ngày, có lúc đang đi bình thường thong thả, chợt thấy người quen lâu ngày không gặp mấy mươi năm nay. Bây giờ tình cờ gặp, nghĩa là lúc đó không thấy ai nữa, chỉ thấy người phía trước mà mình muốn chạy tới thôi. Hoặc là khi chúng ta đi xe gặp người tài xế muốn chạy đua với xe khác thì rất dễ xảy ra tai nạn. Lúc đó tâm thế nào? Khi bình thường thì mọi việc đàng hoàng, ổn định; còn khi không bình thường sẽ có nhiều vấn đề không ổn. Trong tu tập, chữ Tâm bình thường rất quen, đó chính là Đạo! Thế nào là không bình thường?
Trước khi nói về bình thường, nói về không bình thường trước. Sao gọi là không bình thường? Tất cả chúng ta ở đây đều tự thấy mình đang tỉnh táo đàng hoàng, có gì đâu mà không bình thường? Nhưng trong đời sống, đôi khi hơi căng thẳng, lo âu suy nghĩ, hoặc trầm uất buồn phiền, hoặc vui mừng quá, kích động. Những điều đó chúng ta từng trải qua nhưng không hề thấy đó là không bình thường, vẫn chấp nhận một cách tự nhiên. Nhưng nếu những trạng thái căng thẳng, lo âu, phiền muộn kéo dài từ tháng này qua tháng nọ, thì quả là không bình thường.
Người trẻ tuổi thường nói, “Nhưng đời sống nó vẫn phải vậy thôi, nếu nó cứ đều một nhịp thì chán chết, nó phải lúc này lúc kia mới vui.” Trong các khu vui chơi, có những trò chơi tạo cảm giác sợ hãi, kích động mà chỉ có thanh niên trẻ mới dám chơi. Nhưng nếu không có dịp để nhìn lại thì sẽ không biết và cứ nghĩ đó là tự nhiên thôi. Những cái náo động tạo cho tâm mình một cảm giác thích thú, thỏa mãn tạm thời, nhưng không thể lâu bền được. Và nó sẽ để lại một cảm trạng trống rỗng hơn nữa, hoặc là chán nản về sau.
Trong một bài phỏng vấn, một ca sĩ nổi tiếng trả lời là sau những buổi trình diễn, trở về lại căn phòng mình thì cảm thấy rất trống rỗng. Anh sợ cái khoảng trống một mình vô cùng. Đó là một vài cái không bình thường trong đời sống, nếu không có dịp nhìn trở lại thì sẽ không thấy.
Lại có một cái không bình thường khác rất dễ thấy, đó là khi tâm bị tham, sân chi phối, nhất là tâm sân. Hậu quả của một tích tắc sân giận có thể khó lấy lại. Chúng ta trong cuộc sống có lẽ cũng từng có đôi lần lầm lỗi vì những cơn giận không làm chủ được. Đây chính là tâm bất bình thường. Hoặc như tâm tham, khi đang túng quẫn mà có người đem tới những khoản lợi lớn cho mình, tâm lúc đó ổn định không?
Chúng ta sống trong đời thường thấy mình rất tỉnh, nhưng trong mắt người giác ngộ, chúng ta như người mộng, kẻ say. Mình lấy cái mê, cái giả làm đời sống của mình. Tâm luôn lăng xăng như con rối chứ không bình thường.
Đối với người giác ngộ, các Ngài nhìn mình y như là mình nhìn những người trong bệnh viện tâm thần. Nói như vậy mình có chịu không? Mình không chịu. Sao mà kêu mình là người tâm thần được!
Thông thường chúng ta thấy mình rất tỉnh, còn người kia mới thiệt là u mê, khó mà tự thấy mình u mê. Đó là một vài nét để thấy trong đời sống, thường khi, hoặc là đôi khi mình đã không bình thường. Bây giờ thử tìm hiểu xem thế nào là một cái tâm bình thường.
Chúng ta đều muốn sống một đời sống bình thường với tâm bình thường, nhưng mà cái tâm này ra sao? Chẳng hạn hôm nay mình có nhớ tới cái răng của mình không? Có gì mà nhớ tới nó chớ! Nhưng nếu đang bị nhức răng thì ai nói gì nói, làm gì thì làm, mình chỉ nhớ tới cái răng đang nhức. Hoặc như cái chân, mới ngồi xếp bằng mười lăm phút chưa mỏi, thì đâu có nghĩ tới cái chân. Nhưng nếu ngồi quá lâu, thì khác. Như vậy, khi nào thân ổn định, mình không nghĩ tới nó. Cũng như hơi thở của mình, chúng ta không ai ý thức là mình đang thở hết, tại vì nó thông. Nhưng ai lên cơn suyễn, hoặc bị nghẹt mũi thì để ý đến hơi thở ngay. Vậy khi cái gì trục trặc, mình mới thấy nó. Còn cái bình thường là cái tự nó vận hành thông suốt, nên mình không hề lưu ý tới. Vì không lưu ý cho nên mình sẽ không quý nó. Những người bị bệnh lòa mắt hoặc những người mù bẩm sinh, sẽ thấy có con mắt sáng là điều vô cùng quý. Chúng ta cũng biết như vậy, nhưng chúng ta quên bẵng cái thấy được của mình. Không hề nhớ mình có mắt là đáng quý!
Như vậy, tâm bình thường là cái không có vấn đề gì cả. Nó bình thường tới nỗi mình không hề để ý tới nó. Đó là một trạng thái thăng bằng, ổn định và vận hành thông suốt. Khi tâm chúng ta không bị những thứ tham sân… chi phối, hoặc khi không có những khuynh hướng, ham muốn thúc đẩy, thì lúc đó nó là bình thường.
Tâm mình như một chiếc gương tròn lớn, chiếu soi đầy đủ tất cả các ảnh tượng. Nếu từng đứng trước một cái gương chất liệu không tốt, mặt mình đôi khi dài ra, hoặc ngắn lại, hoặc nhìn không đúng như thật. Tâm thức mình cũng như cái gương. Một cái tâm bình thường hội đủ hai tính chất: Thứ nhất là rọi hình đúng thật, và thứ hai là không lưu giữ những cái bóng cũ.
Thế nào là một cái gương tâm rọi đúng hình thật? Chúng ta không thấy con người đó của ngày hôm nay, mà vừa thấy họ là dán lên ngay cái hình ảnh của ngày hôm qua. Như vậy là đã lệch lạc rồi. Biết đâu ngày hôm qua họ vậy nhưng ngày hôm nay lại khác. Chúng ta thường nhìn người khác qua cái nhìn chết cứng này; nhưng chính bản thân mình, nếu ai nhìn mình như vậy thì mình không chịu. Chúng ta rất sợ những thành kiến người khác chết cứng lên mình làm mình khó thể thay đổi, khó thể tiến bộ được. Khi đi tới một thành phố lạ, mình thấy rất thoải mái. Không ai biết mình là ai, và mình cũng không cần phải dè dặt như khi đang ở trong thành phố của mình. Khi chúng ta tới một nơi mà người ta nhìn mình bằng một cái nhìn mới mẻ thì rất khỏe. Không có thành kiến. Không có ai biết tới mình hết. Đó là cái nhìn mới mẻ. Cái nhìn đó là cái nhìn bình thường. Còn cái nhìn bị quá khứ chụp lên là cái nhìn không bình thường.
Điều thứ hai làm cho tâm không bình thường là sự lưu giữ những hình bóng cũ. Nhà thiền có một câu rất quen: Phong lai sơ trúc, Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh, Nhạn quá hàn đàm, Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh. Có nghĩa là: Gió qua khóm trúc xạc xào, Khi cơn gió lặng trúc nào còn âm, Chim trời rọi bóng trong đầm, Cánh hồng qua mất, nước không lưu hình.
Tâm mình có được như vậy không? Khi con chim bay ngang mặt hồ thì hồ rọi bóng, khi nó bay qua mất rồi thì trong lòng nước có còn cái bóng con chim đó không? Nếu mình có một người thân vừa mất chẳng hạn, nghĩ tới vẫn còn rớt nước mắt, như vậy là hồ tâm của mình lưu giữ cái bóng của người đó. Đôi khi vì lời nói hay cách hành xử của người làm thương tổn mình, giận mà nói không được. Cái tâm của mình có được như bụi trúc? Khi gió đi qua rồi, tiếng xào xạc còn trong bụi trúc hay đi qua luôn? Còn mình, tiếng nói đó đã hai ba tháng rồi mà bây giờ nó cứ văng vẳng bên tai.
Những chuyện đơn giản đó, vì mình không lưu ý cho nên không nhận ra rằng tâm mình không được bình thường. Vậy thì tâm bình thường là chuyện xa lạ hay là rất quen với chúng ta. Đó là chuyện mỗi ngày. Chúng ta chỉ cần để ý một chút thì đời sống mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Biết lưu ý những điều nhỏ này sẽ giúp cho tâm mình bình thường. Chúng ta không xa lạ gì với cái tâm bình thường này. Nó luôn ở đây và tự sáng tỏ. Trong nhà thiền gọi là “liễu liễu thường tri,” nghĩa là hằng biết rõ ràng. Nhưng vì chúng ta cứ hay phóng tới theo những duyên này duyên kia, bị các khuynh hướng, ước muốn thúc đẩy cho nên bị mờ đi. Cái bình thường này tại sao chúng ta không duy trì? Nó rất là bình thường, nhưng rất tỉnh sáng! Sự sáng suốt không hề thiếu. Có điều vì mình đang đầy đủ nên không thấy quý. Y hệt như thân mình đang mạnh khỏe nên chúng ta không biết mình đang thở bình thường.
Ví dụ hôm nào mình đang đi trên đường phố, chợt thấy có một người đang đi mà năm bảy người khác xúm lại mời gọi lôi kéo, xô đẩy, giằng co. Chúng ta sẽ tò mò nhìn: “Ủa, người này sao mà bị người ta xô qua đông, đẩy qua tây, kéo lôi không đi đứng bình thường được?” Mình thấy tội cho người đó.
Nhìn lại tâm thức mình, chúng ta có bị những cơn buồn giận, những ham muốn lôi kéo không? Khi buồn ai, gặp muốn tránh mặt, cái gì lôi mình đi hướng khác. Khi bị hiểu lầm cái gì đẩy sau lưng mình để đi tìm người thanh minh? Hoặc có ai đó nói: “Hôm nay cửa hàng có giảm giá,” mình vội tính đi ngay. Có phải có một cái gì đang đẩy sau lưng mình không? Như vậy chúng ta vẫn thường bị các vọng tưởng vô hình vô tướng xô đẩy, lôi kéo, giằng co mà không tự biết.
Đó là những niệm tưởng trong hiện tại. Trong phút lâm chung, những hình ảnh của quá khứ sẽ quay trở lại. Những tâm tình, cảm trạng ngày thường cường độ chỉ một, thì bấy giờ sẽ gấp bao nhiêu lần. Nó lôi kéo, thúc đẩy, giằng co. Lúc đó chúng ta sẽ đi theo nghiệp thức. Không biết trong sáu nẻo mình sẽ đi nẻo nào? Hôm nay nếu không tự chủ được trước những niệm tưởng, trước những tâm tình thương ghét, ưa muốn, xao động, phải quấy, thì phút lâm chung mình không làm chủ được, sẽ theo thói quen, theo nghiệp thức mà đi!
Tâm bình thường ở đâu? Nó ở ngay đây, không bao giờ thiếu vắng! Nó là cái biết thường trực. Chúng ta đang thấy, đang nghe mà trong tâm không giận, không thương, không lắc lay dao động, thì nó ở đây! Cho nên các Thiền sư nói: Đạo vốn không nhan sắc, Ngày ngày lại mới tươi. Tâm này không màu sắc, nhưng mỗi ngày luôn mới nếu không lưu giữ cái cũ.
(Bài viết này được trích đoạn từ tuyển tập ‘Tâm Bình Thường’ in năm 2016)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.