Điếu văn tưởng niệm Giác Linh cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy

*Đọc 12 phút*

Bài TT THÍCH ĐỒNG TRÍ

Huệ chiếu đông tây – Hạnh soi muôn thuở
Kính bạch Giác Linh Cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy!

Một sáng Hoa Kỳ báo hung tin
Tôi nghe chết lặng cả tim mình
Tiếng gầm sư tử từng vang dội
Thôi đã thôi rồi, tắt âm thinh…!

Tôi không biết có phải là sự giao cảm đặc biệt hay không mà mới hôm qua, tôi vừa nói chuyện và hỏi thăm một vị sư cô trụ trì ở Hoa Kỳ là: Mùa Vu Lan năm nay có mời Ni Trưởng Như Thủy đến làm chủ lễ và ban Pháp thoại như năm ngoái không? Có sắp xếp đi dự Khóa An Cư Kiết Hạ để tiếp thu những chia sẻ lợi lạc từ chư vị tôn đức tăng – ni từ Đạo Tràng An Cư Như Lai Thiền Tự San Diego hay không?

Thế mà hôm nay, trên khắp các diễn đàn Internet và website Phật giáo, tôi nhận được hung tin: Ni Trưởng Như Thủy đã mãn phần, viên tịch. Tôi bàng hoàng xúc động. Tôi chưa từng một lần gặp Ni Trưởng và có lẽ Ni Trưởng cũng không biết tôi là ai. Thế nhưng tôi biết về Ni Trưởng khá nhiều, có nhiều kỷ niệm ân tình gắn bó với Ni Trưởng. Đêm nay hẳn là một đêm không ngủ, tôi hướng về chùa Phổ Hiền, Massachussets, Hoa Kỳ, về Giác Linh Đài với bao nhiêu hình ảnh, âm thanh kỷ niệm sống lại mồn một trong tâm thức của tôi.

Tôi biết đến Ni Trưởng lúc tôi còn nhỏ, khi theo mẹ đi sinh hoạt ở Tịnh Xá Ngọc Như Nhơn (nay là Tịnh Xá Ngọc Nhơn) và thường ghé thăm sư cô ở Tịnh Thất Chợ Gồm, Phù Cát, tỉnh Bình Định của những năm thập niên 80 (trước năm 1990). Ở những nơi ấy tôi nghe cassetts băng giảng của Ni Trưởng và mọi người rất tâm đắc và ca ngợi về cách giảng của Ni Trưởng giúp họ hiểu được căn bản về Phật pháp. Thời đó, Ni Trưởng còn trẻ, mới hơn 30 tuổi và toàn quốc có rất ít người giảng Pháp và lưu hành rộng rãi, khó khăn nhiều so với thời đại tin học, công nghệ truyền thông và mạng lưới Internet như hiện nay, thế mà Ni Trưởng đã nổi danh vang dội khắp nơi rồi.

Vào năm Nhâm Tuất 1982, Ni trưởng đã cho ấn hành sách “Hư Hư Lục.” Đây quả thật là cuốn tư liệu phong phú cần thiết với nhiều câu chuyện đạo lý mà các hành giả và giảng sư Phật giáo nên có để tham khảo. Tôi vốn là người có năng khiếu văn chương khi học Phổ Thông và trưởng thành trong gia đình thuần kính Tam Bảo nên trong đầu tôi đã phát khởi lên một ý niệm: nếu sau này tôi chọn con đường xuất gia thì cố gắng trau dồi để Pháp âm vang khắp gần xa, lợi lạc như Ni Trưởng đã làm.

Thế rồi sau đó đủ duyên tôi xuất gia và sau này tìm hiểu về cuộc đời của Ni Trưởng tôi cũng tự thắc mắc là trong khoảng 11 năm từ 1993-2004, tôi ít nghe về hoạt động của Ni Trưởng, cũng như ít thấy lưu hành về các bài giảng mới của Ni Trưởng. Sau này tôi mới được biết, khoảng trầm lặng ấy là Ni Trưởng đến ở nơi vùng xa xôi, hẻo lánh, một ngôi nhà nhỏ trong một xóm nghèo ở miền Tây Việt Nam, nơi Ni trưởng thường lấy quà cúng từ Phật tử hải ngoại để giúp trẻ em nghèo đi học. Thật là hạnh “Ưng vô sở trụ,” tự tại vô ngại, không màng chùa to, Phật lớn, đệ tử thị giả đông mà người sống ẩn thân, lặng lẽ dành thời gian để chiêm nghiệm thực hành giáo pháp và phổ độ cho những người dân quê, dân làng nơi đó…

Ni Trưởng Như Thủy đang nói lời khấn nguyện trước khi bắt đầu bài giảng Pháp lần đầu tiên tại Ni Viện Phổ Hiền, Port Orange, tiểu bang Florida năm 2015, được tải lên YouTube ngày 16 tháng 11, 2015.

Đến năm 2004, sau khi học xong các chương trình Phật học ở Đại Học Vạn Hạnh Saigon và trải qua 8 năm tu học ở Ấn Độ, tôi đến Hoa Kỳ bắt đầu giai đoạn vừa học vừa hoằng Pháp. Ở ngôi chùa Lục Hòa, Dorchester, Massachusetts, nhất là khi trải qua trời mưa tuyết cả tuần một mình trong chùa, tôi âm thầm “luyện nội công” và tự tu nghiệp: lắng nghe Pháp thoại của các giảng sư nổi tiếng như: HT. Thích Thanh Từ, HT. Huyền Vi, HT. Nhất Hạnh, HT. Tâm Thanh, HT. Từ Thông, HT. Chơn Thiện, Sư Bà Hải Triều Âm, Ni Sư Trí Hải, Ni Sư Như Thủy,…

Tôi rất kết với cách giảng Pháp của Ni Trưởng: hài hước, sống động, gần gũi, thực tế, sâu sắc, sáng kiến độc đáo, lồng nhiều câu chuyện triết lý, đầy cảm thông. Ni Trưởng không ngần ngại kể lại những “tật xấu” ngày xưa của Ni Trưởng và các tỷ muội để rồi cùng nhau tu tập chuyển hóa như vậy tạo sự đồng điệu, gần gũi và có sức khuyến khích rất lớn đối với người nghe.

Rồi đến năm 2006, tôi về trụ trì và sinh hoạt phật sự tại chùa Viên Quang, Cleveland, tiểu bang Ohio đồng thời là chủ nhiệm diễn đàn Phật Pháp Toàn Cầu thông qua Internet Paltalk Phat Phap Nhiem Mau. Những giờ không có giảng sư hoặc thiện tri thức chia sẻ, các Phật tử trực diễn đàn thường cho phát lại các bài giảng Chư tôn đức, đặc biệt họ ưa thích và truyền âm bài giảng của Ni Trưởng. Tôi vào nghe và tùy hỷ tán thán, bảo họ rằng: truyền âm những bài giảng của Ni Trưởng thì có nhiều người thích nghe và lợi lạc cho cuộc đời của mình.

Có Phật tử của tôi là Quảng Trí ở Minnesota khoe rằng: được có duyên làm thị giả chở Ni Trưởng đi các chùa gần đây viếng thăm và giảng Pháp, tôi sách tấn thêm: Vậy cố gắng nhé, trợ duyên cho Ni Trưởng tham quan và hoằng Pháp là cơ duyên quý hóa và công đức lớn lao, không phải ai cũng có được. Có những lúc Ni Trưởng được thỉnh vào với các thời Pháp đàm vấn đáp trong các diễn đàn Paltalk với đạo hiệu là Huệ Hạnh. Tôi rất tâm đắc với lối trả lời của Ni Trưởng: chân thật, thông minh, sắc bén, uyển chuyển, vừa đủ, chính xác và sâu sắc.

Vốn nổi tiếng từ khi ở lứa tuổi đôi mươi và ở độ tuổi 55 chín muồi về tài năng, thâm nhập Phật pháp và kinh nghiệm giảng dạy, Ni Trưởng đến Hoa Kỳ và thật dễ hiểu khi có biết bao nhiêu chùa ở Hoa Kỳ mời thỉnh Ni Trưởng quang lâm hướng dẫn tu tập và giảng Pháp. Tôi tiếp tục tò mò theo dõi hành trạng của Ni Trưởng, Người đi khắp các thành phố, các tiểu bang Hoa Kỳ không phân biệt chùa lớn hay chùa nhỏ, đạo tràng có đông Phật tử hay ít Phật tử, trụ trì có quen hay không quen,… bởi vì làm tu sĩ hoằng Pháp chứ có phải làm ca sĩ đâu mà lựa “sô lớn” hoành tráng, có đông khán giả để “giữ tiếng,” cho “xứng tầm” với cái “danh” của mình?

Thế đó, hơn 13 năm trôi qua hoằng Pháp hải ngoại, sau khi đã có nhiều cống hiến cho Phật giáo Việt Nam ở quê nhà, Ni Trưởng nêu tấm gương của Như Lai sứ giả, đi khắp nơi hoằng hóa chúng sinh, nơi nào cần thì đến, trải qua khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, không ngại gian lao, không nề khó nhọc để mang ánh sáng Phật pháp đến với những ai có duyên muốn nghe, đến tận mọi hang cùng ngõ hẻm cuộc sống.

Đặc biệt mùa hè vừa qua, tôi có hai kỷ niệm thầm lặng đối với Người. Thứ nhất là việc làm chủ lễ và ban Pháp thoại trong Đại lễ Vu Lan cho một chùa ni ở California. Tôi dạo ấy cũng khá bận vì vừa làm lễ thứ Bảy xong là Chủ Nhật được mời về chùa đó. Tôi hỏi: Nếu tôi không đến được thì ai phụ trách? Vị trụ trì trả lời: Có Ni Trưởng Như Thủy. Tôi hoan hỷ trả lời: Có Ni Trưởng Như Thủy thì tốt quá rồi, vậy cứ thỉnh Ni Trưởng làm chủ lễ và giảng Pháp luôn, tôi không đến cũng không sao mà.

Kỷ niệm thứ hai là về việc chia sẻ Phật pháp cho các đạo tràng an cư kiết hạ. Giảng Pháp cho vài ngàn Phật tử thì một vị giảng sư có kinh nghiệm có thể giữ được sự bình tĩnh, tự tin, sáng suốt nhưng mà chia sẻ Phật pháp cho Chư tôn đức, hành giả tu sĩ trong đạo tràng an cư kiết hạ lại là chuyện khác: rất dễ bị khớp, mất tự tin, bối rối như vậy thật khó mà sáng suốt, trình bày lưu loát được.

Tôi đã chia sẻ Phật pháp, thảo luận ở ba đạo tràng an cư, chùa Điều Ngự, Nam California, chùa Quang Minh, Chicago, Tu Viện Kim Cang, Atlanta nên hiểu rất rõ về những cảm giác ấy.

Thật hữu duyên, đến giờ thảo luận Phật pháp đạo tràng Như Lai Thiền tự Sandiego, vào ngày 5 tháng 8, 2017, Ni Trưởng Như Thủy phụ trách chia sẻ với đề tài: “Vai trò của nữ giới trong tăng đoàn.” Tôi tò mò theo dõi đầy đủ và rất kỹ thời chia sẻ này được truyền trực tiếp (livestream) qua Facebook nick Như Lai Thiền Tự, San Diego với hai lý do: xem phong thái trình bày Phật pháp của Ni Trưởng trước tăng đoàn có được tự nhiên, tự tin hay không; và đó là đề tài nóng (Hot), có những phong trào đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp, có những tranh luận xôn xao liên quan đề tài và vào năm 2006, khi còn ở Boston, chính tôi cũng có viết một khảo luận mang tính “bút chiến” tựa đề là: “Nên hiểu và hành trì Bát Kỉnh Pháp như thế nào?” được lưu giữ trên mạng Thư Viện Hoa Sen.

Đúng là “gừng càng già càng cay.” Vẫn cái dáng nhanh nhẹn, mỉm cười, ung dung, tự nhiên, hài hước đó, Ni Trưởng trình bày thật sống động hấp dẫn suốt 90 phút nói về những kỷ niệm ni chúng ở Viên Chiếu và những tự viện gần đó nỗ lực tu học ra sao trong giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế và điều kiện sinh hoạt của Việt Nam 1975-1986. Tuy tôi trẻ hơn Ni Trưởng đúng 20 tuổi, giai đoạn đó, tôi cũng đã trải nghiệm bao nhiêu nỗi khó khăn và phấn đấu vươn lên trong học hành của mình ra sao, Ni Trưởng ở trong thiền viện lại càng khó khăn gấp bội: về kinh tế tự túc, phải lo canh tác, bao nhiêu chuyện khó cũng cố gắng làm chứ không ỷ lại và nhờ vả như là: đan tranh, lợp nhà, cày cuốc,… chong đèn học và “chị em” chia sẻ Phật pháp với nhau, sau này có nhiều Phật tử và có những vị tăng nữa muốn đến “nghe ké.”

Sách vở tài liệu thiếu thốn, may quá có người cho mượn từ điển và sách từ Sài Gòn xuống, phải chong đèn thức khuya, tra soạn đến đâu giảng đến đó, giảng tức là học chuyên sâu. Khi được hỏi: “Ni trưởng và ni giới chúng ta ngày nay có nên hoan hỷ chấp nhận Bát Kỉnh Pháp hay không?”, Ni Trưởng trả lời thật gọn lỏn và thật không thể sáng tạo và bất ngờ hơn: “Đừng hỏi ni giới có nên chấp nhận không mà hãy hỏi chư tăng có chịu hay không? Bởi vì rõ ràng quyền lợi thuộc về bên ni và chư tăng phải khổ công chăm sóc, bảo bọc, dìu dắt như người anh dìu dắt cho em gái trong gia đình.”

Rồi Ni Trưởng kể lại trước kia, chư ni khi đi làm sút cán cuốc, cán rựa, hư hao cái gì cũng tấp vào Chân Không, Thường Chiếu cho chư tăng sửa, sửa xong ngon lành thì chư ni đến vác ra mà làm. Cái gì khó khăn nặng nề thì nhường lại các “Sư huynh.” Vậy thì vừa khỏe nhẹ vừa an vui, chứ can chi mà đòi bỏ Bát Kỉnh Pháp?

Đó, cái lối giảng Pháp cụ thể sống động, sáng tạo và hùng biện, say sưa thao thao bất tuyệt của Ni Trưởng là như vậy đó.

Ni Trưởng Như Thủy tại Khóa Tu Tịnh Uyển 2017, trong hình từ trang mạng của Chùa Đức Viên, San Jose, California.

Khi được hỏi: “Ước nguyện lớn nhất của Ni trưởng bây giờ là gì?” Ni trưởng trả lời: “Đó là tri hành hợp nhất, dành thời gian nhiều hơn để thực hành chuyên sâu những gì mình đã đọc, đã biết, đã giảng nói.”

Ni trưởng chia sẻ hay đến nỗi vị Hòa Thượng Thiền Chủ đạo tràng an cư đó nêu nhận xét là: “Tôi đã tự dặn lòng mình là nhìn thẳng vào hướng hội chúng chứ không nhìn vào Ni Trưởng, nhưng suốt thời gian Ni Trưởng trình bày như có sức cuốn hút mãnh liệt nào đó, tôi phải vừa nghe vừa chăm chú nhìn Ni Trưởng thể hiện. Thật là tuyệt vời, thật là vi diệu. Đại chúng có một cơ duyên vô cùng quý giá để được tiếp xúc và lắng nghe Ni Trưởng giảng giải Phật pháp. Mong sao Ni trưởng thường đến đây và đến với hội chúng để ban những Pháp lạc nhiều hơn nữa…”

Nhỏ hơn Ni Trưởng đúng 20 tuổi, tôi được xem là đi sau Ni Trưởng một thế hệ. Ni Trưởng là một trong số hiếm hoi chư ni Việt Nam trong thời cận và hiện đại mà tôi đặc biệt kính trọng như: Ni Trưởng Như Thanh, Diệu Không, Hải Triều Âm, Như Thủy, NS Như Hải,… Ni trưởng đã hình thành được hình ảnh, phong cách, cái chất riêng của mình trong hành đạo và hoằng Pháp. Xin tri ân những cassetts, MP3, CDs, DVDs bài giảng của Ni Trưởng và cái nguồn cảm hứng vô biên mà Ni Trưởng trao truyền lại cho những ai có duyên tiếp xúc người và cho thế hệ sau.

Người đã ra đi nhưng người còn ở lại.
Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn ngát hương.

Tuy tôi chưa gặp Người trực tiếp nhưng tôi giao cảm với Người rất nhiều thông qua sách và những bài giảng của Người giúp tôi suy tư sâu hơn, tham khảo được nhiều chiều, nhiều ý hướng mà Người đã trình bày, nhất là trong phong cách giảng Pháp làm sao lôi cuốn được người nghe và họ dễ dàng tiếp thu được, cũng như về gương nếp sống đạo thanh cao: không màng danh lợi, vật chất, không chiếm hữu cái chi cho riêng mình, chu du tự tại khắp nơi, có lúc ẩn mình lặng lẽ, hoằng Pháp độ sinh tới hơi thở cuối cùng và gửi thân xác chốn nào cũng được, tùy duyên.

Lòng sắt son với đạo, chí nguyện kiên cường, lòng vị tha yêu thương vô bờ bến và sức làm việc chăm chỉ miệt mài, trân quý và tận dụng từng phút giây cuộc sống một cách tốt nhất với sứ mạng: tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Ni Trưởng giã từ trần thế ra đi, tăng đoàn mất đi một thành viên tích cực, dấn thân miệt mài, đàn hậu học mất đi một bậc thân giáo sư thương kính, hàng Phật tử mất đi một vị thầy, một giảng sư tài hoa, hùng biện, người mang cả suối nguồn Phật pháp lúc nào cũng cứ như tuôn trào bất tận. Đó là một sự mất mát lớn lao không gì bù đắp được, tuy rằng thời nay có nhiều ni sư có học vị cao hơn, có nhiều giải thưởng hơn, đủ điều kiện hơn, đi đây đi đó nhiều hơn, nhưng thật khó để tạo được sức ảnh hưởng lớn lao và có thể sánh được với Người, một người sinh ra và hoạt động trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, luôn tự nỗ lực trau dồi vươn lên để làm tốt đạo, đẹp đời.

Hơn 69 năm thị hiện nơi trần thế, vào những hoàn cảnh đặc biệt điển hình nhất, những gì cần nói, cần viết, cần thể hiện Ni Trưởng đã làm xong cho Phật giáo và nhân sinh trong nước lẫn hải ngoại. Chúng ta hãy trân quý những di sản to lớn mà Người đã để lại chứ còn mong chờ gì nơi Người nhiều hơn thế nữa. Người lại thị hiện và nhắc nhở chúng ta về bài học vô thường, trần gian là cõi tạm, có hợp ắt có tan, hoa nở rồi tàn, đến rồi lại đi.

Chúng ta không còn được nghe Người nói, không còn gặp Người với hình hài đó nữa. Người đã trở về cảnh giới vô sinh bất diệt nhưng công đức và đạo hạnh sáng ngời, giới đức trang nghiêm ân tình kỷ niệm, ý Pháp thâm sâu của Người vẫn còn sống mãi với thời gian vô cùng và không gian vô tận, với pháp giới chúng sinh vô biên, cây lá ở Dược Sư còn vẫy gọi, nước Chân Không còn gọi tên, trăng Viên Chiếu còn ngời sáng lung linh hình ảnh của Người.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia bị Giác Linh Ni Trưởng cao đăng Phật quốc rồi sớm hồi nhập Ta Bà, chèo thuyền Bát Nhã, cứu độ quần sinh ra khỏi biển khổ sông mê, trở về bến giác, hỷ lạc chân thường.

Với nén tâm hương, xin hướng về trời Tây nơi Giác linh đài của người với vần thơ cung tiễn:

Huệ Tâm chói sáng khắp Đông Tây
Hạnh nguyện lợi sanh thật tròn đầy
Như cánh nhạn trời không lưu dấu
Thủy chung hình ảnh mãi còn đây.

Nam mô tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Tam Thế, Dược Sư đường thượng, húy Như Thủy, hiệu Huệ Hạnh, Ni Trưởng Giác Linh thùy từ chiếu giám.

Sài Gòn, ngày 18 tháng 3, 2018
Khể thủ – Hậu học: Thích Đồng Trí

Khóa Tu Tịnh Uyển 2017

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *