(Bài viết này được trích từ cuốn ‘Dipa Ma, Cuộc Đời và Di Huấn’ (The Life and Legacy of a Buddhist Master) của bà Amy Schmidt do thầy Thiện Nhựt dịch trong ấn bản được ấn tống bởi Thích Ca Thiền Viện.)
Bài HT KIM TRIỆU KHIPPA PANNO
Sự hiện diện của Dipa Ma trong đời tôi là một duyên lành mang nhiều ý nghĩa sâu đậm. Nhờ Bà, tôi đã tăng trưởng đức tin nơi Giáo Pháp và hun đúc lòng cương quyết hành thiền. Mỗi khi tôi tiếp xúc với Bà, Bà giúp tôi bằng sức mạnh của tâm từ trong ánh mắt và bằng năng lượng của tuệ giác trong từng lời nói. Những điều đó, đối với tôi, không hề chìm vào quá khứ mà vẫn là sự thật linh động trong thực tại hiện tiền. Dipa Ma sống mãi trong tim tôi.
Vào khoảng giữa thập niên 1960, tôi nhận học bổng sang Ấn Độ du học tại Viện Cổ Ngữ Nalanda thuộc Đại Học Maghadh. Người ở chung phòng với tôi trong cư xá sinh viên là Đại Đức Rastrapal, sau này sáng lập viện Thiền Định Quốc Tế (International Meditation Center) tại Bồ Đề Đạo Tràng. Trong những dịp bãi trường, Sư Rastrapal mời tôi tham dự các khóa Thiền Minh Sát.

Tôi hành thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Munindra đầu tiên, rồi vài năm sau đó với Thiền Sư Goenka. Tôi được gặp Bà Dipa Ma trong một khóa thiền mười ngày của ông Goenka tại Calcutta vào năm 1969. Những kinh nghiệm sâu sắc và mãnh liệt của tôi về khổ đế trong khi thực tập thiền quán cảm thọ (vedananupassana) đã gây nên nhiều xúc động tâm lý, gần như khủng hoảng. Quá mệt mỏi vì những xúc động này, tôi xin phép rời trường thiền và trở về Nalanda hai ngày trước khi mãn khóa.
Một thời gian sau, Sư Rastrapal trở về, tôi rất hoan hỷ khi gặp lại Sư vì tôi nhận thấy sắc diện của Sư trong sáng khác thường. Khi tôi hỏi cảm tưởng của Sư về khóa thiền vừa qua, Sư nói, “Lúc mãn khóa thiền, tôi không thấy kết quả rõ ràng mấy. Tôi quyết định ở lại Calcutta thêm vài tuần để hành thiền dưới sự hướng dẫn của bà Dipa Ma. Sau cùng, tôi đã thành công.”
Và Sư nói thêm, “Dipa Ma tỏ ý tiếc là ông đã phải trở về sớm. Bà nói rằng chánh niệm của ông đã đến lúc vững chãi và thường trực, cho nên chỉ cần cố gắng dụng công thêm một chút nữa thôi là vượt qua được những khó khăn như ông đã gặp phải. Dipa Ma cũng chia sẻ nhận xét với tôi là trong tương lai ông sẽ đạt được nhiều kinh nghiệm dễ dàng trong pháp hành thiền.”
Khi nghe lời nhắn nhủ ấy, tôi cảm thấy một niềm biết ơn sâu đậm. Điều đó đã trở nên nguồn kích lệ thường xuyên cho tôi.

Vài tháng sau, Sư Rastrapal mời Dipa Ma đến viếng Nalanda. Một buổi chiều, tôi đến thăm Bà nơi nhà tri khách của viện đại học, lúc ấy Bà mới vừa xả thiền. Diện mạo của Bà tràn đầy từ bi, và có điều gì đáng kính phục toát ra một cách tự nhiên từ oai nghi của Bà. Tôi nhẹ nhàng nói chuyện với Bà bằng tiếng Hindi.
Trong dịp trao đổi này, Dipa Ma hướng dẫn tôi thêm về pháp hành Thiền Minh Sát và kiểm nhận các kinh nghiệm của tôi. Bà cũng cho tôi biết vài sự kiện tương lai liên hệ tới thành quả của tôi. Hơn mười bốn năm sau, khi có cơ hội hành thiền dưới sự hướng dẫn của hai vị Cố Trưởng Lão Mahasi Sayadaw và Shwe Oo Min Sayadaw, tôi đã nhận xét những điều tiên đoán của Dipa Ma tại Nalanda là đúng.
Khi còn ở Ấn Độ, thỉnh thoảng tôi có đi xe lửa sang Calcutta để hành thiền dưới sự hướng dẫn của Dipa Ma. Vào năm 1981, tôi sang Hoa Kỳ định cư tại Washington, D.C. Nơi đây, tôi trụ trì Kỳ Viên Tự do các Phật tử đồng hương thành lập. Tôi gặp lại Dipa Ma vào năm 1984 khi Bà ghé thăm Kỳ Viên Tự trong chuyến hoằng pháp tại Insight Meditation Society ở Massachusetts. Bà ân cần thăm hỏi tôi, và tôi trình bày những kinh nghiệm thiền quán. Bà lắng nghe chăm chú, rồi nói với nỗi vui sướng pha lẫn niềm hãnh diện của một người mẹ thương con, “Thật đáng mừng cho ông!”
Tôi gặp Dipa Ma lần cuối cùng vào năm 1988 tại Sarnath (Vườn Nai hay Lộc Uyển ở Varanasi) khi tôi trở lại Ấn Độ trong một chuyến hành hương Phật tích. Bà đang dạy một khóa thiền cho người ngoại quốc ở đó.
Từ ngày sang Hoa Kỳ cho đến khi Dipa Ma vĩnh viễn ra đi vào năm 1989, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Bà bằng bưu điện, phần lớn là qua thư từ của con gái Bà là Dipa Barua. Cô thân mật mở đầu mỗi lá thư bằng câu “Dear Brother Bhante” (Sư huynh quý kính) và ký tên là “Sister Dipa” (em Dipa).
Tôi không có diễm phúc được mục kích thần thông của Dipa Ma, nhưng bấy lâu nay, tôi vẫn sống trong phép lạ của niềm tin mà Bà đã trao tặng tôi.

Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.