Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG
Âm thanh Tâm Kinh vọng trong trời đất bao đời nay, không phải đợi đến lúc đọc tụng văn tự Tâm Kinh thì âm thanh mới lan tỏa, văn tự chỉ là phương tiện không phải thực tướng. Chúng sanh trí huệ cạn cợt, không thể thể nhập thực tướng nên phải dựa vào văn tự. Tâm Kinh là lời của ba đời mười phương chư Phật. Chư Phật tướng lưỡi rộng dài trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, nên thanh âm Tâm Kinh vọng trong đất trời là vậy.
Bồ Tát quán chiếu, hành thâm trí huệ bát nhã mà thấy ngũ uẩn giai không, cũng từ trí huệ bát nhã mà vượt qua khổ ách. Bồ Tát an trú trong niết bàn mà vẫn miệt mài độ sanh, tự giác giác tha, tự độ độ tha không bỏ một chúng sanh nào.
Xá Lợi Tử là bậc trí huệ đệ nhất, là đại đệ tử của Phật Thích Ca. Ngài kêu tên Xá Lợi Phất là mục đích đề cao trí huệ. Xá Lợi Phất, đại diện cho trí huệ, chỉ có trí huệ mới có thể độ được mê lầm, phá được triền phược, thoát được sanh tử luân hồi. Học Phật là phải dùng trí huệ, không dụng cảm tình. Học Phật phải thắp đuốc lên mà đi, phải dấn bước, phải lấy giáo giới làm thầy, nương tựa tam bảo nhưng phải biết tự mình làm hải đảo tự thân cho chính mình, biết phân biệt chánh – tà… Nếu dụng cảm tình, nương tựa một ai đó, nếu nhỡ người đó không như lý như pháp mà tu thì mình cũng lệch lạc theo.
Trong Tâm Kinh, ngài kêu Xá Lợi Phật cũng là kêu gọi chính mỗi người chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta thấy: Sắc thân này là tổ hợp của những tế bào, là nguyên tố của đất – nước – gió – lửa hợp thành, nó có đó nhưng tạm có, giả có. Nhờ duyên hợp mà có, vậy thì một mai duyên tan thì nó hoại đi, bởi vậy nên mới nói: “Sắc tức thị không không tức thị sắc.”
Sắc không thật có, nó do bốn đại tụ thành, hết duyên nó lại trở về đất- nước – gió – lửa thế thì nó đâu có khác gì không, nó cũng là không, không cũng là nó vậy. Sắc thân vật chất giả tạm, thọ – tưởng – hành – thức vốn không hình không tướng lại càng chẳng khác gì không. Chúng sanh sinh ra là lập tức thọ nhận cảm giác: nóng – lạnh, đói – no… càng lớn lên thì thêm thọ: sướng – khổ, yêu – ghét, vừa lòng – bất mãn… Một khi thọ nhận là lập tức tưởng liền theo đấy, từ tưởng sẽ dẫn đến hành và từ đấy tất cả được tích lũy vào trong tạng thức. Phần nhiều cái thọ – tưởng chúng ta mê lầm vì cứ chấp cái thân là thật, là dài lâu. Từ cái chấp mê lầm nên thọ – tưởng đều mê lầm cả. Đời thường có câu: “Coi vậy mà không phải vậy” thật đúng với vấn đề này! Có cái thân trong đời, rồi chấp chặt nó thế này thế kia, rồi thọ tưởng mê lầm. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mê đắm, chấp chặt vào đó. Mắt thấy sắc cho là đẹp, là thật sẵn sàng sống chết vì nó. Thọ nhận cái đẹp, lập tức sanh tưởng thế này thế kia, từ tưởng dẫn đến hành, muốn sở hữu, chiếm đoạt. Mà ở đời dễ gì đạt được như ý, từ đó khổ là vậy. Tất cả thọ, tưởng, hành đều in dấu vào trong tạng thức, những chủng tử sẽ ngủ ngầm vĩnh viễn ở A Lại Da Thức, luân lưu đời này qua dời khác, khi nào có điều kiện thuận lợi thì nó sẽ bộc phát và tăng trưởng.
Bồ Tát nói: “Thị chư pháp không tướng.” Kinh Tứ Niệm Xứ cũng bảo: “Pháp vô ngã.” Các pháp vốn không tướng, vô ngã, không có một cái thực thể tồn tại độc lập… Khoa học ngày nay chứng minh: “Vật chất không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.” Trong thuyết ngũ hành âm dương của Nho Giáo cũng có cái biểu tượng âm và dương, luôn kuôn luân chuyển xoay vần, hễ cái mặt này tăng trưởng cực đại thì mặt kia cực tiểu (và ngược lại) cứ như thế mà thay đổi chứ không có một tướng nhất định. Các pháp không tướng, vô ngã, không tự sinh ra cũng không tự mất đi.
Tâm Kinh chỉ rõ: “Bất sanh – bất diệt, bất cấu – bất tịnh, bất tăng – bất giảm.” Đây là ba cặp phạm trù đối đãi tiêu biểu nhất của nhị nguyên, của thế gian này. Con người, động vật, thực vật, khoáng vật, sơn hà đại địa, vũ trụ… đều không ngoài một tâm (nhất thiết pháp tòng tâm tưởng sanh). Tất cả từ đất – nước – gió lửa mà thành, khi hết duyên thì trở về laị cát bụi. Các pháp vốn không sanh, không diệt thì dĩ nhiên là làm sao có tăng – giảm hay nhơ – sạch. Các nhà khoa học bảo đó là sự tuần hoàn của tự nhiên, thi sĩ Tản Đà thì laị viết: “Nước mưa ra biển laị quay về nguồn.” Nước ở cái nhìn chấp trước cho là có nước dơ – sạch, cứng (đá lạnh) – lỏng, ở dạng hơi, nước. Nước từ sông, biển bốc hơi bay lên cao, gặp điều kiện thích hợp sẽ tụ thành mưa, nước mưa lại chạy ra biển cả, rồi laị bốc hơi… cứ vĩnh viễn như thế, cho đến khi quốc độ này hoại đi.
Vì sắc thân không thật, thọ tưởng – hành – thức không thật, nên cũng không có cái gì để gọi là sanh – diệt, tăng – giảm, dơ – sạch. Bấy giờ Tâm Kinh bảo không có cả sắc – thọ – tưởng hành – thức, nên cũg không có cả nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý vì sắc thân là không thật, mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là những bộ phận trên thân nên cũng không thật, nó cũng là đất – nước – gió – lửa mà thôi. Cái tướng tạm có của nó là do thọ nghiệp (thiện – ác) mà ra, đã không có lục căn, vì thân không thật, vậy thì lấy đâu ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp? Chỗ này tương ưng với câu “Ưng vô sở trụ,” không trụ vào đâu cả, không trụ vào sắc, thanh, hưong, vị… sáu căn không mắc sáu trần nên không có cả sáu thức. Từ đó mà không có cái gọi là vô minh, dĩ nhiên cũng chẳng có cái gọi là hết vô minh. Đã không sanh không diệt thì làm gì có già chết với hết già chết, thậm chí khổ, tập, diệt, đạo cũng không có nốt. Từ đó xa rời điên đảo, mà xa rời điên đảo tức là niết bàn tịch tịnh, vắng bặt mọi trạng thái tâm lý cũng như mọi sự sanh diệt.
Trí huệ bát nhã vô cùng diệu dụng, Bồ Tát nhờ hành thâm bát nhã mà không còn điên đảo như chúng ta. Chúng ta điên đảo chấp trước, dính mắc ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn dính sáu trần mà sanh ra sáu thức. Sáu căn không thật, sáu trần huyễn hoặc, sáu thức mê lầm, tham ái là nguồn gốc của tái sanh, luân hồi, khổ đau… Chỉ có quán chiếu, hành thâm trí huệ bát nhã mới thấy rõ bản chất thực tướng của các pháp, từ đó mới có thể phá vỡ vô minh mà đạt được tự tại.
Thực tướng trí huệ bát nhã chiếu kiến năm uẩn đều không, lục căn không thật và mê mờ, lục trần huyễn hóa ảo, lục thức sai lầm; thấy được các pháp vô ngã… vậy nên không có chỗ nào để bám víu hay dính mắc, dĩ nhiên từ đó không có cái vô minh hay hết cái vô minh, Tứ Diệu Đế không, chẳng có cái trí hay vô trí, đắc hay vô đắc, vì chẳng có cái “ ngã” để mà trí với đắc.
Bồ đề là giác ngộ, giác ngộ đời là bể khổ, là không, là vô thường, vô ngã. Quán chiếu trí huệ bát nhã mà giác. Chư Phật ba đời mười phương y cứ vào trí huệ bát nhã mà thành Phật, thành chánh đẳng chánh giác. Phật là hoàn toàn giác ngộ, viên mãn đủ đầy phước trí nhị nghiêm, lưỡng túc tôn, tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Phật là một trong mười đức hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Trí huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa là chính là chú lớn, là chú sáng suốt, là chú tối cao, là chú chẳng có gì sánh bằng có thể diệt hết mọi khổ não. Chú ấy là thật, không hư dối. Chú ấy vốn vi diệu nhưng laị rất đơn giản và hữu hiệu. Chú ấy tưởng chừng là mật nhưng laị hiển bày rõ ràng . Chú ấy thành tựu mười phương ba đời chư Phật:
Vượt qua, vượt qua, vượt qua đến bờ kia, vượt qua đến bờ giác ngộ!
Đúng thế, mỗi người phải tinh tấn mà vượt qua, vượt qua chính mình, vượt qua những mê lầm của lục thức, hư dối của lục trần, mê mờ của lục căn, vượt qua cái giả tạm của sắc thân và của thọ, tưởng, hành, thức. Vượt qua để đến bờ giác, tự mình phải vượt qua. Phật, Bồ Tát là bậc đạo sư, chỉ đường chứ không thể vượt giúp mình. Giáo lý rõ ràng, con đường đã khai phá, phương pháp đã hiển bày, hãy thắp đuốc lên mà đi, hãy dõng mãnh tinh tấn mà vượt qua!
Tâm Kinh là lời của mười phương ba đời chư Phật. Tâm Kinh là biểu hiện hình bóng của trí huệ bát nhã. Tâm Kinh là thật như nhịp đập của trái tim. Bản Tâm Kinh rút gọn chỉ hai trăm sáu mươi chữ, là bí tủy, là cốt lõi của bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh sáu trăm quyển mà ba đời mười phương chư Phật truyền, chư tổ hành trì và giữ gìn cho đến ngày nay.
Hàng Phật tử ngày ngày đọc tụng, đời đời đọc tụng, đọc tụng và hành trì cho đến khi đắc bồ đề, qua bờ giác vẫn đọc tụng. Âm thanh Tâm Kinh mãi mãi vang vọng trong trời đất, ngày nào giáo pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở thế gian này thì lời vọng Tâm Kinh hãy còn.
Tâm Kinh càng tụng càng hoan hỷ, càng thấy tâm thần rỗng rang lạ thường, những phút giây hành trì Tâm Kinh là những phút giây tạm dừng ba nghiệp, buông bỏ được muôn duyên, dứt hết phiền não. Tâm Kinh thọ trì trong phật điện, trước tôn tượng Thế Tôn cũng không khác gì thì thầm tụng trên xe, trong hãng, ngoài công viên… Người hành trì Tâm Kinh dường như lúc nào cũng nghe lời đồng vọng của văn tự bát nhã. Từ văn tự ngôn từ của Tâm Kinh đến thật tướng bát nhã là cả một khoảng xa diệu vợi, là biểu hiện giữa phàm và thánh, nhưng không sao, có đi thì có ngày sẽ đến, chỉ sợ những lúc thối thất tâm bồ đề. Tâm Kinh hiển hiện trong tâm như bóng dáng Bồ Tát tự tại, giúp mình có được những phút giây ngắn ngủi tự tại, an lạc giữa cuộc đời này.
(Ất Lăng thành, tháng 6, 2020)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.