Bài NI SƯ THUẦN BẠCH
Thế danh là Otagaki Nobu, mồ côi từ nhỏ, được gia giáo tốt, hai lần kết hôn, sanh con nhưng không nuôi lớn được. Xuất gia tu Tịnh Độ, học Thiền và làm thơ.
Kết hôn lần đầu với một võ sĩ đạo, bà bị chồng hành hạ tàn nhẫn, có ba đứa con đều qua đời từ tấm bé. Chồng mất, bà tái giá lúc đó ba mươi ba tuổi, và người chồng thứ hai cũng mất sớm. Bà trở về sống với cha nuôi là một vị tăng Tịnh Độ trong vòng chùa Chionji, với một đứa con chẳng bao lâu cũng qua đời. Ở đây bà tìm được sự bình an, xuất gia pháp danh là Liên Nguyệt.
Khi vị tăng cha nuôi qua đời, ni Liên Nguyệt không được ở chùa nữa, phải ra ngoài tự kiếm sống. Lúc đầu làm nghề chỉ dạy chơi cờ “go,” nhưng đàn ông không muốn làm học trò một người đàn bà nên Ni chọn nghề bán đồ gốm. Ni gom đất và nhồi nắn bằng tay không dùng máy quay, và viết trên mỗi món hàng một bài thư pháp bằng chữ hiragana mặc dù biết Hán tự.
Người nghệ sĩ khi thai nghén tác phẩm không ai mà không phơi trải ít nhiều cuộc đời của mình. Thúy Kiều sẽ đánh đàn không hay nếu không kinh qua kiếp hồng nhan đa truân. Nếu chỉ dừng ngang chỗ thương cảm thường tình đó, có thể vẫn có tuyệt tác nhưng chưa hẳn thoát ra số mệnh nghiệp dĩ. Ni Liên Nguyệt thì không như thế, Ni đã vươn lên và lực đẩy chính là sức tu thầm thầm, cho dù Ni không tu học với vị thiền sư nào, cũng không biểu lộ tiến trình và kinh nghiệm tu chứng như thế nào.
Có thể không đợi đến xuất gia ở chùa Ni mới bắt đầu tu tập, mỗi lần biến động nghịch cảnh giáng xuống đời mình là mỗi lần Ni tỉnh thức và quay về. Những đợt tỉnh thức từng chặp như thế đã đưa đẩy một thiếu phụ tận cùng đau khổ xa lìa chốn đoạn trường, bước vào cõi thênh thang với gốm sứ làm bạn, với thư pháp làm nhà.
Mở đầu với dòng chữ “Gửi các con yêu quý,” Liên Nguyệt đã viết:
Lời cuối của mẹ
Hoa đào nở rộ
Hết cả tấm lòng
Thương quá Sakurai.
Thương con nhớ con vẫn không quên hoa đào trước mắt; cho dù nghịch duyên vẫn biết ơn và một mực thân thương cuộc đời. Phải chăng đây là tình mẹ của Bồ-tát chan rải khắp nơi? Bài thơ ít lời mà chi tiết phong nhiêu đã lưu lại khung cửa mở cho người đọc riêng mình lắng sâu cảm xúc.
Có rồi không, thấy rồi mất, đối với Ni là Phật pháp, là bài thơ “Tâm,” không phải trong kinh điển hay pháp tu mà trong những mảnh đời diễn biến trước mắt, giữa con người với con người:
Việc đến rồi đi,
Không đầu không cuối,
Luôn luôn đổi thay
Như mây trắng bay
Là tâm vạn hữu.
Thơ và lời dạy của Liên Nguyệt như những đám mây, thăng hoa những tác phẩm gia dụng, ấm tách trà, và thổi tan hình chất khô cứng để đọng lại từng giọt bình an, từng giọt hạnh phúc. Thông điệp của Ni không phải là bộ sưu tập gốm sứ tự gán là “giáo pháp,” mà chỉ là đào, là mây, là màu đỏ lá thu, và tất cả qua đi và qua đi.
Đối với chúng ta, Ni đang có mặt ngay đây và bây giờ, và mỗi nhịp đập con tim là một nguồn cảm hứng tuôn trào trước mắt chúng ta, dù bão táp mưa sa, như bài thơ khắc trên một ấm trà vẽ hình sóng nước vịnh Katada trên hồ Tỳ Bà:
Ngọn gió thổi qua
Vịnh Katada
Thuyền côi vô chủ
Đứng im
Trên băng
Giá lạnh.
Chiếc thuyền đơn côi vẫn hiên ngang đứng một mình, dù tịnh dù động, không gì khác hơn là ý nghĩa cuộc đời mà hoàn cảnh nghiệt ngã đã thúc đẩy Ni sớm nhận ra.
Về sau khi tác phẩm được nhiều người biết đến, Ni luôn thay đổi chỗ ở để tránh đám đông hiếu kỳ. Khi gần tịch vào năm 1875, thọ 84 tuổi, nước Nhật tuyên bố Ni là bậc thánh tổ nghệ thuật. Ni được mọi tầng lớp xã hội mến chuộng không hẳn chỉ nhờ tác phẩm để đời, mà nghĩa cử cho tiền người nghèo và giúp những nghệ sĩ khác, bằng cách hợp tác với họ để tác phẩm của họ bán chạy, đã thực sự đóng góp vào phúc lạc nhân sinh.
Sống bình dị không màng danh và lợi là cuộc đời của Ni Liên Nguyệt. Hình ảnh cuối cùng ấn tượng trong lòng người viết bài này là chung trà Ni đã trao cho tên trộm một đêm lẻn vào nhà, sau khi đã bật đèn sáng cho y thấy rõ mọi đồ vật. Không sợ hãi, không tiếc của, không căm ghét kẻ gian, bình đẳng và tự tại.
Người xưa như thế, người nay, con gái của Phật, có chùn bước trước thử thách chướng duyên? Trên đường từ chúng sanh chuyển mình thành Phật, chắc chắn chúng ta không thể ngồi mát ăn bát vàng.
Từ chiếc nôi Viên Chiếu qua đến chốn này, tôi đặt một cái tên mỹ miều là Lộc Khê, có nai kêu chim hót xuân hạ và gió gầm mưa thét thu đông, con đường huynh đệ chúng tôi đang bước đi không thiếu gì chông gai thử thách. Phước duyên vùng này có nhiều ngôi chùa đã tổ chức chu đáo những sinh hoạt có tính xã hội và dân tộc, nên chúng tôi chỉ còn một việc chuyên tu, cho mình và hướng dẫn Phật tử. Với một số lớn người đến chùa hiện nay chưa quen và chưa có nhu cầu nghe Pháp, chúng tôi gần như bắt đầu từ con số không. Riêng người xuất gia trên một đất nước tiện nghi dồi dào lại càng khan hiếm. “Già rồi mới đi tu” là công thức khá phổ biến, vì chẳng phải lo sanh kế, lại có “tiền già,” một mình một “housing,” tức nhà chính phủ trợ cấp cho người già lợi tức thấp. Do đó xuất gia nhưng ít khi ở chùa, và “nhất nhân nhất tự” vẫn là nét chung.
Một lần nữa hình ảnh Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa “cửu niên diện bích” lại ứng hợp ở đây trong bước đầu gầy dựng. Bao mùa thay lá, bao mùa đào nở, từng bước ni chúng hình thành, từng bước gây nhóm học Phật và tọa thiền với những lớp học Việt, Mỹ, giới trẻ. Tập khí ở đâu cũng có, bất đồng chỗ nào chẳng không. Chính những chông gai nội tâm này suốt cuộc hành trình về nguồn là cấp cao để cá hóa rồng, vượt qua được chúng tôi sẽ xứng đáng làm “đứa con yêu quý” của Ni Liên Nguyệt để đón nhận:
Lời cuối của mẹ:
Hoa đào nở rộ
Hết cả tấm lòng
Thương quá Diệu Nhân.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.