Tinh thần ‘Sắc-Không Bất Nhị’ trong thơ Đỗ Trọng Khơi

*Đọc 11 phút*

Bài TRẦN NGHI HOÀNG

Đã từ khá lâu rồi tôi không đọc thơ lục bát. Cứ thấy lục bát trên những tạp chí văn học hay những trang mạng là tôi thản nhiên bảo mình lơ qua chỗ khác, không quan tâm tác giả là ai. Điều này quả tình không nên không phải, nhưng biết sao bây giờ. Vì đó là phản xạ tự nhiên từ những suy nghĩ về thơ lục bát của tôi. Xin đừng có vị nào hiểu nhầm là tôi xem thường thơ lục bát. Chẳng những không xem thường mà tôi trân trọng lục bát như thứ võ công thượng thừa, phải những hào khách đầy đủ bản lĩnh và nội công mới có thể thi triển được.

Lục bát, dĩ nhiên là câu trên sáu câu dưới tám và chữ cuối câu trên vận với chữ thứ sáu câu dưới. Những cố gắng cách tân bằng hình thức đều miễn cưỡng và phá hỏng thơ lục bát. Nhất là những hình thức cầu kỳ lại càng làm thơ lục bát trơ trẽn và lố bịch như tô son trát phấn cho những cô thôn nữ mặc áo tứ thân, váy đụp hay áo bà ba quần lãnh Mỹ A. Tuy nhiên thơ lục bát mà câu trên vần “e” câu dưới vần “è” thì sẽ thành vè mất thôi! Hình thức mộc mạc đơn giản nhưng nội dung lại phải hàm súc. Vẫn là lục bát, nhưng điều kỳ lạ là chỉ có thể cách tân lục bát bằng cách sắp xếp câu chữ để thể hiện nội dung sao cho có những ấn tượng cá biệt với người đọc và có thể tạo được những cảm xúc cá biệt với người đọc.

Nhận được tập thơ “Ở Thế Gian” do Đỗ Trọng Khơi gửi tặng, tôi đọc bài thơ thay lời tựa:

Có người họ Đỗ tên Khơi
Thân như mây nổi tự thời mới ra
Mặt trần gian chửa thấy già
Nghe sương gió vẫn oa oa khóc cười

Những nét tự họa thật dung dị nhưng hai câu chót như hàm chứa một cái gì đó kỳ biệt từ tác giả, vẽ ra hình ảnh một người đang ngồi chơi puzzle và bức tranh toàn cảnh là nguyên cả một cõi trần gian:

Xót ngày hoang hoải con người
Thời gian mấy mảnh ghép chơi vô cùng”
(Tựa, 28/ 8/ 2008)

Những mảnh vỡ vụn thời gian được lắp ghép lại, trong từng mảnh có một không gian riêng:

Rêu thì tươi đá thì non
Chim muông ngàn tuổi vẫn còn líu lo
Đã từ bao giở bao giờ
Đào nguyên một gốc ấu thơ Kiều trồng
(Ngõ Xuân)

Rêu tươi đá non nhưng tiếng líu lo lại là tiếng của chim muông ngàn tuổi. Tiếng chim của bao giờ. Của từ một không gian thời gian nào khác. Thời gian trong thơ Đỗ Trọng Khơi thường là xáo trộn của nhiều mảnh trước sau, nên không gian cũng là xen lẫn giữa hư và thực. Tôi lẩn thẩn nghĩ, phải chi cái thuở Đỗ Trọng Khơi nhìn thấy cô bé Thúy Kiều vun trồng mảnh vườn đào nguyên, chàng ta cứ xông đại vào gùn ghè biết đâu đã nên được một mối tình thanh mai trúc mã như trong bài “Trường Can Hành” của Lý Bạch. Đùa thế thôi, chứ dù mệnh hệ nào đi nữa thì Tiên Điền Nguyễn Du cũng phải dắt Kiều phong trần lưu lạc mười lăm năm Kiều mới là Kiều. Và trong cõi người hoang hoải hôm nay mới có một Đỗ Trọng Khơi nằm ở Thái Bình ngày ngày chơi trò puzzle lắp ghép từng mảnh thời gian xô lệch.

Bài Ta Về Cõi Ta dài 14 câu. Tôi muốn làm một người sắc thuốc bắc hay nấu cao quánh đặc nó lại còn 4 câu. Bốn câu gồm câu 7-8, câu 13 và 14. Với bốn câu này, muốn đọc hai câu nào trước cũng được:

Trong bao la một ta ngồi
Một ta chơi với một người là ta
Ta về ở ẩn trong ta
Tấm thân cát bụi như là… thế thôi

Hoặc là:

Ta về ở ẩn trong ta
Tấm thân cát bụi như là… thế thôi
Trong bao la một ta ngồi
Một ta chơi với một người là ta
Chẳng phải mười câu kia không hay, nhưng tôi thấy chỉ thấy chỉ cần với bốn câu cô đọng này cũng đã đủ chuyên chở một cách xảo diệu những suy nghĩ cảm xúc và tâm ý mà tác giả muốn gửi gắm.

Tinh thần hình tướng hư vô và sắc không bất nhị bàng bạc trong thơ Đỗ Trọng Khơi:

“Mà về thăm thẳm tâm linh
Lặng nghe tịnh vắng xóa hình dáng ta
Mà về hóa giữa dư ba
Trùng trùng sương lá mùa sa kín lòng
Thân một bến tâm một dòng
Một bầu nửa thực nửa không thu bày
(Cầm Thu, Năm 2000)

Hay:

Cũ càng trời chửa thành xưa
Máu xương thoáng đấy đã thừa trăm năm”
(Thanh minh, 14/ 03, năm Quý Mùi)

Người đọc có thể nhận ra được nỗi cô đơn của tác giả sững sững trong nhiều câu hay bài thơ xuyên suốt tập thơ. Có thể nói, cô đơn là bản sắc nguồn cội của thơ Đỗ Trọng Khơi. Tuy nhiên đây là bài thơ nói về nỗi cô đơn đó mà tôi cho là trọn vẹn và tôi rất thích:

Trà Đêm

Đêm này nương thực cầu mơ
Đôi tình ta với trăng xưa bạn trà
Ánh trăng mỏng tựa lụa sa
Vạc đồng thổi gió sau tà áo trăng.
Trà vừa mới ngậm nước xong
Hương như thức dậy tận lòng cội cây
Chén nghiêng nghiêng một vóc gầy
Tình xao mặt chén động lay vô cùng.
Chân sương gót ngập gót ngừng
Lòng ta đêm thả vào trong lòng trà.

Bài thơ mang phong vị cổ kính nhưng thoáng chút lãng mạn của Đạo gia. Cô đơn phủ ngập bốn bề nhưng dường như lại là không cô đơn. Chén trà, ánh trăng, tiếng vạc, gót sương, và cả hương trà nữa, như vậy xung quanh “cái ta” cô đơn đó đã có quá nhiều thứ. Lại nữa, tiếng chân sương nhẹ như không kia cũng có thể là tiếng chân của ai đó mà “ta” đang mơ hồ chờ đợi. Một nỗi đợi chờ vô thức.

Đỗ Trọng Khơi có những câu thơ định nghĩa tình yêu khá dễ thương.

Là người cao hơn con người
Lại là người thật thường thôi vui buồn.”
(Yêu, 1990)

Tuy nhiên nỗi cô đơn là người bạn thân thiết nhất của Đỗ Trọng Khơi cho nên ngay cả trong tình yêu tác giả cũng đã dắt tay người bạn ấy cùng đi tìm câu trả lời:

Một con mắt chợt khép mi
Hỏi đâu là nhớ hỏi gì là thương
Rêu sa lối, cỏ lạc đường
Góc trời nắng gió rong chuông tơi bời
Một con mắt thức tìm người
Đêm qua ở giữa làn môi trăng về.”
(Ngày 10, tháng 4, 1999)

Con mắt tri tình đó còn là con mắt nhìn ngược lại vào nội tại thần thức bởi vì đó là cách khép mi để mà nhìn. Cái nhìn Ba la mật, cái nhìn của tâm kinh sâu thẳm. Con mắt này của Đỗ Trọng Khơi có làm tôi nhớ đến con mắt của trung niên thi sĩ Bùi Giáng và hai câu thơ tót vời của ông:

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.”

(Bùi Giáng, Mười Hai Con Mắt)

Đỗ Trọng Khơi còn có một bài thơ khác cũng có nhắc tới con mắt có thần thức này: trong bài Tháng Mười, cả cánh tay và đầu những ngón tay đã cùng con mắt tiếp xúc được với lằn ranh của cõi Atula.

Sĩu trên mười đầu ngón tay
Ngón sương đậu lạnh ngón cay xót màu
Mặt trăng hằn mấy vết chau
Nghìn trùng về gối mái đầu hoa râm
Những đêm qua cứ như không
Tay một cánh chạm ngọn mênh mông trời
Những đời qua cứ như chơi
Mắt một con chạm đỉnh lời trắng tinh
Tháng Mười đoạn tháng thần linh
Chân một bước lạc ngõ tình thật sâu.”
(10/ 12, 1991)

Tìm người hay tìm yêu là bằng một con mắt, nhưng không biết là tìm bằng con mắt nào. Con mắt khép mi hay là con mắt đang mở ra. Mở ra trừng trừng nhìn vào hư vô biền biệt. Nhưng dù có tìm người tìm yêu bằng con mắt khép mi hay con mắt mở ra trừng trừng, và dù cho chỉ lạc vào ngõ tình bằng một bước chân thôi cũng là một bước chân sâu hút bất khả phản hồi. Bởi vì khi một con mắt ấy đã chạm vào đỉnh lời trắng tinh, tức là đã chạm vào đỉnh lời của vô ngôn thì một bước chân đi lạc ấy cũng đã sa vào cõi miền vô định hướng.

Những lời thơ về cảnh thổ, thời tiết của Đỗ Trọng Khơi luôn là những bài thơ đẹp. Đẹp từ thiên nhiên được tác giả vẽ lại và nhất là đẹp từ những cảm xúc tràn đầy của tác giả thấm đượm vào thiên nhiên ấy. Chúng ta có thể nhìn thấy dễ dàng cái tình yêu nồng nàn của Đỗ Trọng Khơi với làng mạc quê anh nói riêng và với thiên nhiên vũ trụ chung quanh anh.

Góc Ngày Thu

Xanh đương thăm thẳm là xanh
Nắng khô nắng nỏ nằm khoanh góc vườn
Giọng chim vẽ một nẻo sương
Dải trăng thắt một nét buồn tinh mơ
Không gian y một cảnh chùa
Ngày lên thật mỏng chuông khua lại rền
Thanh âm màu sắc ai têm
Miếng trầu cánh phượng mướt mềm môi thu.”
( 24/ 09/ 2001)

Và ngay những bài thơ viết về thời khắc trong ngày:

Chiều

Chiều đựng vào một giấc mơ
Nắng trong chiếc áo đã lờ mờ sương
Chân mây liền với con đường
Làng xa gõ một tiếng chuông lên chiều.

Hay thời tiết sang mùa cũng được Đỗ Trọng Khơi cảm nhận một cách tinh tế:

Thu Đi

Đêm qua trăng rời bờ tre
Tầm tầm gió động sương se ngọn rào
Thu đi đi tự lúc nào
Sáng ra mấy hạt nắng đào chơ vơ.”

Cũng có những giây phút cái nhìn của tác giả vào vũ trụ thiên nhiên rất bao quát rộng lớn:

Thế gian còn một đôi tay
Nạm sâu thì núi, phơi bày thì non.”
(Nạm, 06/09/ 1991)

Và lãng mạn đa tình:

Liễu trăm tuổi chợt tập yêu.
Lấy xanh tơ bẫy tiếng kêu sâm cầm.”
(Một Chiều Hà Nội, thu năm 2000)

Như đã nói ở bên trên, thơ Đỗ Trọng Khơi bàng bạc một tinh thần hình tướng hư vô và sắc không bất nhị. Tôi đặc biệt tìm thấy một bài thơ thể hiện tinh thần ấy một cách nhất quán, Cõi không gì.

Tôi tự chèo lái lấy tôi
Con thuyền bào ảnh là tôi hay là…
Là tôi thì tôi sẽ qua
Không là tôi cũng như là thế gian
Tôi tự chèo lấy tôi sang
Khi thuyền rời bến thì tan mất chèo
Tôi là một thế gian nghèo
Vay vũ trụ cõi trong veo không gì
Tôi tự chèo lái tôi đi
Đi cho hết cõi không gì mới thôi.
(12/ 09/ 1996)

Gate, gate, paragate.” (Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia. Bát Nhã Ba La Mật.) Nhưng có khi bờ bên kia cũng chính là bờ bên này.

Với ý kiến riêng của tôi, hai câu cuối bài thơ này bị thừa. Nếu tác giả “chịu” dừng lại sau khi viết “Tôi là một thế gian nghèo. Vay vũ trụ cõi trong veo không gì” thì bài thơ vẫn vang vọng ngân nga cái dư ba của nó. Những gì tác giả nói ở hai câu chót đó thực ra đã được nói ở những câu trên. Thơ là mật ngôn, tác giả không cần phân tích lý giải hay kết luận. Nhất là loại thơ trầm mặc suy tư. Thơ phải được gửi đi bằng những tín hiệu của tỉnh thức tự tại. Tỉnh thức tự tại là những satna của đốn ngộ.

Có thể nói, hầu hết những bài thơ của Đỗ Trọng Khơi là những chập chờn lãng đãng của người thi sĩ trên cõi trần gian bằng đôi cánh hồi tưởng. Hồi tưởng về một quá khứ đâu đó hay có thể về một tiền kiếp nào khác. Những thời khắc tác giả bừng tỉnh trước thực tại hay hiện tại là những thời khắc héo úa u hoài.

Cây Người

Ngày mai lá sẽ thôi xanh
Sắc màu vốn thực mỏng manh bao thời
Bốn mươi năm sắp qua rồi
Ta như một thứ cây người trước thu.

Từ độ chưa qua tuổi bốn mươi mà tâm thế của Đỗ Trọng Khơi đã mòn mỏi đến vậy sao. Mòn mỏi và như bị bủa vây bởi thành trì của vô vọng.

Những Bức Tường

Những bức tường hò hẹn nhau
Khi ngày dứt sắc cây mau trút vàng
Những bức tường đứng thẳng hàng
Và ăn nhẹ nhẹ nhàng nhàng bóng nhau
Không hi vọng chẳng thương đau
Sao như gạch đá thay màu thời gian

Nhưng dù gì đi nữa thì một giây một phút, một ngày sống hay một trăm một nghìn năm sống, với Đỗ Trọng Khơi vẫn là để chiêm nghiệm cái đẹp ở chung quanh, để chiêm nghiệm cái đẹp ở trần gian. Hãy đọc Thư ngỏ của tác giả:

Ngoài hơi thở đã hư không
Ngoài cái đẹp đã bềnh bồng phù du
Nắng vàng đậu nhánh cây thu
Chiều tàn sương lạnh đã vừa ngàn năm.”

Thì dù ngày đã tàn, chiều đã hết nắng, và sương bắt đầu xuống lạnh, cái lạnh phiêu phiêu ngàn năm ngàn năm đeo đuổi thì cuộc chơi sẽ vẫn phải còn. Như lời Đỗ Trọng Khơi đã hứa hẹn: “Xót ngày hoang hoải con người. Thời gian mấy mảnh ghép chơi vô cùng.” Sắp xếp lại thời gian xô lệch là cuộc chơi vô cùng tận của Đỗ Trọng Khơi.

(Pennsylvania, Dec. 20, 2016)

Photo: Johannes Plenio / Pexels

Về cuốn sách ‘Phê Bình Parabole’ của Trần Nghi Hoàng

Mười lăm năm trước, cuốn “PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH CÁC NHÀ PHÊ BÌNH” của tác giả Trần Nghi Hoàng đã nằm trong list để in. Nhưng vì chưa đủ cơ duyên nên bản thảo đã nằm trong kho cho tới hôm nay. Tác giả bỏ đi nhiều bài viết cũ và thay vào bằng nhiều bài mới viết trong những năm gần đây.

Không chỉ mải mê theo đuổi những tứ thơ say đắm, nhiệt huyết, nhiều khi nghịch ngợm và khá “ngông,” Trần Nghi Hoàng (TNH) còn bộc lộ là một người thẩm thơ tinh tế, từng trải, với kinh nghiệm dày dặn sống với thơ. Rất ít người có thể khám phá ra năng lượng cực mạnh nén trong những chữ tầm thường, vốn chẳng ai để ý đến, như chữ “lên từng” trong khổ thơ của Nguyễn Đức Liêm (NĐL):

“ ‘Thiên thu biết có còn mai mốt/ Cưỡi ngựa lên từng thế kỷ chơi.’ Thiên thu là hai chữ rất cũ, cũ đến nỗi sáo. Nhưng NĐL cho đi sau thiên thu năm chữ biết có còn mai mốt thì câu thơ đột nhiên mới cả lời lẫn ý. Cưỡi ngựa, thế kỷ… là những chữ rất thường, chơi là chữ dung tục… Chen vào những chữ thường và dung tục đó, NĐL cho lên từng… Lên từng, hai chữ đứng chen giữa đột nhiên sáng lên và làm sáng cả câu thơ… Từng là mỗi thế kỷ mà cũng là trăm triệu vô số những tầng lớp thế kỷ chồng chất lên nhau.

Không phải “nhà phê bình” nào cũng có thể tự đặt mình vào ranh giới giữa ý thức và tiềm/tàng thức để vừa nhận ra thông điệp đời sống chân thực và thụ cảm vẻ đẹp mông lung của mật ngôn thơ trong thơ Đặng Đình Hưng. Bạn đọc có thể ngạc nhiên, “Ồ, dễ chia sẻ vậy mà sao lúc đọc mình không nhận ra?”

Thẩm thơ của TNH tránh xa sự áp đặt những ý tưởng chủ quan xuất phát từ thiếu kiến thức và tâm thức văn chương, văn hóa. Ông luôn xuất phát từ những cảm giác mà từng câu chữ tái tạo lại cho người đọc. Tương tự vậy, với các hiện tượng, vấn đề văn chương hình thành trong quá trình sáng tạo, ông xem xét kỹ logic nội tại của nó, nhìn nó như một thực tế cần thay đổi và trau chuốt, hoàn thiện, chứ không áp đặt những lý thuyết vốn luôn khô cứng và chậm trễ theo sau sáng tác. Ngay cả trong những bài bút chiến, người ta cũng thấy TNH xuất phát từ một thực tiễn nan giải về tư tưởng hay trong văn chương nhằm chẩn bệnh rõ ràng cho nó. 

Nói không ngoa, rằng phê bình của TNH tập trung những gì tinh tế, sắc bén và diệu nghệ nhất trong kinh nghiệm của ông qua gần 50 năm sống với ngôn ngữ, chữ nghĩa, cống hiến cho nhiều thể loại văn chương như thơ, truyện ngắn, tản văn, kịch bản, phiếm luận, phê bình.vv…

Dự kiến, cuốn sách sẽ được in xong và phát hành vào giữa Tháng Tám, 2020.
Tác giả: Trần Nghi Hoàng
Bìa & chân dung tác giả: Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi  
Thể loại: Phê bình và nhận định về văn chương, nghệ thuật, chính trị, về các tác giả, hiện tượng văn chương, nghệ thuật và chính trị-xã hội thu hút được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua.

Số trang: 272
Khổ sách: 6X9 inches (khổ lớn,) Amazon in và phát hành.
Nhà xuất bản: Nhân Ảnh
Giá bìa: $20 USD

Bạn hữu, quý bạn đọc muốn tài trợ, ủng hộ hoặc mua sách trước, xin liên lạc qua email:

hoangtrannghi@gmail.com

Hoặc cellphone số: (717) 617 5354

Vì một số lý do, Nxb Văn Học Mới không thực hiện được cuốn sách “Phê Bình Parabole” của TNH. Quyền thực hiện tác phẩm thuộc về Nxb Nhân Ảnh. Cũng vì lý do này, thời hạn ra mắt tác phẩm phải lùi tới giữa tháng Tám, 2020. Chân thành mong bạn bè và quý độc giả lượng thứ. 


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *