Cõi thơ của Zukui Jifu, Thiền Sư Ni Trung Hoa vào thế kỷ 17

*Đọc 10 phút*

Bài BEATA GRANT
Tỳ kheo ni Liên Hòa chuyển ngữ

Một trong những yếu tố khế cơ căn bản của đạo Phật là giáo lý được truyền bá dưới mọi hình thức. Một vị thầy giỏi là người có thể xác định chính xác, thiện xảo phương thức tu tập phù hợp cho mình và đệ tử ở mọi lúc, mọi nơi. Ở Trung Quốc, Chan hay Thiền (Nhật Bản gọi là Zen) rất nổi tiếng và được nhấn mạnh là sự giải thoát chỉ có thể được tìm thấy vượt ngoài ngôn từ, lời nói. Các thiền giả Phật giáo cho rằng lời nói, ngôn ngữ xuất phát từ cái hồ trí năng hiểu biết nông cạn không như đại dương trí tuệ sâu thẳm.

Mặt khác, những thiền giả này đã khéo dùng lời nói ngôn ngữ, đặc biệt là những lời thơ hay sử dụng lối đối từ, đối ngữ một cách sáng tạo để làm bật lên niềm hoài vọng ra khỏi hồ nông cạn, thể hội vào biển trí tuệ sâu rộng kia. Cũng giống như cách dùng một cái gai nhọn để lể cái gai kia, họ cố gắng dùng ngôn từ để vượt ra khỏi ngôn từ.

Trong Thiền tông Phật giáo, thi ca nếu không được chuyển hóa thì có thể là một chướng ngại cho hành giả, vì thi ca có thể chuyển tải và khơi dậy tâm tham ái với cõi dục giới này. Tuy nhiên thi ca cũng là một phương tiện quyền xảo có thể diễn bày, hâm nóng trí tuệ giác ngộ. Thật khó hiểu, thi ca do các thiền sư sáng tác nhưng tất cả đều được dành cho các thế hệ sau này, vì vậy các pháp thoại, tác phẩm được kết tập và truyền bá khai thị cho thế nhân sau khi họ đã qua đời.

Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa, phần lớn các thiền sư đều là chư Tăng. Song từ thế kỷ thứ 12 trở về sau xuất hiện một vài thiền sư Ni. Cũng như chư thiền sư tiền bối, họ để lại pháp bảo trong các bài thuyết giảng, các tác phẩm văn chương, kệ tán tụng và dĩ nhiên là trong đó bao hàm cả thi ca. Ở đây, tôi xin được giới thiệu thi phẩm của một trong những vị thiền sư Ni, đó là Ni sư Zukui Jifu (Tổ Quý Tế Phù).

Thật kỳ lạ, mặc dù Ni sư Zukui lưu lại ba tác phẩm, nhiều hơn những vị Ni khác của Trung Hoa thời cận đại, song chúng tôi lại thu thập được rất ít sự kiện về tiểu sử của Người. Ai cũng biết Ni sư sinh trưởng tại thành phố Giang Châu vào đầu thế kỷ thứ 17.

Lúc nhỏ, gia đình thường gọi Người là Lý và tuy còn rất bé, Người vẫn nổi tiếng vì thông minh và có tài thi phú. Điều này cũng không có gì gọi là đặc biệt vì lúc bấy giờ có nhiều phụ nữ rất giỏi về lãnh vực này, họ xuất thân từ gia đình quý phái, nhất là ở về phía Nam Trung Hoa như Giang Nam (phía Nam sông Dương Tử), nơi chôn nhau cắt rốn và đó cũng là nơi Người được dạy dỗ, học hành, thành đạt, sáng tác và giới thiệu thơ thiền cho đời.

Thời ấy, chuyện phụ nữ xuất gia cũng là chuyện thường tình, đặc biệt đối với những phụ nữ góa bụa hay gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng chuyện gì mới được gọi là khác biệt nổi bật ở đây, đó là một phụ nữ có thể trở thành một thiền sư lỗi lạc được mọi người ngưỡng phục. Ni sư Zukui Jifu thuộc trong trường hợp điển hình ấy, Người là một trong số ít những Ni sư thành công trong lãnh vực truyền bá giáo pháp như Thiền sư dòng Lâm Tế nổi tiếng – Túy Ông Hồng Châu (1605 – 1672).

Ni sư trụ trì hai ni viện lớn ở Hàng Châu (Hangzhou), trong thời gian phụng sự ở đây, Người đã sáng tác năm tuyển tập nhỏ gồm những bài viết, pháp thoại, thi kệ. Ngoài ra Ni sư và một Sư Tỷ – Thiền Sư Ni Bảo Tích Kế Tông – đã cho ra đời một tập thi kệ gồm 40 bài và kết hợp với những thi kệ của vị Ni nổi tiếng đời nhà Tống – Ni sư Diệu Tông (1095 – 1170), vị đã để lại nhiều pháp thoại cho đệ tử của người trong đó bao gồm chư Ni và cư sĩ.

Bà Beata Grant sinh năm 1954, là giáo sư môn Nghiên Cứu Trung Hoa và Tôn Giáo thuộc phân khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Á tại trường Washington University ở thành phố St. Louis, Missouri. Bà tốt nghiệp Tiến Sĩ trường Stanford. Thiền Sư Ni Zukui Jifu là một trong 48 vị Ni Sư Trung Hoa từ thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ 20 mà bà Beata Grant đã viết trong cuốn ‘Daughters of Emptiness: Poems of Chinese Buddhist Nuns’ phát hành năm 2003.

Ba trong số những tuyển tập này được in và giới thiệu rộng rãi trong quần chúng. Các tuyển tập này đều được kiết tập trong Ngụy Tạng, một biệt bản của kinh điển Phật giáo. Nếu như các nhà biên tập kinh điển – hàng thức giả thời bấy giờ không quyết định kiết tập các tác phẩm của Ni sư Zukui Jifu cùng với các tác phẩm của sáu thiền sư Ni khác cũng trong thời điểm ấy, rất có thể chúng đã bị thất lạc. Nhờ vào những tài liệu này mà người đời sau được biết đến công trạng của Ni sư.

Các sáng tác của Ni sư Zukui Jifu được người đương thời đánh giá rất cao. Nam cư sĩ Lý Mặc (1600 – 1679) đồng thời cũng là một nhà văn khi viết lời tựa cho tác phẩm đầu tiên trong số các tác phẩm này đã so sánh Ni sư như “một nữ tướng xuất binh giương ngọn cờ gấm thêu, vạch chiến lược, quán sát rõ đường đi nước bước trước sau của đối phương và động viên quân sĩ tả hữu.” Lối nói mạnh mẽ này là đặc tính của Thiền, một khi thành tựu pháp môn tu tập này của đạo Phật, dầu là nữ giới, nam giới hay bất cứ ai, đều đòi hỏi phải có sự kiên định tuyệt vời và lòng nhẫn nại, quả cảm như vị tướng ra trận vậy. Tuy nhiên, theo nhãn quan của Li Mo, Ni sư Zukui Jifu là một phụ nữ rất thành công, đã “tóm được đầu hổ và cả đuôi nó.”

 Một vị khác cũng rất ngưỡng phục Ni sư, đó là cư sĩ Trương Vưu Nhã, trong lời tựa tác phẩm thứ hai của Ni sư đã tán thán rằng: “Chúng sinh ngày nay dừng lại trước bản nguyên của giáo pháp, họ chỉ quan tâm đến những đợt sóng và lớp bọt trên bề mặt. Tuy nhiên, Ni sư Zukui Jifu đã xén ngang thớ thịt để chạm vào phần xương tủy của dòng Thiền.”

Hẳn còn rất nhiều ngôn từ tán thán, đánh giá các tác phẩm của Ni sư rất cao. Vào thời ấy, Ni sư Zukui Jifu được nổi tiếng là người sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện, thiện xảo, không đơn thuần như lối trau chuốt thế thường mà là những biểu tượng pháp luân vận chuyển giáo pháp. Sự thật, phần lớn thi phẩm của Người dành cho những nhân vật khá đặc biệt và nhiều tựa bài thơ nhắc đến chữ “thị”, trong trường hợp này có nghĩa là hướng dẫn bằng cách chỉ ra cho thấy, dùng minh họa để chỉ rõ một chân lý vi diệu, điều này không có nghĩa là hoàn toàn mang phong cách mô phạm. Ngược lại, thông điệp từ những bài thơ, đặc biệt là thơ thể loại tứ cú, chúng ta sẽ được đọc sau đây đã được dệt thật khéo léo, tinh xảo trong thớ lụa ngôn ngữ nên thơ, gợi cảm.

Việc vá may là một phép ẩn dụ mà Ni sư Zukui Jifu thường sử dụng trong thơ của mình. Điều này không có gì ngạc nhiên cho lắm, việc thêu thùa là một công việc truyền thống và thuần túy của phái nữ. Cũng không bất ngờ khi hai câu thơ dưới đây được xem như viết cho một phụ nữ mang họ Vương, bà là một nữ cư sĩ và bối cảnh nội dung hoàn toàn dễ hiểu. Trong những bài thơ này, Ni sư không chỉ ca ngợi bà Vương thiên về lãnh vực nghệ thuật của bà mà còn nhấn mạnh ở điểm nghệ thuật có thể được phát sinh từ nhận thức tâm linh và hướng đến nó:

Kim vàng chỉ ngọc lượn thêu,
Đôi tay tiên nữ kết lều lá hoa.
Ta về sống lại với ta,
Chân nguyên hiển lộ lựa là khó chi.
Một ngày ý pháp huyền vi,
Thấu đạt bổn tánh xuân thì muôn phương.
Tiên nhân may áo mùa xuân,
Vờn đưa tay kéo giữa rừng lá xanh.
Ô kìa! Một chấm hồng anh,
Ẩn hiện trong lá hương thanh ngạt ngào.
Đắm say hương sắc hư hao?!
Hư không lãng đãng xưa sau muôn đời.

Tỳ kheo ni Thích Nữ Liên Hòa sinh năm 1969 tại Pleiku, Gia Lai, quê quán Bình Định, xuất gia 1987, tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học năm 2006 tại Delhi University, Ấn Độ, hiện là Ủy Viên Thường Trực Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Bài chuyển ngữ đã được đăng trên mạng Đạo Phật Khất Sĩ năm 2013.

Chúng ta vẫn biết rằng, những nhà thơ Trung Hoa thường hướng đến thiên nhiên để cảm hứng tự tuôn trào. Cây mận ra hoa cũng là nguồn cảm hứng đặc biệt, nhất là đối với những thiền giả và các nữ sĩ. Hình ảnh cây mận kết hoa rất được lưu tâm, không chỉ vì nó tặng đời màu sắc xinh tươi, mùi hương thơm ngọt mà bởi vì trong các loài hoa nở vào mùa xuân, hoa mận nở trước tiên, đôi khi tuyết đông còn chưa tan hết, hoa mận đã ngát hương. Chính vì điểm này, nó thường được dùng như một biểu tượng, không phải vì vẻ đẹp mong manh dễ vỡ, mà đó là sức sống kiên cường. Nó trở thành kẻ báo hiệu mùa xuân đến, đẩy sự mệt mỏi của những ngày đông dài tối tăm lạnh buốt đi. Cũng thế, nó được dùng làm ẩn dụ cho kinh nghiệm chứng ngộ tâm linh, có những lúc tu tập gặp nhiều trở ngại khó khăn như tiết lạnh giá, mùi hương dịu ngọt ấy bất ngờ lan toả, hương thơm khôn cùng, mặc cho kỷ niệm thường sống lại. Thiền sư Zukui Jifu ngộ tư tưởng này trong hai câu thơ có tựa đề là “Khám phá nụ hoa mận” và câu đầu tiên tạm dịch như dưới đây:

Bảy mươi đỉnh núi trong mây,
Vượt đỉnh cao nhất vui này sánh chi?!
Mây bạc lãng đãng huyền vi,
Đâu che chân tướng lưu ly sáng ngần.
Hư không đấy, pháp toàn chân,
Hương thiền… đây cõi an thần dưỡng tâm.

Trong một bài thơ khác cũng cảm khái từ nụ hoa mận, Ni sư đã giúp chúng ta nhận thức rõ những nụ hoa mận cưu mang ý nghĩa thâm trầm:

Lẻ loi, băng giá nào hay,
Để mưa gió cuốn bóng mây muộn sầu.
Chân tâm thay đổi được đâu,
Như cội thông cũ thiên thâu diệu kỳ.

Hình ảnh lá thông vẫn xanh mướt vào mùa đông được thấy bàng bạc trong thơ ca Trung Hoa để nói lên nam nhi nghị lực kiên cường, dù gặp khó khăn thử thách thế nào vẫn không lay chuyển. Ở đây, một độc giả sau khi đọc xong thơ của Ni sư Zukui Jifu đã phát biểu rằng trong đời vẫn có những phụ nữ rất đặc biệt đã dâng trọn cuộc đời cho việc tu tập, bất chấp mọi thử thách để tìm cầu giác ngộ giải thoát.

…Mây bạc lãng đãng huyền vi,
Đâu che chân tướng lưu ly sáng ngần…

Là vị trụ trì hai ni viện lớn, Ni sư không có nhiều thời gian tịnh cư, mặc dù Người rất thích đời sống tĩnh mặc này, song nhiều bài thơ đã phản chiếu trạng thái thiền lự sâu lắng và lòng từ bi bao la của Người.

Cũng có vài bài thơ như “Bài Học Bất Ngờ” dưới đây đã soi lại giây phút tuệ giác và niềm hỷ lạc bất tận không đến bằng cách trực tiếp cho bất cứ ai hay trong một hoàn cảnh đặc thù.

Thông reo gió quyện nhạc trời,
Đâu cần đàn phách tiếng lời nhịp đưa.
Sông trăng soi bóng rèm thưa,
Đâu cần đốm lửa cho vừa lòng ai.
Thấy nghe trải tận bồng lai,
Trời cao đất rộng ai ngoài Sư Ni.

Trong khi thiền sư Ni Zukui Jifu trải nghiệm được những phút giây an lạc, Người biết một cách trọn vẹn những giây phút ấy cũng chỉ là phù du không có nghĩa gì cả. Điều đó cho thấy Người đã đạt đến một trạng thái tâm chứng ngộ thật sự. Trong một bài thơ với tựa đề “Trở về đỉnh đồi, ta cười với ta,” Người nói đến sự tỉnh thức của tâm linh. Ni sư Zukui Jifu đã tiến xa khỏi ngọn núi tuệ tri bất động, núi vẫn luôn hiện hữu dù những đám mây luôn hoá hiện kia làm nó khi tỏ khi mờ:

Lối nào dẫn đến Độc Cư
Tuyệt chân vi diệu, như như an bình.
Vọng tâm tro bụi hư vinh,
Cười cho mây trắng huyễn hình lang thang.

Bàn về những bài thơ vượt ra khỏi văn cảnh, không đề cập chủ đề trong khi dịch thuật như thế này cũng giống như là xem những tác phẩm tôn giáo trong viện bảo tàng. Hơn thế nữa, thật khó mà chọn lựa một vài bài thơ từ vườn thơ mênh mông. Song mong rằng ít ra tôi cũng đã gởi đến mọi người một chút hương vị thơ thiền của Thiền sư Ni – Ni sư Zukui Jifu, một thi nhân nổi danh vào thế kỷ 17, Người là một vị đạo sư và trên hết là Người đang tìm về chân tánh.

Ni sư Zukui Jifu không là người đơn độc, đã có rất nhiều phụ nữ tài năng, kiệt xuất gồm cả hàng xuất gia và tại gia không chỉ là những độc giả mến mộ những vần thơ của chư Thiền sư mà chính họ còn sáng tác nhiều bài thơ hay tặng nhân sinh. Tôi kết thúc bài viết này với đoản thơ Ni sư Zukui Jifu gởi cho một nữ đệ tử, sư cô ấy cũng là một thiền sư Ni đã sống cách Người khá xa nhưng Người vẫn cảm thấy có một sợi dây liên hệ sâu sắc. Hội thảo Sakyadhita – Những người con gái của dòng họ Thích tạo cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để hội ngộ với các Phật tử nữ trên khắp thế giới, sau khi mỗi chúng ta đi về mỗi ngả, hy vọng rằng chúng ta vẫn bên nhau bởi có cùng hoài vọng và điểm hướng đến.

Cỏ xanh, vách núi cũng xanh,
Sông xanh cây lá thiên thanh dịu hòa.
Hoa đồng đón nắng ven đê,
Đó đây muôn dặm, chưa hề xa nhau.
Đâu cần trông mặt thấy nhau,
Hòa cảm làn gió, xưa sau mỉm cười.

Bìa sách của tác giả Beata Grant

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *