Bài ĐỒNG PHÚC
‘Hoa Trôi Trên Sóng Nước’ được xuất bản tại Nhật năm 1956, thuật lại câu chuyện đời đầy sóng gió và cũng là chuyện tầm sư học đạo đầy gian nan của Ni Sư Satomi Myodo, một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền Tông Nhật Bản. Cuốn sách kể về hành trình đi tìm đạo, chân lý giải thoát những nỗi thống khổ của Ni Sư Satomi Myodo trong hơn 40 năm. Ni Sư Satomi Myodo, thế danh Satomi Matsuno, sinh năm 1896, mất năm 1978, đã đào tạo nhiều thế hệ học trò và có ảnh hưởng đến giới tì kheo ni Nhật Bản đến tận ngày nay.
‘Hoa Trôi Trên Sóng Nước’ bản tiếng Việt là tác phẩm được Giáo Sư Nguyên Phong (John Vũ) phóng tác từ cuốn hồi ký mang tựa đề tiếng Anh ‘Passionate Journey: The Spiritual Autobiography of Satomi Myodo’ (Hành Trình Đam Mê: Hồi Ký Tâm Linh của Satomi Myodo) do Shambhala phát hành đầu tiên tại Mỹ năm 1987, và sau này mang tựa ngắn gọn hơn là ‘Journey in Search of The Way’ (Hành Trình Tầm Đạo) kể về cuộc đời và hành trình tu học đầy ly kỳ đưa đến sự giác ngộ của Ni Sư Satomi Myodo.
Ni Sư Satomi Myodo vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại Hokkaido. Bên cạnh nguồn gốc bần cố nông, Ni Sư cũng lớn lên trong một thời đại mà việc tu học của phụ nữ chưa được xã hội khuyến khích và coi trọng. Tuy vậy, vượt qua những nghịch cảnh, những định kiến, lề lối cũ, Satomi Myodo giữ vững niềm tin mãnh liệt và quyết tâm tu đạo.
Thời thơ ấu, Ni Sư Satomi Myodo nhận thấy mình có nhiều đức tính không tốt như “độc đoán, ích kỷ và hay nóng giận.” Tới khi trưởng thành gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống gia đình, trải qua những cuộc nổi loạn, những dằn vặt đau khổ trong tâm hồn đã đưa bà đến ước mong được tu tập để “tìm kiếm con đường thoát khổ.”
Trong thời gian đầu tìm đến với Thần Đạo (gọi là Shinto, một tôn giáo của dân tộc Nhật), Ni Sư Satomi Myodo đã tìm gặp hết thầy này đến thầy kia, hết chùa này đến chùa kia để xin làm đệ tử, siêng năng rèn luyện những gì được chỉ dạy. Để được học, bà thậm chí còn chấp nhận làm đầy tớ trong nhà một lão sư.
Đã có lúc Ni Sư tưởng như đã tìm được đến đích. Sau nhiều năm kiên trì tu tập, bà khám phá bản thân có khả năng “tiếp xúc được với vong linh thuộc thế giới siêu hình,” trở thành một cô đồng (Miko) của Thần Đạo. (Trong Thần Đạo, cô đồng được xem là “công cụ trung gian giữa thần linh và con người,” chư thần sẽ nhập vào họ, dùng xác thân của họ để tiếp xúc với thế giới loài người).
Nhưng dù trở thành một cô đồng nổi tiếng và đạt đến trình độ rất cao của Thần Đạo, Ni Sư nhận ra việc làm cô đồng không đưa đến sự “giải thoát,” sự an nhiên thảnh thơi Ni tìm kiếm ban đầu là hoàn toàn khác nhau, và rồi Ni Sư quyết định chấm dứt ngay việc hành nghề cô đồng, cắt đứt mối liên hệ với Thần Đạo.
Đến tuổi trung niên, Ni Sư tìm đến Phật giáo như một giải pháp cuối cùng. Ni Sư kiên trì tham gia các khóa tu thiền, gặp nhiều thầy ở các chùa khác nhau ở các thành phố khác nhau trên khắp Nhật Bản. Nhưng cũng chính vì “đi hết môn phái này đến môn phái khác, học hết lý thuyết này đến lý thuyết kia, theo hết thầy này đến thầy nọ” một cách lan man, nên mấy chục năm lang thang tìm đạo của Ni Sư vẫn không có nhiều tiến bộ.
Hành trình tầm đạo nhiều gian khổ và đầy cố gắng nhưng chưa có nhiều kết quả khiến Ni Sư nhiều lúc rơi vào tuyệt vọng, thậm chí từng có ý định tự tử.
Cho đến khi gặp giáo sư Shibata Sensei ở thành phố Sapporo, cùng học đạo với một nữ đạo hữu trẻ tuổi tên là Minamikawa, Ni Sư mới nhận ra sai lầm của mình:
“Bà cảm thấy phải tu, phải đi theo con đường tâm linh, phải làm thế này hay thế khác không thực sự nắm vững mục đích con đường của mình nên cứ trôi dạt từ nơi này đến nơi khác, từ lý thuyết này đến lý thuyết khác, từ thầy này đến thầy nọ.”
Giáo sư Shibata Sensei nhấn mạnh việc tìm đến với Phật giáo cũng là một quá trình học hỏi, cần có óc hoài nghi, sự phân tích, chứ không nên phụ thuộc vào bất cứ ai, đó là “học trong tinh thần tự do tuyệt đối.”
Vị giáo sư mà cũng là một cư sĩ uyên thâm đạo Phật đã nhắc nhở Satomi Myodo, “Sự tu hành mà thiếu yếu tố học hỏi này dễ đưa người ta đến sự cuồng tín, mù quáng, hẹp hòi, cố chấp và như thế là không đúng với giáo lý đề cao việc phát triển trí tuệ của Đức Phật.”
Sau khi học đạo với giáo sư Shibata Sensei, Ni Sư gặp Thiền Sư Yasutani Roshi (Bạch Vân), thầy trụ trì chùa Taiheiji. Ở tuổi đã lớn mà được một thầy trụ trì cho phép ở lại để tu tập là điều may mắn cho Ni Sư. Vị thầy này đã giúp Ni Sư Satomi Myodo có những tiến bộ rõ rệt trong đường tu hành, chỉ ra những chướng ngại trong việc tu thiền của riêng Ni Sư, giúp bà có ý thức rõ rệt về những sai lầm do sự tu tập thiếu phương hướng trước đây.
Dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Yasutani Roshi, Ni Sư Satomi Myodo đã trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc nhất của Nhật Bản trong cuối thế kỷ thứ 20. Nhưng quan trọng hết, Ni Sư đã đạt được sự mong muốn là có được sự an lạc, thanh thản cho bản thân mà bà đã đi tìm trong suốt cuộc đời, như bà viết sau khi được tu tập với ngài Yasutani:
“Tôi cảm thấy trong lòng bình an, thanh thản chứ không có gì khác lạ. Tôi cảm thấy như vừa nuốt trôi được cái gì đó vướng mắc trong cổ họng từ bấy lâu nay và từ đó mọi thứ trở nên thông suốt, một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thế diễn tả.”
‘Hoa Trôi Trên Sóng Nước’ được viết khi Ni Sư Satomi Myodo đã 60 tuổi, gần như một tự truyện được viết khi bà đã tìm được nơi nương tựa để tu tập và bắt đầu nhớ lại những gì đã xảy ra cho mình trong hơn bốn thập niên của 60 năm ấy. Con đường đi đến sự giác ngộ của bà đã cống hiến cho người đọc một câu chuyện tâm linh rất ly kỳ không thua một tiểu thuyết kể lại những chuyện phiêu liêu mạo hiểm của một người mẹ đơn thân nuôi con, một môn sinh, một diễn viên, và một cô đồng bóng. Thời mới lớn và còn đang học trung học, bà đã quyến rũ một người đàn ông để phản đối tục lệ con gái phải trở thành “một người vợ ngoan và một người mẹ tốt.” Đến khi đã lớn tuổi, bà nhất quyết tu học đến nỗi gia đình phải thốt lên , “Ở tuổi của bà ư? Tuổi bà ngoại mà đi tu cái gì? Bà có sao không vậy?”
Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, trong từng cuộc phiêu lưu, bà Satomi Myodo đều phân tích tỉ mỉ những cảm xúc, nhận thấy rằng giác ngộ mới là con đường đưa đến sự giải thoát, và đó là một ước mong của mọi con người, kể cả một kẻ còn đầy tham sân như bà.
Chẳng hạn như đoạn bà kể lại mối tình với Ryo, một tay anh chị giang hồ nhưng lại có thân hình ẻo lả. Khi ấy bà đã bỏ việc làm của một diễn viên để sống với Ryo và cưu mang anh ta, với hy vọng bà sẽ giúp cho Ryo trở lại con đường lương thiện. Thế nhưng như trong mọi sứ mạng cứu độ tình cảm khác, sứ mạng này của bà đã thất bại. Bà viết:
“Tôi mau chóng nhận ra những tật xấu của chính mình. Sự tức giận, ghen tuông, và tất cả những cảm xúc xấu xa khác đều như từng tiềm ẩn từ đáy lòng nay bỗng trồi lên thường xuyên hơn. Tôi muốn nói cho Ryo biết tội của hắn và đuổi hắn ta đi. Tôi đã nghiến răng, cố gắng kìm chế những cảm nghĩ của mình, nhưng rồi trong mười lần thì hết chín lần tôi đã thua cuộc. Ngay cả khi tôi bất ngờ nhận thấy mình đã chiến thắng trong cuộc giằng co trong tâm hồn, thì sự thành công đó chỉ tạm thời mà thôi, và rồi không lâu tôi lại trở về với bản chất khó chịu của mình… Đối với tôi thì sự việc tìm cách cứu Ryo là một nỗ lực không thể đạt được và hoàn toàn mang tính chất tự cao của mình. Mỗi khi nổi giận lên, tôi đã hoàn toàn đánh giá mình quá cao. Tôi đã không dừng lại để suy nghĩ. Trong vô thức, tôi đã quyết định mình đã làm đúng, là một người thanh cao. Thật đáng xấu hổ!”
Ở mấy chữ “Thật đáng xấu hổ!” người đọc có thể thấy bà Satomi Myodo đang mỉm cười với chính mình. Hồi ký của Ni Sư như ghi lại một sự thật mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta trong Đế đầu tiên của Tứ Diệu Đế. Đó là Khổ Đế. Khổ là điều hiển nhiên trong thế gian này, chúng ta cần phải nhận ra và hiểu nó trên con đường đi đến sự giải thoát cuối cùng.
Ở một đoạn khác, Ni Sư Myodo giải thích tại sao bà đã chọn con đường tu hành theo đạo Phật. Trong một lúc tìm đạo, bà đã dự những buổi giảng của người Cơ Đốc Giáo và nghe rằng “một khúc gỗ xấu cần phải được đốn chặt và ném vào lửa ở Gehenna.” Bà tự thấy rằng “tôi là một khúc gỗ xấu đó, chắc chắn là vậy.” Nhưng rồi bà đi đến kết luận, “Tôi sẽ không thể nào trở thành một Ki Tô hữu” vì bà không mong muốn được sống ở “Nước Thiên Đàng.” Mục tiêu của bà không phải là tẩy sạch tội lỗi và tự cứu mình, nhưng để hiểu tại sao con người phải chịu khổ. Bà viết, “Tôi muốn biết tại sao tôi đã là một khúc gỗ xấu.”
Sự trăn trở, dày vò trong quá khứ đã thúc đẩy bà đi tiếp trên hành trình tìm sự giải thoát, để rồi bà chứng ngộ được sự vô thường như trong những đoạn sau:
“Tôi càng thực hành thiền thì lại càng thấy những điều xảy ra không đúng như mình tưởng.” Thiền không phải là để giải tỏa sự căng thẳng của trí óc, một phương pháp tạm thời gác qua một bên những gánh nặng của cuộc sống, mà để nhìn thấy sự việc đúng như nó là. Sự nhận xét này liên kết với một nhận xét khác mà bà đã trải qua sau đó: “Bây giờ tôi đã thức tỉnh từ một giấc mộng và thấy sự việc rất rõ ràng. Tôi hiểu câu nói ‘Bạn không thể nào có một kinh nghiệm đến hai lần’ là đúng sự thật.”
Khả năng nhận thấy mỗi khoảng khắc là một kinh nghiệm mới chính là yếu tố then chốt trong giáo lý của đạo Phật. Yếu tố đó là Anicca theo tiếng Pali, tức là Vô Thường. Thế nên qua lời tường thuật trong cuốn hồi ký ‘Hoa Trôi Trên Sóng Nước,’ Ni Sư Satomi Myodo cho thấy rằng càng tu hành thì bà càng nhận ra cuộc đời không như mình tưởng, tức là chính bản thân bà được trải nghiệm mỗi lúc một nhiều hơn tính chất vô thường của cuộc sống. Từng kinh nghiệm trong mỗi phút giây sẽ không bao giờ có lại. Thế nên vô số những khổ đau, thất vọng mà một người phải từng trải trong đời sẽ không là điều tối hậu của đời họ, mà chính là yếu tố đưa họ đến sự giác ngộ như Phật đã chỉ dạy, và như Ni Sư Satomi Myodo đã chứng ngộ cho chính mình.
(Lấy ý từ bài viết “Hành Trình 40 năm tìm đạo gian khổ của vị ni sư nổi tiếng Nhật Bản” của Thanh Tâm (?) và bài “B-Sides: Satomi Myodo’s ‘Journey In Search of the way” của bà Theo Davis)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.