Chú Đại Bi, đưa người vượt bể khổ

*Đọc 34 phút*

Bài TỰ VIỆN BỒ ĐỀ

Nam Mô Mười Phương Ba Đời Chư Phật Chư Đại Bồ Tát,
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát,
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát,

Chú Đại Bi, hay Đại Bi Tâm Đà La Ni (Mahã Karunika Citta Dharani), là bài chú phổ biến của Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteśvara hay Kwan-yin Bodhisatva). Bài chú này còn có các tên gọi là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thanh Cảnh Đà La Ni…

Theo kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, bài chú này được Bồ Tát Quán Thế Âm đọc trước một cuộc tập họp của chư Phật, Bồ Tát, chư Thần và Vương. Cùng với câu chú Om Mani Padme Hum và bài chú Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh rất được tôn quý, Đại Bi chú là chân ngôn diệu dụng, do Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ban cho chúng sinh, thường được dùng để bảo vệ hoặc thanh tịnh hóa.

Bồ Tát Quán Thế Âm, là vị Bồ Tát được yêu quý và tôn thờ nhiều nhất trên toàn thế giới; Ngài có nhiều dạng thức, tên gọi, linh thoại, và thần chú truyền bá trong Phật giáo. Tên phổ biến của Ngài qua vô số thời đại và lãnh thổ là Avalokiteśvara, và theo khảo cổ, sự xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau của Ngài nhiều ngàn năm về trước. Tựu trung, Ngài là biểu tượng của năng lượng Đại Từ Bi và Đại Trí Tuệ.

Chú Đại Bi được phát xuất từ Đức Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt Avalokiteśvara truyền trao và được chư Phật ấn chứng mà gần nhất là đức Từ Phụ Như Lai Thích Ca Mâu Ni của chúng ta nghe và ấn chứng.

Thần chú nầy có rất nhiều tên khác nhau như: Quảng Đại Viên Mãn, Vô Ngại Đại Bi, Cứu Khổ Đà La Ni, Diên Thọ Đà La Ni, Mãn Nguyện Đà La Ni, Diệt Ác Thú Đà La Ni, Phá Ác Nghiệp Chướng Đà La Ni, Tối Siêu Thượng Đà La Ni,.. Nguyên Thần chú này tên rất dài: “Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni thần chú”. Bài chú trong kinh gồm có 84 câu.

Trên thế giới còn có những bản Chú dạng khác hơn, đa số ngắn hơn. Như bản ngắn tại Trung Quốc do vị thánh tăng Ấn Độ Kim Cang Trí dịch được phổ biến từ thế kỷ 7, thường dùng trong các lễ nghi thanh tẩy. Người Đại Hàn thường treo bản này trong nhà cầu may mắn. Người Nhật phối hợp bản thần chú với pháp thiền Zen Tào động hay Lâm Tế. Người Tây Tạng sử dụng ba bản khác nhau, bằng Phạn ngữ và Tạng ngữ. Bản dài nhất (84 câu) được phổ biến tại Trung Quốc và Đông Nam Á, bao gồm Việt nam, trong truyền thống Đại Thừa. Người Tây phương cũng sử dụng bản Phạn ngữ (ngắn) và dịch ra ngôn ngữ riêng khá đơn giản.

Tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại Chùa Bát Nhã. (Hmd)

I. VÀI NÉT VỀ CÁCH HÀNH TRÌ CHÚ ĐẠI BI

Chú Đại Bi trong nghi thức tụng niệm phổ thông Việt Nam:

Chú Đại Bi Việt ngữ là bản chữ phiên âm theo kiểu Âm Phạn → Âm Hán → Âm Việt. Do phần dịch âm qua hai lần nên một số âm cũng khác xa so với âm Phạn gốc.

Theo các nhà chuyên môn, tiếng Phạn có cấu trúc ngữ âm rất đặc thù (âm vực rộng, trầm bổng đa dạng), khi trì niệm đúng cách, âm thanh thần chú phát ra như Phạm âm (âm thanh của Phạm thiên), hải triều âm (âm thanh sóng biển) tác động đến não bộ với những hiệu ứng rung động đặc biệt, góp phần làm cho tâm tư lắng đọng, vọng niệm dứt bặt, thành tựu chánh định. 

Tuy nhiên, tụng thần chú quan trọng ở lòng thành chứ không bắt buộc phải tụng cho đúng âm giọng tiếng Phạn hay tiếng Việt. Do đó, quý vị nào đã quen tụng với bản phiên âm Âm Phạn → Âm Hán → Âm Việt thì hãy tiếp tục, không cần phải học theo âm Phạn gốc.

Bản âm Việt được hồi phục lại từ tiếng Hoa vì bản gốc đã mất. Có nhiều phiên bản, và có nhiều phần bị phiên âm sai vì đã được truyền lại nhiều vùng miền và có nhiều thầy đã phiên âm theo kiểu đọc của địa phương. Như chữ Skrtva đọc là S K rit toa. Có nhiều địa phương đọc R là L. đặc biệt là ở vùng miền nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Trong bản Chú Đại Bi phiên âm Phạn ở VN đang dùng có một vài lỗi chính tả.

Sơ lược về các cách tụng niệm, trì chú, và tu tập Chú Đại Bi:

Có nhiều cách tụng niệm Chú Đại Bi: nghe, tụng, trì, tu tập ấn pháp.

Nhưng quan trọng hàng đầu là tâm Đại Từ, cho nên trước khi đi vào trì tụng thần chú này hành giả phải phát khởi tâm từ bi bằng cách quán tưởng khởi lòng thương xót tất cả chúng sinh. Cần giữ ngũ giới. Nếu ăn chay được là tốt nhất.

  1. Nghe kinh văn thần chú: Nhiều người thích nghe tụng Chú Đại Bi vì âm thanh Phạn nghe dịu với trầm bỗng. Nếu chú tâm lắng nghe và thành tín vẫn hưởng lợi lạc. Trước tiên là sự tĩnh tâm bình an. Tạo hòa khí trong môi trường. Có thể nghe trong bất cứ lúc nào, nhưng cần giữ tâm thanh tịnh. Đặc biệt thích hợp cho người khuyết tật hay bệnh hoạn.
  2. Đọc tụng: Đọc tụng tại chùa hay tại nhà trong các nghi thức công phu. Đọc tụng tại chùa theo nghi thức riêng. Các chùa Việt đều đọc tụng Chú Đại Bi trong mọi nghi thức lễ lạc. Tại nhà, nhiều Phật tử thường đọc Chú Đại Bi mỗi ngày, đọc riêng hay chung với các kinh chú khác. Đọc tụng ít nhiều cũng cần chú tâm mới sinh lợi lạc.
  3. Trì chú: Có nhiều số lượng cho việc trì chú. Có thể gọi là trì chú nếu đọc ít nhất là bảy ngày liên tục. Cần thành tâm thành ý, rất mực cung kính trì tụng Chú Đại Bi, tụng cho tới độ tâm không vọng tưởng. Ở đây có thể áp dụng quán tưởng hình tướng Phật hay dùng các ấn pháp. Người cầu nguyện có thể dùng ấn pháp và câu chú thích nghi. Trong vòng bảy ngày, nên dũng mãnh tinh tấn, xa lìa vọng tưởng. Nếu lại vừa học tập, vừa nghĩ ngợi lung tung, công phu không thể chuyên nhất được. Tâm không chuyên nhất thì khó lòng cảm ứng.
  4. Trì chú tu tập: Pháp môn chuyên biệt về tu tập Chú Đại Bi đòi hỏi sự trì chú 108 biến mỗi ngày trong vòng 1,000 ngày. Hành giả sẽ đắc một số quả vị, tiêu trừ nghiệp chướng, khỏi đọa sa địa ngục. Pháp này có thể áp dụng theo các ấn pháp hay quán tưởng hình tướng Quán Thế Âm, ắt sẽ thành tựu hơn. Nhưng cần có Minh Sư hướng dẫn và theo dõi.
Liễu Quán, Warner Springs, California (hmd)

II. BẢN VIỆT DỊCH TỪNG CHỮ PHẠN VỚI LƯỢC GIẢI VÀ ẤN PHÁP

ĐẠI BI TÂM ĐÀ LA NI
Maha karunika citta Dharani

1(Việt) Nam mô Hắc ra đát na đa ra dạ da (Sanskrit) Namah Ratnatrayaya.

Namah, Namo: dịch nghĩa (viết tắt: dng:) Kính lạy, Quy y, Quy mạng, Nương về. Ratnatrayaya: Tam Bảo (Phật, Pháp Tăng). Ratna: Bảo, quý báu; Traya: Tam, ba.

Lược giải (viết tắt: L.G.:) Con xin nương tựa, kính cẩn dâng trọn tâm, thân lên chư Phật, quy y Tam Bảo vô tận vô biên khắp mười phương ba đời. Câu niệm Phật chủ yếu mang lại tất cả điềm lành.

2Nam mô A rị da Namo Ariya,

Namo: dng: Kính lạy, Quy y. Ariya: dng: Thánh, Thánh giả, Bồ Tát Thánh. Bậc đã xa lìa khỏi mọi ác pháp.

L.G.: Con xin nương tựa, kính cẩn dâng tâm thân, nương tựa vào các bậc Thánh giả, rời xa những ác pháp chưa thiện.

3Bà lô yết đế thước bác ra da Valokitesvaraya,

Valokitesvaraya: dng: Valokite: Quán Thế Âm, đấng quán sát thế gian. Svaraya: Tự tại, Quán Tự Tại.

L.G.: Bồ Tát Quán Thế Âm, thành tựu quang minh biến chiếu, ánh sáng soi rọi muôn nơi, bậc tự tại sở quán sát, thấu suốt nỗi đau khổ để kịp thời cứu nhân độ thế.

4Bồ đề tát đỏa bà da Bodhisattvaya.

Bodhisattvaya: dng: Bodhi: giác ngộ; sattvaya: cứu độ chúng sinh hữu tình, Bồ Tát là bậc Giác ngộ hữu tình.

L.G.: Chư Bồ Tát đã dũng mãnh tự quán sát, tự tại, giác ngộ, tự giải thoát chính mình và cứu độ bảo hộ chúng sinh đi theo con đường giải thoát.

5Ma ha tát đỏa bà da Mahasattvaya.

Mahasattvaya: dng: Maha: Đại (lớn), đa (nhiều, số lượng), thù thắng (hoàn hảo); sattvaya: bậc hữu tình tu tập. Đại giác hữu tình.

L.G.: Đại Bồ Tát giác ngộ từ bi mang thần thông từ cõi trời tới cứu giúp chúng sinh thoát khỏi kiếp khổ nạn, giải thoát chúng sinh khỏi mê lầm.

6Ma ha ca lô ni ca da Mahakarunikaya.

Mahakarunikaya: dng: Đại bi tâm giả, người có thân tâm đại từ bi. Maha: đại; karuni: từ bi; kaya: thân (Phật hay Bồ Tát).

L.G.: Con xin cúi đầu hành lễ, hướng tâm đọc Chú Đại Bi với lòng thành kính trước pháp thân Bồ Tát bậc Giác ngộ Đại từ Đại bi.

7Án Om.

Om: dng: Án, Om. Án còn được gọi là Bổn Mẫu, Chú Mẫu hay Phật Mẫu. Om là thần chú ngữ tối thượng về đạo pháp, tâm linh và vũ trụ. Tất cả bậc đắc đạo đều phải qua tu tập thần chú này, nên gọi là “Phật Mẫu”.

L.G.: Thần chú chân ngôn mật ngữ “Om” tổng hợp mười pháp môn vi diệu, quy phục tất cả ma quỷ thần, khiến mọi thần chú và pháp môn phát huy được sức mạnh giáo hóa với muôn loài. Mười pháp môn đó là: nguồn (cội), cú (ngữ), quán (sát), trí (tuệ), hành (động), nguyện (lực), giáo (huấn), lý (diệu), nhân (thù thắng), quả (tương ưng).

8Tát bàn ra phạt duệ Sarva Rabhaye.

Sarva Rabhaye: dng: Sarva, sarvajna: Nhất thiết trí, trí giác ngộ; Rabhaye: vô úy, vô úy thí, diệt trừ sợ hãi, bhaya/bhayeṣu = sợ hãi, ám ảnh, nguy hiểm, bệnh hoạn, tai nạn. Đấng Nhất thiết trí Vô úy thí.

L.G.: Đấng Giác ngộ Thế tôn, Đấng Từ bi Vô úy thí. Câu chú tụng lên sẽ có Tứ Đại Thiên Vương tới hộ pháp, bảo vệ thoát khỏi mọi khổ nạn để được bình an.

9Số đát na đát tỏa Sudhanadasya.

Sudhanadasya: dng: Sudhana: thiện thí; asya: quán sát, quán chiếu thế gian. Đấng quán thế từ bi ban ân cứu khổ chúng sinh.

L.G.: Con thỉnh cầu sự từ bi cứu khổ cứu nạn của các đấng Thế gian giải Từ bi thiện thí, ban ân và khuyến hóa thế gian bằng chánh pháp.

10. Nam mô tất kiết lật đỏa, y Mông A rị da Namo Skrtva i Mom Ariya.

Namo Skrtva I Mom Ariya: dng: Namo: kính lễ, quy y; skratva: ư bỉ, đấng ở bên kia; i mom ariya: ngã thánh, bậc thánh giả của chúng ta. Kính lạy đấng Thánh giả của thế gian đến từ bên kia bờ giác ngộ.

L.G.: Con xin cung kính hành lễ sự vô ngã của các vị thánh giả của chúng con đang ở bờ giác ngộ.

11. Bà lô kiết đế thất phật Ra lăng đà bà Valokitesvara Ramdhava.

Valokitesvara Ramdhava: dng: Valokitesvara Quán Tự Tại Bồ Tát; Ramdhava: Hương điện hoa trắng từ bi vô thượng của Bồ Tát, Phổ Đà sơn (Trung quốc).

L.G.: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát nơi điện từ bi đại phát tâm cứu khổ ban vui.

12. Nam mô na ra cẩn trì Namo Narakindi,

Namo Narakindi: dng: Namo: kính lạy, quy y, quy mạng; Narakindi: hiền ái, hiền thủ, trí lực của đấng Giác tuệ Thánh Quán Tự Tại.

 L.G.: Con xin cúi đầu kính cẩn hành lễ sự bảo hộ của chư Đại Bồ Tát giác tuệ.

* Ấn pháp Thủ nhãn: (viết tắt: * AP:) Bảo Bình Thủ nhãn ấn pháp (chú ngữ: Na ra cẩn trì). Cầu người thân, quyến thuộc được sự hòa thuận.

13Hế rị ma ha Bàn đà sa mế  Hrih-maha Vadhasame

Hṛih-maha Vadhasame: dng: Hrih, Hrị: tâm, chủng tử; mahã: lớn, đại; Vadhasame: đại quang minh, ánh sáng trí tuệ. Ánh sáng tâm lực trí tuệ.

L.G.: Bậc đại chủng tử với đại tâm lực phát huy ánh sáng soi rọi khắp nơi đi sâu vào cảm hóa tâm khảm chúng sinh.

14. Tát bà A tha. Đậu du bằng Sarva Atha. Dusubhum.

Sarva Atha. Dusubhum: dng: Sarva; nhất thiết, siêu thượng; atta; ngã, siêu ngã; Dusubhum: trang nghiêm thanh tịnh. Bậc tối thượng viên mãn có ánh sáng vi diệu.

L.G.: Đấng nhất thiết chủng trí có tâm thanh tịnh vi diệu bình đẳng, đối đãi cùng muôn loài chúng sinh bằng sự từ ái.

15A thệ dựng Ajeyam,

Ajeyam: dng: Vô tỷ pháp, không gì có thể so sánh được.

L.G.: Không có pháp nào có thể sánh với pháp này, lời ngợi ca tinh thần soi sáng của Chú Đại Bi.

16Tát bà tát đa, Na ma bà tát đa Sarva Sadha Nama vasatva.

Sarva Sadha. Nama vasatva: dng: Sarva; nhất thiết, siêu thượng; Sadha: Tín, tín niệm, tín ngưỡng; nama, namah, namo: kính lạy, quy y; vasatva: Bậc Đại sĩ chiến thắng mọi quỷ thần.

L.G.: Kính lạy nhất thiết chủng Đại Bồ Tát, Đại Sĩ, Thế Tôn, Pháp vương, bậc chiến thắng mọi quỷ thần.

17. Na ma bà già Namo Vaga.

Namo Vaga: dng: kính lạy, quy y; Vaga: vô lượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng chú.

L.G.: Kính lạy vô lượng Phật, Thế Tôn, Bồ Tát.

18. Ma phạt đạt đậu. Đát thiệt tha Mavadudhu. Tadyatha.

Mavadudhu. Tadyatha: dng: Mavadudhu: bậc có đạo tâm đang ở trong cõi mê khiến sớm cho được thanh tịnh. Tadyatha: đấng Thế Tôn.

L.G.: con xin cung thỉnh mười phương chư Phật, mười phương Bồ Tát mở lòng từ bi cứu rỗi chúng sinh, xin các Ngài là thần ở cõi trời và là bạn ở trần gian để hộ trì thiện pháp đạt được thành tựu.

19. Án. A bà lô hê Om. Avaloki.

Om. dng: Án, Om (mật ngữ tối thượng). Avaloki: Bồ Tát Quán Thế Âm.

L.G.: Thần chú của Bồ Tát Quán Thế Âm tổng hợp mười pháp môn vi diệu, trí tuệ minh quang quy phục tất cả quỷ thần.

20. Lô ca đế Lokate.

Lokate: dng: Quán chiếu Thế gian, Tự tại, Thế Tôn.

L.G.: Bồ Tát Quán Thế Âm dùng trí tuệ và thần thông quán sát thế gian và cảm nhận tiếng kêu than của chúng sinh mười phương.

21Ca ra đế Karate,

Karate: dng: Đấng Bi giả có tâm đại từ bi siêu việt thế gian.

L.G.: Đức Thế Tôn, có tấm lòng đại từ bi cứu giúp chúng sinh khỏi đau khổ bi ai.

22. Di hê rị Ehre,

Ehre: dng: Thuận giáo, phát nguyện tinh tấn.

L.G.: Người tu tập phải phát nguyện tuân theo những lời giáo hóa của Quan Thế Âm Bồ Tát, gọi là thuận giáo.

23. Ma ha bồ đề tát đỏa Mahabodhisattva.

Mahabodhisattva: dng: Đại Bồ Tát. Maha: đại, lớn; bodhi: giác ngộ viên mãn Phật tánh; sattva: chúng hữu tình, ở đây là bậc thành tựu viên mãn bi trí dũng, định tuệ.

L.G.: Đại Bồ Tát vun trồng hạnh lành, công đức viên mãn, giác ngộ Phật tánh.

24. Tát bà tát bà Sarva Sarva,

Sarva: dng: Đấng Nhất thiết chủng trí, lợi lạc chúng sinh.

L.G.: Đấng Nhất thiết chủng trí hành trì ấn pháp mang tới an lạc thái hòa.

* AP: Bảo ấn thủ nhãn (chú ngữ: Tát bà tát bà). Cầu được khẩu tài vô ngại.

25. Ma ra Ma ra Mara Mara.

Mara Mara: dng: Pháp thanh lọc mọi cấu trược ô nhiễm, tăng trưởng Phật tánh.

L.G.: Tu hành pháp thanh lọc cấu trược ô nhiễm của ngũ ấm ma.

* AP: Như ý bảo châu thủ nhãn & Quyên sách thủ thủ nhãn (chú ngữ: Ma ra ma ra). Cầu tài bảo và cầu bình an, giải nạn.

26. Ma hê Ma hê rị đà dựng Mahe Mahe Dhayam.

Mahe Mahe dhayam: dng: Mahe: tâm tự tại; Dhayam: Tự tại Phạm thiên vương, đắc thanh liên hoa tâm.

L.G.: Tâm tự tại, không cần lời nói ra ý cũng đạt tới cảnh giới vi diệu. 

* AP: Thanh liên hoa thủ nhãn (chú ngữ: Rị đà dựng). Cầu được vãng sanh Tây phương Tịnh Độ. Ngũ sắc vân thủ nhãn (chú ngữ: Ma hê ma hê). Cầu thành tựu các pháp môn tu.

27. Cu lô Cu lô Kiết mông Kuru Kuru Karmam.

Kuru Kuru Karmam: dng: Kuru: tác pháp, tinh tấn, tiến lên; Karmam: Đại Phạm thiên có công đức diệt trở lực, nghiệp lực, có pháp âm vi diệu và lục độ.

L.G.: Mật ngữ khuyến khích tác pháp tu trì tinh tấn, nhờ vào trợ lực mầu nhiệm của Chú Đại Bi, có giúp đỡ của Phạm thiên vô giới hạn, công đức vô lượng.

* AP: Bạch liên hoa thủ nhãn (chú ngữ: Kiết mông). Cầu được các thứ công đức. Bảo loa thủ nhãn (chú ngữ: Cu lô cu lô). Triệu được các chư thiên, thiện thần.

28. Độ lô Độ lô Phạt xà da đế Dhuru Dhuru Vajayate,

Dhuru Dhuru Vajayate: dng: Dhuru: bảo trì, độ hải; Vajayate: Không hành giả, bậc dạo chơi ở trên không, đắc nguyệt quang tuệ, tỏa ánh sáng mát lành.

L.G.: Tu tập hành trì có thể vượt qua bể khổ sinh tử, giải thoát bản thân khỏi luân hồi, tìm tới nơi an lạc và sáng suốt.

* AP: Nguyệt tinh ma ni thủ nhãn (chú ngữ: Độ lô độ lô). Cầu bệnh nóng được mát lành.

29. Ma ha Phạt xà da đế Maha Vajayate.

Maha Vajayate: dng: Đại Không hành giả với oai đức lớn vi hành ở trên không.

L.G.: Hiển thị về Đại Phạm thiên Không hành giả đắc pháp lý vượt lên trên mọi thứ (trên không), là tối thắng ở đời.

* AP: Bàng bài thủ nhãn (chú ngữ: Phạt xà da đế). Ác thú không dám đến gần. Bảo qua thủ ấn (chú ngữ: Ma ha phạt xà da đế). Không bị các nạn đạo tặc quấy nhiễu.

30. Đà ra Đà ra Dhara Dhara,

Dhara Dhara: dng: Bảo hộ, bảo trì.

L.G.: Quán Thế Âm Bồ Tát bảo hộ cứu khổ cứu nạn chúng sinh với nước cam lộ trong tịnh bình, hay tịnh bình thủy.

* AP: Quân trì (Tịnh bình) thủ nhãn (chú ngữ: Đà ra đà ra). Cầu được sanh lên cõi trời Phạm Thiên.

31. Địa rị ni Dhirini,

Dhirini: dng: Hành giả trì tụng có dũng khí và tịch tĩnh.

L.G.: Trì tụng kinh sẽ thanh tịnh, diệt hết mọi ác niệm, tiêu trừ nghiệp chướng, trở về tâm thuần khiết, an tĩnh.

* AP: Câu thi thiết Câu thủ nhãn (chú ngữ: Địa rị ni). Cầu được trời rồng thường đến hộ vệ.

32. Thất Phật ra da Svaraya.

Svaraya: dng: Quang minh, phóng quang, quán chiếu thâm sâu đạt năng lực Tự tại và lửa trí tuệ.

L.G.: Pháp môn quán chiếu hướng ánh sáng vào trong tâm, soi sáng tâm tưởng, biết rõ lòng mình, phát sinh lửa trí tuệ và định lực tự tại.

 33. Dá ra Dá ra Cala Cala.

Cala Cala: dng: Cala, chala, cale: hành động, chuyển động, chấn động, rung chuyển.

L.G.: Mệnh lệnh thúc giục khắp cõi cùng tuân theo pháp lệnh (pháp loa) và hành động.

* AP: Bảo đạc thủ nhãn (chú ngữ: Dá ra Dá ra). Có được các âm thanh thù thắng của chư thiên.

34. Mạ mạ phạt ma ra Mamavamara,

Mamavamara: dng: Tối thắng ly cấu pháp, vô cấu nhiễm, không bị trần trược bám.

L.G.: Nhấn mạnh pháp ly cấu sẽ có kết quả, con người theo đúng giới pháp tu hành sẽ đạt được công đức lìa xa ảo trược..

* AP: Bạch phất thủ nhãn (chú ngữ: Ma ma). Cầu khỏi các ác chướng đến bên mình. Hóa cung điện thủ nhãn (chú ngữ: Phạt ma ra). Cầu đời đời được sanh vào điện Phật.

35. Mục đế lệ Muktele,

Muktele: dng: Vô cấu thể, thể không nhơ nhớp nhuốm trần trược.

L.G.: Chân ngôn mang biểu tượng dương chi, tức nhành dương liễu đi với tịnh bình thủy (chú Dhara dhara), có sức mạnh giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ, chướng ngại và bi ai.

* AP: Dương chi thủ nhãn (chú ngữ: Mục đế lệ). Cầu khỏi các loại thân bệnh.

36.Y Y Ehi Ehi,

Ehi Ehi: dng: Ehi: thuận giáo, dùng chánh pháp giáo hóa giúp gia tăng năng lực trí tuệ và tín niệm.

L.G.: Giáo hóa bằng đạo pháp là sự độ trì giúp phát sinh trí tuệ, hành giả cần phát tâm toàn ý tuân theo không chút nghi hoặc pháp lý.

* AP: Độc lâu chi thủ ấn (chú ngữ: Y hê di hê). Sai khiến được các loài quỷ thần.

37. Thất na thất na Cinda Cinda,

Cinda Cinda: dng: Lời thề rộng lớn, Đại hoằng thệ nguyện.

L.G.: Đại nguyện của Đại Bồ Tát như ánh dương sáng chói, rực rỡ đưa con người thoát khỏi khổ hải vô minh.

* AP: Bảo kính thủ nhãn (chú ngữ: Thất na thất na). Cầu được thông minh, trí tuệ.

38. A ra sâm Phật ra xá lợi Arsam Pracali,

Arsam Pracali: dng: Arsam: chuyển pháp luân; Pracali: Giác thân tử, Giác kiên cố tử, giác ngộ kiên cố.

L.G.: Cỗ xe đại pháp Phật luân chuyển, qua các Giác thân tử hay Chuyển luân pháp vương, đưa giáo lý tới chúng sinh, viên mãn đời đời, công đức vô lượng lưu truyền.

* AP: Sổ châu thủ nhãn (chú ngữ: Phật ra xá lợi). Cầu được chư Phật mười phương đến gia hộ. Hóa Phật thủ nhãn (chú ngữ: A ra sâm). Cầu sinh ra bất cứ nơi đâu cũng thường gặp được Phật.

39. Phạt sa Phạt sâm Vasa Vasam,

Vasa Vasam: dng: Vasa vasam: An trụ, hoan hỉ.

L.G.: Bồ Tát luôn an trụ trong tứ vô lượng tâm. Hoan ngữ hoan tiếu, tức hoan hỉ giảng, hoan hỉ nói, hoan hỉ nghe.

* AP: Bảo cung thủ nhãn (chú ngữ: Phạt sa phạt sâm). Cầu quan vị, chức tước.

40. Phật ra xá da Prasaya.

Prasaya: dng: Pra: tâm giác ngộ; saya: tượng vương, voi chúa. Trừ mọi độc hại do tham sân si gây nên, bảo vệ chánh pháp.

L.G.: Đây là bản thể của Pháp vương tử, tức hàng Bồ Tát. Triển khai tâm giác ngộ trừ tam độc hầu trở nên cao quý, sáng suốt hơn.

* AP: Tử liên hoa thủ nhãn (chú ngữ: Phật ra xá da). Cầu được thấy chư Phật khắp mười phương.

41. Hô lô Hô lô Ma ra Huru Huru Mara,

Huru huru Mara: dng: Huru: nhanh lên, tác pháp như ý; mara: tác pháp không bị nhiễm ô, tác pháp vô cấu nhiễm.

L.G.: Chân ngôn phát khởi tâm nguyện hành trì pháp luyện tâm khỏi nhiễm cấu trược, sẽ được trợ lực.

* AP: Ngọc hoàn thủ nhãn (chú ngữ: Hô lô hô lô ma ra). Cầu có được người trợ thủ.

42. Hô lô Hô lô Hê rị Huru Huru Hrih.

Huru huru Hrih: dng: Huru: nhanh lên; hrih: tâm, chủng tử, hạt giống Phật, hành giả.

L.G.: Mật ngữ khuyến tấn các con của Phật tinh tấn mau bước vào đường tu tập thành tựu quả vị.

* AP: Bảo bát thủ nhãn. Cầu tiêu trừ tật bệnh.

43. Ta ra Ta ra Sara Sara,

Sara sara: dng: Ghi nhớ, vững tâm ghi nhớ (kiên cố giả),

L.G.: Mật ngữnhắc nhở Phật tử vững tâm ghi nhớ ân đức và lời dạy của Ân Trên. Đây là thần lực phá giải ma chướng mạnh nhất.

* AP: Kim cang xử thủ nhãn (chú ngữ: Ta ra ta ra). Hàng phục oán cừu, thù địch.

44. Tất rị Tất rị Siri Siri,

Siri siri: dng: Ghi nhớ, vững tâm ghi nhớ, kiên cố lực, kiên cố giả.

L.G.: Mật ngữ nhắc nhở hành giả vững tâm kiên cố ghi nhớ ân đức và lời dạy của Ân Trên. Có ba ý nghĩa: dõng mãnh, thù thắng, cát tường.

* AP: Hiệp chưởng thủ nhãn (chú ngữ: Tất rị tất rị). Cầu cho chúng sinh thường thương mến nhau.

45. Tô rô tô rô Suru Suru,

Suru Suru: dng: Độ trì, cưu mang gánh nặng.

L.G.: Mật ngữ về độ trì, che chở, cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm với cam lộ thủy.

* AP: Cam lồ thủ nhãn (chú ngữ: Tô rô tô rô). Cầu cho loài quỉ đói no đủ mát mẻ.

46. Bồ đề dạ, Bồ đề dạ Bodhiya Bodhiya,

Bodhiya Bodhiya: dng: Bodhiya, bodhaya: tỉnh thức, giác ngộ.

L.G.: Mật ngữ thúc giục sự tu tập tỉnh thức, giác ngộ. Đây là giác đạo, qua tu tập giác tâm bồ đề bất thoái, hạnh bất thoái (kim cang hạnh) cho đến khi thành tựu.

* AP: Bất thoái kim luân thủ (chú ngữ: Bồ đề dạ). Cầu tái sanh nơi đâu cũng không thoái chuyển tâm bồ đề.

47. Bồ đà dạ, Bồ đà dạ Bodhaya Bodhaya.

Bodhaya Bodhaya: dng: Bodhaya, bodhiya: người trí giả, giác giả luôn tỉnh thức, giác ngộ.

L.G.: Mật ngữ thúc giục sự tu tập tỉnh thức, giác ngộ không thoái thất.

* AP: Đỉnh thượng hóa Phật thủ nhãn (chú ngữ: Bồ đà dạ). Cầu được chư Phật mười phương xoa đầu thọ ký.

48. Di đế rị dạ Maitriya.

Maitriya: dng: Đại từ bi, đại lượng, chánh lượng.

L.G.: Kính lạy Đức Quán Thế Âm từ bi vô lượng, giúp mọi loài an vui, tránh xa mọi tai ương.

* AP: Tích trượng thủ nhãn (chú ngữ: Di đế rị dạ). Cầu cho chúng sinh được an ổn.

49. Na ra cẩn trì Narakindi.

Narakindi: dng: Narakindi: Hiền ái, hiền thủ, thiện hộ, thiện đẳng, trí lực của đấng Giác tuệ Quán Tự Tại Bồ Tát.

 L.G.: Con xin cúi đầu kính cẩn hành lễ trí tuệ đại thiện, đại từ bi như biển cả của chư Đại Bồ Tát.

50. Địa rị sắc ni na Dharsinina.

Dharsinina: dng: Kiên lợi, bảo kiếm vững chắc nhanh nhẹn hàng phục vô minh, lìa xa mê vọng.

L.G.: Mật pháp dụng kiếm trí huệ giúp tu tập vững vàng và nhanh nhẹn, đoạn trừ vô minh, thiên ma tà đạo.

* AP: Bảo kiếm thủ nhãn. Hàng phục quỷ mị, vọng tưởng ám hại.

51. Ba dạ ma na Payamana.

Payamana: dng: Liên hệ đến văn (nghe), danh văn, hỉ xưng, thành danh.

L.G.: Con nghe và ca tụng danh văn của Đại Bồ Tát.

* AP: Bảo tiển thủ nhãn (chú ngữ: Ba dạ ma na). Cầu được sớm gặp bạn tốt.

52. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Svãha, Swãha: Sa bà ha, Ta bà ha, Tá hát, Tát bà ha, Tô ba ha. Có nghĩa là siêu việt (vượt qua), thành tựu, kiết tường (mật chú).

L.G.: Svaha là mật chú chân ngôn chủ yếu tiếng Phạn dùng kết các câu chú, như câu “Vãng sinh quyết định chân ngôn.” Svaha là mật chú, gồm nhiều nghĩa, nên để nguyên chứ không dịch. Có nhiều nghĩa như: thành tựu, kiết tường, tiêu tai, tăng phước, viên tịch, vô vi, vô trụ, nhất thiết, kính giác chư Phật chứng minh công đức.

53. Tất đà dạ Siddhaya.

Siddhaya: dng: Bậc thành tựu, thành hiện, đắc pháp viên mãn, viên lợi, thành lợi, hữu ích.

L.G: Ngợi ca bậc Giác ngộ, thành tựu viên mãn hữu ích cho mọi chúng sinh pháp giới.

* AP: Bảo kinh thủ nhãn (chú ngữ: Tất đà dạ ta bà ha – Ma ha tất đà dạ ta bà ha). Cầu được học rộng nhớ nhiều.

54. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

55. Ma ha Tất đà dạ Maha Siddhaya.

Maha Sidhaya: dng: Bậc đã đắc đại thành tựu.

L.G: Ngợi ca bậc Đại Giác, Đại thành tựu.

* AP: Bảo kinh thủ nhãn (chú ngữ: Tất đà dạ ta bà ha – Ma ha tất đà dạ ta bà ha). Cầu được học rộng nhớ nhiều.

56.Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

57. Tất đà du nghệ Siddhayoge.

Siddhayoge: dng: Siddha: Bậc thành tựu; yoge: không, hư không, vô ngã an lạc.

L.G.: Ngợi ca Bậc thành tựu pháp vô ngã an lạc vĩnh hằng hạnh phúc vô biên.

58. Thất bàn ra dạ Svaraya.

Svaraya: dng: Quang minh, phóng quang, quán chiếu thâm sâu đạt năng lực Tự tại và lửa trí tuệ.

L.G.: Pháp môn quán chiếu hướng ánh sáng vào trong tâm, soi sáng tâm tưởng, biết rõ lòng mình, phát sinh lửa trí tuệ và định lực tự tại.

* AP: Bảo khiếu thủ nhãn (chú ngữ: Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ). Cầu được các thứ châu báu trong lòng đất.

59. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

60. Na ra cẩn trì Narakindi.

Narakindi: dng: Narakindi: Hiền ái, hiền thủ, thiện hộ, thiện đẳng, trí lực của đấng Giác tuệ Quán Tự Tại Bồ Tát.

 L.G.: Con xin cúi đầu kính cẩn hành lễ trí tuệ đại thiện, đại từ bi như biển cả của chư Đại Bồ Tát.

61.Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

62. Ma ra na ra Maranara.

Maranara: dng: Bậc thành tựu Như ý tối thượng.

L.G: Ca ngợi bậc Vô thượng Như ý ban an vui lợi lạc cho chúng sinh.

63. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

64. Tất ra tăng A mục khê da Sirasam Amukhaya,

Sirasam Amukhaya: dng: Sirasam: thành tựu ái hộ, bất phân;Amukhaya:Đệ nhất nghĩa thứ nhất của tiếng yêu thương (ái ngữ đệ nhất nghĩa), ái chúng.

L.G: Ca ngợi bậc Vô thượng thương yêu và hòa hợp với mọi chúng sinh.

* AP: Phủ mâu thủ nhãn (chú ngữ: Tất ra tăng a mục khê da). Không bị các nạn kiện tụng, bắt bớ.

65. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

66. Ta bà ma ha A tất đà dạ Sarva Maha Asiddhaya.

Sarva Maha Asiddhaya: dng: Sarva; nhất thiết, siêu thượng; Maha asiddhaya: Đại thành tựu, vô lượng thành tựu.

L.G: Ca ngợi bậc Vô thượng Vô tỷ Thành tựu, không có gì so sánh được (Vô tỷ).

67. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

68. Giả kiết ra a tất đà dạ Cakra Asiddhaya

Cakra Asiddhaya: dng: Cakra: Kim cang luân, luân xa, trung ương; Asiddhaya: vị thành tựu pháp.

L.G: Ca ngợi bậc Đại Thành tựu cao thượng ở trung ương, chuyển pháp luân.

* AP: Bạt chiết la thủ ấn (chú ngữ: Giả kiết ra a tất đà dạ). Hàng phục thiên ma quỷ thần & Bồ đào thủ nhãn (chú ngữ: A tất đà dạ). Cầu mùa màng sung mãn.

69. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

70. Ba đà ma yết tất đà dạ Padmakastaya.

Padmakastaya: dng: Padmakastaya: padma: hồng liên hoa, hoa sen đỏ; kastaya: thân tâm trong sạch như sen.

L.G.: Ca ngợi Đấng được khai ngộ vì nghe được tiếng pháp loa, có thân như hoa sen.

* AP: Hồng liên hoa thủ nhãn (chú ngữ: Ba đà ma yết tất đà dạ). Cầu được sanh lên các cõi trời.

71. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

72. Na ra cẩn trì Bàn dà ra dạ Narakindi Vagaraya.

Narakindi Vagaraya: dng: Narakindi: trí lực của Thánh giác tuệ; Vagaraya: Quán Tự Thánh tôn,

 L.G.: Con xin kính cẩn hành lễ sự bảo hộ của Đại Bồ Tát giác tuệ Quán Thế Âm.

* AP: Thí vô úy thủ nhãn (chú ngữ: Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ). Tiêu trừ sự sợ hãi.

73. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, viên mãn (mật chú).

74. Ma bà lị Thắng yết ra dạ Mavari Samkraya.

Mavari Samkraya: dng: Mavati: đại dũng, anh hùng uy đức sanh tánh; samkraya: bổn tánh, chúng sanh tánh.

L.G: Ca ngợi đức Quán Thế Âm dũng mãnh có uy đức độ của bậc đại dũng.

* AP: Tổng nhiếp thiên tý thủ nhãn (chú ngữ: Ma bà lợi thắng yết ra dạ). Hàng phục được các loài ác ma trong tam thiên đại thiên thế giới.

75. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

76. Nam mô Hắc ra đát na đa ra dạ da Namah Ratnatrayaya.

Namah, Namo:dng: Kính lạy, Quy y, Quy mạng, Nương về, Nương theo.

Ratnatrayaya: Tam Bảo (Phật, Pháp Tăng). Ratna: Bảo, quý báu; Trayaya: Tam, ba.

L.G.: Con xin nương tựa, kính cẩn dâng trọn tâm, thân lên chư Phật, quy y Tam Bảo vô tận vô biên khắp mười phương ba đời.

77. Nam mô A rị da Namo Ariya,

Namo: dng: Kính lạy, Quy y. Ariya: dng: Thánh, Thánh giả, Bồ Tát Thánh. Bậc đã xa lìa khỏi mọi ác pháp.

L.G.: Con xin nương tựa, kính cẩn dâng tâm thân, nương tựa vào các bậc Thánh giả, rời xa những ác pháp chưa thiện.

78. Bà lô yết đế Valokites,

Valokites: dng: Quán Tự Tại, Quán Thế Âm.

L.G.: Bồ Tát Quan Thế Âm ánh sáng soi rọi, tỏa chiếu muôn nơi, thấu suốt nỗi đau khổ của chúng sinh để kịp thời cứu nhân độ thế.

79. Thước bàn ra dạ Varaya,

Varaya: dng: Quán Tự Tại, Quán Thế Âm.

L.G.: Bồ Tát Quan Thế Âm cứu nhân độ thế.

80. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

81. Án. Tất điện đô Om. Siddhyantu,

Om: dng: Án, Om (mật ngữ tối thượng). Siddhyantu: Bậc Thành tựu (Phật, Đại Bồ Tát).

L.G.: Om, thần chú tổng hợp mười pháp môn vi diệu, do Bậc Thành tựu chỉ dạy.

82. Mạn đa ra Mandara,      

Mandara: dng: Mandara, Mãndãra, Mantra.: Man tra, mạn trà, mạn đà la, mạn trà la. Dịch ra nhiều nghĩa: Linh phù, đàn, đạo tràng, pháp hội.

L.G.: Mạn đà ra chỉ sự bảo vệ thiêng liêng, thường là câu chú linh bằng tiếng Phạn, được đọc hoặc họa. Hành giả theo Man trà la giáo (Mật giáo, Chân ngôn tông) gom vào đó sức linh của Phật Thánh, để trừ tà ma, bảo hộ nhà cửa.

83. Bạt đà dạ Padaya.

Padaya: dng: Lời dạy của đấng Thế gian giải.

L.G.: Lời truyền dạy của đấng Thế gian giải. Toàn tâm viên mãn.

84. Ta bà ha Svaha.

Svaha: dng: Siêu việt, thành tựu, kiết tường (mật chú).

L.G.: Câu chú kết của bài thần chú. Có ý nghĩa: chứng minh, kiết giới, thành tựu viên mãn. Pháp Bảo của chư Phật luân lưu siêu việt trên vũ trụ.

Chùa Viên Quang, San Marcos, Nam California. (hmđ)

III. PHÁP Ý & ĐỘ LỰC & PHÁP TU CHÚ ĐẠI BI

Sự vi diệu của tất cả Thần chú do Ân Trên ban phát truyền dạy cho chúng sinh luôn hàm chứa viên toàn đức độ và huấn giáo về Từ Bi lẫn Trí Tuệ. Chú Đại Bi ban bố bất khả tư nghì năng lượng độ trì giải nạn cứu nguy và phước lành cho người chí thành cầu nguyện. Đồng thời, Đức Bồ Tát Quán Thế Âm trực tiếp ban khai thị ngộ nhập những pháp môn vi diệu giúp cho các hành giả tu trì đắc các pháp thiện lành và đạt được trí tuệ và đạo quả.

Chú Đại Bi tuy chỉ có 84 câu ngắn, nhưng trong đó ẩn tàng vô lượng độ lực từ bi và pháp môn tu tập đắc quả vị.

Trường hợp Phật tử có đức hạnh lại lâm khổ cảnh, đem hết lòng thành kính chí tâm chí thành cầu xin lực độ trì, cứu khổ cứu ban vui thì sẽ được toại ý. Các vị này nếu cần có thể chọn trì một số chú ngữ và ấn pháp thích hợp sẽ có hiệu nghiệm theo ý (như giải nạn hay trị bệnh…).

Trường hợp hành giả tu tập học đạo và quyết chí thành tựu, chọn một số (hay toàn bộ) trong những pháp môn trong Chú Đại Bi mà dốc sức tu tập, dưới sự hướng dẫn của bậc minh sư, tất sẽ thành đạt, vì các pháp môn trong Chú Đại Bi đều có mang lực độ trì gia hộ của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Thần, đặc biệt là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Nhiều hành giả đã đắc pháp qua Chú Đại Bi, và tường thuật lại kinh nghiệm bản thân. Vị nổi tiếng trong thời hiện đại là Hòa Thượng Tuyên Hóa có nhiều tường thuật về bản thân đắc pháp. Hòa Thượng xác nhận là hành giả có thể tu tập toàn bộ hay từng phần, nếu đắc trọn vẹn các pháp và ấn chú thì sẽ đắc Bồ Tát vị.

Sau đây là phần lược giải và liệt kê một số các pháp môn trong Chú Đại Bi. Thần chú và pháp ấn tương ứng xin mời truy cứu lại ở phần Phạn-Việt dịch bên trên. 84 câu chú được xếp thành bốn phần:

Phần thứ nhất: Nghi thức khai kinh, tôn vinh danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm:

Từ câu 1 – câu 6.

Phần thứ nhì: Ca ngợi thành tựu, đức độ, và đặc điểm của Bồ Tát Quán Thế Âm

Câu 7 – câu 21 (có ấn chú cầu nguyện).

Phần thứ ba: Liệt kê (tạm) các Pháp môn do Bồ Tát Quán Thế Âm truyền dạy và độ lực cho chúng sinh tu tập đắc quả (đi kèm với ấn chú): Câu 22 – câu 51.

Phần thứ tư: Hành lễ viên mãn, tán tụng ân đức từ bi vô lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm: Câu 52 – 84.

Phần thứ nhất: Nghi thức khai kinh, tôn vinh danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm:

Từ câu 1 – câu 6 (lược giải)

Chúng con xin nương tựa, kính cẩn dâng trọn tâm, thân lên chư Phật, quy y Tam Bảo vô tận vô biên khắp mười phương ba đời. Con xin kính cẩn dâng tâm thân, nương tựa vào các bậc Thánh giả, rời xa những ác pháp chưa thiện.

Bồ Tát Quán Thế Âm, đấng thành tựu quang minh biến chiếu, có ánh sáng soi rọi, tỏa chiếu muôn nơi. Chư Bồ Tát đã dũng mãnh tự quán sát, giác ngộ, tự giải thoát chính mình và cứu độ trợ lực chúng sinh trên con đường giải thoát. Đại Bồ Tát giác ngộ từ bi mang thần thông từ cõi trời tới cứu giúp chúng sinh thoát khỏi kiếp khổ nạn, giải thoát chúng sinh khỏi mê lầm.

Chúng con xin cúi đầu hành lễ, hướng tâm đọc Chú Đại Bi với lòng thành kính trước pháp thân Bồ Tát Bậc Giác Ngộ Đại Từ Đại Bi.

Phần thứ nhì: Ca ngợi thành tựu, đức độ, và đặc điểm của Bồ Tát Quán Thế Âm:

Từ câu 7 – câu 21 (lược giải)

Mật chú “Án” (Om) mở đầu cho phần này.Om còn được gọi là Bổn Mẫu, Chú Mẫu hay Phật Mẫu. Om là thần chú tối thượng về đạo pháp, tâm linh và vũ trụ. Tất cả bậc đắc đạo đều phải qua tu tập thần chú này, nên gọi là “Phật Mẫu”.

Tiếp theo là các Tôn hiệu về thành tựu của Bồ Tát Quán Thế Âm: Đấng Giác Ngộ Thế Tôn, Đấng Từ Bi Vô Úy Thí, Thế Gian Giải, Từ Bi Thiện Thí, Quán Chiếu Thế Gian, Tự Tại, Thế Tôn.

Đức độ của Ngài: vô ngã, đại từ bi đại cứu khổ ban vui, bảo hộ của chư Đại Bồ Tát Giác Tuệ, đại chủng tử với đại tâm lực phát huy ánh sáng soi rọi khắp nơi đi sâu vào cảm hóa tâm khảm chúng sinh.

Đặc trưng của Ngài: tâm thanh tịnh vi diệu bình đẳng; đối đãi cùng muôn loài chúng sinh bằng sự từ ái; có vô tỷ pháp (chứa trong Chú Đại Bi); bậc dõng mãnh chiến thắng mọi quỷ thần; dùng trí tuệ và thần thông quán sát thế gian và cảm nhận tiếng kêu than của chúng sinh mười phương; bậc có đạo tâm giúp cho cõi mê khiến sớm được thanh tịnh.

Xin lưu ý đến phần này, từ câu 12, xuất hiện một số ấn pháp thủ nhãn có tính cách cầu xin ban vui cứu khổ (như Bảo Bình thủ nhãn ấn pháp, cầu người thân, quyến thuộc được sự hòa thuận), vân vân.

Phần thứ ba: Liệt kê (tạm) các Pháp môn do Bồ Tát Quán Thế Âm truyền dạy cho chúng sinh tu tập đắc quả.

Câu 22 – câu 44 (lược giải)

Trong phần ba, mỗi câu đều là pháp môn, cộng thêm thần chú và ấn pháp riêng cho pháp môn tương ứng.

Bài viết chỉ xin liệt kê qua danh hiệu và chủ đích của pháp môn, dựa trên ý nghĩa của kinh văn. Những cách tu tập riêng trên pháp môn cần được minh sư chỉ dẫn. Mô Phật.

Pháp môn trong câu 22-23-24:Thuận giáo, phát nguyện tinh tấn. Người tu tập phải phát nguyện tuân theo những lời giáo hóa của Quan Thế Âm Bồ Tát. Nương theo công hạnh của Đấng Nhất Thiết Chủng Trí, lợi lạc chúng sinh, bậc thành tựu viên mãn bi trí dũng, định tuệ. Cần vững tâm ghi nhớ ân đức và lời dạy của Ân Trên. Đây là thần lực phá giải ma chướng mạnh nhất.

Câu 25: Pháp thanh lọc mọi cấu trược ô nhiễm, tăng trưởng Phật tánh.

Câu 26: Pháp tâm tự tại, không cần lời nói ra ý cũng đạt tới cảnh giới vi diệu., đắc thanh liên hoa tâm.

Câu 27: Tác pháp, tinh tấn lực, diệt trở lực, nghiệp lực, có pháp âm và lục độ.

Câu 28-29: Hạnh Không hành giả, đắc nguyệt quang tuệ, tỏa ánh sáng mát lành; đắc pháp lý vượt lên trên mọi thứ (trên không), là tối thắng ở đời.

Câu 30: Lực bảo hộ, gia trì của Quán Thế Âm cho hành giả.

Câu 31: Hành giả trì tụng kinh có dũng khí và tịch tĩnh, diệt hết mọi ác niệm, tiêu trừ nghiệp chướng, trở về tâm thuần khiết, an tĩnh.

Câu 32: Quang minh pháp. Pháp môn quán chiếu hướng ánh sáng vào trong tâm, soi sáng tâm tưởng, biết rõ tâm mình, phát sinh lửa trí tuệ và định lực tự tại.

Câu 33: Quán âm thanh pháp loa và tinh tấn tu hành theo pháp lệnh.

Câu 34: Tối thắng ly cấu pháp, vô cấu nhiễm, không bị trần trược bám. Tu theo đúng giới pháp tu hành sẽ đạt được công đức lìa xa ảo trược.

Câu 35: Vô cấu thể, thể không nhơ nhớp nhuốm trần trược, giải thoát khỏi đau khổ, chướng ngại và bi ai.

Câu 36: Thuận giáo, dùng chánh pháp giáo hóa giúp gia tăng năng lực trí tuệ và tín niệm. Hành giả cần toàn tâm ý tuân thủ không chút nghi hoặc pháp lý.

Câu 37: Phát đại hoằng thệ nguyện. Phát Bồ Tát nguyện, như ánh dương sáng chói, rực rỡ đưa con người thoát khỏi khổ hải vô minh.

Câu 38: Tu đắc Giác thân tử, theo đại nguyện chuyển pháp luân, đưa Phật pháp tới chúng sinh, viên mãn đời đời, công đức vô lượng lưu truyền.

Câu 39: An trụ trong tứ vô lượng tâm: từ bi hỉ xả. Hoan hỉ giảng, hoan hỉ nói, hoan hỉ nghe.

Câu 40: Tâm giác ngộ dũng mãnh (như tượng vương) voi chúa. Trừ mọi độc hại do tham sân si gây nên, bảo vệ chánh pháp.

Câu 41-42: Phát khởi tâm nguyện hành trì pháp luyện tâm khỏi nhiễm cấu trược, sẽ được ân điển trợ lực.

Câu 43-44: Mật ngữ nhắc nhở người tu vững tâm ghi nhớ ân đức và lời dạy của Ân Trên. Ghi nhớ, vững tâm ghi nhớ (kiên cố giả).

Câu 45: Mật ngữ về độ trì, che chở, cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm với cam lộ thủy.

Câu 46-47: Pháp tu tập tỉnh thức, tinh tấn, giác ngộ. Đây là giác đạo, qua tu tập giác tâm bồ đề bất thoái, hạnh bất thoái (kim cang hạnh) cho đến khi thành tựu. Cầu được chư Phật mười phương xoa đầu thọ ký.

Câu 48-49: Pháp hiền ái, hiền thủ pháp. Phát tâm đại từ bi, đại lượng, chánh lượng. Đây là pháp đặc thù của đấng Giác Tuệ Quán Tự Tại Bồ Tát.

 Câu 50: Pháp kiên lợi, dụng kiếm trí tuệ giúp tu tập vững vàng và nhanh nhẹn, đoạn trừ vô minh, thiên ma tà đạo.

Câu 51: Pháp danh văn. Liên hệ đến văn (nghe), danh văn, hỉ xưng, thành danh. Nghe và xưng tụng danh văn của Đại Bồ Tát.

Phần thứ tư: Hành lễ viên mãn, Tán tụng ân đức từ bi vô lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Câu 52 – câu 84 (lược giải)

Câu 52: Mở đầu cho phần Tán Tụng là đại thần chú “Ta bà ha(Svaha). Svaha là mật chú chân ngôn chủ yếu tiếng Phạn dùng kết thúc các câu chú. SvahaOm là hai mật ngữ chủ yếu, xuất hiện trong hầu hết kinh chú. Om thường khai mở, Svaha đúc kết. Svaha có nhiều nghĩa như: thành tựu, kiết tường, tiêu tai, tăng phước, viên tịch, vô vi, vô trụ, nhất thiết, kính giác chư Phật.

Trong phần thứ tư, “Hành lễ viên mãn” có đến 14 chữ Ta Bà Ha, là lời chúc tụng và thỉnh cầu chư Phật chứng minh công đức.

Ngợi ca Bậc Giác Ngộ, Bậc Đại Giác, Đại Thành Tựu Viên Mãn hữu ích cho mọi chúng sinh pháp giới.

Ngợi ca Bậc Thành Tựu pháp vô ngã an lạc vĩnh hằng hạnh phúc vô biên. Các Ngài phóng phát quang minh, quán chiếu thâm sâu đạt năng lực Tự Tại và lửa trí tuệ và tâm đại thiện, đại từ bi như biển cả.

Ngợi ca bậc Vô Thượng Như Ý ban an vui lợi lạc cho chúng sinh. Các Ngài ban cho chúng sinh ái ngữ đệ nhất nghĩa, thương yêu và hòa hợp với mọi chúng sinh.

Ngợi ca bậc Vô Thượng Vô Tỷ Thành tựu, không có gì so sánh được. Các Ngài chuyển pháp luân hoằng khai Chánh pháp.

Ngợi ca Đấng được khai ngộ vì nghe được tiếng pháp loa, có thân như hoa sen, có trí lực của Thánh Giác Tuệ.

Chúng con xin kính cẩn hành lễ sự bảo hộ của Đại Bồ Tát Giác Tuệ Quán Thế Âm. Ngài uy nghiêm đức độ của bậc đại dũng. Hàng phục được các loài ác ma trong tam thiên đại thiên thế giới.

Chúng con xin nương tựa, kính cẩn dâng trọn tâm, thân lên chư Phật, quy y Tam Bảo vô tận vô biên khắp mười phương ba đời.

Án, Mạn Trà, thần chú tổng hợp mười pháp môn vi diệu, do Bậc Thành Tựu chỉ dạy và bảo vệ thiêng liêng.

Chúng con xin tuân theo lời truyền dạy của đấng Thế gian giải. Toại tâm viên mãn.

Câu 84. Ta bà ha: Câu chú kết của bài thần chú. Có ý nghĩa: chứng minh, kiết giới, thành tựu viên mãn. Pháp Bảo của chư Phật luân lưu siêu việt trên vũ trụ.

Chân Nguyên Thiền Viện, Adelanto, California (hmđ)

Lời Bạch:

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo,

Chú Đại Bi là một trong số những Thần Chú được tôn vinh và phổ biến nhất của Đức Quán Thế Âm, vị Đại Bồ Tát gần gũi nhất và được yêu quý và gần gũi nhất của chúng sinh nhân loại từ ngàn xưa đến giờ. Hình tượng, kinh chú, và năng lượng từ bi của Ngài phủ tràn quả địa cầu nhỏ nhoi, với ánh linh quang tỏa sang trong không gian bất tận.

Chú Đại Bi, đúng như tên gọi, là một nhiệm mầu siêu diệu không sao nói tận cùng. Những ai có duyên lành gặp được Chú Đại Bi trong cuộc đời, và nghe, đọc, tụng, trì, tu, luyện… đều có ít nhiều ấn chứng tùy vào tâm thành của mình. Sự hiệu nghiệm thực tế của Chú Đại Bi không thể tưởng tượng được, nhất là trong sự cứu nạn cứu khổ. Nhiều người tai qua nạn khỏi, bệnh hoạn tiêu trừ, có những người thấy hình bóng, ánh linh quang, năng lượng dịu mát hay nghe âm thanh nhã nhạc của Ân Trên. Có những vị tu tập theo các pháp môn trong Chú Đại Bi được đắc thành quả vị. Ích lợi thật không thể nghĩ bàn.

Tùy vào cơ duyên, mức độ thành tín và công năng trì tụng hay tu tập Chú Đại Bi mà người tụng đọc hay tu tập gặt hái quả vị tương ưng. Tuy nhiên, vì Chú Đại Bi có xuất xứ rất sâu xa, và được phổ truyền đầu tiên bằng tiếng Bắc Phạn Sanskrit. Đó là một cổ ngữ rất khó hiểu, có nhiều từ mang nhiều nghĩa khác nhau. Đặc biệt là những linh ngữ hay chú ngữ, mật ngữ. Đó là những ngôn ngữ của Phật với Phật hay Thánh chúng và có tính cách điều khiển quỷ thần. Khi phổ biến sang các nước khác nhau, lại được dịch âm theo chữ Phạn. Cứ thế nhiều lần, tam sao thất bản. Khi đến tay người đọc tụng thời nay, đại đa số chỉ nghĩ đó toàn là thần chú hiệu nghiệm, cứ đọc tụng cứ yêu quý mà ít nghĩ đến việc hiểu nghĩa.

Đức Phật dạy chúng ta tu để đắc trí tuệ; hiểu rồi hẵn tin. Tuy rằng thời Mạt Pháp lắm tai ương khổ nạn, nhiều người chọn tin hơn là hiểu; đồng lúc, sự tiến hóa của nhân loài lại dẫn dắt nhiều người tìm theo lời dạy trí tuệ siêu diệu của Phật. Hiểu được chút mảy may đã phát lòng đại tín, vì đã phát khởi Bồ Đề Tâm và run rẩy cảm nhận trí huệ và từ bi vô biên vô lượng của chư Phật chư Bồ Tát. Chỉ cần hiểu được một hạt vi trần trên chiếc lá trong số nắm lá (thuyết giảng) trên bàn tay Phật khi Ngài đứng trước khu rừng trí tuệ của chính mình, chỉ có thế thôi là đã không uổng phí làm người!

Chuyển ngữ từng chữ Phạn từ trong Chú Đại Bi sang chữ Việt là một sự mạo muội, nhất là đối với những kẻ không hẳn là hành giả chuyên tu tập Chú Đại Bi. Tuy vậy, khi chúng con thực hiện công trình này dù chỉ với nguyện lực cúng dường cầu Ân Trên độ chúng sinh khổ nạn, tự bản thân đã đạt một số hiệu quả bất ngờ. Đó là sự rúng động khi cảm nhận Từ Bi vô lượng, Trí Tuệ vô biên, và Thần Lực bất khả tư nghì của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm khi Ngài trao tặng bài Pháp này cho chúng sinh pháp giới. Ngài là nguồn Đại Từ Bi đã duy trì sức sống trong vũ trụ và thế gian.

Chú Đại Bi cho thấy một sự từ ái mát dịu vô tả. Ngài Quán Thế Âm là bậc Đại Giác thệ nguyện độ chúng sinh. Ngài trao cho chúng sinh một kho tàng siêu việt trong Chú Đại Bi, vừa có khả năng kêu cầu tha lực cứu khổ cứu nạn; vừa tạo năng lực tự tại nơi hành giả bằng sự phát tâm cải ác thành thiện trong tu tập. Và sự tu tập này cũng có sự độ trì của Ngài cùng chư Thánh chúng nhờ các ấn và chú đi kèm. Chú Đại Bi kết tụ hầu hết là chân ngôn mật ngữ và danh hiệu Phật Thánh. Nhưng sự chọn lọc và sắp xếp ngôn từ và ý tưởng đã cho thấy, bên cạnh Trí Tuệ Đại Giác và Dũng Lực Thánh Vương, Tâm Từ Ái của Ngài bất khả tư nghì: Chú Đại Bi tập hợp và chọn lọc toàn là các từ các chú chứa chan tâm từ ái. Không có một mảy may nào không hàm chứa sự yêu thương. Ngài yêu thương hết tất cả muôn loài, ban tặng hết tất cả các phương tiện, từ suối nguồn cứu khổ cho đến cách vượt qua bể khổ và đạt đến cứu cánh trí tuệ. Ngài là ĐẠI TỪ BI, tuy là chủ tể của toàn thể quỷ thần với thần lực dũng mãnh, nhưng pháp loa, pháp lệnh của Ngài chỉ là lời phát khởi tâm yêu thương, khuyến khích sự thanh lọc bản thể khỏi trần trược, từ bi đến độ lo cứu đói khổ cho chúng quỷ thần (ngạ quỷ). Không có lấy một từ ngữ nào của sự răn đe hay quở phạt! Ngài chỉ ban cho, trao tặng tất cả. Mật chú, pháp ấn, biểu tượng, giảng giải, pháp môn… Sao cho con người thoát khổ, vượt qua bể khổ và đi sang bờ an vui vĩnh hằng của sự đắc đạo.

Thần chú trong tôn giáo là chân ngôn, mật ngữ, là tâm truyền tâm, tâm tâm tương ưng. Chỉ cần một chữ Om hay một danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, chú nguyện chí thành chí tâm cũng đủ có cơ hội chiêm ngưỡng hào quang rạng ngời. Hào quang chư Phật bao trùm trên vũ trụ. Mắt và tai của Đức Quán Thế Âm theo dõi và lắng nghe khắp nơi mọi chốn thế gian. Thế nên Phật tử thuần thành cần nhất là gieo trồng trong tâm khảm tròn đầy diệu âm Phật và linh quang Phật.

Tuy rằng thần chú mang tính cách thiêng liêng bất khả luận bàn; và việc trì tụng thần chú quan trọng nhất là tâm và tín; nhưng tìm hiểu ý nghĩa sẽ giúp gia tăng tín và tâm. Nắm bắt ý nghĩa một cách đơn sơ nhất, chẳng hạn như một danh hiệu của Đức Bồ Tát, sẽ giúp người tụng thoát khỏi trạng thái mơ hồ và cảm thấy tâm từ bi của Ân Trên. Nếu đạt đến được trạng thái liễu nghĩa là sẽ lần bước đi vào chân trời bao la tuyệt vời của Đạo. Do bởi mỗi một Phật từ của các đấng Từ Bi lưu lại thế gian đều chứa đựng năng lượng và hào quang vi diệu có khả năng giải cứu chúng sinh. Được cung kính học từng chữ của Ngài là hạnh phúc lớn lao nhất trong một kiếp nhân sinh.

Bản dịch trên đây Phật tử chúng con xin cung kính cúng dường nhân Mùa Phật Đản. Cầu xin Ân Trên chấp nhận và lượng thứ cho những nông cạn sai sót của lễ vật thô sơ dù tác tạo bằng nỗ lực và chân tâm hiếu kính của chúng con. Cầu xin Ân Trên gia trì phò hộ cho chúng sinh pháp giới được thoát khỏi cơn tai ách khổ nạn hiện nay.

Nam Mô Mười Phương Ba Đời Chư Phật Chư Đại Bồ Tát,
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát,
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Phật tử chúng con thọ nhận ân đức sâu dày của Chư Phật Chư Bồ Tát,
Xin đê đầu kính cẩn dâng lên bản lược khảo và dịch thuật CHÚ ĐẠI BI
Cúng dường Ân Trên, chí tâm đãnh lễ cảm tạ Tâm Đại Từ Bi.
Trong cơn tai ách khổ nạn của toàn nhân loại,
Cầu xin Ân Trên gia trì phổ độ chúng sinh pháp giới qua cơn đại dịch.

Chúng con xin thành kính lễ tạ các Đấng Ân Đức vô lượng vô biên.

Phật tử Tự Viện Bồ Đề, Quận Cam
(do Tỳ Kheo Thích Giác Biên chứng minh)

Quán Thế Âm Bồ Tát ở Tổ Đình Tịnh Xá Giác Lý, Garden Grove. (Hmd)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *